Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương II: Nương Chỗ Ngộ Mà Tu

23/11/201217:05(Xem: 9006)
Chương II: Nương Chỗ Ngộ Mà Tu

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU

Mục 1: Nêu Ra Cái Căn Để Chỉ Chỗ Mê


I. XIN KHAI THỊ CÁCH CỞI NÚT

Kinh: Ông Anan bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, tuy Như Lai đã dạy Nghĩa Quyết Định Thứ Hai, nhưng nay tôi xem những người mở nút trong thế gian, nếu không biết đầu mối của nút ở đâu, thì tôi tin là người ấy rốt cuộc không thể mở được. Thưa Thế Tôn, tôi và hàng Thanh Văn Hữu Học trong hội cũng giống như vậy. Từ vô thủy đến nay, chúng tôi cũng với các thứ Vô Minh cùng sanh cùng diệt. Tuy được căn lành đa văn như thế này, mang tiếng là xuất gia nhưng cũng như người sốt rét cách nhật! Xin nguyện Đức Đại Từ thương xót kẻ chìm đắm mà chỉ bày cho, giờ đây chính nơi thân tâm thế nào là nút, do đâu mà mở? Cũng khiến cho chúng sanh khổ nạn đời vị lai được khỏi luân hồi, không rớt vào ba cõi”.

Nói lời ấy rồi, Ông Anan và cả đại chúng năm vóc gieo xuống đất, khóc lóc thành khẩn, mong chờ lời khai thị vô thượng của Như Lai.

Thông rằng: Đoạn trước, Ông Phú Lâu Na đã hỏi: “Hết thảy chúng sanh, do đâu mà có vọng khiến tự mình che khuất tánh Diệu Minh, mà chịu sự chìm đắm?” Ở đây Ông Anan hỏi: “Giờ đây, chính nơi thân tâm, thế nào là nút, thế nào là mở?” Đó là đều muốn đi đến cùng cực cái vọng căn, nghiên cứu nhỏ nhiệm cái vô minh câu sanh, mới biết đầu gốc thắt nút mà phá trừ đi vậy.

Đoạn trước, đáp rằng: “Biết rõ cái Mê là không có nguyên nhân, thì cái Vọng cũng không có chỗ nào nương dựa. Còn không có chỗ sanh ra, muốn diệt dứt chỗ nào?” Ở đây thì đáp: “Tướng Phần và Kiến Phần không có tự tánh, cũng như các nhánh lau gác lên nhau. Xét cái tánh giao nhau đó, thì không và có đều là chẳng phải”.

Trước nói, “Tánh điên tự hết, hết tức Bồ Đề”. Đây nói, “Thấy biết mà không có thấy biết, đó chính là Niết Bàn”. Trước sau suốt thông như một. Chỉ là ở trước thuộc về Kiến Đạo, biết Vọng tức là Giác, Giác tức Bồ Đề. Còn đây là phần Tu Đạo, lìa cái Thấy tức là Không, Không tức là Niết Bàn.

Nút là sự trói buộc nơi Căn Trần do mê, nên chìm sâu sanh tử. Mở là sự thoát khỏi Căn Trần do ngộ, nên thấy biết cái Diệu Thường. Đây là theo căn Tai mà nghe ngược trở lại, thoát khỏi sự dính kết mà quay về bên trong, nhiếp phục tâm bám nắm, nhập Tri Kiến Phật, thuộc về công phu tu tập, nên gọi là Nghĩa Thứ Hai.

Có nhà sư hỏi Tổ Thạch Đầu: “Như thế nào là Giải Thoát?”

Tổ Đầu nói: “Ai trói buộc ông?”

Hỏi: “Như thế nào là Tịnh Độ?”

Tổ Đầu nói: “Ai làm dơ ông?”

Hỏi: “Như thế nào là Niết Bàn?”

Tổ Đầu nói: “Ai đem sanh tử lại cho ông?”

Nếu nơi đây mà được liền cái chỗ an lạc, thì còn hướng chi đến cái đệ nhị đầu mà làm kế sanh nhai!

II. MƯỜI PHƯƠNG NHƯ LAI ĐỒNG MỘT LỜI CHỈ THỊ: SÁU CĂN LÀ ĐẦU NÚT SANH TỬ VÀ NIẾT BÀN

Kinh: Bấy giờ, Thế Tôn thương xót Ông Anan và hàng Hữu Học trong hội, và cũng vì tất cả chúng sanh đời vị lai mà tạo cái nhân xuất thế, làm cái đạo nhãn tương lai. Ngài lấy tay sáng ngời xoa đỉnh đầu Ông Anan. Tức thời, trong khắp các thế gian của Chư Phật mười phương rung động sáu cách. Các Đức Như Lai nhiều như vi trần trụ các thế giới, mỗi Ngài đều có ánh sáng báu từ đỉnh đầu phóng ra. Các hào quang đó cùng lúc từ các cõi kia đến rừng Kỳ Đà, chiếu soi đỉnh đầu Như Lai. Tất cả đại chúng liền được cái chưa từng có.

Trong lúc đó, Ông Anan và cả đại chúng đều nghe các Đức Như Lai nhiều như vi trần trong mười phương, vô số miệng khác nhau đều dùng một lời, dạy Ông Anan: “Lành thay, Anan! Ông muốn biết cái câu sanh vô minh, khiến ông lưu chuyển, cái căn mối nút sanh tử. Đó chính là sáu Căn của ông, chứ chẳng phải vật gì khác! Ông lại muốn biết Bồ Đề Vô Thượng, khiến chóng chứng Tánh Diệu Thường an lạc, giải thoát, tịch tịnh thì cũng chính là sáu Căn của ông, chứ chẳng phải vật gì khác”.

