Tây Tạng Tự - Bình Dương
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư
PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG
CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU
Mục 3: Hỏi Đại Chúng Về Viên Thông
XXIV. VIÊN THÔNG VỀ KIẾN ĐẠI
Kinh: Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với năm mươi hai vị Bồ Tát đồng tu liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng: “Tôi nhớ hằng sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời, hiệu Vô Lượng Quang. Thuở ấy, mười hai vị Như Lai kế nhau thành Phật trong một kiếp. Đức Phật sau cùng, hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang, Ngài dạy tôi pháp Niệm Phật Tam Muội. Ví như có người, một bên thì chuyên nhớ, một bên thì chuyên quên thì hai người ấy, dầu gặp cũng như không gặp, dầu thấy cũng là không thấy. Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ mãi, khắc sâu và tâm niệm, như thế từ đời này qua đời khác, như hình với bóng, chẳng hề xa cách nhau, mười phương Như Lai thương tưởng chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh tuy nhớ cũng chẳng được gì. Con mà nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con không hề ngăn cách. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện giờ hay mai sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa. Chẳng nhờ phương tiện, tâm tự khai ngộ, như người ướp hương, thân có mùi thơm. Đây gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Nhân Địa Căn Bản của tôi là dùng Tâm niệm Phật, vào Vô Sanh Nhẫn. Nay tôi ở cõi này tiếp dẫn người niệm Phật về nơi Tịnh Độ.
“Phật hỏi về Viên Thông, tôi không riêng lựa chọn mà nhiếp trọn cả sáu Căn, tịnh niệm nối tiếp nhau, đắc Tam Ma Địa. Đó là Thứ Nhất”.
Thông rằng: Quán kinh nói, “Dùng ánh sáng Trí Huệ, chiếu khắp tất cả. Nay rời ba đường, được Vô Thượng Lực, gọi là Đại Thế Chí”. Bạn đồng tu có năm mươi hai vị Bồ Tát cũng đủ để chứng nghiệm chuyện vãng sanh Tịnh Độ là dễ thành tựu. Phàm người niệm Phật không được trong khoảnh khắc như gảy móng tay mà thấy Phật, chỉ vì niệm năm Dục thế gian, đó là niệm trói buộc. Còn tịnh niệm kế tiếp nhau, như con nhớ mẹ, thì ngay hiện giờ hay về sau nhất định thấy Phật. Miệng niệm tâm nhớ, tai mắt chuyên nhất, mỗi mỗi oai nghi, đều nhiếp trọn cả sáu Căn, nhất tâm không loạn. Trong chánh định như thế, chắc chắn thấy được Phật, cách Phật không xa, ánh sáng Trí Huệ rực rỡ, chẳng mượn tu hành mà tự thành khai ngộ, như người xông ướp hương, chẳng mong thơm mà tự thơm. Đây là nguyện lực của Phật A Di Đà nhiệm mầu không thể nghĩ bàn vậy.
Ngài Đại Thế Chí đã dùng Tâm niệm Phật mà đắc Vô Sanh Nhẫn. Lại tiếp dẫn người niệm Phật về Tịnh Độ, thì tự giác giác tha đầy đủ Hạnh Bồ Tát chân thật.
Sáu Căn đều thuộc về Kiến Phần. Ở đây chú trọng về sự thấy Phật, nên dùng Kiến Đại để mà thu nhiếp. Kiến Đại sao lại để sau Thức Đại? Bởi vì trước phải chuyển Thức Thứ Tám để chứng Hậu Đắc Trí rồi sau chuyển năm Thức trước. Đã chuyển Thức thành Trí, sanh về Tịnh Độ của Phật là cái quả cùng cực, cớ sao ở sau lại còn pháp môn Xoay Lại Cái Nghe của Đức Quan Âm? Phàm cái chỗ quý báu của chuyện vãng sanh Tịnh Độ, chứng Viên Thông thì không phải chẳng những tự cho mình mà thôi, mà là độ thoát chúng sanh. Ắt như ba mươi hai Ứng Thân, chốn chốn nơi nơi đều là Tịnh Độ, đều chứng Viên Thông, thì sau mới tròn đủ quả Phật vậy.
Thiền sư Vĩnh Minh Thọ, thuở nhỏ tụng kinh Pháp Hoa, năm Hạnh [Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Chỉ Quán] đầy đủ trong sáu tuần lễ. Sau tham học với Thiều quốc sư, phát rõ tâm yếu, đến ngọn núi Thiên Thai của Ngài Trí Giả tu định trong chín tuần [Tuần: muời ngày], chim chóc làm tổ trên áo. Ngài làm hai cái thăm, khấn bói: một là, một đời thiền định; hai là, tụng kinh, muôn thiện trang nghiêm Tịnh Độ. Rồi chí thành cầu nguyện, bảy lần đều rút được tụng kinh, muôn thiện. Bèn chuyên tu Tịnh Nghiệp. Tụng kinh ba năm, trong lúc thiền quán, thấy Đức Quan Âm rót cam lồ vào miệng, bèn được biện tài.
Vua Trung Ý thỉnh Ngài trụ trì chùa Linh Ẩn, hai năm sau sang chùa Vĩnh Minh. Khóa biểu mỗi ngày có một trăm lẽ tám việc, không hề gián đoạn. Học giả đến tham học thì Ngài chỉ Tâm làm tông chỉ, lấy Ngộ làm phép tắc. Mỗi đêm lại sang nơi khác để tu hành niệm Phật.
