Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần Thứ Hai: Phần Chánh Tông

23/11/201217:05(Xem: 8965)
Phần Thứ Hai: Phần Chánh Tông

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

MỤC MỘT: GẠN HỎI CÁI TÂM

I. NGUYÊN DO CỦA THƯỜNG TRỤ VÀ LƯU CHUYỂN.

Kinh: Phật bảo Ông Anan: “Ông với Ta đồng phái, tình như anh em ruột. Khi ông mới phát tâm, thì ở trong Phật Pháp, thấy tướng tốt gì mà bỏ được những ân ái sâu nặng của thế gian?”

Ông Anan bạch Phật: “Tôi thấy ba mươi hai tướng của Như Lai tốt đẹp lạ thường, hình thể sáng suốt như ngọc lưu ly. Thường tự suy nghĩ : tướng ấy không thể do Dục Ái sanh ra. Vì sao? Thứ dâm dục nhơ nhớp, tanh hôi kết cấu, máu mủ xen lộn, làm sao sanh được thân vàng chói trong sạch sáng ngời như vậy, nên tôi khao khát ngưỡng mộ xuống tóc mà theo Phật”.

Thông rằng: Ông Anan nhờ có cái suy nghĩ này làm gốc rễ cho tâm đạo ban đầu, nên khi gặp huyễn thuật, chẳng có quá đỗi hoa mắt mê loạn, dù đã vào nhà dâm mà chưa phá hủy Giới Thể. Nhưng chỉ lấy ba mươi hai tướng tốt mà thấy Như Lai, không khỏi dùng Sắc mà thấy, lấy Tiếng mà cầu, nên còn trong tà giải, đối với Chân Pháp Thân của Phật còn xa xôi lắm. Thiền sư Tùy Châu Pháp Vi thượng đường [Lên tòa thuyết pháp.] rằng: “Cái Pháp Thân không có hình tướng, chẳng thể dùng âm thanh tìm cầu. Diệu đạo tuyệt hết lời nói, đâu phải lấy văn tự mà hiểu. Cho dù siêu Phật, vượt Tổ vẫn còn rơi vào thềm bực. Dù cho có nói diệu, bàn huyền rốt cuộc cũng treo môi răng. Cần phải: chỗ công đức chẳng hưởng chút công lao, hình ảnh vết tích chẳng còn lưu lại; cây khô hang lạnh [Đây là lời nói ý của một vị Tổ trong tích Bà Tử Thiêu Am - một công án. Tích rằng: Xưa, có một người bà tử (bà goá) Cung cấp cho một vị am chủ trải qua hai mươi năm. Một ngày kia, sai đứa tớ gái hỏi: “Hiện nay như thế nào?”. Am chủ đáp: “Cây khô héo dựa hang núi lạnh. Ba năm (mùa lạnh) Không hơi ấm (Khô mộc ỷ hàn nham. Tam đông vô noãn khí)”. Tớ gái về thuật lại y như vậy. Bà nói : “Ta hai mươi năm đã dâng cúng cho đứa phàm tục ấy”. Bèn bảo đuổi đi, rồi liền đốt cái am. Đây là lời tỏ ý nên đạo rồi của Tổ mà bà góa ấy không hiểu đó thôi.] rốt thảy vô tri; người huyễn ngựa gỗ, tình thức đều không. Chừng ấy mới thỏng tay vào chợ, chuyển thân loài khác. Không thấy đạo, thì: “Nơi đất vô lậu nào ở được. Đành về cát lạnh khói sương nằm”.

Đối với chỗ này tỏ hiểu thì nào phải đợi thấy cái thân vàng chói trong sạch mới gọi là Như Lai ư?

Kinh : Phật dạy: “Lành thay, Anan! Các ông phải biết: tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, sống chết nối nhau, đều do không biết cái Chân Tâm Thường Trụ [Hằng còn], Thể Tánh vốn trong sạch sáng suốt, mà lại dùng các Vọng Tưởng. Các tưởng này chẳng chân thật, nên mới có sự chuyển động trôi lăn.

