Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 15: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

17/01/201721:15(Xem: 5736)
Bài 15: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Buddha_9
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

2. CHÂN TÂM CHẲNG CÓ CHỖ TRẢ VỀ

     A Nan nói:
- Nếu tâm tánh của con đều có chỗ trả về, thì cái diệu tâm sáng tỏ của Như Lai nói, sao chẳng có chỗ trả về? Xin Phật thương xót, khai thị cho con.
     Phật bảo A Nan:
- Nay ông thấy được ta là do cái kiến tinh sáng tỏ (
đệ nhị nguyệt), kiến tinh này chẳng phải là diệu tâm sáng tỏ (đệ nhất nguyệt), gượng nói như mặt trăng thứ hai, cũng chẳng phải bóng của mặt trăng thứ nhất vậy. Ông hãy chú ý nghe, bây giờ ta sẽ chỉ rõ chỗ chẳng thể trả về. A Nan, như đây, giảng đường mở cửa bên đông, mặt trời mọc lên thì sáng, nửa đêm không trăng thì tối; chỗ có cửa nẻo thì thông, chỗ có vách tường thì nghẽn, chỗ phân biệt là duyên, nơi hư không là trống rỗng, bụi trần nổi lên thì thấy mịt mù, mưa tạnh trời thanh thì thấy sáng sủa, A Nan, ông xem các tướng biến hóa này, nay ta trả về chỗ bản nhân của nó! Sao gọi là bản nhân? Các tướng biến hóa này, sáng trả về mặt trời, tại sao? Vì không mặt trời thì chẳng sáng, sáng thuộc mặt trời, nên trả về mặt trời, tối trả về đêm không trăng, thông trả về cửa nẻo, nghẽn trả về vách tường, duyên trả về phân biệt, trống rỗng trả về hư không, mịt mù trả về bụi trần, sáng sủa trả về mưa tạnh, tất cả việc thế gian không ngoài những loại này, vậy còn kiến tinh thấy được tám thứ kể trên đó, ông định trả về đâu? Nếu trả cho sáng thì lúc không sáng chẳng thể thấy tối, thế thì sáng tối chẳng thể phân biệt, còn bảy thứ kia cũng giống như vậy. Những cái trả về được tất nhiên chẳng phải ông, cái không thể trả về, chẳng phải ông là ai? Vậy biết tâm ông vốn diệu minh trong sạch, ngươi tự mê muội lạc mất bản tâm, cam chịu luân hồi, thường bị trôi lăn trong vòng sanh tử, nên Như Lai nói là đáng thương xót!

GIẢI NGHĨA

     A Nan thưa: “- Nếu tâm tánh của con đều có chỗ trả về, thì cái diệu tâm sáng tỏ của Như Lai nói, sao chẳng có chỗ trả về? Xin Phật thương xót, khai thị cho con”. Ở đây, Tôn giả A Nan Đà đại diện cho phàm phu thắc mắc không hiểu lý do tại sao vọng tướng vọng tưởng (tâm tánh) đều có chỗ trả về, mà chân tâm (diệu tâm sáng tỏ) lại chẳng có chỗ trả về? Do đó Tôn giả xin Phật thương xót, khai thị cho chỗ không hiểu.

     ĐứcPhật bảo Tôn giả A Nan: “- Nay ông thấy được ta là do cái kiến tinh sáng tỏ, kiến tinh này chẳng phải là diệu tâm sáng tỏ, gượng nói như mặt trăng thứ hai, cũng chẳng phải bóng của mặt trăng thứ nhất vậy”. Nghĩa là nay ông thấy được ta là do cái thấy (kiến tinh) sáng tỏ, cái thấy này chẳng phải là chân tâm (diệu tâm) sáng tỏ, gượng nói như mặt trăng thứ hai, cũng chẳng phải bóng của mặt trăng thứ nhất vậy.

    Ngài nói tiếp: “Ông hãy chú ý nghe, bây giờ ta sẽ chỉ rõ chỗ chẳng thể trả về. A Nan, như đây, giảng đường mở cửa bên đông, mặt trời mọc lên thì sáng, nửa đêm không trăng thì tối; chỗ có cửa nẻo thì thông, chỗ có vách tường thì nghẽn, chỗ phân biệt là duyên, nơi hư không là trống rỗng, bụi trần nổi lên thì thấy mịt mù, mưa tạnh trời thanh thì thấy sáng sủa”. Ở đây,Ngài lấy thí dụ để chỉ.

