Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Duyên Khởi Của Kinh

23/11/201217:05(Xem: 8954)
04. Duyên Khởi Của Kinh

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ NHẤT: PHẦN TỰA

DUYÊN KHỞI CỦA KINH

 

Kinh: Khi ấy, vua Ba Tư Nặc nhân ngày kỵ (giỗ) phụ vương, mở tiệc chay mời Phật thọ trai. Tự Ngài đứng nơi cung dịch nghinh rước Đức Như Lai, dọn bày các món ăn quý báu, rồi thân đến rước Phật và các vị Đại Bồ Tát. Trong thành lại có các trưởng giả, cư sĩ cùng dự lễ Trai Tăng chờ Phật đến chứng minh. Phật khiến Ngài Văn Thù phân lãnh các vị Bồ Tát và A La Hán đi đến nhà các trai chủ.

Duy có Ông Anan trước đã nhận lời mời riêng, đi xa chưa về, không kịp dự hàng tăng chúng. Ông về một mình, không có Thượng tọa hay A xà lê cùng đi, và ngày ấy cũng không được ai cúng dường. Lúc bấy giờ, ông mang bình bát vào trong một thành, trên đường đi tuần tự khất thực. Ban đầu, trong lòng cầu được một người bố thí tối hậu để làm trai chủ, không kể sang hèn, đều hành tâm Từ bình đẳng. Phát tâm viên thành cho tất cả chúng sanh được vô lượng công đức.

Ông Anan đã biết đức Phật quở ông Tu Bồ Đề và Ông Đại Ca Diếp làm bậc A La Hán, mà tâm chẳng bình đẳng. Ông kính vâng lời khai thị của Phật, lìa thoát mọi nghi báng. Đi đến bên thành, thong thả vào cửa, nghiêm chỉnh oai nghi, kính giữ phép hóa trai.

Thông rằng: Vua Ba Tư Nặc cùng các vị trưởng giả, cư sĩ đồng thời cùng dự lễ Trai Tăng, sao ân cần như vậy? Vì công đức Trai Tăng rất lợi ích. Phật có thuyết cho Ông Cấp Cô Độc về quả báo của bố thí: hoặc là bố thí nhiều mà quả báo ít, hoặc là bố thí ít mà quả báo nhiều. Cúng dường cho ngàn vị Phật, không bằng cúng dường cho một vị Tịnh Hạnh. Cho đến cúng dường trăm ngàn vị Phật không bằng cúng dường cho một Đạo Nhân Vô Tâm.

Kinh Bốn Mươi Hai Chương nói rằng: “Phật dạy: cho một trăm người ác ăn không bằng cho một người thiện ăn. Cho một ngàn người thiện ăn không bằng cho một người giữ Ngũ Giới ăn. Cho một vạn người giữ Ngũ Giới ăn không bằng cúng dường một vị Tu Đà Hoàn. Cúng dường một trăm vạn vị Tu Đà Hoàn không bằng cúng dường một vị Tư Đà Hàm. Cúng dường một ngàn vạn vị Tư Đà Hàm không bằng cúng dường một vị A Na Hàm. Cúng dường một ức vị A Na Hàm không bằng cúng dường một vị A La Hán. Cúng dường mười ức vị A La Hán không bằng cúng dường một vị Bích Chi Phật. Cúng dường một trăm ức vị Bích Chi Phật không bằng cúng dường ba đời Chư Phật. Cúng dường ngàn ức ba đời Chư Phật không bằng cúng dường cho một vị Không niệm, Không Trụ, Không Tu, Không Chứng”.

Đại lược hai đoạn trên tương đồng với nhau.

Có vị sư hỏi Tổ Lạc Phổ [Tên bến sông Lạc, nay là tên của một huyện. Tổ ở huyện này nên lấy tên xứ để gọi]: “Cúng dường trăm ngàn vị Phật chẳng bằng cúng dường một vị đạo nhân không tâm (Vô Tâm). Trăm ngàn chư Phật có lỗi gì? Người đạo nhân Vô Tâm có đức gì?”.

