VI DIỆU PHÁP TOÁT YẾU
Nārada Mahā Thera- Phạm Kim Khánh dịch
Chương III
PAKI.N.NAKA-SAṄGAHA-VIBHĀGO
PHẦN LINH TINH
V. Ālambana Saṅgaho
Tóm lược về Đối tượng
10. Ālambanasaṅgahe ālambanāni nāma rūpāram- maṇaṁ saddārammaṇaṁ gandhārammaṇaṁ rasā- rammaṇaṁ phoṭṭhabbārammaṇaṁ dhammāram- maṇaṁ c'āti chabbidhāni bhavanti. Tattha rūpam'eva rūpārammanaṁ. Tathā saddādayo saddārammaṇādīni.Dhammārammaṇaṁ pana pasāda, sukhumarūpa, citta, cetasika, nibbāna, paññattivasena chaddhā saṅgayhanti. Tattha cakkhudvārikacittānaṁ sabbesampi rūpam'eva ārammaṇaṁ. Tañ ca paccuppannam' eva. Tathā sotadvārikacittādīnam' pi saddādīni. Tāni ca paccuppannāni y'eva. Manodvārikacittānaṁ pana chabbidham' pi paccuppannam' atītaṁ anāgataṁ kālavimuttañ ca yathāraham' ālambanaṁ hoti. Dvāravimuttānañ ca pana paṭisandhi-bhavaṅga-cuti saṅkhātānaṁ chabbidham pi yathāsambhavaṁ yebhuyyena bhavantare chadvāragahitaṁ paccup- pannam' atītaṁ paññattibhūtaṁ vā kammaṁ kammanimittaṁ gatinimittasammataṁ ālambanaṁ hoti. Tesu cakkhuviññāṇādīni yathākkamaṁ rūpādiekek- ālambanān'eva. Manodhātuttikaṁ pana rūpādipañc- ālambanaṁ. Sesāni kamāvacaravipākāni hasana-cittañc' āti sabbathā'pi kāmāvacarālambanān' eva. Akusalāni c'eva ñāṇavippayuttajavanāni c'āti lokuttaravajjitasabbālambanāni. Ñāṇasampayutta-kāmāvacarakusalāni c'eva pañcamajjhāna- saṅkhātamabhiññākusalañc' āti arahatta-maggaphala vajjitasabbālambanāni. Ñāṇasampayutta-kāmāvacarakriyā c'eva kriyābhiññāvotthapanañc-'āti sabbathā' pi sabbālambanāni. Āruppesu dutiyacatutthāni mahaggatālambanāni. Sesāni mahaggatacittāni pana sabbāni' pi paññāttālambanāni. Lokuttaracittāni Nibbānā-lambanānī' ti. 11. Pañcavīsa parittamhi cha cittāni mahaggate |
§10 Trong tóm lược về đối tượng (60) có sáu loại -- đó là: đối tượng của sự thấy (61), đối tượng của sự nghe (62), đối tượng của sự hưởi (63), đối tượng của sự nếm (64), đối tượng của sự xúc chạm (65), và đối tượng của sự hay biết (66). Nơi đây, chính hình thể (sắc) là đối tượng của sự thấy. Cùng thế ấy, âm thanh, mùi vị v.v... Nhưng đối tượng của sự hay biết (pháp) có sáu là những phần nhạy của ngũ quan (67), vật chất vi tế (68), tâm (69), tâm sở (70), Niết Bàn (71), và khái niệm (72). Với tất cả những loại nhãn thức, chính hình thể nhìn thấy được là đối tượng. Điều nầy cũng vậy, chỉ xảy ra trong hiện tại (73). Cùng thế ấy, âm thanh v.v... đối với nhĩ thức v.v... và cũng chỉ thuộc về hiện tại (74). Nhưng sáu loại đối tượng của tâm phát sanh qua ý môn thì tùy trường hợp (75), thuộc về hiện tại, quá khứ, vị lai, và không tùy thuộc thời gian. Đối với các loại tâm "không tùy thuộc nơi căn môn nào" (76) như paṭisandhi, bhavaṅga, và cuti, bất luận đối tượng nào trong sáu đối tượng kể trên cũng có thể phát sanh. Phần lớn các đối tượng nầy được bám vào (77) xuyên qua sáu căn môn, thuộc về kiếp sống tức khắc trước đó, như là đối tượng quá khứ hay hiện