     Đức Phật giảng chỗ trả về như sau: “A Nan, ngươi xem các tướng biến hóa này, nay ta trả về chỗ bản nhân của nó! Sao gọi là bản nhân? Các tướng biến hóa này, sáng trả về mặt trời, tại sao? Vì không mặt trời thì chẳng sáng, sáng thuộc mặt trời, nên trả về mặt trời, tối trả về đêm không trăng, thông trả về cửa nẻo, nghẽn trả về vách tường, duyên trả về phân biệt, trống rỗng trả về hư không, mịt mù trả về bụi trần, sáng sủa trả về mưa tạnh, tất cả việc thế gian không ngoài những loại này”. Nghĩa là nay trả về nơi xuất phát (chỗ bản nhân) của nó, các tướng của nó thay đổi biến hóa sinh diệt. Như sáng thuộc mặt trời, nên trả về mặt trời, tối trả về đêm không trăng sao, thông trả về cửa nẻo, nghẽn trả về vách tường, v.v…Tất cả những việc của thế gian không ngoài những loại như thế, đều có chỗ để trả về.

     Ngài giảng về không chỗ trả về như sau: “Vậy còn kiến tinh thấy được tám thứ kể trên đó, ông định trả về đâu? Nếu trả cho sáng thì lúc không sáng chẳng thể thấy tối, thế thì sáng tối chẳng thể phân biệt, còn bảy thứ kia cũng giống như vậy. Những cái trả về được tất nhiên chẳng phải ông, cái không thể trả về, chẳng phải ông là ai? Vậy biết tâm ông vốn diệu minh trong sạch, ông tự mê muội lạc mất bản tâm, cam chịu luân hồi, thường bị trôi lăn trong vòng sanh tử, nên Như Lai nói là đáng thương xót!” Chúng ta thấy cái thấy sáng tỏ (kiến tinh) thấy được tám thứ kể trên, không có chỗ trả về, vì nếu cái thấy trả cho sáng thì lúc nào cũng sáng, do đó lúc không sáng chẳng thể thấy tối, do đó sáng tối chẳng thể phân biệt, bảy thứ kia cũng giống như vậy. Những cái trả về được tất nhiên chẳng phải của mình, riêng cái thấy không thể trả về thì nó là của mình, chẳng lẽ nó là của người khác được sao? Vì vậy biết cái thấy sáng tỏ (kiến tinh) vốn diệu minh trong sạch, chỉ vì chấp chặt dính cứng vào những thứ có thể trả về kia làm tâm mình (tự mê muội) quên mất cái thấy sáng tỏ, làm lạc mất chân tâm (bản tâm), nên phải chịu luân hồi, bị trôi lăn trong vòng sinh tử, nên “Như Lai nói là đáng thương xót!” là vậy.

     Tóm lại, Chúng ta thấy Đức Phật giải thích rất rõ về cái thấy sáng tỏ thuộc về tâm, cái thấy chưa phải là chân tâm, Phật nói nó là mặt trăng thứ hai, nghĩa là cái thấy chỉ là cái dụng của chân tâm mà thôi. Đây là cái diệu dụng của chân tâm biểu hiện bằng cái thấy, là một trong sáu cái dụng “thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm giác và ý”, hàng ngày chúng ta sử dụng mà không nhận ra vậy.

4). LOẠI CÁC TRẦN CẢNH

     CÒN LẠI TÍNH THẤY

1- VẬT KHÔNG PHẢI LÀ TA

     A Nan nói:
- Con dù biết tánh kiến này chẳng thể trả về, nhưng làm sao biết là chân tánh của con?
     Phật bảo A Nan:
- Ta hỏi ông, nay ông chưa đắc quả vô lậu (1), nhờ thần lực của Phật, được thấy cõi sơ thiền (2) chẳng có ngăn ngại, mà A Na Luật (3) thấy cõi Ta Bà như xem trái Yêm Ma La trong bàn tay, các Bồ Tát thấy trăm ngàn cõi, mười phương Như Lai cùng tột vô số quốc độ Phật, chẳng chỗ nào không thấy khắp, mà sức thấy của chúng sanh thì chẳng quá vài dặm. A Nan, nay ta cùng ông xem cung điện của Tứ Thiên Vương (4), từ đó trở xuống, xem tất cả hình tượng sáng tối khắp hư không, dưới nước và trên bờ, đều bị chướng ngại nơi tiền trần (5) phân biệt, nay ta cho ông phân biệt trong sự thấy, xét xem cái nào là tự thể của tánh thấy, cái nào là vật tượng? A Nan, cùng tột sức thấy của ông, từ cung trăng cho đến Thất Kim Sơn, quán xét cùng khắp, dù có đủ thứ ánh sáng cũng đều là vật chứ chẳng phải ông, dần dần xem đến mây bay, chim hót, gió động, bụi nổi, cho đến núi sông, đất đai, người thú, cỏ lá... đều là vật chứ chẳng phải ông.

