Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3. Tóm lược về Tác dụng

08/05/201111:55(Xem: 10835)
3. Tóm lược về Tác dụng

VI DIỆU PHÁP TOÁT YẾU

Nārada Mahā Thera- Phạm Kim Khánh dịch

Chương III

PAKI.N.NAKA-SAṄGAHA-VIBHĀGO
PHẦN LINH TINH

III. Kicca-Saṅgaho
Tóm lược về Tác dụng

6.

Kicca-saṅgahe kiccāni nāma paṭisandhi-bhavaṅga- vajjanadassana-savana-ghāyana-sāyana-phusana-sampaṭicchana-santīraṇa-votthapana-javana-tadālambana-cutivasena cuddasavidhāni bhavanti.

Paṭisandhibhavaṅgāvajjanapañcāviññāṇaṭṭhānādi- vasena pana tesaṁ dasadhā ṭhānabhedo veditabbo.

Tattha dve upekkhāsahagatasantīraṇāni c'eva aṭṭha mahāvipākāni ca nava rūpārūpavipākāni c'āti ekūnavīsati cittāni paṭisandhi-bhavaṅga-cutikiccāni nāma.

Āvajjanakiccāni pana dve. Tathā dassana-savana-ghāyana-sāyana-phusana-sampaṭicchanakiccāni ca.

Tīni santīraṇakiccāni.

Manodvārāvajjanam'eva pañcadvāre votthapana- kiccaṁ sādheti.

Āvajjanadvaya-vajjitāni kusalākusalakriyā cittāni pañcapaṇṇāsa javanakiccāni.

Aṭṭhamahāvipākāni c'eva santīraṇattayañc'āti ekādasa tadālambanakiccāni.

Tesu pana dve upekkhāsahagatasantīraṇacittāni paṭisandhi-bhavaṅga-cuti-tadārammaṇa-santīraṇa-vasena pañca kiccāni nāma.

Mahāvipākāni aṭṭha paṭisandhi-bhavaṅga cuti-tadārammaṇa-vasena catukiccāni.

Mahaggatavipākāni nava paṭisandhi-bhavaṅga-cutivasena tikiccāni.

Somanassa-sahagataṁ santīraṇaṁ-tadālambana- vasena dukiccaṁ

Tathā votthapanañ ca votthapanāvajjanavasena.

Sesāni pana sabbāni'pi javana-manodhātuttika-pañcaviññāṇāni yathāsambhavam' eka kiccāni'ti.

7.

Paṭisandhādayo nāma kiccabhedena cuddasa
Dasadhā ṭhānabhedena cittuppādā pakāsitā
Aṭṭhasaṭṭhi tathā dve ca navaṭṭhadve yathākkamaṁ
Ekadviticatupañcakiccaṭṭhānāni niddise.

§6

Trong phần tóm lược về tác dụng (17) có tất cả mười bốn loại là: 1. nối liền (18), 2. hộ kiếp (19), 3. hướng tâm (20), 4. thấy, 5. nghe, 6. hưởi, 7. nếm, 8. xúc chạm (21), 9. tiếp thọ (22), 10. suy đạc (23), 11. xác định (24), 12. Javana (25), 13. đăng ký (26), và 14. chết (27).

Lối phân loại các tâm nầy (28) phải được hiểu rằng có mười là: 1. nối liền, 2. hộ kiếp, 3. hướng tâm, 4. ngũ song thức v.v...

Có mười chín loại tâm làm nhiệm vụ nối liền, hộ kiếp và chết.

Các loại tâm ấy là:

1. hai loại tâm suy đạc, đồng phát sanh với thọ xả (29),
2. tám loại tâm đại quả (30), và
3. chín loại tâm quả thuộc Sắc Giới và Vô Sắc Giới (31).
(2 + 8 + 9 = 19).

Hai loại làm nhiệm vụ hướng tâm (32).