Thông rằng: Ông Anan ân cần, tha thiết thưa hỏi Pháp Môn Vi Diệu Xa Ma Tha, Tam Ma, Thiền Na là những phương tiện ban đầu nhờ đó mười phương Như Lai đắc thành Chánh Giác. Chính là muốn biết cái Chân Tâm Thường Trụ, Tánh Thể trong sạch sáng suốt, là cái Bản Thể Bất Diệt không bị xoay chuyển luân hồi. Ông đã nói “Tướng ấy chẳng phải do Ái Dục sanh ra”, là đã hiểu rõ rằng Dục Ái nhơ nhớp, Vọng Tưởng tạp loạn chính là cái gốc rễ Sanh Tử từ vô thủy đến giờ. Cho nên Phật mới khen rằng “Lành thay!” Cái Chân Tâm Thường Trụ, vốn không sanh ra và diệt mất. Vừa khởi vọng tưởng liền nhập luân hồi. Không phải chỉ có Dục Ái nặng nề, nghiệp dữ đa mang đều chẳng phải chơn, mà bậc Thanh Văn, Duyên Giác chưa hết lòng chấp trước thì cũng đều là Vọng. Vọng tưởng hết sạch thì Tánh Thể sáng suốt, vốn tự Vô Sanh, làm sao mà có luân chuyển. Toàn cả bộ kinh đều phát minh ý chỉ này. Cho nên, biết cái Chân Tâm Thường Trụ, tức là Thấy Tánh, Thấy Tánh thì Vô Sự vậy.

Ngài Linh Vân [Tổ Chí Cần thiền sư, đời Đường, ở núi Linh Vân. Ban đầu ở Ngụy Sơn, nhân thấy hoa đào mà tỏ ngộ đạo] thượng đường dạy: “Hỡi các nhân giả, hễ có dài có ngắn là chẳng có Thường. Hãy xem bốn mùa hoa cỏ, hoa nở lá rơi. Xưa nay trời người bảy nẻo, Đất Nước Gió Lửa, thành hoại chuyển vần, nhân quả nối nhau, ba đường ác khổ, mảy lông cọng tóc chưa từng thêm bớt, chỉ có cái gốc thần thức là thường còn. Hạng Thượng Căn gặp bạn lành soi sáng, ngay đây là Giải Thoát, trước mắt là đạo tràng. Bực Trung, bực Hạ si mê ám độn, chẳng soi suốt được, mê chìm trong ba cõi, luân chuyển tử sinh. Đức Thích Tôn vì họ, tất cả Trời người, mà dạy dỗ chứng minh, tỏ bày con đường Vô Thượng. Các ông lại am hiểu chăng?”

Có vị tăng hỏi: “Làm sao để ra khỏi Sanh Lão Bệnh Tử?”

Ngài đáp:

“Núi xanh nguyên chẳng động

Mặc tình mây qua lại”.

(Thanh sơn nguyên bất động

Phù vân nhậm khứ lai).

Câu này đủ để chú thích đoạn kinh trên. Không thể thêm bớt một chữ.

Kinh: “Nay ông muốn học đạo Bồ Đề Vô Thượng, phát minh Chơn Tánh thì phải lấy Tâm Ngay Thẳng (Trực Tâm) mà trả lời chỗ Ta hỏi. Mười phương Như Lai đồng một con đường mà ra khỏi Sanh Tử đều là bởi Tâm Ngay Thẳng. Tâm mà nói là Ngay Thẳng, tức là từ địa vị đầu tiên cho đến cuối cùng, suốt trong khoảng giữa, cứ như thế, một mực không có những tướng quanh co.

Thông rằng: Hiệp Luận nói: “Ở đây, đặc biệt nói là Chân Phát Minh Tánh, vậy thì cũng có Vọng Phát Minh Tánh sao? Có chứ. Làm sao để phân biệt? Đáp: Vô tâm tùy mặc xoay vần mà khắp biết, vốn mầu nhiệm sáng soi mà hằng vắng lặng, ấy là Chân Phát Minh Tánh”. Chỗ nói “Mười phương Như Lai đều cùng một đường mà ra khỏi Sanh Tử đều do Trực Tâm” là thế. Còn nghịch với thời tiết, bỏ lỡ nhân duyên, lấy vọng tưởng mà gắng gượng hiểu biết, là Vọng Phát Minh Tánh. Chỗ nói “Dùng các vọng tưởng, vọng tưởng này chẳng chân thật nên có luân hồi” chính là thế. Vốn là một Thể, nhưng bởi vì không có tự tánh, không có thời gian, nên tùy chỗ dùng mà có sai khác đó thôi. Tùy mặc xoay vần, hằng hằng vắng lặng mà Hay Biết, ắt hợp với Bổn Tánh [Cái đức tánh xưa nay có lâu rồi vậy.] nhiệm mầu. Nghịch thời lỡ duyên mà Biết, ắt hợp với Trần Cảnh hư vọng.