tại, hoặc như những khái niệm. Chúng được gọi là "nghiệp", "biểu tượng của nghiệp", hoặc một "biểu tượng của trạng thái tái sanh". [1] Trong những loại tâm nầy, nhãn thức v.v..., tùy trường hợp, có một đối tượng tương ứng duy nhất như sắc, hay thinh, hương v.v... Nhưng ba thành phần tâm có năm đối tượng như hình sắc v.v... Những loại tâm Quả thuộc Dục Giới còn lại và tiếu sanh tâm có những đối tượng hoàn toàn thuộc Dục Giới. Những loại tâm Bất Thiện và những javanas, không liên hợp với tri kiến, có tất cả các đối tượng, ngoại trừ những đối tượng Siêu Thế (78). Những loại tâm Thiện và siêu trí thức (79) thuộc Dục Giới gọi là Ngũ Thiền, có tất cả những đối tượng, ngoại trừ A La Hán Đạo và A La Hán Quả. Những loại tâm Hành thuộc Dục Giới, liên hợp với tri kiến, loại tâm Hành siêu trí thức (80) và tâm xác định (81) có tất cả các loại đối tượng, trong mọi trường hợp (82). Trong những loại tâm thuộc Vô Sắc Giới (83), loại thứ nhì và loại thứ tư có những đối tượng Cao Thượng (Đại Hành). Đối tượng của tất cả những loại tâm Cao Thượng còn lại là những khái niệm (84). Đối tượng của các loại tâm Siêu Thế là Niết Bàn. §11 Hai mươi lăm loại tâm (85) liên quan đến những đối tượng thấp (86); sáu (87) đến những đối tượng Cao Thượng (Đại Hành); hai mươi mốt (88) đến những khái niệm (89); tám đến Niết Bàn. Hai mươi (90) loại tâm liên quan đến tất cả các đối tượng, ngoại trừ những đối tượng Siêu Thế; Năm (91) liên quan đến tất cả, ngoại trừ Đạo và Quả Cao Thượng nhất và sáu (92) liên quan đến tất cả. Có bảy lối hợp thành nhóm. |
Ghi chú:
[1] Ông Aung phiên dịch đoạn nầy như sau: "hơn nữa, đối tượng của những loại tâm 'không tùy thuộc nơi căn môn nào' mà được gọi là thức tái sanh, bhavaṅga, và chết-trở-lại cũng có sáu hạng, tùy trường hợp. Thường nó bị bám vào (như đối tượng) trong kiếp sống tức khắc trước đó bằng đường lối của sáu cửa. Nó là đối tượng của những vật, hoặc hiện tại hoặc quá khứ, hoặc nó là những khái niệm. Và các danh từ nầy được gọi (theo danh từ kỹ thuật) là "karma", "dấu hiệu của karma' hay 'dấu hiệu của số phần'".-- (Compendium of Philosophy, trang 120.)
Chú Giải
60. Ārammaṇaṁ hay Ālambanaṁ, Đối Tượng.
Ārammaṇaṁ xuất nguyên từ "ā" + căn "ram", bám vào, dính vào, thỏa thích.
Ālambanaṁ xuất nguyên từ "ā" + căn "lamb", đeo níu theo.
Cái gì mà chủ thể đeo níu hay dính vào, hay thỏa thích trong đó là ārammaṇa hay ālambana. Danh từ nầy có nghĩa là đối tượng, hay trần cảnh.
Theo Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, có sáu loại đối tượng, mà ta có thể phân hạng là vật chất hay tinh thần.
Mỗi giác quan có một loại đối tượng tương ứng.
61. Rūpa, Sắc, hay Hình Thể Vật Chất.
Danh từ rūpa xuất nguyên từ căn "rup", biến đổi, hoại diệt. Theo ý nghĩa phân loại của danh từ, rūpa là cái gì biến đổi màu sắc tùy theo độ nóng, lạnh v.v... (sītuṇhādivasena vaṇṇavikāramāpajjatī' ti rūpaṁ).