Tổ đáp: “Một mảnh mây trắng qua trước hang. Biết bao chim chóc lạc ổ về”.

Ngài Đơn Hà [Thiên Nhiên thiền sư, ở Đơn Hà Sơn, Đông Châu.] tụng rằng:

“Thập Đắc bơ thờ không tỏ hiểu

Hàn Sơn uể oải chẳng biết về [Thập Đắc và Hàn Sơn là hai vị tăng giả vờ điên khùng. Thật ra, là hiện thân của hai Đại Bồ Tát]

Trước tiếng (thanh tiền) một câu viên âm đẹp

Ngoài vật ba núi mảnh trăng soi”.

(Thập Đắc số dung phi giác hiểu

Hàn Sơn lại đọa bất tư quy

Thanh tiền nhất cú viên âm mỹ

Vật ngoại tam sơn phiến nguyệt quy).

Câu ba: Viên Âm là tiếng vọng trải khắp mầu nhiệm, thuộc ẩn.

Câu bốn là hiển.

Đây là riêng tụng về đạo nhân Vô Tâm đó vậy.

Ông Cam Chi hành giả một ngày kia vào chỗ Ngài Nam Tuyền [Phổ Nguyện thiền sư, đời Đường, ở núi Nam Tuyền, nối kế pháp của Mã Tổ.] bày Trai cúng, gặp Tổ Huỳnh Bá làm Thủ Tòa [Người xem hết đại chúng trong chùa]. Ông xin được bố thí tiền của. [Thí tài.]

Tổ Bá nói: “Tài Thí và Pháp Thí đều không sai biệt”.

Ông Cam Chi nói : “Nói thế nào để tiêu được cái của cúng của tôi?” Bèn ra về.

Một lát, lại trở vào, nói: “Xin được thí tài”.

Tổ Bá nói: “Tài Thí và Pháp Thí đều không sai biệt”.

Ông Cam Chi bèn dâng cúng.

Lại một ngày nọ, ông vào chùa dọn cháo, xin Tổ Nam Tuyền tụng niệm cho. Tổ Tuyền mới bạch chùy [Gõ bản], nói: “Xin đại chúng vì chồn, trâu già mà niệm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa”.

Ông Cam Chi bèn phất tay áo đi ra.

Dùng cháo xong, Tổ Tuyền hỏi thầy Điển Tòa [Vị tăng đảm trách việc trai chúc (cơm, cháo cúng dường... )]: “Hành giả đâu rồi?”

Đáp: “Liền khi nãy đi rồi”.

Tổ Tuyền bèn đập nát cái nồi.

Ngài Sớ Sơn [Tổ Quang Nhâm thiền sư, hiệu Sớ Sơn. Tướng lùn xấu, biện luận tinh anh. Gọi là Ông Phật lùn. Nối kế pháp ở Động Sơn] tụng rằng:

“Một mình bày cháo khoe anh tuấn

Nào hay vương lão lại phong lưu

Đập tan nồi cháo bày vụng xấu

Chồn với trâu già một lượt thâu”.

Như Ông Cam Chi mới đáng gọi là có thể cúng dường đạo nhân Vô Tâm vậy.

Hành khất có năm nghĩa: một là, trong chứng bình đẳng, ngoài không thấy tướng giàu nghèo. Hai là, rời cái tâm tham lam kiêu mạn ngã theo điều lợi. Ba là, có sức Đại Định, chẳng có sợ các độc dữ của nhà gái dâm. Bốn là, lìa bỏ sự nghi ghét của phàm phu. Năm là, phá chỗ phân biệt của Nhị Thừa. Đức Duy Ma Cật nói rằng: “Nơi ăn mà bình đẳng, thì nơi pháp cũng bình đẳng. Chẳng luận sang hèn, dơ sạch đều chứng Bồ Đề. Đó là viên thành vô lượng công đức của tất cả chúng sanh”. Ông Tu Bồ Đề thì bỏ nghèo theo giàu. Ông Đại Ca Diếp thì bỏ giàu theo nghèo. Thế tức là lòng Từ chẳng quân bình, chẳng gọi là lòng Từ bình đẳng. Nhưng khi Ông Anan trong tâm vừa khởi niệm như thế, là đã rơi vào ý thức phân biệt, bèn thuộc về cái kế sanh nhai của nhà quỷ, nên ma mới có cơ hội.

