THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ
Thích Thông Phương
Hội Thiền Học Việt Nam PL. 2547 - DL. 2003
TU THIỀN CÓ CHỨNG ĐẮC HAY KHÔNG?
I. ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ CHỨNG ĐẮC
Thường thường với tâm lý người thế gian hễ làm việc gì cũng mong muốn có kết quả, được thành tựu cái gì đó mới chịu, mới hăng hái làm. Trong đạo, người tu thì muốn đắc quả, muốn chứng đạo, cho nên có những danh từ đắc đạo, đạt đạo, chứng đạo, thành đạo v.v… Vậy thật sự có đạo để chứng, để thành hay không? Đây là điểm cần phải nhận định kỹ, không để bị lầm lẫn, bị gạt khiến rơi vào đường tà.
Nếu bảo là không: thì tại sao có CHỨNG ĐẠO CA? Tức khúc ca nói lên sự chứng đạo của Thiền sư Huyền Giác rất nổi tiếng trong nhà thiền.
Hoặc như Hòa thượng Câu Chi lúc ở am có bà ni tên Thật Tế đến am của Sư bèn đi thẳng vào chẳng giở nón, cầm gậy đi quanh giường thiền ba vòng và nói:
- Nói được thì tôi giở nón!
Hỏi ba lần Sư không đáp được. Vị ni từ giã đi. Sư cầm lại:
- Trời đã chiều, cô hãy ở lại nghỉ tạm.
Vị ni nói:
- Nói được thì ở lại.
Sư cũng không nói được. Vị ni liền đi. Sư tự than:
- Ta tuy mang hình tướng trượng phu mà không có khí trượng phu!
Liền phát phẫn, quyết rõ việc này. Sư định bỏ am đi các nơi thưa hỏi. Đêm đó Sơn thần báo mộng:
- Thầy chẳng cần đi đâu khác. Ngày mai có nhục thân Bồ tát đến, sẽ nói pháp cho thầy.
Hôm sau quả nhiên có Hòa thượng Thiên Long đến, Sư lạy thỉnh vào am, kể lại rành rẽ việc hôm qua. Nghe xong, Thiên Long liền đưa ngón tay lên chỉ đó!
Câu Chi bỗng nhiên đại ngộ.
Sau này, khi sắp tịch Sư bảo chúng:
- Ta được một ngón tay thiền của Hòa thượng Thiên Long, cả đời dùng chẳng hết. Cần hiểu chăng? Sư đưa ngón tay lên rồi tịch.
Hãy xem ngài Câu Chi tuYên bố giữa chúng: “Ta được một ngón tay thiền của Hòa thượng Thiên Long, cả đời dùng chẳng hết.”Chỉ một ngón tay thiền mà suốt đời dùng không hết. Là có được hay không?
Hay như Hòa thượng Tuyết Phong, có vị tăng từ giã Sư đi. Sư hỏi:
- Ông đi đâu?
Tăng thưa:
- Con đi Hồ Nam.
Sư bảo:
- Ta có người bạn đồng hành ở Nham Đầu, gửi ông một lá thư đưa hộ cho. Thơ viết: “Tôi gởi thơ lên sư huynh, từ ngày tôi thành đạo ở Ngao Sơn về sau cho đến nay vẫn còn no chưa đói.”
Một phen thành đạo về sau no mãi chẳng đói, là có được hay không?
* NẾU NÓI CÓ: Sao có vị tăng hỏi Hòa thượng Tuyết Phong:
- Hòa thượng gặp Tuyết Phong được cái gì liền thôi?
Sư đáp:
- Ta đi tay không về tay không.
Xem Sư, đi tay không, về tay không thì có được cái gì?
Và chuyện Động Sơn Y Bát. Có vị tăng hỏi Động Sơn:
- “Thường thường xuyên lau chùi” vì sao chẳng được y bát kia? Chưa biết người nào nên được?
Tăng thưa:
- Chỉ như người chẳng vào cửa, lại được hay không?
Sư đáp:
- Tuy nhiên như thế, không thể chẳng cho y.
Sư bèn hỏi lại:
- Nói thẳng “xưa nay không một vật” vẫn còn chưa thể gọi là được y bát kia, ông hãy nói người nào nên được? Trong đây nên hạ một chuyển ngữ, hãy nói là chuyển ngữ gì ?
Bấy giờ có vị tăng nói 96 chuyển ngữ đều không khế hợp, đến một chuyển ngữ cuối cùng mới hợp ý Sư.
Có vị tăng rình nghe nhưng không nghe được một chuyển ngữ cuối cùng đó, ông bèn theo hỏi vị tăng ấy. Vị tăng ấy cũng chẳng chịu nói. Suốt ba năm như thế theo hỏi mà chẳng được vị tăng ấy thuật lại câu đó. Một hôm vị tăng ấy bị bệnh, ông tăng này liền bảo:
- Tôi ba năm nay xin được thuật lại lời trước kia mà chẳng được. Thượng tọa từ bi nói, dùng lành chẳng được thì phải dùng dữ.
Ông bèn cầm con dao bén bảo:
- Nếu Thượng tọa chẳng thuật lại cho tôi nghe, tôi giết Thượng tọa ngay!
Vị tăng ấy tỏ vẻ run sợ nói:
- Xà lê! Hãy đợi tôi thuật lại cho!
Bèn nói: - Dù cho đem đến cũng không chỗ để!
Ông tăng này liền lễ tạ.
Hãy nghe kỹ câu nói “Dù cho đem đến cũng không chỗ để ”trong ấy vốn là “xưa nay không một vật thì có chỗ nào bám?
Vậy cuối cùng là có chứng đắc hay không? Rồi việc truyền tâm ấntrong nhà thiền là thế nào?