Vi Diệu Pháp, Abhidhamma, liệt kê 28 loại sắc (rūpa) mà một chương riêng biệt sau đây sẽ đề cập đến, tỉ mỉ và đầy đủ chi tiết. Ở đây danh từ "sắc" chỉ dùng theo ý nghĩa là đối tượng của nhãn thức, tức hình thể.
Sách Vibhāvinī Tikā ghi, "Rūpa, sắc, là cái gì tự biểu hiện bằng cách đổi thay màu sắc, cái gì diễn đạt trạng thái đã thấm nhuần vào tâm." (vaṇṇavikāraṁ āpajjamānaṁ rūpayati hadayaṅgatabhāvaṁ pakāseti' ti rūpaṁ).
Rūpa là nơi chốn, một dãy, phạm vi, hay cảnh giới của màu sắc (vaṇṇāyatana, sắc cảnh). Đó là sự thể hiện của màu sắc.
Nên hiểu rằng theo Abhidhamma, rūpa phát sanh từ bốn nguồn gốc là nghiệp (kamma), tâm (citta), hiện tượng thời tiết (utu), và vật thực (āhāra).
62. Sadda, Thinh, Âm Thanh.
Phát sanh từ sự cọ xát của những thành phần có đặc tính duỗi ra (paṭhavi) trong vật chất. Có bốn thành phần trong vật chất là: thành phần có đặc tính duỗi ra (paṭhavi), thành phần có đặc tính làm dính liền lại (āpo), thành phần có đặc tính nóng, hay lạnh (tejo) và thành phần có đặc tính di động (vāyo).
Bốn thành phần nầy thường được gọi là Đất, Nước, Lửa, Gió, nhưng không phải đất mà ta đi trên đó hay nước mà ta uống v.v... Đó là những đơn vị căn bản của vật chất. Bốn thành phần, hay đơn vị, nầy luôn luôn tùy thuộc lẫn nhau và liên quan với nhau. Trong một thể chất nhất định thành phần nầy có thể trội hơn các thành phần khác, như trong đất thành phần paṭhavi, có đặc tính duỗi ra, trội hơn các thành phần kia, trong nước thì thành phần āpo có đặc tính làm dính liền, trội hơn, trong lửa, thành phần tejo trội hơn, và trong không khí, thành phần vāyo, có đặc tính di động, trội hơn.
Khi một thành phần paṭhavi va chạm với một thành phần paṭhavi khác là có âm thanh phát sanh. Âm thanh phát ra do cả hai, tâm (citta) và hiện tượng thời tiết.
Tiếng động có thể phát âm rõ ràng (vyākata) hoặc không phân minh (avyākata).
63. Gandha, Hương.
Xuất nguyên từ căn "gandh", biểu lộ (sūcane). Hương, hay mùi, phát sanh từ cả bốn thành phần của vật chất.
64. Rasa, Vị
Phát sanh do tất cả bốn thành phần của vật chất. Trong bốn thành phần (Tứ Đại) ấy, chỉ phần nào có vị mới được xem là rasa. Nói cách khác, chỉ có vài vị của bốn thành phần ấy là rasa.
65. Phoṭṭhabbārammaṇa, Xúc
Đối tượng có thể cảm nhận bằng giác quan.
Đây không phải chỉ có sự va chạm suông. Ngoại trừ thành phần có đặc tính làm dính liền (āpo) của vật chất, tất cả ba thành phần còn lại đều được xem là đối tượng mà giác quan có thể cảm nhận. Thân không thể tri giác thành phần āpo trong vật chất.
Khi ba thành phần của vật chất, cấu thành đối tượng của xúc giác, chạm vào mặt nhạy của thân liền phát sanh thọ lạc hay thọ khổ, tùy theo đối tượng có đáng được ưa thích hay không. Trong trường hợp các đối tượng khác, hậu quả chỉ là thọ xả (Upekkhā).
66. Dhammārammaṇa, Pháp
Pháp, dhamārammaṇa bao gồm tất cả các đối tượng của tâm. Dhamma, pháp, bao gồm cả hai hiện tượng, vật chất và tinh thần.
