Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Chỉ Rõ Tính Thấy Không Phải Là Con Mắt

23/11/201217:05(Xem: 9370)
05. Chỉ Rõ Tính Thấy Không Phải Là Con Mắt

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

Mục 2: Chỉ Rõ Tánh Thấy

 

V. CHỈ RÕ TÍNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CON MẮT

Kinh : Khi ấy Ông Anan cùng tất cả đại chúng lặng im, ngơ ngác.

Phật bảo Ông Anan: “Hết thảy những người tu học trong thế gian, hiện tuy thành được chín bậc Định thứ lớp mà chẳng được hết lậu [Hết phiền não] để thành A La Hán, đều do chấp lấy cái vọng tưởng sanh tử này mà lầm cho là chân thật. Thế nên, ông nay tuy được đa văn mà không thành quả Thánh”.

Thông rằng: Chín bậc Định thì sau này có nêu ra: Tứ Thiền, Tứ Không... Nhưng chỉ nói quả vị mà không nói cách tu. Đây nói là người tu hành chín bậc Định thứ lớp, vì từ một bậc thiền này sang bậc thiền kia, theo thứ tự mà tu. Như Đại Bát Nhã nói “Lìa Dục, Ác, Bất Thiện Pháp, có tìm có xét. Lìa thì sanh Hỷ, Lạc, nhập Sơ Thiền. Tìm, xét đã vắng lặng, trụ ở trong tâm trong sạch hoan hỷ. Không tìm, không xét nghĩ, Định sanh ra Hỷ, Lạc, nhập Nhị thiền. Lìa Hỷ trụ Xả, đầy đủ niệm chánh tri, thân thọ lãnh sự vui trong sạch bậc Thánh, nói được xả được, đầy đủ niệm lạc trụ nhập Tam Thiền. Dứt vui dứt khổ, trước là cái vui vẻ, lo buồn biến mất, không Khổ không Lạc, niệm Xả thanh tịnh, nhập Tứ Thiền. Vượt lên cả Sắc Tưởng, diệt tưởng có đối tượng, chẳng tư duy hết thảy các Tưởng, nhập vào Không Vô Biên là Không Vô Biên Xứ Định. Vượt lên tất cả Không, nhập Thức Vô Biên là Thức Vô Biên Xứ Định. Vượt lên tất cả Thức Vô Biên, nhập Vô Sở Hữu Xứ Định. Vượt Vô Sở Hữu Định, nhập Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định. Vượt tất cả Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, nhập Diệt Thọ Tưởng Định”.

Đó là chín phép Định theo thứ lớp, đều là cái công dụng Hữu Vi, ưa thích thiện quả hữu vi nên nói là “Mê những cõi Trời hữu lậu, hiểu đấy là vô vi”. Vì cái mê chấp ấy, nhập vào cái thức vi tế sanh diệt vọng tưởng mà tu, chưa thể thấy được Chân Tánh Vô Sanh, Hiện Tiền Tịch Diệt (Niết Bàn) chính là Pháp Vô Vi Chân Thật, nên chưa được hết hữu lậu. Như bậc Đại A La Hán, đã chứng Diệt Thọ Tưởng Định, nên gọi là Vôâ Lậu. Nay tại sao trong chín cấp Định thứ lớp cũng chứng Diệt Thọ Tưởng Định mà lại gọi là hữu lậu? Vì có vọng tưởng mà chứng Niết Bàn, nên dù có được Diệt Tận Định vẫn chưa phải là chân thật.

Tổ Hoàng Bá nói rằng: “Cả thảy chúng sanh luân hồi, sanh tử chẳng ngừng nghỉ là do ý duyên khởi tạo cái tâm trong sáu nẻo chẳng ngừng, đến nỗi khiến chịu bao nhiêu thứ khổ.

“Kinh Duy Ma nói: Loài người khó dạy, tâm như khỉ vượn, nên phải dùng biết bao pháp môn để chế ngự tâm này, sau mới điều phục. Bởi vì tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh, tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt.