Làm sao sánh được với sự hành khất như thế này: thuở trước, có vị Hòa Thượng, thường dùng gậy quảy một cái bao bố với cái nệm rách. Bao nhiêu đồ dùng đều bỏ hết ráo trong cái bao ấy. Vào chợ búa xóm làng, thấy vật gì thì xin. Hoặc thịt chua cá mặn, vừa lấy thì bỏ vào miệng, còn lại thì bỏ trong bao. Đời ấy người ta gọi là Trường Đinh Tử. Một hôm, có vị tăng đi trước mặt, Sư bèn vỗ vào lưng, vị tăng quay đầu lại.

Sư nói : “Cho ta một đồng tiền”.

Tăng nói : “Nói được thì cho ông một đồng tiền”.

Sư bỏ cái bao bố xuống, khoanh tay mà đứng sững.

Lại một ngày nọ, Ngài đứng ở chợ. Có vị tăng hỏi: “Hòa Thượng tại Trong Ấy [Trong Giá Lý.] làm cái gì?”

Ngài đáp : “Đồng với “con người””.

Tăng rằng : “Đến rồi vậy, đến rồi vậy”.

Ngài nói : “Ông chẳng phải là con người ấy đâu”.

Tăng hỏi : “Thế nào là con người đó?”

Ngài đáp : “Cho ta một đồng tiền!”

Ngài có bài kệ :

“Một bát cơm ngàn nhà

Cô thân muôn dặm xa

Mắt xanh, người ít thấy

Mây trắng hỏi đường qua”.

(Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Thanh mục đỗ nhân thiển

Vấn lộ bạch vân đầu).

Nếu khế hợp được chỗ ấy, có thể nói là được Nghi Thức của Chư Phật vậy.

Một hôm, đức Phật bảo Anan: “Đã đến giờ, ông nên vào thành đi trì bát” [Ôm giữ bát].

Anan vâng lời. Thế Tôn nói: “Ông đã ôm giữ bát thì phải y theo Nghi Thức của bảy vị Phật đời quá khứ”.

Ông Anan mới hỏi: “Như thế nào là Nghi Thức của bảy vị Phật đời quá khứ?”

Thế Tôn gọi lớn: “Anan!”.

Ông Anan ứng dạ.

Thế Tôn rằng: “Ôm bát đi!”

Ôi, nếu Ông Anan sớm hiểu chỗ này, thì đâu có việc Ma Đăng Già!

Kinh : Khi đi khất thực, Ông Anan đi qua nhà người dâm nữ Ma Đăng Già, bị phép huyền thuật của cô ta, là tà chú Ta Tì Ca La của ngoại đạo, bắt vào giường riêng dựa kề vuốt ve làm cho ông gần phá giới thể.

Đức Như Lai biết Ông Anan mắc phải dâm thuật, dùng trai xong liền trở về. Vua cùng đại thần, trưởng giả cư sĩ đều đi theo Phật, mong được nghe Pháp yếu.

Khi ấy, trên đỉnh Thế Tôn phóng ra ánh sáng rực rỡ Vô Úy, trong hào quang hiện ra tòa sen báu nghìn cánh, trên có Hóa Thân của Phật ngồi kiết già, tuyên thuyết thần chú khiến Ngài Văn Thù Sư Lợi đem chú này đến giúp đỡ, tiêu diệt tà chú rồi đưa Ông Anan và nàng Ma Đăng Già về chỗ của Phật.

