Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 46: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

16/08/201719:37(Xem: 5105)
Bài 46: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

3. TÌM MỘT CĂN ĐỂ

THÁO GỠ BUỘC RÀNG

- A Nan! Sao gọi là thế giới (1) chúng sanh? Thế là dời đổi, Giới là phương vị, nên biết: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, phương trên phương dưới là giới; quá khứ, hiện tại, vị lai là Thế. Về phương vị của không gian có mười, về sự lưu chuyển của thời gian có ba. Không gian, thời gian cùng với sự dời đổi trong thân của tất cả chúng sanh giao lộn lẫn nhau, nên thành thế giới chúng sanh. Tánh giới (2) dù thiết lập thành mười phương, nhưng phương vị nhất định mà người thế gian có thể rõ được, chỉ có Đông, Tây, Nam, Bắc tứ phương, còn phương trên, phương dưới và chính giữa thì chẳng có vị trí nhất định.
- Tứ phương nhân với tam thế (3), thành số mười hai, rồi nhân với lớp thứ ba, thành 12 x 100 = 1200 (Nguyên văn có nêu ra 4 lớp: l, l0, l00, l000). Tổng quát lại, trong lục căn mỗi mỗi có đến một ngàn hai trăm công đức (4).
- A Nan! Ngươi nên ở trong lục căn xác định chỗ hơn kém của mỗi căn.
- Như Nhãn Căn chỉ thấy phía trước, chẳng thấy phía sau, ngó qua hai bên thì ba phần chỉ thấy được hai. Tóm lại, công đức của nhãn căn chỉ được hai phần ba, vậy biết nhãn căn chỉ có tám trăm công đức.
- Như Nhĩ Căn nghe khắp mười phương chẳng sót, lúc động thì tựa như có xa gần, lúc tịnh thì chẳng bờ bến, vậy biết nhĩ căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.
- Như Tỵ Căn ngửi biết khi thở ra hít vào, có ra có vào, mà sót khoảng giữa khi ra vào giao tiếp, vậy ba phần thiếu một, nên biết Tỵ Căn chỉ có tám trăm công đức.
- Như Thiệt Căn tuyên dương cùng tột trí thế gian và xuất thế gian; lời nói dù có chừng ngằn, nhưng nghĩa lý thì vô cùng, vậy biết thiệt căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.
- Như Thân căn ở nơi thuận nghịch sanh ra xúc giác; (khi hợp thì năng giác có xúc giác), khi lìa thì bất tri (chẳng xúc giác), lìa chỉ có một, hợp thì thành hai, (khi lìa chỉ có một năng hoặc một sở chẳng định, khi hợp thì gồm đủ năng sở thành có hai), vậy ba phần thiếu một, nên biết thân căn chỉ có tám trăm công đức.
- Như Ý Căn thầm lặng mà cùng khắp tất cả pháp thế gian và xuất thế gian trong mười phương tam thế, cùng tột thánh phàm, đều bao gồm trong đó, vậy biết ý căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.
- A Nan! Nay ông muốn ngược dòng sanh tử, trở về nguồn gốc của lưu chuyển, đến chỗ chẳng sanh diệt, thì nên xét kỹ sự thọ dụng của lục căn này, cái nào hợp, cái nào lìa; cái nào sâu, cái nào cạn; cái nào viên thông (5), cái nào chẳng viên thông. Nếu ông ngay nơi những căn này ngộ được căn nào viên thông, nương theo căn viên thông đó mà xoay ngược dòng nghiệp hư vọng từ vô thỉ thì so với các căn khác, hiệu quả gấp nhiều lần, một ngày bằng một kiếp.
- Nay ta đã hiển bày một số công đức của lục căn như vậy, tùy ông lựa chọn căn nào dễ nhập, thì ta sẽ phát minh, khiến ông được thêm tinh tấn. Mười phương Như Lai nơi thập bát giới (6), mỗi người mỗi chọn một giới theo đó mà tu hành, đều được Vô thượng Bồ Đề, trong đó vốn chẳng hơn kém. Vì ông nay còn thấp kém, chưa thể phát huy trí huệ tự tại, nên ta khai thị căn viên thông, khiến ông từ một cửa đi vào. Vào sâu một cửa đến chỗ chẳng vọng, thì tất cả lục căn đều nhất thời trong sạch.

