Tây Tạng Tự - Bình Dương
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư
PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG
CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM
Mục 8: Chỉ Rõ Căn Nguyên Hư Vọng Và Tánh Giác Toàn Vẹn
VII. CHỈ MÊ VỌNG KHÔNG CÓ NHÂN, HẾT MÊ LÀ BỒ ĐỀ
Kinh: Ông Phú Lâu Na thưa: “Chân Tâm tròn sáng, trong sạch nhiệm mầu của tôi và của Như Lai, đều tròn đầy không hai, thế mà tôi từ xưa mắc lấy Vọng Tưởng, ở lâu trong luân hồi nay được Thánh Thừa, còn chưa rốt ráo. Thế Tôn thì các Vọng đều diệt sạch, độc chỉ một Chân Thường mầu nhiệm. Xin hỏi Như Lai, tất cả chúng sanh nhân gì mà có Vọng, tự mình che lấp tánh Diệu Minh, phải chịu sự trôi chìm này?”
Phật bảo ông Phú Lâu Na: “Ông tuy trừ được nghi ngờ, mà các điều lầm còn sót lại chưa dứt hết. Nay ta lại lấy những việc thế gian trước mắt mà hỏi ông. Ông há chẳng có nghe trong thành Thất La Phiệt, có anh Diễn Nhã Đạt Đa vào buổi sáng lấy cái gương soi mặt, bỗng ưa cái đầu trong gương và mày mắt có thể thấy được, rồi nổi giận trách cái đầu của mình sao không thấy mặt mày, cho là loài yêu quái, rồi không vì cớ gì phát điên lên bỏ chạy. Ý ông thế nào? Người ấy vì nguyên nhân nào mà khi không phát điên bỏ chạy?”.
Ông Phú Lâu Na thưa: “Tâm người ấy điên cuồng, chứ không có lý do nào khác”.
Đức Phật nói: “Tánh Diệu Giác tròn đầy vốn sáng suốt, nhiệm mầu tròn khắp. Đã gọi là Vọng thì làm sao có nhân, nếu có nguyên nhân thì sao gọi là Vọng? Chỉ tự các Vọng Tưởng xoay vần làm nhân cho nhau, từ cái Mê mà tích chứa thêm Mê, trải qua vô số kiếp nhiều như bụi. Tuy Phật chỉ rõ ra, còn chưa thể trở lại. Như thế, nguyên nhân của Mê chỉ là nhân Mê mà tự có. Tỉnh ngộ cái Mê ấy vốn không có nguyên nhân, Vọng nào còn có chỗ nương dựa? Còn không có chỗ sanh ra, muốn diệt cái gì?
“Người được Bồ Đề như người tỉnh giấc, kể lại chuyện trong chiêm bao, tâm dù rõ ràng nhưng đâu còn nhân duyên nào nữa để cầm được vật trong mộng? Huống là cái Mê thấy mọi sự hiện giờ chẳng có nguyên nhân ở đâu cả, vốn không chỗ có! Như anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa [Ở đây, lấy cái bản đầu của mình ví dụ cho Chơn Tánh; cái đầu trong gương ví dụ cho Vọng Tưởng (cái giả hình) ; chỗ vui vẻ thấy cái đầu trong gương có mặt mày ví dụ chỗ nhìn nhận cái giả tưởng là thật, chấp cứng, chẳng chịu bỏ. Chỗ chẳng thấy cái bản đầu của mình là vì Chơn Tánh không có hình tướng chi cả] trong thành kia nào có nhân duyên gì, bỗng tự sợ cái đầu mình rồi bỏ chạy. Tự nhiên hết điên, thì cái đầu đâu phải từ ở ngoài mà có được. Dầu chưa hết cuồng, cái đầu kia cũng có khi nào mất.
“Phú Lâu Na, bản tánh của Vọng là như vậy đó, đâu có nguyên nhân gì mà có?
