TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRƯỜNG BỘ KINH
(Dìgha Nikàya)
Tập II
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ: Giới Lạc MAI LẠC HỒNG
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG PL. 2555 - DL 2010
23. Kinh TỆ TÚC
( Pàyàsi-sutta )
Như vậy, tôi nghe :
1. Một thời, đức Thánh Tăng Tôn Giả
Cưu-Ma-Lá Ca-Diếp (1) tịnh, hòa
( Ku-Ma-Ra Káp-Sá-Pa ) (1)
Du hành tại Kô-Sa-La (2) nước này
( Kiều-Tất-La tên đây cũng chính )
Cùng Đại Chúng thanh tịnh giới điều
Khoảng năm trăm vị Tỷ Kheo
Đến một đô thị của Kiều-Tất-La
Sê-Táp-Da (3) là tên thủ phủ.
Tôn Giả trú về phía Bắc thành
Rừng Sim-Sa-Pa (4) yên lành.
Bấy giờ cai trị tại thành hiện đương
Pa-Da-Si (5) ( Tiểu vương Tệ Túc )
Đang hưởng phúc, trú tại thành này
Sê-Táp-Da, nơi đủ đầy
Dân cư đông đúc, cỏ cây tươi màu
Lúa gạo nhiều, nhiều ao nước trữ
Một vương địa ân tứ của vì
Quốc vương Ba-Sê-Na-Đi (6)
Tức Ba-Tư-Nặc, thuận tùy ban cho.
_______________________________
(1) : Tôn giả Kumàra Kassapa ( Cưu-ma-la Ca-Diếp ).
(2) : Nước Kosala ( Câu-tát-la hay Kiều-tất-la ).
(3) : Setavyà – một đô thị của Kosala. (4) : Rừng Simsapà.
(5) : Tiểu vương Pàyàsi (Tệ Túc).
(6) : Quốc vương Pasenadi ( Ba-Tư-Nặc ).
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 438
2. Lúc bấy giờ, vua Ba-Da-Sí
Khởi ác kiến quái dị như sau :
“ Trên đời không có đời sau
Không có các loại thuộc vào hóa sanh
Không quả báo thực hành thiện ác ”.
Tiểu vương cứ chấp ác kiến này.
Bàn-môn, Gia chủ nơi đây
Được nghe một vị hiện nay du hành
Sê-Táp-Da, bắc thành tạm ngụ
Đang an trú rừng Sim-Sa-Pa
Tiếng đồn tốt đẹp lan xa :
“ Tôn Giả là bậc tài ba vô ngần
Bậc học rộng, đa văn, diệu trí
Lời và ý thiện xảo, thấu tâm
Biện tài Trưởng lão cao thâm
Bậc A-La-Hán quang lâm nơi này ”.
Rồi tất cả cùng vầy đoàn lũ
Bà-la-môn, Gia chủ thật đông
Từng đoàn, từng nhóm đồng lòng
Nhắm rừng đi đến để mong gặp ngài.
3. Buổi trưa này, vua Ba-Da-Sí
Trên lầu thượng đã nghỉ trưa xong
Bỗng vua thấy các Bàn-môn
Cùng các Gia chủ thật đông tháp tùng
Tất cả cùng rời thành hoan hỷ
Nhắm hướng bắc trực chỉ đến rừng.
Thấy vậy, ngạc nhiên vô cùng
Tiểu vương ra lệnh cho quân gọi truyền
Quan hộ thành đến liền và hỏi :
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 439
– “ Khanh hãy nói cho ta được thông :
Vì sao Gia chủ, Bàn-môn
Rời thành Sê-Táp-Da, đồng ra đi
Cùng quyến thuộc, thân tùy hoan hỷ
Từng đoàn, nhóm trực chỉ bắc phương
Khanh hãy nói rõ tận tường
Tại sao có chuyện bất thường xảy ra ? ”
– “ Bẩm Tôn Chủ ! Số là được biết
Có Sa-môn ưu việt cao thâm
Đệ tử Sa-môn Kiều-Đàm
Du hành thuyết giảng, quang lâm chốn này
Cùng đến đây, năm trăm Phích-Khú
Hiện đang trú rừng Sim-Sá-Pa
Tiếng đồn tốt đẹp lan xa :
‘Tôn Giả là bậc tài ba vô ngần
Bậc học rộng, đa văn, diệu trí
Lời và ý thiện xảo, thấu tâm
Biện tài Trưởng lão cao thâm
Bậc A-La-Hán quang lâm nơi này’.
Rồi tất cả cùng vầy đoàn lũ
Bà-la-môn, Gia chủ thật đông
Từng đoàn, từng nhóm đồng lòng
Nhắm rừng đi đến để mong gặp ngài,
Yết kiến bậc trí tài Tôn giả
Ku-Ma-Rá Káp-Sá-Pá đây ”.
– “ Này khanh ! Hãy đi chớ chầy
Đến nơi nghỉ tạm gặp ngay các vì
Bà-la-môn rồi thì Gia chủ
Nói với họ đầy đủ như vầy :
“ Vua Ba-Da-Si hiện nay
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 440
Mong các Hiền giả tại đây được tường
Xin hãy chờ, Tiểu vương sẽ đến
Cùng yết kiến Tôn Giả Sa-môn.
Vị Káp-Sá-Pá Sa-môn
Có thể cảm hóa Bàn-môn các hàng
Cùng Gia chủ, chỉ toàn ngu muội
Kém khả năng, u tối tin rằng :
‘Có đời sau, có hóa sanh,
Hành vi thiện ác sẵn dành quả sau’.
Nhưng không đâu ! Khanh nên biết đó
Sự thật là không có đời sau
Các loại hóa sanh có đâu ?
Hành vi thiện ác chẳng sao, lo gì ! ”.
– “ Thần xin vâng ! Bẩm vì Tôn Chủ ! ”
Quan hộ thành tuân thủ ra đi
Đến gặp Bàn-môn các vì
Những lời chủ dặn tức thì nói ra.
4. Rồi Tiểu vương là Ba-Da-Sí
Được Phạm-chí, Gia-chủ, thân tùy
Hộ tống Tiểu vương, cùng đi
Đến rừng yết kiến một vì Thánh Tăng.
Họ dừng chân sau khi đi đến,
Vua nói lời thân mến, xã giao
Thân ái, chúc tụng, đón chào
Rồi vua cũng đã ngồi vào một bên.
Bà-la-môn, tuổi tên Gia-chủ
Có người thì khể thủ Sa-môn
Có người chúc tụng nói dồn
Có người chỉ vái Sa-môn rồi ngồi
Có người chỉ nói trôi tên họ
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 441
Cũng có kẻ chỉ ngó, lặng yên.
Sau khi ngồi xuống một bên
Vua Ba-Da-Sí đã liền thưa qua :
– “ Ca-Diếp Ku-Ma-Ra Tôn Giả !
Tôi có cả chủ thuyết từ lâu
Cũng là tri kiến như sau :
‘Con người chẳng có đời sau sẵn dành,
Cũng không có hóa sanh các loại,
Làm thiện ác không quả báo gì ! ”.
– “ Tôn Chủ ! Tôi không thấy gì
Không nghe quan điểm cáo tri như vầy
Tri kiến này, tôi không nghe, thấy
Sao Tôn Chủ ngài lại nói vầy ?
Vì quan điểm, tri kiến đây
Xin hỏi Tôn Chủ điều này như sau :
‘Tôn Chủ nghĩ thế nào diễn biến
Về quan điểm, tri kiến như trên ?
Tôi xin hỏi điều đầu tiên
Tôn Chủ tùy thuộc theo duyên trả lời :
Kìa mặt trời, mặt trăng vời vợi
Chúng thuộc về thế giới nào đây ?
Thế giới khác, thế giới này ?
Thuộc chư Thiên hay thuộc ngay loài người ? ”.
– “ Thưa Tôn Giả ! Mặt trời, trăng ấy
Thuộc thế giới không phải nơi đây
Không thuộc vào thế giới này
Chúng thuộc Thiên giới, từng mây ngút ngàn ”.
– “ Này Tôn Chủ ! Rõ ràng vậy đó
Phải chấp nhận là : Có đời sau
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 442
Có các loại hóa sanh mau
Hành vi thiện ác đáo đầu báo chung ”.
6. – “ Dầu Tôn Giả đã dùng biện luận
Nói như vậy, tôi vẫn chấp rành :
‘Không đời sau, không hóa sanh
Không có quả báo từ danh ác, lành ”.
– “ Này Tôn Chủ ! Phát sanh từ đó
Sự kiện gì chứng tỏ điều mà
Quan điểm Tôn Chủ chấp qua ? ”
– “ Tôn Giả Ca-Diếp ! Có qua điều này
Để chứng minh ở đây tri kiến
Và quan điểm biểu hiện của tôi.
Thưa Tôn Giả ! Chuyện lâu rồi
Có những thân quyến của tôi một thời
Là những người sát sanh, trộm cắp
Hoặc tà dâm, đầy ắp gian ngoa
Nói láo, hai lưỡi, ba hoa
Nói lời độc ác, toàn là hại nhân
Luôn hận sân, chấp càn tà kiến
Nhiều tham dục, đê tiện hành vi
Rồi thời gian dài qua đi
Họ bị trọng bệnh, mọi thì khổ đau
Hay vướng vào các phần chứng tật
Khi tôi biết họ sắp qua đời
Tôi liền đến họ, mở lời :
“ Theo như quan điểm từ nơi giới điều
Các Sa-môn hay nhiều Phạm-chí
Có tri kiến minh thị nghiêm thâm :
‘ Những ai sát, đạo, vọng, dâm,
Mạng chung thân hoại, sinh nhằm khổ đau
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 443
Vào khổ giới hay vào ác thú
Hoặc đọa xứ, địa ngục triền miên’.
Đời này các vị thường xuyên
Những điều xấu ác đã chuyên thực hành
Là những người sát sanh, trộm cắp
Hoặc tà dâm, đầy ắp gian ngoa
Nói láo, hai lưỡi, ba hoa
Nói lời độc ác, toàn là hại nhân
Luôn hận sân, chấp càn tà kiến
Nhiều tham dục, đê tiện tâm thân
Không ác nào không dự phần.
Nếu lời Phạm-chí, tinh cần Sa-môn
Là chính xác, đáng tôn, chí phải
Thì sau khi thân hoại mạng chung
Phải sinh khổ cảnh vô cùng
Ác thú, địa ngục hãi hùng trải qua.
Các vị phải cho ta biết kỹ
Quả báo mà các vị chịu đây
Để ta biết chắc điều này :
‘Có đời sau, có các loài hóa sanh
Làm thiện ác sẵn dành quả báo’.
Các vị là hữu hảo của ta
Những gì các vị thấy ra
Thời ta cũng thấy như là chính ta ”.
Các vị ấy nhận qua lời dặn,
Nhưng từ đó đã chẳng có ai
Đến nói với tôi điều này
Cũng không sứ giả vãng lai nhắn lời.
Sự kiện vậy nên tôi tri kiến :
‘Không đời sau, không chuyện hóa sanh
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 444
Hành vi dù ác hay lành
Cũng chẳng quả báo sẵn dành cho ai ”.
7. – “ Này Tôn Chủ ! Tôi nay xin hỏi
Xin Tôn Chủ hãy nói rõ vào
Ngài sẽ nghĩ như thế nào
Như một kẻ cướp thuộc vào đại hung
( Thường giết người hay cùng cướp của )
Bị quan quân vây bủa, bắt ngay
Giải đến trước điện cho ngài
Ngài ra lệnh trói kẻ đây tức thì :
‘Hãy trói ghì bằng giây thật chắc
Và trói quặt hai tay ra sau
Hãy mau cạo hắn trọc đầu
Đánh trống vang dội nơi nào cần đi
Dẫn hắn đi đường này hẽm nọ
Rồi đưa nó ra cổng thành
Chặt đầu tại pháp trường nam’.
Quan quân vâng lệnh và làm khẩn trương.
Tại pháp trường bảo y quỳ xuống
Nhưng phạm nhân lại muốn yêu cầu :
“ Xin hãy chờ cho lâu lâu
Tôi muốn thăm viếng, nói câu chia lìa
Với quyến thuộc làng kia, tỉnh ấy ”.
Tôn chủ thấy hợp lý hay không ?
Đao phủ có thể bằng lòng
Yêu cầu ấy hay chém xong cho rồi ? ”.
– “ Thưa Tôn Giả ! Không đời nào được
Ý ngông ngược của tên cướp đây,
Đao phủ bác ý muốn này
Đem tên cướp đó chặt ngay lấy đầu ”.
