- Bài 01: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 02: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 03: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 04: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 05: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 06: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 07: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 08: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 09: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 10: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 11: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 12: (Quyển Trung) Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 13: Kinh Địa Tạng giải Nghĩa
- Bài 14: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 15: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 16: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 17: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 18: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 19: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 20: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 21: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 22: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 23: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 24: (Quyển Hạ) Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 25: Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 26. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 27. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 28. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 29. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 30. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Bài 31. Kinh Địa Tạng giải nghĩa
- Kinh Địa Tạng (PDF trọn quyển)
KINH
ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN
Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh
GIẢI NGHĨA
(Tiếp theo)
Toàn Không
PHẨM THỨ BẢY:
LỢI ÍCH CẢ KẺ CÒN NGƯỜI MẤT
1) KHUYÊN TU THÁNH ĐẠO
- Lúc đó Ngài Bồ Tát Địa-Tạng bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Con xem xét chúng sanh trong cõi Diêm Phù sanh tâm động niệm không chi là chẳng phải tội.
Nếu gặp những việc về pháp sự lợi lành phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu. Còn hoặc khi gặp duyên sự bạo ác chẳng lành lại lần lần thêm lớn: Những hạng người trên đó như kẻ mang đá nặng đi trong bùn lầy càng nặng thêm lần, càng khốn đốn thêm lần, chân đạp lún lút sâu.
Những người đó hoặc gặp hàng thiện tri thức đội giùm đá bớt cho, hoặc là đội giùm hết cả, vì hàng thiện tri thức đó có sức rất khỏe mạnh lại dìu đỡ người ấy khuyên gắng làm cho người ấy mạnh chân lên.
Nếu khi ra khỏi bùn lầy đến chỗ đất bằng phẳng rồi, thời cần phải xét nghĩ đến con đường hiểm xấu ấy, đừng có đi vào đó nữa.
Bạch đức Thế-Tôn! Những chúng sanh quen theo thói ác, bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng.
Đến khi những chúng sanh quen theo thói chẳng lành ấy sắp sửa mạng chung, thời cha mẹ cùng thân quyến vì người đó mà tu tạo phước lành để giúp tiền đồ cho người đó.
Hoặc treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc Tôn Kinh, hoặc cúng dường tượng Phật cùng hình tượng của các vị Thánh, cho đến niệm danh hiệu của Phật và Bồ Tát cùng Bích Chi Phật, làm cho một danh một hiệu thấu vào lỗ tai của người sắp mạng chung, hoặc là nơi bản thức nghe biết.
Cứ theo nghiệp ác của người đó đã gây tạo, suy tính đến quả báo, thời đáng lẽ người đó phải bị đọa vào ác đạo, song nhờ thân quyến vì người đó mà tu nhân duyên Thánh-đạo, cho nên các điều tội ác của người đó thảy đều tiêu sạch.
Như sau khi người đó đã chết, lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thời có thể làm cho người chết đó khỏi hẳn chốn ác đạo, được sanh lên cõi trời hoặc sanh trong loài người hưởng lấy nhiều sự rất vui sướng, mà kẻ thân quyến hiện tại đó cũng được vô lượng điều lợi ích.
Vì lẽ trên đó nên nay con đối trước đức Phật Thế-Tôn cùng với hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng, người với phi nhân v.v... mà có lời khuyên bảo những chúng sanh trong cõi Diêm-Phù-Đề, ngày lâm chung kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ Quỉ, Thần, cầu cúng ma quái.
Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi.
Giả sử người chết đó hoặc là đời trước hay đời hiện tại vừa rồi, đã chứng đặng phần Thánh quả sẽ sanh vào cõi Trời, cõi người, nhưng bị vì lúc lâm chung hàng thân thuộc gây tạo những nghiệp nhơn không lành, cũng làm cho người chết đó mắc lấy ương lụy phải đối biện, chậm sanh vào chốn lành. Huống gì là người kia chết, lúc sanh tiền chưa từng làm được chút phước lành, đều theo ác nghiệp của họ đã gây tạo mà tự phải bị sa đọa vào ác đạo.
Hàng thân thuộc nỡ nào lại làm cho tội nghiệp của người ấy nặng thêm!
Cũng ví như, có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, đồ vật của người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm.
Bạch đức Thế-Tôn! Con xem xét những chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề, ở nơi trong giáo pháp của Phật, nếu có thể làm việc phước lành cho đến chừng bằng sợi lông, giọt nước, bằng một hột cát, một mảy bụi nhỏ, thời tất cả chúng sanh đó đều tự mình được lợi ích cả.
