- Giới thiệu kinh Tiểu Bộ (Khuddaka Nikàya)
- Tập I 1.1 Kinh Tiểu Tụng
- 1.2 Kinh Pháp Cú Phần I: Phẩm 1-5
- Phần 2: Phẩm 6-10
- Phần 3: Phẩm 11-16
- Phần 4: Phẩm 17-20
- Phần 5: Phẩm 21-24
- Phần 6: Phẩm 25-26
- Tập II Thiên Cung Sự Giới thiệu Thiên cung sự và Ngạ quỷ sự
- Thiên Cung Sự Phẩm I : Lâu đài nữ giới - Phần A
- Phẩm I: Phần B - Lâu đài nữ giới (tiếp theo)
- Phẩm II - Cittalatà
- Phẩm III - Pàricchattaka
- Phẩm IV - Đỏ Sẫm
- Phẩm V - Đại Xa
- Phẩm VI - Pàyasi
- Phẩm VII - Sunikkhitta
- Tập III 3.1 Trưởng Lão Tăng Kệ Giới thiệu Trưởng Lão Tăng Kệ & Trưởng Lão Ni Kệ
- 3.1 Trưởng Lão Tăng Kệ Chương I - Một Kệ Phẩm Một
- Phẩm Hai
- Phẩm Ba
- Phẩm Bốn
- Phẩm Năm
- Phẩm Sáu
- Phẩm Bảy
- Phẩm Tám
- Phẩm Chín
- Phẩm Mười
- Phẩm Mười Một
- Phẩm Mười Hai
- 3.1 Trưởng Lão Tăng Kệ Chương II - Hai Kệ Phẩm Một
- Phẩm Hai
- Phẩm Ba
- Phẩm Bốn
- Phẩm Năm
- Chương III - Phẩm Ba Kệ
- Chương IV - Phẩm Bốn Kệ
- Chương V - Phẩm Năm Kệ
- Chương VI - Phẩm Sáu Kệ
- Chương VII - Phẩm Bảy Kệ
- Chương VIII - Phẩm Tám Kệ
- Chương IX - Phẩm Chín Kệ
- Chương X - Phẩm Mười Kệ
- Chương XI - Phẩm Mười Một Kệ
- Chương XII - Phẩm Mười Hai Kệ
- Chương XIII - Phẩm Mười Ba Kệ
- Chương XIV - Phẩm Mười Bốn Kệ
- Chương XV - Phẩm Mười Lăm Kệ
- Chương XVI - Phẩm Hai Mươi Kệ
- Chương XVII - Phẩm Ba Mươi Kệ
- Chương XVIII - Phẩm Bốn Mươi Kệ
- Chương XIX - Phẩm Năm Mươi Kệ
- Chương XX - Phẩm Sáu Mươi Kệ
- Chương XXI - Phẩm Bảy Mươi Mốt Kệ (Đại Tập)
Kinh Tiểu Bộ
Tập I
1.1 Kinh Tiểu Tụng
Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu
Giới thiệu
Đây là quyển kinh thứ nhất của Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikaya), có lẽ đã được tổng hợp thành một quyển cẩm nang cho các Sa-di và Sa-di-ni. Quyển nầy gồm 9 bài kinh, bao gồm các đề tài cơ bản cho những vị xuất gia bắt đầu đời sống tu hành tại các tu viện. Tuy nhiên, nhiều đoạn kinh cũng được dùng để giới thiệu các căn bản Phật Pháp cho các cư sĩ.
Bài kinh thứ nhất và thứ hai dùng trong các buổi lễ xuất gia của Sa-di và Sa-di-ni. Bài kinh thứ ba là các hướng dẫn tiên khởi để quán thân thể, một bài tập để vượt thắng lòng tham dục. Bài kinh thứ tư giới thiệu các phân loại cơ bản để phân tích, phát triển tuệ tri, bắt đầu là nguyên lý duyên sinh, trọng tâm của đạo Phật.