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 445
– “ Này Tôn Chủ ! Mặc dầu tên cướp
Thuộc loài người và được hành hình
Cũng bởi loài người như mình,
Thì những quyến thuộc thân tình ngài đây
Đã tạo ác với đầy tội lỗi
Bị sinh vào khổ giới u minh
Đọa vào địa ngục hành hình
Lại xin ngục tốt mã hình diện ngưu :
“ Xin ngục quan hãy lưu án lại
Cho phép tôi tâu lại vua tôi
Vua Ba-Da-Si cõi đời
Để vua biết rõ hiện thời của tôi ”.
Đó là điều xa rời, vô lý
Thế Tôn Chủ ngài nghĩ thế nào ? ”.
– “ Tôn Giả nói thế mặc dầu
Nhưng tôi vẫn chấp y vào ý tôi ”.
– “ Này Tôn Chủ ! Vậy thời điều đó
Sự kiện gì để có chứng minh
Không có đời sau, hóa sanh
Không có quả báo ác, lành làm ra ? ”.
– “ Thưa Tôn Giả ! Số là thuở trước
Tôi có những quyến thuộc thân bằng
Gìn giữ thập thiện, cấm ngăn
Không sát sinh cũng không hằng tà dâm
Không trộm cướp, không phần nói dối
Không hai lưỡi, không nói ba hoa
Không lời độc ác điêu ngoa
Không sân, tham dục, không tà kiến đâu.
Những người này về sau trọng bệnh
Hoặc dẫn đến chứng tật khổ đau
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 446
Biết họ sống chẳng bao lâu
Chứng bệnh nguy kịch, trước sau từ trần.
Tôi đi cùng quan quân đến gặp
Nói với họ : “ Nay sắp không còn
Ta nghe một số Sa-môn
Hay là một số Bàn-môn các nhà
Với quan điểm cũng là tri kiến
Là : Những ai hành thiện từ tâm
Giữ giới không sát, đạo, dâm
Chỉ dùng thiện khẩu, không lầm, hận sân
Không tham dục, không phần tà kiến
Khi mạng chung, hóa hiện Thiên cung
Hay sinh nhàn cảnh vô cùng.
Thì nay các vị giữ chung giới điều
Rất trong sạch và nhiều an lạc,
Các vị sau khi thác đi rồi
Hãy trở về lại tức thời
Nói cho ta biết : ‘Có đời sau đây
Các loại hay hóa sanh cũng có
Quả báo có cho việc ác, lành’.
Nhưng sự thật đã đành rành
Chẳng có ai trở về nhanh trả lời.
Cho nên tôi chấp trì tri kiến
Quan điểm hiện tôi vẫn sẵn dành :
‘Chẳng có đời sau, hóa sanh,
Cũng chẳng quả báo ác, lành làm ra ”.
9. – “ Này Tôn Chủ ! Vậy ta ví dụ
Để Tôn Chủ suy nghĩ thế nào
Ví như có người té vào
Hầm phân hôi thối không sao kể này,
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 447
Gặp duyên may, có ngài tại đó
Truyền quân sĩ bảo họ kéo lên
Rồi bảo lấy que gạt liền
Phân đầy dơ bẩn phủ trên người này,
Cho thoa vào người này ba lượt
Phấn màu vàng để được khô thân
Rồi bảo quân sĩ phải cần
Tắm cho người ấy ba lần sạch trơn
Thoa dầu thơm và dùng bột mịn
Phấn Chun-Na thoa kín toàn thân
Cạo râu, hớt tóc ân cần
Choàng vòng hoa quý và phần dầu thơm
Dùng vải quý thêu, cườm trang sức
Rồi truyền đưa lập tức người này
Vào ở trong tòa lâu đài
Hưởng năm dục lạc lâu dài tại đây.
Theo Tôn Chủ , người này sau đó
Có thể nào chịu khó đâm đầu
Vào hầm phân thối dòi bâu ? ”.
– “ Thưa Tôn Giả ! Chẳng thể nào xảy ra
Hầm phân là một nơi bất tịnh
Đáng ghê tởm vì dính phân dơ
Hôi thối, xú uế vô bờ
Người này nhất quyết không chờ trở vô ”.
– “ Này Tôn Chủ ! Xô bồ vô kể
Đầy bất tịnh thân thể con người
Đối với chư Thiên cõi trời
Thường hay ghê tởm mùi hôi loài người
Trăm do tuần xa rời mùi quyện.
Những thân quyến của ngài trước đây
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 448
Hóa sinh Thiên giới cõi này
Do sự giữ giới lâu dài tinh nghiêm
Chư Thiên sẽ chẳng tìm Tôn Chủ
Vì quá sợ uế xú cõi trần.
Sự kiện như vậy là nhân
Để tin rằng có về phần đời sau
Có quả báo nhằm vào thiện ác
Cũng có các loại hóa sinh này ”.
10. – “ Thưa Tôn Giả ! Dù ngài đây
Có nói như vậy, tôi nay vẫn còn
Tin sắt son điều này cương quyết
Là nhất thiết ‘không có đời sau’,
Hóa sinh là chuyện không đâu,
Chẳng có quả báo đi sau việc làm ”.
– “ Này Tôn Chủ ! Bao hàm sự kiện
Nó đã khiến ngài chấp điều này ? ”
– “ Thưa Tôn Giả ! Xin nói ngay :
Tôi có thân quyến hằng ngày tịnh thanh
Giới thập thiện thực hành nghiêm túc
Nhưng đến lúc trọng bệnh bi thương
Tôi biết họ sắp vô thường
Nên tôi đi đến bên giường họ mau
Nói với họ : ‘Từ lâu các vị
Sa-môn hay Phạm-chí chủ trương :
Những ai sống đời hiền lương
Thập thiện vâng giữ, kỷ cương vẫn dùng
Khi thân hoại mạng chung, sinh tới
Các Thiên giới, nhàn cảnh lạc an.
Nay các vị giới bảo toàn,
Theo quan điểm đó, sinh sang cõi trời
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 449
Đến khi đó, nhớ lời đã hứa
Đừng lần lựa, về báo tin lành’.
Các vị ấy hứa thực hành
Nhưng tôi chẳng thấy ngọn ngành họ đâu.
Nên chắc chắn đời sau không có,
Cũng không có các loại hóa sanh,
Các hành vi ác hay lành
Cũng chẳng quả báo phát sanh, rõ rồi ! ”.
11. – “ Này Tôn Chủ ! Tuổi đời nhân thế
Một trăm năm chẳng dễ mấy người.
Một ngày một đêm cõi trời
Bằng một thế kỷ cõi người chúng ta.
Ba mươi ngày thì ra một tháng
Mười hai tháng trọn vẹn một năm
Tuổi chư Thiên một ngàn năm
Cung trời Đao Lợi cao thâm hưởng nhàn.
Còn các hàng thân bằng quyến thuộc
Của Tôn Chủ hưởng phước cõi trời
Vô cùng hoan lạc thảnh thơi
Các vị ấy nghĩ : ‘Nay thời hãy chơi
Hưởng thụ nơi năm phần dục lạc
Vài ngày khác ta sẽ thông tri
Cho Tôn Chủ Ba-Da-Si
Để biết nhiều kiếp chuyển kỳ, tái sinh’.
Vậy thì ngài biết tin báo hỷ
Sau khi nhiều thế kỷ trôi qua ? ”.
– “ Thưa Tôn Giả ! Quá lâu xa
Nhiều trăm năm, chẳng sống qua như vầy.
Nhưng tôi nay có điều xin hỏi
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 450
Xin Tôn Giả hãy nói rõ liền :
Ai cho ngài biết căn nguyên
Cả ngàn năm sống dài tuổi thọ,
Tôi không tin là có điều này ”.
– “ Tôn Chủ ! Câu hỏi thật hay.
Nhưng ta ví dụ chuyện này thuyết minh :
Như bẩm sinh bị mù, người nọ
Không thấy sắc xanh, đỏ, đậm, phai
Vàng, nâu, tế nhị, thô dày
Không thấy tinh tú, trăng hay mặt trời
Nên người đó mọi thời phủ nhận
Không tin có sắc trắng, đen, nâu
Đỏ, hồng, xanh, vàng… các màu
Không sắc tế nhị, không màu cứng thô,
Cũng hồ đồ cho là láo cả
Khi nghe tả trăng, sao, mặt trời.
Ngài nghe người ấy nói thời
Có thấy hợp lý những lời ấy không ? ”.
– “ Thưa Tôn Giả ! Thật không hợp lý
Vì đích thị có các sắc màu
Có mặt trời, có trăng, sao
Người nào có mắt trông vào biết ngay.
Người mù này vì không biết tận
Thì không thể phủ nhận như vầy ”.
– “ Cũng vậy Tôn Chủ ! Hiện nay
Khi ngài phủ nhận có rày Chư Thiên
Cõi Tam thập tam thiên sống thọ
Một ngàn năm nếu đọ tuổi người.
Chư Thiên sống các cõi trời
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 451
Với con mắt thịt loài người chúng ta
Không thể nào thấy qua Thiên chúng,
Trừ những vị tuy cũng là người
( Sa-môn, Bàn-môn trên đời )
Độc cư rừng vắng, những nơi không ồn
Ít tiếng động, tâm hồn thanh tịnh
Sống nhiệt tâm, thiền định tinh cần
Không phóng dật, trừ dục trần
Làm cho thiên nhãn dần dần phát sanh
Với thiên nhãn tịnh thanh như vậy
Mắt vị ấy thắng xa loài người,
Vị ấy trông thấy cõi trời
Hóa sanh các loại, nhiều đời trước sau.
Còn Tôn Chủ từ lâu chấp trước
Vì mắt thịt, chẳng được thấy qua
Chư Thiên các cõi gần, xa
Nên ngài cố chấp cho là đều không.
Nhưng ta giữ vững trong tri kiến :
‘Có đời sau, ác & thiện hành vi
Đều có quả báo tức thì
Hóa sinh các loại vẫn tùy nhân duyên ”.
12. –“ Thưa Tôn Giả ! Dựa trên sự kiện
Không lay chuyển tôi chấp nhận rằng :
‘ Không có đời sau sẵn dành
Không có các loại hóa sanh thuộc về
Làm thiện ác không hề quả báo ”.
– “ Tôn Chủ bảo sự kiện thế nào ?
– “ Thưa Tôn Giả ! Có biết bao
Sa-môn, Phạm-chí dồi trau điều lành
Giữ giới cấm tịnh thanh chân chánh
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 452
Có thiện tánh, nhưng ngại khổ đau
Ham sống, sợ chết đến mau
Chỉ ham sung sướng, chớ nào khác đâu !
Nên tôi nghĩ : Tại sao các vị
Sa-môn hay Phạm-chí biết là :
‘Nhờ vào giới hạnh của ta
Sau khi mệnh tận thì ta sinh về
Các cõi trời muôn bề tốt đẹp,
Vậy hãy dẹp cuộc sống hiện nay’.
Sau đó thì các vị này
Hoặc uống thuốc độc hoặc bày kiếm đâm
Hoặc treo cổ, tự trầm sông biển
Nhảy xuống giếng, lao xuống hố sâu
Để được thỏa nguyện chết mau
Sống đời tốt đẹp kiếp sau của mình
Nhưng thật tình tôi không thấy tận
Các vị vẫn giữ giới, làm lành
Chịu chết để được tái sanh,
Ham sống, ngại chết, chỉ dành sướng vui.
Do sự kiện không xuôi thuận lý
Nên tôi vẫn chấp kỹ ý mình ”.
13. – “ Này Tôn Chủ ! Hãy an bình !
Tôi có ví dụ biện minh rõ ràng,
Ở đời này, những hàng có trí
Nhờ ví dụ, nghĩa lý hiểu thông.
Ngày xưa có một Bàn-môn
Với hai người vợ thảy đồng có con
Người vợ cả có con đã lớn
Mười hai tuổi, táo tợn tinh khôn
Còn vợ hai Bà-la-môn
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 453
Có thai sắp đến lâm bồn không xa.
Bỗng người cha thình lình tạ thế
Nên không để di chúc rõ ràng.
Con người vợ cả liền sang
Nói với vợ lẻ cha chàng ta ngay :
– “ Này Tiểu mẫu ! Hiện nay tài sản
Hoặc lúa gạo, nhà, ván, bạc vàng
Đều là của tôi hoàn toàn
Hãy giao tất cả sẵn sàng cho tôi ”.
Người vợ hai tức thời nói lại :
– “ Tiểu tử hãy chờ đợi ít ngày
Sau khi sinh đứa con này
Nếu là trai sẽ hưởng ngay gia tài
Nếu là gái, chờ ngày khôn lớn
Sẽ hầu hạ tối sớm cho ngươi
Gia tài giao hẳn cho ngươi ”.
Nhưng đứa trai ấy mặc lời vợ hai
Cứ vật nài đòi giao tài sản
Lần thứ hai rồi hạn lần ba.
Người vợ lẻ vẫn nói là
Ý mình muốn đợi sinh ra con rồi
Sẽ tùy nơi con trai hay gái
Để giao lại hay giữ cho con.