Ông Anan tuy nghe pháp âm như thế, tâm còn chưa rõ, cúi đầu bạch Phật : “Làm sao cái khiến cho tôi luân hồi sanh tử hoặc an lạc diệu thường cũng chính là sáu Căn, chứ không phải vật nào khác?”

Thông rằng: Trước kia, Ông Anan có nói “Tâm tôi nào chỉ cúng dường Như Lai, mà cho đến ứng khắp hằng sa quốc độ, phụng sự Chư Phật và các thiện tri thức, phát tâm đại dũng mãnh làm tất cả những sự việc khó làm, là đều dùng tâm này. Cho dù hủy báng pháp mà vĩnh viễn lui sụt thiện căn, cũng là do cái tâm này”.

Tâm đã không hai như thế, thì sáu Căn cũng không hai, cớ sao lại sáng ở nơi kia mà tối ở đây ư? Chỉ là sáu Căn này đấy thôi. Thuận theo đó mà xuất ra, thế là trái với Giác hợp với Trần: liền vào ngay dòng sanh tử. Nghịch lại mà nhập vào, trái với Trần hợp với Giác: tức là ở trong cái chẳng sanh diệt. Giống như sấp tay, ngửa tay! Xưa nay Như Lai không hề nói khác!

Thiền sư Bàn Am Thành thượng đường nói:

“Một niệm tâm thanh tịnh

Phật ở Ma Vương điện

Một niệm tâm ác sanh

Ma Vương vào Phật điện”.

Thiền sư Hoài nói rằng: “Chỉ như thế mà tin lấy. Đó gọi là chân dẫm lên Thật Địa mà đi, rốt là không có pháp nào khác, cũng không có đạo lý nào khác. Lão tăng bày thẳng ra như thế, chỉ sợ rằng các ông thấy thỏ thả ưng, khắc thuyền tìm kiếm! Sao vậy? Thần lành, quỷ ác thì chủ nhân có trí đều không lãnh thọ”.

Nhưng thiền sư Đại Mai Thường nghe tiếng kêu của con sóc cánh, bèn nói : “Tức là vật ấy, chẳng phải vật nào khác. Tất cả các ông hãy khéo tự hộ trì”.

Nói xong, thị tịch.

Thiền sư Vĩnh Minh Thọ ca ngợi rằng :

“Sư khi mới đắc Đạo

Thì, tức Tâm là Phật

Sau rốt dạy đồ chúng

Vật ấy, không vật khác

Cùng tột nguồn vạn pháp

Thấu đến xương ngàn Thánh

Chân vốn chẳng đổi dời

Ngại gì chuyện còn, mất”.

Tin được rằng Ngài Đại Mai cùng tiếng kêu của con sóc cánh không khác, thì còn có sanh tử Niết Bàn nào khác nhau ư?

III. THẤY RÕ TÁNH CỦA MỐI NÚT ĐỂ TỨC THỜI GIẢI THOÁT

Kinh: Phật bảo Ông Anan: “Căn, Trần cùng nguồn. Trói mở không hai. Tánh của Thức là hư vọng, cũng như hoa đốm giữa hư không. Anan, do cái Trần mà phát ra cái biết, nhân cái Căn mà có cái Tướng. Cả Tướng Phần và Kiến Phần đều không có tự tánh, giống như các nhánh lau gác lên nhau.

Thông rằng: Căn thuộc về Kiến Phần, Trần thuộc Tướng Phần. Chỉ đều do một niệm vô minh làm dính kín tánh trong lặng mà phát khởi, nên gọi là đồng nguồn. Chỉ ở nơi đầu nguồn mà xem thấy, thì Kiến Phần và Tướng Phần chưa thành hình, lúc ấy Căn, Trần ở đâu mà có?

Từ lúc Căn hợp với Trần mà trôi xuôi thì gọi là buộc. Từ lúc Căn ngược với Trần mà trở về nguồn, thì gọi là mở. Cái trói chính là sáu Căn, chứ không phải vật gì khác. Cái mở cũng là sáu Căn, chứ không còn vật gì khác. Thể vốn không hai vậy. Trong cái Thể không hai này mà soi xét, thì trói buộc chẳng là dơ, cởi mở chẳng là sạch. Nơi Thể không hai đó, chưa từng có thêm bớt, đó là Căn, Trần vốn đồng nguồn vậy, ai thấy là khác được? Trói, mở vốn không hai, ai thấy được là hai?

Sở dĩ phân biệt chia tách, là do cái Thức vậy. Thức này hư vọng mà phân biệt, cũng như dụi mắt mà vọng thấy có không-hoa. Vốn nào có Căn, Trần lại vọng thấy Căn, Trần. Vốn nào có trói, mở mà vọng thấy trói, mở. Biết rõ cái Thức này, có cũng như do dụi mắt, bèn chuyển Thức về nguồn, thì con mắt trong sáng, nên chóng chứng an lạc giải thoát, Tịch Tịnh Diệu Thường. Chẳng phải ở nơi Căn mà quay lại, nhưng ở nơi Thức mà chuyển. Sao gọi là Thức hư vọng giống như hoa đốm? Chẳng phải bảo là lìa cái Thức tánh hư vọng mà riêng có cái gọi là Tịch Tịnh Diệu Thường đâu. Chỉ cần tin cái Thức là hư vọng, thì Diệu Thường ở ngay nơi Thức. Chỉ cần tin hoa đốm không tự tánh, thì con mắt sáng trong ở ngay tại không-hoa.