Vua Trung Ý than rằng: “Từ xưa đến nay, chưa có ai chuyên tâm tha thiết cầu sanh Tây Phương cho bằng!”
Bèn làm điện Tây Phương Hương Nghiêm để Ngài hoàn thành chí nguyện. Đệ tử đến một ngàn bảy trăm người. Ngài thường cùng đại chúng thọ Giới Bồ Tát, thí thực cho quỷ thần, hàng ngày phóng sanh đều hồi hướng trang nghiêm Tịnh Độ. Làm trăm pho sách, nhan đề là Tông Cảnh Lục, lại viết các quyển Vạn Thiện Đồng Quy và Chỉ Về Tịnh Độ.
Sau khi Ngài diệt độ, tháp ở trong núi, có một nhà sư từ Lâm Xuyên đến nói : “Khi tôi bệnh nặng, chết xuống cõi u minh, được thả về. Tôi thấy trong điện Diêm Vương có tượng một vị tăng, Diêm Vương tự thân đảnh lễ, tôi hỏi: “Tượng ấy là ai?”
“Vị Chủ-Lại nói rằng: “Đó là thiền sư Thọ ở Chẩm Châu. Nghe rằng Ngài đã vãng sanh bậc thượng phẩm ở Tây Phương. Diêm Vương kính trọng Ngài nên lễ bái”.
Ông Dương Kiệt, tự là Thứ Công, phu nhân Kinh Châu cũng trong mộng thấy Ông Kiệt ngồi trên đài hoa sen, tiêu dao tự tại. Trước kia ông Dương Kiệt thấy mặt trời như cái mâm vọt lên, có điều tỏ ngộ, làm bài kệ rằng:
“Trai lớn thì cưới vợ
Gái lớn thì lấy chồng
Hỏi công phu: nhàn lắm!
Lại nói lời Vô Sanh”.
Rất nên cùng Ông Bàng cư sĩ thẩm tra!
Khi ông sắp từ biệt cõi đời, có bài kệ :
“Không chi để mến
Không chi để bỏ!
Trong khoảng thái hư
Ờ, à, thế, đó!
Từ an tới an
Tây Phương Cực Lạc”.
Đó là Ngài Vĩnh Minh Thọ và Ông Dương Kiệt đều sanh về Tịnh Độ, sáng tỏ pháp Niệm Phật Tam Muội, như con nhớ mẹ.
Tổ Động Sơn có nói: “Đối với Đạo thì chớ đi, còn quay về thì nghịch lại với cha”.
Có nhà sư hỏi Tổ Tào Sơn: “Con quay về với cha, sao cha chẳng thèm nhìn đến?”
Tổ Sơn nói : “Lý hợp như thế đấy!”
Nhà sư hỏi : “Thế thì ân tình cha con ở đâu?”
Tổ Sơn nói : “Thế mới thành ân tình cha con”.
Nhà sư hỏi : “Thế nào là ân tình cha con?”
Tổ Sơn nói : “Đao búa chặt chẳng rời”.
Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng: “Rèm biếc buông rồi, lệnh vua chưa xuống. Màn hoa đã khép, thấy nghe khó thông! Động nhằm đầu lông, trăng lên song cửa. Im dời một bước, hạc ra lồng bạc. Có biết chăng? Thoát thân một sắc, không lưu bóng. Chẳng tọa đồng phong, lạc đại công”.
Lại có nhà sư hỏi Tổ Hộ Quốc : “Như thế nào là cha mẹ xưa nay?”
Tổ Quốc nói : “Ấy đầu chẳng bạc”.
Nhà sư hỏi : “Lấy gì phụng hiến?”
Tổ Quốc nói : “Ân cần không cơm gạo, trong nhà chẳng hỏi thân”.
Ngài Đơn Hà tụng rằng:
“Ra cửa khắp đời không tri kỷ
Vào nhà ngập mắt: chẳng ai thân
Nhà không đêm lạnh, không gì có
Trời xanh, trăng sáng: cũng bạn gần”.
Hai tắc trên thật rõ ràng Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ, phải thấy như thế mới là cái Thấy chân chánh.
Xưa, có vị ni cô ra mắt Tổ Vân Nham.
Tổ Nham hỏi: “Cha cô còn không?”
Ni cơ nói: “Dạ, còn”.
Tổ Nham hỏi: “Tuổi bao nhiêu?”
Ni cô nói: “Sáu mươi lăm”.
Tổ Nham nói: “Cô có người cha chẳng phải sáu mươi lăm tuổi, cô biết hay chăng?”
Ni cô nói: “Chẳng phải là cái như-vậy-đến ư?”
Tổ Nham nói: “Cái như-vậy-đến vẫn còn là con cháu”.
Ngài Động sơn nói: “Dù được cái chẳng-như-vậy-đến cũng là con cháu!”
Ô hô! Cha mẹ xưa nay đâu có dễ thấy! Nên thấy được cha mẹ xưa nay thì thấy Tự Tánh Di Đà mà Thiền Tịnh viên dung, đều thuộc về cảnh giới không thể nghĩ bàn vậy.