Tây Tạng Tự - Bình Dương
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư
PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG
CHƯƠNG IV:KHAI THỊ CÁC ĐỊA VỊ TU CHỨNG
Mục 2: An Lập Các Thánh Vị
VI. TỨ GIA HẠNH
Kinh: “Anan, người thiện nam đó tu hết bốn mươi mốt tâm thanh tịnh ấy rồi, tiếp đến thành tựu bốn thứ Gia Hạnh Diệu Viên: tức lấy Phật Giác dùng làm tâm mình, như ra mà chưa ra, cũng như dùi cây cho ra lửa để đốt cái cây, gọi là Noãn Địa.
Thông rằng: Bốn mươi mốt tâm ở trên, từ Càn Huệ đến Mười Hồi Hướng lần hồi sửa trị, lần hồi điều phục, đào thải phàm tình, đã thành cùng cực thanh tịnh. Nhưng Thánh vị khó lên, Thánh quả khó chín muồi. Đến miếng đất này, Thần không thể xét đến, “Hóa chẳng thể giúp tăng trưởng. An nhiên mà thong dong, chờ cái tự nó đến mà thôi vậy.
Đức Thế Tôn nhiều kiếp tu hành, suốt thấu rõ ràng chỗ huyền vi, ở đây lại lập ra bốn thứ Gia Hạnh Diệu Viên. Giữa khoảng sắp thành tựu và chưa thành tựu, quả thực là có bốn địa vị này, chẳng phải là Phật nhãn thì ai mà biện biệt ra được?
Ở trước, nói “Giác bằng cái Giác của Phật”, ấy là ở trong tâm rõ ràng mà chưa thể dùng được. Đến đây thì “Lấy Phật Giác dùng làm tâm mình”, đưa lên xem ngắm mà chẳng ra, giống như dùi cây cho ra lửa mà cây chưa cháy, nên gọi là Noãn [Noãn: ấm] Địa. Lửa có ra thì cũng vô tâm, dùi lâu thì cây tự cháy. Giác mà dùng thì cũng vô ý, Định lâu thì Huệ tự hiện, trong khoảng ấy chẳng để cho sức người góp vào vậy.
Tổ Thúy Nham Chân thượng đường, nêu lên bài tụng của Tổ Long Nha rằng: “Học đạo như dùi lửa, thấy khói chưa thể ngừng, chờ đến Kim Tinh hiện, về nhà mới đến nơi!” Và bài tụng của Tổ Thần Đỉnh rằng: “Học Đạo như dùi lửa, thấy khói có thể dừng, chớ chờ Kim Tinh hiện, cháy cẳng lại cháy đầu!”
Tổ Chân nói: “Nếu luận Đốn thì Long Nha quả ở nửa đường! Nếu luận Tiệm thì Thần Đỉnh mới ngộ ít. Ở đây thì thế nào? Này các nhân giả, năm nay nhiều lá rụng, chỗ nào quét về nhà?”
Theo chỗ thấy của Ngài Thúy Nham, cháy chẳng hết thì hiện củi, dùng chẳng hết thì hiện lửa, thế dùng sự dùi làm chi? Tuy thế, phải là người xuất cách mới xong!
Kinh: “Lại lấy tâm mình thành chỗ hành vi của Phật. Hình như nương mà chẳng phải nương, như lên núi cao, thân đã vào hư không mà bên dưới còn chút ngăn ngại, gọi là Đảnh Địa.
Thông rằng: Chỗ thấy cùng Phật không khác, nhưng còn phải quý trọng hành vi cho tương xứng. Nếu đã có thể lấy cái Giác của Phật dùng làm tâm mình thì có thể lấy tâm mình thành chỗ hành vi của Phật. Ở nơi hỗ tương đối đãi mà nói thì vì còn có cái thấy của Phật, của mình nên hình nhưng nương mà chẳng phải nương, là thấy có quy tắc của Phật. Hình như nương nơi Phật thì đó chỉ là quy tắc của mình. Nếu không có chỗ nương, đó là hành vi của Phật không vết tích. Nay có chút so nghĩ, tính toán, bởi vì lằn vết chưa mất. Giống như lên núi cao, thân đã vào hư không mà bên dưới còn chút ngăn ngại.
