- Chương một: Tôn Giáo của Chúng Ta Tào Động Tông
- Chương hai: Tự Viện, Tăng Lữ, Nghi Lễ
- Chương ba: Tông Chỉ, Giáo Nghĩa và Thánh Điển
- Chương bốn: Sinh Hoạt Tín Ngưỡng Của Đàn Tín Đồ
- Chương năm: Di Tích Của Lưỡng Tổ Đại Sư
- Chương sáu: Tư Liệu Tham Khảo
- Chương bảy: Tiểu Sử Tác Giả Đông Long Chơn
- Chương cuối: Lời Cuối Sách
Nguyên tác: Azuma Ryushin (Đông Long Chơn) - Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc và quý Phật Tử tại Mỹ Châu – Úc Châu ấn tống 2008
Tự Viện, Tăng Lữ, Nghi Lễ
III. Tự Viện, Tăng Lữ, Nghi Lễ
III.5 Nghi Lễ Của Tào Động Tông
III.5.1 Nghi Lễ Nghĩa Là Gì?
Nghi lễ của Tông Tào Động có nhiều loại, bởi vì quan niệm của Tông Tào Động cần phải tùy duyên hòa nhập vào sinh hoạt rộng lớn của cuộc sống người dân, miễn là không đánh mất tính chất thuần túy, hòa hợp và hổ tương để thành tựu con đường giáo hóa hoằng Pháp. Song tựu trung có hai loại nghi lễ đó là loại lâu dài và loại ngắn hạn. Có những nghi lễ cử hành tại chùa chỉ có Tăng sĩ tham dự, cũng có những nghi lễ có tín đồ tham gia nữa. Đặc biệt, có những nghi lễ chỉ có Tăng Sĩ chuyên môn, còn những Tăng Sĩ bình thường không làm được.
Nghi lễ Đàn Tín Đồ đã giải thích ở chương 4. Ở đây chỉ trình bày và giới thiệu những nghi lễ tại chùa viện có tính cách căn bản thường ngày theo “Tào Động Tông Tông Chế” và tham khảo thêm ở phần “Tào Động Tông Nghi Lễ Quy Trình”.
III.5.2 Kinh Được Tụng Và Những Hoạt Động Căn Bản
“Bổn Tôn Thượng Cúng” được cử hành tại Chánh Điện và Phật Điện vào ngày mồng một và rằm mỗi tháng là hình thức Nghi lễ căn bản của Tông Tào Động tuần tự như sau:
• Thỉnh chuông, tất cả chư Tăng và tín đồ lần lượt vân tập vào Chánh Điện, đứng hai bên trái phải của Tôn Tượng Phật Bổn Tôn. Sau đó toàn thể đại chúng nghinh đón vị Đạo Sư từ từ quang lâm thật uy nghi và trang nghiêm vào giữa Chánh Điện. Thị Giả dâng hương cho Đạo Sư niêm hương.
• Dâng Hương, Đạo Sư lạy một lạy quỳ xuống nệm bố, nhận hương từ Thị Giả, niệm hương bạch Phật, sau đó đưa hương lại cho Thị Giả rồi lạy một lạy. Sau đó tiến thêm lên phía trước bàn Phật, không cần chấp tay. Thị Giả mang hương cắm lên lư hương, lạy một lạy rồi đứng bên phải.
• Cùng lạy Tam Bái, Đạo Sư chấp tay lùi trở lại trước chỗ có nệm ngồi, thỉnh phèng la trong Chánh Điện. Tất cả đại chúng và Đại Sư cùng nhau thao tác thật nhịp nhàng và đều đặn: mở tọa cụ ra, cùng lạy năm vóc sát đất 3 lạy. Lạy xong, đại Chúng xếp tọa cụ để lên chiếu bên tay trái, đứng thẳng nghiêm trang. Đạo Sư một lần nữa tiến về chỗ ghế ngồi.
• Hiến dâng quả trà, Đạo Sư từ từ đốt hương, cúng trà, dâng bánh, dâng nước đường (mật) và cúi đầu dâng lên Bổn Tôn. Dâng xong, trở lại vị trí cũ và lạy 3 lạy.
• Đọc Kinh, Trong nội Đường, thanh la trổi lên 3 hồi, thời kinh bắt đầu bằng Duy Na xướng đề Kinh, đại chúng cùng tụng theo nhịp mõ một biến bài kinh Bát Nhã Tâm Kinh. Trong lúc tụng Kinh Đạo Sư tiếp tục thêm nhang bột vào lò, mỗi lần thêm vào xá 3 xá.