Bởi thế, do Trần mà phát ra Thức, chứ Thức chẳng tự sanh. Nhân Căn mà có Tướng, chứ Tướng không tự có. Ba cái Căn, Trần, Thức giao nhau mà lập, mà hợp, như lau gác lên nhau, vốn không tự tánh. Cho tánh giao nhau là có thật, thì khi chưa giao nhau sao lại không có?

Cho tánh giao nhau là không có, thì khi đã gác lên nhau, làm sao lại có? Đã chẳng phải là tánh Không, lại chẳng phải là tánh Có, nên nói là không có tánh. Tướng Phần và Kiến Phần, cả hai đều không có tự tánh, hiện thể bèn là vô sanh. Cho nên, biết rằng trong cái Căn mối nút sanh tử tự sẵn đủ Tịch Tịnh Diệu Thường vậy. Thế, chẳng đủ để tin rằng trói buộc hay cởi mở là không hai sao?

Tổ Thạch Đầu dạy chúng rằng: “Pháp môn của ta, Phật trước truyền thọ, chẳng luận thiền định, tinh tấn, độc chỉ thấu đạt Tri Kiến của Phật. Tức Tâm là Phật. Tâm, Phật, chúng sanh, Bồ Đề, phiền não: tên khác mà một thể. Các ông phải biết, cái Tự Kỷ tâm linh, thể lìa thường đoạn, tánh nó chẳng dơ sạch, lặng tròn đủ như nhiên. Phàm Thánh đồng đều, ứng dụng khắp cả, lìa tâm, ý, thức. Ba cõi, sáu đường, duy tự tâm hiện. Trăng dưới nước, bóng trong gương, nào có sanh, diệt? Các ông mà biết được nó thì có chỗ nào mà chẳng đầy đủ?”

Đây là Đệ Nhất Nghĩa Tối Thượng vậy.

Chỗ nói, “Bồ Đề, phiền não, khác tên mà một thể”, chẳng phải là “Căn, Trần đồng nguồn” ư? Chỗ nói, “Thể lìa đoạn thường, tánh nó chẳng dơ sạch”, chẳng phải là chỗ nói “Trói mở không hai” đấy sao? Chỗ nói, “Ba cõi sáu đường, duy tự tâm hiện; trăng trong nước, bóng trong gương, nào có sanh diệt”, chẳng phải là chỗ “Tướng Phần, Kiến Phần không có tánh, cũng như hình cây lau gác nhau” đấy sao? Hình lau gác nhau, hoa đốm giữa hư không, cũng không có sanh diệt. Thế nên biết rằng Thức tánh là hư vọng, bèn An Lạc Giải Thoát đó.

Kinh: “Thế nên, giờ đây chính nơi Thấy Biết mà lập ra Tướng có Thấy Biết, đó là cội gốc Vô Minh. Chính nơi Thấy Biết mà chẳng có Tướng Thấy Biết, đó là Niết Bàn chân tịnh, vô lậu. Làm sao trong ấy lại còn có vật gì khác!”

Khi ấy, Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này mà nói bài kệ:

Thông rằng: “Trong thấy biết mà lập ra tướng thấy biết”, nghĩa là “Nhân cái Minh mà lập ra cái Sở”. Do đó, biết rằng cái căn bản Vô Minh, cái gốc của sự thắt nút, cái căn mối nút sanh tử chính là cái Thức vậy, mà chẳng phải chỉ là Căn. Thấy biết mà không có tướng thấy biết, tức là “Thấy do lìa cái thấy, Thấy ấy là siêu việt”. Thế nên, phải biết rằng giải thoát khỏi cái thấy biết đó là cái quả vô lậu, đó là Tịch Tịnh Diệu Thường, là chuyển Thức thành Trí vậy, chứ cũng chẳng phải chỉ là Căn. Bởi thế, trong bài kệ ở sau tụng rằng “Thức A Đà Na vi tế” hiển bày đầy đủ Căn và Thức không hai.

Thiền sư Thùy Lộc An thường đọc kỹ càng chỗ này: “Tri Kiến lập Tri, tức Vô Minh bổn. Tri Kiến Vô Kiến, ấy tức là Niết Bàn”. Rỗng nhiên khai ngộ, thường đọc tụng luôn.

Học trò bảo rằng: “Nên lấy bốn chữ làm câu!”

Ngài nói: “Đây là chỗ ngộ của ta, không thể chuyển đổi!”

Thời ấy gọi Ngài là An Lăng Nghiêm.

Khi thị tịch, đọc kệ rằng:

“Chẳng thể đầu non mang lại được

Há từ Kê Túc truyền mai sau [Núi Kê Túc, nơi Đức Ca Diếp, vị được Đức Thích Ca truyền chánh pháp nhãn tạng làm vị Tổ đầu tiên của Thiền Tông, ngồi nhập định chờ Đức Phật Di Lặc tương lai]

Từ xưa Hiền Thánh đều như thế

Há nay đặt chuyện với ông đâu?”.

Phó chúc xong, tự mình bước vào trong hòm, nằm nghiêng bên hữu.

Trải qua ba ngày, đệ tử mở quan tài khóc lóc, bèn trỗi dậy lên tòa thuyết pháp, quở trách răn dạy: “Còn mở nắp hòm của ta thì không phải là đệ tử của ta”.