“Ông chỉ không tùy theo phân biệt các thế gian, nghiệp quả và chúng sanh, ba thứ tương tục đó. Ba Duyên ấy đã đoạn, thì ba nhân cũng chẳng sanh, liền trong tâm ông cái điên cuồng của chàng Diễn Nhã Đạt Đa tự hết. Hết đó tức là Bồ Đề, cái Tâm tuyệt vời trong sạch sáng suốt, vốn khắp cùng pháp giới, không do đâu mà được, nào phải nhọc nhằn khẩn thiết tu chứng gì đâu”.
Thông rằng: Ông Phú Lâu Na đã chứng Hết Lậu, đã được Thánh Quả, sao lại còn các điều mê lầm còn sót chưa hết dứt? Chỉ vì trước kia có dụng công diệt trừ vọng tưởng, nghĩa là cái Tâm diệt trừ vọng tưởng này chính là cái Giác Minh Phân Biệt sợ cái đầu của mình mà phát điên bỏ chạy! Diệt Vọng cầu Chân, có cái Chân để đắc thì cũng như nhìn cái đầu trong gương, mày mắt thấy được. Chân nào có mất bao giờ, nhưng khó nổi đo lường, cũng như cái đầu vốn chẳng hề mất mà mặt mày khó thấy. Một khi sanh phân biệt đây là chúng sanh, đây là nghiệp quả rồi cho là khác với Chân Như của ta. Thế dầu có được Chân Như, do đoạn trừ Vọng mà chứng đắc, cũng chẳng phải là Tự Tánh Thiên Chân Phật xưa nay vậy. Ông Phú Lâu Na chưa thấu rõ chỗ này, nên cho rằng Vọng đã có thể diệt, thì vọng sanh ắt phải có nguyên nhân, cần biết cái nguyên nhân của nó, mới đoạn trừ được.
Ở đoạn trước đã nói: nhân Minh mà lập Sở, chính bởi vì thế mà Vọng sanh ra. Thế ấy cũng là phân biệt, chính thật là Vọng!
Đức Thế Tôn chỉ thẳng Đốn Môn, chẳng cần diệt Vọng, chỉ ngưng đi phân biệt, thì Bồ Đề tự sẵn đủ. Chỉ thôi chạy điên, thì cái đầu xưa vẫn y nguyên ra đó!
Sở dĩ vọng phân biệt, Vọng chạy điên, là vì tích chứa mê lầm mà có. Cái Mê vốn chẳng nhân đâu mà có, không từ Mê mà sanh ra, không từ Ngộ đến. Mê đã không gốc gác gì, thì Vọng nương đâu mà có? Vọng thật không chỗ nương, Vọng vốn chẳng sanh vậy. Vọng nguyên là chẳng sanh, không đâu mà có thể diệt. Diệt mà không đâu có thể diệt, đó là Tịch Diệt Hiện Tiền.
Tánh Diệu Giác tròn sáng, vốn sáng suốt nhiệm mầu tròn khắp, nguyên là không có chuyện sanh diệt, tuyệt không có mảy mún vọng nào cả. Trong Bồ Đề, tìm cái Chân còn không thể được, thì từ chỗ nào kiếm được cái vọng ư?
Cho nên, không tùy thuận theo phân biệt nơi chỗ sanh ra của ba thứ tương tục cùng cái nhân duyên đoạn trừ để cho khỏi sanh ra, tức thì một tâm niệm chẳng sanh, vạn pháp nào có lỗi? Đó là cái Bồ Đề tuyệt trần trong sạch, nào mượn sức người tu chứng để được ư? Ba Duyên tịch diệt, ba Nhân chẳng sanh, ở ngay trong đó mà tự thành Diệt Tận Định.
Ông Phú Lâu Na đều thường khởi ra các sự phân biệt, cho là Bồ Đề do tu chứng mà được. Chỉ cần đừng phân biệt rối rắm như vậy, thì không có Vọng nào để khá diệt, không có Chân nào khá đắc, bèn là thanh tịnh bổn nhiên, toàn khắp pháp giới. Nếu nói Như Lai Độc Diệu Chân Thường, là do cả thảy đều trọn dứt diệt mà chứng được, thì chưa thấy chỗ diệu kỳ của Như Lai vậy.
