Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

IX - Phẩm pháp môn bất nhị

09/05/201313:56(Xem: 9536)
IX - Phẩm pháp môn bất nhị

Kinh Thuyết Vô Cấu Xứng (Quyển 4-6)

IX - Phẩm pháp môn bất nhị

Việt dịch: Thích nữ Tịnh Nguyên

Nguồn: Hán dịch: Đại Đường, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang Chứng nghĩa: Tỳ kheo Thích Đỗng Minh, Tỳ kheo Thích Tâm Hạnh.

Bấy giờ, Vô Cấu Xứng hỏi khắp các Bồ tát ở trong chúng:

- Bồ tát ngộ nhập vào pháp môn bất nhị như thế nào? Theo khả năng biện tài của mình, các ngài nói tùy ý.

Khi ấy, các Bồ tát trong chúng hội theo sở thích của mình mà lần lượt nói.

Bồ tát tên Pháp Tự Tại nói:

- Sanh và diệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ các pháp xưa nay không sanh cũng không diệt. Chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn như vậy, đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Thắng Mật nói:

- Ngã và ngã sở phân biệt là hai. Vì do chấp ngã nên chấp ngã sở. Nếu hiểu rõ không có ngã cũng không có ngã sở. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Vô Thuấn nói:

- Hữu thủ và vô thủ, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ vô thủ không chỗ đắc. Vì không chỗ đắc nên không tăng, không giảm, không làm không nghỉ, không chấp trước vào tất cả pháp. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Thắng Phong nói:

- Tạp nhiễm và thanh tịnh, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ tạp nhiễm và thanh tịnh không có hai thì không phân biệt, đoạn hẳn sự phân biệt, hướng đếndấu vết tịch diệt. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Diệu Tinh nói:

- Tán động và suy nghĩ, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ không bị tán động, không có đối tượng suy nghĩ thì không tác ý, trụ vào không tán động, không có đối tượng suy nghĩ thì không tác ý. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Diệu Nhãn nói:

- Một tướng không tướng, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ các pháp không có một tướng, không có tướng khác cũng không có không tướng, thì biết một tướng, tướng khác, không tướng ấy là bình đẳng. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Diệu Tý nói:

- Hai tâm Bồ tát và Thanh văn là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ tánh của hai tâm là không như huyễn không có tâm Bồ tát, không có tâm Thanh văn. Tướng của hai tâm ấy bình đẳng đều như huyễn hóa. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Dục Dưỡng nói:

- Thiện và bất thiện, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ tánh thiện và tánh bất thiện không có chỗ phát sanh. Tướng và vô tướng cả hai đều bình đẳng, không nắm bắt không buông xả. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Sư Tử nói:

- Có tội và không tội, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ có tội và không tội cả hai đều bình đẳng. Dùng Kim cang huệ mà thông đạt các pháp không buộc không mở. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Sư Tử Huệ nói:

- Hữu lậu và vô lậu, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ tánh của tất cả pháp đều bình đẳng. Đối với lậu và vô lậu không có hai tưởng. Nếu không chấp vào hữu tưởng không chấp vào vô tưởng. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Tịnh Thắng Giải nói:

- Hữu vi và vô vi, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ tánh hai pháp đều bình đẳng. Xa lìa các hành, giác huệ như hư không. Trí huệ thanh tịnh, không chấp lấy không xả bỏ. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Na La Diên nói:

- Thế gian và xuất thế gian, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ bản tánh của thế gian là không tịch, không nhập không xuất, không lưu chảy, không tản mác, cũng không chấp trước. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Điều Thuận Huệ nói:

- Sanh tử và Niết bàn, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ tánh của sanh tử vốn là không, không có lưu chuyển cũng không tịch diệt. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Hiện Kiến nói:

- Hữu tận và vô tận, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ hoàn toàn không có hữu tận và vô tận. Chủ yếu làm hoàn toàn tận mới gọi là tận. Nếu hoàn toàn tận thì không còn tận đó gọi là vô tận. Nghĩa là trong từng sát na nhất định không có hữu tận tức là vô tận. Vì hữu tận không có nên vô tận cũng không có, biết rõ tánh của hữu tận và vô tận là không. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Phổ Mật nói:

