Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Bốn

16/04/201318:04(Xem: 9791)
Phẩm Bốn

Kinh Tiểu Bộ

Phẩm Bốn

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

(CLI) Migasìra (Thera. 24)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Kosala, được đặt tên là Migasìra, theo ngôi sao ngày sinh. Học theo văn hóa Bà-la-môn, ngài thực hành bùa chú sọ người, khi ngài đọc lên bùa chú và lấy móng tay gõ trên sọ người, ngài tuyên bố: 'Người này sẽ được tái sanh trong giới này...', cho đến với những người đã chết được ba năm. Không thích thú đời sống thế tục, ngài trở thành người du sĩ, với hạnh sọ người của ngài, ngài được cung kính cúng dướng. Đi đến Sàvatthi, đứng trước mặt bậc Đạo Sư, ngài tuyên bố sức mạnh của ngài: 'Thưa Tôn giả Gotama, ta có thể nói chỗ tái sanh của những người đã chết'.

Đức Phật hỏi: 'Ông làm như thế nào?'

Ngài cho đem lại một sọ người, đọc lên bùa chú, với móng tay gõ trên sọ người, ngài tuyên bố đọa xứ v.v... là chỗ tái sanh!

Đức Phật cho đem lại sọ người của một Tỷ-kheo, đã chứng Niết-bàn và nói: 'Hãy nói chỗ tái sanh của người này'. Migasìra đọc bùa chú, lấy móng tay gõ trên sọ người, nhưng không thấy đầu đuôi như thế nào.

Rồi Thế Tôn hỏi:

- Này du sĩ, có phải ông làm không được?

Ngài trả lời: - Tôi cần phải xác chứng cho chắc chắn! Nhưng dù cho ngài xoay xở như thế nào, làm sao ngài biết được sanh thú của vị A-la-hán; ngài xấu hổ, toát mồ hôi, im lặng.

- Này du sĩ, có phải ông mệt mỏi?

- Vâng, tôi mệt mỏi, tôi không biết sanh tử của vị này, Ngài có biết chăng?

- Ta biết được và Ta biết nhiều hơn thế nữa! Vị này đã nhập Niết-bàn!

Vị du sĩ nói:

- Vậy nói lên cho con, bí quyết ấy?

- Vậy ông phải xuất gia! Rồi Migasìra xuất gia và được dạy cho đề tài tu định. An trú vững vàng trên thiền và thắng trí, ngài thực hành thiền quán, không bao lâu, chứng quả A-la-hán.

Rồi ngài nói lên chánh trí của ngài như sau:

181. Từ khi ta xuất gia,
Trong pháp bậc Chánh giác,
Giải thoát, ta tiến lên,
Ta vượt qua dục giới.


182. Nhờ Phạm-chí quán sát,

Tâm ta được giải thoát,
Ta giải thoát bất động,
Mọi kiết sử đoạn diệt.

(CLII) Sivàka (Thera. 24)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Ràjagaha (Vương Xá), được đặt tên Sivàka. Khi đã nhận được một sự giáo dục toàn diện, ngài theo xu hướng sở thích của mình, từ bỏ thế tục làm người du sĩ. Đến nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, ngài khởi lòng tin xuất gia, và cuối cùng chứng quả A-la-hán. Ngài nói lên chánh trí của mình:

183. Vô thường, những ngôi nhà,
Đây đó lại dựng lên,
Tìm kiếm người làm nhà,
Tái sanh là đau khổ.


184. Hỡi kẻ làm nhà kia!

Ngươi đã bị thấy rồi,
Từ nay, ngươi không thể,
Lại dựng nhà lên nữa,
Mọi tường vách đổ vỡ,
Nóc nhà bị tan hoang,
Tâm bị đẩy khỏi dòng,
Ở đây, bị thổi nát.

(CLIII) Upavàna (Thera. 24)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Sàvatthi, được đặt tên là Upavàna. Thấy được uy nghi đức Phật khi Kỳ Viên được dâng cúng. Ngài xuất gia, phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí.

Rồi Upavàna trở thành vị thị giả đức Phật. Bấy giờ, Thế Tôn bị đau nhức mỏi, một đệ tử cư sĩ của ngài tên là Devahita sống ở Sàvatthi cúng dường bốn vật dụng cần thiết cho ngài. Khi Upavàna đến với y và bát, Devahita biết ngài cần dùng một vật đặc biệt nên hỏi. Ngài trả lời với bài kệ như sau:

185. Bậc ứng Cúng, Thiện Thệ,宠sĩ bị phong thấp,
Nếu ông có nước nóng,
Hãy cúng dường ẩn sĩ.


186. Cúng dường người đáng cúng,

Cung kính người đáng kính,
Tôn trọng người đáng trọng,
Ta mong muốn vị ấy,
Được vật cúng mang đến.

Rồi vị Bà-la-môn dâng cúng nước nóng và thuốc trị bệnh. Nhờ vậy, bệnh của Thế Tôn thuyên giảm và Thế Tôn tỏ lời cảm ơn.