67.
Mặt nhạy của tất cả năm căn môn vật chất -- nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân -- được gọi là pasāda. Trong trường hợp của mắt, tai, mũi, lưỡi, mặt nhạy ấy nằm ở một vị trí nhất định, trong khi ấy mặt nhạy của thân trải rộng cùng khắp châu thân.
Có tất cả năm loại pasāda rūpa tương ứng với năm giác quan.
68. Sukhuma rūpa, Sắc Vi Tế.
Trong 28 loại rūpa (sắc), 16 loại đuợc sắp vào phân hạng vi tế (sukhuma, tế sắc) và 12 là thô kịch (odārika, thô sắc). Những đối tượng của 1. nhãn thức, 2. nhĩ thức, 3. tỷ thức, 4. thiệt thức và thân thức (vốn bao gồm thành phần 5. duỗi ra, 6. nóng, 7. di động) và năm pasāda rūpas (mặt nhạy của những căn tương ứng) thuộc về loại sắc thô kịch (thô sắc), 16 loại còn lại -- sẽ được đề cập đến trong một chương dành riêng cho sắc (rūpa) -- thuộc về loại sắc vi tế (tế sắc). Loại sắc được gọi là vi tế vì không có sự xúc chạm lẫn nhau.
69.
Đó là tất cả 89 loại tâm. Những loại tâm nầy đôi khi cũng được xem chung là một đối tượng, vì có đặc tính giống nhau là sự hay biết.
70.
Là 52 tâm sở.
71.
Đó là một đối tượng siêu thế do tám loại tâm Siêu Thế hay biết.
72. Paññatti, Khái Niệm.
Là cái gì làm biểu hiện. Có hai loại khái niệm là nāma paññatti (danh khái niệm) và attha paññatti (nghĩa khái niệm). Danh khái niệm là một danh từ hay một cái tên để chỉ đồ vật như bàn, ghế, tủ v.v... và nghĩa khái niệm là món đồ hay ý niệm mà danh từ trên diễn đạt.
73. Thời gian là gì?
Một cách chính xác, thời gian chỉ là một khái niệm suông, và hiểu theo ý nghĩa tuyệt đối, thời gian không phải là cái gì thật sự hiện hữu. Đàng khác, không gian đối với vật chất cũng như thời gian đối với tâm. Một cách ước định ta nói đến quá khứ (atīta), hiện tại (paccuppanna), và tương lai (anāgata).
Quá khứ được định nghĩa là cái gì đã vượt qua chính trạng thái của nó, hay đã vượt qua những sát-na sanh, trụ, diệt. (attano sabhāvaṁ uppādādikkhaṇaṁ vā atītā atikkantā atītā).
Hiện tại là cái gì, vì lý do nầy hay lý do khác, đi vào, trải qua, hiện hữu ngay trong những sát-na sanh, trụ, diệt (taṁ taṁ kāraṇaṁ paṭicca uppādādikkhaṇaṁ uddhaṁ pannā, gatā, pavattā = paccuppannā).
Tương lai là cái gì chưa đến hai trạng thái kia (tadubhayam' pi na āgatā sampattā).
Theo Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) mỗi tâm gồm ba giai đoạn: uppāda (sanh), ṭhiti (trụ, phát triển), và bhaṅga (rã tan, chấm dứt, diệt). Theo quan điểm của một vài nhà chú giải, không có giai đoạn phát triển (ṭhiti, trụ), mà chỉ có hai giai đoạn sanh (uppāda) và diệt (bhaṅga). Mỗi chặp tư tưởng trôi qua, tức khắc có một chặp khác nối tiếp. Như vậy, thời gian là điều kiện tất yếu (sine qua non) của những trạng thái tâm. Đơn vị của thời gian là một chặp tư tưởng, hay sát-na. Các nhà chú giải nói rằng sát-na tâm diễn tiến rất nhanh chóng, đến đổi trong thời gian một cái chớp, có hàng tỷ tỷ sát-na, hay chặp tư tưởng.