Nhưng người con trai Bàn-môn
Cứ luôn thúc giục giao tròn cho mau.
Người vợ hai liền vào phòng kín
Với ý định rạch bụng của mình
Để biết đứa con sẽ sinh
Là trai hay gái để mình liệu toan.
Nhưng than ôi ! Người đàn bà ấy
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 454
Vì si mê, hại lấy thân mình
Hại luôn bào thai chưa sinh
Cả hai đều chết, vô minh sử bày
Rồi gia tài cũng tiêu, mất cả
Vì ngu xuẩn và quá hồ đồ.
Nay Tôn Chủ lại đi vô
Con đường vô trí ngây ngô như vầy
Khi tìm ngay đời sau như thế
Đầy nguy hiểm, vô kể nạn tai.
Sa-môn, Bàn-môn các ngài
Giới hạnh trong sạch, hiển bày tuệ tri
Không bắt buộc cái gì chưa chín
Cần gấp rút phải chin muồi nhanh
( Như trái cây xanh trên cành
Không thể hối thúc phải nhanh chin muồi ).
Không dễ duôi, các vì Phạm-chí
Các Sa-môn có trí, vô tham
Chờ đến chin muồi mới làm
Giữ mạng không phải vì ham sống hoài,
Sống lâu đây, tạo nhiều công đức
Đem hạnh phúc thiết thực cho đời
Vì lòng thương tưởng Người, Trời
Hạnh phúc, an lạc loài người, chư Thiên.
Này Tôn Chủ ! Nhân duyên như đó
Nên phải biết là : Có đời sau
Có các loài hóa sinh mau
Hành vi thiện ác đáo đầu báo chung ”.
14. –“ Dẫu Tôn Giả đã dùng biện luận
Nói như vậy, tôi vẫn chấp rằng :
‘ Không đời sau, không hóa sanh
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 455
Không có quả báo quẩn quanh ác, lành ”.
– “ Tôn Chủ hãy giải rành biện bác
Sự kiện khác khiến chấp điều này ? ”.
– “ Thưa Tôn Giả ! Có một ngày
Quan quân đã bắt được ngay tức thời
Kẻ giết người sau khi cướp bóc
Bị nã tróc, nay bắt được rồi
Đoạn họ giải đến cho tôi
Để tôi xử tội hợp nơi luật hình.
Tôi ra lệnh hành hình thẳng thắn
Sai quân lính bỏ hắn vào chum
Lấy da ướt bịt miệng chum
Dùng đất sét ướt quện trùm lên trên.
Khiêng chum ấy đặt lên lò lửa
Rồi nổi lửa đốt kẻ ở trong
Khi nghĩ kẻ ấy chết xong
Khiêng chum ấy xuống mở bung miệng liền
Vội nhìn nghiêng vào trong chum ấy
Mong được thấy linh hồn bay lên
Thoát ra từ người chết trên,
Nhưng nào có thấy bay lên cái gì ! ”.
15. –“ Này Tôn Chủ ! Vậy thì xin hỏi
Nếu thuận ý, xin nói cho hay :
Ngài có nằm mộng đêm & ngày
Thấy được cảnh trí khiến ngài hân hoan
Cảnh núi rừng, xóm làng, ao nước
Cảnh vườn tược, biển cả, đồng bằng ? ”.
– “ Xin thưa Tôn Giả ! Vẫn hằng
Tôi thường mộng thấy nhiều lần khác nhau ”.
– “ Thưa Tôn Chủ ! Thường hầu ngài ngủ
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 456
Nhiều gia nhân với đủ giai từng
Người thấp lùn, kẻ gù lưng
Có những thiếu nữ, đặc trưng đàn bà ? ”.
– “ Thưa Tôn Giả ! Đúng là như vậy ”.
– “ Họ có thấy linh hồn ngài bay
Thoát ra đi đó đi đây ? ”.
– “ Tôn Giả ! Không có chuyện này xảy ra ”.
– “ Này Tôn Chủ ! Vậy là đã rõ
Linh hồn đó chẳng thể thấy trông
Làm sao ngài thấy linh hồn
Của người đã chết còn tồn bay lên ?
Do điều trên nên tôi chấp nhận
Có hoá sanh và dẫn đời sau
Các việc làm thiện & ác nào
Đều có quả báo tùy vào hành vi ”.
16. –“ Thưa Tôn Giả ! Dù gì đi nữa
Dù lời ngài hàm chứa nghĩa sâu
Tôi vẫn cứ chấp nhận vào
Quan điểm, tri kiến từ đầu của tôi.
Thưa Tôn Giả ! Đây thời sự kiện
Để xác chứng tri kiến ở đây :
Vào thuở trước, có một ngày
Quan quân bắt được kẻ đầy ác tâm
Đã giết người lại nhằm cướp của
Bị quan quân vây bủa, bắt rồi
Đoạn họ giải đến cho tôi
Để tôi xử tội hợp nơi luật hình
Tôi ra lệnh quân binh ứng chực
Đem cân sống lập tức kẻ này
Đoạn lấy giây cung sẵn bày
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 457
Thắt cổ cho chết người này, rồi cân
Thấy rõ rằng : sống còn di chuyển
Thì nhẹ hơn, nhu nhuyến và mềm
Chết rồi cân thấy nặng thêm
Không nhu nhuyến nữa, không mềm mại ra.
Tôn Giả Káp-Sa-Pa ! Do đó
Tôi vẫn chấp : Không có đời sau
Hóa sinh là chuyện không đâu
Chẳng có quả báo đi sau ác, lành ”.
17. –“ Này Tôn Chủ ! Có nhanh ví dụ
Nhờ ví dụ, người trí hiểu rành.
Như có người nọ đem cân
Khối sắt đã được qua phần đốt nung
Đỏ hừng hực, nói chung rất nóng,
Ngày hôm sau, mau chóng đem cân
Khối sắt nguội lạnh sẵn phần.
Theo ngài, khối sắt đem cân lúc nào
Thì nhẹ hơn, mềm vào nhu nhuyến ?
Khi cháy đỏ hay hiện nguội tanh ? ”.
– “ Thưa Tôn Giả ! Phải hiểu rành
Khi sắt cháy đỏ sẽ thành nhẹ hơn
Nhu nhuyến hơn, trở nên mềm mại
Khi nguội lạnh, cân lại nặng hơn
Không nhu nhuyến và cứng hơn
Theo như tôi hiểu nguồn cơn như vầy ”.
– “ Này Tôn Chủ ! Thân này tuổi thọ
Có sức nóng và có Thức này
Thì nó mềm mại, nhẹ thay !
Thế nhưng đến lúc thân này chết đi
Khi vĩnh ly, không còn tuổi thọ
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 458
Không sức nóng, không có Thức này
Thì nó nặng hơn, cứng ngay
Không còn nhu nhuyến như ngày sống đâu !
Này Tôn Chủ ! Nhờ vào điều đó
Tôi chấp nhận là Có đời sau
Có các loại hóa sinh mau
Hành vi thiện, ác đáo đầu báo chung ”.
18. –“ Thưa Tôn Giả ! Ngài dùng biện luận
Nói như vậy. tôi vẫn không thôi
Chấp vào tri kiến của tôi.
Còn có sự kiện như hồi trước đây :
Một người hay giết người, cướp của
Bị quan quân vây bủa, bắt rồi
Đoạn họ giải đến cho tôi
Để tôi xử tội hợp nơi luật hình
Tôi ra lệnh quân binh ứng chực
Đem người này lập tức lột da
Da ngoài, da trong lột ra
Thịt, gân, xương, tủy anh ta tức thì.
Khi người ấy chết đi phân nửa
Tôi ra lệnh lật ngửa anh ta
Xem linh hồn có đi ra ?
Không thấy, tôi nghĩ hay là lật nghiêng
Rồi lật úp, đến phiên cong lại
Đặt đứng thẳng rồi lại lộn đầu
Đánh người ấy với tay mau
Hay với cục đất đập vào người y
Dùng gậy, gươm đập y khắp chỗ
Để xem có thoát ra linh hồn ?
Nhưng tôi chẳng thấy linh hồn.
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 459
Y có sắc pháp, vẫn còn mắt trông,
Nhưng các căn đã không cảm thọ
Dù vẫn có tai, mũi, lưỡi, thân.
Thinh, hương, vị, xúc hết cần
Vì không cảm thọ các căn như vầy.
Thưa Tôn Giả ! Do đây sự kiện
Nên đã khiến tôi chấp ý mình ”.
19. – “ Này Tôn Chủ ! Có sự tình
Tôi đưa ví dụ biện minh như vầy
Nhờ ví dụ ở đây, người trí
Sẽ hiểu rõ nghĩa lý, nghiệm ra :
Xưa có người thổi tù-và
Y có một chiếc tù-và được cho
Bằng vỏ ốc rất to, đẹp mới
Y đi đến biên giới nước nhà
Vào trong một làng vùng xa
Giữa làng, y lấy tù-và thổi lên
Thổi ba lần rồi bèn đặt nó
Trên đám cỏ, ngồi xuống một bên
Người dân của làng vùng biên
Suy nghĩ không biết tiếng trên là gì
Mà khả ái, mê ly vô tận
Nghe hấp dẫn, rung cảm như vầy ?
Họ tụ lại, hỏi người này,
Thì được người ấy chỉ bày rõ ra :
‘Này các bạn ! Tù-và tôi đó
Tiếng của nó khả ái, mê ly’.
Nghe vậy, nhiều người tức thì
Đặt tù-và đó chuyển di nhiều bề
Khi đặt ngửa hay bề cong lại
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 460
Đặt đứng thẳng rồi lại ngược đầu,
Lấy tay, gậy, đất, gươm dao
Rồi từ mọi phía đánh vào còi kia.
Vừa đánh, các người kia vừa nói :
‘Bạn tù-và ! Hãy nói lên đi’.
Nhưng tù-và chẳng nói gì.
Người chủ suy nghĩ : ‘Ngu si quá chừng !
Những người dân ở vùng biên giới
Chẳng nghĩ ngợi, tìm hiểu sâu xa
Họ lại tìm tiếng tù-và
Rất vô ý thức diễn ra vừa rồi ”.
Trong lúc họ đứng ngồi nhìn ngắm
Người chủ nắm lấy chiếc tù-và
Thổi lên ba lần vang xa
Rồi anh ta xách tù-và ra đi.
Dân biên giới tức thì suy nghĩ :
‘Tù-và chỉ vang tiếng mọi nơi
Khi có phụ trợ của người
Có gió phụ trợ, tiếng thời vang ra’.
Này Tôn Chủ ! Người ta cũng vậy
Khi thân này có mấy điều cần :
Có tuổi thọ, hơi nóng thân
Có Thức phụ trợ thì thân chuyển dời,
Đi tới, lui, nằm ngồi hoặc đứng
Thân cảm xúc, biết cứng hay mềm
Mắt trông thấy sắc ngày, đêm
Tai nghe tiếng, mũi ngửi thêm hương trần
Lưỡi nếm vị, ý phần biết pháp.
Khi thân không có các phần này :
Tuổi thọ, hơi nóng, Thức đây
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 461
Phù trợ tích cực, thân này bất tri
Khi đứng, đi, nằm, ngồi, chuyển động
Tai không nghe tiếng bổng tiếng trầm
Mắt, mũi, lưỡi, thân, ý phần
Cũng không cảm nhận ngũ trần có ra
Là sắc, hương, vị và xúc, pháp
Nên xác chết không đáp ứng thôi.
Sự kiện như vậy, nên tôi
Chấp nhận quan điểm : ‘Có đời về sau
Các loại nào hóa sinh cũng có
Thiện, ác thọ quả báo hiển nhiên ”.
20. – “ Tôn Giả Ca-Diếp ! Tuy nhiên
Tôi vẫn chấp nhận ý riêng của mình.
Có sự kiện hành hình tội phạm
Nguyên trước đây có đám quan quân
Bắt được tên cướp sát nhân
Giải đến tôi để xử phân tội hình
Tôi ra lệnh quân binh ứng chực :
‘Hãy lột da lập tức tên này,
Có thể linh hồn thấy ngay’.
Nhưng đã thất vọng, điều đây không thành.
Ra lệnh tiếp : Cắt nhanh gân, thịt
Rồi lóc xương đến tít tủy xương
Để thấy linh hồn vấn vương
Thoát ra từ cái xác đương chết dần.
Dù nhiều lần hành hình như thế
Vẫn không thể thấy được linh hồn
Cho nên tôi vẫn bảo tồn
Quan điểm, tri kiến sắt son của mình
Là đời sau thật tình không có
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 462
Cũng không có các loại hóa sinh
Hành vi thiện, ác của mình
Chẳng có quả báo, đinh ninh ý này ”.
21. –“ Này Tôn Chủ ! Có ngay ví dụ
Nhờ ví dụ, người trí hiểu lời.