Bài kinh thứ năm đưa ra một tổng quan về sự tu tập - bắt đầu từ nhu cầu gần gũi các bậc thiện tri thức, và chấm dứt khi đắc Niết-bàn. Bài kinh đề cập đến các phước hạnh như là một sự phòng hộ thiện lành, không phải từ các nghi lễ rườm rà mà từ các hành động bố thí, giới đức và trí tuệ. Bài kinh thứ sáu khai triển từ bài kinh thứ nhất và thứ năm, đề cập chi tiết về Tam Bảo Phật-Pháp-Tăng, và đồng thời trình bày cách thức tu thiền để đắc quả Dự lưu, quả đầu tiên đưa đến Niết-bàn.
Bài kinh thứ bảy có chủ đề về lòng bố thí quảng đại, công đức từ sự cúng dường chư Tăng được hồi hướng đến các thân nhân đã qua đời. Bài kinh thứ tám giảng về các hành động từ thiện, bố thí sẽ đưa đến lợi lạc lâu bền, tốt hơn là các đầu tư về vật chất. Cuối cùng, bài kinh thứ chín trở về đề tài hành thiền, chú trọng đến việc phát triển lòng từ mẫn, thiện ý, yêu thương mọi người, mọi loài.
Tất cả 9 bài kinh này, trong những ý nghĩa khác nhau, thường được tụng đọc và suy niệm trong các cộng đồng Phật giáo Nguyên thủy từ xưa cho đến hiện nay. Hằng ngày, cư sĩ lẫn tu sĩ đều tụng đọc bài kinh đầu tiên về quy y Tam Bảo để tự nhắc nhở. Các tu sĩ thường tụng các đoạn kinh trích trong các bài kinh thứ năm cho đến thứ chín khi nhận lãnh sự cúng dường của cư sĩ, và thường dùng bài kinh thứ năm (Kinh Phước Đức) làm đề tài trong các buổi thuyết pháp.
Tóm lại, quyển Tiểu Tụng này được dùng như một quyển kinh dẫn nhập hữu ích trong bước đầu của đời sống tu sĩ và trong đời sống của mọi Phật tử hiện thời.
I. Tam Quy (Saranattaya) [^]
Đệ tử quy y Phật,
Đệ tử quy y Pháp,
Đệ tử quy y Tăng.
Lần thứ hai đệ tử quy y Phật,
Lần thứ hai đệ tử quy y Pháp,
Lần thứ hai đệ tử quy y Tăng.
Lần thứ ba đệ tử quy y Phật
Lần thứ ba đệ tử quy y Pháp.
Lần thứ ba đệ tử quy y Tăng.
II. Thập Giới (Dasasikkhàpada) [^]
1. Đệ tử thực hành giới tránh sát sanh.
2. Đệ tử thực hành giới tránh lấy của không cho.
3. Đệ tử thực hành giới tránh tà hạnh trong các dục.
4. Đệ tử thực hành giới tránh nói láo.
5. Đệ tử thực hành giới tránh mọi cơ hội buông lung phóng dật do uống rượu hoặc các thứ men say.
6. Đệ tử thực hành giới tránh ăn phi thời.
7. Đệ tử thực hành giới tránh múa, hát, nhạc, kịch.
8. Đệ tử thực hành giới tránh cơ hội đeo vòng hoa và trang điểm với hương liệu, dầu xoa.
9. Đệ tử thực hành giới tránh dùng giường cao và rộng.
10. Đệ tử thực hành giới tránh nhận vàng bạc.
III. Ba Mươi Hai Phần (Dvattimsàkàra) [^]
Trong thân này có: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, chất nhờn ở khớp, nước tiểu và não trong đầu.
IV. Nam Tử Hỏi Đạo (Kumàrapanha) [^]
Thế nào là một? - Mọi loài hữu tình đều tồn tại nhờ thức ăn.