(CLIV) Isidinna (Thera. 24)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Sunàparanta, trong gia đình một vị chức sắc, được đặt tên là Isidinna. Khi lớn lên, ngài chứng kiến Thế Tôn hiện thần thông song hành khi ngôi nhà bằng trầm hương được dâng cúng, với tấm hân hoan đối với bậc Đạo Sư, ngài nghe pháp, trở thành bậc Dự lưu. Dầu còn sống đời sống thế gian, một Thiên nhân khích lệ ngài như sau:

187. Ta thấy người cư sĩ,
Trì pháp với lời nói,
Các dục là vô thường,
Họ ưa thích ái luyến,
Châu báu và vòng nhẫn,
Họ đón chờ vợ con.


188. Thật sự họ không biết,

Pháp như thật là gì?
Dầu họ có tuyên bố:
'Các dục là vô thường!'
Họ không có sức mạnh,
Để cắt đứt tham ái,
Do vậy, họ luyến tiếc,
Vợ con và tài sản.

Khi người cư sĩ nghe vậy, ngài cảm thấy xúc động, xuất gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Nói lên chánh trí của ngài, ngài lập lại những bài kệ trên.

(CLV) Sambula - Kaccàna (Thera. 24)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong nước Magadha (Ma-kiệt-đà), con một thị dân thuộc dòng họ Kaccàna, tên là Sambula, ngài được biết với tên Sambula-Kaccàna. Sau khi nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia rồi đi đến miền phụ cận núi Hy-mã-lạp-sơn, tu học thiền quán trong một cái hang tên là Bheravàyanà (đường đi dễ sợ).

Một hôm, một cơn giông tố trái mùa nổi lên, mây ùn ùn nổi lên trên hư không, sấm sét vang động, chớp sáng chói lòa, trời bắt đầu mưa đổ ào ào xuống. Các loài vật như gấu, dã can, trâu, voi đều la hét run sợ. Nhưng vị Trưởng lão phát triển thiền quán, không kể gì đến mạng sống của mình, không để ý đến tiếng động vang, nhưng cơn động làm cho dịu khí trời, tâm ngài được tịnh chỉ, ngài triển khai thiền quán, chứng được quả A-la-hán với sáu thắng trí. Nghĩ đến thành quả đạt được, ngài cảm thấy phấn khởi, ngài nói lên chánh trí của ngài, với những bài kệ:

189. Mưa ào ào đổ xuống,
Mưa ầm ầm vang động,
Ta sống chỉ một mình,
Trong hang động kinh hoàng,
Dầu ta sống một mình,
Trong hang động kinh hoàng,
Ta không hoảng, sợ hãi,
Không lông tóc dựng ngược


190. Pháp nhĩ ta là vậy,

Nên dầu sống một mình,
Trong hang động kinh hoàng,
Ta không hoảng, sợ hãi,
Không lông tóc dựng ngược.

(CLVI) Khitaka (Thera. 25)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong nước Kosala, con một vị Bà-la-môn, được đặt tên là Khitaka. Ngài nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, xuất gia, sống trong rừng, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Hưởng được lạc giải thoát Niết-bàn, cảm thấy phấn khởi tinh cần, ngài đi đến các Tỷ-kheo sống trong rừng để khích lệ, làm các vị ấy phấn khởi. Ngài nói những bài kệ này, trước hết vì hạnh phúc cho các vị ấy, sau nói lên chánh trí của ngài:

191. Tâm ái như tảng đá
Đứng vững, không dao động,
Hỡi những vật khả ái,
Tâm không có tham ái,
Đối vật làm dao động,
Tâm không có dao động,
Tâm ai tu tập vậy,
Từ đâu, khổ sẽ đến.


192. Tâm ta như tảng đá

Đứng vững, không dao động,
Đối những vật khả ái,
Tâm không có tham ái,
Đối vật làm dao động,
Tâm không có dao động,
Tâm ta tu tập vậy,
Từ đâu, khổ đến ta.

(CLVII) Sona - Potiriyaputta (Thera. 25)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), con của điền chủ Potiriya, được đặt tên là Sona. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài trở thành tướng chỉ huy quân lực của Bhaddiya, một vị vua Sakka. Nay Bhaddiya đã xuất gia, và ngài theo gương Bhaddiya cũng xuất gia, nhưng ngài biếng nhác, không có tu thiền định. Thế Tôn ở tại vườn xoài Anupiya, chiếu hào quang đến ngài, khích lệ ngài tu tập chánh niệm, với những bài kệ như sau:

193. Thầy chớ có ngủ nữa,
Với đêm, sao vòng hoa,
Đêm này, người có trí,
Thức dậy, không có ngủ.


Nghe lời này, ngài cảm thấy dao động mạnh, thấy rõ những khuyết điểm của ngài, ngài ngồi thiền ngoài trời, tu tập thiền quán, ngài nói lên bài kệ:


194. Khi con voi tấn công,

Rơi từ lưng voi xuống,
Trên chiến trường ta chết,
Tốt hơn sống bại trận.