- Hữu ngã và vô ngã, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ hữu ngã còn không thể đắc huống chi vô ngã, thấy tánh ngã và vô ngã không có hai. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Lôi Thiên nói:

- Minh và vô minh, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ bản tánh của vô minh là minh. Minh và vô minh cả hai đều không thể đắc, không thể tính lường vượt qua sự tính lường. Trong đó hiện quán bình đẳng không có hai. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Hỷ Kiến nói:

- Sắc, thọ, tưởng, hành và thức với không, phân biệt là hai. Nếu biết tánh của thủ uẩn vốn là không. Sắc ấy không chứ chẳng phải sắc diệt là không. Cho đến Thức uẩn cũng như vậy. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Quang Tràng nói:

- Bốn giới và không, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết bốn giới tức là tánh hư không. Tánh của bốn giới và không dù trước, giữa, sau đều không điên đảo ngộ nhập vào các giới. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Diệu Huệ nói:

- Nhãn - sắc, Nhĩ - thanh, Tỷ - hương, Thiệc - vị, Thân - xúc, Ý - pháp, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ tánh của tất cả đều là không. Thấy tự tánh của nhãn đối với sắc không tham, không sân, không si. Như vậy cho đến thấy tự tánh của ý đối với pháp không tham, không sân, không si. Như vậy đều là không. Đã thấy như vậy rồi an trụ trong tịch tịnh. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Vô Tận Huệ nói:

- Tánh bố thí với hồi hướng Nhất thiết trí, phân biệt là hai. Như vậy, phân biệt tánh giới, nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã và hồi hướng Nhất thiết trí đều là hai. Nếu hiểu rõ tánh bố thí tức là đã hồi hướng Nhất thiết trí. Tánh hồi hướng Nhất thiết trí ấy tức là bố thí. Như vậy cho đến tự tánh của Bát nhã tức là tánh hồi hướng Nhất thiết trí. Tánh hồi hướng Nhất thiết trí ấy tức là Bát nhã. Nếu hiểu rõ một lý như vậy, đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Thậm Thâm Giác nói:

- Không, vô tướng và vô nguyện, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ trong cái không ấy hoàn toàn không có tướng. Trong không tướng này cũng không có nguyện. Trong không nguyện này không có tâm, không có ý, không có thức để chuyển. Như vậy tức là một giải thoát môn. Thâu nhiếp tất cả vào ba giải thoát môn. Nếu thông đạt như vậy, đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Tịch Tịnh Căn nói:

- Phật - Pháp - Tăng bảo, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ tánh Phật là tánh Pháp - Pháp là tánh Tăng. Như vậy, Tam Bảo đều là tướng vô vi cũng đồng đẳng với hư không. Các pháp cũng như vậy. Nếu thông đạt như vậy, đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Vô Ngại Nhãn nói:

- Thân kiến với diệt Thân kiến, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ Thân kiến tức là diệt Thân kiến. Biết rõ rốt ráo như vậy không khởi Thân kiến. Đối với Thân kiến và diệt Thân kiến không có phân biệt, không phân biệt khác, chứng đắc tánh diệt rốt ráo của hai pháp ấy không nghi ngờ, không sợ hãi. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Thiện Điều Thuận nói:

- Ba loại luật nghi của Thân, Khẩu, Ý, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ ba loại luật nghi ấy đều là tướng vô tác. Tướng ấy không có hai. Vì sao? Vì ba nghiệp đạo này đều là tướng vô tác. Tướng thân vô tác tức là tướng ngữ vô tác. Tướng ngữ vô tác tức là tướng ý vô tác. Tướng ý vô tác tức là tướng của tất cả pháp đều vô tướng. Nếu nhập vào tướng vô tạo tác, đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Phước Điền nói:

- Tội hành phước hành và bất động hành, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ tội hành phước hành và bất động hành đều là tướng vô tác. Tướng ấy không có hai. Vì sao? Vì tánh tướng của pháp hành tội hành và bất động hành đều là không. Trong cái không ấy, không có sự khác nhau giữa ba hành tội phước và bất động. Thông đạt rõ như vậy tức là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Hoa Nghiêm nói:

- Tất cả hai pháp do ngã mà phát sanh. Nếu các Bồ tát biết thật tánh của ngã thì không khởi hai. Vì không phát khởi hai nên không liễu biệt. Vì không liễu biệt nên không có đối tượng để liễu biệt. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Thắng Tạng nói:

- Tất cả hai pháp do có sở đắc mà phát sanh. Nếu các Bồ tát biết rõ các pháp hoàn hoàn không sở đắc, không nắm bắt không xả bỏ. Đã không nắm bắt không xả bỏ, đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Nguyệt Thượng nói:

- Sáng và tối, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ thật tướng không tối không sáng. Tánh nó không có hai. Ví như Bí sô nhập diệt tận định thì không có sáng không có tối. Tướng của tất cả các pháp cũng như vậy. Lãnh hội các pháp bình đẳng như vậy, tức là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Bảo Ấn Thủ nói:

- Thích Niết bàn và chán sanh tử là hai. Nếu các Bồ tát biết rõ Niết bàn và sanh tử không có gì thích hay chán thì không có hai. Vì sao? Vì nếu bị sanh tử trói buộc thì cầu giải thoát. Nếu hoàn toàn không còn sự trói buộc của sanh tử nữa thì cầu giải thoát Niết bàn để làm gì? Thông đạt như vậy không còn trói buộc không giải thoát, không thích Niết bàn không chán sanh tử. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Châu Kế Vương nói:

- Chánh đạo và tà đạo, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát an trụ vào chánh đạo, hành tà đạo, hoàn toàn không hành. Vì không hành nên không có hai tướng chánh đạo và tà đạo. Vì trừ bỏ hai tướng nên không có hai giác. Nếu không có hai giác thì ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Bồ tát tên Đế Thật nói:

- Hư và thật, phân biệt là hai. Nếu các Bồ tát quán tánh thật đế còn không thấy thật làm sao thấy hư. Vì sao? Vì tánh này chẳng phải do nhục nhãn thấy. Chỉ có huệ nhãn mới thấy. Khi thấy như vậy, đối với tất cả pháp không thấy, không phải không thấy. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Theo sự hiểu biết của mình, các vị Bồ tát trong hội lần lượt phân biệt nói xong, đồng thời hỏi Diệu Cát Tường:

- Thế nào là Bồ tát ngộ nhập vào pháp môn bất nhị?

Diệu Cát Tường nói với các Bồ tát:

- Với những lời các ngài đã nói, mặc dầu đều hoàn hảo nhưng theo ý của tôi thì các ngài nói như vậy vẫn gọi là hai. Nếu các Bồ tát đối với các pháp không nói không năng, không biểu hiện không chỉ thị, lìa các hý luận, dứt hẳn sự phân biệt. Đó là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị.

Khi ấy Diệu Cát Tường hỏi Vô Cấu Xứng:

- Chúng tôi đã nói theo ý của mình rồi. Ông hãy nói đi. Thế nào là Bồ tát ngộ nhập vào pháp môn bất nhị?

Bấy giờ, Vô Cấu Xứng im lặng không nói.

Diệu Cát Tường lên tiếng:

- Lành thay! Lành thay! Bồ tát như vậy đúng là ngộ nhập vào pháp môn bất nhị. Trong đó hoàn toàn không có những phân biệt văn tự ngôn ngữ.

Khi các Bồ tát nói pháp này trong chúng hội có năm ngàn Bồ tát được ngộ nhập vào pháp môn bất nhị. Cùng một lúc, tất cả đều chứng nhập Vô sanh pháp nhẫn.

Hết quyển thứ tư

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567