• Hồi hướng, Đọc Kinh xong, Duy Na xướng văn kệ hồi hướng, đại loại là đọc kinh xong phải hồi hướng. Đạo Sư bái 3 bái.
• Cùng lạy Tam Bái, Sau khi hồi hướng, tất cả cùng chắp tay và xướng lên như sau:
“Thập Phương Tam Thế Nhứt Thiết Phật,
Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát,
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật”.
Đạo Sư đến trước bỏ thêm bột hương vào lò rồi trở lại chỗ ngồi. Phèng la gióng lên, tất cả cùng lễ 3 lễ.
• Lui ra, Đạo Sư cùng với mọi người xá một xá. Đại chúng chắp tay tiễn Đạo Sư, Thị Giả và Thị Hương ra khỏi Chánh Điện, sau đó Đại Chúng lần lượt rời khỏi Chánh Điện.
Đạo Sư mặc áo tràng đắp y theo màu sắc phẩm vị của mình, mang tọa cụ, bí tất, khăn tay, cầm như ý, thủ xích trên tay. Đại chúng mặc áo tràng, đắp y. Khi tụng Kinh, tay bắt chéo để trước ngực, để tay trái lên tay phải, trông rất thiêng liêng huyền bí. Ngồi tụng Kinh, phải bắt “Pháp Giới Định Ấn”, giống như lúc ngồi thiền. Tụng Kinh tiếng không cao quá, không thấp quá, phải hợp với mọi người.
III.5.3 Tụng Kinh Hằng Ngày
Tụng Kinh hằng ngày là pháp môn tu căn bản của Tăng Sĩ thuộc Tông Tào Động. Mỗi ngày khóa lễ thường cử hành tại Pháp Đường và Bổn Đường ba buổi: sáng tụng thời khóa sáng; trưa tụng thời khóa trưa và tối tụng khóa lễ tối.
Sinh hoạt trong Tăng Đường khởi đầu từ 3 giờ sáng đại chúng đã thức giấc cho đến 9 giờ tối mới đi ngủ. Ngoài 3 thời khóa tụng Kinh, còn có 4 lượt ngồi thiền: 4 giờ sáng, 10 giờ sáng, 4 giờ chiều và 8 giờ tối và những giờ học Phật Pháp, Kinh Điển, Giáo Huấn của Tổ, tham gia những buổi giảng, hội họp, làm việc, đi khất thực, hồi hướng đến Tín Đồ nữa, mà thời khóa biểu nầy gần như không thay đổi được thực hiện trong tất cả mọi tự viện.
• Khóa Tụng Kinh Sáng: Sau buổi tọa Thiền sớm mai, gọi là Hiểu Thiên Tọa, đến 5 giờ sáng, toàn thể đại chúng vân tập lên Pháp Đường hay Bổn Đường.
• Tụng Kinh nơi Phật Điện: Thượng cúng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cúng dường Lưỡng Tổ Đại Sư, đảnh lễ cảm niệm công đức những vị Thần hộ trì Phật Pháp, tụng Kinh cầu an, nguyện cầu mọi nguời đều được an lạc trên hành tinh nầy. Thông thường tụng bài kệ của Phẩm Phổ Môn, Quan Thế Âm, Chú Đại Bi, ba lần Chú Tiêu Tai và Hồi Hướng.
• Tụng Kinh Cúng Dường Khắp: Thượng cúng Tam Bảo Phật, Pháp Tăng và 16 vị A La Hán. Hồi hướng công đức tụng Kinh đến quả vị giải thoát giác ngộ. Cầu bổn tự bình an, thế giới hòa bình, chư tai tiêu diệt. Thông thường tụng Bát Nhã Tâm Kinh và Hồi Hướng.
• Tụng Kinh tại Tổ Đường: Niệm ân đức của chư Phật, chư Tổ. Phát nguyện tụng Kinh để báo đáp ân nầy. Thông thường tụng Tham Đồng Khiết hoặc Bảo Cảnh Tam Muội và hồi hướng.