Nói vậy, ngài triển khai thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài lập lại bài kệ của bậc Đạo Sư, và với bài kệ của ngài, ngài nói lên chánh trí của mình.

(CLVIII) Nisabha (Thera. 25)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong xứ các dân tộc Koliya, trong một gia đình dân tộc, được đặt tên là Nisabha. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài chứng kiến sức mạnh uy nghi đức độ của đức Phật trong trận chiến giữa dân tộc Sakka và dân tộc Koliya, khởi lòng tin, ngài xuất gia, chứng quả A-la-hán.

Thấy một Tỷ-kheo đồng Phạm hạnh dùng thời gian của mình rất là uổng phí, nên ngài dùng những bài kệ này để khuyên răn vị ấy, và nói lên ngài thực hành những điều ngài nói:

195. Sau khi đã từ bỏ
Năm loại dục trưởng dưỡng,
Những vật thật khả ái,
Khiến tâm ý thích thú,
Với lòng tin, xuất gia,
Chấm dứt sự khổ đau.


196. Ta không hoan hỷ chết,

Ta không hoan hỷ sống,
Ta chờ đợi thời đến,
Tỉnh giác và chánh niệm.

(CLIX) Usabha (Thera. 25)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), trong gia đình một vị vua Sakka, được đặt tên là Usabha. Khi đức Phật về thăm bà con, ngài thấy sức mạnh và sự sáng suốt của đức Phật, khởi lòng tin và xuất gia, nhưng ngài không làm các bổn phận của người tu hành, cả ngày giao du nhiều người, ban đêm thời lo ngủ.

Một hôm, với tâm tư hôn trầm phóng dật, ngài nằm ngủ, ngài mộng thấy ngài cạo đầu, đắp áo cà-sa, ngồi trên lưng voi đi vào thành để khất thực; tại đấy, thấy quần chúng tụ tập đông đảo, ngài cảm thấy xấu hổ và xuống voi không ngồi nữa. Ngài thức dậy, suy nghĩ: 'Vì sao, đây là cơn mộng hôn trầm và phóng dật, ta thấy ta nằm ngủ với tâm ưu não', ngài an trú thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Như vậy lấy cơn mộng làm đề tài khích lệ, ngài dùng những bài kệ để nói lên chánh trí của ngài:

197. Vai đắp phủ tấm y,
Giống như màu bông xoài,
Ngồi trên lưng con voi,
Ta vào làng khất thực.


198. Từ lưng voi leo xuống,

Ta cảm nhận xúc động,
Trước ta rất ngạo mạn,
Nay ta thật lắng dịu,
Ta đã chứng đạt được,
Các lậu hoặc đoạn diệt.

(CLX) Kappata - Kura (Thera. 25)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Sàvatthi, trong tình cảnh nghèo nàn, ngài chỉ biết tự nuôi sống, bằng cách mặc đồ rách rưới, bát ăn xin cầm tay, đi xin gạo cơm. Vì vậy ngài được tên là Kappatakura (rách và gạo). Khi lớn lên, ngài nuôi sống bằng cách bán cỏ. Một hôm, đang cắt cỏ trong rừng, ngài gặp một vị Trưởng lão, ngài đảnh lễ, ngồi xuống nghe pháp. Ngài khởi lòng tin, từ bỏ nếp sống cũ, xuất gia, cất đồ rách rưới vào một chỗ. Khi ngài cảm thấy nhàm chán với đời sống mới, ngài đi đến nhìn đồ rách rưới ấy, tâm ngài trở thành bất an. Làm như vậy, bảy lần ngài rời khỏi chúng Tăng. Các Tỷ-kheo báo cáo lên sự việc này. Một hôm, khi ngài là một Tỷ-kheo đang ngồi giữa chúng Tăng tại giảng đường, bậc Đạo Sư giáo giới ngài với những bài kệ như sau:

199. Đây là đồ rách rưới,
Của Kappata-kura,
Y áo đang phủ đắp,
Thật là quá nặng nề,
Trong bình bát bất tử,
Được đựng đầy Chánh pháp,
Nhưng nó không thực hành,
Con đường hành thiền định.


200. Hỡi này Kappata,

Chớ lắc qua lắc lại,
Chớ khiến ta phải đánh,
Các tiếng vào tai ông,
Hỡi này Kappata,
Chớ làm kẻ si mê,
Ngồi lắc qua lắc lại,
Giữa Tăng chúng hội họp.

Bị đức Phật quở trách mạnh mẽ, ngài dao động mạnh, phát triển thiền quá, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài lập lại các bài kệ đã khích lệ ngài tu hành và những bài kệ này trở thành những lời tuyên bố chánh trí của ngài.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com