Có nhà sư hỏi Tổ Hoàng Bá : “Như nay hiện có đủ thứ vọng niệm, vì sao lại nói không?”
Tổ Hoàng Bá nói: “Vọng vốn không có tự thể, chỉ là nơi Tâm của ông khởi lên. Như ông biết Tâm nguyên là Phật, Tâm vốn chẳng có vọng, thì Tâm nào có khởi, luống lại đi nhận vọng ư? Như ông chẳng sanh tâm động niệm, thì tự nhiên chẳng có vọng nào cả. Do đó mới nói: Tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh, tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt.”
Nhà sư hỏi: “Nay ngay lúc vọng niệm khởi, thì Phật tại chỗ nào?”
Tổ Bá nói: “Nay ngay khi ông tỏ ra biết vọng niệm khởi lên, thì cái tỏ biết đó chính là Phật. Còn trong ấy mà không có vọng niệm, thì Phật cũng không. Vì sao như thế? Vì ông khởi tâm làm nên cái thấy Phật, bèn là có Phật để thành. Làm nên cái thấy có chúng sanh, bèn là có chúng sanh để độ. Khởi tâm động niệm đều là chỗ thấy của ông. Nếu không có tất cả mọi cái thấy thì Phật có ở chốn nào? Như Ngài Văn Thù vừa khởi lên cái Phật Kiến, liền bị hai ngọn núi Thiết Vi đè!
Nhà sư hỏi: “Nay chính lúc tỏ ngộ, Phật ở tại chốn nào?”
Tổ Bá đáp: “Cái hỏi đó từ đâu mà lại? Cái Giác đó từ đâu mà khởi lên? Nói, nín, động, tịnh, cả thảy thanh sắc, toàn là Phật sự, chỗ nào tìm Phật? Chẳng thể trên đầu lại chồng thêm cái đầu, trên miệng để thêm cái miệng! Chỉ đừng sanh dị kiến, thì núi là núi, nước là nước, tăng là tăng, tục là tục. Núi sông đại địa, nhật nguyệt tinh tú đều chẳng ra ngoài Tâm ông. Tam thiên thế giới đều là tự kỷ của ông. Chỗ nào mà có lắm thứ? Ngoài Tâm không pháp, ngập mắt núi xanh, thế giới, hư không, xứ xứ sáng rỡ, không một mảy tơ để ông chen vào kiến giải. Thế nên, tất cả thanh sắc là con mắt huệ của Phật. Pháp chẳng khởi lên một mình, nương cảnh mới có sanh, vì có vật mà có nên nhiều trí. Suốt ngày nói mà nào từng nói. Suốt ngày nghe mà nào từng nghe. Như thế nên Đức Thích Ca bốn mươi chín năm thuyết pháp mà chưa hề nói ra một chữ”.
Nhà sư hỏi: “Nếu như thế, chỗ nào là Bồ Đề?”
Tổ Bá nói: “Bồ Đề không là chỗ nào hết. Phật cũng chẳng đắc Bồ Đề, chúng sanh chẳng mất Bồ Đề. Không thể lấy thân mà được đó, không thể lấy Tâm mà cầu đó. Tất cả chúng sanh tức là tướng Bồ Đề”.
Nhà sư hỏi: “Như thế nào phát Bồ Đề Tâm?”
Tổ Bá nói: “Bồ Đề là không chỗ đắc. Nay ông chỉ phát tâm Vô Sở Đắc, quyết định không có một pháp nào để đắc, tức là Bồ Đề Tâm. Bồ Đề không có chỗ sanh ra, cho nên không có chuyện đắc. Thế nên nói rằng: “Ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng, không có chút pháp nào có thể đắc, Phật bèn thọ ký cho Ta”. Phải rõ rằng, tất cả chúng sanh vốn là Bồ Đề, không lẽ trở lại đắc ư? Giờ đây ông hỏi phát Bồ Đề Tâm, muốn đem một cái tâm mà học lấy Phật Đạo. Chỉ nghĩ định làm Phật Đạo thôi, thì mặc cho ông tu ba a tăng tỳ kiếp cũng chỉ định được cái Báo Thân, Hóa Thân Phật. Thế thì đối với cái Chân Tánh Phật bổn nguyên của ông có giao thiệp gì? Nên nói: Cầu bên ngoài ông Phật có hình tướng, thì có giống gì ông đâu?”
