Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Phẩm "Chơn Như"

27/11/202008:43(Xem: 7999)
16. Phẩm "Chơn Như"

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha-490

 

XVI. PHẨM "CHƠN NHƯ".

(Cuối quyển 548 đến đầu quyển 549, Hội thứ IV, TBBN).

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

 

 

Gợi ý:

 Giáo lý “Chơn Như” của bất cứ Hội nào trong ĐBN cũng đều thâm thúy cả. Các Hội trước chúng tôi trích phần Như Lai tùy sanh do Ngài Tuệ Sĩ dịch rất gọn và rất thanh thoát, vì Ngài dùng một chữ Như để dịch chữ Chơn như. Ở đây thay vì chúng tôi “sửa” bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm, chúng tôi giữ y nguyên văn. Nhưng để ĐBN có nhiều màu sắc hơn, chúng tôi dùng những từ khác nhau như Như hay Như như để gọi chơn như. Phẩm “Chơn Như” của Hội thứ IV này về nội dung cũng giống như các phẩm “Chơn Như” của các Hội trước đều thâm thúy như nhau. Đọc thêm phẩm này để nhớ các phẩm “Chơn Như” của các Hội khác, không “bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, chẳng mất mát đâu cả!

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Pháp Phật đã dạy rất sâu xa mầu nhiệm, đối với tất cả pháp đều có thể tùy thuận, không bị chướng ngại. Pháp Phật đã dạy không có tướng chướng ngại, ngang bằng hư không, hoàn toàn không dấu vết. Pháp Phật đã dạy không có tướng đối đãi, không có tướng thứ hai. Pháp Phật đã dạy không có tướng ngang nhau vì không có đối địch. Pháp Phật đã dạy hoàn toàn không lưu dấu vì không sanh, không diệt. Pháp Phật đã dạy hoàn toàn không sanh diệt vì tất cả sanh diệt bất khả đắc. Pháp Phật đã dạy hoàn toàn không có đường tắt vì tất cả đường tắt bất khả đắc. Pháp Phật đã dạy hoàn toàn không hý luận vì phân biệt ngôn thuyết bất khả đắc.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.

Khi ấy, Thiên tử cõi Dục và cõi Sắc liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại đức Thiện Hiện đúng thật là Phật tử, được sanh ra từ đức Như Lai. Vì sao? Vì đại đức Thiện Hiện nói ra các pháp, tất cả đều tương ưng với Không.

 

(Tùy Như Lai sanh)

 

Cụ thọ Thiện Hiện bảo các Thiên tử cõi Dục và cõi Sắc:

- Các Ngài bảo tôi đúng thật là Phật tử, được sanh ra từ đức Như Lai. Thế nào là Thiện Hiện được sanh ra từ đức Như Lai? Nghĩa là theo chơn như của Như Lai sanh ra mà tất cả pháp sanh bất khả đắc. Vì sao? Vì chơn như của Như Lai không đến, không đi, bản tánh không sanh. Chơn như của Thiện Hiện cũng không đến, không đi, bản tánh không sanh, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.

Chơn như của Như Lai tức chơn như của tất cả pháp; chơn như của tất cả pháp tức chơn như của Như Lai. Chơn như như thế không có tánh chơn như, cũng không có tánh không chơn như. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.

Chơn như của Như Lai thường trụ làm tướng, chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.

Chơn như của Như Lai không đổi khác, không phân biệt, chuyển khắp các pháp. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.

Chơn như của Như Lai không bị chướng ngại, chơn như của tất cả pháp cũng không bị chướng ngại. Hoặc chơn như của Như Lai, hoặc chơn như của tất cả pháp đồng một chơn như, không hai, không khác, không tạo, không tác. Chơn như như vậy luôn là tướng chơn như, không lúc nào là không phải tướng chơn như, nên không hai, không khác. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.

Chơn như của Như Lai đối với tất cả pháp không nhớ nghĩ, không phân biệt. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.

Chơn như của Như Lai không riêng khác, không thể đắc. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.

Chơn như của Như Lai không rời chơn như của tất cả pháp; chơn như của tất cả pháp không rời chơn như của Như Lai. Chơn như như vậy luôn là tướng chơn như, không có lúc nào không có tướng chơn như. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.

Mặc dù nói tùy sanh nhưng không có sự tùy sanh, vì chơn như của Thiện Hiện không khác Phật.

Chơn như của Như Lai không có quá khứ, không có tương lai, không có hiện tại. Chơn như của tất cả pháp cũng không có quá khứ, không có tương lai, không có hiện tại. Chơn như của Thiện Hiện cũng như vậy, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.

Chơn như của Thiện Hiện theo(1) chơn như của Như Lai. Chơn như của Như Lai theo chơn như quá khứ; chơn như của quá khứ theo chơn như của Như Lai. Chơn như của Như Lai theo chơn như vị lai; chơn như của vị lai theo chơn như của Như Lai. Chơn như của Như Lai theo chơn như hiện tại; chơn như của hiện tại theo chơn như của Như Lai. Chơn như của Như Lai theo chơn như ba đời; chơn như của ba đời theo chơn như của Như Lai. Chơn như ba đời, chơn như của Như Lai không hai, không khác. Chơn như của tất cả pháp và chơn như của Thiện Hiện cũng không hai, không khác, nên nói Thiện Hiện sanh ra từ đức Như Lai.

Chơn như của tất cả hạnh đại Bồ Tát tức là chơn như của quả vị Vô Thượng Bồ đề của chư Phật. Các đại Bồ Tát do chơn như nên chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề, nên gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Đối với chơn như các pháp này, ta sanh lòng tin hiểu sâu xa nên nói Thiện Hiện được sanh ra từ đức Như Lai.

Đang nói về tướng chơn như này thì nơi tam thiên đại thiên thế giới biến động sáu cách, y như lúc Phật chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề không khác, nên nói Thiện Hiện được sanh ra từ đức Như Lai.

Nhưng Thiên tử nên biết! Thiện Hiện ta không do sắc mà theo Như Lai sanh; không do thọ, tưởng, hành, thức mà theo Như Lai sanh. Không do quả Dự lưu mà theo Như Lai sanh; không do quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán mà theo Như Lai sanh. Không do Độc giác Bồ đề mà theo Như Lai sanh. Không do quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật mà theo Như Lai sanh. Chỉ do chơn như nên theo Như Lai sanh.

Thiên tử nên biết! Nhưng Thiện Hiện ta không theo sắc sanh; không theo thọ, tưởng, hành, thức sanh. Không theo quả Dự lưu sanh; không theo quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán sanh. Không theo Độc giác Bồ đề sanh. Không theo quả vị Vô Thượng Bồ đề của chư Phật sanh. Chỉ theo chơn như sanh, nên Thiện Hiện ta theo Như Lai sanh.

 

Khi ấy, Xá lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chơn như này thật sâu xa mầu nhiệm.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Chơn như này thật sâu xa mầu nhiệm.