GIẢI NGHĨA
Đoạn thứ nhất này,đại ý Bồ Tát Địa Tạng thưa với Phật về tâm của chúng sinh tại thế giới này phần nhiều là không tốt, người có tâm lành ban đầu thì sau dần dần bỏ mất, người có tâm ác nhỏ sau dần dần tâm ác tăng lên nhiều vô kể, nên Ngài nói: “Những hạng người trên đó như kẻ mang đá nặng đi trong bùn lầy càng nặng thêm lần, càng khốn đốn thêm lần, chân đạp lún lút sâu”. Có khi những người này gặp được các vị Thiện tri thức chỉ bảo con đường ngay lành thì được cứu khỏi, đó là ý nghĩa của câu Bồ Tát Địa Tạng nói: “Những người đó hoặc gặp hàng thiện tri thức đội giùm đá bớt cho, hoặc là đội giùm hết cả, vì hàng thiện tri thức đó có sức rất khỏe mạnh lại dìu đỡ người ấy khuyên gắng làm cho người ấy mạnh chân lên”. Ngài khuyên rằng: “Nếu khi ra khỏi bùn lầy đến chỗ đất bằng phẳng rồi, thời cần phải xét nghĩ đến con đường hiểm xấu ấy, đừng có đi vào đó nữa”, nghĩa là khi được Thiện tri thức chỉ bảo để qua được sự nguy khốn tai nạn rồi thì nên nhớ đừng bao giờ tái phạm làm ác để khỏi qủa báo khổ nữa.
Bạch đức Thế-Tôn! “Những chúng sanh quen theo thói ác, bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng”, nghĩa làvì thế khi các chúng sinh có tâm ác từ nhỏ rồi dần dần có tâm ác lớn này khi chết chắc chắn phải chịu qủa báo khổ. Nhưng “Đến khi những chúng sanh quen theo thói chẳng lành ấy sắp sửa mạng chung, thời cha mẹ cùng thân quyến vì người đó mà tu tạo phước lành để giúp tiền đồ cho người đó”. Nghĩa lànếu thân nhân vì người này lúc sắp sửa qua đời mà lập lễ nghi tụng Kinh đúng cách, niệm một vị Phật để người bệnh nghe nhớ, tạo phước như bố thí cúng dàng, sám hối, bỏ tâm ác, phát khởi tâm thiện, tu hành thiền định,thì người này sẽ được nhiều lợi ích. Đó là ý nghĩa của câu: “Hoặc treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc Tôn Kinh, hoặc cúng dường tượng Phật cùng hình tượng của các vị Thánh, cho đến niệm danh hiệu của Phật và Bồ Tát cùng Bích Chi Phật, làm cho một danh một hiệu thấu vào lỗ tai của người sắp mạng chung, hoặc là nơi bản thức nghe biết”.
“Cứ theo nghiệp ác của người đó đã gây tạo, suy tính đến quả báo, thời đáng lẽ người đó phải bị đọa vào ác đạo, song nhờ thân quyến vì người đó mà tu nhân duyên Thánh-đạo, cho nên các điều tội ác của người đó thảy đều tiêu sạch”. Nghĩa là đáng lẽ người gây nghiệp ác phải đọa vào nơi dữ hoặc Súc sinh, hoặc Ngạ qủy hoặc Địa ngục, nhưng nhờ thân quyến có nhiều công đức hoặc tu hành chân chính, nên tội ác của người ấy được nhẹ đi, tại sao? Vì người có nhiều công đức hoặc người tu chân chính có nhiều công đức, nên khi thân quyến có nhiều công đức mà hồi hướng cho người ác thì người này được hưởng một phần công đức ấy; như thế thì nghiệp lực ác sẽ nhẹ đi và người ấy không còn bị đọa vào ác đạo, mà được sinh vào cõi lành Trời hoặc Người. Như trường hợp mà chúng ta đã đọc qua ở Phẩm 1, đoạn 5: Ba La Môn cứu mẹ, và Phẩm 4, đoạn 4: Quang Phục cứu mẹ, ở trên.
Các việc làm vừa nói ở trên còn có thể kéo dài trong 49 ngày sau khi người ấy chết, thì có thể làm cho người chết đó khỏi đọa nơi ác đạo, được sinh lên cõi trời hoặc sinh trong loài người hưởng nhiều sự vui, mà thân quyến hiện tại làm những việc này được nhiều điều lợi ích.
Ngài Bồ Tát Địa Tạng lưu ý chúng sanh trong toàn thế giới rằng, ngày qua đời của một người, những thân thuộc của người ấy không nên giết hại sinh vật và không nên cúng lễ Quỉ Thần, không cầu cúng Ma Quái; tại sao thế? Do việc giết sinh vật để cúng lễ đó không có lợi ích cho người chết, mà chỉ kết thêm tội duyên xấu do sát sanh, làm cho người đáng lẽ sinh vào chỗ tốt phải bị sinh vào chỗ xấu, người đáng lễ phải sinh vào chỗ xấu phải bị tội càng thêm sâu nặng hơn. Do đó Kinh nói: “Cũng ví như, có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, đồ vật của người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm” là vậy.
Ngài Bồ Tát Địa Tạng thưa Đức Thế-Tôn: “Con xem xét những chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề, ở nơi trong giáo pháp của Phật, nếu có thể làm việc phước lành cho đến chừng bằng sợi lông, giọt nước, bằng một hột cát, một mảy bụi nhỏ, thời tất cả chúng sanh đó đều tự mình được lợi ích cả”. Xem như vậy, chúng ta thấy người làm việc thiện dù nhỏ nhặt cũng mang lại lợi ích to lớn, tại sao? Ví như người cho vay tiền, tuy tiền cho vay ít và tiền lãi nhẹ, nhưng trải qua thời gian lâu dài thì tiền thâu cũng được nhiều; cũng vậy, người làm công đức dù ít, nhưng với thời gian dài từ kiếp này qua kiếp khác, công đức ấy trở nên lớn là điều dễ hiểu vậy.
(Còn tiếp)