Tây Tạng Tự - Bình Dương
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư
PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG
CHƯƠNG V:PHÂN BIỆT CÁC NGHIỆP QUẢ TẠO THÀNH TAM GIỚI. CHỈ RÕ CÁC CẢNH GIỚI TU CHỨNG VÀ CÁC CHƯỚNG NGẠI
V. CÁC CÕI TRỜI
Kinh: “Anan, các người thế gian chẳng cầu cái thường trụ, chưa thể lìa bỏ được thê thiếp, ân ái, nhưng tâm không buông lung trong tà dâm. Do lắng trong sanh ra sáng suốt, sau khi mạng chung, gần với mặt trời, mặt trăng. Hạng như vậy gọi là Tứ Thiên Vương Thiên.
“Đối với vợ nhà, dâm ái ít ỏi, trong khi tịnh cư chưa được toàn vẹn mùi vị. Sau khi mạng chung, vượt sức sáng của mặt trời, mặt trăng, ở trên đỉnh của nhân gian. Một hạng như vậy, gọi là Đao Lợi Thiên (Tam Thập Tam Thiên).
“Gặp cảnh dục tạm theo, qua rồi không nghĩ nhớ, ở trong cõi nhân gian động ít tĩnh nhiều. Sau khi mạng chung, an trụ sáng rỡ ở trong hư không. Ánh sáng mặt trời, mặt trăng soi chiếu chẳng bằng. Các người ấy tự có ánh sáng. Một hạng như vậy, gọi là Tu Diệm Ma Thiên (Thời Phân).
“Luôn luôn yên tĩnh, nhưng khi có cảm xúc đến, chưa thể nghịch hẳn. Sau khi mạng chung, bay lên cõi tinh vi, không giao tiếp với các cảnh nhân-thiên cõi dưới cho đến thời kiếp hoại, tam tai cũng không đến được. Một hạng như vậy gọi là Đâu Suất Đà Thiên (Tri Túc).
“Chính mình không có lòng dâm, đáp ứng với người mà hành sự, trong lúc phô diễn vô vị như sáp. Sau khi mạng chung, sanh vượt vào cõi biến hóa. Một hạng như vậy, gọi là Lạc Biến Hóa Thiên.
“Không có tâm thế gian, chỉ đồng theo thế gian mà hành sự, trong khi làm việc ấy, suốt thông siêu việt. Sau khi mạng chung, vượt trên tất cả cảnh biến hóa và không biến hóa. Một hạng như vậy, gọi là Tha Hóa Tự Tại Thiên.
“Anan, sáu cõi trời như vậy thì hình thức tuy ra khỏi Động, nhưng tâm tính còn dính mắc. Từ các cõi ấy trở xuống gọi là Dục Giới.
Thông rằng: Cõi trời Tứ Thiên Vương ở nửa chừng núi Tu Di, nhô lên khỏi biển bốn vạn do tuần. Mặt trời, mặt trăng mọc ở trước cung, xoay quanh chiếu bốn cõi thiên hạ, trên tới cõi trời Đao Lợi. Lên bốn vạn do tuần là đỉnh núi Tu Di, bốn góc, mỗi góc về tám cõi trời, gồm ba mươi hai cõi trời, do Đế Thích làm chủ tể. Hai cõi trời này gọi là Địa Cư Thiên. Bốn cõi trên gọi là Không Cư Thiên, chẳng cần mặt trời, mặt trăng mà vẫn thường sáng, do hoa sen nở khép mà phân ngày đêm, nên gọi là Thời Phân. Do phước đức cảm ứng mà sanh lên cõi Đâu Suất, gọi là Tri Túc hay là Hỉ Túc, hoặc là Diệu Túc. Sanh lên cõi trời này, thì sau bảy ngày, Đức Di Lặc phóng quang mưa hoa, dẫn vào điện Tiểu Ma Ni của Ngoại Viện, thuyết pháp cho để phát khởi sức tinh tấn. Sau đó dẫn cho vào Nội Viện. Ngoài hai Viện, còn có trời Tổng Báo do nghiệp quả hữu lậu mà thành. Người tu thập thiện nghiệp đã sanh lên đó, đây là chỗ Tam Tai có thể hoại diệt được. Còn ở đây nói “Tam Tai không đến được” là chỉ chỗ Đức Di Lặc ở, là cung điện do Hậu Đắc Trí của thánh giả biến hóa ra. Từ Tổng Báo Thiên mà mong đến Ngoại Viện thì còn cách xa như Tiên và tục, huống gì đến Nội Viện ư? Ngoài chỗ này đều thuộc cảnh giới quả báo, trên đến cõi trời Lạc Biến Hoá, hễ có cần gì thì tùy theo niệm mà đến, vượt hẳn cõi trời ở dưới, nên gọi là Việt Hóa. Lên đến Tha Hóa Tự Tại Thiên thì các cảnh dục lạc khỏi phải nhọc sức tự biến hóa, mà đều do chỗ khác biến hóa ra (tha hóa) mà tự tại dùng.
Sáu cõi này tuy vượt khỏi nhân thế, nhưng chưa thể lìa Dục. Luận Câu Xá tụng rằng: “Sáu cõi hưởng dục, ôm nhau, nắm tay, cười, nhìn là dâm”.
Lòng Dục càng nhẹ thì quả báo càng lên cao, bởi vì Dục Ái dễ đọa lạc vậy. Hễ có Dính Bám tức là Dục. Bởi thế, ngay khi ứng xúc hành sự, suốt thông siêu việt, không một mảy may tưởng vướng mới được tự tại. Đâu chỉ có riêng Dâm mà thôi.
Theo Tông Thiên Thai thì nghiệp báo của sáu cõi trước đều lấy Thập Thiện làm gốc. Nếu kiêm thêm tâm hộ pháp là nghiệp Tứ Thiên Vương Thiên. Nếu kiêm thêm lòng Từ hóa độ người, là nghiệp Đao Lợi Thiên. Nếu kiêm thêm lòng chẳng não hại chúng sanh, thiện xảo thuần thục, là nghiệp Diệm Ma Thiên. Nếu kiêm thêm thiền định, thô trụ và tế trụ, là nghiệp Đâu Suất Thiên. Dục Giới Định là nghiệp Biến Hóa Thiên. Vị Đáo Định là nghiệp Tha Hóa Thiên.