Đang lúc nói tướng chơn như này có ba trăm Bí sô đoạn tận các lậu, tâm được giải thoát, đắc quả A la hán và có năm trăm Bí sô xa lìa trần cấu, ở trong các pháp đắc pháp nhãn thanh tịnh; năm ngàn Thiên tử được thành thục nghiệp đời trước, cùng lúc chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn; sáu mươi Bồ Tát không còn các lậu, tâm được giải thoát. (Q.548, TBBN)

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Hiện trong đại chúng này có sáu mươi Bồ Tát đã gần gũi cúng dường năm trăm đức Phật thời quá khứ. Mặc dù họ có tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự nhưng không lãnh hội phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật sâu xa, sanh tư tưởng khác đi, tu hạnh khác đi nên không vào Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát. Do đó trong hiện tại tuy được nghe pháp lớn nhưng nhờ sức nhân đời trước không còn các lậu, tâm được giải thoát.

Thế nên, này Xá lợi Tử! Các Đại Bồ Tát tuy có đạo Bồ Tát là không, vô tướng, vô nguyện, nhưng không lãnh hội phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật, liền chứng thật tế, rơi vào Thanh văn hay Độc giác địa.

Xá lợi Tử! Ví như có con chim, thân nó to lớn cả trăm do tuần, hoặc hai trăm cho đến năm trăm do tuần, mà lông cánh chim chưa mọc đủ hoặc đã hư rụng. Chim này từ trời Ba mươi ba rơi xuống châu Thiệm bộ, giữa đường chợt nghĩ: Bây giờ ta trở lại cõi trời Ba mươi ba. Ý ông hiểu sao? Chim này có thể bay về lại cõi trời Ba mươi ba được không?

Xá lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Giữa đường, chim này muốn đến châu Thiệm bộ mà thân không bị tổn hại, không bị khổ. Ý ông hiểu sao? Chim ấy có được toại nguyện không?

Xá lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Không. Chim ấy khi đến châu Thiệm bộ thân nó chắc chắn bị tổn hại và khổ đau, hoặc đưa đến chết hay sắp chết. Vì sao? Vì chim này thân to lớn mà bị rơi từ trên cao với lông cánh chưa mọc hay bị hư rụng.

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Có các thiện nam tử v.v… trụ Bồ Tát thừa cũng như vậy, mặc dù có phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, đã trải qua hằng hà sa số kiếp tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, cũng tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nhưng không lãnh hội phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật sâu xa mà chứng thật tế, liền rơi xuống địa vị Thanh văn hoặc Độc giác.

Xá lợi Tử! Các thiện nam tử trụ Bồ Tát thừa này tuy nhớ giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn của chư Phật Thế Tôn ba đời nhưng tâm chấp tướng, không thấy, không biết công đức chân thật ngũ uẩn này của chư Phật, chỉ nghe tiếng Không, chấp trước lấy tướng, hồi hướng quả vị Vô Thượng Bồ đề là rơi ngay xuống Thanh văn hoặc Độc giác địa. Vì sao? Xá lợi Tử! Vì các Bồ Tát ấy không lãnh hội phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật sâu xa nên dù có đem vô số thiện căn đã tu tập hồi hướng đạo quả Bồ đề vẫn không đủ sức vậy.

Khi ấy, Xá lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Theo ý con hiểu về nghĩa Phật dạy, các thiện nam tử v.v… trụ Bồ Tát thừa nếu xa lìa phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật, thì dù cho có đầy đủ vô lượng phước đức tư lương mà đối với Bồ đề sẽ có đắc hoặc không đắc. Thế nên các đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nhất định không nên xa lìa phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật. (Hết quyển 548, TBBN)

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.


Quyển thứ 549.

 

(Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề:

Khó tin, khó hiểu, khó chứng)

 

Bấy giờ, các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc cung kính chấp tay đồng bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật rất là thâm sâu, khó tin, khó hiểu vô cùng. Bạch Thế Tôn! Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề cũng thật là thâm sâu, khó tin, khó hiểu vô cùng. Bạch Thế Tôn! Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề khó tin, khó hiểu, cũng khó chứng đắc.

Phật dạy các Thiên tử:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời các ông nói. Những hữu tình thành tựu ác tuệ, tinh tấn thấp kém, thắng giải thấp kém, không có phương tiện thiện xảo, bị lệ thuộc bởi bạn ác. Họ đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa thật khó tin, khó hiểu, đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật cũng khó tin, khó hiểu. Do đó quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề cũng khó chứng đắc.

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

- Như Thế Tôn dạy, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật đã khó tin, khó hiểu, cũng khó chứng đắc. Vì sao quả vị Vô Thượng Bồ đề rất khó tin, khó hiểu, cũng khó chứng đắc? Trong đây hoàn toàn không thể có sự chứng đắc. Vì sao? Vì tất cả pháp rốt ráo là Không, nên trong Không không có pháp có thể chứng pháp khác. Vì sao? Vì tất cả pháp tự tánh đều Không. Vì đoạn hẳn pháp này nên nói pháp như vậy. Pháp này cũng không, do nơi nghĩa này cho nên đối với quả vị Vô Thượng Bồ đề của chư Phật, nếu có người chứng đắc hoặc pháp được chứng, nếu có người biết, hoặc pháp được biết, tất cả đều Không. Vì lý do đó mà con suy nghĩ: Quả vị Vô Thượng Bồ đề của chư Phật có thể dễ hiểu, có thể dễ chứng đắc, chứ không phải khó tin, khó hiểu, khó chứng đắc, vì tất cả pháp đều là Không. Tin biết như vậy sẽ chứng đắc ngay.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Quả vị Vô Thượng Bồ đề của chư Phật, vì người tin hiểu và người chứng bất khả đắc, nên nói khó tin, khó hiểu và khó chứng đắc. Vì quả vị Vô Thượng Bồ đề của chư Phật chẳng thật có, nên nói khó tin, khó hiểu và khó chứng đắc. Vì quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật không có chứa nhóm, nên nói khó tin, khó hiểu và khó chứng đắc.

Xá lợi Tử bảo Thiện Hiện:

- Vì tất cả pháp rốt ráo Không, cho nên quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật rất khó tin, khó hiểu, rất khó chứng đắc. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không có tự tánh, đều như hư không. Ví như hư không không suy nghĩ: Ta đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề phải tin hiểu và phải chứng đắc. Các pháp cũng vậy, đều như hư không hoàn toàn không có tự tánh. Thế nên quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề rất khó tin, khó hiểu, rất khó chứng đắc.

Này Thiện Hiện! Nếu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật dễ tin hiểu, dễ chứng đắc thì sẽ không có hằng hà sa các chúng Bồ Tát phát tâm hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề sau lại thối lui. Cho nên biết quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề rất khó tin, khó hiểu, rất khó chứng đắc.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Xá lợi Tử:

- Ý Tôn giả thế nào? Sắc đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối lui không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Thọ, tưởng, hành, thức đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối lui không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Lìa sắc có pháp nào đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thối lui không?

Xá-lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Lìa thọ, tưởng, hành, thức có pháp nào đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thối lui không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Chơn như của sắc đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối lui không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Chơn như của thọ, tưởng, hành, thức đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối lui không?