Tôn Chủ ! Thuở xưa có người
Bện tóc thờ lửa sống nơi núi rừng
Cái cốc lá y từng đã sống.
Một hôm bỗng có đám di dân
Đến ngụ qua đêm trong sân
Cái cốc y ở cũng gần chỗ đây.
Đến sáng ngày, lệnh người lãnh đạo
Cả đám người được báo phải đi.
Người bện tóc liền nghĩ suy :
‘Ta hãy đến chỗ của vì chỉ huy
Đám người này còn chi để sót
Đồ vật dụng ta mót để dùng’.
Người thờ lửa bỗng lạ lùng
Thấy một đứa bé bị trùng kiến bâu
Đang la khóc vì đau và đói
Người bện tóc tự nói trong tâm :
‘Không thể để hài nhi nằm
Đang đói và lạnh căm căm thế này,
Ta hãy đem bé đây về cốc
Để săn sóc, nuôi dưỡng nên người’.
Rồi y đem bé về nuôi
Đến khi đứa trẻ lên mười tuổi hơn
Người bện tóc bảo tồn ngọn lửa
( Vì người này thờ lửa, nguyện cầu )
Một hôm có việc đi lâu
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 463
Cần phải xuống tại vùng sâu đồng bằng
Kêu đứa trẻ dặn rằng : ‘Chú ý !
Phải giữ lửa đừng bị tắt đi
Chăm sóc ngọn lửa mọi thì
Nếu lửa có tắt, chẳng gì phải lo
Lấy búa chẻ bên lò lửa ấy
Dùng củi khô và lấy đồ quây
Để nhen lửa lại, cháy ngay !’.
Dặn xong đứa trẻ, người này hạ san.
Đứa trẻ đang ham chơi, rong ruổi
Không thêm củi để lửa tắt đi
Đứa trẻ lo sợ nghĩ suy :
‘Cha ta đã dặn trước khi rời nhà :
Nếu lửa tắt, lấy ra các thứ
Cái búa chẻ, củi trữ, đồ quây
Dùng đồ quây nhen lửa ngay.
Rồi nó cầm cái đồ quây để tìm
Lật lui, tới mong tìm thấy lửa
Nhưng chẳng thấy có lửa nào đâu !
Nó lại suy nghĩ như sau :
‘Hay là ta hãy chẻ mau cái này
(Cái đồ quay) để tìm thấy lửa’.
Nó đem búa chẻ bửa đồ quây
Làm hai, ba, bốn, năm ngay
Làm trăm mảnh vụn văng đầy tứ tung
Nhưng cuối cùng cũng không manh mối
Nó lại đem bỏ cối giã nhầu
Đem sàng trước gió cho mau
Cũng chẳng thấy lửa mặc dầu cố công.
Người bện tóc khi xong công việc
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 464
Ở đồng bằng, từ biệt trở về
Thấy nhà lạnh lẽo mọi bề
Ngọn lửa tắt ngấm, lạnh tê ập vào.
Hỏi đứa trẻ tại sao lại thế ?
Thì thằng bé liền kể đầu đuôi :
“ Ham chơi để lửa tắt thui
Quên lời cha dặn phải vùi giữ than,
Con vội vàng lấy đồ quây ấy
Tìm hoài mà chẳng thấy lửa đâu
Con liền chẻ đồ quây mau
Chẻ ra manh mún ngỏ hầu lửa ra
Chẳng thấy lửa, bỏ qua cối giã
Rồi sàng cả trước gió lớn vào
Nhưng cũng chẳng thấy lửa đâu
Nên con trông đợi cha mau về nhà ”.
Người bện tóc trải qua thờ lửa
Suy nghĩ rằng : “ Thật đứa ngu si !
Thông minh kém, chẳng biết gì
Với cách tìm lửa thiếu suy tư này ”.
Người bện tóc liền bày cách thức
Đồ quây lửa lập tức nhen lên
Ngọn lửa từ đó bùng liền
Người cha dạy trẻ phải nên thực hành.
Nay Tôn Chủ đành rành mê muội
Kém thông minh – theo đuổi, tìm tòi
Đời sau một cách hẹp hòi
Kém suy tư, khiến tìm hoài không xong.
Hãy từ bỏ khỏi vòng ác kiến
Chớ dấn thân vào chuyện khổ đau ”.
22. – “ Thưa Tôn Giả ! Dù thế nào
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 465
Tôi vẫn cương quyết chấp vào ý tôi.
Như hiện thời Vua Ba-Tư-Nặc
Cùng các vua nước khác khắp nơi
Đều biết tri kiến chẳng dời
Cũng là quan điểm của tôi, hiểu rành :
‘Không đời sau, hóa sanh không có,
Không quả báo việc họ làm ra’.
Thưa Tôn Giả Káp-Sa-Pa !
Nếu tôi từ bỏ ác tà kiến đây
Thì việc này mọi người chê trách :
‘Ba-Da-Si thật rất ngu si
Kém thông minh, chẳng ra chi !
Chấp kiến sai lạc, đồng quy ác tà
Nếu sự thể xảy ra như vậy
Vì tự ái, tức giận phát sinh
Lừa gạt người, tự dối mình
Nên tôi chấp chặt vô minh kiến tà ”.
23. – “ Này Tôn Chủ ! Đây là ví dụ
Người có trí nhờ dụ hiểu nhanh :
Thuở xưa một đoàn lữ hành
Thương buôn có đến một ngàn cỗ xe
Từ phương đông đi về tây hướng
Đến chỗ nào – số lượng cỏ tươi
Củi, nước, cây lá xanh tươi
Tiêu thụ nhiều lắm cho người, ngựa xe.
Lãnh đạo cả đoàn xe, hai vị
Cả hai đồng vị trí Trưởng đoàn
Thế rồi hai vị tính toan :
‘Đoàn lữ hành lớn, cả ngàn cỗ xe
Tiêu thụ về cỏ, cây, củi, nước
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 466
Khó cung ứng, khó được lâu dài,
Bây giờ nên tách làm hai
Mỗi đoàn chỉ có trong ngoài năm trăm
Như vậy mới dễ tầm củi, nước
Cỏ cho ngựa kiếm được dễ dàng’.
Thế rồi hai vị chia đoàn
Một đoàn đi trước, dặm ngàn tiến xa.
Sau khi đi hai, ba ngày mấy
Vị trưởng đoàn đó thấy một người
Da đen, cặp mắt đỏ tươi
Mang cung tên, lại choàng người vòng hoa
Bằng hoa súng sống qua dưới nước
Áo quần ướt, tóc ướt lôi thôi
Trên xe lừa kéo, y ngồi
Bánh xe bùn đất dính bồi chưa khô.
Dáng hải hồ, ngược chiều đi lại
Người lãnh đạo thấy vậy hỏi ngay :
“ Bạn từ phương nào đến đây ?
Rồi bạn rời khỏi nơi này đi đâu ? ”.
Khi được nghe mấy câu đáp trả
Người trưởng đoàn vội vả hỏi ngay :
– “ Bạn có thấy phía trước này
Khu rừng ở đó có đầy cỏ không ?
Có mưa không ? Có nhiều cỏ, nước ?
Có cây, lá xanh được nhiều không ? ”.
– “ Này bạn thân mến ! Hãy trông !
Người tôi ướt đẫm cả trong lẫn ngoài
Khu rừng trước mưa dài mấy bữa
Đường sá đều ngập chứa nước ngay
Nhiều cỏ tươi xanh, củi đầy
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 4676
Nhiều ao nước tại nơi đây trong lành.
Hãy quăng bỏ cỏ xanh, củi, nước
Vì phía trước đầy dẫy, sẵn dành,
Các cỗ xe nhẹ , đi nhanh
Đoàn người đỡ mệt, ít sanh bất hòa ”.
( Không biết là Dạ-xoa biến hiện
Ý bất thiện muốn hại đoàn người )
Trưởng đoàn thiểu trí, tức thời
Ra lệnh quăng bỏ cỏ tươi, nước dùng
Quăng vất củi tứ tung không kể
Các cỗ xe nhẹ để lên đường
Nhưng qua bảy trạm cung đường
Không hề thấy cỏ, củi thường cũng không
Nguy ngập nhất là không có nước
Cả người, vật khát nước, mệt nhoài
Không thể đun nấu nhiều ngày
Đói, khát lê bước, nắng gay gắt dần.
Các Dạ-xoa, phi nhân ác quỷ
Thân kỳ dị múa vút nhe nanh
Chúng ăn thịt sạch sành sanh
Người và bò, ngựa – chỉ dành đống xương.
Vốn tinh tường, trưởng đoàn đệ nhị
Sau khi nghỉ, đã chuẩn bị ngay
Cỏ, củi và nước đủ đầy,
Biết đoàn thứ nhất đi rày khá xa
Ông ra lệnh đoàn nhà xuất phát
Mọi thành viên kiểm soát lẫn nhau.
Đi được hai, ba ngày sau
Trưởng đoàn hai cũng thấy mau một người
Mắt đỏ tươi, thân hình đen đủi
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 468
Vai mang cung và túi tên kèm
Đeo vòng hoa súng điểm thêm
Quần áo và tóc ướt nhèm, co ro
Xe đầy bùn, đang do lừa kéo
Ngồi vắt vẻo, đánh xe tới nơi.
Vị trưởng đoàn liền mở lời
Hỏi thăm người ấy từ nơi chốn nào
Đi đến đây và sau sẽ đến
Địa phương nào là bến dừng chân ?
Rồi trưởng đoàn hỏi thêm rằng :
– “ Này bạn ! Có thấy khu rừng phía xa
Có mưa to ? Cỏ và củi, nước
Ở phía trước có được dồi dào ? ”.
– ‘ Thưa bạn ! Mưa lớn biết bao !
Đường sá ướt sủng, nhiều ao nước đầy
Nhiều cỏ xanh và đầy củi đốt.
Hãy quăng bớt những thứ kể đây,
Các cỗ xe sẽ nhẹ ngay
Cả đoàn đỡ mệt, mỗi ngày đi nhanh.
Nhưng Trưởng đoàn tinh anh, có trí
Họp các vị đánh xe, nói là :
“ Người lúc nãy khuyên chúng ta
Quăng bỏ hết cỏ, củi và nước ngay
Vì phía trước có đầy những thứ
Chúng ta cần tích trữ để mang.
Nhưng các bạn ! Chớ vội vàng
Người này chẳng phải họ hàng, bà con
Không phải bạn, hãy còn xa lạ
Chớ vội tin, quăng cả thứ cần
Ta cứ tích trữ dùng dần
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 469
Khi có thứ mới, quăng phần cũ hư ”.
Sự sáng suốt cũng như tư cách
Của trưởng đoàn đã vạch rõ lên
Mọi người đồng thuận ý trên
Không quăng chi cả, lòng bền chẳng lơi.
Đến cung trạm nghỉ ngơi thứ nhất
Thì quả thật chẳng thấy có mưa
Không nước, cỏ cho ngựa, lừa
Chẳng cây, chẳng một mẩu thừa củi khô.
Dẹp âu lo, đoàn người đi tiếp
Qua sáu trạm nghỉ mệt dọc đường
Thấy toàn vắng vẻ thê lương
Chẳng cỏ, củi nước ; quãng đường trống không
Trạm thứ bảy, họ đồng trông thấy
Dấu vết đoàn thương mãi đi đầu
Vương vải xương trắng dãi dầu
Của người, bò, ngựa… lâm vào nạn tai
Đã bị loài Dạ-xoa ăn thịt
Do thiểu trí, mờ mịt cả tin.
Mọi người thấy vậy cả kinh ,
Trưởng đoàn giải thích sự tình như sau :
– “ Này các bạn ! Do vào lãnh đạo,
Người trưởng đoàn khờ khạo, ngu si
Hướng dẫn mà thiếu nghĩ suy
Cho nên tất cả đã vì ông ta
Đều mạng vong rất là oan uổng.
Các bạn hãy quăng xuống thứ gì
Ít có giá trị mang đi
Hãy lầy những thứ còn y, đắt tiền
Của đoàn trước gặp liền tai biến
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 470
Đều chết cả, bỏ chuyến hàng đây ”.
Những người đánh xe đoàn này
Vâng theo chỉ dẫn thẳng ngay, làm liền
Lấy nhiều vật đắt tiền, giá trị
Chất lên xe, trực chỉ lên đàng
Qua bãi sa mạc an toàn
Vì được dẫn bởi Trưởng đoàn thông minh.
Này Tôn Chủ ! Hành trình tri thức
Người ngu si quả thực lâm vào
Tình cảnh hoạn nạn khổ đau
Vì đã tìm kiếm đời sau mê lầm
Thiếu suy tư, giống nhằm ví dụ
Mà Tôn Chủ vừa mới nghe qua,
Trưởng đoàn vô trí tin tà
Nên bị nạn bởi Dạ-xoa biến hình.