Đây đều là chẳng cầu Chân Tâm thường trụ, chưa rời nhân quả hữu vi, phước báo tuy khác nhau, nhưng chẳng thể nói là Đại Giải Thoát vậy.
Tổ Thứ Hai Mươi Ba là Tôn Giả Hạc Lặc, đi giáo hóa đến miền Trung Ấn Độ, Vua nước ấy là Vô Úy Hải sùng tín đạo Phật. Tổ đang thuyết pháp cho vua nghe, bỗng có hai người mặc áo lụa đào, lụa trắng lễ lạy Tổ.
Vua hỏi: “Ấy là ai vậy?”
Tổ nói: “Đó là Thiên Tử Nhật, Nguyệt, xưa tôi đã từng thuyết pháp cho nên đến lễ bái”.
Giây lát không thấy nữa, chỉ còn nghe thấy mùi hương dị thường.
Nhà vua hỏi: “Cõi nước Nhật, Nguyệt được bao lớn?”
Tổ đáp: “Là thế giới của ngàn Đức Phật Thích Ca hóa độ, mỗi cõi có trăm ức Tu Di mặt trời, mặt trăng. Tôi nói rộng ra thì không thể hết”.
Bồ Tát Thiên Thân từ Nội Viện của Đức Di Lặc xuống.
Bồ Tát Vô Trước hỏi rằng: “Bốn trăm năm tại nhân gian thì cõi kia chỉ là một ngày đêm. Đức Di Lặc ở trong một thời thành tựu cho năm trăm ức vị Thiên Tử chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, chưa rõ là thuyết pháp gì thế?”
Bồ Tát Thiên Thân nói : “Chỉ là cái Pháp Ấy, chỉ là Phạm Âm thanh nhã khiến người vui nghe!”
Như mà tin được “Chỉ là cái Pháp Ấy”, ở trên trời, khắp dưới đất vốn không dơ sạch thì thường trụ Chân Tâm, có chỗ nào mà chẳng Giải Thoát ư?
A. SẮC GIỚI
Kinh: “Anan, tất cả những người tu tâm trong thế gian mà không nhờ Thiền Na thì không có Trí Huệ. Người có thể giữ cái thân không làm chuyện dâm dục, khi đi khi ngồi đều không tưởng nhớ, ái nhiễm chẳng sanh thì không còn ở trong Dục Giới. Người ấy liền được bản thân làm Phạm Lữ. Một hạng như vậy gọi là Phạm Chúng Thiên.
“Thói quen dâm dục đã trừ, tâm ly dục hiện ra, đối với các Luật Nghi thì yêu thích tùy thuận. Người ấy liền có thể thực hành Phạm đức. Một hạng như vậy gọi Phạm Phụ Thiên.
“Thân tâm diệu viên, uy nghi chẳng thiếu, Cấm Giới trong sạch, lại thêm minh ngộ, người ấy liền có thể thống lãnh Phạm Chúng, làm Đại Phạm Vương. Một hạng như vậy gọi là Đại Phạm Thiên.
“Anan, ba hạng trổi vượt này, tất cả khổ não không thể bức bách được. Tuy chẳng phải chân chánh tu hành Tam Ma Địa mà trong tâm thanh tịnh các lậu chẳng động, gọi là Sơ Thiền.
“Anan, kế đó hàng Phạm Thiên thống nhiếp Phạm Chúng tròn đầy Phạm Hạnh, lóng tâm chẳng động, trong lặng sanh ra ánh sáng. Một hạng như vậy, gọi là Thiểu Quang Thiên.
“Ánh sáng soi nhau, chiếu sáng vô tận, dọi mười phương cõi, khắp hết thành lưu ly. Một hạng như vậy, gọi là Vô Lượng Quang Thiên.
“Vẹn giữ ánh sáng tròn đủ, thành tựu giáo thể, phát ra sự giáo hóa thanh tịnh, ứng dụng không cùng. Một hạng như vậy, gọi là Quang Âm Thiên.
“Anan, ba hạng trổi vượt này, tất cả lo buồn không thể bức bách được. Tuy không phải chân chánh tu hành Tam Ma Địa, mà trong tâm thanh tịnh các lậu thô đã dẹp xuống, gọi là Nhị Thiền.
“Anan, hạng Người Trời như vậy, ánh sáng toàn vẹn thì thành âm thanh, mở âm thanh bày lộ sự mầu diệu, phát nên hạnh tinh thuần, tiếp thông với cái vui tịch diệt. Một hạng như vậy, gọi là Thiển Tịnh Thiên.
“Trống rỗng, thanh tịnh hiện tiền, rộng phát không bờ bến, thân tâm khinh an, thành cái vui tịch diệt. Một hạng như vậy, gọi là Vô Lượng Tịnh Thiên.
“Thân tâm, thế giới tất cả đều vẹn toàn sáng sạch, cái tánh đức trong sạch đã thành tựu, cảnh giới thù thắng hiện tiền, quy về cái vui tịch diệt. Một hạng như vậy, gọi là Biến Tịnh Thiên.
“Anan, ba hạng trổi vượt này, đầy đủ chỗ tùy thuận bao la, thân tâm an ổn, được cái vui vô lượng. Tuy chẳng phải chân chánh được Tam Ma Địa mà trong tâm an ổn, đầy đủ hoan hỉ, gọi là Tam Thiền.
“Anan, kế đó, những hạng Người Trời thân tâm không còn bị bức bách, cái nhân khổ đã hết, nhưng cái vui chẳng thường trụ, lâu rồi cũng tiêu hoại. Bởi thế, đồng thời bỏ ngay hai cái tâm khổ, vui. Những tướng thô nặng diệt mất, tánh phúc thanh tịnh sanh ra. Một hạng như vậy, gọi là Phúc Sanh Thiên.