Thông rằng : Bộ Hiệp Luận nói: “Đức Phật thương xót chúng sanh bị trôi lăn trong Tam Giới đều do mắc vào Dục”. Trong các thứ Dục, chỉ có cái Dâm Dục là nặng hơn hết, nên bộ kinh này mở đầu bằng việc cô Ma Đăng Già. Để nhấn mạnh là nếu bị chìm đắm vào đó là một hoạn nạn lớn, mà diệt trừ được lại là một lợi ích lớn. Ví như chăn dê thì đánh ở sau, nên hễ có cơ hội là răn nhủ cẩn thận.

“Có vị tỳ kheo ni tên là Bảo Hương, thọ Bồ Tát giới mà lại lén làm chuyện dâm, lại nói xằng rằng Dâm Dục chẳng phải giết hại hay trộm cắp nên chẳng có sự trả Nghiệp. Liền từ nữ căn sanh ra ngọn lửa lớn rồi dần dần thiêu luôn cả cơ thể, đọa vào Vô Gián địa ngục.

“Còn Ngài Ô Sắc Ma thì nghe Phật dạy rằng người đa dâm như đống lửa lớn, nên tu mà hóa Tánh Dâm thành Hỏa Quang Tam Muội, chứng quả A La Hán. Ngài nói rằng: “Các phiền não đã tiêu, sanh ra ngọn lửa quý báu, lên bậc Vô Thượng Giác”.

“Ôi! Vô Thượng Giác là địa vị Phật mà nhờ quán sát Dâm Tánh thì có thể lên được! Địa ngục Vô Gián là đường dữ mà vì theo chuyện dâm nên đang còn sống mà đã bị đọa vào. Luận về mười loại Tập Nhân thì Dâm Tập đứng đầu. Nói là Dâm Tập đứng đầu vì đó là sự giao tiếp, phát sinh từ sự cọ xát, nên có ngọn lửa rất mạnh phát ra ở bên trong. Cớ nên Phật bảo sự Hành Dâm gọi là Lửa Dục. Sau mới đến những tội Tham Lam, Kiêu Mạn. Trong Bộ Luật, nói về ba Nghĩa Quyết Định Tu Hành, đó là nhiếp tâm làm Giới, nhân Giới sanh Định, nhân Định sanh Huệ, gọi là ba Vô Lậu Học [Ba Giáo Pháp trừ phiền não]. Sự đoạn trừ Sát, Đạo, Dâm, Vọng thì kinh này nói Đoạn Dâm trước hết.

“Lại nữa, Quán Thế Âm Bồ Tát tự kể về ba mươi hai Ứng Thân thuyết pháp của Ngài, nói rằng: “Phạm Thiên Vương nhờ Dục tâm được Minh Ngộ mà cùng với Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn đồng gọi là Giải Thoát [Rảnh rang, mở khỏi], còn hai mươi tám hạng kia chỉ có tên thành tựu mà thôi”. Lại năm thứ Mùi Cay [Ngũ Vị Tân] là thứ làm phát Dâm, tăng Oán Giận nên dạy lập ba món Tiệm Thứ để đoạn trừ, gọi là Tăng Tiến Đệ Nhất. Lại dạy rằng phải quán sát Dâm Dục hơn cả rắn độc, nếu thành tựu được Cấm Giới thì với con mắt thịt của cha mẹ sinh ra có thể thấy suốt cả mười phương”.

Đó là gặp cơ hội thì dặn dò kỹ lưỡng vậy. Bộ Luận này quả đã uốn nắn cho ngay ngắn toàn thể mạch lạc của kinh, dặn dò kỹ lưỡng, tỏ liễu sâu xa chỗ mở dạy của bộ kinh mà lấy việc dứt lìa cái Dâm Dục làm đầu, khiến cho người ta sợ hãi đến dựng tóc gáy, lạnh xương sống. Tuy nhiên, người chứng Thật Trí, thì thấy tất cả Thanh, Sắc đều như huyễn như mộng, việc dữ kia chẳng có bóng dáng nào cả ở trong ấy.