• Cúng Khai Sơn Lịch Đại Tổ Sư: Cảm niệm ân đức vị khai sơn bổn tự và chư liệt vị Trụ Trì đã viên tịch đã tạo bao nhiêu công đức cho bổn tự. Phát nguyện tụng kinh hồi hướng công đức, cầu nguyện tu hành thành tựu. Thông thường tụng Chú Đại Bi và Hồi Hướng.
• Tụng Kinh ở Từ Đường: Hồi hướng công đức đến chư Tăng Sĩ ở chùa viên tịch, những vị tiên hiền sáng lập chùa, những người có công với đất nước, những anh linh đã hy sinh vì tổ quốc, những bổn đạo tu hành tinh tấn. Phát nguyện tụng Kinh cầu nguyện cho họ được siêu thoát. Thông thường tụng bài Kệ trong phẩm Vô Lượng Thọ và Hồi Hướng.
• Kinh Cúng Táo Công: Sau thời khóa tụng kinh buổi sáng, đại chúng xuống Tự Đường hoặc Khố Đường hoặc Khố Viện thắp hương, đứng trước tượng Táo Công, tụng chú Đại Bi và tán dương công đức nguyện hộ trì Phật Pháp cầu nguyện cho Chư Tăng được bình an và tinh tấn.
• Cúng Vi Đà Thiên: Sau thời khóa tụng Kinh buổi sáng, đại chúng xuống Khố Lý, đứng trước tượng Vi Đà Thiên, hoặc Giám Trai Sứ Giả tụng Kinh cũng hồi hướng đến Vi Đà Thiên, Giám Trai Sứ Giả và hồi hướng đến các vị Thần lửa, nước. Tụng Kinh hồi hướng công đức nầy cầu nguyện cho trong, ngoài chùa được an ổn, không bị lửa cháy, không bị trộm cướp và cầu nguyện cho Đàn Tín Đồ luôn luôn có niềm tin nơi Phật Đạo. Thông thường tụng Bát Nhã Tâm Kinh, Chú Tiêu Tai (hoặc tụng Chú Tiêu Tai hoặc tụng 3 biến Vi Đà Thiên Căn Bản Đà La Ni) và hồi hướng.
(Bữa điểm tâm bắt buộc phải có dưa cải muối, nêm muối vừa, để dùng với cháo, tuyệt đối không dùng thịt cá. Tất cả dùng trong yên lặng tại Tăng Đường).
Thời kinh trưa thường cử hành lúc 11 giờ sáng tại Pháp Đường hay Bổn Đường, trước tôn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Lưỡng Tổ Đại Sư, Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo, cầu nguyện cho chúng sanh an lạc, Thiền Môn yên tịnh, Tăng chúng an hòa, tu hành tinh tấn, viễn ly tai nạn, sở nguyện thành tựu. Thông thường tụng Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni và Hồi Hướng.
(Buổi cơm trưa thường dùng canh tương (Misosuru), dưa cải muối; những đồ được nấu, rau cải, cơm v.v...).
Thời kinh chiều sau 4 giờ chiều tại Pháp Đường hay Bổn Đường hồi hướng cầu nguyện cho tất cả chúng sanh sớm thành Phật đạo. Thông thường tụng Chú Đại Bi, Cam Lồ Môn và Hồi Hướng.
(Buổi tối chỉ dùng nhẹ, bình thường không dùng tối, gọi là dược thực).
III.5.4 Những Nghi Lễ Thông Thường Của Mỗi Tháng
Những nghi lễ thông thường trong tháng như sau:
III.5.4.1 Vào ngày Mồng Một và Rằm
• Tụng Kinh Chúc Nguyện: Nghi thức nầy cử hành trước buổi tụng Kinh sáng tại Phật Điện, Pháp Đường v.v... Cúng dường Tôn Tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Lưỡng Tổ Đại Sư cầu quốc thái dân an, thọ mệnh Thiên Hoàng trường cữu, sở nguyện thành tựu, sở cầu như ý. Khóa lễ buổi sáng được giảm bớt chỉ còn tụng Kinh Bát Nhã và Hồi Hướng.
• Trấn Thủ Già Lam: Tụng tại nhà Từ Đường sau khóa tụng Kinh sáng. Nếu chùa không có Pháp Đường, tụng tại Bổn Đường gồm Đại Bi Chú và Hồi Hướng, cầu nguyện cho những vị Thần linh bảo hộ chùa, những vị thần hộ trì Phật pháp và hồi hướng những vị Thần làm tỏa rạng uy đức trấn thủ chùa nầy để cho việc tu hành của Tăng chúng luôn luôn thăng tiến không bị thối lui, cầu nguyện cho quốc thái dân an, thanh bình thạnh trị.