Thế nào là hai? - Danh và sắc.
Thế nào là ba? - Ba loại cảm thọ.
Thế nào là bốn? - Bốn Thánh đế.
Thế nào là năm? - Năm thủ uẩn.
Thế nào là sáu? - Sáu nội xứ.
Thế nào là bảy? - Bảy giác chi.
Thế nào là tám? - Thánh đạo tám ngành.
Thế nào là chín? - Chín nơi cư trú của các loài hữu tình.
Thế nào là mười? - Vị nào có đủ mười đức tánh được gọi là vị A-la-hán.
V. Kinh Điềm Lành (Mangala Sutta) [^]
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi một Thiên tử, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị Thiên tử ấy bạch Thế Tôn với bài kệ:
Thiên tử:
1. Nhiều Thiên tử và người,
Suy nghĩ đến điềm lành,
Mong ước và đợi chờ,
Một nếp sống an toàn,
Xin Ngài hãy nói lên,
Về điềm lành tối thượng.
(Đức Phật giảng:)
2. Không thân cận kẻ ngu,
Nhưng gần gũi bậc Trí,
Đảnh lễ người đáng lễ,
Là điềm lành tối thượng.
3. Ở trú xứ thích hợp,
Công đức trước đã làm,
Chân chánh hướng tự tâm,
Là điềm lành tối thượng.
4. Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện học tập,
Nói những lời khéo nói,
Là điềm lành tối thượng.
5. Hiếu dưỡng mẹ và cha,
Nuôi nấng vợ và con.
Làm nghề không rắc rối,
Là điềm lành tối thượng.
6. Bố thí, hành, đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp không lỗi lầm,
Là điềm lành tối thượng.
7. Chấm dứt, từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong Pháp, không phóng dật,
Là điềm lành tối thượng.
8. Kính lễ và hạ mình,
Biết đủ và biết ơn,
Đúng thời, nghe Chánh Pháp,
Là điềm lành tối thượng.
9. Nhẫn nhục, lời hòa nhã,
Yết kiến các Sa-môn,
Đúng thời, đàm luận Pháp,
Là điềm lành tối thượng.
10. Khắc khổ và Phạm hạnh,
Thấy được lý Thánh đế.
Giác ngộ quả: "Niết Bàn"
Là điềm lành tối thượng.
11. Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu,
Không uế nhiễm, an ổn,
Là điềm lành tối thượng.
12. Làm sự việc như vầy,
Không chỗ nào thất bại,
Khắp nơi được an toàn,
Là điềm lành tối thượng.
VI. Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) [^]
1. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Mong rằng mọi sanh linh,
Được đẹp ý vui lòng,
Vậy, hãy nên cẩn thận,
Lắng nghe lời dạy này.
2. Do vậy các sanh linh,
Tất cả hãy chú tâm,
Khởi lên lòng từ mẫn,
Đối với thảy mọi loài,
Ban ngày và ban đêm,
Họ đem vật cúng dường,
Do vậy không phóng dật,
Hãy giúp hộ trì họ.
3. Phàm có tài sản gì,
Đời này hay đời sau,
Hay ở tại thiên giới,
Có châu báu thù thắng,
Không gì sánh bằng được,
Với Như Lai Thiện Thệ,
Như vậy, nơi Đức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
4. Đoạn diệt và ly tham,
Bất tử và thù diệu.
Phật Thích-ca Mâu-ni,
Chứng Pháp ấy trong thiền,
Không gì sánh bằng được,
Với Pháp thù diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh Pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
5. Phật, Thế Tôn thù thắng,
Nói lên lời tán thán,
Pháp thù diệu trong sạch,
Liên tục không gián đoạn,
Không gì sánh bằng được,
Pháp thiền vi diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh Pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
6. Tám vị bốn đôi này,
Được bậc thiện tán thán.
Chúng đệ tử Thiện Thệ,
Xứng đáng được cúng dường.
