VI DIỆU PHÁP TOÁT YẾU
Nārada Mahā Thera
Phạm Kim Khánh dịch
Chương II: TÂM SỞ
Akusala Cetasika
Tâm sở bất thiện
6. (a) Akusalesu pana Moho, Ahirikaṁ Anottappaṁ, Uddhaccaṁ c'āti cattāro'me cetasikā sabbākusalasādhāraṇā nāma. Sabbesu'pi dvādasākusalesu labbhanti. (b) Lobho aṭṭhasu lobhasahagatesv'eva labbhati (c) Diṭṭhi catusu diṭṭhigatasampayuttesu. (d) Māno catusu diṭṭhigatavippayuttesu. (e) Doso, Issā, Macchariyaṁ, Kukkuccaṁ ca dvīsu paṭighacittesu. (f) Thīnaṁ, Middhaṁ pañcasu sasaṅkhārikacittesu. (g) Vicikicchā vicikicchāsahagatacittey'eva labbhatī'ti. 7. Sabbāpuññesu cattāro -- lobhamūle tayo gatā |
§6 (a) Trong các tâm sở Bất Thiện có bốn loại nầy [6]-- Si, Không Hổ Thẹn, Không Sợ và Phóng Dật -- nằm trong tất cả các loại tâm Bất Thiện. (b) Tham chỉ nằm trong tám loại tâm bắt nguồn từ căn tham. (c) Tà Kiến [7] nằm trong bốn loại tâm liên hợp với tà kiến. (d) Ngã Mạn [8] nằm trong bốn loại tâm không liên hợp với tà kiến. (e) Sân, Ganh Tỵ, Xan Tham và Lo Âu [9], nằm trong hai loại tâm liên hợp với sân. (f) Hôn Trầm và Thụy Miên [10], nằm trong năm loại tâm có sự xúi giục. (g) Hoài Nghi, chỉ nằm trong loại tâm liên hợp với hoài nghi. §7. Tóm lược Bốn được thấy trong tất cả các loại tâm Bất Thiện, ba trong các loại tâm bắt nguồn từ căn Tham, bốn trong những loại tâm bắt nguồn từ căn Sân, và hai từ các loại tâm có sự xúi giục. Hoài Nghi hiện hữu trong loại tâm liên hợp với hoài nghi. Như vậy, mười bốn tâm sở Bất Thiện chỉ đồng phát sanh cùng mười hai tâm vương Bất Thiện bằng năm cách. |
Ghi chú:
[6] Moha (Si) là căn nguyên của tất cả các tâm Bất Thiện. Người ta có hành động bất thiện vì không biết (Si) hậu quả bất thiện của nó. Cùng liên hợp với "Si" là trạng thái không hổ thẹn khi làm điều bất thiện, và bất kể đến (không sợ) hậu quả của hành động bất thiện. Khi đã hành động bất thiện tức nhiên tâm không yên, có trạng thái phóng dật.
[7] Do Tà Kiến phát sanh khái niệm "Ta" và "Của Ta" có liên quan đến tự ngã. Vì lẽ ấy Tà Kiến phát sanh trong các loại tâm bắt nguồn từ căn tham.
[8] Māna (Ngã Mạn) cũng phát sanh do khái niệm sai lầm về "Ta". Vì lẽ ấy, Māna chỉ hiện diện trong những loại tâm bắt nguồn từ căn tham. Tuy nhiên, Diṭṭhi và Māna không phát sanh cùng một lúc trong một loại tâm riêng biệt. Nơi nào có Diṭṭhi (Tà Kiến) thì không có Māna (Ngã Mạn). Các bản chú giải so sánh Diṭṭhi và Māna như hai con sư tử dữ tợn không biết sợ, không thể cùng sống chung với nhau trong một chuồng. Māna có thể phát sanh trong bốn loại tâm bất thiện không liên hợp với Tà Kiến. Như vậy không có nghĩa là Māna luôn luôn hiện diện trong các loại tâm ấy.
[9] Bốn tâm sở nầy không phát sanh trong những loại tâm bắt nguồn từ căn tham bởi vì trong các tâm sở nầy có một vài hình thức bất toại nguyện, thay vì có một loại tham ái nào. Chí đến Macchariya (Xan Tham) cũng là một loại bất toại nguyện đối với kẻ khác, tranh đua với mình.
[10] Hôn Trầm và Thụy Miên, Thīna và Middha, do bản chất thiên nhiên của nó, là đối nghịch với trạng thái thích ứng. Trong trạng thái thụy miên và hôn trầm không có sự hối thúc. Do đó hai trạng thái nầy không thể phát sanh trong những loại tâm không có sự xúi giục (Asaṅkhārika), vì theo bản chất tự nhiên của nó, những loại tâm nầy là nhiệt thành và tích cực. Thīna và Middha, Hôn Trầm và Thụy Miên, chỉ phát sanh trong những loại tâm có sự xúi giục.