Cho là Nương thì thân ở hư không nên chẳng phải nương vậy. Cho là Chẳng phải nương thì chân còn dẫm trên đảnh nên chẳng phải là Không nương. Sắp vào chỗ Thần Hóa mà còn chút đầu lông chưa tiêu dung, nên hình như có ngăn ngại. Kinh Đại Bát Nhã cho sự chấp trước hư không là Pháp Thân gọi là Đỉnh Đọa, rơi nơi đỉnh, chính thật tương đương với chỗ này.
Nhà sư hỏi Tổ Triệu Châu: “Như sao là cô đỉnh Diệu Phong?”
Tổ Châu nói: “Lão tăng không đáp câu ấy của ông”.
Hỏi: “Vì sao không đáp câu ấy?”
Tổ Châu nói: “Ta đáp cho ông, sợ rơi trên đất bằng”.
Ý vị thay! Rõ ràng đã đáp rồi vậy.
Về sau, hai Ngài Bửu Phước và Trường Khánh đang dạo núi.
Ngài Bửu Phước lấy tay chỉ, nói: “Chỉ trong ấy bèn là đỉnh Diệu Phong!”
Ngài Trường Khánh nói: “Đúng là như vậy thì đáng tiếc cho!”
Có nhà sư kể lại với Ngài Cảnh Thanh. Ngài Cảnh Thanh nói: “Nếu chẳng phải là bậc Tôn Công thì thấy sọ khô đầy đồng!”
Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:
“Diệu Phong cô đảnh cỏ dẫy đầy
Nêu được rõ ràng, phó chúc ai?
Chẳng phải tôn công phân đích xác
Sọ khô đầy đất, mấy ai hay!”.
Tôn Công Trường Khánh khá tiếc cho chính là sợ rớt trên đất bằng. Nếu rớt nơi đất bằng mà thương lượng thì trước sọ khô thấy quỷ ma vô số!
Lại như Tổ Động Sơn hỏi nhà sư: “Chỗ nào đến?”
Đáp: “Dạo núi đến”.
Tổ Sơn nói: “Có đến đỉnh chăng?”
Đáp: “Dạ có đến”.
Tổ Sơn nói: “Trên đỉnh có người không?”
Đáp: “Không người nào”.
Tổ Sơn : “Như vậy chắc chưa tới đỉnh”.
Đáp : “Nếu chưa tới đỉnh sao biết là không người?”
Tổ Sơn : “Sao chẳng ở (trụ) lại?”
Đáp : “Tôi chẳng từ chối ở, chỉ vì Tây Thiên có người chẳng chịu”.
Tổ Sơn nói : “Vậy mà lâu nay ta lại nghi gã ấy!”
Như nhà sư này, đến đỉnh chẳng trụ thì còn gì ngăn ngại? Tức là cái hoạn nạn Đỉnh Đọa còn không có, lo gì tai họa Đất Bằng ư?
Kinh: “Tâm, Phật cả hai đồng, khéo được Trung Đạo, giống như người biết nhẫn nhịn, chẳng phải ôm ấp, chẳng phải phát ra, gọi là Nhẫn Địa.
Thông rằng: Tâm mình và hành vi Phật, cả hai dấu vết đều dung thông, hòa thành một thể, không còn ngăn ngại. Đã không phải Tức Tâm tức Phật, cũng không phải Phi Tâm phi Phật, chỉ nói là “Chẳng phải vật”, đó chỗ gọi là Trung Đạo.
Ban đầu thì ngay chính giữa mà lần vào, cho đến khi Trung Đạo thuần chân. Thứ lớp Tín, Trụ, Hạnh, Hướng đến đây mới có thể khéo được Trung Đạo. Gọi là Khéo được thì chẳng phí mảy lông công lực, ấy là đắc cái Không-chỗ-đắc. Đã không chỗ đắc thì cũng không chỗ thuyết. Như người nhẫn nhịn, đã không ôm ấp lòng nghi mà cũng không nói ra, chỉ có im lặng ẩn chứa mà thôi, nên gọi là Nhẫn Địa.