Bố thí các vị ấy,
Được kết quả to lớn.
Như vậy, nơi tăng chúng,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
7. Các vị lòng ít dục,
Với ý thật kiên trì,
Khéo liên hệ mật thiết,
Lời dạy Gô-ta-ma!
Họ đạt được quả vị,
Họ thể nhập bất tử,
Họ chứng đắc dễ dàng,
Hưởng thọ sự tịch tịnh,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
8. Như cây trụ cột đá,
Khéo y tựa lòng đất.
Dầu có gió bốn phương,
Cũng không thể dao động.
Ta nói bậc Chơn nhân,
Giống như thí dụ này,
Vị thể nhập với tuệ,
Thấy được những Thánh đế,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
9. Những vị khéo giải thích,
Những sự thật Thánh đế,
Những vị khéo thuyết giảng,
Với trí tuệ thâm sâu.
Dầu họ có hết sức,
Phóng dật không chế ngự,
Họ cũng không đến nỗi,
Sanh hữu lần thứ tám,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
10. Vị ấy nhờ đầy đủ,
Với chánh kiến sáng suốt,
Do vậy có ba pháp,
Được hoàn toàn từ bỏ,
Thân kiến và nghi hoặc,
Giới cấm thủ cũng không,
Đối với bốn đọa xứ,
Hoàn toàn được giải thoát.
Vị ấy không thể làm,
Sáu điều ác căn bản,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
11. Dầu vị ấy có làm,
Điều gì ác đi nữa,
Với thân hay với lời,
Kể cả với tâm ý,
Vị ấy không có thể,
Che đậy việc làm ấy,
Việc ấy được nói rằng,
Không thể thấy ác đạo.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
12. Đẹp là những cây rừng,
Có bông hoa đầu ngọn,
Trong tháng hạ nóng bức,
Những ngày hạ đầu tiên,
Pháp thù thắng thuyết giảng,
Được ví dụ như vậy.
Pháp đưa đến Niết Bàn,
Pháp hạnh phúc tối thượng,
Như vậy, nơi Đức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
13. Cao thượng biết cao thượng,
Cho đem lại cao thượng,
Bậc Vô thượng thuyết giảng,
Pháp cao thượng thù thắng,
Như vậy nơi đức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
14. Nghiệp cũ đã đoạn tận,
Nghiệp mới không tạo nên,
Với tâm tư từ bỏ,
Trong sanh hữu tương lai,
Các hột giống đoạn tận,
Ước muốn không tăng trưởng
Bậc trí chứng Niết Bàn,
Ví như ngọn đèn này,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
15. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ Đức Phật,
Đã như thực đến đây,
Được loài Trời, loài Người,
Đảnh lễ và cúng dường,
Mong rằng, với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
16. Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ Chánh pháp,
Đã như thực đến đây,
Được loài Trời, loài Người,;
Đảnh lễ và cúng dường,
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
17. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ chúng Tăng,
Đảnh lễ và cúng dường,
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
VII. Kinh Ngoài Bức Tường (Tirokudda Sutta) [^]
1. Ở bên ngoài bức tường,
Bọn họ đứng chờ đợi,
Giao lộ, ngã ba đường,
Trở về mái nhà xưa,
Đợi chờ bên cạnh cổng.
2. Nhưng khi tiệc thịnh soạn,
Được bày biện sẵn sàng,
Đủ mọi thức uống ăn,
Không một ai nhớ họ.
Sự kiện này phát sinh
Từ nghiệp xưa của họ.
3. Vậy ai có từ tâm,
Nhớ cho các thân nhân,
Thức uống ăn thanh tịnh,
Tốt đẹp và đúng thời.
4. Món này cho bà con,
Mong bà con an lạc,
Đám ngạ quỷ thân bằng,
Đã tề tựu chỗ đó.