Cùng thế ấy hai loại (33) làm nhiệm vụ thấy, nghe, hưởi, nếm, xúc chạm, và tiếp thọ (34).

Có ba loại (35) làm nhiệm vụ suy đạc.

Ý môn thức làm nhiệm vụ xác định (36) trong (tiến trình) ngũ song thức.

Ngoại trừ hai loại hướng tâm (37), năm mươi lăm (38) loại tâm bất thiện, thiện, và hành, làm nhiệm vụ Javana (tốc hành tâm).

Tám tâm đại quả và ba loại tâm suy đạc (tất cả là mười một) (39), làm nhiệm vụ đăng ký.

Trong các loại tâm, hai tâm suy đạc đồng phát sanh với thọ xả, làm năm nhiệm vụ như nối liền, hộ kiếp, chết, đăng ký, suy đạc.

Tám loại tâm đại quả làm bốn nhiệm vụ như nối liền, hộ kiếp, chết, và đăng ký.

Chín loại tâm quả Cao Thượng (Đại Hành) làm ba nhiệm vụ như nối liền, hộ kiếp, và chết (40).

Tâm suy đạc đồng phát sanh với thọ hỷ, làm hai nhiệm vụ như suy đạc và đăng ký.

Cùng thế ấy, tâm xác định (41) làm hai nhiệm vụ như xác định và hướng tâm.

Tất cả những loại tâm còn lại -- javana, ba thành phần tâm (42), và ngũ song thức -- chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất khi phát sanh.

§7

Có tất cả mười bốn loại tâm được dạy, tùy theo tác dụng như nối liền v.v... và mười tùy theo lối phân loại.

Những loại tâm làm một nhiệm vụ được dạy rằng có sáu mươi tám; hai nhiệm vụ, có hai; ba nhiệm vụ có chín; bốn nhiệm vụ, có tám, và năm nhiệm vụ, có hai.

Chú Giải

17. Kicca, Nhiệm Vụ, Tác Dụng.

Trong chương I, tâm cốt yếu nhất được phân loại tùy theo bản chất thiên nhiên (jāti), và tùy theo cảnh giới (bhūmi). Trong phần nầy những nhiệm vụ hay tác dụng khác nhau của tất cả 89 loại tâm được giải thích với đầy đủ chi tiết.

Mỗi loại tâm có một nhiệm vụ riêng biệt. Có vài loại tâm đảm nhiệm nhiều tác dụng, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, với những khả năng khác nhau. Tất cả đảm trách mười bốn nhiệm vụ đặc biệt.

18. Paṭisandhi, Tâm Nối Liền

Theo nghĩa trắng, danh từ paṭisandhi là "nối liền".

Loại tâm mà ta kinh nghiệm lúc được mẹ thọ thai có tên là paṭisandhi, thức nối liền. Được gọi như vậy vì tâm nầy nối liền hai kiếp sống, quá khứ và hiện tại. Có nơi gọi là tâm tục sanh.

Tâm nối liền (paṭisandhi citta) nầy, cũng được gọi là thức tái sanh, khởi phát do chặp tư tưởng có nhiều năng lực lúc chết ở kiếp trước tạo điều kiện, và được xem là cội nguồn của luồng sống trong kiếp hiện tại. Trong suốt kiếp sống chỉ có một chặp tâm nối liền. Những thành phần tâm linh chứa đựng trong chặp bhavaṅga (hộ kiếp) mà về sau sẽ phát sanh vô số lần trong kiếp sống, và trong chặp tử tâm (cuti citta, tâm chết) mà chỉ phát sanh một lần duy nhất lúc chết, giống hệt như thành phần tâm thức kết hợp trong paṭisandhi citta (tâm nối liền).

19. Bhavaṅga, Hộ Kiếp

"Bhava" + "aṅga" = yếu tố của đời sống, hay điều kiện, nguyên nhân không thể không có của kiếp sinh tồn.