Rồi bước vào trong hòm đi luôn.

Nếu chẳng được vô lậu chân tịnh, làm sao đến đi tự do như thế?

IV. KỆ TỤNG

Kinh:

(Trong) Chân Tánh, hữu vi (là) không

Duyên sanh nên Như Huyễn

Vô vi, không khởi diệt

Chẳng thật, như Không-hoa

Thông rằng: Hữu vi tùy theo duyên mà khởi diệt, đó là Pháp Sanh Diệt. Vô Vi không có chuyện khởi diệt, đó là Pháp Niết Bàn. Trong Chân Tánh vốn không có Tướng Sanh Tử hay Niết Bàn. Nút buộc do đâu mà khởi? Cởi mở từ đâu mà có tên? Thế nên, Hữu Vi là Như Huyễn, Vô Vi cũng là dụi mắt mà sanh, cả hai đều hư vọng. Ở đây, là tụng Căn và Trần đồng nguồn, trói và mở không hai. Ở trong chỗ đồng nguồn, không hai, thì thấy được hữu vô đều là hư vọng.

Tổ Bách Trượng nói: “Phật là người không cầu, tìm cầu tức là trái. Lý là Lý không cầu, hễ cầu là mất. Nếu bám lấy sự không cầu, thế cũng lại giống với có cầu. Nếu bám lấy Vô Vi, thì đó cũng lại là Hữu Vi. Nên kinh Kim Cang nói: “Chẳng nắm giữ nơi pháp, chẳng nắm giữ cái chẳng phải là pháp, chẳng nắm giữ cái không phải là chẳng phải pháp”.

Ngài lại nói: “Chỗ đắc pháp của Như Lai, Pháp ấy không thật, cũng không hư. Chỉ suốt một đời tâm như gỗ đá, chẳng bị Ấm, Giới, Nhập, Ngũ Dục, Bát Phong chìm đắm, thì cái nhân sanh tử đoạn trừ, đi hay ở đều tự do, không bị tất cả nhân quả hữu lậu móc níu. Lúc ấy mới lấy sự không trói buộc làm nhân mà đồng sự lợi ích cho người. Lấy tâm không trụ trước mà ứng với hết thảy vật. Dùng cái Huệ Vô Ngại mà cởi mở tất cả trói buộc, nên cũng nói là theo bệnh cho thuốc”.

Ở đây, Tổ Bách Trượng chỉ thẳng cái Chân Tánh chẳng sa vào hữu vi, đều chỉ bày phương tiện giải thoát, đó là chỗ nói “Phát minh tức thành giải thoát vậy”.

Kinh:

Nói Vọng để hiển Chơn

Vọng, Chơn đều là vọng

Còn không (phải) Chơn, Phi Chơn

Lấy đâu Kiến, Sở Kiến?

Thông rằng: Các pháp Hữu Vi duyên theo Căn Trần mà sanh, nên gọi là hư vọng. Còn pháp Vô Vi thoát khỏi Căn và Trần, lìa tướng khởi và diệt, cớ sao lại gọi là chẳng thật như hoa đốm? Nói sanh diệt là Vọng là để hiển cái Chân của Niết Bàn, mà đã nói có Chân để đối với Vọng, thì Chân cũng thành Vọng, nên nói cả hai thứ đều Vọng. Vì sao thế? Vì có cái Chân để đắc vậy. Như ở trong Chân Tánh, thì Chân với chẳng phải Chân đều bất khả đắc. Tức là Chân mà chẳng phải Chân, tức là Tánh mà không Tánh, còn làm sao có được cái Căn năng kiến và cái Cảnh sở kiến ư?

Thấy là Có, là cái thấy huyễn. Thấy là Không, cũng là dụi mắt sanh ra. Phàm là có thấy, liền rơi vào nơi chốn, cho nên thấy có Niết Bàn để thành, tức là hư vọng đó vậy. Cái gọi là Chân, vốn nào có hư vọng, huống là cái chẳng phải Chân hay chẳng Chân, trong ấy Chân còn không thể có, thì Vọng từ đâu mà sanh?

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá: “Vọng hay chướng ngại tự tâm, chưa rõ nay lấy gì để bỏ Vọng?”

Tổ nói: “Khởi lên cái Vọng để bỏ Vọng cũng thành ra Vọng. Vọng vốn không gốc, chỉ nhân phân biệt mà có. Ông chỉ nơi hai đầu phàm Thánh chớ khởi suy lường, nhớ nghĩ, thì tự nhiên không có Vọng. Lại toan tính đuổi bỏ nó là thế nào? Tuyệt chẳng có được một mảy tơ nương bám, thì gọi là buông bỏ cả hai tay, ắt hiện thành Phật”.

Nhà sư hỏi rằng: “Đã không có chỗ nương bám, thì lấy gì trao truyền?”

Tổ nói: “Lấy tâm truyền tâm”.

Nhà sư hỏi: “Nếu lấy tâm trao truyền, sao lại nói tâm cũng là không?”

Tổ Bá nói: “Không đắc một pháp gọi là truyền Tâm. Nếu ngộ Tâm này, liền thật không thấy Tâm, không thấy Pháp”.

Nhà sư hỏi: “Nếu không có Tâm, không có Pháp, làm sao gọi là truyền ?”

Tổ Bá nói: “Ông nghe nói truyền Tâm, bèn cho là có thể đắc. Bởi thế, Tổ Sư dạy:

“Khi nhận được Tâm Tánh

Mới là chẳng nghĩ bàn

Rõ ràng không chỗ đắc

Khi đắc chẳng nói tri”.