• Tiểu Tham: Sau thời tụng Kinh sáng, nghi thức Tiểu Tham cử hành tại Pháp Đường để giải đáp những vấn đề nghi vấn giữa vị Trụ Trì hay Sư Gia với cá nhân chư Tăng.
• Tuần Đường Hành Trì: Tiểu Tham xong, tất cả chư Tăng từ Trụ Trì trở xuống vân tập tại Tăng Đường để cử hành nghi thức ăn bánh, uống trà.
• Thượng Cúng Ngọ: Nghi thức nầy đứng cúng tại Bổn Đường hay Pháp Đường vào buổi trưa còn gọi là Cúng Ngọ, chỉ tụng Bát Nhã Tâm Kinh và Hồi Hướng với mục đích cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Lưỡng Tổ Đại Sư, tán dương công đức giác ngộ của Đức Phật, phát nguyện báo ân phụ mẫu, chúng sanh, Tam Bảo, mong giải hết tất cả những khổ não của chúng sanh, cầu nguyện Phật sự thành tựu.
III.5.4.2 Vào ngày mồng 8, 13, 18, 23 và 28
• Niệm Tụng ở Tăng Đường: Những ngày có số 3 và ngày có số 8 được gọi là tụng 3 và 8. Khoảng 4 giờ chiều, tất cả chư Tăng từ Trụ Trì trở xuống cử hành nghi thức tại Tăng Đường, niệm danh hiệu 10 vị Phật cầu cho ánh sáng trí tuệ của Phật chiếu soi gia bị mọi người bình an để tu học, hộ trì Già Lam an tịnh, đại chúng an hòa tất cả Đàn Gia Tín Đồ cát tường như ý. Những hôm đó khóa tụng Kinh buổi tối giản lược bớt, chỉ niệm danh hiệu 10 vị Phật; cầu Phật phóng quang soi sáng cho mọi người được sống an lạc để tu học, hộ trì Già Lam an tịnh, mọi người được yên ổn và tất cả Đàn Gia Tín Đồ được như ý.
III.5.4.3 Vào ngày 9, 14, 19, 24 và 29
• Tịnh Phát: Sau khi dùng cháo xong, quét dọn trong ngoài sạch sẽ, rồi cạo đầu nơi chúng liêu. Đây không gọi là thế phát. Chữ thế phát có nghĩa là lúc xuất gia cạo đầu lần đầu tiên.
• Khai dục: Sau khi dùng trai xong, tắm cho thân tâm được sạch sẽ.
III.5.4.4 Vào ngày Mồng 5
• Tháng giỗ Đạt Ma Đại Sư: Tại Thiền Môn Trung Hoa, vào ngày mồng 5 mỗi tháng đều cử hành nghi thức tưởng niệm ngày viên tịch của Sơ Tổ Đạt Ma Đại Sư. Khoảng 4 giờ chiều tại Phật Điện hay Pháp Đường, Bổn Đường cử hành nghi thức nầy sau thời khóa tụng kinh buổi tối, tụng Chú Đại Bi, niệm Kinh Báo Ân và hồi hướng để tưởng niệm ân đức Tổ Sư Đạt Ma .
• Cúng Vi Đà Thiên: phía trước đã giải thích trong thời khóa tụng buổi sáng, xin lược bớt.
III.5.4.5 Vào ngày 14, 30 hoặc 31
• Đêm Tham Vấn Uống Trà: Khi hoàng hôn buông xuống, chuông chiều gióng lên tất cả đại chúng từ Trụ Trì trở xuống vân tập tại một phòng rộng, cử hành nghi thức uống trà và ăn bánh. Lúc đó, vị Trụ Trì nhắc nhở chư Tăng mọi việc liên hệ đến ngủ nghỉ v.v...
• Bố Tát đơn giản: Mỗi nữa tháng vào ngày bố tát, khoảng sau 4 giờ chiều đại chúng vân tập lên Pháp Đường hoặc Bổn Đường cử hành nghi thức bố tát trước vị Giới Sư (có thể là vị Trụ Trì), phát lồ những sự sai lỗi trong sinh hoạt hằng ngày để sám hối, tỉnh thức và lễ bái. Nếu sai trái, phải lãnh nhận sự xử phân. Có nghi thức do Sư Gia chỉ dạy. Tiếng Phạn gọi là Uposatta, lược dịch nghĩa đơn giản là Bố Tát.