“Tâm xả bỏ viên dung, sự hiểu biết thù thắng càng trong sạch, trong cái Phúc không gì che đậy đó, được sự tùy thuận mầu nhiệm cùng tột vị lai. Một hạng như vậy, gọi là Phúc Ái Thiên.
“Nếu nơi tâm trước kia, nhàm chán cả khổ lẫn vui, lại nghiền ngẫm cái tâm xả bỏ tiếp tục không ngừng, đến cùng tột sự buông bỏ, thân tâm đều diệt, tâm ý dứt ngưng, trải qua năm trăm kiếp. Người đó đã lấy cái sanh diệt làm nhân thì chẳng có thể phát minh cái Tánh không sanh diệt. Nên nửa kiếp đầu diệt, nửa kiếp sau lại sanh. Một hạng như vậy, gọi là Vô Tưởng Thiên.
“Anan, bốn hạng trổi vượt này, tất cả cảnh khổ vui của thế gian chẳng thể làm lay động. Tuy chẳng phải địa bất động chân thật của Vô Vi, mà cái tâm có chỗ đắc thì công dụng thuần thục, gọi là Tứ Thiền.
Thông rằng: Sáu cõi trời Dục Giới ở trước thì hình thức tuy đã ra khỏi động, đã lìa khỏi hai nẻo người và Tiên, nhưng dấu vết tâm thức vẫn còn, cái Dục Niệm chưa hoàn toàn hết hẳn, nên chẳng thể nói là Phạm Hạnh được. Nếu người tu Phạm Hạnh mà chỉ biết giữ Giới, tu đạo Thập Thiện, chẳng biết Thiền Na thì không có Trí Huệ. Bởi thế nơi các Cấm Giới, chỉ có Dâm là khó dứt trừ. Thêm cái nỗ lực trừ Dâm, thì không còn ở Dục Giới, đó là hàng Phạm Chúng. Tâm đã lìa Dục thì Giới là Chân Giới, đối với các Luật Nghi vui thích tùy thuận, đó là Phạm Phụ. Cấm Giới thanh tịnh lại thêm minh ngộ, nghĩa là ngộ Dục tức là Tánh. Giới mà không chỗ Giới, đó là Đại Phạm. Giới và Định tương ứng, được cả Định lẫn Giới, đã lìa tám thứ khổ của cõi Dục, nên cái tướng thô của khổ não không thể bức bách, gọi là Ly Sanh Hỉ Lạc Địa. Tất cả đều thuộc Sơ Thiền.
Từ đây trở lên, không có ngôn ngữ, chỉ dùng định tâm phát ra ánh sáng. Ánh sáng có mạnh, yếu mà phân ra cao, thấp. Thiểu Quang là ánh sáng còn yếu. Lần lượt phát ra nhiều ánh sáng là Vô Lượng Quang, còn chưa thành âm thanh vậy. Đến khi thành tựu cái giáo thể, khiến cho người thấy ánh sáng thì biết tu đức hạnh trong sạch, tùy theo căn cơ mà được lợi ích, ứng dụng không cùng thì ánh sáng tròn vẹn thành âm thanh đó vậy. Khi cái Định này sanh thì cùng với sự hoan hỉ phát ra, gọi là Hỉ Câu Thiền. Những lo buồn vi tế không thể bức bách được, gọi là Định sanh Hỉ Lạc Địa. Đây đều thuộc về Nhị Thiền.
Từ đây trở lên, lìa cái động hoan hỉ trước kia mà sanh ra cái vui thanh tịnh. Cái vui này chẳng phải là cảnh, mà xuất sanh từ Bản Tánh thanh tịnh, tương tự với cái Tịch Diệt là vui. Ban đầu nói là tiếp thông thì sự thanh tịnh còn yếu, còn đã nói là thành tựu thì thân tâm khinh an, hợp với bản tánh nhiệm mầu, nhưng chưa đến chỗ cùng khắp. Duy chỉ thế giới, thân tâm, tất cả toàn vẹn trong sạch, đây là cảnh giới thù thắng hiện tiền. Nương nơi cảnh giới thù thắng chứ chưa phải thật là tịch diệt hiện tiền. Chỉ tùy thuận theo bản tánh thanh tịnh, quy về cái vui tịch diệt, công đức của cái Định này cùng phát ra với cái vui khắp thân thể, gọi là Lạc Cu Thiền. Tuy lìa cái động hoan hỉ ở trước mà hoan lạc đầy đủ, gọi là Ly Hỉ Diệu Lạc Địa. Đây đều thuộc về Tam Thiền.
Cái động hoan hỉ là nhân của khổ bức. Lìa Hỉ thì cái nhân khổ đã hết, được vui vô lượng. Cái vui này do hữu vi mà có, vui lâu thì cũng phải hoại diệt, hoại diệt thì thành khổ. Bởi thế, Khổ Vui đều xả bỏ thì tướng thô nặng diệt mất. Niệm xả bỏ thanh tịnh thì tánh phúc thanh tịnh hiện ra. Cái phúc do tịnh đức mà ra nên tam tai không đến được, gọi là Phúc Sanh. Khổ Vui đều mất, xả bỏ không chỗ xả bỏ, chỉ vui thích tùy thuận tánh phúc không gì che đậy, gọi là Phúc Ái. Đều gọi là Xả Cu Thiền. Từ đây có hai đường rẽ: Nếu nơi ánh sáng vô lượng, thanh tịnh vô lượng, phúc đức tròn sáng mà không sanh khởi dị chấp, không có tâm sanh diệt thì hướng thẳng về Quảng Quả Thiên. Đó là cái quả do phúc thanh tịnh rộng lớn mà cảm ứng vậy. Nếu nơi cái tâm trước kia nhàm chán cả Khổ lẫn Vui, chuyên nghiền ngẫm cái tâm xả bỏ, thì xả bỏ được cái tâm thô mà vào tâm vi tế. Lại bỏ cái tâm vi tế mà vào cái tâm rất vi tế. Từ cái tâm rất vi tế mà tiếp tục không ngừng cho đến chỗ xả bỏ tất cả tâm tưởng, tâm ý dứt ngưng. Tướng vọng tưởng này gọi là Vô Tưởng Định, bèn theo con đường xa hút nghiêng lệch mà sanh cõi trời Vô Tưởng. Người đó không rõ bản tánh của vọng tưởng là Không, Vọng tức là Chơn, nên nhàm chán cái sanh diệt đây mà cầu cái chẳng sanh diệt. Dẫu đến thân tâm đều diệt cũng chẳng phải là tánh chẳng sanh diệt chân thực vậy. Như cá ép trong nước đá thôi!
