Tây Tạng Tự - Bình Dương
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư
PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG
CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM
Mục 8: Chỉ Rõ Căn Nguyên Hư Vọng Và Tánh Giác Toàn Vẹn
I. ÔNG MÃN TỪ TRÌNH BÀY CHỖ NGHI
Kinh: Lúc bấy giờ, Ông Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật vai áo phải, gối phải chấm dất, chắp tay cung kính mà bạch Phật rằng: “Thế Tôn oai đức lớn, khéo vì chúng sanh diễn bày Đệ Nhất Nghĩa Đế của Như Lai. Đức Thế Tôn thường cho rằng trong những người thuyết pháp, tôi là thứ nhất. Nay tôi nghe pháp âm vi diệu của Như Lai, cũng như người điếc, cách ngoài trăm thước, nghe tiếng muỗi mòng vốn đã không thấy, huống là được nghe. Phật tuy tuyên bố rõ ràng, muốn khiến tôi trừ mê lầm, nhưng tôi còn chưa rõ nghĩa rốt ráo, vào chỗ không còn nghi hoặc.
“Bạch Thế Tôn, như các Ông Anan, tuy nghe mà ngộ, nhưng tập khí hữu lậu chưa trừ hết, còn bọn chúng tôi, là những người lên bậc Vô Lậu, tuy sạch hết các lậu, nay nghe pháp âm của Như Lai diễn nói, vẫn còn mắc những điều nghi hối.
“Bạch Thế Tôn, nếu như tất cả Căn, Trần, Xứ, Giới... của thế gian, đều là Như Lai Tạng, thanh tịnh bản nhiên sao bỗng dưng sanh ra có núi sông, đất đai, các tướng hữu vi theo nhau dời đổi, hết rồi lại có?
“Lại Đức Như Lai còn nói rằng đất nước, lửa gió, tánh vốn viên dung, toàn khắp pháp giới, lặng trong thường trụ. Bạch Thế Tôn, như tánh của Địa Đại là khắp cả, làm sao mà dung được Thủy Đại? Tánh nước là toàn khắp, thì Hỏa Đại chắc chẳng sanh, làm sao lại phát minh hai tánh Thủy Đại và Hỏa Đại đều khắp cả Hư Không, không xâm lấn tiêu diệt lẫn nhau? Bạch Thế Tôn, tánh của Địa Đại là ngăn ngại, tánh của Hư Không là rỗng suốt, làm sao cả hai Đại ấy đều toàn khắp pháp giới?
“Nay tôi không biết nghĩa ấy do đâu, xin Đức Như Lai ban bố lòng đại từ, vén mây mê lầm cho tôi cùng hết thảy trong đại chúng”.
Ông Mãn Từ nói thế xong, năm vóc gieo xuống đất, kính mong lời dạy từ bi vô thượng của Như Lai.
Thông rằng: Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh là Đệ Nhất Nghĩa Đế, viên dung vi diệu, cốt yếu ở chỗ Tâm Ngộ. Người ngộ rồi, đưa ra không gì là chẳng phải, chỗ chỗ dùng chẳng có nghi nan, một phen vượt lên liền đứng vào, nào mượn công lao huân tập? Như nhóm các Ông Anan, tập khí hữu lậu chưa trừ hết, đã phá các điều mê lầm thô, mà mê lầm vi tế hãy còn. Các vị đã lên hàng Vô Lậu ở trong hội chúng, thì tuy đoạn hết Phiền Não Chướng, mà Sở Tri Chướng vẫn còn, mắc ở trong địa vị có tu tập, làm sao lãnh ngộ cái Đệ Nhất Nghĩa Đế Tối Thượng?
Các tướng kia là hư vọng, vốn tự chẳng sanh mà nay nghi là có sanh. Bốn đại trong sạch như ngọc Ma Ni, tùy phương mà hiện sắc, tựa hồ có xanh vàng đỏ trắng mà vốn là không có. Thế mà nay nghi rằng chúng xâm lấn nhau! Chẳng phải là Ông Phú Lầu Na chấp lấy tướng để vấn nạn cái Tánh, mà thật ra, ông ở trong Bản Tánh viên dung lặng trong thường trụ mà sanh nghi. Cái “Nghiệp” của ông là đã lên bậc vô lậu, ở trong vô lậu ấy mới chỉ thấy cái Lặng Trong (Trạm) mà chưa thấy cái Lặng Trong Nhiệm Mầu (Diệu Trạm) của nó, mới chỉ thấy cái Trụ, mà chưa thấy được cái Vô Trụ của nó.
Tổ Triệu Châu nói : “Người ta thì khó thấy mà dễ biết, ta ở trong ấy thì dễ thấy mà khó biết”. Đây là chỗ kinh nói “Cũng như người điếc, cách ngoài trăm thước, nghe tiếng muỗi mòng”, đâu phải là lời hư dối ư?
Pháp Sư Trường Thủy Tuyền hỏi Hòa Thượng Lang Nha Giác: “Thanh tịnh bổn nhiên sao bỗng dưng sanh núi sông đại địa?”
Tổ Giác nói: “Thanh tịnh bỗng nhiên sao bỗng dưng sanh núi sông đại địa?”
Thầy Tuyền ở nơi đó tỉnh ngộ.
Hãy nói, như thế là có trả lời câu ấy hay không trả lời câu ấy? Nếu bảo là có trả lời, thì hiểu đạo lý ấy làm sao? Nếu bảo không trả lời, thì sao lại tỉnh ngộ?
Ngài Thiên Đồng tụng rằng:
“Thấy có, chẳng có
Ngửa tay, úp tay
Cái người trong núi Lang Nha ấy
Chẳng có rớt sau Đức Cù Đàm”.
Lại có nhà sư hỏi Tổ Thiều Quốc Sư : “Hết thảy núi sông đại địa từ đâu mà dấy ra?
Tổ Thiều nói : “Câu hỏi này từ đâu mà tới?”
Thật là mổ bụng khoét tim!