Xá-lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Lìa chơn như của sắc có pháp nào đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thối lui không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Lìa chơn như của thọ, tưởng, hành, thức có pháp nào đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thối lui không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Thưa Tôn giả Xá lợi Tử! Ý Tôn giả hiểu sao? Sắc có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Thọ, tưởng, hành, thức có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Lìa sắc có pháp nào có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Lìa thọ, tưởng, hành, thức có pháp nào có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Chơn như của sắc có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Chơn như của thọ, tưởng, hành, thức có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Xá-lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Lìa chơn như của sắc có pháp nào có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Lìa chơn như của thọ, tưởng, hành, thức có pháp nào có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Thưa Tôn giả Xá lợi Tử! Ý Tôn giả hiểu sao? Chơn như đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối lui không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Lìa chơn như có pháp nào đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thối lui không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Thưa Tôn giả Xá lợi Tử! Ý Tôn giả hiểu sao? Chơn như có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Lìa chơn như có pháp nào có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Thưa Tôn giả Xá lợi Tử! Ý Tôn giả hiểu sao? Lại có pháp nào chẳng phải sắc v.v..., chẳng lìa sắc v.v…, chẳng phải chơn như, chẳng lìa chơn như, đối với quả vị Vô Thượng Bồ đề có thối lui không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

- Thưa Tôn giả Xá lợi Tử! Ý Tôn giả hiểu sao? Lại có pháp nào chẳng phải sắc v.v..., chẳng lìa sắc v.v…, chẳng phải chơn như, chẳng lìa chơn như, có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bảo Xá lợi Tử:

- Nếu tất cả pháp là chắc thật, là tồn tại thì hoàn toàn không có sở hữu, đều bất khả đắc; vậy nói những pháp nào có thể đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề mà có thối chuyển?

Tôn giả Xá lợi Tử bảo Thiện Hiện:

- Như Tôn giả đã nói, trong Vô sanh pháp nhẫn hoàn toàn không có pháp, cũng không có Bồ Tát, nên có thể nói đối với quả vị Vô Thượng Bồ đề có thối chuyển. Nếu vậy thì tại sao Phật dạy có ba hạng người trụ Bồ Tát thừa chỉ nên nói một? Và như Tôn giả nói thì không có sự sai khác của ba thừa mà chỉ có một thừa Chánh đẳng giác?

Khi ấy, Mãn Từ Tử liền bạch cụ thọ Xá lợi Tử:

- Nên hỏi Thiện Hiện là chấp nhận có một Bồ Tát thừa phải không? Sau đó hỏi tiếp như vầy: Đâu cần phải thành lập ba thừa khác nhau mà chỉ cần có một thừa Chánh đẳng giác.

Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Thầy chấp nhận có một Bồ Tát thừa không?

Thiện Hiện đáp:

- Ý Tôn giả hiểu sao? Trong chơn như phải chăng có ba thừa sai khác nhau?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không. Chơn như còn không có tướng ba thừa có thể đắc, huống là trong ấy có ba thừa khác.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Trong chơn như có một thừa để đắc không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không. Chơn như còn không có một tướng được, huống là trong ấy có một thừa.

- Ý Tôn giả hiểu sao? Phải chăng trong chơn như thấy có một pháp, một Bồ Tát không?

Xá lợi Tử thưa:

- Thiện Hiện! Không.

Cụ thọ Thiện Hiện nói với Xá lợi Tử:

- Nếu tất cả pháp là chắc thật, là tồn tại thì hoàn toàn không có sở hữu, đều bất khả đắc, Bồ Tát cũng vậy.

Tôn giả có nghĩ: Đây là Thanh văn, đây là Độc giác, đây là Bồ Tát? Như vậy là ba, hay như vậy là một?

Này Xá lợi Tử! Nếu đại Bồ Tát đối với tất cả pháp đều không sở đắc, đối với chơn như của pháp cũng không sở đắc, đối với các Bồ Tát cũng không sở đắc, đối với chư Như Lai cũng không sở đắc, nên biết đó là Bồ Tát chơn thật.

Này Xá lợi Tử! Đại Bồ Tát nào nghe nói chơn như không có tướng sai khác mà không kinh, không sợ, không chìm đắm, không ngất đi thì Đại Bồ Tát đó nhanh chóng chứng quả vị Vô Thượng Bồ đề. Trong khoảng thời gian ấy nhất định không thối chuyển.

Khi ấy, đức Thế Tôn khen Thiện Hiện:

- Hay thay! Hay thay! Hôm nay chính ông là người có thể vì các Bồ Tát giảng nói pháp chính yếu hay nhất. Những điều ông nói đều là sức oai thần của Như Lai.

Thiện Hiện nên biết: Nếu đại Bồ Tát đối với pháp chơn như bất khả đắc tướng, sanh lòng tin hiểu sâu xa, biết tướng không sai khác của tất cả pháp; nghe nói các pháp chơn như bất khả đắc tướng như vậy, không kinh, không sợ, không chìm đắm, không mất, đại Bồ Tát đó nhanh chóng chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Xá lợi Tử bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào thành tựu pháp này sẽ nhanh chóng chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề phải không?

Phật dạy:

- Xá lợi Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Đại Bồ Tát nào thành tựu được pháp này sẽ chóng chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, không rơi vào các địa vị Thanh văn, Độc giác.

Thiện Hiện bạch Phật:

- Nếu đại Bồ Tát nào muốn nhanh chóng chứng đắc sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề nên trụ thế nào và nên học thế nào?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn nhanh chóng chứng đắc sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nên trụ bình đẳng đối với các hữu tình, khởi tâm bình đẳng đối với hữu tình: Tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả, tâm lợi ích, tâm an vui, tâm nhu hòa, tâm cung kính, tâm không tổn, tâm không hại, tâm ngay thẳng, tâm như cha, tâm như mẹ, tâm như anh em, tâm như chị em, tâm làm nương tựa… Và đem tâm này tương ưng cùng lời nói.

Thiện Hiện nên biết: Đại Bồ Tát nào muốn nhanh chóng chứng đắc sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, đối với hữu tình nên trụ như vậy và nên học như vậy.

 

Thích nghĩa:

(1). Chữ “do”, “theo” hay “từ” dịch trong các phẩm “Chơn Như” thuộc thuvienhoasen.org (quyển 321 và quyển 447); chữ “theo” thuộc tuvienquangduc.com (cũng ở quyển 447). Cả ba chữ “do, từ hay theo” không bằng chữ “tùy” dịch trong quyển 321, phẩm “Chơn Như” thuộc bản dịch thứ nhất, chưa nhuận bút, xuất bản 1997. Trong tuvienquangduc.com hay trong Kinh MHBNBLMĐ, tập II, quyển thứ 18, phẩm “Đại Như” dùng chữ “tùy”. Nguyên văn bằng chữ Hán là Thế Tôn . thượng tòa thiện hiện tùy Như Lai sanh . Phật chân đệ tử ”. Việt dịch “Bạch Thế Tôn Thượng tọa Thiện Hiện tùy Như Lai sanh, là chân đệ tử Phật”. Chữ “tùy” ở đây được giữ y nguyên văn chữ Hán nên có v “thông” hơn thay vì dùng các chữ “do, từ hay theo”. TB.

 

Lược giải:

 

1. Pháp Phật dạy như thế nào?

 

“Pháp Phật đã dạy không có tướng chướng ngại, ngang bằng hư không, hoàn toàn không dấu vết. Pháp Phật đã dạy không có tướng đối đãi, không có hai tướng”.