Kinh Bốn Mươi Hai Chương nói “Người nhiều Ái Dục như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, tất phải bị cháy tay”. Thiên Thần dâng Ngọc Nữ để thử Phật, muốn xem đạo ý Ngài ra sao. Phật nói: “Cái bao da chứa đồ dơ kia đến đây làm gì. Hãy đi đi! Ta chẳng dùng đến”. Vị Thiên Thần rất kính trọng, thưa hỏi ý đạo. Phật dạy cho, liền đắc quả Tu Đà Hoàn.

Lại còn Kinh Duy Ma Cật có đoạn: “Ông Xá Lợi Phất hỏi Thiên Nữ: “Sao cô chẳng chuyển thân nữ?”

“Thiên nữ đáp: “Từ mười hai năm nay, tôi tìm cầu hình tướng người nữ mà chẳng thể được. Vậy thì phải chuyển cái gì? Ví như một nhà huyễn thuật, tạo ra một người nữ huyễn. Như có người hỏi cô ấy: “Sao cô không chuyển thân nữ đi?” Người ấy hỏi có đúng không?”

“Xá Lợi Phất trả lời: “Không đúng! Huyễn không có tướng nhất định, thì có gì mà chuyển”.

“Thiên Nữ nói: “Tất cả Chư Phật cũng lại như thế. Hết thảy đều không có định tướng, tại sao lại hỏi không chuyển thân nữ?”

“Liền đó, Thiên Nữ dùng thần thông biến Ông Xá Lợi Phất thành Thiên Nữ và Thiên Nữ thì hóa thân thành như Xá Lợi Phất; rồi hỏi rằng: “Sao ông chẳng chuyển thân nữ?”

“Ông Xá Lợi Phất trong hình tướng thân nữ đáp rằng: “Không hiểu sao tôi lại biến thành thân nữ?”

“Thiên Nữ nói: “Nếu Ông Xá Lợi Phất có thể chuyển thân nữ này, thì hết thảy người nữ cũng có thể chuyển. Như Xá Lợi Phất chẳng phải là người nữ mà lại hiện thân nữ, tất cả người nữ lại cũng như thế, tuy hiện thân nữ mà chẳng phải là người nữ. Thế nên, đức Phật nói rằng: “Tất cả các pháp chẳng phải nam, chẳng phải nữ”.

“Thiên Nữ liền thu lại thần lực, Ông Xá Lợi Phất trở lại như cũ.

“Thiên Nữ bảo: “Này, Ông Xá Lợi Phất, sắc tướng thân nữ bây giờ ở đâu?”

“Xá Lợi Phất nói: “Sắc tướng thân nữ không có ở đâu mà không đâu chẳng có”.

“Thiên Nữ nói: “Tất cả các pháp lại cũng như thế, không có ở đâu mà không đâu chẳng có”.

Ôi! Thần lực của Thiên Nữ có thể chuyển Ông Xá Lợi Phất, còn chú Tiên Phạm Thiên chẳng thể hủy phá Giới Thể của Ông Anan. Nghĩa hai đoạn kinh có thể so sánh cho rõ ràng vậy.

Kinh: Anan thấy Phật, cúi lạy buồn khóc, căm hận mình từ vô thủy đến nay một bề nghe rộng nhớ nhiều, chưa toàn đạo lực. Tha thiết xin Phật dạy cho những Pháp Xa Ma Tha (Chỉ), Tam Ma (Quán), Thiền Na (Thiền, Chỉ Quán Viên Tu) vi diệu, là những phương tiện tu hành đầu tiên nhờ đó mười phương Như Lai đắc thành Bồ Đề.

Lúc ấy, lại có hằng sa Bồ Tát, Đại A La Hán và Bích Chi Phật, từ mười phương đến, thảy đều mong nghe lời Phật dạy, lui về chỗ ngồi, yên lặng lãnh thọ Thánh chỉ.