GIẢI NGHĨA

 

(1) Thế giới: Thế là dời đổi, là thời gian, gồm: Qúa khứ, hiện tại, tương lai; Giới là giới hạn, phương vị, là không gian, gồm 10 phương. Thế giới là không gian và thời gian cùng sự dời đổi trong thân của tất cả chúng sinh giao lộn lẫn nhau thành thế giới chúng sinh.

 

(2) Tánh giới: Là không gian, gồn 10 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, phương Trên, phương Dưới.

 

(3) Tam thế: Là qúa khứ, hiện tại, tương lai.

 

(4) Công đức: Có công lao đối với người, có đức độ đối với người và xã hội, gọi là công đức. Công đức ở đây có tính cách tượng trưng về sự biết đối với vạn vật vũ trụ, nên có thể nói là công năng.

 

(5) Viên thông: Viên là tròn đầy, là thể tính biến mãn cùng khắp; thông là đi suốt qua, là diệu dụng dung thông không ngăn ngại; Viên thông là hòa hợp đầy đủ, chứng được diệu trí ngộ được chân như.

 

(6) Thập bát giới: Gồm: Sáu Căn, Sáu Trần và Sáu Thức.

 

      Đức Phật giảng về thế giới, đại ý là con người đối với không gian: Đông, Tây, Nam, Bắc, đối với thời gian: quá khứ, hiện tại, vị lai; hai thứ không gian và thời gian gắn bó mật thiết với nhau. Không gian, thời gian cùng với sự dời đổi trong thân của tất cả chúng sinh giao lộn lẫn nhau, nên thành thế giới chúng sanh. Sự tác động qua lại của không gian và thời gian lại tương quan mật thiết với Sáu Căn nên có sức tạo ra vô số công đức, ở đây rất là phức tạp; như mắt thấy người khác thì thấy biết lạ quen, biết là ai, tên gì, tính nết ra sao, ở đâu, đã gặp từ khi nào, có biết bao nhiêu thứ thấy biết về người này.

 

     Công thức tính công đức như sau: Tứ phương là 4, nhân với tam thế là 3, thành số 12, rồi nhân với lớp thứ ba dành cho con người là hằng số 100 (Nguyên văn có nêu ra 4 lớp: l, l0, l00, l000. Như vậy, có thể hiểu rằng các lớp thứ nhất thứ hai và thứ tư là những hằng số dành cho Địa ngục, Súc sinh, Qủy, Thần, Trời), thành 12 x 100 = 1200 công đức. Nếu ai đã từng học Trung, Đại học, cũng đã thấy trong một số công thức toán học và vật lý học có dùng “hằng số” tương tự như thế.

 

       Đức Phật giảng về các căn rằng: “- A Nan! Ngươi nên ở trong lục căn xác định chỗ hơn kém của mỗi căn.
- Như Nhãn Căn chỉ thấy phía trước, chẳng thấy phía sau, ngó qua hai bên thì ba phần chỉ thấy được hai. Tóm lại, công đức của nhãn căn chỉ được hai phần ba, vậy biết nhãn căn chỉ có tám trăm công đức.
- Như Nhĩ Căn nghe khắp mười phương chẳng sót, lúc động thì tựa như có xa gần, lúc tịnh thì chẳng bờ bến, vậy biết nhĩ căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.
- Như Tỵ Căn ngửi biết khi thở ra hít vào, có ra có vào, mà sót khoảng giữa khi ra vào giao tiếp, vậy ba phần thiếu một, nên biết Tỵ Căn chỉ có tám trăm công đức.
- Như Thiệt Căn tuyên dương cùng tột trí thế gian và xuất thế gian; lời nói dù có chừng ngằn, nhưng nghĩa lý thì vô cùng, vậy biết thiệt căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức.
- Như Thân căn ở nơi thuận nghịch sanh ra xúc giác; (khi hợp thì năng giác có xúc giác), khi lìa thì bất tri (chẳng xúc giác), lìa chỉ có một, hợp thì thành hai, (khi lìa chỉ có một năng hoặc một sở chẳng định, khi hợp thì gồm đủ năng sở thành có hai), vậy ba phần thiếu một, nên biết thân căn chỉ có tám trăm công đức.
- Như Ý Căn thầm lặng mà cùng khắp tất cả pháp thế gian và xuất thế gian trong mười phương tam thế, cùng tột thánh phàm, đều bao gồm trong đó, vậy biết ý căn đầy đủ một ngàn hai trăm công đức”.
     Nghĩa là trong Sáu Căn có chỗ hơn kém của mỗi căn như Nhãn căn, Tỵ căn, Thân căn, mỗi căn chỉ có tám trăm công đức; Nhĩ căn, Thiệt căn, Ý căn, mỗi căn có đầy đủ một nghìn hai trăm công đức.