Chỗ này mà muốn dạy tỏ hiểu, làm sao được! Một chữ Tri còn chẳng tự mang lấy, mới có thể nói là Chân.

Kinh:

Ở giữa, không thật tánh

Nên giống lau gác nhau

Buộc, mở đồng một nhân

Thánh phàm không hai lối

Hãy xem tánh giao nhau

Có, Không đều chẳng phải

Mê lầm là Vô Minh

Phát minh liền Giải Thoát

Thông rằng: Ở giữa là ở giữa Năng Kiến và Sở Kiến. Do Trần mà phát ra cái Biết, thì cái Biết ấy là Thức, thuộc về Năng Kiến. Nhân Căn mà có Tướng, Tướng là Trần, thuộc về Sở Kiến. Ba cái Căn, Trần, Thức này nương nhau mà có, vốn không có thật tánh, cũng như cây lau gác nhau, nương nhau mà đứng, nguyên không có tự tánh. Thử xem cái tánh của lau gác nhau, nếu cho là không thì khi nương nhau lại tựa hồ như có. Nếu cho là có, thì khi nương nhau lại vốn là không. Chẳng phải là có chẳng phải là không, đó là không có tánh. Buộc đó, cũng là sáu Căn này mà chẳng phải có chỗ bớt đi; mở đó, cũng là sáu Căn này mà cũng chẳng có chỗ tăng thêm, lấy đâu mà gọi mở ra là Thánh, buộc lại là phàm ư?

Vì chẳng thấu cái ý chỉ vô sanh, một niệm tự mình không biết, trong thì thấy có Năng Kiến, ngoài thì thấy có Sở Kiến, nên bị Căn Trần ràng buộc, không còn cái vốn liếng tự do. Cái mê mờ đó tức là cội gốc Vô Minh, cái chỗ cột buộc do đó mà khởi sanh vậy. Nếu như thật thấy được chỗ không có tánh, mà thoát khỏi sự dính kín, phát ra cái sáng chói vốn có của mình, khi ấy thì ánh sáng không theo Căn và thấy chẳng cần mượn Duyên. Sáu Căn dùng thay nhau, siêu việt các hình tướng thế gian. Đó là cái nhân của “Phát minh liền giải thoát”, là cái do đó mà có tên là cởi mở vậy.

Cột nút là câu sanh Vô Minh, cái Căn mối nút sanh tử, nên là phàm phu, đó là do sáu Căn này chứ không phải vật gì khác. Cởi mở chóng chứng an lạc, tịch tịnh diệu thường, gọi là Thánh Nhân, đó cũng do sáu Căn này, nào có vật gì khác! Đồng sáu Căn này, đâu có hai đường. Kia thì ràng buộc nơi hữu vi, giống như tánh Có của cây lau gác nhau, mà tánh thật ra chưa từng có. Nọ thì ràng buộc nơi vô vi, giống như tánh Không của cây lau gác nhau, mà tánh thực ra chưa từng không. Thấu đạt cái chẳng phải có, chẳng phải không này, cái thấy không phàm không Thánh, mới có thể nói đến Chân Tánh vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá: “Vốn đã là Phật, sao có bốn loại sanh, sáu đường, đủ thứ hình tướng chẳng đồng?”

Tổ Hoàng Bá nói: “Chư Phật thể vốn tròn đủ, nào có tăng giảm. Trôi vào sáu đường, chốn chốn đều tròn đủ. Trong muôn loài ấy, mỗi mỗi đều là Phật. Thí như một cục thủy ngân, phân tán các nơi, mỗi hột đều tròn đủ. Như khi chẳng chia, chỉ là một khối. Đó là một tức tất cả, tất cả là một. Đủ thứ hình tướng ví như nhà cửa. Bỏ “nhà” của lừa, vào “nhà” của người; bỏ thân người để đến thân của Chư Thiên; cho đến “nhà” của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật, đều là do chỗ nắm, bỏ của ông mà có ra khác biệt. Tánh vốn xưa nay nào có khác biệt?”

Rốt ráo thay lời nói này! Ở ngay đây mà phát sáng được, thì có thể khiến hạng bạc địa phàm phu bước vào Thánh vị.

Kinh:

Mở nút theo thứ lớp

Sáu mở, một cũng mất

Nơi Căn, chọn Viên Thông

Vào dòng, thành Chánh Giác!

Thông rằng: “Phát minh liền giải thoát”, đây là Đốn Môn, sao còn có lời nói “Mở nút theo thứ lớp”?

Đốn mà chẳng bỏ Tiệm nên mới là pháp môn Viên Đốn vậy. Nếu là người đại căn, đại khí, một ngộ liền đến Phật địa, còn mượn gì đến tu chứng. Kế đó là hạng mà không gì bằng là chọn Nhĩ Căn Viên Thông, một Căn trở về nguồn thì sáu Căn liền giải thoát. Trước là tiêu mất sáu Căn, kế đó mất luôn cái Một. Đó là Pháp Môn của Đức Quán Thế Âm, nhập vào Dòng, mất cái Sở, rốt ráo tịch diệt hiện tiền mà thành Chánh Giác. Ngay trong Đốn Môn, có đại ngộ tiểu ngộ, kể không xiết, đâu phải không từng có thứ lớp?

Xưa, thiền sư Quán Khê Nhàn ban đầu tham vấn Tổ Lâm Tế.