Trong một điểm thời gian nhất định ta chỉ có thể có một chặp tư tưởng (sát-na tâm) mà thôi. Hai chặp tư tưởng không thể cùng tồn tại trong một lúc.

Mỗi chặp tư tưởng duyên theo vài loại đối tượng (trần cảnh). Không thể có tâm phát sanh mà không có đối tượng, tinh thần hay vật chất.

Khi một người đang ngủ mê trong trạng thái không mộng mị, người ấy có một loại tâm ít nhiều tiêu cực, thụ động hơn là tích cực. Loại tâm ấy cũng giống như loại tâm sơ khởi, lúc được mẹ thọ thai, hay loại tâm cuối cùng, lúc chết. Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) gọi loại tâm nầy là bhavaṅga, hộ kiếp. Cũng như tất cả các loại tâm khác, loại tâm nầy bao gồm ba sắc thái: sanh (uppāda), trụ (ṭhiti), và diệt (bhaṅga). Luôn luôn sanh và diệt trong từng khoảnh khắc, nó trôi chảy như một dòng suối, không bao giờ tồn tại giống nhau trong hai khoảnh khắc kế tiếp.

Khi một đối tượng (trần cảnh) nhập vào dòng tâm thức, xuyên qua giác quan, chặp bhavaṅga dừng lại, và một sát-na khác phát sanh, thích ứng với đối tượng. Không những chỉ trong lúc ngủ say không mộng mị mà trong khi tỉnh cũng vậy, chúng ta có loại tâm nầy nhiều hơn tất cả các loại tâm khác. Do đó bhavaṅga (hộ kiếp) trở thành thiết yếu, không thể thiếu trong đời sống.

Bà Rhys Davids và Ông Aung so sánh bhavaṅga với "trạng thái tri giác tối tăm, chưa lên đến thức", trong một "giấc ngủ không mộng mị" của Leibniz.

Ta không thể đồng ý, bởi vì bhavaṅga tự nó là một loại tâm. Không có sự tri giác tối tăm ở đây.

Vài người cho rằng bhavaṅga là tiềm thức. Theo Dictionary of Philosophy, tiềm thức là "một ngăn trong tâm mà vài nhà tâm lý học và triết học chủ trương là nằm phía dưới thức". Theo quan điểm của các triết gia Tây Phương, tiềm thức và thức cùng tồn tại trong một lúc. Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), không thể có hai loại tâm cùng tồn tại trong một lúc, bhavaṅga cũng không phải là một cảnh giới nào ở phía dưới.

Sách Compendium lại nói thêm rằng "bhavaṅga có nghĩa là một trạng thái thuộc về cơ năng của tiềm thức". Như vậy đó là trạng thái tiềm thức -- "nằm dưới ngưỡng cửa" của tâm, do đó ta quan niệm có thể có sự sống chủ quan liên tục. Như vậy nó trùng hợp với "subliminal consciousness" [1] của F.W. Myer.

Tự điển Dictionary of Philosophy giải thích "subliminal" (sub, dưới -- limen, ngưỡng cửa) là những tiến trình tư tưởng vô ý thức, đặc biệt là những cảm giác nằm phía dưới ngưỡng cửa của tâm". Một cách chính xác, bhavaṅga cũng không trùng hợp với subliminal consciousness. Trong triết học Tây Phương hình như không có chỗ cho bhavaṅga.

Bhavaṅga được gọi như vậy bởi vì nó là điều kiện chánh yếu cho kiếp sống chủ quan liên tục.

Khi tâm không thâu nhận một đối tượng từ bên ngoài, ta có loại tâm bhavaṅga [2]. Tức khắc sau một tiến trình tâm cũng có một chặp bhavaṅga. Do đó loại tâm nầy cũng được gọi là vīthimutta, tự do, không dính mắc trong một tiến trình. Đôi khi nó tác động như một trái độn giữa hai tiến trình tâm.

Danh từ Việt ngữ thường được dùng để phiên dịch chữ bhavaṅga là "hộ kiếp" [3]. Cái gì giúp cho đời sống tiếp diễn. Trong sách nầy danh từ được giữ nguyên vẹn.