“Cho nên, phải biết rằng tất cả các pháp đều do tâm tạo, cho đến Trời người sáu nẻo, địa ngục, Tu La đều do tâm tạo. Như nay chỉ học Vô Tâm, dứt ngay các duyên, không sanh vọng tưởng phân biệt, không người không ta, không Tham, Sân, không Yêu Ghét, không Hơn Thua. Chỉ cần trừ bỏ hết bấy nhiêu thứ vọng tưởng, thì Tự Tánh vốn xưa nay vẫn là trong sạch, đó gọi là tu hành Bồ Đề, Pháp, Phật...[Như thế là tu hành chân thật]. Nếu chẳng hiểu như thế, thì dù cho học rộng, cần khổ tu hành, ăn cây mặc cỏ, mà chẳng biết Tự Tâm, đều gọi là tà hạnh, đều làm Thiên Ma ngoại đạo, các thần đất, nước. Tu hành mà thế, nào có ích gì?”

Tổ Chí Công dạy: “Bản thân là do tâm tạo ra, nào phải trong chữ nghĩa tìm cầu. Như hiện giờ chỉ rõ biết Tự Tâm, tuyệt dứt tư duy vọng tưởng thì trần lao, phiền não tự nhiên chẳng sinh”.

“Kinh Duy Ma nói: Chỉ để một cái giường, nghỉ ngơi tật bệnh mà nằm, là tâm chẳng khởi vậy. Như người nằm bệnh, các duyên đều hết, vọng tưởng tiêu ma, đó là Bồ Đề.

“Còn nếu giờ đây trong tâm phân vân chẳng định, thì dầu cho có học đến Tam Thừa, Tứ Quả, Thập Địa cũng chỉ là hướng trong phàm Thánh mà ngồi. Các hành trọn quy về vô thường, thế lực đều có lúc hết. Như bắn tên lên không, hết đà rơi xuống, lại rơi vào vòng sanh tử luân hồi. Tu hành kiểu đó là chẳng hiểu ý Phật, uổng công nhọc mệt, há chẳng là lầm to?”

Tổ Chí Công lại nói: “Chưa gặp bậc Minh Sư ra đời, uống thuốc pháp Đại Thừa cũng uổng”.

Than ôi! Thuốc pháp Đại Thừa còn chẳng thể giúp, huống là chín bậc Định thứ lớp? Nên phải biết: tu tập lầm lạc, khó thành quả Thánh.

Kinh : Ông Anan nghe xong lại đau xót khóc lóc, năm vóc gieo xuống đất, quỳ thẳng chấp tay mà bạch Phật: “Từ khi tôi theo Phật phát lòng xuất gia, ỷ lại oai thần của Phật, thường tự nhủ: chẳng nhọc đến mình tu, Như Lai sẽ ban cho mình Pháp Chánh Định, mà chẳng biết rằng thân tâm không thể thay thế. Bỏ mất Bản Tâm của mình, nên tuy thân thể xuất gia, tâm chẳng nhập đạo. Ví như đứa con cùng khổ, bỏ cha trốn lánh. Ngày nay mới biết: dù có đa văn, nếu chẳng tu hành thì có khác gì người chưa được nghe, như người nói chuyện ăn thì rốt cuộc chẳng được no.

“Thưa Thế Tôn, chúng tôi giờ đây bị hai Chướng buộc ràng, là do chẳng biết cái Tâm Tánh Tịch Thường. Độc chỉ cầu xin Như Lai xót thương kẻ cùng đường, mà khai phát cái Tâm Diệu Minh, mở con mắt đạo cho tôi”.

Thông rằng: Bỏ cha trốn đi thì ở kinh Pháp Hoa cũng có ví dụ. Cùng đường ở phương xa, mong được chỉ cho hạt châu trong áo, dần dần có ý muốn về nhà.

Hai cái Chướng là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng. Phiền Não Chướng thì chướng ngại tâm, tâm chẳng giải thoát, kết nghiệp mà thọ quả báo. Sở Tri Chướng ngăn trở cái Tánh Sáng (Huệ). Tánh Sáng bị buộc ràng, chẳng hiểu Pháp Không vậy.