Phật nói như thế này hay như thế khác, đôi khi tưởng chừng như tương phản hay mâu thuẫn nhau. Nhưng thực chất không phải vậy. Khi Phật nói nhiễm tịnh, tội phước, nói như vậy là có đối đãi, có hai tướng. Nếu không so sánh phân biệt chỉ rõ thì chúng sanh không thể nào hiểu những điều Phật muốn nói. Thế giới của chúng sanh là thế giới chia chẻ phân hóa, chúng sanh sống trong thế giới này nên hiểu một cách dễ dàng, vì hiểu nên chỉ hành theo cái thấy biết như vậy, nên dễ bị trôi lăn. Khi Phật nói thế giới theo đệ nhất nghĩa đế là không nhiễm tịnh, không tội phước. Dĩ nhiên, những lời này hoàn toàn nghịch lý với cái thấy biết của chúng sanh, và những lời nói đó làm cho người trần mắt thịt luôn luôn lẫn lộn, luôn luôn hoài nghi.

Nhưng một khi hiểu được lời Phật dạy, từ bỏ thế giới phân hai, tu tập để đạt đến chỗ tịch tĩnh, không còn phân biệt chấp trước nữa, thì có thể chứng nhập giới xứ của chư Như Lai. Tất cả lời Phật dạy, tất cả pháp Phật đều như vậy, toàn đại phẩm ĐBN chỗ nào cũng thấy nghịch lý, mâu thuẫn làm cho chúng ta ngỡ ngàng, cho đến ngờ vực hay hoang mang nữa? Vì vậy, Kinh nhiều lần khuyến cáo: Đừng kinh, đừng khủng, đừng lo buồn, hối tiếc... thì mới có thể học, có thể viên mãn Bát nhã Ba la mật.

Một trong hàng trăm lời giáo huấn của chư Phật mà chúng ta khó tiếp thu như phẩm “Phật Mẫu”, quyển 306, Hội thứ I, Phật bảo: “Như Lai biết: Biến ngại là tướng của sắc. Thế gian cũng biết sắc trần là cái dễ lôi cuốn, làm mất tâm. Nên nói sắc trần là một trong những thứ đen tối, che đậy tánh giác. Nhưng trong một đoạn Kinh khác, Phật lại bảo: “Sắc tức là Bát nhã Ba la mật, Bát nhã Ba la mật tức là sắc hay sắc là Nhất thiết trí trí, Nhất thiết trí trí là sắc”. Phải chăng đó là cái mâu thuẫn của Phật. Phật không bao giờ huyễn hoặc những người con Phật. Một khi hiểu tất cả pháp tuy thiên sai vạn biệt nhưng tánh chơn như không khác, tất cả đều một như, khi hiểu ra như thế thì có thể hiểu sắc tức là Bát nhã Ba la mật, Bát nhã Ba la mật tức sắc hay sắc là Nhất thiết trí trí và Nhất thiết trí trí là sắc. Nên đoạn Kinh trên Phật bảo tiếp: “Nhẫn đến Nhất thiết chủng trí là Bát nhã Ba la mật, Bát nhã Ba la mật là Nhất thiết chủng trí. Sắc tướng như, nhẫn đến Nhất thiết chủng trí tướng như là một như, không hai, không khác”.

Vì vậy, có thể nói: Bát Nhã có khả năng soi thấy thế giới như thế là như thế, thấy các pháp trong bản tính như thực (yathàbhùtum) của chúng. Đấy là cái thấy xuyên qua tướng trạng để trực ngộ được chân tánh của vạn hữu mà tuyên bố rằng thấy như thế là thấy các pháp như trong chân như thật tướng của chúng.

Để “tri nhận các pháp Như thực hay thấy Chân như thật tướng của chúng”, Thiền sư D.T. Suzuki nói: “Phật tử hành đạo trải qua các giai đoạn khác nhau của tâm linh, nhưng ở trong Chân như chúng không hai, không phân biệt. Bồ Tát từ Chân như nhất tướng đó mà có thể nhập vào Pháp tánh. Sau khi nhập vào Pháp tánh, ở đó cũng không sinh ra phân biệt. Dù khi nghe những giáo pháp khác, Bồ Tát cũng không hủy báng, vì biết rằng có nhiều pháp môn sai khác dẫn vào Pháp tánh. Dù khi nghe những danh tướng và ngôn thuyết, Bồ Tát cũng không sinh nghi hoặc đối với công năng thù thắng của Chân như mà Ngài đang hộ trì trong mình”.

“Một trong những hoạt dụng của Bát Nhã, vậy thì, chính là tri nhận các pháp Như thực hay thấy Chân như tướng của chúng. Trong Chân như đó, thấy rằng hết thảy mọi loài, mọi sự hữu, không bị nhiễm ô, do đó chúng là một với chư Phật và trong phương diện đặc biệt này có thể gọi các Ngài là chư Như Lai. Vì tất cả là một như thế, nên tất cả cùng là anh em (anujatà) với nhau, kể cả chư Phật và Bồ Tát. Cái thai mẹ sinh ra hết thảy những anh em này đích danh là Như Lai tạng (Tathagata- garbha). Vai trò làm mẹ của Bát Nhã ở đây thành xác chứng hơn bao giờ hết, và ý nghĩa đó thường được dùng để tán dương Bát Nhã càng tự nhiên”.

Với lối giải thích sâu sắc đó, đoạn kinh “Tùy Như Lai sanh” sau đây trở nên dễ hiểu hơn:

 

2. Tùy Như Lai sanh.

 

Thế nào Thiện Hiện tùy Như Lai sanh? Chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc lại thưa Phật:

- “Bạch Thế Tôn! Đại đức Thiện Hiện là chơn đệ tử Phật, tùy Như Lai sanh. Vì sao? Vì đại đức Thiện Hiện đã thuyết tất cả pháp đều tương ưng với không.

Cụ thọ Thiện Hiện bảo chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc:

- Chư Thiên các ông nói Thiện Hiện là chơn đệ tử Phật, tùy Như Lai sanh. Thế nào là Thiện Hiện tùy Như Lai sanh? Nghĩa là tùy Như Lai như sanh. Vì sao? Vì Như Lai như không đến, không đi, Thiện Hiện như cũng không đến, không đi, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như tức tất cả pháp như, tất cả pháp như tức Như Lai như. Như, như thế là không tánh như, cũng không phải không tánh như. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như thường trụ là tướng, Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không biến đổi, không phân biệt, chuyển khắp các pháp. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không quái ngại, tất cả pháp như cũng không quái ngại. Hoặc Như Lai như, hoặc tất cả pháp như, đều đồng một như không hai, không khác, không tạo, không tác. Như, như thế là tướng thường như, không thời nào chẳng như. Vì tướng thường như, không thời nào chẳng như nên không hai không khác. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như khắp mọi nơi không nhớ nghĩ, không phân biệt. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không đổi khác, bất khả đắc. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không lìa tất cả pháp như, tất cả pháp như không lìa Như Lai như. Như, như thế thường như, không thời nào chẳng tướng như. Thiện Hiện như cũng lại như thế nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Dù nói tùy sanh mà không có chỗ tùy sanh, vì Thiện Hiện như chẳng khác Phật vậy.