Theo sách Vibhāvini Tikā, bhavaṅga phát sanh giữa những chặp:

1. Paṭisandhi (nối liền) và āvajjana (hướng tâm),
2. Javana và āvajjana,
3. Tadārammaṇa (đăng ký) và āvajjana,
4. Votthapana (xác định) và āvajjana,
5. và đôi khi giữa javana và cuti (tâm chết), và
6. Tadārammaṇa và cuti.

20. Āvajjana, Mở Ra, hay Hướng Về

Khi một đối tượng nhập vào dòng bhavaṅga của tâm, chặp tư tưởng liền kế đó gọi là bhavaṅga calana (bhavaṅga rung động). Tức khắc kế đó nữa có một chặp khác phát sanh, được gọi là bhavaṅga upaccheda (bhavaṅga dừng lại, dứt dòng). Vì lẽ dòng bhavaṅga trôi chảy vô cùng mau lẹ, đối tượng từ bên ngoài không làm phát sanh tức khắc một tiến trình tâm. Chặp bhavaṅga sơ khởi diệt. Chừng ấy dòng trôi chảy mới được kiểm soát. Trước khi thật sự chuyển qua một chặp tâm mới, bhavaṅga rung động trong một chặp (sát- na).

Khi chặp bhavaṅga dừng lại,. một chặp tâm phát sanh, hướng về đối tượng. Nếu đối tượng thuộc về vật chất thì chặp tâm nầy được gọi là ngũ môn hướng tâm, hay ngũ khai môn (pañcadvārāvajjana). Trường hợp đối tượng thuộc về tinh thần chặp tâm nầy là manodvārāvajjana, ý môn hướng tâm, hay ý khai môn.

Trong một tiến trình tâm mà đối tượng thuộc về vật chất, sau chặp hướng tâm liền phát sanh một trong ngũ quan thức. (Xem chương I, chú giải số 27).

Āvajjana phát sanh giữa bhavaṅga và pañcaviññāṇa (ngũ quan thức), và giữa bhavaṅga với javana.

21. Pañcaviññāṇa, Ngũ Quan Thức.

Phát sanh giữa ngũ môn hướng tâm và tiếp thọ tâm (sampaṭicchana). Thấy, nghe, hưởi, nếm, và xúc chạm được gọi chung là ngũ quan thức (pañcaviññāṇa).

22. Sampaṭicchana, Tiếp Thọ Tâm.

Phát sanh giữa ngũ quan thức và tâm suy đạc (santīraṇa).

23. Santīraṇa, Suy Đạc Tâm

Phát sanh giữa tâm tiếp thọ và tâm xác định (votthapana).

24. Votthapana, Xác Định Tâm

"Vi" + "ava" + căn "tha", đứng lên, làm cho vững, dựa trên, theo nghĩa trắng là quyết định hoàn toàn.

Chính ngay lúc nầy bản chất của đối tượng được xác định một cách trọn vẹn. Đây là cổng đưa dòng tâm vào tiến trình thiện hay bất thiện. Phân biệt đúng hay sai là ở giai đoạn nầy. Chính giai đoạn nầy quyết định tiến trình tư tưởng, tốt hay xấu, thiện hay bất thiện.

Không có một hạng tâm riêng biệt gọi là votthapana (xác định). Chính manodvārāvajjana (ý môn hướng tâm) làm nhiệm vụ quyết định.

Tâm xác định phát sanh giữa những tâm:

1. suy đạc (santīraṇa) và tốc hành (javana) và
2. suy đạc và hộ kiếp (bhavaṅga).

25. Javana

Xuất nguyên từ căn "ju" chạy nhanh. Đây là một danh từ kỹ thuật khác rất quan trọng, phải được hiểu biết rõ ràng. Thông thường danh từ nầy có nghĩa là lanh lẹ. Thí dụ như javanahaṁsa là con thiên nga lanh lẹ, javanapaññā, là lanh trí. Trong Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, danh từ nầy được dùng trong ý nghĩa thuần túy kỹ thuật.