Tổ Lâm Tế nắm đứng Ngài hồi lâu.

Ngài nói: “Lãnh hội vậy”.

Tổ Lâm Tế buông ra nói: “Tha cho ông một gậy đó”.

Sau, thiền sư Quán Khê trụ núi, mới dạy chúng rằng: “Ta gặp Tổ Lâm Tế, không có ngôn ngữ gì, mà cho đến nay no mãi chẳng đói!”

Sau, Ngài đến Tổ Mạt Sơn, trước tự giao ước rằng: “Tương đương thì ở, còn không thì lật ngược thiền sàng”.

Khi vào nhà giảng, Tổ sai thị giả hỏi: “Thượng Tọa đến thăm núi, hay vì Phật Pháp mà đến?”

Ngài đáp: “Vì Phật Pháp mà đến”.

Tổ Sơn bèn lên tòa giảng, Ngài Quán Khê vẫn chẳng làm lễ.

Tổ Sơn hỏi: “Hôm nay rời chỗ nào?”

Ngài đáp: “Lộ Khẩu” [Lộ bày cái miệng].

Tổ Sơn nói: “Sao chẳng che lại đi!”

Ngài Khê không có lời đáp.

Tổ Mạt Sơn thay thế nói rằng: “Sao đến trong ấy được!”

Ngài Quán Khê mới lễ bái, rồi hỏi: “Như sao là Mạt Sơn?”

Tổ Sơn nói: “Chẳng lộ đỉnh”.

Ngài Khê hỏi: “Như sao là chủ của Mạt Sơn?”

Tổ Sơn nói: “Chẳng phải tướng nam nữ”.

Ngài Khê hỏi: “Sao chẳng biến hóa đi?”

Tổ Sơn nói: “Chẳng là Thần, chẳng là Quỷ, biến cái gì?”

Ngài Quán Khê chịu phục, làm người giữ vườn ba năm.

Tổ Lâm Tế tha cho Ngài một gậy, đến đây mới liên tục.

Sau, Ngài nói: “Tôi ở chỗ Lâm Tế, được một lần thoát, tôi ở chỗ Mạt Sơn được một lần thoát”. Ngài lại nói: “Mười phương không tường vách, bốn mặt cũng không cửa. Bày trần trụi, sáng rực rỡ, không thể nắm!”

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng: “Ngài Quán Khê nói như thế, thì thử nói ở chỗ Lâm Tế được hay ở chỗ Mạt Sơn được? Mặc dầu một mũi tên mà hai con chim. Nhưng có lúc chạy đi, có lúc ngồi lại. Làm sao cho hợp? Tóm lại, mở ra đều ở ta, cầm đến, ném đi nào do ai khác?”

Ở chỗ này mà thấu suốt được, mới mất cái Một, lúc ấy mới gọi là Chân Giải Thoát!

Kinh:

Thức Đà Na vi tế

Tập khí thành dòng xiết

Sợ lầm Chân, Phi Chân

Ta thường chẳng khai diễn

Thông rằng: Sáu Căn chẳng có thể làm phàm, làm Thánh, mà cái làm chủ là Thức vậy. Sáu Thức đã tiêu mất, mà cái Ngã Kiến vẫn còn, đó là cảnh giới của Thức Thứ Bảy. Sáu mở, Một mất, là trở về biển Như Lai Tạng, đó là cảnh giới của Thức Thứ Tám.

Ngài Mã Minh dạy: “Y vào Như Lai Tạng, có cái tâm sanh diệt hòa hợp với cái chẳng sanh diệt, chẳng phải là một, chẳng phải khác, gọi là Thức A Lại Da”. Thức này rất là vi tế, ngậm chứa chủng tử làm tập khí, chẳng biết được chỗ ẩn núp của nó. Tích chứa sanh ra sóng Thức thành dòng chảy xiết, mà chẳng biết được chỗ sanh của nó. Thế nên gọi là vi tế. Vì y vào cái chẳng sanh diệt, nên gọi là Như Lai Tạng xuất triền [Ra khỏi trói buộc], tợ hồ như là Chân vậy. Vì y vào tâm sanh diệt, nên gọi là Như Lai Tạng tại triền [Còn trong trói buộc], hình như chẳng phải Chân vậy. Nhưng Chân và chẳng phải Chân, đều là cái Thức ấy, cho nên khó mà phân biệt. Gọi đó là Chân, thì sợ rằng nhận giặc làm con! Mà gọi đó chẳng phải Chân, thì e rằng nhận con cho là giặc. Do vậy, Đức Thế Tôn chẳng khinh xuất mà bàn đến vậy”.

Nếu có thể chuyển Thức Thứ Tám thành Đại Viên Cảnh Trí, chẳng phải Chân, chẳng phải không Chân, mới có thể nói đến Chân Như, Phật Tánh, Vô Thượng Bồ Đề vậy. Sau này không rõ được Tánh Tông, đó chỉ vì không thấu đáo Tướng Tông, lấy cái Ngã Kiến trong Thức Thứ Bảy mà cho là Phật Tánh, lấy cái tướng sanh diệt trong từng sát-na của Thức Thứ Tám làm Chân Như, nên gọi là “Mập mờ Phật Tánh, lầm lạc Chân Như”. Nhận định chỗ đứng yên không chao động cho là cứu cánh, thế là một chưa tiêu mất vậy.