 

     Ngài dạy: “- A Nan! Nay ông muốn ngược dòng sanh tử, trở về nguồn gốc của lưu chuyển, đến chỗ chẳng sanh diệt, thì nên xét kỹ sự thọ dụng của lục căn này, cái nào hợp, cái nào lìa; cái nào sâu, cái nào cạn; cái nào viên thông, cái nào chẳng viên thông. Nếu ông ngay nơi những căn này ngộ được căn nào viên thông, nương theo căn viên thông đó mà xoay ngược dòng nghiệp hư vọng từ vô thỉ thì so với các căn khác, hiệu quả gấp nhiều lần, một ngày bằng một kiếp”. Nghĩa là khi tu tập diệt trừ phiền não, nên chọn căn hơn, mà chinh phục vô minh thì sự thành công chóng hơn những căn kém yếu, như tu Nhĩ căn, Thiệt căn, Ý căn dễ thành công hơn là tu Nhãn căn, Tỵ căn, Thân căn.

 

     Đức Phật dạy tiếp: “- Nay ta đã hiển bày một số công đức của lục căn như vậy, tùy ông lựa chọn căn nào dễ nhập, thì ta sẽ phát minh, khiến ông được thêm tinh tấn. Mười phương Như Lai nơi thập bát giới, mỗi người mỗi chọn một giới theo đó mà tu hành, đều được Vô thượng Bồ Đề, trong đó vốn chẳng hơn kém. Vì ông nay còn thấp kém, chưa thể phát huy trí huệ tự tại, nên ta khai thị căn viên thông, khiến ông từ một cửa đi vào. Vào sâu một cửa đến chỗ chẳng vọng, thì tất cả lục căn đều nhất thời trong sạch”.

     Nghĩa là trong Sáu Căn, Sáu Trần, Sáu Thức (thập bát giới), thích hợp thứ nào thì chọn thứ đó mà tu hành; khi tháo gỡ được Một căn thì Sáu căn đồng thời thanh tịnh như sau: Sáu căn vốn không phải sáu mà nói sáu vậy thôi, đúng ra phải nói là Một; nhưng Một mà không phải Một, nên Ngài tùy thuận chúng sinh mà nói Sáu. Bởi vì: nếu là Sáu căn khác nhau, sao đang đi mắt thấy hố sâu thì chân tránh bước vào hố? Nếu là Một sao tai nghe nói, mà miệng đáp, ý suy nghĩ, tay cử động?

 

      Khi nào chúng ta làm chủ được Sáu căn thì hiện tượng vạn hữu trong thế gian này vẫn như vậy, nhưng đối với chúng ta các phiền não đã tiêu diệt từ trong trứng nước rồi. Người giác ngộ chân lý trọn vẹn, là người có cái nhìn vạn pháp bằng tính giác hằng soi sáng (Tri kiến Phật), tức là thấy biết mà không có thái độ nào (tri kiến vô kiến) vậy.

 

4. SẮC TRẦN DO CĂN PHẢN

    ẢNH THÀNH NĂNG SỞ

 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]