Như Lai như không quá khứ, không vị lai, không hiện tại. Tất cả pháp như cũng không quá khứ, không vị lai, không hiện tại. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Quá khứ như tức Như Lai như, Như Lai như tức quá khứ như. Vị lai như tức Như Lai như, Như Lai như tức vị lai như. Hiện tại như tức Như Lai như, Như Lai như tức hiện tại như. Hoặc quá khứ như, hoặc vị lai như, hoặc hiện tại như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác.

Sắc như tức Như Lai như, Như Lai như tức sắc như. Thọ, tưởng, hành, thức như tức Như Lai như, Như Lai như tức thọ, tưởng, hành, thức như. Hoặc sắc như, hoặc thọ, tưởng, hành, thức như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác. Mười hai xứ như, mười tám giới như, tứ thiền như, tứ vô sắc định như, mười tám pháp bất cộng như, Nhất thiết trí như, Đạo tướng trí như, Nhất thiết chủng trí như… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao như tức Như Lai như, Như Lai như tức mười hai xứ như, mười tám giới như, tứ thiền như, tứ vô sắc định như, mười tám  pháp bất cộng như, Nhất thiết trí như, Đạo tướng trí như, Nhất thiết chủng trí như… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao như đều đồng một như không hai, không khác. Bồ Tát hạnh như tức Như Lai như, Như Lai như tức Bồ Tát hạnh như. Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như tức Như Lai như, Như Lai như tức quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như. Hoặc tất cả Bồ Tát hạnh như, hoặc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác. Nhất thiết trí như tức Như Lai như, Như Lai như tức Nhất thiết trí như. Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí như tức Như Lai như, Như Lai như tức Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí như. Hoặc Nhất thiết trí như, hoặc Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác.

Thiên chúng nên biết, các Đại Bồ Tát đang chứng tất cả pháp như như thế nên gọi là Như Lai ứng Chánh Đẳng Giác. Thưa Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác! Con tin hiểu sâu sắc các pháp như như thế nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh”(1).

 

Để giải thích “các pháp như thật” và “Như Lai tùy sinh”, không gì hơn là chúng tôi lấy một đoạn luận giải Bát Nhã như là soi thấy các Pháp Như thực” trong Thiền Luận III, của Thiền sư D.T. Suzuki để Quý vị thưởng thức thêm: 

“Do công năng vô chấp đó, chúng ta có thể nói rằng Bát Nhã có khả năng nhìn thấy thế giới như thế là như thế, thấy các pháp trong bản tính như thực (yathàbhùtum) của chúng. Đây là hoạt dụng đặc sắc nhất của Bát Nhã mà Bồ Tát sở đắc khi Ngài chứng ngộ rằng đến thì như thế mà đến, đến từ Bát Nhã, và do đó biết rằng Bát Nhã sinh ra Ngài cũng như sinh ra hết thảy chư Phật. Một khi đôi mắt của Bồ Tát mở ra cho sự thực này, Bồ Tát quan sát thế gian và hết thảy thiên sai vạn biệt của thế gian trong tổng trạng chân thực của chúng. Nói thế tức là, trong tầm tri giác của chúng ta, thế gian không ngừng biến đổi, chịu đủ hình thái thành và hoại. Nhưng Bồ Tát khi mà trí Bát Nhã của Ngài đã khai ngộ hoàn toàn, nhận thấy rằng, năm uẩn tạo thành thế gian này dù có những biến dịch bên ngoài của chúng, trong tự tánh (svabhava) chúng không hề bị hoại diệt, chúng không mang những hoại tướng, không bị chi phối bởi những thành hoại, không bị chi phối bởi sinh tử, không bị chi phối bởi những tham dục và phiền não.

Kinh điển Bát nhã Ba la mật vừa là một nền triết học và vừa là một nền tôn giáo, nên giáo thuyết của nó luôn luôn hỗn hợp bản thể học và tâm lý học. Sự thực, nó không nói tới sự hữu là như thế nào, nhưng nói tới những gì có nơi con người. Biết rõ thế gian tức biết rõ tinh thần của con người và những tạo tác của nó. Không có những vấn đề siêu hình nào mà cùng lúc không là những vấn đề về giải thoát và giác ngộ. Do đó khi Bồ Tát nhận thấy thế gian như là như thực (yathàbhùtam) Ngài cũng nhận thấy các loại tâm của con người như thế là như thế; thế rồi Ngài mới thi thiết các phương tiện thiện xảo (upàya) của mình. Vậy, Kinh nói, bằng con mắt của trí Bát Nhã, Bồ Tát thấy rõ các loại tâm của tất cả các loại hữu tình, và Ngài biết rõ chúng sai biệt như thế nào, sai biệt về cá tính, sai biệt về hoạt dụng, sai biệt về thọ báo, sai biệt về giá trị đạo đức, về tâm tính, vân vân. Rồi tri kiến như thực (yathàbhùtam) của Ngài thấu triệt qua những giả tướng này và nhận ra rằng các tâm của chúng; tịnh hay bất tịnh, nhiếp tâm hay loạn tâm, nhiễm tâm hay ly nhiễm tâm, tất cả đều không tự tánh, không thủ trước, không phân biệt. Đấy được coi là nhìn vạn hữu trong chân như tướng của chúng, trong đó mọi sai biệt tan biến hết, đồng thời tự hiển lộ tự thân như thực trong ánh sáng của trí Bát Nhã.

Do đó, đương nhiên tri kiến như thực trong các Kinh Bát nhã Ba la mật có nghĩa là tri kiến xuyên qua bức màn trùng điệp phủ tối đôi mắt chúng ta, và rồi dùng trí Bát Nhã nắm lấy vạn hữu trong chân như của chúng. Chân như (tathatà)(2) là một chữ quá lạ, nhưng trong thuật ngữ Phật giáo, nó là một trong những chữ ý vị nhất. Hiểu rõ nghĩa của nó là hiểu toàn bộ hệ thống tư tưởng của đạo Phật. Chân như là như như và đừng có hiểu lộn thành như nhau hay như một. Khi người ta nói đến vô dị tướng, thì có thể tưởng rằng các dị tướng bị biến thành vô sở tri hay vô sở hữu, để bộc lộ cái tướng như một của chúng. Nhưng cái mà các hành giả Bát Nhã muốn nói là những cái được thấu hiểu trong những tương quan chân thực của chúng, không chỉ tương quan giữa cái này với cái kia mà tương quan với lý tính hiện hữu của chúng.