5. Sẽ mong muốn chúc lành,
Vì thực phẩm đầy đủ,
Mong quyến thuộc sống lâu,
Nhờ người, ta hưởng lợi,.
6. Vì đã kính lễ ta,
Thí chủ không thiếu quả
Tại đó không cấy cày,
Cũng không nuôi súc vật.
7. Cũng không có buôn bán,
Không trao đổi tiền vàng,
Các ngạ quỷ họ hàng,
Chỉ sống nhờ bố thí.
8. Như nước đổ xuống đồi,
Chảy xuống tận vực sâu,
Bố thí tại chỗ này,
Cung cấp loài ngạ quỷ.
9. Như lòng sông tràn đầy,
Đưa nước đổ xuống biển,
Bố thí tại chỗ này,
Cung cấp loài ngạ quỷ.
10. Người ấy đã cho ta,
Đã làm việc vì ta,
Người ấy là quyến thuộc,
Người ấy chính thân bằng.
Hãy bố thí ngạ quỷ,
Nhớ việc xưa chúng làm.
11. Không khóc than, sầu muộn,
Không thương tiếc cách gì,
Giúp ích loài ngạ quỷ,
Quyến thuộc làm như vầy,
Không lợi cho ngạ quỷ.
12. Nhưng khi vật cúng dường,
Khéo đặt vào chư Tăng
Ích lợi chúng lâu dài,
Bây giờ, về sau nữa.
13 Chánh pháp được giảng bày,
Như vậy cho quyến thuowc,
Kính trọng biết chừng nào,
Đối với người đã khuất,
Chư Tăng được cúng dường,
Cũng tăng thêm dõng mãnh,
Người tích tụ công đức,
Thật to lớn biết bao.
VIII. Kinh Bảo Tàng (Nidhikanda Sutta) [^]
1. Một người cất kho báu,
Ở tận dưới giếng sâu,
Nghĩ: "Nếu cần giúp đỡ,
Nó ích lợi cho ta".
2. Nếu bị vua kết án,
Hoặc trả các nợ nần,
Hoặc bị cướp giam cầm,
Và đòi tiền chuộc mạng,
Khi mất mùa, tai nạn,
Với mục đích như vầy,
Ở trên cõi đời này,
Sẽ đến giành kho báu.
3. Dẫu nó không bao giờ,
Được cất kỹ như vậy,
Ở tận dưới giếng sâu,
Vẫn không đủ hoàn toàn,
Giúp ích người mọi lúc.
4. Kho báu bị dời chỗ,
Hoặc người quên dấu vết,
Hoặc rắn thần lấy đi,
Hoặc thần linh tẩu tán,
5. Hoặc đám người thừa kế,
Kẻ ấy không chấp nhận,
Di chuyển kho báu đí,
Khi kẻ ấy không thấy.
Và khi phước đức tận,
Tất cả đều tiêu tan.
6. Những khi người nam, nữ,
Có bố thí, trì giới
Hoặc thiền định, trí tuệ,
Kho báu khéo để dành.
7. Trong chùa, tháp, Tăng đoàn,
Một cá nhân, lữ khách,
Hoặc người mẹ, người cha,
Hoặc là người anh nữa.
8. Kho này khéo để dành,
Đi theo người, không mất,
Giữa mọi vật phải rời,
Người cùng đi với nó.
9. Không ai khác chia phần,
Không cướp nào lấy được.
Vậy những kẻ tinh cần,
Hãy làm việc phước đức,
Kho báu ấy theo người,
Sẽ không bao giờ mất.
10. Đây là một kho báu,
Có thể làm thỏa mãn,
Mọi ước vọng thiên, nhân,
Dù họ mong muốn gì,
Đều đạt được tất cả,
Nhờ công đức phước nghiệp.
11. Vẻ đẹp của màu da,
Vẻ đẹp của âm thanh,
Vẻ đẹp của dáng hình,
Vẻ đẹp của toàn thân,
Địa vị thật cao sang,
Cùng với đoàn hầu cận,
Tất cả đều đạt được,
Nhờ phước nghiệp công đức.
