Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Ba

16/04/201318:03(Xem: 10101)
Phẩm Ba

Kinh Tiểu Bộ

Phẩm III

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

(CXLI) Uttara (Thera. 22)

Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàketa, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Uttara. Bị cảm hóa bởi thần thông song hành tại cây Gandamba ở Sàvatthi, ngài được khích lệ xuất gia, khi bậc Đạo Sư ở Sàketa thuyết pháp tại vườn Kàlaka. Đi với bậc Đạo Sư đến Ràjagaha (Vương Xá), ngài phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí. Trở về Sàvatthi để hầu hạ đức Phật, các Tỷ-kheo hỏi ngài: 'Thưa Hiền giả, Hiền giả đã thành tựu những gì trong sự nghiệp giải thoát?' Ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:

161. Ta liễu tri các uẩn,
Ta khéo nhổ tham ái,
Ta tu tập giác chi,
Ta đạt lậu hoặc diệt.


162. Do liễu tri các uẩn,

Thoát ly kẻ gài lưới,
Tu tập giác chi xong,
Ta sẽ nhập Niết-bàn,
Các lậu hoặc tận diệt.

(CXLII) Bhaddaji (Thera. 22)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Bhaddiya (tại Avantì phía Đông Magadha), con một nghị sĩ giàu có đến tám trăm triệu, ngài được đặt tên là Bhàddiya và được nuôi lớn trong sự nuông chiều sang trọng, giống như vị Bố-tát trong đời sống cuối cùng của ngài. Tập sớ kể câu chuyện của ngài chứng quả A-la-hán khi nghe đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, chính đức Phật đích thân đến tìm ngài. Ngài đi theo bậc Đạo Sư với hàng tùy tùng, sau một tuần đến tại Kotigàma, và đi lánh đến bờ sông Hằng, ngài nhập thiền định. Ngài chỉ xuất định, khi đức Phật đến gần và không vâng lời các vị Trưởng lão đi trước. Để xác minh quả chứng vô thượng của ngài, đức Phật mời ngài lên chiếc phà của Ngài và yêu cầu ngài hiện thần thông. Bhaddiya làm nổi lên cung điện bị chìm, khi ngài trú tại đấy, trong thời ngài là vua Panàda. Câu chuyện này được kể trong chuyện Jàtaka Mahàpanàda. Ngài diễn tả lâu đài bằng vàng, trong ấy ngài đã sống trong một thời gian. Rồi ngài nói về ngài khi tự ngã được đoạn diệt, như là thuộc một người khác:

163. Pa-nà-đa là tên,
Của vị hoàng đế ấy,
Với trụ lễ bằng vàng,
Ngang có mười sáu nhà,
Tính về lượng bề cao,
Cao hơn một ngàn lần.

164. Có đến ngàn tam cấp,

Với trăm nóc hình tròn,

Trang hoàng với cờ xí,
Với ngọc báu chói sáng,
Ở đấy, Càn-thát-bà,
Các tiên nữ hát múa,
Con số lên sáu ngàn,
Với tổng số bảy đoàn.

(CXLIII) Sobhita (Thera. 22)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Sobhita. Sau khi được nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia, chứng được sáu thắng trí, ngài thực hành nhớ đến các đời sống quá khứ, thành tựu túc mạng thông, được đức Phật xác nhận là vị nhớ đến đời sống quá khứ đệ nhất. Cảm thấy phấn khởi trong quả chứng của mình, ngài nói lên những bài kệ:

165. Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
Với trí tuệ tinh cần,
Một đêm, ta nhớ đến,
Có đến năm trăm kiếp.


166. Ta tu Bốn niệm xứ,

Bảy giác chi, Tám thánh (đạo),
Một đêm, ta nhớ đến,
Có đến năm trăm kiếp.

