Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 05: Bát Nhã Tâm Kinh Giải Nghĩa

04/10/201819:43(Xem: 3768)
Bài 05: Bát Nhã Tâm Kinh Giải Nghĩa

BÁT NHÃ

TÂM KINH

(Prajnaparamitahridaya Sutra)

Hòa Thượng Thích Duy Lực dịch Việt

GI ẢI NGH ĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

LỤC ĐỘ BA LA MẬT:

 

     Gọi là Lục Độ Vô Cực, Lục Đáo Bỉ Ngạn. Ba La Mật (s, p: pāramitā) dịch là Độ, nghĩa là đến bờ bên kia (đáo bỉ ngạn), đây là 6 pháp tu hành để thành Phật đạo của vị Bồ Tát, gồm:

 
1- BỐ THÍ BA LA MẬT (s, p: dāna-pāramitā):

     Gọi là Đàn Na Ba La Mật, Bố Thí Độ Vô Cực, Bố thí để trừ lòng tham lam ích kỷ, có 3 loại là:

- Tài Thí, bố thí về tiền tài vật chất. để trừ đói khát.

- Pháp Thí, bố thí lời dạy giáo lý để tu tập và đạt được chân lý.

- Vô Úy Thí, bố thí sự không sợ hãi, giúp cho sự an tâm. 

 

     Bố thí giúp phát triển trí tuệ bằng cách chú ý quan sát, tư duy quán chiếu để xem tâm của mình, đó là trước khi bố thí có so đi tính lại không? Khi bố thí có cầu mong đền đáp không? Và sau khi bố thí có hối hận không? Nếu thực hành đúng đắn bố thí vô tướng vô ngã thì đó là tự tạo cho mình nhân lành. Vì thế bố thí vừa độ cho người mà vừa độ cho mình và nó có công năng đưa mình và người từ mê lầm đến giác ngộ.

 

     Bố thí vô tướng: Là bố thí với tâm trong sạch, không vì danh lợi, với tâm từ bi quảng đại, bình đẳng không phân biệt v.v… Đối với người tu, phải quán sát tất cả chúng sinh và mình cùng đồng một bản thể mới không còn thấy ta bố thí và người được thọ thí. Bố thí không chấp ta (ngã) người (nhân), không còn thấy mình cho và kẻ nhận, mới thật sự là bố thí rộng lớn, dù sự bố thí rất nhỏ cũng vẫn được gọi là bố thí rộng lớn “Ba La Mật”.

 

    Chữ “Ba La Mật” ở đây có nghĩa là rốt ráo, bố thí đến cùng tận, vô cùng rộng lớn; không dính mắc nơi tướng, nên được gọi là bố thí Ba La Mật, mới thực sự là bố thí cao cả trong sạch, sẽ đưa người bố thí được phúc báo vô lậu thanh tịnh.

 

2- TRÌ GIỚI BA LA MẬT (s: śīla-pāramitā, p: sīla-pāramitā):

     Gọi là Giới Ba La Mật, Giới Độ Vô Cực; giữ gìn giới luật đã lãnh thọ, để trừ ô nhiễm, có thể đối trị ác nghiệp, khiến cho thân an, tâm thanh tịnh. 

 

     Trì giới để ngăn chận và xả bỏ những hành vi bất thiện từ Thân Khẩu Ý, không nên trì giới chấp tướng vì nó chỉ có hình thức b ngoài, còn bên trong đầy ô nhiễm. Như trì giới vì háo thắng để được người khen ngợi; hoặc với sự tự cao tự đại là cho mình hơn người và khinh dễ người phạm giới. 

 

     Trì giới không chấp tướng là theo đúng các điều Phật dạy mà thi hành, không vì danh hay bị ép, không vì nể vì ganh đua mà trì giới. Trong khi giữ giới không hề nghĩ mình giỏi hơn người, mà chỉ nghĩ trì giới là bổn phận của mình không thực hành không được; trì giới với tâm như thế mới đúng là trì giới rộng lớn (Ba La Mật).