Ngài Mã Minh [Nhà Đại Thừa luận sư ra đời 600 năm sau khi Phật nhập tịch. Tên tiếng Phạn là As’vaghosa. Học trò của Hiếp trưởng lão] dạy: “Cái Bổn Tánh vốn trong sạch, bởi vì Vô Minh bất giác mà hiện ra tướng tâm ô nhiễm. Tuy có tâm ô nhiễm, Bổn Tánh vẫn thường sáng suốt trong sạch. Cái tướng của tâm ô nhiễm là vô minh đang hiện hành. Còn Bổn Tánh sáng sạch là cái Trí Thể Bất Động”.

Có vị tăng hỏi Tổ Vân Am: “Luận Tạp Hoa nói: Cái vô minh đang hiện hành tức là Như Lai Bất Động Trí. Điều này thật khó tin, làm sao hiểu được?”

Khi ấy có một đồng tử đang quét đất.

Tổ Am bèn gọi. Đồng tử quay đầu lại.

Tổ Am nói: “Chẳng phải là Bất Động Trí đó sao?”

Lại hỏi: “Cái Phật Tánh của ngươi như thế nào?”

Đồng tử nhìn qua trái, qua phải, như không vậy rồi bỏ đi.

Tổ Am nói: “Chẳng phải là vô minh hiện hành đó sao?”

Chân Phát Minh Tánh ấy, như ánh sáng của hạt minh châu, thường tự soi hạt châu. Đức Khổng Tử dạy “Không nghĩ quấy”, là cũng gần giống vậy. Còn Vọng Phát Minh Tánh thì ví như phương Đông trời sắp sáng, trong khoảng lờ mờ, có chút bóng sắc. Kinh Dịch nói “Chỗ mờ tối hỗn tạp mà sáng”, là gần giống vậy.

Kinh: “Anan, nay Ta hỏi ông: “Đương khi ông do ba mươi hai tướng của Như Lai mà phát tâm thì ông lấy cái gì mà thấy và cái gì ưa thích?”

Thông rằng: Đây là chỗ từ từ dẫn dụ trước hết của Thế Tôn. Đức Thế Tôn há chẳng biết rằng “Sự Thấy thuộc về con mắt, ưa thích thuộc về cái tâm” hay sao? Nhưng cái “Thấy Có” đó, là cái Thấy về hình tướng hữu vi. Cái “Có chỗ ưa thích” ấy, là cái ưa về hình tướng hữu vi. Nên hỏi ai thấy, ai yêu, cốt để Anan ngay lúc ấy nhận ra và nắm lấy con người thực xưa nay của mình vậy. Nếu có thể hồi quang phản chiếu, tìm cầu cái Thấy ấy, chợt hiểu Bất Khả Đắc, hết thảy ưa muốn vốn chưa từng có gốc rễ, tức thì nhập ngay vào Định Thủ Lăng Nghiêm. Thế chẳng khoái sao? Về sau, nhà Thiền hay dùng cái cơ chốt này.

Có nhà sư hỏi Tổ Bá Trượng [Tổ Đại Trí Hoài Hải thiền sư, đời Đường, ở núi Bá Trượng, nối kế mối pháp thế đức Mã Tổ Đạo Nhất thiền sư. Tổ chế lập phép thức thiền môn đầu tiên, gọi là Bá Trượng Thanh Qui. Tổ để lại nhiều công án như Bá Trượng Giả Hồ, Bá Trượng Tam Nhựt Nhĩ Lung... ]: “Như sao là Phật?”