Ở đây javana là chạy. Được gọi như vậy vì trong suốt tiến trình tâm nó diễn tiến liên tiếp 7 hoặc 5 chặp cùng một thứ tâm, duyên theo một đối tượng duy nhất. Trạng thái tinh thần trong tất cả bảy hay năm sát-na ấy cũng giống nhau, nhưng tiềm năng khác nhau, mạnh yếu không giống nhau.

Khi tâm bắt một trần cảnh, hay duyên theo một đối tượng, thường có bảy chặp javana phát sanh trong một tiến trình. Trường hợp chặp tư tưởng chấm dứt một kiếp sống -- chặp tử tâm -- hay khi Đức Phật thực hành pháp Song Thông (Yamaka Pāṭihāriya), chỉ có năm chặp phát sanh. Trong tiến trình javana Siêu Thế của tâm Đạo (Magga citta), chỉ có một chặp.

Đứng về phương diện đạo đức, giai đoạn javana là quan trọng hơn hết. Chính trong giai đoạn tâm lý nầy mà ta thật sự làm điều thiện hay điều bất thiện. Thí dụ như khi gặp người thù nghịch tức nhiên tư tưởng sân hận phát sanh đến ta một cách hầu như máy móc, tuy nhiên, một người sáng suốt và nhẫn nại có thể tự tạo cho mình một tâm niệm từ bi đối với người ấy.

Chính đó là lý do tại sao trong kinh Pháp Cú, câu 165, Đức Phật dạy:

"Làm điều ác, do ta,
Làm cho ta ô nhiễm, do ta,
Do ta, không làm điều bất thiện,
Do ta, tự làm cho mình trong sạch."

Quả đúng thật vậy, hoàn cảnh, những khuynh hướng quen thuộc, môi trường sinh sống v.v... gieo ảnh hưởng đến tâm ta. Chừng ấy, ý chí tự do bị tùy thuộc nơi diễn tiến có tánh cách máy móc của cuộc sống. Nhưng, những năng lực ngoại lai ấy cũng có thể được khắc phục, và ta có thể vận dụng ý chí tự do của chính mình để phát huy những tư tưởng hoặc xấu, hoặc tốt.

Một yếu tố ngoại lai có thể hướng dẫn cảm xúc của ta theo một chiều hướng nào. Nhưng chính ta trực tiếp chịu trách nhiệm về những hành động của ta.

Trong bảy chặp javana thông thường, chặp thứ nhất có tiềm năng yếu kém hơn hết, bởi vì không có tiềm năng nào trước đó còn lại để nâng đỡ nó. Đứng về phương diện nghiệp báo, quả của chặp tư tưởng ấy có thể trổ ngay trong kiếp hiện tại. Nghiệp ấy được gọi là Diṭṭhadhamma- vedaniya Kamma, hiện nghiệp. Nếu không có cơ hội trổ sanh trong kiếp hiện tại, nghiệp nầy trở thành vô hiệu lực (ahosi). Chặp javana yếu kế đó là chặp cuối cùng. Quả của chặp tư tưởng nầy trổ sanh trong kiếp kế liền sau kiếp hiện tại (Upapajjavedaniya, hậu nghiệp). Nếu không trổ sanh được trong kiếp ấy nó cũng trở thành vô hiệu lực (ahosi). Quả của năm chặp javana còn lại có thể trổ sanh bất cứ lúc nào, cho đến ngày Đại Niết Bàn (Parinibbāna), và được gọi là Aparāpariya-vedaniya, nghiệp vô hạn định.

Nên biết rằng javana thiện và bất thiện (kusalākusala) thuộc về phần tích cực của đời sống (kammabhava), hữu. Nó tạo điều kiện cho kiếp sinh tồn trong tương lai phát sanh (upapattibhava) [4].