 

“Kinh Bát Nhã có một đoạn dành cho Tu Bồ Đề (Subhùti) luận về Như lai Tùy sinh (Tathàgata-anujata). Tùy sinh (Anujàta) có nghĩa, sinh sau hay “sinh ra tùy theo”. Chính Tu Bồ Đề (Subhuti), người nói triết học Bát Nhã, sinh ra sau Như lai, tức em ruột của Như lai, hay nói đúng hơn, Tu Bồ Đề được sinh ra tùy theo tự tướng của Như lai. Đó là một trong các đoạn quan trọng nhất của Bát Nhã, nhất là khi xét tới liên hệ với giáo thuyết Chân như. Như Lai (Tathagata) thông thường được coi như là một biệt hiệu của Phật, nghĩa đen hoặc “người đến như thế” hoặc “người đi như thế”. Điểm quan trọng ở đây là ý nghĩa của chữ Như (tatha) hơn là Lai (agata, đến hay gata, đi); hình như tác giả của Kinh Bát Nhã nhấn mạnh trên chữ tatha coi đó là chìa khóa để hiểu giáo pháp Tathata (Chân như) hay Yathabhutam (Như thực). Khi ông nói tới Chân như của Như Lai (tathagata- tathata), ông muốn nói lý tánh, căn nguyên, hay lý tắc cho sự xuất hiện có thể có của Như Lai trong thế gian. Vì vậy, Tu Bồ Đề mà được sinh ra sau (anujata) Chân như của Như Lai, thì có nghĩa là Tu Bồ Đề và Như Lai cùng đến từ bào thai vũ trụ mà Kinh Lăng già (Lankavatara) và các Kinh Phật khác gọi là Như Lai tạng (tathagatagarbha). Với giải thích sơ khởi này, đoạn dưới đây nói về Tùy sinh (Anujata) và Như Lai (Tathagata) sẽ trở nên dễ hiểu hơn.

“Khi nói Tu Bồ Đề sinh ra sau Như Lai, nói thế có nghĩa như vầy: Như của Như Lai là Như của Tu Bồ Đề, Như Như không hai không khác, vì Chân Như là một trong hết thảy các loại hữu tình và ở đây không hai tưởng, không phân biệt, không phân đôi; trong hết thảy Chân Như không có đến và cũng không có đi vì bản lai vô sinh; chúng không chỗ trụ nơi chúng thường trụ như là những pháp sai biệt; chúng là vô tác, vì có nghĩa rằng chúng không phải là sở tri như là đang hoạt dụng trong một phương thế quyết định nào đó để biểu lộ những tự tướng sai biệt của chúng; thế nhưng chúng cũng không phải là thường tịch và vô sở tác; chúng luôn luôn như Như trong tất cả mọi xứ sở, trong tất cả mọi thời gian, trong tất cả mọi cảnh giới, trong tất cả mọi tụ tập nhân duyên; trong chúng không từng có quá khứ, không từng có hiện tại, không từng có vị lai mặc dù chúng hữu tình được coi như đang hiện hữu, tồn tại và biến mất; chúng không lệ thuộc sự phân biệt, không sắc tướng sai biệt, là bất khả đắc; và sau hết dù với những phẩm tính đó chúng vẫn xuất hiện như là những thực tại, có thể được định danh, được định nghĩa và được phân biệt, mặc dù như thế chúng không còn là Chân như nữa. Vì những lý do đó, Chân như của Tu Bồ Đề là Chân như của Như Lai, và Chân như của Như Lai là Chân như của hết thảy các pháp, cả hai không hai không khác. Chân như nhất như hiển hiện ở đây, nhưng ngay khi nói về Chân như như thế, Chân như không còn là Chân như nữa. Chân như chỉ là giả danh, nhưng nếu không có giả danh đó không có Như Lai, không có Tu Bồ Đề, không có Phật, không có A la hán, không có các loại hữu tình. Duy chỉ Như Lai mới thấu triệt như thế, không một chúng sinh nào có thể nắm nổi lý này. Tu Bồ Đề, vì Ngài thấu hiểu, nên có thể diễn nói những huyền diệu sâu xa của Bát nhã Ba la mật đa, và vì lý do đó, Ngài là Tùy sinh của Như Lai”. (3)

Như như là tướng của tất cả vạn pháp, “tướng như” này chẳng lúc nào chẳng như trong mọi cảnh giới trong mọi xứ mọi thời, chỉ có Như Lai mới thấu triệt như này, nên các vị mới được gọi là chư Như Lai. Vì thấy biết như vậy nên Như Lai mới được xem là bình đẳng và vì bình đẳng nên mới nói là thanh tịnh.

Người thấy được như này tức là chứng chơn như, pháp giới, pháp tánh, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế... hay nói khác là nhập pháp giới mà được giác ngộ.

 

1. Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề:

Khó tin, khó hiểu, khó chứng chăng?

 

Phật bảo:

“Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật, vì người tin hiểu và người chứng đắc bất khả đắc, nên nói khó tin, khó hiểu và khó chứng đắc. Vì quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật chẳng thật có, nên nói khó tin, khó hiểu và khó chứng đắc. Vì quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật không có chứa nhóm, nên nói khó tin, khó hiểu và khó chứng đắc”.

Danh tướng là giả, là giả danh chẳng thật có, do người ta đặt ra hay do người khác gán cho mình. Chứng hay không là do tu hành đến một lúc nào đó “tâm thông” thì tự thầm ngộ. Vả lại, tu Phật nếu tiệm tu như đức Thích ca Mâu ni phải mất ba a tăng kỳ kiếp mới chứng được Vô Thượng Bồ đề, chứng hay không là do Phật tự biết, thầm ngộ nên Phật bảo là khó hiểu khó chứng.

Thiện Hiện cũng hiểu biết như thế nên bảo Xá Lợi Tử:

“Này Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ Tát đối với tất cả pháp đều không sở đắc, đối với pháp như cũng không sở đắc, đối với các Bồ Tát cũng không sở đắc, đối với chư Như Lai cũng không sở đắc, nên biết đó là Bồ Tát chơn thật.

Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát nào nghe nói chơn như không có tướng sai khác mà không kinh, không sợ, không chìm đắm, v.v... thì Đại Bồ Tát đó nhanh chóng chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Trong khoảng thời gian ấy nhất định không thối chuyển”.

Phật kết luận:

- “Hay thay! Hay thay! Hôm nay chính ông là người có thể vì các Bồ Tát giảng nói pháp chính yếu hay nhất. Những điều ông nói đều là sức oai thần của Như Lai.

Thiện Hiện nên biết: Nếu đại Bồ Tát đối với pháp như bất khả đắc tướng, sanh lòng tin hiểu sâu xa, biết tướng không sai khác của tất cả pháp; nghe nói các pháp như bất khả đắc tướng như vậy, không kinh, không sợ, không chìm đắm... đại Bồ Tát đó nhanh chóng chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề”.

Vậy, Bồ Tát nào nếu muốn nhanh chóng chứng đắc sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nên trụ bình đẳng, lấy tứ vô lượng tâm từ bi hỷ xả, tâm lợi ích, tâm an vui, tâm nhu hòa, tâm cung kính, tâm như cha, tâm như mẹ, tâm như anh em... đối với hữu tình. Phải trụ như vậy, phải học như vậy. Phải trụ phải học như vậy là trụ trong chơn như thật tướng của tất cả pháp.

“Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là quả vị Vô Thượng Bồ đề?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Như Như của các pháp gọi là quả vị Vô Thượng Bồ đề.

Thiện Hiện nên biết: Vì các pháp như không có thêm bớt nên quả vị Vô Thượng Bồ đề của chư Phật cũng không thêm bớt. Nếu đại Bồ Tát thường an trụ tác ý tương ưng với Như Như như vậy, thì liền gần quả vị Vô Thượng Bồ đề.