III.5.4.6 Vào ngày 29
Tưởng niệm Lưỡng Tổ Đại Sư được tổ chức hằng tháng vào ngày 29, ngày mất của Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư và Thái Tổ Oánh Sơn Thiền Sư. Sau thời Kinh buổi sáng, đại chúng cử hành tại Tổ Đường, tụng Đại Bi Chú và Hồi Hướng, cũng có thể cử hành vào buổi trưa tại Tổ Đường, tụng phẩm Thọ Lượng và phẩm An Lạc Hạnh và Hồi Hướng. Bởi vì tụng Kinh cho Lưỡng Tổ Đại Sư để nhớ nghĩ đến ân đức của Lưỡng Tổ Đại Sư hầu mong báo đáp.
Ngoài ra, mỗi chùa còn lấy ngày mất của những vị khai sơn, ngày mất của những vị khai cơ, tụng Kinh, tán dương công đức và tưởng niệm uy đức, để mong làm tròn ý nghĩa báo ân chư liệt vị Tổ Sư.
III.5.5 Công Việc Thường Kỳ Trong Mỗi Năm
Có nhiều nghi lễ cử hành trong năm tại các tự viện, đặc biệt tại Lưỡng Đại Bổn Sơn rất quan trọng, ở đây chỉ nêu lên những nghi lễ đại biểu như Nhị Tổ Tam Phật Kỵ .
Tụng Kinh Chúc Nguyện: Vào mồng 1 và 15 như đã trình bày.
Lễ Đức Thích Tôn Giáng Sanh: Ngày 8 tháng 4 Lễ Phật Đản.
Lễ Đức Thích Tôn Thành Đạo: Ngày 8 tháng 12 Lễ Phật Thành Đạo, xác chứng tính tự giác cho mọi nguời.
Lễ Đức Thích Tôn Niết Bàn: Ngày 15 tháng 2 Lễ Phật Nhập Niết Bàn.
Giỗ Đạt Ma Tổ Sư: Ngày 5 tháng 10 tưởng niệm Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa. Nghi thức tưởng niệm Tổ Đạt Ma Đại Sư viên tịch.
Kỷ Niệm Cao Tổ Giáng Sanh: Ngày 26 tháng 1 Lễ Đản Sanh của Cao Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư.
Kỷ Niệm Thái Tổ Giáng Sanh: Ngày 21 tháng 11 Lễ Đản Sanh của Thái Tổ Oánh Sơn Thiền Sư.
Giỗ Lưỡng Tổ: Ngày 29 tháng 9 tưởng niệm Cao Tổ và Thái Tổ viên tịch, nguyện tinh tấn báo ân.
Giỗ Khai Sơn: Ghi nhớ sự ra đi của vị khai sơn để báo ân, nguyện tinh tấn tu học. Trường hợp của Lưỡng Đại Bổn Sơn, không gọi là Khai Sơn Kỵ, đặc biệt tại Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự gọi là Ngự Chinh Kỵ, nhằm ngày 23 tháng 9 đến ngày 29 tháng 9. Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự cũng gọi Ngự Chinh Kỵ, từ ngày 12 tháng 10 đến ngày 15 tháng 10. Hầu như tất cả các vị Trụ Trì và Đàn Tín Đồ trên toàn quốc vân tập về Đại Bổn Sơn để đăng sơn lễ bái, tưởng niệm, nhớ ơn Lưỡng Tổ Đại Sư, nguyện đền đáp thâm ân.
Ngày Lễ Bỉ Ngạn: Lễ Bỉ Ngạn, vào tiết Thanh Minh, mùa Xuân kéo dài 1 tuần lễ nằm giữa những ngày Xuân phân. Mùa thu cũng có Lễ Bỉ Ngạn kéo dài 1 tuần lễ nằm giữa những ngày Thu phân. Nghi thức Bỉ Ngạn cầu nguyện cho những vị Khai Sơn, chư vị Trụ Trì và những vong linh của Đàn Tín Đồ được siêu thoát. Thường có thuyết pháp v.v...