Ngoài ra còn có javana Quả và Hành (Phala [5] và Kriyā). Trong những javana Hành, mà chỉ Đức Phật và chư vị A La Hán mới có, tác ý (cetanā) không có khả năng tạo nghiệp.

Thật rất khó tìm ra một danh từ có thể diễn đạt một cách thích nghi các ý nghĩa của Phạn ngữ javana.

Vài người gợi ý dùng Anh ngữ "Apperception".

Theo Dictionary of Philosophy, "apperception" là "tâm thấu triệt những trạng thái sâu kín bên trong chính mình bằng cách nhìn trở vào, tự quán chiếu, hay bằng cách suy tư". Leibniz, người đã tạo ra danh từ apperception, phân biệt chữ perception, tri giác (sự hiểu biết bên trong những trạng thái bên ngoài) và chữ apperception (trạng thái bên trong tự hay biết chính mình bằng cách suy tư). Trong Kant, danh từ apperception biểu lộ sự đồng nhất của tâm thức mình với, hoặc cái tự ngã theo kinh nghiệm (empirical apperception), hoặc với tự ngã thuần túy (transcendental apperception)". (Trang 15)

Chú giải về danh từ "javana", Bà Rhys Davids viết:

"Tôi đã trải qua suốt nhiều giờ để suy tư về danh từ javana, và rốt cùng đành bỏ đi danh từ apperception để tìm một chữ khác thích ứng hơn, hoặc để nguyên vẹn chữ javana mà không dịch, vì chữ nầy cũng dễ đọc như chữ "javelin" của chúng ta. Ta chỉ nhớ nó là một sắc thái tinh thần hoặc song song với điểm thời gian trong tiến trình thần kinh (nerve-process), khi cơ năng chính đã đến lúc sắp trở thành "cân cảm" (innervation, trạng thái của thần kinh sẵn sàng hoạt động). Các vị giáo sư ở Tích Lan (Sri Lanka) kết hợp chữ javana với chữ "động". Đối với các nhà tâm lý học Tây Phương điểm quan trọng nổi bật nhất của danh từ là sự chung hợp trí thức và ý chí trong tâm lý học Phật Giáo..." -- (Compendium of Philosophy, Trang 249)

Danh từ "xúc động" càng xa ý nghĩa của chữ javana hơn nữa.

Như Bà Rhys Davids gợi ý, có lẽ giữ nguyên vẹn danh từ Pāli là sáng suốt hơn hết.

Xem Compendium of Philosophy, trang 42-45, 249.

Theo sách Vibhāvini Tikā, javana phát sanh giữa,

1. votthapana (xác định) và tadārammaṇa (đăng ký),
2. votthapana và bhavaṅga,
3. votthapana và cuti (tâm chết),
4. manodvārāvajjana (ý môn hướng tâm) và bhavaṅga,
5. manodvārāvajjana và cuti.

26. Tadālambana, hay Tadārammaṇa.

Theo nghĩa trắng là "đối tượng kia".

Tức khắc liền theo tiến trình javana có hai hoặc không có chặp nào cả, phát sanh cùng một đối tượng với javana. Do đó chặp tâm nầy có tên là tadālambana. Sau chặp tadālambana luồng tâm nhập trở vào bhavaṅga.

Tadālambana phát sanh giữa,

1. Javana và bhavaṅga và
2. Javana và cuti.

27. Cuti, Tử Tâm.

Danh từ cuti, tâm chết, xuất nguyên từ căn "cu", ra đi, được giải phóng.

Paṭisandhi (tâm nối liền) là điểm sơ khởi của một kiếp sống. Cuti (tâm chết) là mức cuối cùng. Chặp paṭisandhi đưa vào đời sống. Chặp cuti đưa thoát ra. Cuti tác động như một sự ra đi suông thoát khỏi đời sống. Ba chặp paṭisandhi, bhavaṅga, và cuti trong một kiếp sống hoàn toàn giống nhau vì có cùng một đối tượng và bao gồm những tâm sở đồng phát sanh với nhau.