Những ai thường dễ tin, nhẹ dạ
Tin bất cứ điều đã nghe qua
Sẽ gặp hoạn nạn như là
Đoàn người tin ở Dạ-xoa gạt lừa.
Này Tôn Chủ ! Hãy chừa bỏ hẳn
Ác tà kiến, sẽ dẫn ngài vào
Đau khổ, bất hạnh dài lâu ”.
24. –“Tôn giả Ca-Diếp ! Mặc dầu ở đây
Những biện luận của ngài như thế
Tôi không thể từ bỏ kiến tà
Vì Quốc Chủ Kô-Sa-La
Ba-Sê-Na-Đí ngài là Đại Vương
Cùng các vua bốn phương đều biết
Về tri kiến cá biệt của tôi :
‘Ba-Da-Si vua này thời
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 471
Đã có tri kiến : không đời sau đâu,
Không có nào hóa sinh các loại,
Làm thiện ác cũng khỏi trả vay’.
Xưa nay tôi vẫn chấp vào
Tri kiến như vậy, không sao đổi dời.
Ác tà kiến nếu thời từ bỏ
Thì sẽ có sự phê bình tôi :
‘Vua Ba-Da-Si thật tồi !
Ngu si thấp kém, chấp nơi sai lầm’.
Vì trong tâm phát sinh tức giận
Vì tự ái pha lẫn bất bình
Lửa gạt người, tự dối mình
Tôi phải chấp chặt vô minh kiến tà ”.
25. – “ Này Tôn Chủ ! Kể ra ví dụ
Người có trí nhờ dụ hiểu nhanh
Thuở xưa có một người dân
Nuôi heo thu lợi để dần khả quan
Rồi một hôm, từ làng mình ở
Đến làng khác cách trở, xa xôi
Thấy đống phân đã khô rồi
Đã bị quăng bỏ ở nơi đường làng
Thấy như vậy, vội vàng gã nghĩ :
‘Đống phân khô này bị quăng ra
Có thể cho đàn heo ta
Làm thức ăn cũng được qua vài ngày,
Vậy ta hãy mang ngay đống ấy’.
Rồi y lấy áo choàng của y
Gói đống phân lại tức thì
Đội trên đầu gã, rồi đi trở vế.
Bỗng cơn mưa tứ bề giáng xuống
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 472
Gã luống cuống, nhưng vẫn bước đều
Phân bị mưa thấm ướt nhiều
Chảy xuống thành giọt thuận chiều trôi mau
Từ trên đầu đến chân tay gã
Đều lem luốc và tỏa mùi hôi.
Mọi người thấy cảnh lôi thôi
Hỏi rằng : “ Ông đã điên rồi hay sao ?
Lý do nào đội phân chảy ướt
Làm lem luốc, hôi hám cả người ? ”.
Người ấy tức giận trả lời :
“ Các ngươi mới thật là người khùng điên !
Nhờ phân này heo liền no bụng
Nên ta mang cho chúng để ăn ”.
Cũng vậy, Tôn Chủ vẫn hằng
Chấp chặt tri kiến, càng tăng ác dần
Chẳng khác gã đội phân ướt chảy,
Ác kiến hãy từ bỏ cho mau
Chớ để chúng đưa ngài vào
Con đường bất hạnh, khổ đau lâu dài ”.
26. – “ Thưa Tôn Giả ! Dù ngài nói thế
Tôi không thể từ bỏ điều này
Là ác tà kiến xưa nay,
Vì nếu tuyên bố bỏ ngay kiến tà
Mọi người sẽ quay ra chê trách :
‘Ba-Da-Si thật rất ngu si
Kém thông minh, chẳng ra chi !
Chấp kiến sai lạc vào tri kiến tà’.
Nếu sự thể xảy ra như vậy
Vì tự ái, tức giận phát sinh
Lừa gạt người, tự dối mình
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 473
Tôi phải chấp chặt vô minh kiến tà ”.
27. – “ Này Tôn Chủ ! Đây là ví dụ
Những người trí nhờ dụ hiểu nhanh
Thuở xưa ở một thị thành
Các người đánh bạc đua tranh lọc lừa
Dùng xúc xắc ăn thua canh bạc.
Một con bạc thua mãi, bất bình
Ngậm xúc xắc vào miệng mình
Mỗi lần thua, nguyện thần linh hộ trì.
Con bạc khác tức thì nghĩ ác
Liền nói với con bạc kể trên :
‘Này bạn ! Muốn được vận hên
Đưa tôi tế lễ, trở nên thắng hoài’.
Con bạc này liền đưa xúc xắc
Cho người kia chẳng thắc mắc gì.
Người kia cầm lấy mang đi
Đến chỗ vắng vẻ, tức thì bôi lên
Các xúc xắc nói trên, thuốc độc
Rồi trả lại, đôn đốc người này :
“ Này bạn ! Các xúc xắc đây !
Hãy chơi tiếp tục, lìa rày vận đen ”.
Con bạc ấy nghe bèn cầm lấy
Đổ xúc xắc nhưng mãi vẫn thua
Người ấy theo thói quen xưa
Ngậm con xúc xắc vừa thua vào mồm.
Con bạc kia vẫn ôm dạ thú
Tìm cách hại đối thủ thật sâu
Thấy y ngậm xúc xắc lâu
Nham hiểm, gã mới tìm câu nói rằng :
“ Con người không biết nguyên nhân
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 474
Con xúc xắc đó đã hằng được thoa
Bằng loại thuốc độc thấm qua
Sẽ bị đốt cháy dần dà ruột gan.
Con bạc ác độc tính toan !
Ngươi phải đau đớn nguy nan vô cùng ”.
Này Tôn Chủ ! Ngài dùng lời ấy
Cũng giống vậy, như kẻ ngậm qua
Xúc xắc đã ngấm độc thoa.
Tôn Chủ hãy bỏ ác tà kiến mau
Chúng sẽ đưa ngài vào đau khổ
Đưa vào chỗ bất hạnh lâu dài ”.
28. – “ Dẫu Tôn Giả Ca-Diếp ngài
Có nói như vậy, tôi nay bền lòng
Không từ bỏ trong vòng tri kiến :
Không đời sau ; không chuyện hóa sinh
Hành vi thiện ác của mình
Chẳng có quả báo – đinh ninh ý này.
Nếu tôi nay bỏ đi tà kiến
Mọi người sẽ có chuyện phê bình :
‘Ba-Da-Si kém thông minh
Ngu si chấp kiến vô minh sai lầm’.
Vì tức giận và nhằm lừa gạt
Vì tự ái với các sai lầm
Cho nên tôi vẫn âm thầm
Chấp chặt tà kiến trong tâm của mình ”.
29. – “ Này Tôn Chủ ! Thuyết minh ví dụ
Người có trí nhờ dụ hiểu xa
Thuở xưa có một quốc gia
Dời đô đến một nơi xa, thịnh cường.
Hai người bạn cùng đương bàn luận :
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 475
– “ Bạn thân mến ! Vì muốn khả quan
Chúng ta hãy kíp dời sang
Nơi kinh đô mới an toàn, thịnh sung ”.
Hai người cùng đi sang chỗ mới
Trên đường đi, họ tới một làng
Thấy đống cây gai bên đàng
Một người thấy vậy vội vàng nói ngay :
– “ Đống cây gai bị người quăng bỏ
Hãy nhóm lại thành bó mỗi người
Chúng ta sẽ mang đến nơi
Chỗ chúng ta ở khi dời nhà sang ”.
Người bạn đường vội vàng thực hiện
Rồi hai người cùng tiến lên đường
Đi đến một làng địa phương
Họ thấy quăng bỏ bên đường nơi đây
Đống giây gai hãy còn tốt, chắc
Người thứ nhất nói với bạn đường :
– “ Đống giây gai bỏ bên đường
Đúng với điều kiện ta đương cũng cần
Vậy chúng ta hãy phân nhau lấy
Rồi bó lại hai bó cây gai ”.
Nhưng ý người bạn đường này
Anh ta không muốn đổi thay làm gì :
– “ Này bạn thân ! Hãy tùy ý bạn.
Nhưng với tôi, đã mãn nguyện rồi
Đống gai buộc kỹ của tôi
Mang từ xa lại, chẳng dời đổi đâu ! ”.
Người thứ nhất quăng vào bụi cả
Đống cây gai anh đã mang đi.
Bó giây gai lại tức thì
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 476
Rồi vác bó ấy cùng đi theo mình.
Trên hành trình hai người tiếp bước
Ngày hôm sau đến được một làng
Trông thấy quăng bỏ bên đàng
Nhiều vải gai mới, loại hàng họ ưa.
Người thứ nhất khi vừa trông thấy
Đề nghị lấy, bỏ lại giây gai
Người này thành thật giải bày :
– “ Vải gai là loại ta hay dùng xài
Là thành phẩm từ giây gai đó
Giây gai có do từ cây gai
Nay ta được thành phẩm này
Rất là hữu ích, đỡ bày dệt ra ”.
Nhưng người kia vẫn là cố chấp
Cứ khăng khăng theo rập ý riêng
Bó cây gai gã giữ nguyên
Không muốn vất bỏ, mang liền một bên.
Người khôn ngoan nói trên vất bỏ
Bó giây gai trước đó đã mang
Lấy vải gai bó sẵn sàng
Rồi anh ta đội, lên đàng hân hoan.
Họ đi ngang nhiều làng khác nữa
Lại thấy bỏ lần lựa, như là :
Giây sô-ma, vải sô-ma
Cây bông rồi vải bôngvà sắt, gang
Nhiều đồng, thiếc, bạc, vàng quăng bỏ
Người khôn bỏ những thứ rẻ tiền
Lần lượt đổi thứ đắt tiền
Cuối cùng bỏ hết, lấy nguyên bọc vàng.
Còn người kia vẫn mang, không bỏ
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 477
Bó cây gai đã có đầu tiên.
Khi về đến nhà bình yên
Vợ con, cha mẹ, bạn hiền người khôn
Rất sung sướng vì chồng con họ
Đem vàng về, giàu có, hân hoan
Gia đình hạnh phúc, an nhàn.
Còn người thiểu trí vác toàn cây gai
Về đến nhà, ai ai cũng chán
Vì bó gai chẳng đáng mấy tiền
Vợ con, cha mẹ, bạn hiền
Không được vui vẻ, buồn phiền chồng, con
Nên người ấy chẳng còn hoan hỷ
Mất hạnh phúc vì ý sai lầm.
Tôn Chủ ! Ngài cũng mê tâm
Giống như kẻ chỉ ôm chầm bó gai.
Rất mong ngài bỏ tà ác kiến
Chúng chỉ khiến bất hạnh, khổ đau ”.
30. – “ Thưa Tôn Giả ! Ngay từ đầu
Ví dụ Tôn Giả đưa vào biện minh
Con thật tình rất là thỏa mãn
Rất hoan hỷ lời giảng đủ đầy
Nhưng con muốn được nghe ngài
Với lời minh triết, thẳng ngay trình bày.
Con xem ngài như người đối lập
Để học tập thêm những điều hay.
Thưa Tôn Giả ! Vi diệu thay !
Như người dựng vật lăn quay ngã nằm
Chỉ hướng kẻ sai lầm lạc lối
Đem đèn sáng vào tối như bưng
Để ai có mắt mở bừng
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 478
Có thể thấy được sáng trưng sắc màu
Cũng như thế, nhiệm mầu Chánh Pháp
Được Tôn Giả giải đáp, trình bày.
Con xin quy ngưỡng từ nay
Quy y Đức Phật, nương ngay Pháp mầu
Quy y Tăng, thanh cao đức cả
Nối tiếp nhau hoằng hóa Pháp môn
Mong Tôn Giả nhận cho con
Được làm đệ tử, vun tròn thiện duyên
Xin phát nguyện vẹn tuyền ngưỡng phục
Kể từ nay đến lúc lìa đời.
Con xin y chỉ vào nơi
Uy đức Tôn Giả, mọi thời đáng nương.
Thưa Tôn Giả ! Con đương tính mãi
Muốn tổ chức một Đại Tế Đàn
Xin ngài chỉ dẫn rõ ràng
Để con được hưởng phúc an lâu dài ”.
31. – “ Này Tôn Chủ ! Nếu ngài thực hiện
Tế Đàn khiến giết hại chúng sanh
Trâu, bò bị giết đã đành
Những người tham dự chẳng lành hành vi :
Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ,
Tà nghiệp dữ, tà mạng đành rành
Tà tinh tấn, tà niệm sanh
Cùng với tà định thực hành lầm sai.
Những người này đến Đàn dự lễ
Thì không thể đem quả báo nào
Lợi ích không được lớn lao
Danh tiếng, quảng bá không sao rộng truyền.