Vật chất, cũng luôn luôn biến đổi, chỉ tồn tại trong thời gian mười bảy chặp tư tưởng, và đó là thời gian của một tiến trình tâm trọn vẹn.
Quá khứ đã trôi qua. Tương lai chưa đến. Chúng ta chỉ sống trong từng chặp tư tưởng, và mỗi chặp tư tưởng nầy trôi vào quá khứ một cách chắc chắn, không thể tránh. Hiểu theo một ý nghĩa, chỉ có Hiện Tại là vĩnh cửu. Hiểu theo một chiều khác, cái được gọi hiện tại là giai đoạn chuyển tiếp giữa tương lai và quá khứ.
Tự điển Dictionary of Philosophy định nghĩa "thời gian là một môi trường tổng quát trong đó tất cả những diễn tiến nối tiếp xảy ra, hoặc hình như nối tiếp xảy ra".
Sách Atthasālini ghi nhận rằng thời gian là một khái niệm xuất nguyên từ hiện tượng nầy hay hiện tượng kia. Và tự bản chất của nó, thời gian không có hiện hữu mà chỉ là một khái niệm suông. (Taṁ taṁ upādāya paññatto kālo nāma. So pan' esa sabhāvato avijjamānattā paññatti-mattako eva).
74.
Tất cả đối tượng của năm căn môn vật chất, tức giác quan, đều thuộc về hiện tại.
75. Yathārahaṁ, Tùy Trường hợp
Tức là tùy theo javana thuộc Dục Giới, Siêu Trí Thức (Abhiññā, Diệu Trí, Thượng Trí, ta thường gọi là thần thông), và các javana Cao Thượng (Đại Hành).
Sáu loại đối tượng của javana thuộc Dục Giới, ngoại trừ tiếu sanh tâm (tâm làm mĩm cười), đều thuộc về hiện tại, quá khứ, vị lai và phi thời gian.
Những đối tượng của tiếu sanh tâm thuộc về quá khứ, hiện tại và vị lai.
Các đối tượng của những chặp javana mà do đó các trạng thái tâm Siêu Trí như Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ được phát triển, thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai và ngoài thời gian.
Đối tượng của những javanas Cao Thượng có thể, hoặc phi thời gian, hoặc thuộc về quá khứ.
Niết Bàn là vĩnh cửu, vô thủy vô chung, nên không thuộc về quá khứ, hiện tại, hay vị lai. Niết Bàn ngoài thời gian. Khái niệm cũng ngoài thời gian.
76.
Đoạn khó hiểu nầy cần có vài lời giải thích.
Người sắp lâm chung đôi khi hồi nhớ lại một vài hành động, thiện hay bất thiện, mà mình đã làm trong đời sống. Loại tâm -- thiện hay bất thiện -- của người ấy trong lúc thực hiện hành động giờ đây phát hiện trở lại như mới. Danh từ kỹ thuật gọi chặp tư tưởng ấy là"Kamma", Nghiệp.
Đó là một tư tưởng, vì lẽ ấy là một đối tượng tâm linh (dhammārammaṇa, cảnh pháp) thuộc về quá khứ mà ý môn duyên vào. Đối tượng của những chặp paṭisandhi, bhavaṅga và cuti (nối liền, hộ kiếp và tâm chết hay tử tâm) của kiếp sống tới kế đó là dhammārammaṇa ấy.
Đôi khi đối tượng có thể là một dấu hiệu hay một biểu tượng liên quan đến hành động thiện hay bất thiện. Nó có thể là một trong năm loại đối tượng vật chất phát hiện xuyên qua sáu căn môn, như một đối tượng thuộc hiện tại hay quá khứ.
Thí dụ như vào lúc lâm chung ta nghe Giáo Pháp. Trong trường hợp nầy, tiếng nói hiện tại mà nhĩ quan ta duyên vào là đối tượng của tâm đi tái sanh. Do đó ba chặp paṭisandhi, bhavaṅga và cuti của kiếp sống sau kế đó là "biểu tượng của nghiệp", Kamma Nimitta nầy.