Tổ Trượng hỏi : “Ông đó là ai?”

Đáp: “Tôi đây vậy”.

Tổ Trượng rằng : “Ông biết cái Tôi đó chăng?”

Đáp: “Rõ ràng vậy”.

Tổ Trượng bèn dựng đứng cây phất tử [Vật biểu hiện chức trụ trì.] lên, rằng: “Ông lại thấy chăng?”

Đáp: “Thấy”.

Tổ Trượng bèn chẳng thốt lời nào.

Chỗ hỏi của vị tăng là Phật, mà Tổ Trượng lại chẳng nói gì đến Phật, chỉ ở Chỗ Thấy của vị tăng mà nhắc nhở. Một tắc này, rõ ràng bày tỏ được cái khuôn mẫu của Lăng Nghiêm.

Kinh: Anan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, sự ưa thích đó là dùng cái tâm và con mắt của tôi. Do mắt thấy tướng tốt của Như Lai, tâm sinh ưa thích, nên tôi phát tâm nguyện lìa bỏ sanh tử”.

Phật bảo Ông Anan: “Như chỗ ông nói, thật do tâm và con mắt mà có ưa thích. Nếu không biết tâm và mắt ở đâu, thì chẳng dẹp được trần lao. Ví như bậc quốc vương bị giặc xâm lăng, phát binh đánh dẹp, thì binh ấy cần nhất phải biết chỗ ở của kẻ giặc. Khiến ông bị luân hồi, thì tâm và mắt là thủ phạm. Nay ta hỏi ông: “Tâm và mắt ấy hiện ở chỗ nào?”

Thông rằng: Chỗ hỏi của Thế Tôn là riêng tỏ về chỗ Hướng Thượng Nhất Lộ [Tông thừa, yếu chỉ nhà thiền, gọi chung là hướng thượng nhất lộ (ngoảnh lên một đường)]. Nói “Lấy cái gì mà thấy, lấy ai ưa thích”, rõ ràng là chỉ thẳng mặt trăng. Chỗ đáp của Ông A Nan chưa rời khỏi thường tình, chỉ biết hợp theo Trần mà chẳng biết hợp với Giác. Xoay lưng lại với Giác mà hiệp theo Trần, là lỗi của ai? Sáu Giặc (sáu Căn) làm môi giới, tự cướp lấy của báu nhà mình. Cho nên, chỗ Ông Anan nói “Tâm và Mắt”, chỉ là Căn và Thức, lôi kéo theo trần lao, lưu chuyển cùng sanh tử. Cái Thường Trụ Chân Tâm [Cái Tâm Chân Thật không sanh ra, không diệt mất.] như vua trong nước, vì bị giặc xâm lấn, nên vốn trong sạch mà gọi là dơ, vốn sáng soi mà gọi là mờ ám. Tâm và mắt thật là lũ giặc của Chân Tánh vậy. Do đó, phải thấu đến cùng sào huyệt của chúng mà diệt trừ. Nghịch dòng trôi lăn, giữ tròn Chân Tánh, Lục Dụng (sáu Thức) chẳng hiện hành, mà phát ra sự sáng rỡ trong sạch vốn có, sáu Căn đồng dùng thay lẫn cho nhau, con mắt thịt do cha mẹ sanh ra thấy suốt mười phương, thì còn đâu các lỗi bị lưu chuyển nữa!

Thiền sư Tử Hồ Tung có đêm la lớn : “Có cướp! Có cướp!”

Đệ tử choàng dậy tranh nhau đuổi bắt. Ngài chụp lại một người, nói rằng: “Bắt được một tên rồi”.

Người đệ tử ấy nói: “Không phải đâu, chính là tôi đây”.

Ngài buông ra nói rằng: “Chính là [Thị tức thị, thì phải rồi]”.

Chỉ bởi vì chẳng chịu nhận lấy đó thôi!

Cho nên, nếu chịu nhận lấy thì giặc cướp tức là con cái. Chẳng thể kham lấy, con cái trở lại làm giặc. Đoạn thuyết thoại này đối với chuyện vị quốc vương đem binh trừ giặc, thật là một phen hý lộng, riêng cho bực có mắt đó thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567