Ban đầu, sanh lên cõi trời đó chưa hẳn là vô tưởng, trải qua nửa kiếp mới thật được không có tưởng. Đến khi quả báo sắp hết thì nửa kiếp sau có tưởng mà tâm tướng hiện ra nên kinh nói “Nửa kiếp đầu diệt, nửa kiếp sau sanh”. Trong khoảng bốn trăm chín mươi chín kiếp, một bề là không có tưởng, do sức Định nắm giữ, tất cả Khổ Vui không thể lay động. Đây đều là Tứ Thiền.
Ở Sơ Thiền, Nhị Thiền, nói là “Chẳng phải chân chánh tu hành Tam Ma Địa”.
Ở Tam Thiền, thì nói là “Chẳng phải chân chánh được Tam Ma Địa”.
Đến Tứ Thiền, nói là “Chẳng phải Địa Vị Bất Động chân thực của Vô Vi”.
Sơ Thiền thì tu Giới. Nhị Thiền thì tu Định. Từ trong Phạm Hạnh thanh tịnh mà tu, tuy không đến nỗi là tà định của quỉ thần, nhưng chẳng phải là từ Tam Ma Địa chân thật mà phát tâm. Đây là chỗ phân biệt giữa Hữu Vi và Vô Vi vậy.
Tam Thiền thì có chỗ đắc, đắc nên vui. Có đắc, có vui tức là chẳng phải Tam Ma Địa chân thật. Đây là chỗ phân biệt giữa có đắc và không đắc vậy.
Đến Tứ Thiền thì cái tâm có chỗ đắc cơ hồ xả bỏ hết sạch, có thể gọi là vô vi, nhưng đó là do dụng công thuần thục mà ra chứ chẳng phải là Bất Động Địa chân thực. Nếu là chân Bất Động Địa thì các thứ khổ không thể đến, đến còn chẳng thể được thì cái gì lay động ư? Nay lại lấy chỗ mà các cảnh khổ vui của thế gian chẳng thể động đến mà cho là Tam Ma Địa, thì Tam Ma Địa đó có thể tu đến nơi vậy. Có thể tu đến nơi thì chẳng phải là Tam Ma Địa vậy. Cho nên cái Tam Ma Địa chân thật thì chẳng đủ Trí Huệ Bát Nhã bèn không thể nào biết được. Nay hạng Tứ Thiền tu tâm, chẳng ở trong Thiền Na thì không có Trí Huệ, nên ở Tam Ma Địa chân thực có chỗ chẳng biết vậy.
Hòa Thượng Chân Tịnh khai thị đại chúng rằng: “Ngày này đã qua, mệnh đời cũng theo đó mà dứt giảm, như cá ít nước, thế có vui gì?”
Duy bậc Nhị Thừa thì thiền định tịch diệt là vui, đó là cái vui chân thật. Bồ Tát học Bát Nhã thì pháp hỉ, thiền duyệt là vui, đó là thật vui. Ba đời Chư Phật thì Từ, Bi, Hỉ, Xả, bốn Vô Lượng Tâm đó là thật vui.
Thạch Sương Phổ Hội nói rằng: “Ngừng đi, thôi đi! Lạnh lẽo u sầu đi! Đó là cái vui tịch diệt của Nhị Thừa”.
Vân Môn nói rằng: “Nhất Thiết Trí suốt thông không chướng ngại”.
Cầm cây quạt đưa lên, nói: “Thích Ca Lão Trượng đến!”
Đó là cái vui pháp hỉ thiền duyệt.
Đức Sơn đánh, Lâm Tế hét, đó là cái vui từ bi, hỉ xả của ba đời Chư Phật. Ngoại trừ ba thứ vui đó, chẳng có gì là vui vậy. Thử nói xem một chúng Quy Tông đây, trong ba thứ vui đó hay ngoài ba thứ vui đó?
Chập lâu, nói rằng: “Hôm nay trang chủ bày biện cơm canh, biếu tiền, biếu của. Tham dự rồi, trong tăng đường khắp mời uống trà đi”.
Hét một tiếng.
Lại như thiền sư Nga Hồ Đại Nghĩa được vua Hiến Tông mời vào nội điện luận kinh nghĩa.
Có vị pháp sư hỏi: “Dục Giới không Thiền, Thiền nơi Sắc Giới, thì cõi này nương gì mà lập?”
Ngài nói: “Pháp sư chỉ biết Dục Giới không Thiền, chẳng biết Thiền Giới không dục”.
Hỏi: “Thế nào là Thiền?”
Tổ Nghĩa lấy tay điểm hư không.
Pháp sư không chỗ đối đáp.
Nhà Vua nói: “Pháp sư giảng kinh luận vô cùng, thế mà chỉ một điểm ấy, lại chẳng biết là sao?”
Cho nên cái chân Tam Ma Địa thật chẳng dễ biết. Biết thì thoát ngay khỏi ba cõi, kể gì đến bốn cõi thiền ư?
Kinh: “Anan, trong đó lại có năm Bất Hoàn Thiên. Đã diệt hết tập khí chín phẩm Tư Hoặc ở cõi dưới, Khổ Vui đều mất, bên dưới không còn chỗ ở, nên an lập chỗ ở nơi chúng đồng phận của tâm xả.
“Anan, Khổ Vui cả hai đều diệt, tâm tranh đấu chẳng còn liên lụy, một hạng như vậy, gọi là Vô Phiền Thiên.