Lại nữa, như trường hợp của một vị lương y lúc sắp chết. Ông có thể thấy trong tâm hình ảnh những bệnh nhân mà ông đã săn sóc. Đây là một đối tượng vật chất (sắc) trong quá khứ, bây giờ phát hiện đến ông xuyên qua ý môn.
Hay nữa, ta hãy lấy thí dụ trường hợp của một người đồ tể lúc lâm chung. Có thể người nầy nghe tiếng kêu la của những con thú mà mình đã làm thịt. Đối tượng thuộc về âm thanh ở quá khứ giờ đây phát hiện trở lại đến người đồ tể, xuyên qua ý môn. Do đó Kamma-nimitta, "biểu tượng của nghiệp", có thể thuộc về quá khứ hay hiện tại, phát hiện xuyên qua một trong sáu căn môn.
Trong một vài trường hợp, vài biểu tượng của nơi chốn hay cảnh giới mà người lâm chung sắp tái sanh vào như lửa, thịt, cung điện ở cảnh Trời v.v... có thể phát hiện đến người ấy. Đối tượng nầy được xem là đối tượng hiện tại, mà người lâm chung duyên vào xuyên qua ý môn -- "biểu tượng lâm chung", Gati-nimitta.
Như vậy, Gati-nimitta, biểu tượng lâm chung, là một đối tượng của nhãn quan, hiện tại ở một điểm thời gian, và phát hiện xuyên qua ý môn.
Ta nên ghi nhận rằng những chặp paṭisandhi, bhavaṅga và cuti thuộc Dục Giới có những đối tượng là Kamma (Nghiệp), Kamma-nimitta, biểu tượng của nghiệp, hay Gati-nimitta, biểu tượng lâm chung, phát hiện xuyên qua một trong sáu môn, trong kiếp sống tức khắc kế đó.
Trong trường hợp của tất cả những chặp paṭisandhi, bhavaṅga và cuti thuộc Sắc Giới, đối tượng luôn luôn là một Kamma-nimitta, biểu tượng của nghiệp, và biểu tượng của nghiệp nầy là một khái niệm (paññatti), như biểu hiệu kasiṇa, phát hiện xuyên qua ý môn.
Đối tượng của những chặp paṭisandhi, bhavaṅga và cuti thuộc về Sơ Thiền và Tam Thiền Vô Sắc Giới cũng là một khái niệm quá khứ như "ananto ākāso", không vô biên xứ, trong trường hợp Sơ Thiền, và khái niệm "natthi kiñci" vô sở hữu xứ, trong trường hợp Tam Thiền. Hai khái niệm trên nầy được xem là những Kamma-nimitta, biểu tượng của nghiệp, phát hiện xuyên qua ý môn.
Như đã có giải thích ở chương I, tâm Nhị Thiền Vô Sắc Giới được phát triển bằng cách lấy Sơ Thiền Vô Sắc làm đề mục, và Tứ Thiền Vô Sắc được phát triển bằng cách lấy Tam Thiền Vô Sắc làm đề mục.
77. Yebhuyyena, Phần Lớn.
Danh từ nầy được dùng ở đây để chỉ một sự tái sanh vào cảnh giới Vô Tưởng (Asañña), nơi mà chúng sanh không có tâm.
Bản chú giải ghi rằng do năng lực của Nghiệp vài đối tượng như kamma-nimitta, biểu tượng của nghiệp, tự phát hiện đến paṭisandhi, tâm nối liền.
78.
Theo Phật Giáo, một người thường trong thế gian được gọi là puthujjana (theo nghĩa đen là đám đông, hay là người sanh trở đi trở lại, chúng sanh trong tam giới). Những vị đã đắc ba tầng Thánh đầu tiên -- Tu Đà Huờn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm -- được gọi là sekhas (theo nghĩa trắng là người đang trải qua một thời kỳ tu tập, người còn phải học nữa. Danh từ nầy thường được dịch là bậc hữu học). Những vị đã chứng đắc tầng Thánh cuối cùng (A La Hán) thì được gọi là asekhas (thường được dịch là bậc vô học), những người không còn phải trải qua thời kỳ tu tập nào nữa. Các vị sekhas (còn phải tu tập nữa) không thể thấu hiểu tâm Đạo và tâm Quả của một vị A La Hán, bởi vì chưa đạt đến tầng ấy. Nhưng các Ngài có thể hiểu được những loại tâm tại thế của một vị A La Hán.