Lại Tổ Lâm Tế nói rằng: “Chư vị học Đạo ở các nơi nói có Đạo để tu, có Pháp để chứng. Các ông thử nói xem chứng Pháp gì, tu Đạo gì? Hiện giờ đây chỗ dùng của các ông có thiếu hụt cái gì đâu? Sửa sang thêm thắt chỗ nào? Các ông thầy trẻ tuổi hậu sinh không hiểu, liền tin ngay đám cáo chồn tinh mị đó, để cho họ bày chuyện trói buộc người khác.
“Họ nói : Hình tướng đạo lý là do giữ gìn, mến tiếc ba nghiệp mới được thành Phật.
“Nói như vậy thì chỉ như mưa bụi mùa Xuân.
“Cổ nhân nói: “Trên đường gặp người đạt đạo, thứ nhất là chẳng hướng về đạo”!
“Do đó mà nói:
“Nếu người tu đạo, đạo chẳng hành
Muôn ngàn tà cảnh lại đua sanh
Gươm Trí đưa ra không một vật
Cái sáng chưa bày, tối đã minh!”.
“Bởi thế, cổ nhân nói “Bình thường tâm là Đạo”. Đại Đức tìm kiếm cái gì? Ngay bây giờ đây, cái trước mắt nghe Pháp là đạo nhân không chỗ nương [Đạo nhân vô], khắp chốn rõ ràng phân minh, chưa từng thiếu hụt. Các ông như muốn cùng Phật, Tổ chẳng khác, chỉ như thế mà thấy, chẳng khởi nghi lầm. Như các ông tâm tâm chẳng khác, thì gọi là Tổ. Tâm mà có chút sai khác đi: Tánh, Tướng liền khác nhau. Tâm như như chẳng khác, thì Tâm và Tướng không hai”.
Lại có nhà sư hỏi thiền sư Tiến Phúc Tư rằng : “Điện xưa không có Phật thì như thế nào?”
Tổ Tư nói : “Phạm âm ở đâu tới?”
Lại hỏi : “Chẳng mượn tu chứng, làm sao đắc thành?”
Tổ Tư nói : “Tu chứng tức chẳng thành”.
Chỗ Thấy của các vị tôn túc, mỗi mỗi đều suốt hợp với ý chỉ “Nào phải nhọc nhằn, ráo riết tu chứng gì đâu?” Đây tức là Niết Bàn Diệu Tâm, Chánh Pháp Nhãn Tạng, nào phải chờ đến chuyện Linh Sơn đưa lên cành hoa, Ngài Ca Diếp mỉm cười, rồi sau mới gọi là “Biệt truyền Tâm Ấn” ư?
Kinh: “Ví như có người ở trong áo mình buộc một hạt Châu Như Ý mà không hay biết; nên phải xin ăn lưu lạc phương xa, nghèo nàn gầy ốm. Tuy bần cùng hết sức nhưng hạt châu không hề mất. Bỗng dưng có người Trí chỉ bày cho hạt châu, liền muốn gì có nấy, thành giàu có lớn, mới hay hạt Thần Châu chẳng phải do ở ngoài mà được.
Thông rằng: Kinh Pháp Hoa, kinh Lăng Nghiêm chỉ thẳng tâm người, thấy Tánh thành Phật đều lấy hạt châu trong áo làm ví dụ. Như Lai Tạng Tánh, bị năm Ấm che đậy, như hạt châu buộc trong áo, nên không dễ thấy được. Hướng ra ngoài chạy kiếm thì mỗi ngày đều thấy chẳng đủ, nghèo ốm ở phương xa, chạy cuồng chín cõi. Cầu cái vui của trời, người, giữ riêng cái lợi ích nhỏ nhen, thì cũng còn là rong ruổi ăn xin. Còn như được Bổn Tâm, thì đầy đủ dư dật. Hạt châu tên Như Ý, muốn gì được nấy. Nào ngờ tự tánh vốn tự sẵn đủ! Nào ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp (Lục Tổ khi ngộ đạo)! Nên diệu dụng chẳng hề thiếu hụt, thành giàu có vô biên. Một hạt Thần Châu này, mê cũng chưa từng mất, ngộ cũng chẳng từng được. Chỉ được người Trí chỉ cho, bèn tự thọ dụng không cùng, nào mượn chỗ tu chứng ư?