 

     Giữ Giới được đầy đủ sẽ khiến thân an tâm thanh tịnh, đây là nền móng để giúp người tu đạt đến chỗ giải thoát; vì nếu không có giới thì sẽ không vào định được vì thân tâm không an tịnh, do đó trí tuệ không phát sinh để có ththấy biết thật tướng của vạn pháp


3- NHẪN NHỤC BA LA MẬT (s: kṣānti-pāramitā, p: khantī-pāramitā):

     Gọi là Nhẫn Ba La Mật, Nhẫn Nhục Độ Vô Cực, nghĩa là nhẫn nại, chịu đựng các sự bức hại để đối trị sân hận, nóng nảy, giúp cho tâm an định không xao động

 

     Không nên nhẫn nhục vì danh lợi, có người khen, sợ uy quyền, hoặc vì chưa đúng lúc, chưa có đủ đều kiện trả thù, hoặc vì coi rẻ khinh bỉ đối thủ v.v… Đó là nhẫn nhục chấp tướng, chưa phải là nhẫn nhục thực sự, vì còn do dục vọng tham, sân, si, mạn, thúc đẩy chi phối. Mà chỉ nhẫn nhục vô tướng, người nhẫn nhục luôn luôn tự hỏi: “Ta có làm điều gì sai quấy không? Nếu có, ta bị sỉ nhục là phải, ta không nên tức giận mà phải cám ơn; hoặc nếu ta không làm điều gì sai quấy, sau này sẽ được chứng minh, vì vàng bao giờ cũng là vàng. Hoặc ta không làm điều gì quấy, những sự sỉ nhục ấy chẳng dính liú gì tới ta, nên ta không cần khổ tâm suy nghĩ đến”.

 

    Người tu hành muốn hành hạnh nhẫn nhục kiên cố (Ba La Mật), phải quán chúng sinh và mình cùng đồng một bản thể mới không thấy ta bị nhục và người làm nhục mình. Thí dụ như tay phải làm việc cầm con dao hay cái búa, cắt đồ vật hay đóng đinh, rủi cắt hay đập phải ngón của bàn tay trái làm chảy máu hay sưng lên đau đớn. Bị thương tổn như thế, nhưng tay trái tự nhận tay phải cùng với mình (tay trái) đồng một thân thể, nên tay trái không thấy tay phải làm nhục làm hại mình; nhẫn nhục như thế mới là nhẫn nhục rốt ráo Ba La Mật. 

 

4- TINH TẤN BA LA MẬT (s: vīrya-pāramitā, p: virya-pāramitā): Cũng gọi là Tấn Ba La Mật, Tinh Tấn Độ Vô Cực, nỗ lực tinh tấn tiến lên, không thối chí; giúp đối trị sự lười biếng, sinh trưởng các pháp lành. 

 

     Tinh tấn học hỏi giáo lý đầy đủ chu đáo, chúng ta phải áp dụng thực hành tức là tu; nếu đã hiểu biết giáo lý mà không chịu thực hành, người đó như con mọt sách, như người có một bồ chữ cất ở trong kho, chẳng ích gì.

 

     Khi có mặt người khác tỏ ra cần mẫn chăm chỉ, siêng năng hăng hái để được khen ngợi, có người vì sợ chê bai quở mắng mà tinh tấn, nhưng khi không có người kiểm soát, lại lười biếng. Có người tinh tấn vì háo thắng, muốn hơn người vượt người, tự cao tự đại “ta hơn người”; với dụng tâm vì danh lợi, vì sợ vì hơn như thế đều là tinh tấn chấp tướng. Mà nên Tinh tấn vô tướng do lòng mình tự cảm thấy cần phải tinh tấn, không tinh tấn không được, dù một mình hay có người khác cũng vẫn tinh tấn; không thoái chí ngưng nghỉ giữa chừng, chỉ một lòng một dạ tinh tấn tiến tới đích.

 

Tinh tấn như thế nào?

   Đức Phật dạy người tu phải khéo biết tùy thời tùy lúc tư duy về  tướng Chỉ, tướng Quán, tướng Xả. Nếu chỉ một bề tư duy về tướng Chỉ, tâm kia dễ đi đến hôn trầm hạ liệt. Nếu chỉ một bề tư duy về tướng Quán, tâm kia dễ đi đến loạn động. Nếu chỉ tư duy về tướng Xả, tâm kia dễ đi đến không được chính định, không sạch hết hữu lậu ô nhiễm của các thói quen. Do đó phải biết tùy thời mà thay đổi tinh tấn để làm sao tâm được chính định, sạch hết các lậu hoặc tham sân tà kiến.

 

     Trước khi nhập Niết Bàn, Đức Phật đã tha thiết dặn bảo: “Các ông hãy tinh tấn lên để giải thoát”. Đó là lời tâm huyết cuối cùng của Ngài vậy.

 

5- THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT (s: dhyāna-pāramitā, p: jhāna-pāramitā):

     Gọi là Thiền Ba La Mật, Thiền Na Ba La Mật, Thiền Độ Vô Cực; tu tập Thiền định có thể đối trị sự loạn tâm, giúp cho tâm được an định. 

 

Thiền định là gì?