Quan Long Đồ tên là Vương Tiêu, tự là Quan Phục, một hôm ở chùa Chiêu Giác, nghe tiếng bản ra thiền mà có tỉnh ngộ.
Bèn hỏi Tổ Nam Đường: “Tôi có cái chỗ-thấy, bỗng bị người hỏi, lại mở miệng chẳng được, chưa rõ lỗi ở đâu?”
Tổ Đường nói : “Lỗi tại có cái chỗ-thấy”.
Tổ hỏi lại : “Ông đến nhậm chức hồi nào?”
Ông đáp : “Dạ ngày mồng Bốn tháng Tám năm ngoái”.
Tổ lại hỏi : “Ông rời nhiệm sở khi nào?”
Đáp rằng : “Ngày Hai Mươi tháng trước”.
Tổ Đường nói : “Vậy tại sao nói là mở miệng chẳng được?”
Ông Tiêu bèn khế ngộ.
Ông Vương Long Đồ tương tự chứng Nhẫn Địa, nhờ vài câu của Tổ Nam Đường mà chỗ-thấy liền mất.
Nhưng cũng có trường hợp đã siêu quá Nhẫn Địa mà chưa thấu thoát. Như Ngài Ngũ Tổ Diễn được Ngài Phù Sơn Viễn chỉ đến ra mắt Tổ Bạch Vân Đoan. Ngài Ngũ Tổ Diễn đem chuyện nhà sư hỏi Tổ Nam Tuyền về ngọc ma-ni để xin bày dạy yếu nghĩa. Tổ Đoan liền quát nạt cho. Ngài Diễn lãnh ngộ, trình bài kệ Đầu Cơ rằng :
“Trước non một mảnh đất đai nhàn
Hầu Tổ chấp tay bạch hỏi han
Tự bán bao phen rồi mua lại
Vì thương tùng trúc giỡn gió trong”.
Tổ Đoan đặc biệt ấn khả, cho làm tri sự trong chùa. Chẳng bao lâu, Tổ Đoan đến nói rằng : “Có mấy vị thiền khách ở Lư Sơn tới, đều có chỗ ngộ nhập. Bảo y nói, cũng nói được có mối manh. Nêu nhân duyên hỏi y, cũng bày tỏ được. Bảo y hạ một câu chuyển ngữ, cũng buông ra được. Chỉ có điều là chưa ở trong đó”.
Ngài Diễn ở chỗ này phát đại nghi, tự suy nghĩ rằng: “Đã ngộ rồi thì cũng nói được, rõ cũng đã rõ, thế sao lại chưa ở trong đó?”
Bèn tham cứu lâu ngày, bỗng nhiên tỉnh ngộ, lòng tiếc của báu trước kia một phen buông bỏ hết, chạy đi tìm Ngài Bạch Vân Đoan. Tổ Đoan dậm chân múa tay. Ngài Diễn cũng cười xòa một tiếng mà thôi.
Tổ Diễn về sau nói với người ta rằng: “Tôi nhờ đó mà ra khỏi một xác chết, liền rõ được cái việc chở gió trong”.
Thế nên biết, mảy tơ chưa hóa thì vẫn còn Lý Chướng. Bốn thứ Gia Hạnh diệu viên như thế, đâu chỉ có bốn mối ư?
Kinh: “Số lượng tiêu diệt, sự Mê, Giác và Trung Đạo cả hai đều không danh mục, ấy là Thế Đệ Nhất Địa.
Thông rằng: Tâm, Phật cả hai đồng, là đã quên đây, kia; khéo đắc Trung Đạo là đã lìa hai bên. Nhưng có hai cái đồng nhau, thế là còn tin tức trong đó. Đó là số lượng, đó là danh mục vậy. Số lượng là chỗ thế nhân có thể đo lường, danh mục là chỗ thế nhân có thể chỉ ra, tức là chẳng vượt khỏi thế gian.