Lễ Vu Lan Bồn: Ngày 15 tháng 7 hoặc là ngày 15 tháng 8. Vu Lan Bồn tiếng Phạn gọi là Ullambana, cũng gọi là Lễ Cô Hồn, tụng Kinh Vu Lan Bồn, bởi vì một trong những vị đệ tử lớn của Đức Thích Tôn là Ngài Mục Kiền Liên Tôn Giả vì muốn cứu mẹ bị đọa vào đường ngạ quỉ, cung thỉnh Đức Thích Tôn, được Phật dạy để cầu siêu cho cha mẹ bảy đời, phải sắm đồ ăn trăm món cúng dường cho Mười Phương Tăng, cha mẹ sẽ thoát khỏi ngạ quỉ và các ngạ quỷ cũng được cứu độ. Kinh nầy vốn xuất phát từ Ấn Độ, Trung Hoa, truyền sang Nhật Bản trở thành nghi thức cúng dường Hương Linh cũng như Thí Thực Hội.
An Cư Kết Chế: Từ 15 tháng 4 đến 15 tháng 7, cửu tuần (thời gian 90 ngày) gọi là Hạ An Cư. Còn từ 15 tháng 10 đến 15 tháng 1 năm sau gọi là Đông An Cư. Suốt trong hai thời gian nầy gọi là “Chế Trung”, chư Tăng không được phép đi ra ngoài, luôn luôn ở trong Tăng Đường chuyên tu niệm Phật, tọa Thiền .
Nhiếp Tâm Hội: Nhân ngày mồng 8 tháng 12, Lễ Thành Đạo, bắt đầu từ ngày 1 tháng 12 đến ngày 8 tháng 12, chư Tăng hoàn toàn không ngủ, nhiếp tâm tọa thiền và tu hành, gọi là “Lạp Bát Nhiếp Tâm”. Tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự ngoài Lạp Bát Nhiếp Tâm Hội ra còn có Đoạn Tý Báo Ân Nhiếp Tâm Hội vào ngày 9 tháng 12; Báo Ân Niết Bàn Nhiếp Tâm Hội từ ngày 1 tháng 12 đến ngày 7 tháng 2. Tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự có Hạ Mạt Nhiếp Tâm Hội cuối tháng 6 đến 5 ngày sau, Truyền Quang Nhiếp Tâm Hội trong tuần tháng 6, có 5 ngày cởi bỏ những sự ràng buộc, Hạ Kỳ Nhiếp Tâm Hội vào hạ tuần tháng 7, có 5 ngày cởi bỏ những ràng buộc. Tại các Tăng Đường ở tự viện địa phương mỗi tháng 1 tuần lễ, thực hành định kỳ Nhiếp Tâm Hội , rất thực tế.
Lễ Thọ Giới: dành riêng cho Đàn Tín Đồ về lãnh thọ giới pháp từ vị Giới Sư, làm sống lại tánh tự giác của Tín Đồ Phật Giáo tổ chức từ ngày 23 tháng 4 đến ngày 28 tháng 4 tại Đại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự, và một tuần lễ từ ngày 10 đến ngày 16 tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự. Hầu hết tất cả Đàn Tín Đồ vân tập về Đại Bổn Sơn cùng tu với chư Tăng, trực tiếp học Phật Pháp với các vị Cao Tăng và nhận sự chỉ dạy đặc biệt từ vị Quản Thủ Thiền Sư.
Nhãn Tạng Hội và Truyền Quang Hội: Mỗi năm, từ ngày mồng một đến ngày 21 tháng 6 tại Bổn Sơn Vĩnh Bình Tự thường tổ chức giới thiệu những vị Sư Gia Cao Đức đương thời trình bày những trước tác của Thiền Sư Đạo Nguyên, Tào Động Tông Tông Điển và Chánh Pháp Nhãn Tạng. Những buổi thuyết trình như thế giảng chung cho thính chúng rất đông người tham dự. Tại Đại Bổn Sơn Tổng Trì Tự, tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 6 thuyết trình về Thiền Sư Oánh Sơn ngữ lục, Tào Động Tông Tông Điển và Truyền Quang Lục tại Hậu Đường của Tổng Trì Tự, thỉnh các vị học giả đương thời hoặc các Sư Gia giảng công cộng cho thính giả. Tuy nhiên, vấn đề thời gian, ngày tháng cũng thay đổi trước sau tùy năm, để phù hợp với chương trình chung.