“Thênh thang độc hành, không còn chỗ so đo, một hạng như vậy, gọi là Vô Nhiệt Thiên.
“Khéo thấy mười phương thế giới, tròn vẹn lặng trong, không còn tất cả dơ nhiễm nặng nề của trần cảnh, một hạng như vậy, gọi là Thiện Kiến Thiên.
“Cái thấy trong suốt hiện tiền, trui rèn không ngăn ngại, một hạng như vậy, gọi là Thiện Hiện Thiên.
“Rốt ráo các cơ vi, cùng tột tánh của sắc pháp, thể nhập cõi không bờ bến, một hạng như vậy, gọi Sắc Cứu Cánh Thiên.
“Anan, những bậc Bất Hoàn Thiên đó, chỉ riêng bốn vị Thiên Vương Tứ Thiền được sự kính nghe, nhưng không thể thấy biết. Như hiện giờ có các Thánh, đạo tràng nơi rừng sâu, đồng rộng thế gian đều là chỗ trụ trì của các vị A La Hán, mà người thô thiển của thế gian chẳng thể thấy biết.
“Anan, mười tám hạng Trời đó, độc hành không giao thiệp, nhưng chưa hết cái lụy của Hình Sắc. Từ đây trở lại, gọi là Sắc Giới.
Thông rằng : Năm Bất Hoàn Thiên chẳng thọ sanh trở lại ở Dục Giới, tức là bậc Tư Đà Hàm, gọi là Bất Lai nhưng thật không phải Bất Lai vậy. Quả Thứ Ba có thể đoạn trừ tập khí của chín phẩm, chủng tử và hiện hành đều diệt. Ở Dục Giới không còn nghiệp thọ sanh nên bảo rằng “Dưới không có chỗ ở”.
Năm hạng trời này tức là bậc Tứ Thiền mà cái xả niệm thanh tịnh, nhập vào chỗ vi tế mà lập ra cái tên vậy.
Ở trước, đối với Khổ, Vui có bỏ, có chán thì tâm cùng cảnh còn xung đột, không thể không có phiền não. Nóng nảy, sôi nổi gọi là Phiền. Còn nay khổ vui đều diệt, không còn có cái để xung đột, nên gọi là Vô Phiền Thiên.
Tâm tuy chẳng so đo, nhưng vẫn còn chỗ cho sự so đo, vì chưa nhổ hết gốc rễ vậy. Nay tâm cơ không còn đối đãi, nên diệt được ảnh duyên, và sự nóng nảy sanh ra phiền não cũng không còn, nên gọi là Vô Nhiệt Thiên.
Bậc Vô Phiền và Vô Nhiệt này chỉ mới trừ được cái thô thiển ở ngoài chứ chưa hiển bày được cái trong sạch nhiệm mầu. Nay cái Thấy nhiệm mầu lặng trong tròn vẹn, ngoài chẳng nương theo trần cảnh mà sanh, trong chẳng nương theo dơ nhiễm thô phù mà có, bèn soi chiếu mười phương thế giới như ngọc lưu ly trong trẻo, đó gọi là Thiện Kiến Thiên.
Cái thấy trong suốt ở nơi mình có thể trui rèn thành Diệu Sắc không ngăn ngại. Mười phương thế giới từ nơi ta phát hóa, gọi là Thiện Hiện Thiên.
Cơ là cái vi tế của động. Một cái vi tế đã Không thì tất cả các tế vi Không, tất cả các tế vi Không nên một vi tế Không. Ở đây tột cùng tánh của sắc pháp. Tánh Sắc tức Không, tánh Không là Giác. Giác là Tánh của sắc pháp vậy. “Không” sanh trong Đại Giác, như bọt nước trong biển thì không những cùng tột tánh của sắc, mà sự rốt ráo của tánh không có chỗ đến, thì sắc trong chỗ cứu cánh mới sạch hết vậy.
Kinh Lăng Già nói “Trụ ở cõi trời Sắc Cứu Cánh, lìa các chỗ lỗi lầm, nơi ấy thành Chánh Giác”. Lời này có ý vị thay! Nói là Chánh Giác là chẳng trụ nơi sắc, chẳng trụ nơi không. Duy chỉ cõi trời Sắc Cứu Cánh, thì sắc trước đây đã hết, không sau này chưa đến, nên ở đó có thể chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác vậy.
Đức Di Lặc nói: “Mười tám chỗ của Sắc Giới là ba cõi trời của Sơ Thiền, là do ban đầu huân tu pháp Thiền Na của thượng phẩm trong Noãn Pháp. Ba cõi trời của Nhị Thiền là do huân tu pháp Thiền Na Thứ Nhì của thượng phẩm trong Noãn Pháp. Ba cõi trời của Tam Thiền là do huân tu pháp Thiền Na Thứ Ba của thượng phẩm trong Noãn Pháp. Bốn cõi trời Tứ Thiền là do huân tu pháp Thiền Na Thứ Tư của thượng phẩm trong Noãn Pháp. Lại có năm chỗ tịnh cư tâm bất cộng của chư Thánh ở, do huân tu pháp Thiền Na Thứ Tư của thượng thượng cực phẩm trong Noãn Pháp”.
Cõi trời Bất Hoàn này vì sao từ Tứ Thiền trở xuống không thể thấy biết? Vì, ở các cõi trời phía dưới chỉ tu pháp Định hữu lậu của phàm phu, còn cõi trời này tu Thánh nghiệp vô lậu. Thánh phàm cách biệt nên không thể thấy được.
Ngài Vân Cư Ứng kết am ở núi Tam Phong, suốt tuần không đến trai đường.
Tổ Động Sơn hỏi: “Gần đây sao không đến thọ trai?”
Ngài Ứng đáp: “Mỗi ngày tự có thiên thần dâng bữa ăn”.
Tổ Động Sơn nói: “Ta định cho ông là Người Ấy, vậy mà còn cái kiến giải thế ư? Chiều đến đây, nhé!”
Buổi chiều Ngài Ứng đến.