GIẢI NGHĨA
(1) Qủa vô lậu: Là đã đạt được tâm không còn bị ràng buộc dính mắc ô nhiễm bởi trần cấu của Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới.

(2) Cõi sơ thiền: Là tầng trời Phạm Thiên, thuộc Sắc giới thấp nhất.

(3) A Na Luật: Tôn giả A Na Luật là một trong số hoàng thân xuất gia tu đạo khi Đức Phật về thăm hoàng tộc lần đầu tiên. Thời gian đầu trong khi tu hành, Tôn giả thường ngủ qúa nhiều nên chểnh mảng việc tu hành, việc này bị Đức Phật quở, nên từ đó Tôn giả không ngủ trong nhiều ngày khiến bị mù cả đôi mắt, nhưng nhờ tinh tấn tu hành theo lời Phật dạy nên đạt qủa A La Hán và có Thiên Nhãn thông nhìn suốt Tam Thiên Đại Thiên nghĩa là nhìn thấu một cõi Phật, cõi Ta Bà, tức là giải Ngân Hà Milkyway có cả nghìn tỉ mặt trời.

(4) Cung điện Tứ Thiên Vương: Cung điện lâu đài của bốn vị Thiên Vương quản trị thế gian nằm tại bốn phiá Đông Tây Nam Bắc tại lưng chừng núi Tu Di.

(5) Tiền trần: Là 5 trần, gồm: hình sắc (sắc), âm thanh (thinh), mùi (hương), vị, cảm giác (xúc).

     Tôn giả A Nan thắc mắc hỏi: “Con dù biết tính kiến (thấy) này chẳng thể trả về, nhưng làm sao biết là chân tính của con?
     Đức Phật bảo: “Ta hỏi ông, nay ông chưa đắc quả vô lậu, nhờ thần lực của Ta, được thấy cõi sơ thiền chẳng có ngăn ngại, trong khi A Na Luật thấy cõi Ta Bà như xem trái Yêm Ma La trong bàn tay, còn các Bồ Tát thấy trăm ngàn cõi, mười phương Như Lai cùng tột vô số quốc độ Phật, chẳng chỗ nào không thấy khắp, mà sức thấy của chúng sanh thì chẳng quá vài dặm”. Đến đây, Tôn giả A Nan đã biết tính thấy (tánh kiến) không có chỗ trả về, nhưng lại thắc mắc rằng làm sao chứng minh được tính thấy là tính chân thật (chân tánh)? Đức Phật bảo nhờ Ngài gia trì nên Tôn giả dù chưa sạch các dính mắc trần cảnh, mà thấy được tới tầng trời Phạm Thiên (cõi Sơ thiền). Trong khi Tôn giả A Na Luật đã đạt qủa A La Hán thì thấy hết giải Ngân Hà Milkyway  (cõi Ta Bà), các Bồ Tát thấy vô số giải Ngân Hà chẳng có trở ngại, còn các phàm phu chỉ thấy hạn hẹp không qúa vài dặm.

Ngài nói tiếp: “Nay Ta cùng ông xem cung điện của Tứ Thiên Vương, từ đó trở xuống, xem tất cả hình tượng sáng tối khắp hư không, dưới nước và trên bờ, đều bị chướng ngại nơi tiền trần phân biệt, nay Ta cho ông phân biệt trong sự thấy, xét xem cái nào là tự thể của tính thấy, cái nào là vật tượng?” Ở đây, Đức Phật cùng Tôn giả quan sát tất cả các hình tượng vật thể từ lưng chừng núi Tu Di, tức từ cung điện cõi trời Bốn Thiên Vương trở xuống tới sông biển núi đồi…, để xét xem cái nào là vật tượng cái nào là chân tính (tự thể) của tính thấy.

    Ngài giảng: “A Nan, cùng tột sức thấy của ông, từ mặt trăng cho đến Thất Kim Sơn, quán xét cùng khắp, dù có đủ thứ ánh sáng cũng đều là vật chứ chẳng phải ông, dần dần xem đến mây bay, chim hót, gió động, bụi nổi, cho đến núi sông, đất đai, người thú, cỏ lá... đều là vật chứ chẳng phải ông”.

     Ở đây chúng ta thấy Đức Phật chỉ rõ ràng: Tất cả vạn vật xum la đều là vật, chẳng có cái nào là tự thể của tính thấy, tức chẳng có cái nào là chân tâm, chẳng có vật nào là ta cả.

2 - CÁI THẤY KHÔNG PHẢI VẬT

(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]