Anan biết rõ bị hai Chướng ràng buộc, lại cũng biết cái gọi là Tâm Tánh Tịch Thường, cớ sao con Mắt Đạo chẳng mở ra? Thấu thoát quả là khó khăn lắm vậy.

Có nhà sư bạch hỏi Tổ Dược Sơn: “Kẻ học nhơn định trở về quê thì như thế nào?”

Tổ Sơn nói: “Cha mẹ ông khắp mình sưng đỏ, nằm trong rừng gai góc, ông về chỗ nào?”

Sư hỏi: “Như thế tức là chẳng về ư ?”

Tổ rằng: “Ông lại cần phải về. Nếu ông về ta chỉ cho ông món ăn làm thuốc tốt đẹp để đi đường”.

Sư rằng: “Xin nói”.

Tổ Sơn nói: “Hai buổi thượng đường, không cắn bể một hột gạo”.

Sau, có vị sư bạch hỏi Tổ Lạc Phổ: “Kẻ học nhơn định trở về quê thì như thế nào?”

Tổ Phổ rằng: “Nhà tan, người mất, ông về chốn nào?”

Sư rằng: “Như vậy tức là chẳng về ư ?”

Tổ Phổ rằng: “Trước sân tuyết sót (tuyết tàn), mặt trời tan. Trong thất bụi hồng, ai bảo quét”.

Lại đọc bài kệ:

“Lòng quyết về quê cũ

Cỡi thuyền qua Ngũ Hồ

Nhổ sào trăng sao lặn

Dừng chèo mặt trời cô

Mở neo lìa bến ngụy

Trương buồm ra dòng Chơn

Đến nơi, người mất sạch

Khỏi làm đứa ngu (trong) nhà”.

Tổ Đơn Hà tụng rằng :

“Quê nước thái bình nẻo chẳng xa

Về, hứng miên man, ý vô bờ

Buông tay, nhà đến: nơi nào có?

Bóng trăng lồng điện báu lưu ly”.

(Thái bình hương quốc lộ không xa

Quy hứng du tu tư mạc nhai

Tát thủ đáo gia hà xứ hữu

Lưu ly bảo điện tỏa thiềm hoa).

Các vị lão túc một phen chỉ ra phương tiện về nhà. Đáng gọi là con mắt Đạo mở sáng, thật biết cái Tâm Tánh Tịch Thường vậy.

Kinh: Liền khi ấy, Như Lai từ chữ VẠN ( ) ở ngực, phóng ra ánh sáng báu. Hào quang ấy rực rỡ, có trăm ngàn sắc, chiếu khắp cùng một lúc tất cả thế giới chư Phật mười phương, số như vi trần. Hào quang rưới khắp đảnh các Như Lai của mười phương cõi báu, xoay về soi đến Ông Anan và cả đại chúng.

Phật bảo Ông Anan: “Ta nay vì ông dựng cờ Pháp lớn, cũng khiến cho tất cả chúng sanh của mười phương được cái Tâm Tánh nhiệm mầu, vi mật, sáng sạch và được con Mắt Trong Sạch (Thanh Tịnh Nhãn).

Thông rằng : Trước thì từ mặt phóng ra ánh sáng, mười phương cõi nước đồng thời khai hiện, khiến tất cả thế giới hợp thành một cõi, là biểu thị Chân Vọng chẳng hai. Chỉ bày hai loại Căn Bản, thì lấy Đoạn Vọng làm đầu vì vọng tưởng chẳng dứt thì dù đến chín bậc Định thứ lớp cũng chẳng thành quả Thánh. Cái mặt mũi ấy có thể nghiệm xét mà thấy như soi gương vậy. Nay từ chữ VẠN ( ) ở ngực phóng ra ánh sáng, rưới đảnh của chư Như Lai rồi trở về chiếu Anan và đại chúng, là biểu thị Thánh phàm chẳng hai. Chỉ bày rằng tiền trần tự tối, cái Thấy nào có thiếu hụt. Nhẫn đến cái đầu tự động chao, cái Thấy hoàn toàn chẳng động. Bàn tay tự mở, nắm; cái Thấy không có trải ra, cuốn lại. Đó là chỉ ra một đường hướng thượng, người người sẵn đủ, khả dĩ an ấn (truyền pháp yếu) vậy.