Tổ Sơn gọi lớn: “Ứng Xà Lê!”
Ngài Ứng cất tiếng dạ.
Tổ Sơn nói: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đó là cái gì?”
Ngài Ứng về am tịch nhiên an tọa.
Từ đó, thiên thần tìm kiếm mãi chẳng ra. Trải qua ba ngày mới thôi.
Lại như Ngài Thần Tăng Pháp Bổn thường đến thiền viện Tương Châu cùng với một vị tăng an cư kiết hạ.
Ngài thường nói: “Bần đạo trụ trì chùa Trúc Lâm trong núi Tây Sơn đất Tương Châu. Trước chùa có một trụ đá, ngày nào có rảnh xin mời đến thăm”.
Nhà sư nhân qua nơi đó, nhớ lại lời nói ấy, bèn tìm kiếm. Đến một xóm dưới chân núi qua đêm, hỏi vị tăng trong xóm rằng: “Đây cách chùa Trúc Lâm gần xa?”
Vị tăng bèn chỉ mé một ngọn núi ở xa, nói: “Chỗ ấy đó. Các cụ già tương truyền đó là chỗ ở của Thánh Hiền ngày xưa, nay chỉ còn cái tên thôi vậy”.
Nhà sư sanh nghi, sáng hôm sau đến trong rừng trúc, quả là có một cục đá. Nhớ khi từ giã, Ngài Pháp Bổn có dặn “Chỉ gõ cây trụ, liền thấy được người”.
Bèn dùng cành cây gõ vào trụ vài tiếng. Bỗng mây gió bốn phía nổi lên, trong vài thước chẳng thể nhìn thấy. Chốc lát quang đãng lại thì thấy lâu đài cao ngất, mà mình đang ở ngoài tam môn, còn lưỡng lự thì Ngài Pháp Bổn từ trong bước ra. Trông thấy rất mừng, hỏi han chuyện cũ ở Nam Trung, rồi dẫn nhà sư qua các cửa, lên trên điện bí mật ra mắt tôn túc.
Vị này hỏi lý do, thì Ngài Pháp Bổn nói: “Năm ngoái cùng qua Hạ ở Tương Châu, hẹn thăm nhau ở chốn này”.
Vị tôn túc nói: “Sau khi dùng bữa, nên mời ra về. Ở đây không có tòa vị”.
Ăn xong, Ngài Pháp Bổn tiễn đến tam môn từ giã.
Rồi thì trời đất tối tăm, chẳng biết đâu mà đi, lại thấy mình ở bên trụ đá.
Vậy là đạo tràng của bậc Thánh đều là các bậc A La Hán trụ trì, nên người đời không thể trộm thấy. Huống lại nghi về các cõi trời Bất Hoàn ư? Tuy chẳng thể thấy, nhưng còn có sắc chất, nên đều gọi là Sắc Giới.
B. VÔ SẮC GIỚI
Kinh: “Lại nữa, Anan, từ chỗ cao tột của Sắc Giới này lại có hai đường rẽ.
“Nếu nơi tâm xả bỏ, phát minh được Trí Huệ, sánh sáng Trí Huệ viên thông, thì ra khỏi cõi trần, thành vị A La Hán, vào Bồ Tát Thừa. Một hạng như vậy, gọi là Hồi Tâm Đại A La Hán.
“Nếu nơi tâm xả bỏ, thành tựu sự chán bỏ, biết thân là ngăn ngại, trên cái ngăn ngại ấy vào cái Không. Một hạng như vậy, gọi là Không Xứ.
“Các ngăn ngại đã tiêu, nhưng cái Vô Ngại không diệt, trong đó còn lưu lại thức A Lại Da nguyên vẹn và nửa phần vi tế của thức Mạt Na. Một hạng như vậy, gọi là Thức Xứ.
“Sắc, Không đã hết, cái Thức Tâm diệt xong, mười phương vắng lặng, tuyệt không qua lại. Một hạng như vậy, gọi là Vô Sở Hữu Xứ.
“Thức tánh bất động, do nghiên cùng cái Diệt, trong nơi vô tận, bày ra cái tánh dứt hết, như còn mà chẳng còn, như hết mà chẳng hết. Một hạng như vậy, gọi là Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Xứ.
“Những hạng đó nghiên cùng cái Không, mà chẳng tột hết Lý Không. Từ Bất Hoàn Thiên, thì cái Thánh Đạo đã đến giới hạn tột cùng. Một hạng như vậy, gọi là Bất Hồi Tâm Độn A La Hán.
“Nếu từ cõi trời Vô Tưởng của các ngoại đạo, nghiên cùng cái Không mà chẳng quay lại, mê lầm không nghe Chánh Pháp thì sẽ vào luân hồi.
“Anan, trên các cõi trời đó, mỗi người trời là những phàm phu theo sự báo đáp của nghiệp quả. Quả hết thì rơi luân hồi. Thiên Vương của các cõi ấy tức là Bồ Tát, dạo qua Tam Ma Địa mà lần lượt tăng tiến trên đường hướng về Phật Đạo.
“Anan, các cõi trời Tứ Không đó, thân tâm diệt hết, cái tánh Định hiện tiền, không có sắc pháp của nghiệp quả. Từ đó đến cuối cùng, gọi là Vô Sắc Giới.
“Những hạng đó chẳng rõ tánh Diệu Giác Minh Tâm, chứa nhóm vọng tưởng mà phát sanh, vọng có ra ba cõi. Ở trong đó, hư vọng theo bảy nẻo chìm đắm, mỗi một chúng sanh theo loại của mình.
Thông rằng: Bốn cõi trời Vô Sắc là chỗ ở của bậc định tính Thanh Văn. Nếu hồi tâm, tức là hồi Trí hướng Bi, cứu giúp chúng sanh, lợi lạc cho đời, chẳng trụ quả vị nhỏ thấp, vào Bồ Tát Thừa, gọi là Đại A La Hán. Bậc căn cơ ám độn, chẳng thể phát minh được Trí Huệ, lại do tâm định ưa trên, chán dưới. Chán Sắc nương Không, vào Không Vô Biên Xứ. Sự chướng ngại của thân đã tiêu, chẳng nương nơi Sắc. Cái Không của không-ngại cũng diệt, lại Không luôn cả cái Không-có-chỗ-Không.