Có nhà sư hỏi Tổ Trường Sa Sầm: “Thức Thứ Sáu, Thứ Bảy và Thứ Tám, rốt ráo không có tự thể, thì sao lại nói là chuyển Thức Thứ Tám thành Đại Viên Cảnh Trí?”

Tổ Sa chỉ dạy bằng bài kệ:

“Bảy “sanh” y một “diệt”

Một “diệt” giữ bảy “sanh”

Một diệt, diệt cũng diệt

Sáu, bảy rốt không động”.

(Thất sanh y nhất diệt

Nhất diệt trì thất sanh

Nhất diệt, diệt diệc diệt

Thất lục vĩnh vô thiên).

Do đây mà xem, thì không những “Sáu mở, Một mất”, mà lại còn “Bảy mở, Một mất”. Vi diệu thay, vi diệu thay!

Kinh:

Tự tâm nắm [Giữ] tự tâm

Chẳng huyễn, thành pháp huyễn

Không giữ : không “chẳng huyễn”

“Chẳng huyễn” còn không sanh

Pháp huyễn làm sao lập?

Thông rằng: “Trong Chân Tánh, hữu vi là không. Do Duyên sanh nên như Huyễn”. Chân Tánh vốn là Không, sao lại có Huyễn sanh ra? Do vì Thức Thứ Tám, trong thì duyên với Chân Như, ngoài sanh ra các pháp hữu vi, nên là như Huyễn vậy. Kinh Giải Thâm Mật nói “A Lại Da Thức rất vi tế. Hết thảy chủng tử như dòng xiết. Ta chẳng khai diễn với phàm ngu. E họ phân biệt chấp làm Ngã”.

Đây là tự tâm chấp lấy tự tâm, chính là tự phân biệt mà chấp làm cái Ngã. Một khi đã chấp làm Ngã, thì ở trong cái chẳng phải huyễn lại sanh khởi pháp huyễn. Tánh trong lặng do đó mà phân, nút buộc do đó mà bắt đầu. Từ đó sáu Căn đuổi theo sáu Trần mà thành luân chuyển. Chẳng chấp lấy làm Ngã, thì cái chẳng-phải-huyễn còn không có, huống là cái huyễn do đâu mà lập? Lặng trong hợp vào lặng trong, đồng nguồn không hai, do đó mà sáu Căn thanh tịnh cùng mất đi cái Một vậy. Sáu Căn thuộc về huyễn, cái Một thuộc về chẳng-phải-huyễn. Một và Sáu đều tiêu mất, nên nói “Chẳng huyễn còn không sanh, Pháp huyễn làm sao lập?” Đây là sự chuyển Thức thành Trí, ở giữa khoảng nắm lấy và chẳng nắm lấy vậy.

Kinh Lăng Già nói “Phân biệt là Thức, vô phân biệt là Trí. Sanh diệt là Thức, Chẳng sanh diệt là Trí”. Chỉ không phân biệt thì đó là Chân Tánh bất sanh diệt. Do thế mà không bị Thức Ấm che chướng”.

Nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá: “Ngài Văn Thù cầm kiếm ở trước Đức Cù Đàm là thế nào?”

Tổ Hoàng Bá nói: “Năm trăm vị Bồ Tát đắc Túc Mạng Trí, thấy nghiệp chướng đời quá khứ. Năm trăm ấy là Ngũ Ấm của ông sanh ra đó. Bởi thấy cái nghiệp chướng túc mạng này, nên cầu Phật, cầu Niết Bàn Bồ Tát. Do đó, Ngài Văn Thù dùng Kiếm Trí Giải giết cái tâm có thấy Phật này vậy. Nên mới nói, “Ông khéo giết””.

Nhà sư hỏi : “Cái gì là kiếm?”

Tổ Bá nói : “Tâm Giải Thoát là kiếm”.

Nhà sư hỏi : “Tâm Giải Thoát đã là kiếm, dứt lìa cái tâm có thấy Phật, thì như cái hay dứt lìa cái tâm có thấy, làm sao trừ nó được?”

Tổ Bá nói: “Lại dùng cái Trí vô phân biệt của ông mà dứt lìa cái tâm có thấy phân biệt này”.

Nhà sư hỏi: “Như khởi ra cái tâm có thấy, có cầu Phật thì lấy kiếm Vô Phân Biệt Trí mà đoạn dứt; thế còn cái kiếm Trí ấy thì sao?”

Tổ Bá nói: “Nếu thật là Trí vô phân biệt giết được cái thấy có, thấy không, thì Trí vô phân biệt ấy cũng bất khả đắc”.

Nhà sư hỏi: “Không thể lấy Trí lại đoạn Trí, không thể dùng gươm để đoạn kiếm sao?”

Tổ bá nói: “Kiếm tự hại kiếm, kiếm kiếm hại nhau, tức là kiếm cũng bất khả đắc. Trí lại tự hại Trí, Trí Trí hại nhau, tức là Trí cũng bất khả đắc. Mẹ con chôn nhau, cũng là như thế”.

Các luận bàn vi diệu này, không những ở chỗ Nắm lấy không được phép ló đầu, mà ngay chỗ Chẳng nắm lấy cũng không có dấu vết. Nhỏ nhiệm càng nhỏ nhiệm thay? Cần thấu rõ như thế, mới có thể nói tới việc chuyển Thức Thứ Tám thành Đại Viên Cảnh Trí.