Xưa, Tổ Ngưỡng Sơn đang ngồi, có vị tăng đến làm lễ. Tổ Sơn chẳng đoái hoài.

Vị tăng mới hỏi Tổ: “Biết chữ chăng?”

Tổ đáp : “Tùy phận”.

Tăng bèn đi quanh phía phải một vòng rồi nói: “Đó là chữ gì?”

Tổ Sơn vẽ trên đất chữ thập) đáp lại.

Vị tăng lại đi quanh phía trái một vòng rồi hỏi: “Đó là chữ gì?”

Tổ Sơn đổi chữ thập) thành chữ Vạn).

Vị tăng vẽ tướng vòng tròn, rồi dùng hai tay nâng lên như bàn tay của Tu La trong thế Nhật Nguyệt, nói: “Đây là chữ gì?”

Tổ Sơn bèn vẽ tướng đáp lại.

Vị tăng làm ra cái tướng Đức của Phật Lâu Chí.

Tổ Sơn rằng: “Như thế, như thế. Đây là chỗ hộ niệm của Chư Phật. Ông cũng như thế, ta cũng như thế. Hãy khéo tự hộ trì”.

Vị tăng lễ tạ, bay lên không mà đi mất.

Lúc ấy, có một vị đạo nhân thấy được.

Sau đó năm ngày, bạch hỏi Tổ Ngưỡng Sơn.

Tổ hỏi: “Ông có thấy không?”

Đạo giả đáp: “Tôi thấy người ấy ra cửa phòng lên không đi mất”.

Tổ rằng: “Đó là vị A La Hán bên Tây Thiên, đến thử đạo ta đó”.

Đạo giả nói: “Tôi tuy thấy đủ thứ Tam Muội mà chẳng rành rẻ cái Lý”.

Tổ Ngưỡng Sơn rằng: “Để tôi vì ông dùng nghĩa mà giải thích ra. Đây là tám loại Tam Muội: ấy là Giác Hải [Cái Giác Tánh ví như biển] biến làm Nghĩa Hải [Cái nghĩa lý của Giác Tánh rộng lớn như biển], Thể đồng như nhau. Cái Nghĩa này có Nhân có Quả; Tức Thời, Khác Thời; Tổng Tướng, Biệt Tướng chẳng rời Ẩn Thân Tam Muội”.

Nếu biết cái Tam Muội Giác Hải biến ra Nghĩa Hải của Ngài Ngưỡng Sơn, thì chữ Vạn nơi ngực của Phật phóng ra ánh sáng quý báu cũng là Diệu Dụng trong cái Bất Tư Nghì, ắt phải được cái Tâm Tánh Diệu Mật Sáng Sạch làm cội gốc vậy.

Tổ Quy Sơn từng hỏi Tổ Ngưỡng Sơn: “Chỗ Diệu Tịnh Minh Tâm, theo ông hiểu làm sao?”

Tổ Ngưỡng đáp: “Núi sông đất đai, nhật nguyệt tinh tú”.

Tổ Quy nói: “Ông chỉ được cái Sự”.

Tổ Ngưỡng rằng: “Hòa Thượng vừa hỏi cái gì đó?”

Tổ Quy: “Cái Diệu Tịnh Minh Tâm”.

Tổ Ngưỡng: “Kêu là cái Sự không được sao?”

Tổ Quy rằng: “Như thế, như thế”.

Chỉ do Tổ Ngưỡng Sơn hiểu được cái Diệu Tịnh Minh Tâm, được con mắt trong sạch, cho nên cái Tam Muội rõ nghĩa chữ (Tự Tam Muội), vượt xa hẳn tầm thường.