Thiền phiên âm theo tiếng Phạn là thiền na, là tư duy, suy nghiệm, suy cứu đối tượng của tâm thức; cũng là tĩnh lự, dùng tâm vắng lặng để thẩm sát sự việc.

Định theo tiếng Phạn là tam muội, chuyên nhất, tâm ý không tán loạn; nhờ định mà hành giả đạt tới trạng thái sâu lắng của tâm thức trong việc chú ý đến tâm hoặc vật, khả năng đạt định là một trong những điều kiện tiên quyết của tu tập thiền.

   Thiền định gồm có Chỉ và Quán:

1- Chỉ (Xa ma tha): Còn gọi là Thiền vắng lặng, là ngồi tĩnh lặng cho hết tư tưởng vọng niệm nổi lên để được thanh tịnh, tức là dứt niệm quên trần để tâm vắng lặng.

2- Quán (Tỳ bà xá na): Còn gọi là Thiền Minh Sát, là ngồi tập trung tư tưởng vào một đối tượng, đề mục nào đó, không cho tán loạn vọng tưởng, cho tâm được thanh tịnh để quán sát suy nghiệm chân lý.

 

Mục đích của thiền định:

     Thiền định là phương pháp làm các làn sóng tư tưởng khuấy động chấm dứt, thì sẽ nhận ra rằng mặt trăng chân lý lúc nào cũng chiếu sáng. Giây phút nhận ra điều nầy là kiến tính, là giác ngộ, có nghĩa là hiểu rõ được bản thể của tự tánh. Người quyết tâm tu thiền sẽ dẫn tới đồng nhất bản thể chân tâm với vũ trụ, sự chứng ngộ chân lý sẽ còn mãi với vị ấy và từ đó vị ấy có thể sống một cách tự tại trong cái tâm trạng đầy phúc lạc.

 

6. TRÍ HUỆ BA LA MẬT (s: prajñā-pāramitā, p: paññā-pāramitā):

     Gọi là Tuệ Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật, Minh Độ Vô Cực, là hiểu rõ sự lý cùng tột, là Bát nhã, là trực nhận tánh không, là giác ngộ, là “Trí biết tục đế, Huệ thông chân đế”. Có thể nói Trí là thể tính sáng suốt trong sạch, Huệ là cái sáng chiếu soi, nên Trí Huệ rộng lớn (Ba La Mật) không thể nhầm lẫn, để trừ si mê. Trí huệ là sự hiểu biết siêu việt cùng tột, là điều kiện tối hậu để thấu triệt chân lý, là giải thoát.

 

     Tu bậc Bồ Tát còn phải phá chấp thật Trí Huệ và chấp thật Chứng đắc, bằng cách tu quán thấy Trí Huệ là giả, ảo huyển, không thật, nên chẳng khác Không, là Không; quán phá chấp thật Chứng đắc, vì Chứng đắc chỉ là giả, ảo huyển, không thật, nên Chứng đắc chẳng khác Không, Chứng đắc là Không. Khi quán chiếu đến nhu nhuyễn, thì thấy phá hết sạch chấp thật Trí Huệ và tất cả đều không chỗ đắc thì tâm được không động, tâm không động là tâm thanh tịnh, tâm được thanh tịnh thì cái Dụng của Bát Nhã tự hiển lộ theo kết qủa tu hành của mình mà có thể thành Bồ-tát từ Viễn Hành (bậc 8) trở lên.

 

5. BẬC PHẬT:

 

     Muốn thành Phật phải y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, hành giả phải tu tất cả từ phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, (xin coi lại các phần tu thực hành ở trên), cho đến phá chấp thật luôn Cứu cánh Niết Bàn tức là phá chấp Tri Kiến Phật là thật.

 

     Nghĩa là tu quán thấy Niết Bàn là giả. ảo huyển, không thật, nên Niết Bàn chẳng khác Không, Niết Bàn là Không. Khi quán chiếu đến nhu nhuyễn thì thấy phá hết sạch chấp thật Niết Bàn, thì tâm được không động, tâm không động là tâm thanh tịnh, tâm được thanh tịnh thì cái Dụng của Bát Nhã tự hiển lộ cùng khắp, Dụng của Bát Nhã hiện ra thì đạt đến bờ bên kia, được đạo qủa Bồ Đề thành Phật".

 

     Tất cả đều nhờ Bát-nhã, như thế Bát nhã Tâm Kinh bao gồm hết thảy Phật Pháp, tùy người hành trì được nhiều hay ít mà được đạo qủa tương ưng.

 

PHỤ CHÚ THỰC HÀNH QUÁN CHIẾU

BÁT NHÃ TÂM KINH

HẾT

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]