(CXLIV) Valliya (Thera. 22)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vesàli, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Kanhamitta. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài thấy uy nghi đức độ của đức Phật khi đức Phật đến Vesàli. Khởi lòng tin, ngài xuất gia với sự hướng dẫn của Tôn giả Mahà Kassapa (Đại Ca-diếp). Với trí tuệ chậm chạp và mới bắt đầu tinh tấn, ngài phải dựa vào trí tuệ của các đồng Phạm hạnh đến nỗi ngài được gọi là Valliya (loài cây leo), vì loài cây này không thể tự lớn được, nếu không dựa vào một vật gì. Một hôm, ngài đi nghe Trưởng lão Venudatta giảng, ngài trở thành sáng suốt, trí tuệ chín muồi, ngài hỏi vị Thầy của ngài với những bài kệ:

167. Những bổn phận cần làm,
Với tinh cần tinh tấn,
Những bổn phận cần làm
Với người muốn giác ngộ.
Con sẽ làm tất cả,
Con không có thối thất,
Hãy xem sự tinh tấn,
Sự nỗ lực của con.


168. Ngài hãy nói cho con,

Con đường nhập bất tử,
Với yên lặng thiền tư,
Con đạt Thánh yên lặng,
Như dòng sông Hằng Hà,
Nhập sâu vào biển cả.

(CXLV) Vitàsoka (Thera. 22)

Trong thời đức Phật hiện tại, vào năm thứ 218, là em trai vua Dhammàsoka (A-dục), được đặt tên là Vitàsoka. Đến tuổi trưởng thành, ngài thành tựu những đức tánh thích hợp với tuổi trẻ hoàng tộc. Rồi ngài trở thành đệ tử của Trưởng lão Giridatta và thông hiểu về Kinh tạng và Luận tạng A-tỳ-đàm.

Một hôm, khi ngài đang cắt tóc, ngài lấy gương soi, thấy một vài sợi tóc bạc. Bị dao động mạnh, ngài phát triển thiền quán, với sự nỗ lực cố gắng thiền định, khi ngài đang ngồi, ngài chứng quả Dự lưu, ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của Giridatta, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Ngài tuyên bố chánh trí của ngài với bài kệ:

169. Hãy cạo tóc cho ta
Người cạo tóc đã đến,
Ta cầm lấy cái gương,
Quan sát thân thể ta.


170. Thân được thấy trống rỗng,

Chìm tối trong đêm đen,
Mọi vải quấn chặt đứt,
Nay không còn tái sanh.

(CXLVI) Punnamàsa (Thera. 23)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình vị điền chủ. Khi sanh đứa con đầu tiên, ngài xuất gia, sống gần một làng, ngài tinh tấn tu hành cho đến khi ngài chứng được sáu thắng trí. Ngài đi đến Sàvatthi đảnh lễ bậc Đạo Sư và ở tại một nghĩa địa. Rồi đứa con ngài chết và vợ ngài không muốn tài sản bị vua tịch thu, vì không có thừa tự nên đi đến ngài với một số đông tùy tùng và yêu cầu ngài từ bỏ đời sống xuất gia. Muốn nói lên sự giải thoát thế tục và quả chứng của ngài, ngài đứng trên hư không, nói lên những bài kệ:

171. Từ bỏ năm triền cái,
Đạt an ổn khỏi ách,
Nắm giữ gương Chánh pháp,
Biết và thấy tự ngã.


172. Ta quán sát thân này,

Từ trong cho đến ngoài,
Thân được thấy trống không,
Trong thân cả ngoài thân.

(CXLVII) Nandaka (Thera. 23)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Campà trong một gia đình thị dân, được đặt tên là Nandaka. Ngài là em trai của Bharata (sẽ được nói đến sau). Cả hai được nghe Sona Kolivisa thuyết pháp, liền xuất gia, nghĩ rằng: 'Sona được nuôi dưỡng tế nhị còn xuất gia được, huống nữa chúng ta?' Bharata chứng ngay sáu thắng trí, còn Nandaka, vì còn nhiều tư tưởng không trong sạch, không thể điều khiển được thiền quán, chỉ có thể thực hành. Rồi Bharata muốn giúp đỡ ngài, khiến ngài làm thị giả và cả hai người ra đi. Ngồi bên vệ đường, Bharata thuyết pháp cho ngài về thiền quán.