Này Tôn Chủ ! Có liền ví dụ
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 479
Một nông phu lam lũ cấy cày
Một hôm đem hạt giống này
Vào rừng và chọn nơi đây gieo trồng
Mảnh đất không cày bừa, cằn cỗi
Không màu mỡ, đá sỏi lộn trên
Những gốc cây chưa đào lên
Người ấy gieo hạt trên nền đất đây.
Những hạt này hoặc vì hư sứt,
Bị thúi mục, gió, nóng, trái mùa,
Điều kiện bất lợi, không mưa…
Vậy hạt giống ấy có thừa cơ lên
Phát triển nên sum suê hoa lá ?
Y có đạt kết quả nhiều không ? ”.
– “ Thưa Tôn Giả ! Dĩ nhiên không !
– “ Tôn Chủ ! Cũng vậy. Tại trong Tế Đàn
Giết trâu, bò, giết sang dê, lợn
Hoặc sẵn trớn, giết hại nhiều loài.
Những người tham dự Tế đài
Hành vi tà ác có đầy thân, tâm
Tế Đàn ấy phải ngầm hiểu thấu :
Không đem lại quả báo lớn lao
Không có lợi ích lớn nào
Danh tiếng, quảng bá không sao rộng truyền.
Này Tôn Chủ ! Còn duyên tổ chức
Đại Tế Đàn hết sức tịnh thanh
Không hề giết hại chúng sanh
Trâu, bò, dê, lợn hay sanh vật nào.
Những ai vào Tế Đàn tham dự
Có chánh kiến, chánh ngữ, chánh tư,
Chánh nghiệp, chánh mạng an như
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 480
Chánh tinh tấn, chánh niệm từ nội tâm
Cùng chánh định ; cao thâm giới đức
Tế Đàn này quả thực lợi nhiều
Quả báo lớn, danh tiếng nhiều
Quảng bá rộng lớn, khắp đều biết qua.
Này Tôn Chủ ! Như là ví dụ
Nông phu theo thời vụ cấy trồng
Thửa đất cày bừa đã xong
Đất này màu mỡ, lại trong thuận mùa
Gieo trồng xuống gặp mưa thấm kỹ
Hạt giống tốt, không bị hư nhiều
Không bị thúi mục, gió đều
Không quá nóng bức, thuận chiều nắng mưa
Vậy hạt giống có thừa cơ hội
Phát triển trội, hoa lá sum suê
Và người nông phu thu về
Kết quả đạt được tràn trề phải không ? ”.
– “ Thưa Tôn Giả ! Người nông phu ấy
Sẽ gặt hái kết quả dồi dào ”.
– “ Tôn Chủ ! Tại Tế Đàn nào
Không giết sinh vật, loài nào cũng tha
Trâu, bò, dê, heo, gà… các loại
Cầm thú khác cũng khỏi chết oan.
Những ai tham dự Tế Đàn
Sống đời chân chánh, nghiêm trang giới điều,
Tế Đàn ấy được nhiều quả báo
Lợi ích lớn ; quảng cáo rộng sâu ”.
32. Thế rồi chỉ vài ngày sau
Vua Ba-Da-Sí bắt đầu lo toan
Truyền bố thí cúng dàng các vị
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 481
Nào Sa-môn, Phạm-chí, người nghèo
Người vô gia cư, ăn theo
Hoặc các hành khất, cũng đều như nhau.
Các thức ăn được mau mang tới
Như cháo với đồ ăn dư còn.
Vải thô với viền hình tròn
Những thứ vật thí không ngon, rẻ tiền.
Út-Ta-Ra (1) thanh niên bị sót
Sau cuộc thí, liền thốt ngạo liền :
“ Với sự bố thí mãn viên,
Ta chỉ gặp được hiện tiền đời nay
Ba-Da-Si vua này một kiếp
Nhưng không gặp kế tiếp đời sau ”.
Vua Ba-Da-Si nghe tâu
Từ cận thần nọ, liền mau cho mời
Út-Ta-Ra đến nơi cung điện,
Hỏi chàng ta về chuyện xảy ra :
– “ Có phải ngươi nói ngạo là :
Với cuộc bố thí của ta hiện thời
Ngươi chỉ gặp ta đời hiện tại
Nhưng không tái gặp nữa đời sau ?
Ngươi nói như vậy tại sao ? ”.
– “ Thưa Tôn Chủ rõ : Nhìn vào việc trên
Việc bố thí không nên tranh cãi
Nhưng thức ăn phế thải, cháo hoa
Thức ăn chính ngài tránh ra
Chân không muốn đụng nữa là đem ăn.
Vải thô với hình trăng tròn đấy
Loại vải ngài cũng ngại đụng chân
_______________________________
(1) : Thanh niên tên Uttàra .
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 482
Huống nữa là mặc vào thân.
Nhưng ngài là vị nhân quân cõi trần
Mà chúng tôi vẫn hằng kính mến.
Như thế nào đưa đến phối điều
Giữa cái kính mến thân yêu
Với cái gì chẳng thân yêu, thưa ngài ? ”.
– “ Út-Ta-Ra thẳng ngay thân mến !
Hãy đem đến phân phát thức ăn
Món ăn như ta vẫn ăn,
Và đem phân phát những phần vải tơ
Loại vải ta hiện giờ đang mặc ”.
Út-Ta-Ra lòng rất hân hoan
Thực hiện bố thí vẹn toàn
Như lời Tôn Chủ đã ban lệnh truyến.
* * *
Ba-Da-Si vì duyên bố thí
Không hoàn bị và không tự tay
Không chú tâm trong việc này
Đồ ăn phế thải cũng bày thí chung.
Khi thân hoại mạng chung, sinh lại
Nhập chúng với Tứ Đại Thiên Vương
Ở trong cung điện xa phương
Sê-Ri-Sa-Ká (1) – cung thường trống không.
Còn thanh niên với lòng bố thí
Rất hoàn bị, tự tay mình làm
Có suy tư, có chú tâm
Vật thí trong sạch, lòng thầm hỷ hoan.
Sau khi chết, sinh sang Đao Lợi
Nhập chúng với các vị Chư Thiên
_______________________________
(1) : Cung điện cõi trời Serisaka .
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 483
Cõi trời Tam Thập Tam Thiên
Thọ hưởng quả báo phước duyên đã làm.
33. Ngài Tôn giả Ga-Văm-Bá-Tí (1)
Tức Ngưu Chủ (1), thường nghỉ trưa nơi
Cung điện trống không mọi thời
Sê-Ri-Sá-Ká – nghỉ nơi cung này
Nhưng hiện nay có vì Thiên tử
Ba-Da-Si hiện trú nơi đây,
Thiên tử vội đi đón ngài
Đảnh lễ Tôn-giả, đứng ngay bên ngài.
Tôn-giả hỏi : “ Là ai đó vậy ? ”.
– “ Bạch Tôn-giả ! Chính tại cung này
Con : Ba-Da-Si sinh ngay
Hiện tại đang ở nơi đây một mình ”.
– “ Này Hiền-giả ! Hành trình lưu chuyển
Trước kia ngươi tà kiến chấp vào :
Không hóa sinh, không đời sau
Không có quả báo đàng sau ác, lành ? ”.
– “ Bạch Tôn-giả ! Quả tình con đã
Ác tà kiến quái lạ chấp qua
Nhờ Tôn-giả Káp-Sa-Pa
Con đã tự thoát ly ra khỏi liền ”.
– “ Còn thanh niên Út-Ta-Ra đó
Trong cuộc thí bị bỏ sót này,
Thác sinh ở đâu hiện nay ? ”.
– “ Kính bạch Tôn-giả ! Người này vô tham
Hưởng phước do việc làm trong sạch
Đã bố thí một cách hoàn toàn
_______________________________
(1) : Tôn giả Thánh Tăng Gavampati - Ngưu-Chủ .
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 484
Tự tay làm, rất hân hoan
Suy tư chính chắn, sẵn sàng, chú tâm
Các vật thí không nhằm phế thải
Khi thân hoại, nhập chúng chư Thiên
Đao Lợi – Tam thập tam thiên.
Còn con, do tạo phước duyên không nhiều
Các vật thí loại đều phế thải
Không chú tâm mà lại chẳng suy
Sau khi thân hoại, sinh đi
Cung điện trống rỗng – Sê-Rì-Sa-Ka
Tứ Thiên Vương, nơi là Thiên giới
Nhưng sống với cô độc, không ai.
Kính mong Tôn giả quan hoài
Sự kiện như vậy, xin ngài từ bi
Về trần gian hãy vì phước họa
Dạy mọi người kết quả việc làm :
Khi bố thí, tự tay làm
Cách làm hoàn bị, chú tâm, vui lòng
Bố thí với đồ không phế thải
Có như vậy, sau lúc mạng chung
Mới được phước lớn sinh cùng
Chư Thiên Đao Lợi thiên cung hưởng nhàn.
34. Ngài Tôn giả Ga-Văm-Bá-Tí
Đi vào trong thế giới loài người
Vì sự lợi ích cho đời
Vì sự ủy thác, nói lời như sau :
“ Hãy bố thí trước, sau hoan hỷ
Tự tay mình bố thí, cúng dường
Có suy tư, chú tâm thường
Vật thí trong sạch và đương sẵn sàng
Trường Bộ - (Tập 2) Kinh 23 : TỆ TÚC (Pàyàsi ) * MLH – 485
Không phải là đồ đang phế thải
Vì như vậy phước chỉ tí ti.
Như Tôn Chủ Ba-Da-Si
Thí không hoàn bị, không suy tư gì
Không tự tay mang đi bố thí
Đồ phế thải, cụ bị tầm thường
Sau khi thân hoại, lên đường
Sinh đến Tứ Đại Thiên Vương cõi trời
Cung điện trống là nơi y tới
Của Thiên giới Sê-Rí-Sa-Ka.
Còn thanh niên Út-Ta-Ra
Cuộc thí Tôn Chủ bỏ qua không màng,
Nhưng do chàng tự tay bố thí
Thí hoàn bị, lại có suy tư
Vật không phế thải, không hư
Trong sạch bố thí do từ thành tâm
Sau mạng chung, sinh nhằm Thiên giới
Cõi Đao Lợi – Tam thập tam thiên
Nhập chúng đông đảo chư Thiên
Thọ hưởng phước báo do duyên chí thành ”./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh 23 : TỆ TÚC – Pàyàsi-sutta )
- HẾT TẬP II -
Thi Hóa Trường Bộ Kinh ( Tập II ) * MLH – 486
KINH SÁCH THAM KHẢO :
– TRƯỜNG BỘ KINH
( Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch )
– ĐỨC PHẬT và PHẬT PHÁP
[ The BUDDHA and HIS TEACHINGS ]
( Hòa Thượng NARADA - Phạm Kim Khánh dịch )
–. LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT TỔ CỐ-ĐÀM
( Mahà Thong Kham Medhivongs )
– THIỀN TỨ NIỆM XỨ - MINH SÁT TUỆ
( Hòa Thượng Thiền Sư Giới Nghiêm – Thitasìlo Mahàthero )
– MI-TIÊN VẤN ĐÁP - MILANDAPANHÀ
( Hòa Thượng Giới Nghiêm – Thitasìlo Mahàthero soạn dịch )
– PHẬT HỌC QUẦN NGHI
( HT. Thích Thánh Nghiêm . Thầy T. Minh Quang dịch )
– ĐẠI TỰ ĐIỂN TIẾNG VIỆT
( Nguyễn Như Ý chủ biên - NXB Văn Hóa Thông Tin VN )
– TƯ TƯỞNG XÃ HỘI trong Kinh Điển PHẬT GIÁO
NGUYÊN THỦY - HT. Thích Chơn Trí ( Nguyên Siêu )
– PHẬT GIÁO NAM TÔNG tại ĐÔNG NAM Á
( Giáo sư Trần Quang Thuận )
– PHẬT GIÁO CHÁNH TÍN ( HT. Thích Trí Nghiêm )
– Tìm hiểu & Học tập KINH PHÁP CÚ Tập I
( Cư-sĩ THIỆN NHỰT phiên dịch và ghi chú )
Phần
PHỤ LỤC
Vở Kịch Thơ lịch sử :
“ Thăng Long – Xuân Chiến Thắng”.
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 488
Kịch Thơ Lịch Sử :
THĂNG LONG - Xuân Chiến Thắng
HTr. MAI LẠC HỒNG soạn .
* * *
LỜI DẪN CHUYỆN :
Lịch sử Việt Nam đã có những anh hùng kiệt xuất , trong đó Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự xuất chúng, chưa hề thua trận. Vào Nam đánh tan 20 vạn quân Xiêm (Thái Lan - do Nguyễn Ánh - vua Gia Long sau này - cầu viện ) tại Rạch Gầm, Xoài Mút ( gần Mỹ Tho bây giờ ). Ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh ( do vua Lê Chiêu Thống cầu viện ) dành lại chủ quyền cho dân tộc. Với lối hành quân thần tốc, sách lược thần kỳ, chưa đánh đã biết mình sẽ thắng và đã chuẩn bị những chương trình hậu chiến ngay lúc hành quân. Sự trọng dụng nhân tài và sự cải tổ việc cai trị, dùng chữ Nôm thay thế chữ Hán trong cả nước… của Vua cũng là việc đáng trân trọng.