Kinh: “Ông Anan, trước đây ông đã trả lời Ta rằng thấy nắm tay chói sáng. Sự chói sáng ấy của nắm tay do đâu mà có? Làm sao thành ra nắm tay? Ông lấy cái gì mà thấy?”

Thông rằng: Đây là lần dẫn dụ từ từ thứ ba của Thế Tôn, có thể nói là tâm Lão Bà [Tâm Từ Bi] quá tha thiết. Trước đã hỏi “Ông lấy gì thấy?” Ông Anan trả lời “Đều lấy mắt mà thấy” để rồi bị Phật quở nhận giặc làm con. Đến đây hỏi lại “Ông lấy gì thấy?”, chính là muốn Ông Anan hồi quang phản chiếu để hốt nhiên thấy được cái Kiến Tính Minh Nguyên [Cái Tánh Thấy vốn sáng suốt], chẳng do con Mắt. Tiếc thay, ông chẳng tỉnh ngộ được.

Có vị tăng đứng hầu Tổ Trường Sa.

Tổ lấy gậy chỉ trên đất trước mặt một điểm bất kỳ nào đó rồi hỏi: “Có thấy không?”

Đáp rằng: “Thấy”.

Hỏi như vậy ba lần, vị tăng cũng ba lần trả lời như vậy.

Tổ Sa nói: “Ông cũng thấy ta cũng thấy. Vì sao lại nói là không hiểu?”

Ngày khác, lại lấy cây gậy cắm trên đất, hỏi Tổ Trường Sanh: “Tăng thấy, tục thấy, nam thấy, nữ thấy, còn ông thấy làm sao?”

Đáp rằng: “Hòa Thượng có thấy Kiến Xứ (chỗ thấy) của Kiểu Nhiên (Trường Sanh) không?”

Tổ Trường Sa nói: “Người hiểu nhau khắp thiên hạ, nhờ có câu trả lời này của Kiểu Nhiên, bèn cùng Huyền Sa thấy mặt!”

Phải chi Ông Anan tự biết cái Kiến Xứ ấy chẳng có cái Kiến (Thấy) nào đến được, thì đâu đến nỗi Thế Tôn phải cực nhọc lắm lời!

Kinh: Ông Anan thưa: “Toàn thân Phật như vàng Diêm Phù Đàn, sáng ngời như núi báu, do Thanh Tịnh sanh ra nên có ánh sáng. Quả thật, tôi lấy mắt mà thấy năm ngón tay Phật co nắm lại, đưa ra cho đại chúng coi, nên có tướng nắm tay”.

Phật bảo Ông Anan: “Như Lai hôm nay, xác thật dạy ông. Những người có Trí cần lấy thí dụ mà được khai ngộ. Ông Anan, ví như nắm tay của Ta, nếu không có bàn tay ta thì không thành nắm tay Ta. Nếu không có con mắt của ông thì không thành cái Thấy của ông. Vậy thì lấy Nhãn Căn của ông mà so với Nắm Tay của Ta, cái nghĩa có tương xứng không?”

Ông Anan bạch Phật: “Đúng vậy, thưa Thế Tôn. Đã không có con mắt của tôi thì không thành cái Thấy của tôi. Lấy Nhãn Căn của tôi mà so với nắm tay của Phật, sự nghĩa giống nhau”.

Phật bảo Ông Anan: “Ông nói giống nhau, nghĩa ấy không đúng. Vì sao thế ? Như người không có bàn tay thì tuyệt nhiên không có nắm tay. Còn người không có mắt kia, không phải hoàn toàn không thấy. Tại sao như thế? Ông thử ra đường hỏi người mù: Anh thấy gì? Những người mù chắc sẽ trả lời: Hiện nay trước mắt tôi chỉ thấy tối đen, chứ không thấy gì khác. Lấy nghĩa ấy mà xét thì tiền trần tự tối, chứ cái thấy nào có hao kém gì?”

Thông rằng: Vì sao Đức Thế Tôn lại lấy người mù làm ví dụ? Bởi vì, Ông Anan chấp chặt lấy cái Thấy của con mắt làm cái Thấy Chân Thật, vậy là chẳng rời Căn và Trần, mà Thức sanh ra ở giữa.