Thông rằng: Ông Anan phát ra lời hỏi đây, là cái xương sống của toàn bộ kinh. Từ đầu đến cuối, Thế Tôn trả lời không bỏ sót chỗ nào. “Xa Ma Tha” gọi là Chí Tĩnh [Yên lặng cùng tột], là Không Quán. “Tam Ma Bát Đề” gọi là Lực Dụng Biến Hóa (Như Huyễn), là Giả Quán. “Thiền Na” là Tịch Diệt, nghĩa là chẳng giữ cái huyễn hóa cũng chẳng trụ tướng Tịnh, tức là Trung Quán. Kinh Viên Giác nói: “Tịch tỉnh Xa Ma Tha, như kính soi muôn tượng. Như Huyễn Tam Ma Đề, như mầm giống dần dần tăng trưởng. Thiền Na là Tịch Diệt, như tiếng vang trong chuông. Ba loại diệu Pháp Môn gọi là Giác Tùy Thuận, nhờ chúng mà mười phương Như Lai cùng chư Đại Bồ Tát được thành đạo. Viên chứng được cả ba thứ là rốt ráo Niết Bàn”.

Ông Anan một bề nghe nhiều học rộng, chứ nếu vẫn tu tập ba Pháp Môn này thì đâu còn phải hỏi. Nay ông bị huyễn thuật ắt là trước đây các công phu Quán Hạnh, Thiền Định đều chẳng được gì, nên mới nghĩ mười phương Như Lai hẳn phải có điều vi diệu về các thứ này. Xét một chữ “Diệu”, tợ hồ phảng phất thoáng thấy: nào phải mượn đến sự tu hành khó nhọc lao khổ! Chỉ vì chẳng biết cái phương tiện ban đầu hết là do Ngộ Nhập đó vậy.

Kinh Viên Giác cũng có nói “Chỉ trừ bậc Đốn Giác, thì không theo Pháp Môn”. Vốn có một Pháp Môn Đốn Ngộ, chỉ lấy việc Thấy Tánh (Kiến Tánh) làm Tông. Cho nên, nếu thấy được Tánh, thì Vô Tâm đối với Chỉ, Quán mà Chỉ Quán tự có sẵn. Không thấy Tánh, tuy hằng ngày có tu Chỉ Quán cũng khó địch với cảnh ma. Chỉ có “Thấy Tánh” mới được “Diệu” vậy. Đoạn kinh sau có nói đến Diệu Minh Chân Tâm, Biển Diệu Trang Nghiêm, Diệu Minh Minh Diệu... đều để trả lời cho ý nghĩa của chữ Diệu, mà chấm dứt bằng bài kệ:

“Gọi đó : Diệu Liên Hoa

Kim Cương Vương, Bảo Giác

Như huyễn Tam Ma Đề

Khẩy tay, vượt Vô Học

Pháp này là Vô Thượng

Một đường trực nhập Niết Bàn

Của mười phương chư Phật”.

Pháp Đốn Ngộ này, chẳng phải các loại Chỉ Quán, Thiền Định tầm thường có thể so sánh.

Thuở xưa, Ngài Tuyết Phong ba lần tham yết Tổ Đầu Tử [Nghiã Thanh thiền sư, đời Đường, xứ Thơ Châu, tại núi Đầu Tử. Nối kế pháp Đại Dương Huyền thiền sư.], chín lần thưa hỏi Tổ Động Sơn [Tức Quân Châu Động Sơn. Đắc pháp nơi Vân Nham Thịnh Tổ sư. Lập Thiên Chánh Ngũ Vị, thế mạnh, pháp rất thịnh hành. Sắc phong Ngộ Bổn thiền sư.], cũng đã là bậc đa văn. Kế thế Tổ Đức Sơn rồi, cùng Tổ Nham Đầu đến núi Ngao Sơn ở Lễ Châu. Gặp lúc tuyết rơi, Tổ Đầu mỗi ngày chỉ lo ngủ, còn Ngài Tuyết Phong cứ một mạch tọa thiền.

Một hôm, Ngài kêu lớn rằng : “Sư huynh, Sư huynh! Dậy đi chớ!”

Tổ Nham Đầu rằng: “Làm cái gì?”

Ngài đáp: “Đời này chẳng lo xong thì gặp cái lão Văn Thúy ấy sẽ bị lão trói đấy. Ngày nay đã đến đây, vậy mà chỉ lo ngủ”.