Cùng thế ấy, hạng người phàm (puthujjana) không thể hiểu được tâm Siêu Thế của một vị Thánh sekha.
79. Abhiññā, Siêu Trí Thức, Diệu Trí
Abhiññā, Trí Thức Cao Thượng, Diệu Trí, có năm loại là: thiên nhãn thông (dibbacakkhu), thiên nhĩ thông (dibbasota), tri mạng thông (pubbenivāsānussati ñāṇa), tha tâm thông (paracittavijāñāṇa), và những năng lực thần thông (iddividha ñāṇa).
Muốn đắc các pháp abhiññā, thần thông, phải đắc Ngũ Thiền Sắc Giới.
Không phải chỉ hạng phàm nhân mà chí đến tâm Cao Siêu của bậc sekha cũng không thể thấu đạt tâm Đạo và tâm Quả của một vị A La Hán. Chỉ có một vị A La Hán mới thấu hiểu được A La Hán Đạo và A La Hán Quả.
Trong một chương ở phần sau vấn đề abhiññā sẽ được đề cập đến một cách đầy đủ hơn.
80.
Hai loại tâm nầy chỉ những bậc A La Hán mới có.
81.
Đây là manodvārāvajjana, ý môn hướng tâm, phát sanh trước mỗi tiến trình javana. Như vậy không có gì ngoài phạm vi của tâm nầy.
82.
Đó là những đối tượng thuộc Dục Giới, những đối tượng Cao Thượng (Đại Hành), những đối tượng Siêu Thế, và những khái niệm (paññatti).
83.
Đối tượng của tâm Nhị Thiền Vô Sắc Giới là tâm Sơ Thiền Vô Sắc Giới. Cùng thế ấy Tứ Thiền Vô Sắc Giới lấy tâm Tam Thiền Vô Sắc Giới làm đối tượng.
84.
Tức là: đối tượng của tâm Sơ Thiền Vô Sắc là khái niệm "ananto ākāsa", không vô biên xứ. Đối tượng của tâm Tam Thiền Vô Sắc là khái niệm "natthi kiñci", vô sở hữu xứ.
Những điểm nầy đã được giải thích ở chương I.
Đối tượng của tất cả các tầng Thiền Sắc Giới đều có đối tượng là những khái niệm như kasiṇa.
85.
Đó là 23 tâm Quả thuộc Dục Giới + 1 ngũ quan thức + 1 tiếu sanh tâm = 25.
86. Paritta, Thấp.
Xuất nguyên từ "pari" + căn "dā", bẻ gãy, thâu ngắn lại, có nghĩa là thấp hơn, kém hơn.
Danh từ nầy hàm xúc ý nghĩa Dục Giới.
87.
Đó là tâm Thiện, Quả và Hành của Nhị Thiền và Tứ Thiền Vô Sắc, viññāṇañcāyatana và n'eva saññā n'āsaññā-yatana (thức vô biên xứ và phi tưởng phi phi tưởng).
88.
Đó là 15 tâm Thiền Sắc Giới và những tâm Thiện, Quả, và Hành của Sơ Thiền và Tam Thiền Vô Sắc Giới (ākāsānañcāyatana, không vô biên xứ, và ākiñcaññāyatana, vô sở hữu xứ): 15 + 6 = 21.
89. Vohāra
Ở đây, bao hàm những khái niệm như kasiṇa v.v...
90.
Đó là 12 loại tâm Bất Thiện và 8 loại tâm Thiện và Hành thuộc Dục Giới không liên hợp với tri kiến.
91.
Đó là bốn loại tâm Thiện thuộc Dục Giới liên hợp với tri kiến và tâm Thiện của Ngũ Thiền Sắc Giới (abhiññā kusala citta).
92.
Đó là bốn tâm Hành thuộc Dục Giới, tâm Hành của Ngũ Thiền Sắc Giới và ý môn hướng tâm (manodvārā- vajjana)