Một hôm, Đức Thế Tôn đưa ra một viên ngọc ma ni tùy sắc, rồi hỏi các vị Thiên Vương của năm phương rằng: “Viên ngọc này màu gì?”
Các vị Thiên Vương mỗi người nói mỗi màu khác nhau. Thế Tôn cất viên ngọc vào tay áo, rồi đưa tay lên hỏi: “Viên ngọc này có màu gì?”
Các vị Thiên Vương thưa: “Trong tay Phật không có châu, lấy chỗ nào có màu?”
Đức Thế Tôn than rằng: “Các ông sao mê mờ điên đảo lắm thế! Ta lấy hạt châu của thế gian đưa ra thì mỗi ông đều tranh nhau nói màu xanh, vàng, trắng, đỏ... Còn ta đưa hạt châu thật ra chỉ cho, lại rốt cuộc chẳng hay biết!”
Khi ấy, các vị Thiên Vương năm phương đều ngộ đạo.
Ngài Đại Châu, ban đầu ra mắt Đức Mã Tổ.
Tổ hỏi: “Từ đâu đến?”
Đáp rằng: “Ở chùa Đại Vân tại Việt Châu đến”.
Tổ nói: “Đến đây định có chuyện gì?”
Đáp: “Thưa, đến cầu Phật Pháp”.
Tổ đáp: “Kho báu nhà mình thì chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy rông làm chi? Ta, trong ấy một vật cũng không, ông cầu Phật Pháp nào?”
Ngài bèn làm lễ rồi hỏi: “Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải (Đại Châu)?”
Đức Mã Tổ nói: “Tức nay đang hỏi ta là cái đó. Kho báu của ông, hết thảy hiện thành, tuyệt không thiếu hụt, liền dùng tự tại, nào phải hướng ngoài tìm kiếm”.
Ngài Đại Châu ngay dưới lời nói tự rõ Bổn Tâm, chẳng do hiểu biết, vui mừng lễ tạ, hầu Tổ trong sáu năm. Về sau, viết cuốn “Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận”. Tổ xem rồi bảo với đại chúng: “Ở Việt Châu có viên ngọc lớn (Đại Châu), tròn sáng trong suốt, tự tại không gì ngăn ngại”.
Ngài Ngưỡng Sơn tham lễ thiền sư Đông Tự Hội.
Thiền sư hỏi: “Ông là người xứ nào?”
Ngài Ngưỡng đáp: “Người Quảng Nam”.
Thiền sư Hội nói: “Tôi nghe ở Quảng Nam có viên minh châu trấn biển, có đúng không?”
Ngài Ngưỡng đáp: “Thưa, phải”.
Tổ Hội nói: “Châu ấy như thế nào?”
Ngài Ngưỡng nói: “Không trăng thì ẩn, có trăng thì hiện”.
Tổ Hội: “Có đem đến được không?”
Ngài Ngưỡng: “Đem đến được”.
Tổ Hội: “Sao chẳng trình ra với lão tăng?”
Ngài Ngưỡng Sơn khoanh tay bước tới, nói: “Hôm qua đến Qui Sơn cũng bị đòi hạt châu ấy! Ngay ấy không có lời để đối đáp, chẳng có lý lẽ nào để đưa ra!”
Tổ Hội nói: “Thật là sư tử con khéo hay gầm rống!”
Trăm, ngàn năm về sau, nhờ có các vị tôn túc hộ trì được hạt thần châu, chẳng do ngoài mà được, thì càng tin lời Phật chẳng có sai lầm.