Người mù không có mắt, sao cũng thấy tối thui? Do đó, có thể biết rằng: chờ có Nhãn Căn mới thấy, đó là cái thấy của tiền trần phân biệt, chẳng phải là cái thấy của cái Vốn Xưa Nay Trong Sạch [Bổn Tâm] vậy. Tiền trần phân biệt thuộc Thức Thứ Sáu, nên mắt còn thì nó còn, mắt mất thì nó mất, nên phải chờ có Căn thì mới hiện ra được.

Cái ánh sáng trong sạch của Tâm, chẳng đợi đến cái Căn mà còn, chẳng tùy theo Căn mà diệt, nên nó là không sanh diệt. Đó là cái Thấy không sanh diệt của cái Vốn Xưa Nay Trong Sạch ai ai cũng sẵn đủ. Chẳng phải vì không có mắt mà người mù không có.

Ông Anan chấp chặt là chỉ có con mắt mới thấy, thì đó là cái Căn sanh diệt. Thế Tôn chỉ ra cái Thấy không hề thiếu hụt, đó là cái “Căn” không sanh không diệt. Đánh thức như thế, có thể nói là đã cùng cực.

Xưa, tướng quốc Thôi Công Quần ra mắt Tổ Như Hội thiền sư, hỏi rằng: “Thầy lấy gì mà được?”

Tổ Hội trả lời: “Lấy Tánh Thấy mà được”.

Tổ Như Hội đang bị đau mắt.

Ông Quần chọc rằng: “Đã nói là Tánh Thấy, còn con mắt thì sao đó?”

Tổ Hội rằng: “Tánh Thấy chẳng phải là con mắt, con mắt bệnh nào có hề gì!”

Ông Quần bèn cúi đầu tạ lỗi.

Sau này, Tổ Pháp Nhẫn nói rằng: “Con mắt ấy của Tướng Công há thấy được chỗ trả lời của Tổ Như Hội, mà còn can thiệp đến giáo ý hay sao?”

Kinh : Ông Anan thưa: “Trước mắt những người mù chỉ thấy tối đen, sao gọi là thấy được?”

Phật bảo Ông Anan: “Các người mù không có con mắt chỉ thấy tối đen, so với người có mắt ở trong nhà tối, thì hai cái tối đen ấy khác nhau hay không khác nhau?”

- Thật vậy, thưa Thế Tôn, người có mắt ở trong nhà tối với những người mù, so sánh hai cái tối đen của họ, thật không khác nhau.

- Anan, nếu người mù không có mắt, thấy trước mắt hoàn toàn tối đen, bỗng nhiên được con mắt sáng thì thấy lại nơi tiền trần đủ mọi loại sắc mà gọi là con mắt thấy; thì người ở trong nhà tối kia, thấy trước mắt hoàn toàn tối đen bỗng nhiên được cái đèn sáng, nên thấy nơi tiền trần đủ mọi loại sắc, lẽ ra phải gọi là cái đèn thấy. Nếu cái đèn tự nó thấy được, thì không thể gọi là đèn. Lại ngọn đèn nó thấy, thì liên can gì tới ông! Vậy, nên biết rằng: Đèn làm sáng các hình sắc, nhưng thấy như vậy là Mắt chứ không phải đèn. Mắt làm sáng tỏ các Sắc, nhưng Tánh Thấy như vậy là Tâm chứ chẳng phải là Mắt.