Cái chết xảy ra tức khắc liền sau chặp cuti. Cùng với cái chết, cơ thể vật chất tan rã và dòng tâm chấm dứt mặc dầu không tiêu diệt, bởi vì nghiệp lực làm cho luồng sống trôi chảy vẫn còn. Cái chết chỉ là giai đoạn báo hiệu cái sanh sắp đến.

Cuti phát sanh giữa,

1. Javana và paṭisandhi và
2. giữa tadālambana và paṭisandhi.

28. Thāna, Sở.

Theo nghĩa đen là nơi, trạm, hay cơ hội.

Mặc dầu có tất cả mười bốn loại tác dụng, hay nhiệm vụ, nhưng nếu xét theo nơi chốn hay cơ hội làm nhiệm vụ thì chỉ có mười loại. Ngũ quan thức (pañcaviññāṇa) được xem chung là một, bởi vì tác dụng của năm thức nầy giống hệt nhau.

29.

Một là akusala-vipāka (quả bất thiện), và một kia là kusala-vipāka (quả thiện).

Tái sanh (paṭisandhi) trong cảnh thú, cảnh ngạ quỷ hay cảnh a-tu-la xảy diễn với loại tâm quả bất thiện (akusala vipāka) làm nhiệm vụ suy đạc, liên hợp với thọ xả, akusala vipāka upekkhāsahagata santīraṇa.

Những chặp bhavaṅga và cuti trong kiếp sống ấy cũng giống hệt như chặp paṭisandhi nầy.

Những người sanh ra mù, điếc, câm v.v... sanh ra với chặp paṭisandhi là loại tâm quả thiện làm nhiệm vụ suy đạc, liên hợp với thọ xả kusala vipāka upekkhāsahagata santīraṇa. Mặc dầu bị tật nguyền là quả của nghiệp bất thiện, sự kiện được sanh vào cảnh người là do nghiệp thiện.

30.

Đó là loại tâm quả thiện thuộc Dục Giới (Kāmāvacara kusala vipāka). Tất cả những ai sanh vào cảnh người mà không bị tật nguyền được sanh ra với chặp paṭisandhi là một trong tám loại tâm nầy.

Tất cả mười loại tâm trên đều thuộc về Dục Giới (Kāmaloka).

31.

Đó là năm loại tâm quả thuộc Sắc Giới (Rūpāvacara vipāka) và bốn loại tâm quả thuộc Vô Sắc Giới (Arūpāvacara vipāka). Những tâm Quả (Phala) Siêu Thế (Lokuttara) không được liệt kê vào đây bởi vì những loại tâm Siêu Thế nầy không đưa đến tái sanh.

Như vậy, có mười chín loại tâm tác hành nhiệm vụ paṭisandhi, bhavaṅga và cuti.

32.

Đó là manodvārāvajjana (ý môn hướng tâm), và pañcadvārāvajjana (ngũ môn hướng tâm), được đề cập đến trong mười tám loại tâm vô nhân (ahetuka citta).

Loại ý môn hướng tâm phát sanh khi có một đối tượng tinh thần và loại ngũ môn hướng tâm khi tâm có một đối tượng vật chất.

33.

Đó là mười loại tâm quả, thiện và bất thiện, thuộc Dục Giới (kusala-akusala vipāka pañcaviññāṇa).

34.

Là hai tâm tiếp thọ liên hợp với xả, được đề cập đến trong những loại tâm vô nhân (ahetuka).

35.

Đó là hai loại đồng phát sanh cùng thọ xả và một cùng thọ lạc. Đây là hai loại đầu tiên tác hành nhiệm vụ paṭisandhi, bhavaṅga và cuti.