12. Ngôi đế vương một cõi,
Cực lạc Chuyển luân vương,
Và ngự trên Thiên đường,
Tất cả đều đạt được,
Nhờ phước nghiệp công đức.
13. Vẻ tối thắng của người,
Mọi hoan lạc cõi trời,
Hay tịch diệt tối thắng,
Tất cả đều đạt được
Nhờ phước nghiệp công đức.
14. Đạt tối thắng bằng hữu,
Chuyên tu tập chánh chân,
Đạt minh trí giải thoát,
Tất cả đều đạt được.
Nhờ phước nghiệp công đức.
15. Tứ vô ngại giải đạo,
Tám cấp độ giải thoát,
Viên mãn trí Thanh văn,
Cả hai cách giác ngộ:
Độc giác, Chánh Đẳng giác,
Tất cả đều đạt được,
Nhờ phước nghiệp công đức.
16. Phước báo thật lớn lao,
Do công đức thù thắng,
Vì thế kẻ tinh cần,
Và những người có trí,
Đã tạo nện kho tàng.
Công đức nhờ phước nghiệp.
IX. Kinh Lòng Từ (Mettà Sutta) [^]
1. Vị thiện xảo mục đích,
Cần phải làm như sau:
Sau khi hiểu thông suốt,
Con đường an tịnh ấy,
Có khả năng trực tánh,
Thật sự, khéo chân trực,
Dễ nói và nhu hòa,
Không có gì cao mạn.
2. Sống cảm thấy vừa đủ,
Nuôi sống thật dễ dàng,
Ít có sự rộn ràng,
Sống đạm bạc, giản dị.
Các căn được tịnh lạc,
Khôn ngoan và thận trọng,
Không xông xáo gia đình,
Không tham ái, tham vọng.
3. Các hành sở của mình,
Không nhỏ nhen, vụn vặt,
Khiến người khác có trí,
Có thể sanh chỉ trích,
Mong mọi loài chúng sanh,
Được an lạc, an ổn,
Mong chúng chứng đạt được,
Hạnh phúc và an lạc.
4. Mong tất cả những ai,
Hữu tình có mạng sống,
Kẻ yếu hay kẻ mạnh,
Không bỏ sót một ai,
Kẻ dài hay kẻ lớn,
Trung thấp, loài lớn, nhỏ.
5. Loài được thấy, không thấy,
Loài sống xa, không xa,
Các loài hiện đang sống,
Các loài sẽ được sanh,
Mong mọi loài chúng sanh,
Sống hạnh phúc an lạc.
6. Mong rằng không có ai,
Lường gạt, lừa dối ai,
Không có ai khinh mạn,
Tại bất cứ chỗ nào,
Không vì giận hờn nhau,,
Không vì tưởng chống đối.
Lại có người mong muốn,
Làm đau khổ cho nhau.
7. Như tấm lòng người mẹ,
Đối với con của mình,
Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất mình sanh.
Cũng vậy, đối tất cả
Các hữu tình chúng sanh,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng, rộng lớn.
8. Hãy tu tập từ tâm,
Trong tất cả thế giới,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng, rộng lớn,
Phía trên và phía dưới,
Cũng vậy cả bề ngang,
Không hạn chế, trói buộc,
Không hận, không thù địch.
9. Khi đứng hay khi ngồi,
Khi ngồi hay khi nằm,
Lâu cho đến khi nào,
Khi đang còn tỉnh thức,
Hãy an trú niệm này,
Nếp sống này như vậy.
Được đời đề cập đến,
Là nếp sống tối thượng.
10. Ai từ bỏ tà kiến,
Giữ giói, đủ chánh kiến,
Nhiếp phục được tham ái,
Đối với các dục vọng,
Không còn phải tái sanh,
Đi đến thai tạng nữa.