Đáng tiếc thay ! Anh hùng mệnh bạc ! Trong lúc công cuộc chấn hưng đất nước đang lên cao độ thì Vua Quang Trung đột ngột từ trần lúc mới 40 tuổi đời. Nhiều sử-gia cho rằng nếu Vua Quang Trung sống lâu hơn thì Việt
Vở kịch thơ lịch sử : “Thăng Long – Xuân Chiến Thắng” phần nào gợi lại một chiến công oai hùng của dân tộc dưới sự chỉ huy của vị Anh hùng xuất thân “áo vải cờ đào”Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 489
CÁC VAI :
– Vua Quang Trung. – Vua Lê Chiêu Thống.
– Thị Lang Ngô Thì Nhậm. – Thái Hậu nhà Lê.
– Đô-đốc Ngô Văn Sở. – Tổng Đốc Tôn Sĩ Nghị.
– Đô-đốc Bùi Thị Xuân. – Thang Hùng Nghiệp.
– Quan trung trực nhà Lê. – Quan xu thời triều mới.
– Quân hầu. – Quân báo.
______________________________
CẢNH 1 :
( Cảnh Triều đình với ngai vàng chơ vơ. Vua Chiêu Thống ngồi
bên bệ uể oải. Thái Hậu đi đi lại lại bồn chồn )
* LÊ CHIÊU THỐNG :
Thưa Mẫu Hậu ! Thần nhi vô cùng chán ngán
Cảnh làm Vua mà chẳng chút uy quyền !
Đến nỗi Sứ lân bang cũng chẳng nể chẳng kiêng.
Ai đời mỗi buổi sáng Vua lại phải thân hành
chầu chực,
( Nhìn quanh, rồi nói tiếp )
Nhìn cung điện đây, con lại càng thêm uất ức,
Chỗ thiết triều mà nay lại là chỗ ở của Lưỡng Quảng
Tổng Đốc đại nhân !
Mẹ con ta muốn sớm đánh Tây Sơn, nhưng
Tôn Sĩ Nghị vẫn bình chân,
Vui suốt sang thâu đêm, đến giờ này vẫn chưa
tỉnh giấc !
* THÁI HẬU :
Này Duy Kỳ ! Mẹ biết Vương nhi nỗi lòng chồng
chất,
Từ thuở ấu thơ, con đã hay sợ sệt lo buồn,
Nỗi phập phồng vì Phủ Chúa Trịnh cứ rình rập luôn
luôn,
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 490
Giám sát chặt Hoàng-tộc họ Lê từng ly từng tí.
Nhưng nay con đã lên ngôi bĩnh trị,
Thay nội-tổ con là Hiển Tông Hoàng-Đế Tiên Vương.
Là bậc Quân Vương, con chớ khá coi thường,
Phải luôn xứng đáng là bậc đứng đầu trăm họ.
Dù nay phải trải qua muôn ngàn gian khó,
Nhưng con phải kiên cường giữ thể thống một vì Vua.
Trong cơn dầu sôi lửa bỏng, quyết định hơn thua
Ta đã phóng lao, đành theo lao cho trót.
Mấy ngày qua, mẹ vô cùng đắng cay chua xót,
Nghe phong phanh dân chúng đang phỉ nhổ
mẹ con ta,
Họ bảo mẹ con ta đã cõng rắn cắn gà nhà,
Nhưng nay ta chỉ còn biết cậy vào đại quân Thanh
bảo hộ,
Dựa vào uy quyền của Tôn Sĩ Nghị Tổng Đốc
đại nhân,
Hy vọng họ sẽ giúp cho chúng ta vượt qua mọi
nỗi phong trần,
Diệt tan thảo khấu Tây Sơn, qui giang sơn về
một mối.
Chỉ hận cô của con… công chúa Ngọc Hân lầm
đường lạc lối,
Giúp rập chồng, tên quốc-tặc Nguyễn Huệ
Bắc Bình Vương…
* CHIÊU THỐNG :
Mẫu Hậu ơi ! Nói chi cho thêm nỗi đoạn trường
Nay xã-tắc đảo điên, khí số nhà Lê đã đến hồi
cùng cực,
Bản thân con cũng là vị vua vô tài kém đức,
Thôi cũng đành mặc cho Con Tạo chuyển xoay !
Hy vọng một ngày mai. . .
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 491
( Có tiếng đằng hắng của Tôn Sĩ Nghị làm cho mẹ con
Lê Chiêu Thống giật mình )
* TÔN SĨ NGHỊ :
. . . Hầy ! Chưa chi mà đã quá nửa ngày,
Vừa mới thức giấc mà mặt trời vừa đúng ngọ.
( Chợt nhìn thấy mẹ con Chiêu Thống )
Ồ ! Xin lỗi Thái Hậu ! Xin lỗi Tự Quân công khó,
Đã đợi chờ Bản Soái chốn trung quân.
Đêm qua Bản Soái đã quá chén cùng các mỹ nhân.
Ôi ! Gái nước Việt thật tuyệt vời tuyệt sắc … !
( Ngưng một lát, nhìn Thái Hậu cười khả ố )
Đến như Thái Hậu đây mà vẫn còn diễm kiều xuân sắc
Đáng tiếc thay, hãy còn trẻ mà đã mẹ góa con côi…
* THÁI HẬU :
Thưa Đại-nhân ! Mẹ con chúng tôi bạc phần vì vận
nước nổi trôi,
Nên mới cầu viện Thanh Triều, mong thoát qua cơn
gió sóng,
Là Tổng Chỉ Huy Thanh-binh, xin ngài nên cẩn trọng,
Bậc trượng phu không nên lộng ngữ hí ngôn,
Mẹ con chúng tôi hàng ngày chầu chực trước cung
môn,
Mong Tổng Đốc Đại-nhân sớm đánh Tây Sơn, diệt
trừ Nguyễn Huệ.
* TÔN SĨ NGHỊ : ( Có vẻ thẹn, nghiêm mặt nói )
Xin Thái Hậu và Tự Quân hãy giữ an long thể,
Hai mươi vạn quân Thanh triều đã vào đến
Thăng Long,
Chỉ nay mai là quét sạch hết bọn cuồng ngông .
Lũ chết nhác, vừa thấy binh mã Thiên-triều đã trốn
chạy về Tam Điệp.
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 492
Nay đã gần hết năm, đến sang Giêng ra quân còn kịp,
( giọng ngạo nghễ )
Hãy để cho bọn Tây Sơn thêm vài tháng sống còn,
Rồi đây đại quân Thiên-triều sẽ vào san phẳng Quy
Nhơn,
Bắt sống Nhạc, Huệ, Lữ và đám loạn thần tặc tướng,
Đáng giận thay ! tên Nguyễn Nhạc dám to gan phạm
thượng,
Tự xưng là Thái Đức Hoàng Đế Trung Ương,
Phong cho em là Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương,
Em thứ hai là Đông Định Vương Nguyễn Lữ.
Nhân Chúa Nguyễn phương
Quy Nhơn hùng cứ,
Chưa thỏa mãn lòng tham, còn dòm ngó Bắc Hà.
Nhưng nay chúng đã hết thời, vì đã có Đại-quân ta,
Sắp hỏi tội, tiêu diệt loài giặc cỏ.
( quay qua Thái Hậu )
Thôi Thái Hậu và Tự Quân hãy trở về Cung Vạn Thọ
Ta đã hứa , thì… ta sẽ thực hiện nay mai,
Hãy yên tâm ! . . . ( cười cười )
* THÁI HẬU :
. . . Mẹ con chúng tôi xin trông cậy nơi ngài,
Mong Tổng Đốc Đại nhân sớm cử binh hưng phạt.
( Tôn Sĩ Nghị vuốt vuốt râu cười nhạt, trong khi mẹ con Lê Chiêu Thống blủi thủi theo nhau bước vào trong . Màn hạ )
CẢNH 2 :
( Vị quan Trung trực đăm chiêu bước ra đi vòng vòng. Vị quan
Xu thời hớt hãi chạy ra )
* QUAN XU THỜI :
Này Đại huynh ! Đi đâu mà đệ kêu huynh không hề
hay biết,
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 493
Dáng đăm chiêu như đang tư lự, băn khoăn,
Hiện Tôn Sĩ Nghị Đại-nhân đang kêu gọi các
Cựu Thần
Trở lại triều trung để cùng Tự Quân luận bàn
việc nước,
Cớ sao Đại huynh dửng dưng, quan trường từ khước
Vui cảnh điền viên trong nghèo túng, nhọc nhằn ?
* QUAN TRUNG TRỰC :
Nghe Quan huynh hỏi mà ta đây mối hận càng tăng,
Bởi không thể nhắm mắt bịt tai trước những điều
xấu hổ,
Nhục non sông, nhục đến cả Tiền nhận Liệt Tổ !
Nước
Chưa có Vua nào hèn yếu như Lê Chiêu Thống
nhuốc nhơ,
Đem xã tắc giang sơn dâng vào tay quân giặc,
Lũ cẩu trệ nghênh ngang giữa Thăng Long “ngàn năm
văn vật”,
Mở miệng cú diều, sỉ nhục cả Vua
Hạch sách đủ điều, cốt thỏa mãn lòng tham,
Khiến đời sống người dân muôn phần khổ đau, tan nát
Binh tướng Thanh-triều là lũ vô cùng tàn ác,
Lộ dã tâm xâm lược Nước
Mà cũng bởi manh tâm cõng rắn cắn gà nhà,
Bán nước cầu vinh của mẹ con Lê Chiêu Thống !
* QUAN XU THỜI : ( lộ vẻ hốt hoảng, dáo dác nhìn quanh )
Chết, chết ! Đại huynh nói năng nên cẩn trọng…
Tai vách mạch rừng, lại mang họa đến bản thân,
Đệ cũng hiểu lẽ hưng suy, nhưng… còn đạo Quân
Thần !
Chúng ta đã hưởng lộc Triều Lê, nhuần ân vũ lộ,
Nên cũng cố mà . . .
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 494
* QUAN TRUNG TRỰC : ( mỉa mai )
. . . nhắm mát bịt tai trước những điều xấu hổ,
Như thế là đúng đạo làm người, là bậc quân-tử
hay sao ?
Chỉ tiếc là ta đây tuổi hạc đã cao,
Mỏi gối chồn chân, không thể nào băng rừng
vượt thác,
Vào tận Phú Xuân gia nhập Tây Sơn, cùng chung
gánh vác
Đại sự nước nhà, đánh đuổi giặc xăm lăng.
* QUAN XU THỜI :
Đại huynh ơi ! Chống lại quân Thanh là việc rất
khó khăn,
Binh mã Thiên-triều đóng khắp nơi, trùng trùng
điệp điệp,
Lại có binh mã Bát Kỳ sẵn sàng can thiệp,
Từ Trung Quốc kéo sang ngay, sẽ đè bẹp dân ta !
Lại lòng dân ta ly tán, chẳng thuận hòa,
Sau bao năm tháng chiến chinh triền miên khổ đau
tan tác !
Chí hướng của Sĩ-phu Bắc Hà cũng mỗi người
một khác,
Riêng đệ đây chỉ mong tận trung báo quốc, giữ
cương thường,
Còn việc dấn thân theo cờ nghĩa Bắc Bình Vương
Đệ không dám, trăm lần không dám nghĩ,
Xin cáo từ ! Chúc Đại huynh sở cầu như ý…
( Dáo dác nhìn quanh rồi đi vội vào. Quan Trung Trực nhìn
theo, lắc đầu khinh bỉ )
* QUAN TRUNG TRỰC :
Thật là kẻ Ngu Trung phò tá Vua hèn,
Ngoảnh mặt làm ngơ trước vận nước rối ren !
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 495
Chỉ chực uốn gối khom lưng trước kẻ thù chung
dân tộc,
Ôi ! Vận nước điêu linh ! Ôi ! Giặc thù tàn khốc !
.
( Lảo đảo đi vào. Màn hạ )
CẢNH 3 :
[ Cảnh núi rừng Tam Điệp. Đô Đốc Ngô Văn Sở và Thị Lang
Ngô Thì Nhậm ( Ngô Thời Nhiệm ) nối bước nhau ra ]
* NGÔ VĂN SỞ :
Thưa Thị Lang ! Theo kế hoạch của ngài đã vạch,
Chúng ta đã rút quân về trấn thủ tại nơi đây,
Phi báo về Phú Xuân để Chúa Công định liệu, an bài,
Tin từ Huế vừa báo ra là Chúa Công đã lện ngôi
Cửu Ngũ,
Chính vị hiệu, để quân dân ta có ngôi Quốc Chủ,
Đoàn kết toàn dân để đánh đuổi quân thù,
Và đại quân đã lên đường, ruổi bước chinh phu,
Có lẽ nay mai sẽ hội quân tại nơi đây : Tam Điệp.