Thông rằng: Đây là Đức Thế Tôn phân tích rõ ràng, nên nói là “Xác thật bảo ông”. Đèn và con Mắt, đều là cái duyên cho sự thấy, thể của chúng chẳng phải Hay Thấy. Cái Hay Thấy là tâm vậy. Ở trước, nói “Cửa có thấy không?” là đã đủ nghĩa này. Ở đây, lại lấy ngọn Đèn ví dụ là con mắt, lấy Mắt mà so với Tâm. Đèn không thể thấy, Mắt có thể thấy được sao? Cái Thấy của con Mắt chẳng phải là Tánh Thấy. Nếu sáu Căn có thể dùng thay nhau, thì Tai cũng thấy được vậy, đâu phải chỉ có mắt mới thấy. Chỗ Ông Anan nói: “Quả thật tôi dùng con mắt mà thấy” thì rõ ràng chấp lấy Vọng mà làm cái Chơn. Nếu biết đèn chỉ có thể hiển cái sắc còn cái Năng Kiến thuộc về con mắt, thì đã lìa Sở Vọng. Lại biết mắt chỉ hiển sắc, còn Tánh Thấy thuộc về Tâm, thì lìa luôn cả cái Năng Vọng. Năng, Sở đều lìa, duy chỉ một Tâm. Tâm siêu vượt khỏi con mắt nên không sanh diệt. Dùng cái Thấy không sanh diệt mà thấy nắm tay của Như Lai thì chưa từng không thấy. Nhưng không thể nói là con mắt thấy.

Xưa, thiền sư Khô Mộc [Đời Đường, các vị thiền sư am hiểu rồi cứ ngôøi tu tĩnh, người đời gọi là đám thầy cây khô] Tổ Nguyên [Tự là Tử Nguyên, hiệu Vô Học, đời Tống. Mười bốn tuổi đến Kính Sơn học cùng thầy Phật Giám; mười bảy tuổi có chỗ tỉnh ngộ. Sau khi thầy Phật Giám tịch, đi khắp nơi. Ba mươi sáu tuổi liễu nhiên đại ngộ] theo học Ngài Đại Huệ ở am Vân Môn. [Tổ Phật Nhật thiền sư, tên Tông Cảo, đời Tống. Kế vị Viên Ngộ thiền sư. Bảy mươi hai tuổi tịch, sắc tứ hiệu Đại Huệ] Trời sắp tối, thấy vị tăng sửa soạn đèn mới tỏ ngộ thấu đáo, làm bài kệ rằng :

“Vừa soạn đèn là lửa đến

Vô Minh bao kiếp soi phá

Về nhà đụng gặp Thánh Tăng

Suýt nữa đối mặt lầm qua

Chẳng lầm qua thì thế nào?

Mười lăm năm trước tưởng lạ kỳ

Y xưa, chỉ là cái đó!”.

(Dịch khởi đăng lại thị hỏa

Lịch kiếp Vô Minh chiếu phá

Quy đường chàng kiến Thánh tăng

Kỷ hồ đương diện tạ quá

Bất tạ quá, thị thậm ma

Thập ngũ niên tiền kỳ đặc

Y tiền chỉ thị giá cá).

Ngài Đại Huệ bèn tặng cho một bài kệ:

“Vách núi muôn tầm, giải phóng thân

Xưa nay như cũ, vẫn minh minh

Đói ăn khát uống toàn vô sự

Há luận người xưa, chẳng phải xưa!”.

(Vạn nhận nhai đầu giải phóng thân

Khởi lai y cựu khước tinh tinh

Cơ xan khát ẩm hồn vô sự

Há luận tích nhơn phi tích nhơn).

Ôi, việc sửa soạn đèn đâu có ăn nhằm gì tới chuyện tu thiền mà lại tỏ ngộ. Thế mới biết Thế Tôn nói rằng cái thấy đó là con mắt chớ chẳng phải đèn; cái Tánh Thấy là Tâm chớ chẳng phải con mắt. Nên Ngài Tổ Nguyên mới nói vừa soạn đèn là lửa đến. Như cách vách thấy sừng thì biết chắc là trâu. Phải triệt chứng như thế mới gọi là Thấy Tánh.