Sáu Thức của thân căn đều đã dứt tuyệt, chỉ còn lưu lại toàn vẹn Thức Thứ Tám và nửa phần Thức Thứ Bảy. Thức Thứ Bảy Mạt Na vốn không có vị trí cố định, ngoài thì duyên theo sắc, không, ấy là nương theo sáu Thức, gọi là Thô; trong thì duyên theo Thức Thứ Tám chỉ có chấp lấy bên trong, không có duyên ra ngoài, gọi là Tế. Sự nhàm chán cái Không, nương theo cái Thức này gọi là Thức Vô Biên Xứ. Tiến tới nữa, toàn phần Thức Thứ Tám và nửa phần Thức Thứ Bảy của thức tâm đều diệt, nhưng chẳng phải có thể diệt thật sự. Đó là chỉ lấy cái chỗ trong lặng không động lay của Thức Tâm, hoàn toàn không qua lại mà cho là cái Vốn-Không-Chỗ-Có. Chân Tánh xưa nay không một vật, nên chỗ Thức này diệt hết cũng có vẻ tương tự. Nhưng đây là lấy cái sanh diệt làm Tâm Nhân Địa nên cái tâm sanh diệt chưa diệt, ví như dòng nước chảy xiết, xem qua giống như đứng yên, nên không thể nói đó là cái chỗ Vô Sở Hữu của Chân Tánh vậy.
Cái thức tâm đã diệt, thức tánh thì chẳng động, mà lại nghiên cùng rồi cho là cái Bất Động cũng diệt. Phàm cái Bất Động thì toàn khắp, vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh, vốn tự chẳng sanh, vốn tự vô tận. Nay ở trong Tánh vô tận gượng bày bố ra cái tánh tận thì cái gọi là tận này cũng là nương nơi thức diệt mà thấy là tâm, mà cái Tánh kia vốn nào có từng tận. Cho nên trong thức tánh chẳng động mà cho là thường còn, tức là chẳng phải vô tưởng, nên tâm tư ngưng bặt. Lại thấy hình như chẳng thường còn, cho đó là tận, tức là chẳng phải Tưởng, nên sự trôi chảy vi tế chẳng ngừng. Lại hình như chẳng tận, tức là Phi Phi Tưởng. Cái Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng này một nửa thì nương nơi cái chẳng sanh chẳng diệt, một nửa nương vào sanh diệt, chính là lãnh vực của Thức Ấm, bị Thức ngăn che, chỉ ở trong niệm tưởng mà suy gẫm, chẳng thật là thấy Tánh. Sanh cõi trời này vào vạn kiếp Vô Tưởng, hết kiếp đó thì lại có Tưởng. Hạng này nghiên cùng cái Không, mà chẳng tột diệu lý Chân Không, chẳng ngộ cái Không sanh ra trong Đại Giác vậy.
Tuy từ Thánh Đạo của năm cõi trời Bất Hoàn mà nghiên cùng, nhưng chẳng rõ Chân Tánh, cái ý chỉ tánh Giác chân Không, tánh Không chân Giác, chẳng vào Bồ Tát Thừa nên rốt cuộc gọi là Bất Hồi Tâm Độn A La Hán. Hạng căn cơ này tuy độn nhưng còn có lúc hồi tâm. Đâu như hàng ngoại đạo theo cõi trời Vô Tưởng mê với Lậu Hoặc hữu vi mà cho là Vô Lậu, để khi quả báo hết liền rớt lại luân hồi.
Ngay các cõi trời Tứ Không cũng chẳng khỏi luân hồi, thì Dục Giới, Sắc Giới đều là sự thù đáp của nghiệp quả. Thù đáp hết thì rớt lại luân hồi, còn nghi gì nữa ? Duy những vị Thiên Vương là chư vị Bồ Tát đăng địa phân thân ứng hóa, dạo chơi Tam Ma Địa, quyền biến thị hiện ra thứ bậc, hồi hướng Phật Đạo, cũng là con đường tu hành tăng tiến dần dần vậy. Các cõi Tứ Không này, thân tâm diệt hết, tánh Định hiện tiền, tuy không có sắc pháp của nghiệp quả, mà còn cái sắc pháp của Định quả. Từ đây đến cuối cùng, hết luôn cái sắc pháp của Định quả. Nếu chẳng tỏ ngộ tánh Diệu Giác Minh Tâm, vượt khỏi ba cõi, chẳng đủ để bàn chỗ này. Chẳng tỏ ngộ tánh Diệu Giác thì chẳng ra khỏi ba cõi, hư vọng chuyển theo bảy nẻo chúng sanh, xoay vần chìm đắm, đều do chứa nhóm hư vọng mà ra. Dục Giới là do vọng thấy Dục; Sắc Giới là do vọng thấy Trong Sạch; Vô Sắc Giới là do hư vọng thấy Không. Hư Vọng mà có ba cõi, mỗi cõi mê theo cái nẻo của mình. Chúng sanh chọn giữ lấy các nẻo tương lai, đó là thân Trung Hữu (Trung Ấm).
Kinh Niết Bàn nói “Năm Ấm của Thân Trung Hữu thì nhục nhãn chẳng thấy được, thiên nhãn thấy được. Hư vọng theo mỗi loại mà chạy theo luân chuyển. Nói tóm lại là do thức thần chưa chuyển hóa nên mới như vậy. Nếu có thể chuyển Thức thành Trí thì tự chẳng có cái lụy này”.
Ngài Địa Tạng hỏi Ngài Tu Sơn Chủ : “Xứ nào đến?”
Ngài Tu: “Phương Nam đến”.
Ngài Tạng: “Gần đây Phật Pháp phương Nam thế nào?”
Ngài Tu: “Thương lượng mênh mông”.
Ngài Tạng nói: “Nào như ta trong ấy trồng ruộng mênh mông no đủ”.