Thế nên, này Thiện Hiện! Nghĩa không thể nói, tuy không thêm bớt nhưng không thối chuyển tác ý Như như. Ba la mật tuy không thêm bớt nhưng không thối lui sự mong cầu quả vị Vô Thượng Bồ đề. Đại Bồ Tát nào an trụ tác ý Như Như như như vậy mà tu hành bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật, liền gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề”.

 

Chính văn của phẩm này không bằng chánh văn của các phẩm “Chơn Như” của các Hội khác. Nên chúng tôi mới dẫn chứng lời bình giảng của Thiền sư D.T. Suzuki để làm sáng tỏ thêm.

Thích nghĩa cho phần lược giải này:

(1). Đây là nguyên văn đoạn kinh nói về “Như Lai tùy sinh”, phẩm “Chân Như”, quyển 447, Hội thứ II, ĐBN do Ngài Huyền Trang dịch, cũng đồng với đoạn kinh trong phẩm “Chân Như” ở cuối quyển 548, Hội thứ IV, TBBN mà chúng ta đang thảo luận, nhưng lối diễn tả dễ hiểu, nên chúng tôi trích dịch lại để quý vị thưởng thức thêm.

(2). Chơn như hoặc Như như hoặc Như hoặc tánh Như, tướng như hay pháp như… sẽ được dùng tùy trường hợp. (Chú giải trong Thiền luận III). Lưu ý độc giả khi đọc đến các từ này thì phải hiểu là chúng tôi không phải chỉ đề cập đến từ chơn như không thôi mà chúng tôi muốn nói đến thập nhị chơn như hay còn gọi Thập nhị vô vi hay Thập nhị không: Chỉ cho 12 tên gọi của Chơn như. 1- Chơn như, 2- Pháp giới, 3- Pháp tính, 4- Bất hư vọng tính, 5- Bất biến dị tính, 6- Bình đẳng tính, 7- Ly sinh tính, 8- Pháp định, 9- Pháp trụ, 10- Thật tế, 11- Hư không giới, 12- Bất tư nghị giới. Đôi khi còn nói rộng ra là Phật tánh, Như Lai tạng, Bản lai diện mục v.v… vì là để diễn tả cái trạng thái chân thật của tất cả các pháp không phân biệt bất cứ một pháp nào.

 (3). Chúng tôi trích dẫn lời luận giải này của Thiền sư D.T. Suzuli nhiều lần không những trong phẩm này mà còn trong các phẩm của các Hội khác nữa. Vì đây, là lời luận giải trí tuệ có thể giúp chúng ta hiểu biết về Chơn như. Như chúng tôi nhiều lần lưu ý ai hiểu được thập bát chủng khôngthập nhị chơn như, thì được xem như thông đạt Bát Nhã hay Giác ngộ.

Phẩm này phải thọ trì tụng đọc nhiều lần mới có thể thâm nhập được! Vì các pháp không, như như, bình đẳng và thanh tịnh là pháp ấn, trí ấn, trí tạng của chư Phật, chư Như Lai. Người nào nắm vững và thông suốt giáo lý của các pháp này thì có thể nói là ngộ “pháp như” như Như lai không khác! Bởi vì như là như thường tại, bất biến dị đổi dời, chẳng lúc nào chẳng như, giống Như Lai không khác. Nên kinh bảo người có cái thấy biết như thế mới được gọi là Như Lai.

Phẩm “Tướng Không”, quyển 550, Hội thứ IV, ĐBN, cụ thọ Thiện Hiện hỏi Phật:

- “Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là quả vị Vô Thượng Bồ đề?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Như Như của các pháp gọi là quả vị Vô Thượng Bồ đề”.

Câu trả lời này của Phật đủ bảo đảm tầm quan trọng trong sự hiểu biết tất cả pháp như như của những người thọ trì Bát nhã Ba la mật. Như cũng tức là không, trống rỗng không có gì, thì ai có thể bám vào không mà sanh thức. Thấy biết như vậy, quán tưởng liên tục tâm sẽ trở thành như như bất động như gỗ đá một thứ, nhưng khi đạt đến trạng thái đó không phải là không còn gì hết, tịch diệt. Khi đó mặc dù ở trong vô tri, vô thức, vô niệm, vô tâm, chẳng biết mà chẳng có gì chẳng biết, tịch tịch mà chiếu, chiếu chiếu mà tịch. Bát Nhã là như thế!

Vậy, học Bát nhã Ba la mật là phải thấy các pháp là như như. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này khi thảo luận LUẬN #3, với “Cái Thấy Từ Bờ Kia”./.

 

---o0o---

 