Kinh :

Đó là Diệu Liên Hoa

Bảo Giác Kim Cương Vương

Như huyễn Tam Ma Đề

Gẩy móng (tay) vượt Vô Học

Đây là pháp Vô Thượng

Một đường đến Niết Bàn

Của mười phương Chư Phật

Thông rằng: Ban đầu, Ông Anan nói rằng từ vô thủy đến nay cùng với các thứ Vô Minh cùng sanh cùng diệt, không thể hàng phục được sắc nạn của Cô Ma Đăng Già, mới ân cần cầu xin cái phương tiện đầu tiên là Xa Ma Tha, Tam Ma và Thiền Na để đắc thành Bồ Đề của mười phương Như Lai. Nay, mười phương Như Lai khác miệng đồng một lời rằng: “Ông muốn biết cái câu sanh Vô Minh khiến ông lưu chuyển, cái căn mối nút sanh tử đó, chính là sáu Căn của ông, không phải vật gì khác. Ông lại muốn biết cái Bồ Đề Vô Thượng khiến ông chóng chứng an lạc giải thoát, tịch tịnh diệu thường, thì cũng là sáu Căn của ông chứ không phải vật gì khác”. Như thí dụ ở trước về băng và nước. Nước đông lại thành băng, đâu có vật gì khác để làm thành băng? Băng tan thành nước, đâu có vật gì khác để làm ra nước?

Sáu cái làm môi giới cho giặc, tự cướp của báu nhà mình, đó là sáu Căn này vậy. Sáu mở Một mất, liền thành Chánh Giác, cũng là sáu Căn này vậy. Tức Vọng tức Chân, tức Chân tức Vọng, trong ấy có diệu ngộ. Một chữ Diệu rất khó dùng ngôn ngữ để hình dung, phải chuyển Thức thành Trí. Tương ưng với Tánh Giác Diệu Minh, Bổn Giác Minh Diệu mới có thể nói đến Bồ Đề Vô Thượng. Ví như hoa sen, mọc ra từ bùn mà chẳng dơ nhiễm. Hoa sen thường còn vậy, huống là hoa Ưu Đàm, khác hẳn tướng thế gian, gọi là hoa ứng điềm lành, để chỉ cho sự phát minh một con đường tối thượng. Nhập chỗ thấy biết của Phật mới lãnh nhận nổi.

Bảo Giác Kim Cương Vương, tức là Sơ Càn Tuệ Địa trong Tâm Kim Cương vậy. Kim Cương có thể phá hủy tất cả. Hàng Thập Địa đều gọi là Tâm Kim Cương, cũng vì là phá hủy cái “Địa” trước, tức cái gọi là gươm Huệ vậy. Một khi cái Giác này hiện ra, thì không những Vô Minh từ vô thủy diệt ngay, mà cái Phật Kiến, Bồ Tát Kiến cũng không có chỗ nào ló đầu ra nữa.

Tam Ma Đề là Chánh Định. Nói là như huyễn vì như người huyễn đang làm mà vốn không có chỗ nào làm. Tức là Tịch mà Chiếu, tức là Chiếu mà Tịch, quên Tình bặt Thức, không thể nghĩ bàn, tức là chỗ gọi là Kim Cương Tam Muội, văn, huân, tu vậy. Các pháp Xa Ma Tha, Tam Ma, Thiền Na nhiệm mầu này, độc chỉ bởi một phen ngộ. Một khi ngộ liền đến Phật địa, nên trong khoảng khảy móng tay mà vượt hàng Vô Học Nhị Thừa. Hàng Vô Học còn rơi vào công phu tu tập, còn chấp nơi Vô Kiến. Cái Chân Tánh này hiện tiền, thì hữu, vô đều lìa hết, vượt lên một lần là vào thẳng, chẳng còn mượn công phu thứ bậc, là Đốn Môn vậy. Như Thái Tử còn ở trong thai, đã quý hiển hơn hàng quan, hay như chim Tần Đà trong trứng, tiếng đã vượt hơn các loài chim. Há các loại thiền định, quán hạnh tầm thường có thể so sánh sao? Nên nói “Pháp không gì sánh này chóng chứng Tịch Thường vậy”.

Nhà sư hỏi Tổ Càn Phong: “Một đường vào Niết Bàn của mười phương Chư Phật, chưa rõ đầu đường ở chỗ nào?”

Tổ Phong lấy cây gậy vạch một nét, bảo: “Ở trong ấy”.

Nhà sư xin Tổ Vân Môn chỉ thêm.

Tổ Môn cầm cây quạt đưa lên nói: “Cây quạt nhảy tót lên tầng Trời Thứ Ba Mươi Ba, xây đắp các lỗ mũi của Đế Thích. Đánh con cá Lý Ngư ở biển Đông một gậy, mưa như cầm chậu đổ! Hiểu chăng? Hiểu chăng?”

Tổ Hoàng Nam nói: “Càn Phong một phen chỉ đường, giúp đỡ kẻ sơ cơ. Vân Môn thông suốt chỗ biến hoá, nên khiến người sau không mỏi mệt!”

Ngài Trúc Am tụng rằng: “Càn Phong khỏi dùng sự chỉ bày. Vân Môn thôi đánh đồ vặt vãnh. Tự nhiên con Lý Ngư ở biển Đông xây đắp lỗ mũi của Đế Thích”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

“Vào tay phương thuốc để cứu đời

“Hương hoàn hồn” muốn cứu nguy ngay

Một mai toát mồ hôi khắp hết

Mới tin ai chẳng tiếc lông mày”.

Đây là việc gì mà há nên nói lý giải thoát khiến người vào được? Cần phải tự mình khai ngộ thấu suốt mới được cái kỳ diệu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567