Không nên hiểu rằng vào lúc tái sanh có sự suy đạc nào. Trong một lúc một loại tâm chỉ tác hành một nhiệm vụ. Tâm nầy chỉ làm nhiệm vụ tái sanh, nối liền hai kiếp sống, quá khứ và hiện tại. Tâm suy đạc (santīraṇa) liên hợp với thọ lạc phát sanh như tâm đăng ký (tadālambana) khi đối tượng phát hiện trước tâm là đáng được ưa thích.

36.

Không có một loại tâm đặc biệt nào tên là votthapana (xác định). Chính manodvārāvajjana (ý môn hướng tâm) làm nhiệm vụ ấy trong tiến trình tâm có ngũ môn hướng tâm (pañcadvārāvajjana)

37.

Đó là manodvārāvajjana (ý môn hướng tâm) và pañcadvārāvajjana (ngũ môn hướng tâm), hai trong những tâm Hành Vô Nhân (Ahetuka Kriyā Citta). Vì không thưởng thức mùi vị của đối tượng nên nó không làm nhiệm vụ javana. Loại tâm Hành (Kriyā) còn lại, tiếu sanh tâm, tức tâm làm mĩm cười, tác hành nhiệm vụ javana.

38.-39. Đó là:

12 loại tâm bất thiện + [8+5+4+4 = 21 thiện] + 4 Quả Siêu Thế + [1+8+5+4 = 18 Hành]
= 55.

Danh từ Quả dùng ở đây không phải là Vipāka mà là Phala. Những tâm quả thuộc Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới (vipāka) không được xem là javana. Những tâm Đạo (Magga) và tâm Quả (Phala) Siêu Thế phát sanh trong tiến trình javana được xem là javana, mặc dầu chỉ tồn tại trong thời gian một chặp tư tuởng (sát-na).

39.

Mười một loại tâm nầy là tâm quả (vipāka citta). Khi làm nhiệm vụ đăng ký (tadālambana) thì không làm nhiệm vụ suy đạc (santīraṇa).

Loại tâm suy đạc liên hợp với thọ lạc tác hành cả hai nhiệm vụ suy đạc và đăng ký.

40.

Mỗi loại trong cảnh giới đặc biệt của nó.

41.

Manodvārāvajjana.

42. Manodhātu, Ý Giới.

Ý giới (manodhātu) đuợc áp dụng cho hai loại tâm, tiếp thọ (sampaṭicchana), và ngũ môn hướng tâm (pañcadvāravajjana). Tất cả những loại tâm còn lại, ngoại trừ mười loại ngũ song thức (dvipañca viññāṇa) đều được gọi là mano viññāṇa dhātu, ý thức giới.

Xem chú giải số 99, cùng chương.

Ghi chú:

[1] Trang 266.

[2] Susupti hay giấc ngủ mê, được ghi nhận trong kinh Upanishads "Trong ấy tâm và giác quan, cả hai được nói là tiêu cực". Indian Philosophy, trang 258. Radhakrishnan,

[3] Radhakrishnan nói ... Bhavaṅga là sự sinh tồn của tiềm thức, sự sống phía dưới cái tâm, hay nói rõ hơn, sự sinh tồn tinh thần, tự do, không bị ảnh hưởng của tâm. Khi được nhìn một cách chủ quan bhavaṅga là sự sinh tồn phía dưới cái tâm, mặc dầu một cách khách quan đôi khi danh từ nầy được dùng trong nghĩa Niết Bàn. Indian Philosophy, trang 408.

Chắc chắn đây không phải là quan điểm của Phật Giáo. Bhavaṅga cũng hiện hữu trong những loại tâm khi ta thức, tức khắc sau một tiến trình tâm (citta vīthi). Không khi nào bhavaṅga đồng nghĩa với Niết Bàn.

[4] Xem chương VIII.

[5] Nên ghi nhận danh từ Phala được dùng ở đây, thay vì Vipāka, quả. Trong tiến trình javana Siêu Thế, tâm Quả (Phala) tức khắc phát sanh liền theo tâm Đạo (Magga).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]