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/06/2021(Xem: 21853)
LUẬN VỀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT - Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32 thuộc Luận Tập Bộ Toàn. Thứ tự Kinh văn số 1648. Hán văn từ trang 399 đến trang 461 gồm có 12 quyển. - Ngài A La Hán Ưu Ba Đề Sa (Uptissa) còn gọi là Đại Quang tạo luận nầy và vào đời nhà Lương được Ngài Tam Tạng Tăng Già Bà La (Samghaphala) nước Phù Nam dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. - Sa Môn Thích Như Điển, Phương Trượng chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi nhân lần nhập thất thứ ba tại đây. Bắt đầu dịch luận nầy vào ngày 10 tháng 12 năm 2005.
07/06/2021(Xem: 13460)
Trong mùa an cư kiết hạ năm nay (1984), sau khi đã viết xong quyển "Lễ Nhạc Phật Giáo“, tôi định dịch quyển luận "Đại Thừa Khởi Tín" từ Đại Tạng Kinh, cùng với quý Thầy khác, nhưng không thực hiện được ý định đó. Vì quý Thầy bận nhiều Phật sự phải đi xa. Do đó, tôi đình chỉ việc dịch trên. Sở dĩ như thế, vì tôi nghĩ, tài mình còn non, sức còn kém; đem ý thô sơ, tâm vụng dịch lời kinh Phật chỉ một mình làm sao tránh được những lỗi lầm, thiếu sót. Nếu có nhiều Thầy dịch cùng một lúc, văn ý trong sáng mà lại bổ khuyết cho nhau chỗ thừa, nơi thiếu thì hay hơn; thôi đành phải chờ dịp khác vậy.
07/06/2021(Xem: 14072)
LỜI NÓI ĐẦU Hôm nay là ngày 1 tháng 8 năm 2020, nhằm ngày 12 tháng 6 âm lịch năm Canh Tý, Phật lịch 2564, Phật Đản lần thứ 2644, tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 68. Hôm nay cũng là ngày có nhiệt độ cao nhất, 32 độ C, trong mùa dịch Covid-19 đang lan truyền khắp nơi trên thế giới. Sau hơn 5 tháng ròng rã, tôi đã đọc qua 8 tập kinh Việt dịch trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, từ tập 195 đến tập 202, thuộc Bộ Sự Vị, được dịch từ 2 tập 53 và 54 của Đại Chánh Tạng.1 Nguyên văn chữ Hán 2 tập này gồm 2.260 trang.2 Bản dịch sang tiếng Việt của 2 tập này là 15.781 trang, chia thành 8 tập như đã nói trên. Như vậy, trung bình cứ mỗi trang chữ Hán dịch ra tiếng Việt khoảng 7 trang.
25/05/2021(Xem: 9122)
Đã nhiều năm rồi, Phật Tử Việt Nam cử hành đại lễ trong niềm hân hoan tự hào về một ngày lễ Vesak trọng đại được xưng danh một cách trang trọng là "Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc." Phật giáo là một trong bốn tôn giáo lớn của nhân loại. Con số Phật Tử dù vậy cũng chỉ khoảng 400-600 triệu. Với con số khiêm nhường đó, tiếng nói của Phật giáo không có ảnh hưởng gì đáng kể trong các quyết định của Liên Hiệp Quốc về vận mạng của các dân tộc trên thế giới. Phật Tử Việt Nam chính thức đón nhận "Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc" từ năm 2008. Từ đó đến nay, những phát biểu bởi các đại biểu từ nhiều nước tán dương Đức Phật quả là quá nhiều, nhưng chưa có bất cứ đóng góp thiết thực đáng kể nào cho khát vọng hòa bình của nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột bởi chính quyền của nước mình; bị đe dọa bởi tham vọng bá quyền của nước lớn.
20/05/2021(Xem: 12448)
Kinh Đại Bát Nhã có tất cả 600 quyển, gồm 5 triệu chữ trong 25 ngàn câu, là bộ kinh khổng lồ trong tàng kinh cát của Phật Giáo Đại Thừa, do Đức Thế Tôn thuyết giảng trong 22 năm. Pháp Sư Huyền Trang dịch từ tiếng Phạn sang Hán và Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm (1911-2003) dịch từ Hán sang Việt. Lão Cư Sĩ Thiện Bửu đã dành 10 năm lao nhọc, vừa học Kinh vừa viết luận bản này để xiển dương tư tưởng Bát Nhã theo tinh thần truyền bá và lưu thông. Ông đã khiêm tốn tự nhủ rằng, không biết những gì mình viết có phù hợp với tinh thần của bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật hay không, nhưng chúng tôi cho rằng việc làm của Lão Cư Sĩ là việc cần làm và thiết thực hữu ích, ông đã giúp tóm tắt ý nghĩa và chiết giải những chỗ chính yếu của Kinh. Có thể nói đây là bản sớ giải đồ sộ thứ hai (trọn bộ 8 tập) về Kinh Đại Bát Nhã, theo sau Đại Trí Độ Luận (5 tập) ở Việt Nam. Xin tán thán công đức của Lão Cư Sĩ đã đặt viên đá đầu tiên, để khuyến khích cho những hành giả khác, cùng phát tâm xây dựng nền mó
07/05/2021(Xem: 21075)
Phật Điển Thông Dụng - Lối Vào Tuệ Giác Phật, BAN BIÊN TẬP BẢN TIẾNG ANH Tổng biên tập: Hòa thượng BRAHMAPUNDIT Biên tập viên: PETER HARVEY BAN PHIÊN DỊCH BẢN TIẾNG VIỆT Chủ biên và hiệu đính: THÍCH NHẬT TỪ Dịch giả tiếng Việt: Thích Viên Minh (chương 11, 12) Thích Đồng Đắc (chương 1, 2) Thích Thanh Lương (chương 8) Thích Ngộ Trí Đức (chương 7) Thích Nữ Diệu Nga (chương 3, 4) Thích Nữ Diệu Như (chương 9) Đặng Thị Hường (giới thiệu tổng quan, chương 6, 10) Lại Viết Thắng (phụ lục) Võ Thị Thúy Vy (chương 5) MỤC LỤC Bảng viết tắt Bối cảnh quyển sách và những người đóng góp Lời giới thiệu của HT Tổng biên tập Lời nói đầu của Chủ biên bản dịch tiếng Việt GIỚI THIỆU TỔNG QUAN Giới thiệu dẫn nhập Giới thiệu về cuộc đời đức Phật lịch sử Giới thiệu về Tăng đoàn: Cộng đồng tâm linh Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Thượng tọa bộ Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Đại thừa Giới thiệu về các đoạn kinhcủa Phật giáo Kim cương thừa PHẦN I: CUỘC ĐỜI ĐỨC
20/04/2021(Xem: 18647)
Kính bạch chư Tôn Đức, Thưa chư Pháp hữu, nhân mùa Phật Đản PL 2565, Viên Giác Tùng Thư Đức Quốc có ấn hành Đặc San Văn Hóa Phật Giáo chủ đề Chuyển hóa Khổ đau để chào mừng ngày Đản Sanh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni lần thứ 2645. Đặc San năm nay (lần thứ ba) được sự góp mặt của 50 văn thi sĩ và 3 họa sĩ trong và ngoài nước. Chúng tôi kính gởi đến quý Trang Nhà để nhờ phổ biến rộng rãi đến mọi độc giả gần xa. Độc giả muốn mua sách in có thể đặt trực tiếp trên mạng toàn cầu Amazon: https://www.amazon.de/gp/product/1716272939/ref=dbs_a_def_rwt_bibl_vppi_i7 Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật Kính Mail Nhóm Chủ Biên Phù Vân - Nguyên Đạo - Nguyên Minh
19/04/2021(Xem: 11112)
Phật Điển Phổ Thông DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT Common Buddhist Text: Guidance and Insight from theBuddha. Copyright by Mahachulalongkorn-rajavidyalaya (MCU). Chủ biên bản Việt ngữ: LÊ MẠNH THÁT - TUỆ SỸ Ban biên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền Cư sỹ, Nguyễn Quốc Bình. Dịch Việt và Ấn hành với Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền của Viện Đại Học Mahachulalongkorn-rajavidyalaya (MCU), Thái-lan, 2018. Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019. Hương Tích ấn hành.
31/03/2021(Xem: 13831)
Sách này sẽ được ghi theo hình thức biên niên sử, về các sự kiện từ ngày 8/5/1963 cho tới vài ngày sau cuộc chính biến 1/11/1963, nhìn từ phía chính phủ Hoa Kỳ. Phần lược sử viết theo nhiều tài liệu, trong đó phần chính là dựa vào tài liệu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ “Foreign Relations of the United States 1961-1963”, một số tài liệu CIA lưu giữ ở Bộ Ngoại Giao, và một phần trong sách “The Pentagon Papers” của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, ấn bản Gravel Edition (Boston: Beacon Press, 1971). Vì giờ tại Việt Nam và Hoa Kỳ cách biệt nhau, cho nên đôi khi ghi ngày sai biệt nhau một ngày.
24/03/2021(Xem: 9059)
Kính Pháp Sư Hiền Đức, tôi là một tu sĩ đạo hiệu Thích Thắng Hoan có vài lời tâm niệm gởi đến Pháp Sư, một hôm tôi đến chùa Trung Hoa, tại Mỹ Quốc, tìm xin một số sách Phật đem về đọc để giải trí trong lúc tuổi già (đã 94 tuổi), hai người trong chùa mang ra cho tôi một thùng giấy cho tôi chọn lựa, họ nói đây là những sách cho không ông cứ tự nhiên, trong khi tìm kiếm, bổng nhiên tôi gặp một quyển sách nhan đề là “Phật Giáo Dữ Nhân Sanh, liền mở ra đọc tổng quát tại chỗ về mục lục và lướt qua tiểu sử của tác giả liền tò mò xin về đọc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]