Có một đoàn lữ hành đi ngang qua, một con bò đực kéo xe qua đám bùn không nổi nên ngã quyuống. Ngài dạy cởi con bò khỏi chiếc xe, cho nó ăn cỏ, uống nước. Con bò khỏi sự mệt nhọc lại được cột vào xe, với sức mạnh, được bồi dưỡng, con bò kéo xe qua được đám bùn, Bharata nói:

- Này em Nandaka, em có thấy hiện tượng ấy không?'.

- Thưa anh, em có thấy.

- Vậy hãy tìm hiểu ý nghĩa! Và Nandaka nói: 'Như con bò được bồi dưỡng, lấy lại sức mạnh, ta cần phải tự lực lôi mình ra khỏi đám bùn lầy của tái sanh!' Dùng sự kiện này là một đề tài thiền quán, ngài đã chứng được quả A-la-hán. Rồi ngài tuyên bố chánh trí của ngài cho người anh nghe với những bài kệ:

173. Như con vật hiền thiện,
Thuộc giống tốt, khéo luyện,
Sau khi ngã quyuống,
Lại gượng lên đứng dậy,
Lấy được thêm sức mạnh,
Không bỏ kéo gánh nặng.


174. Cũng vậy, hãy nhận con,

Đệ tử bậc Chánh giác,
Con đầy đủ chánh kiến,
Khéo tu luyện thuần thục,
Con thật con chánh thống.
Của đức Phật Chánh giác.

(CXLVIII) Bharata (Thera. 23)

Khi em trai Nandaka nói lên chánh trí của mình, Bharata khởi lên ý kiến hai anh em cùng đi đến yết kiến đức Phật, trình lên đức Phật biết quá trình đời sống Phạm hạnh của mình.

Rồi ngài nói với Nandaka những bài kệ như sau:

175. Hãy đến Nandaka,
Chúng ta hãy cùng đi,
Đi đến bậc Giáo thọ,
Chúng ta hãy rống lên,
Tiếng rống con sư tử,
Trước mặt Phật tối thượng.


176. ẩn sĩ thương chúng ta,

Khích lệ ta xuất gia,
Mục đích chúng ta đạt,
Mọi kiết sử đoạn tận.

(CXLIX) Bhàradvàja (Thera. 23)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá). Trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên theo dòng họ là Bhàradvàja. Lập gia đình, ngài có một người con trai tên là Kanhadinna. Đến tuổi đi học, ngài gửi người con đi Takkasìla, giữa đường người con làm quen với một vị Trưởng lão, đệ tử bậc Đạo Sư, nghe vị ấy thuyết pháp, xuất gia và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán.

Bhàradvàja, được nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp ở tịnh xá Trúc Lâm, xuất gia và cũng chứng quả A-la-hán, Kanhadinna đến yết kiến bậc Đạo Sư ở Ràjagaha (Vương Xá), và sung sướng thấy phụ thân mình ngồi cạnh đức Bổn Sư. Được biết phụ thân đã chứng quả A-la-hán, muốn phụ thân rống tiếng rống con sư tử, nên hỏi đã chứng được mục đích Phạm hạnh chưa, ngài trả lời với những câu kệ như sau:

Rống tiếng rống:

177. Như những con sư tử
Trong hang động núi non,
Rống tiếng rống sư tử,
Cũng vậy với trí tuệ,
Bậc anh hùng thắng trận,
Thắng ma và ma quân.


178. Ta hầu bậc Đạo Sư

Đảnh lễ Pháp và Tăng,
Ta hân hoan vui vẻ,
Thấy con chứng vô lậu.

(CL) Kanhadinna (Thera. 23)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vương Xá, trong gia đình một Bà-la-môn, được đặt tên là Kanhadinna. Khi đến tuổi trưởng thành, với thiện duyên thuần thục, ngài đến Tôn giả Sàriputta, nghe pháp, khởi lòng tin rồi xuất gia. Sau khi phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán, ngài tuyên bố chánh trí của ngài.

179. Hầu hạ bậc chân nhân,
Luôn luôn nghe Chánh pháp,
Nghe xong, ta sẽ bước,
Trên con đường bất tử.


180. Trong ta, tham hữu đoạn,

Tham hữu không có mặt,
Quá khứ, và vị lai,
Không có ở trong ta,
Hiện tại cũng không có,
Tồn tại ở trong ta.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com