Phật Thân là vô vi, chẳng rơi vào số lượng. Tiêu diệt số lượng đo đếm đi thì chẳng có việc rơi vào vậy. Sao gọi là tiêu diệt? Cái gì có Đồng, có Khác, có Mê, có Giác, có Được, có Mất đều thuộc vào số lượng, đều có thể xếp thành danh mục. Hiện nay độc chỉ khéo đắc Trung Đạo, nên không thể cho đó là Mê, lại sắp cùng với chỗ sở đắc mà quên mất, nên không thể cho đó là Giác. Chẳng thể suy đoán, chẳng thể hình dung, chính là chỗ chân thực tiêu diệt mọi số lượng vậy.
Cái chỗ tình suy lượng của thế nhân có thể đến, là biết có Phật, biết có Đạo mà thôi. Nay nói: “Tâm chẳng phải Phật, Trí chẳng phải Đạo”, thì chỗ nào đâu mà suy nghĩ dung thân? Cái chỗ mà danh mục của thế nhân có thể thấy đến là đồng như vậy, đắc như vậy mà thôi. Nay nói, “Đồng không chỗ đồng, đắc không chỗ đắc”, thì chỗ nào đâu để trộm thấy cái nhiệm mầu?”
Đến đây thì Nội Phàm đã hết, sắp vào Thánh vị. Chỉ có Thánh mới biết được Thánh, chẳng phải ý kiến người đời mà trộm thấy được, vì cao vượt cái cao của người đời, nên gọi là Thế Đế Đệ Nhất Địa. Nếu vào Thập Địa, đến tột Diệu Giác thì lại gọi là Xuất Thế Đệ Nhất Địa.
Có nhà sư hỏi Tổ Động Sơn: “Trong ba Thân, Thân nào chẳng sa vào số lượng?”
Tổ Sơn nói: “Ta thường ở trong ấy không cách hở”.
Ngài Thiên Đồng tụng rằng:
“Chẳng nhập thế, chưa theo duyên
Kiếp bầu “Không Xứ” có gia truyền
Sông thu gió nhẹ, rau tần trắng
Bến cổ thuyền chiều một giải sương”.
Bài tụng này ở chỗ chẳng rơi vào số lượng lại càng thân thiết.
Thiền sư Đồng An Chí kế thừa Tổ Đồng An Phi. Khi sắp thị diệt, Tổ Phi thượng đường nói: “Trước Đa Tử tháp [Chỗ Phật phân nửa tòa ngồi với Tổ Ca Diếp] toàn con cháu tuấn tú, việc của năm vị trưởng lão tiền bối là thế nào?”
Nói ba lần, không ai đối đáp được.
Cuối cùng Ngài Đồng An Chí bước ra, nói: “Đêm sáng ngoài rèm bày trải vững, muôn dặm vui ca đạo thái bình”.
Tổ Phi nói : “Phải là cái tên lừa ấy mới được”.
Sau, khi trụ trì, có nhà sư hỏi Ngài: “Chỗ hai cơ chẳng đến, cử xướng thế nào?”
Tổ Chí nói: “Khắp nơi chẳng gặp, trong Huyền chẳng mất”.
Ngài Đơn Hà tụng rằng:
“Mé kia bờ nọ khó tương phùng
Vô tư hai chữ cũng không trong
Vầng hồng Tây lặn ngoài kia núi
Luống lưu cô ảnh chiếu khe đông”.
Chỗ này thì Mê-Giác và Trung Đạo, cả hai đều không chỗ chỉ gọi, chính là chỗ hai cơ duyên chẳng đến nơi. Nhưng Ngài Đồng An Chí thì hai bên chẳng lập, Trung Đạo chẳng dừng, sắp Trung Đạo cũng chẳng ở. Thế mới là Chân Tông Vô Trước [Không dính mắc], trong tông môn là cao tột thứ nhất. Đâu phải chỉ là Thế Đệ Nhất Địa mà thôi sao?