Kinh: Ông Anan tuy được nghe lời Phật dạy như vậy, cùng với đại chúng miệng tuy im lặng nhưng Tâm chưa khai ngộ, còn mong Như Lai từ tâm chỉ bày, chắp tay lắng lòng đợi Phật thương xót dạy bảo.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn duỗi tay Đâu La Miên sáng ngời, mở năm ngón tay mà bảo Ông Anan và đại chúng rằng: “Lúc Ta vừa thành đạo ở vườn Lộc Uyển có dạy nhóm Ông A Nhã Đa năm vị Tỳ kheo và bốn chúng rằng: Tất cả chúng sanh không thành Bồ Đề cùng bậc A La Hán đều do những phiền não khách trần mê hoặc. Lúc ấy, các ông nhờ đâu mà khai ngộ, đắc thành Thánh quả?”

Thông rằng: Đức Thế Tôn lời thật chỉ bày rõ ràng mà Ông Anan và đại chúng còn chưa khai ngộ cũng vì cơ duyên chưa dễ nhóm tụ. Do lòng từ bi, Đức Thế Tôn còn e lời nói vi diệu chưa dễ hiểu được. Nhưng trong hàng tỳ kheo cũng có vị đã hiểu ngộ rồi, vậy thì dùng chỗ đã hiểu biết dìu dẫn cho hiểu biết thì dễ dàng ngộ nhập. Bởi thế nên dạy các vị tỳ kheo mỗi vị tự thuật lại nguyên do khai ngộ để Ông Anan dễ lãnh ngộ. Đoạn sau, hai mươi lăm vị Thánh thuật lại chỗ chứng Viên Thông của mình cũng là dùng cách này. Ở đây là Biết Vọng sau mới Chứng Chơn, không phải không có chỗ sâu cạn khác nhau, nhưng phương tiện dắt dẫn chỉ là một.

Nói rằng “Chẳng thành Bồ Đề đều do phiền não khách trần làm mê lầm”, đó chính là sự đắp đổi hóa thành lẫn nhau của hai loại căn bản sanh tử, tỏ ngộ cũng không dễ.

Có vị tăng hỏi Ngài Nam Dương Huệ Trung quốc sư : “Cái gì là Phật?”

Tổ đáp : “Tức Tâm là Phật”.

Hỏi: “Tâm có phiền não không?”

Tổ rằng: “Phiền não, tánh tự lìa”. [Ly : lìa, giải thoát]

Tăng rằng: “Há chẳng đoạn trừ sao?”

Tổ đáp: “Đoạn trừ phiền não, kêu bậc Nhị Thừa. Phiền não chẳng sanh, gọi đó là Đại Niết Bàn”.

Tăng hỏi: “Ngồi thiền khán tịnh thì như thế nào?”

Tổ đáp: “Không dơ không sạch thì đâu cần khởi tâm khán tướng tịnh?”

Kinh Di Lặc Thượng Sanh nói: “Không khởi tu thiền định, không vọng trừ phiền não. Phật thọ ký cho người này thành Phật không nghi”.

Học sĩ Trần Tú Ngọc có lần hỏi Tổ Vạn Tùng [Tổ Vạn Tùng Hanh Tú thiền sư. Xuất gia tại Tịnh Độ Tự, đi học khắp xứ, cuối cùng ra mắt Tổ Tuyết Nham ở chùa Đại Minh, hạp tỏ ngộ tâm ấn. Tìm về chùa Tịnh Độ dựng lập Vạn Tùng Hiên.] rằng: “Đức Di Lặc Bồ Tát vì sao chẳng tu thiền định, chẳng dứt trừ phiền não?”

Tổ Tùng đáp: “Chân Tâm vốn tịnh, nên chẳng tu thiền định. Vọng tưởng vốn không, nên chẳng dứt lìa phiền não”.

Học sĩ lại đem câu này hỏi Ngài Hương Sơn Đại Nhuận Hòa Thượng. Ngài đáp: “Tâm Thiền vốn định, chẳng trở lại tu. Phiền não tịch diệt, chẳng cần lại đoạn”.

Học sĩ lại đem hỏi Ngài Trúc Lâm Hải Cự Xuyên. Tổ Xuyên đáp: “Vốn không có thiền định, phiền não!”

Học sĩ nói: “Chỉ có thế này mới khoái!”

Ở chỗ này mà tin tới được, mới biết việc chỉ bày ở Lộc Viên chỉ vì người mới học.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567