* NGÔ THÌ NHẬM :
Thưa Đô Đốc ! Chúa Thượng Quang Trung là vị
anh hùng sáng-nghiệp,
Ngô Thì Nhậm này rất phục Ngài về tài trí siêu phàm
Một thiên tài quân sự, một bậc tuấn kiệt của
Nước
“Áo vải cờ đào”, vung gươm đứng lên trong cơn
quốc nạn,
Quyết dẹp nỗi bất bằng, cứu dân khỏi lầm than,
khổ nạn,
Cảm phục người anh hùng, Vua Lê đã gã Công-chúa
Ngọc Hân,
Nương nương đã giúp cho Chúa Thượng cả về
trọng sự quốc quân.
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 496
Chúa Thượng cũng đã nhún mình, cầu kiến La-Sơn
Phu Tử,
Thỉnh ý về kế sách Tế-thế Kinh-bang, vỗ an lê thứ,
Với kế hoạch lâu dài, xây dựng một đất nước
cường vinh,
Nhậm này là kẻ trí mỏng tài hèn mà cũng được Chúa
Thượng cẩn tin,
Nên cũng nguyện dốc lòng để tận trung báo đáp.
( Có tiếng trong hậu trường :“Chúa Thượng giá lâm.
Sĩ hãy quỳ nghinh tiếp ”. Tất cả đều quỳ. Vua Quang Trung bước
ra, theo sau là Nữ Tướng Bùi Thị Xuân )
* VUA QUANG TRUNG :
Chư Tướng hãy đứng lên ! Hôm nay đã là ngày 20
Tháng Chạp,
Được khẩn tin, Trẫm vội điều binh thần tốc ra đây,
Ba quân đã dãi nắng dầm sương, di chuyển suốt
đêm ngày,
Cờ Đại nghĩa tung bay, khắp Tướng sĩ đều một lòng
đánh giặc,
Với khí thế quân dân ta, chiến thắng quân Thanh
là điều nắm chắc,
Trẫm hứa là ngày Khai Hạ, quân ta sẽ vào đến
Thăng Long.
Giải thoát Bắc Hà đang rên siết dưới ách cùm gông,
Để đất nước thái hòa, dân chúng không còn lo âu
khắc khoải,
Chính nghĩa của Quân Dân ta vô cùng quang minh
chính đại.
Đánh đuổi giặc thù, cứu dân khỏi chốn lầm than !
“ Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân mà thay cường bạo ”.
Ta hưng binh điếu phạt cũng chỉ là Vì Dân Khử Bạo.
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 497
Vì tinh thần bất khuất của giống nòi Lạc Việt
dưới trời
Đất nước bốn ngàn năm Văn Hiến, với ý chí phi phàm
“ Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt
đời nào cũng có ! ”.
( Nhìn Chư Tướng một lát, rồi tiếp )
Huệ này là kẻ nông dân đất Tây Sơn, vải bô lều cỏ,
Sống trong thời buổi loạn ly, quan tham lại nhũng
dẫy đầy,
Không nỡ thấy dân lành đói rách, thống khổ, bi ai…
Nên đã vung ba tấc gươm cùng bào huynh cờ đào
dấy nghĩa,
May được hào kiệt bốn phương cùng về tụ nghĩa,
Hiệp lực đồng tâm xây dựng lại cơ đồ.
Bởi lòng dân sục sôi, muốn nước nhà thoát khỏi
họa vong nô,
Nên Huệ này đã phải lên ngôi, để thân chinh ngự giá,
Nay hội quân đây để chuẩn bị tiến quân bằng
nhiều ngã,
Vậy Chư Tướng có điều gì để nghị luận hay chăng ?
* NGÔ VĂN SỞ : ( quỳ bái gối, tâu )
Tâu Chúa Thượng ! Thần từ khi rút quân về đây, rất
lo sợ băn khoăn,
Vì đã để mất nhuệ khí quân ta trước sự tấn công
của giặc.
* VUA QUANG TRUNG :
Đô Đố Ngô Văn Sở hãy đứng lên ! Đừng bận tâm
tự trách,
Ta rất tán đồng với kế hoạch trá bại lui binh,
( Nhìn Ngô Thì Nhậm )
Có lẽ đây là kế sách của Ngô Thì Nhậm tiên sinh ?
Muốn đốn ngã đối phương, ta cần lui vài bước ?
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 498
* NGÔ THÌ NHẬM :
Tâu Thánh Thượng ! Trước thế giặc mạnh, chúng
thần đành dùng chước,
Vì nhân tâm Bắc Hà ta chưa thu phục được bao nhiêu,
Rút lui quân giả thua để giặc Thanh khinh địch tự kiêu,
Và chúng sẽ bại trận bởi sự khinh thường đối thủ.
* VUA QUANG TRUNG :
Theo binh pháp, khi nhượng bộ ôn nhu, khi kiên
cường uy vũ,
Kế sách của Tiên-sinh rất hợp ý Quả nhân.
( Quay sang Bùi thị Xuân ) : Còn việc điều động Tượng
binh của Đô Đốc Bùi thị Xuân,
Theo kế hoạch hành binh có điều chi trở ngại ?
* BÙI THỊ XUÂN :
Tâu Chúa Công ! Đúng theo chiến lược của Chúa
Công, để một phen sống mái,
Đội Tượng Binh sẽ theo ngã thượng đạo Lào, mở
hướng tấn công,
Vượt qua miền Trung-du Bắc Hà, hướng đến
Thăng Long,
Tạo thế gọng kìm với các đạo quân của Đô Đốc Long,
Đô Đố Tuyết,
Thủy quân của ta sẽ theo sông Nhị Hà, tạo thế
liên minh cần thiết,
Với trận địa liên hoàn này, quân giặc sẽ thua to.
* VUA QUANG TRUNG :
Với tinh thần quyết chiến của các Tướng sĩ, ta sẽ
không lo,
Đuổi giặc thù ra khỏi biên cương là điều nhất định !
Nhưng… sau khi ổn định dân tình, sửa sang
triều chính,
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 499
Có lẽ phải nhờ đến tài ngoại giao của Ngô Thì Nhậm
Tiên-sinh,
Chiến thắng, nhưng ta phải cầu hòa để đất nước được
an bình,
Để ta rảnh tay xây dựng nước nhà phồn vinh, cường
thịnh.
Giờ đã đến lúc xuất quân theo hành trình đã định,
Chư Tướng phải tuyệt đối tuân hành kỷ luật hành binh
Giữ bí mật quân cơ, bắt hết thám-tử để giặc Thanh
không thể truyền tin,
Ngựa cất lạc, người ngậm tăm – Ta phải chuyển quân
thần tốc.
Truyền TIẾN BINH !
CẢNH 4 :
( Tôn Sĩ Nghị đứng quay lưng ra khán giả, vẻ trầm tư .
Tướng Thanh Thang Hùng Nghiệp bước vào, quỳ nói )
* THANG HÙNG NGHIỆP :
Bẩm Đại Soái ! Mạt tướng kính chúc Ngài năm mới :
Mã đáo thành công, hoạn-lộ được hanh thông,
Thực hiện được Thánh-ý của Thánh Hoàng, kết quả
thành công :
Biến An-Nam thành phiên-bang của Thiên-triều như
kế hoạch.
* TÔN SĨ NGHỊ :
À ! Thang Hùng Nghiệp tướng-quân ! Chúng ta đang
đón Xuân nơi đất khách,
Mấy ngày qua hình như tình hình chiến sự gia tăng,
Tiên-phong Trương Triều Long, Đề-đốc Hứa Thế
Hanh,
Tả-dực Thượng Duy Thăng cùng Tướng-quân Sầm
Nghi Đống,
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 500
Chẳng ai có tin tức báo về, chờ đợi càng thêm vô
vọng,
Bản Soái cũng chưa biết thế nào, nhưng cảm thấy
lo âu !
( Có tiếng reo hò bên trong hậu trường. Tôn Sĩ Nghị giật mình,
dáo dác )
Ồ ! Có tiếng quân reo từ Thành ngoại vọng vào,
Tướng-quân hãy ra xem, rồi trở vào đây cấp báo.
( Thang Hùng Nghiệp ra một lát rồi hớt hãi vào báo )
* THANG HÙNG NGHIỆP :
Bẩm Đại Soái ! Tình hình chiến sự đã vô cùng
nguy ngập,
Quân Tây Sơn khắp nơi đã làm chủ tình hình,
Đồn Hà Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng… đều
đã bại binh.
Hứa Thế Hanh, Thượng Duy Thăng, Trương Triều
Long… đều tử trận,
Sầm Nghi Đống tướng-quân cũng đã treo đầu vì
tủi hận,
Xin Đại Soái hãy khẩn cấp vượt cầu phao lánh nạn
qua sông,
Vì quân Tây Sơn đang ầm ầm tiến sát đến Thăng Long
Và chúng sẽ chiếm Kinh thành không lâu nữa.
( Nói xong, chạy trở vào trong )
* TÔN SĨ NGHỊ : ( run rẩy, quay quắt )
Ôi ! Hỏng bét ! Mộng cường chinh đà gãy đổ,
Tả hữu đâu ! … Sao chẳng thấy đứa nào ?!
Thang Hùng Nghiệp củng đã cao bay xa chạy cho mau
Bỏ lại mình ta… Ta phải tìm đường chạy trốn.
( Chạy vào, trong khi mẹ con Lê Chiêu Thống cải trang
thường dân chạy ra )
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 501
* THÁI HẬU :
Bớ Đại-nhân ! Chậm chân chờ chúng tôi trong cơn
nguy khốn ! ( dậm chân )
Khốn nạn thay ! Tên Tôn Sĩ Nghị hèn nhát, gian tham,
Mẹ con ta đã không còn đất sống với dân
Giờ biết tính sao đây ? . . .
* LÊ CHIÊU THỐNG : . . . Ta chỉ còn có cách :
Chạy theo tàn-quân Thanh-triều, dù là hạ sách,
Nhưng ta không còn đường nào để chọn lựa hơn thua,
Mẫu Hậu tính sao đây ? …
* THÁI HẬU : ( cười chua chát )
. . . Còn chi nữa mà Thái-hậu với Nhà Vua !
Đã mất hết rồi ! Đành thoát thân để bảo tồn
mạng sống,
Hãy bôn tẩu đi con ! Hỡi Bại-vương Lê Chiêu Thống !
Qua đến Yên Kinh rồi hãy nói chuyện tương lai.
( Hai mẹ con chạy vào. Vua Quang Trung, Ngô văn Sở , Ngô
Thì Nhậm, Bùi thị Xuân cùng quân hầu… cùng ra )
* VUA QUANG TRUNG :
Hỡi Chư Tướng ! Tổ Quốc ta đã thoát khỏi ách ngoại-
xâm phương Bắc,
Nhờ uy linh Tổ Tiên, nhờ hồn thiêng sông núi
Đại Việt kiêu hùng,
Chúng ta đã hoàn thành sứ mạng đối với nước non
chung,
Không hổ thẹn với Tiền-nhân, khi nước nhà gặp cơn
nguy cấp,
“ Nước Việt ta – tự Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… xây nền
độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh … hùng cứ
một phương ”
Kịch Thơ : “ Thăng Long - Xuân ChiếnThắng ” * MLH – 502
Nay quân dân ta lại oai hùng đuổi giặc Thanh ra khỏi
biên cương,
Tầng Soái Phủ đang ngạo nghễ tung bay cờ đại nghĩa.
Hỡi toàn dân Đại Việt ! Đừng ai để cho ngàn sau
mai mỉa,
Là lũ người quên nguồn cội, dửng dưng trước vận
nước hưng vong,
Hãy đoàn kết toàn dân ! Xây dựng quê hương, son sắt
một lòng !
Luôn xứng đáng giống Rồng Tiên bất khuất !
( Tất cả đều rút gươm đưa lên hoặc giơ nắm tay,
đồng thanh hô lớn ) :
“ NƯỚC ĐẠI VIỆT MUÔN ĐỜI ! ”
( màn hạ từ từ . HẾT )
____________________________________________________
.
* Vở kịch do HTr. Mai Lạc Hồng – Liên Đoàn Trưởng thành lập Gia-Đình Phật-Tử Quang Minh ( sau đổi tên : GĐPT. Trúc Lâm - Chicago, Illinois ) soạn để GĐPT trình diễn Mừng Xuân Giáp Tuất (đầu năm 1994 ) tại Chùa Quang Minh. Sau khi GĐPT Trúc Lâm có Chùa Trúc Lâm, vở kịch được diễn lại vài lần tại Chùa mới trong chương trình Văn Nghệ GĐPT đón Giao Thừa.