Ngài Tu: “Còn ba cõi thì sao?”
Ngài Tạng nói: “Ông gọi cái gì là ba cõi?”
Ngài Thiên Đồng tụng rằng:
“Bày ra lắm thứ giả gượng làm
Lưu truyền tai miệng, ấy chi ly
Trồng ruộng no đầy, nhà thường sự
Chẳng phải “tham (thiền) no” mấy kẻ hay!
No thiền rõ biết “không chỗ cầu”
Tử Phòng nào quý chuyện phong hầu
Quên ráo, về thôi, đồng chim cá
Rửa cẳng sông xanh, khói nước thu”.
Ngài Thúy Nham Chân khai thị đại chúng rằng: “Chẳng thấy “một pháp” là lỗi lầm lớn! Núi sông đất đai, nhật nguyệt, tinh tú, sắc, không, sáng tối chẳng phải là “một pháp”!”
Đưa cây gậy lên, nói rằng: “Phàm phu thấy cây gậy, gọi đó là cây gậy. Người Thanh Văn thấy cây gậy, nhận được cái ngoan không mà bác không có cây gậy. Người Bồ Tát thấy cây gậy, hầu như được thêm đồng bạn. Đói tới thì ăn, mệt tới thì ngủ, lạnh tới thì hơ lửa, nóng gắt thì quạt mát. Chẳng nghe nói “Nhất Thiết Trí Trí Thanh Tịnh” ư? Nói được lời đó thì cười bể lỗ mũi Thần Thổ Địa!”
Chỗ này cùng một vị thanh tịnh với Trồng ruộng no đầy, là dáng dấp vượt khỏi ba cõi vậy.
C. BỐN GIỐNG A TU LA
Kinh: “Lại nữa, Anan, trong ba cõi ấy, lại có bốn thứ A Tu La:
“Nếu từ loài Quỉ, do sức hộ pháp, nương thần thông nhập vào Không. Hạng A Tu La này từ trứng mà sanh, thuộc về loài Quỉ.
“Nếu từ cõi trời, đức kém phải sa đọa thì chỗ ở gần với mặt trời, mặt trăng. Hạng A Tu La này từ Thai mà sanh, thuộc về loài Người.
“Có Tu La Vương nắm giữ thế giới, sức mạnh thấu triệt không phải sợ ai, có thể tranh quyền với Phạm Vương, Đế Thích và Tứ Thiên Vương. Hạng A Tu La này do biến hóa mà có, thuộc về loài trời.
“Anan, lại có một số Tu La thấp kém, sanh trong lòng biển cả, lặn trong đáy vực, ngày dạo chơi trên không, tối về ngủ dưới nước. Hạng A Tu La này do thấp khí mà có, thuộc về loài súc sanh.
Thông rằng: Phước lực của Thần A Tu La bằng hàng trời mà không có cái Hạnh của trời, nên gọi là Phi Thiên [Chẳng Phải Trời].
Kinh Thập Địa nói: “A Tu La có năm loại: Một là hạng rất nhu nhược, ở trong núi rừng của nhân gian. Trong hang sâu lớn của núi phương Tây (Ấn) có cung điện của Phi Thiên. Hai là, ở núi Diệu Cao phía Bắc, dưới biển lớn hai vạn một ngàn do tuần có cung điện của La Hầu, tay có thể che mặt trời, mặt trăng. Ba là, xuống thêm hai vạn một ngàn do tuần có cung điện của Dũng Kiên, tánh nóng giận mà chẳng phải do uống rượu. Bốn là, xuống thêm hai vạn một ngàn do tuần, có cung điện của Hoa Man, loài này nữ thì rất đẹp mà nam thì xấu. Năm là xuống thêm hai vạn một ngàn do tuần có cung điện của Tỳ Ma Chất Đa La, gọi là Tịnh Tâm, có thể làm cho sóng biển gầm vang, là quê nhà bên vợ của trời Đế Thích”.
Kinh Trường A Hàm nói: “Loài A Tu La trong một ngày một đêm chịu khổ ba lần. Chuyện khổ tự đến mà vào trong cung”.
Bởi thế, biết rằng loài này có một phần thiện báo gọi là Người-Trời. Nếu luận về sự chịu khổ, thì quả là ở dưới loài người, nên kinh Chánh Pháp Niệm liệt vào hai loài Quỷ và Súc Sanh. Kinh Lăng Nghiêm này lấy Thai, Trứng, Thấp, Hóa cùng với bốn loại Thiên, Nhơn, Quỉ, Súc mà nói rõ tình trạng của hàng A Tu La, đại khái phù hợp với kinh Thập Địa.
Thiền sư Thanh Lâm Kiền thượng đường: “Môn hạ của Tổ Sư, đường chim huyền nhiệm, công cùng thì chuyển, chẳng thâm cứu thì khó rõ. Các ông ngay đây cần phải lìa Tâm, Ý, Thức mà tham, ra khỏi nẻo Thánh, phàm mà học mới có thể bảo nhậm. Nếu chẳng như thế, chẳng phải con cháu của ta”.
Có nhà sư hỏi: “Dựa, vác lâu rồi mà chẳng gặp thì sao?”
Đáp: “Bảng mời của vua đời xưa!”
Hỏi: “Xin thầy đáp lời”.
Đáp: “Bàn tay Tu La ở mặt trời, mặt trăng”.
Lại có nhà sư hỏi thiền sư Phật Hải: “Tức Tâm tức Phật thì thế nào?”
Đáp: “Đầu chia hai sừng tóc”.
Hỏi: “Chẳng phải Tâm chẳng phải Phật thì thế nào?”
Đáp: “Tai rớt vòng đeo tai”.
Hỏi: “Chẳng là Tâm, chẳng là Phật, chẳng là vật, lại là thế nào?”
Đáp: “Trên đỉnh trọc, Tu La hát múa”.
Lời lẽ như thế, nếu chẳng ra khỏi nẻo Thánh phàm mà học, lìa Tâm, Ý, Thức mà tham thì làm sao dò được bến bờ.