Tổ Nham Đầu hét to: “Cây cột phướn, ngủ đi! Hằng ngày cứ ngồi như ông Thổ Địa trong làng rồi sau nầy đi làm nam nữ ma mị nhà người!”

Ngài tự chỉ vào ngực mà nói: “Tôi đây trong cái ấy chưa yên, chẳng dám tự dối mình”.

Tổ Nham Đầu nói: “Tôi sắp nói rằng ngày sau ông sẽ hướng lên đỉnh núi trơ trụi trên tảng đá kết thảo am, xiển dương đại giáo, sao ông lại nói như thế?”

Ngài nói: “Tôi ở trong ấy quả thật không yên”.

Tổ Nham Đầu [Đức Nham Khoát thiền sư, đời nhà Đường, ở núi Nham Đầu. Tham học với Tổ Đức Sơn mà khế hiểu ý chỉ. Gặp Tổ Võ Tông gạn hỏi giáo pháp. Lánh ẩn mình làm người đưa đò. Sau cất am ở núi Ngoạ Long Sơn. Ba năm tịch. Sắc tặng Thanh Nham thiền sư.] nói: “Nếu ông thật như thế, thì cứ theo chỗ thấy của ông, mỗi mỗi nói ra hết đi. Đúng, tôi sẽ chứng minh cho. Không đúng, tôi sửa sang đẽo gọt cho”.

Ngài nói: “Mới đầu, tôi đến tham yết Ngài Giám Quan [Tên riêng của Tổ Tề An thiền sư], nghe buổi giảng nêu lên cái nghĩa Sắc Không, bèn có chỗ vào”.

Tổ Nham Đầu nói: “Chuyện ấy đã ba mươi năm rồi, rất kỵ nêu lại!”

Ngài nói: “Lại thấy bài kệ của Tổ Động Sơn:

“Rất kỵ tìm nơi khác

Mỗi mỗi càng cách xa

Y nay chính là ta

Ta giờ chẳng phải y”.

(Thiết kỵ tùng tha mích

Điều điều dữ ngã sơ

Cừ kim chính thị ngã

Ngã kim bất thị cừ).

Tổ Nham Đầu nói: “Nếu cho là như thế thì tự cứu cũng chẳng xong”.

Ngài lại nói: “Sau đến hỏi Ngài Đức Sơn [Tổ Thích Tuyên Giám, đời Đường, ở Chùa Đức Sơn, Lãng Châu. Xuất gia từ nhỏ. Rất hiểu biết Kinh Luật, lắm thấu đáo kinh Kim Cang. Người đời ấy gọi là Châu Kim Cang. Chẳng tin chịu cái đạo của Nam phương thiền tông (Nam phương Huệ Năng)]: “Việc xưa nay trong Tông Thừa người tu học có được phần nào chăng?” Tổ Đức Sơn đánh cho một gậy, mà rằng: “Nói gì vậy?” Khi ấy, tôi như thùng vỡ đáy”.

Tổ Nham Đầu hét to: “Ông há chẳng nghe nói, “Từ cửa mà vào ắt chẳng phải là của báu nhà mình”, sao?”

Ngài hỏi: “Ngày sau như thế nào mới phải?”

Tổ Nham Đầu đáp: “Ngày sau mà muốn hoằng dương đại giáo, mỗi mỗi đều từ trong ngực mình tuôn ra. Ngày sau hãy cùng ta mà trùm trời trùm đất đi”.

Ngài Tuyết Phong nghe xong đại ngộ, bèn làm lễ, mừng rỡ la lên rằng: “Sư huynh ơi, hôm nay mới đúng là Ngao Sơn [Tên núi ở Hồ Nam. Lời truyền, tích xưa có ba nhà sư là Giám Tuyên, Nghĩa Tồn, Văn Thúy du phương đến đây ngộ đao. Từ đó đồ đệ nói Ngao Sơn ngộ đạo] thành đạo”.

Kỳ diệu thay, kỳ diệu thay. Đâu phải cứ một bề ngồi thiền mà có được thứ thoại đầu này!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567