Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7. Bảo Nhậm

20/04/201113:17(Xem: 9347)
7. Bảo Nhậm

Một Sức Sống Chân Thật Giữa Thế Gian
THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ
Thích Thông Phương
Hội Thiền Học Việt Nam PL. 2547 - DL. 2003

BẢO NHẬM


Đốn ngộ tuy đồng Phật
Đa sanh tập khí thâm
Phong đình ba thượng dũng
Lý hiện niệm du xâm.

Nghĩa:
Đốn ngộ tuy đồng Phật
Nhiều đời tập khí sâu
Gió dừng sóng còn vỗ
Lý hiện niệm vẫn vào

Lẽ thật sờ sờ không chối cãi, nhưng làm sao một phen sáng phải sáng mãi không cùng tận! Bởi ngộ thì trong chớp mắt không kịp suy nghĩ, song từ đó về sau thời gian còn dài, sức sống của mình chưa trải qua, đâu thể đem công phu trong một thoángmà sánh kịp! Do đó cần phải có sự bảo nhậm, gìn giữ, khiến cho LÝ TỨC NHƯ THẾ,SỰ CŨNG NHƯ THẾ mới thật sự có sức sống không dối.

Hãy nghe Quy Sơn sau khi tỏ ngộ, lễ tạ trình bày với Tổ Bá Trượng, Bá Trượng liền bảo: “Đây là con đường rẻ tạm thời. Kinh nói: ‘Muốn thấy Phật tánh, phải quán thời tiết nhân duyên, thời tiết đã đến, như mê chợt ngộ, như quên chợt nhớ, mới tỉnh vật của mình không từ bên ngoài được". Cho nên Tổ sư bảo:- ‘Ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cũng không pháp". Chỉ là không tâm hư vọng, phàm thánh v.v… Xưa nay tâm pháp nguyên tự đầy đủ. Nay người đã vậy nên tự khéo gìn giữ.”
Và Ngưỡng sơn bảo Quang Dũng: “Phàm thánh cả hai đều quên, tình dứt thể hiển bày. Ta lấy đây để nghiệm xét người, hai mươi năm không kể đến, ông nên gìn giữ đó.
Bài "Bảo Cảnh Tam Muội" do ngài Vân Nham truyền cho Động Sơn Lương giới, mở đầu bằng bốn câu:
Như thị chi pháp
Phật Tổ mật phó
Nhữ kim đắc chi
Nghi thiện bảo hộ.

Nghĩa:
Pháp ấy như vậy
Phật Tổ thầm trao
Nay ông được đó
Nên khéo gìn giữ.
Cho thấy, chư Tổ luôn luôn dặn dò gìn giữ kỹ lưỡng như thế, đâu thể hời hợt xem thường! Song, bảo nhậm như thế nào ?

I. TÂM VÔ TRỤ

Chúng sanh chúng ta luôn luôn sống với "tâm có trụ", do đó hằng mất mình trong chỗ trụ. Chỗ trụ tức các duyên trần, cũng gọi là bạn bè. Tâm chúng ta không bao giờ sống không bạn bè, trái lại cứ luôn luôn tìm bạn để duyên, để biết, không bạn bè thì tưởng chừng như không còn có mình. Sống từ kiếp này qua kiếp nọ, cứ lang thang nơi đất khách quê người, chính vì TÂM CÓ CHỖ TRỤ này.

Giờ đây đã sáng được bản tâm, tỏ được bản tánh, thấy rõ được nguồn sống chân thật của chính mình rồi, có lẽ nào lại chịu sống theo nếp cũ đường mê đó sao? Kinh Kim Cang Phật dạy, nếu muốn AN TRỤ TÂM VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, phải bố thí cả sáu căn. Nghĩa là muốn tâm không chạy lang thang nữa, phải buông xả, không trụ vào sáu trần, thì tự nhiên AN TRỤ thôi. Tâm đối trước sáu trần, tức là thường hiện diện trước thế gian này, nhưng không trụ vào một trần nào, là đi qua tất cả mà không dừng lại trên bất cứ thứ gì, thì chính đó là luôn luôn có mặt hiện hữu không mê. Bảo nhậm là chỗ đó!
Có vị tăng hỏi Thiền sư Bổn Tịch:
- Học nhân trong mười hai giờ, thế nào bảo nhậm?
Sư đáp:
- Như người đi qua làng cổ độc, một giọt nước cũng chẳng được thắm môi.
Muốn giữ gìn suốt ngày không để vắng mất, phải như người đi qua làng cổ độc, thì cái gì trong đó, từ ngọn cỏ, cọng rau, giọt nước đều có chất độc, quyết không được đụng vào một chút gì. Cũng vậy, người bảo nhậm không mất, phải luôn luôn sáng ngời, đi qua tất cả cảnh trần mà không dừng lại trên bất cứ chỗ nào, thì có mất đi đâu? Trong ấy, chỉ cần vừa động niệm là để chạy lọtrồi.

Thiền sư Hân ở Dũng Tuyền từng bảo: “Ta bốn mươi năm tại chỗ này còn có chạy lọt, các ông chớ mở miệng to. Kẻ kiến giải thì nhiều, người hạnh giải thì trong muôn người mới có một.”

Đây là lời nói thành thật của người đã từng kinh nghiệm qua. Kẻ mới sáng, thoáng thấy lẽ thật ngay hiện tiền, tưởng chừng như mình đã sống trong ấy. Không ngờ giây phút đột biến xuất thần ấy qua rồi, tâm niệm quen theo đường cũ, lối mòn vẫn nổi dậy theo duyên, tình yêu ghét lấy bỏ vẫn chưa sạch.

Thiền sư Đại Huệ bảo:“Thường thường người lợi căn thượng trí được nó chẳng phí sức, bèn sanh tâm khinh dễ mà không tu hành; họ phần đông bị cảnh giới trước mắt cướp đoạt mang đi, làm chủ tể chẳng được, ngày qua tháng lại mê man chẳng tỉnh, đạo lực không thắng được nghiệp lực, nên ma được dịp thuận tiện phá hoại, chắc chắn bị ma nắm quyền sai sử, đến lúc mạng chung cũng chẳng đắc lực.” (Trích Kho Báu Nhà Thiền)

Người lanh lợi nhận được dễ dàng tưởng là xong, là tự tại, không cần công phu gì thêm, lâu ngày sức yếu, đạo lực lại chưa có, hẳn bị nghiệp lực làm chủ dẫn đi, đụng cảnh yêu ghét vẫn yêu ghét như thường, mới biết THẬT CHƯA PHẢI.

Thiền sư Vô Văn Thông ở Hương Sơn, nối pháp ngài Thiết Sơn Quỳnh, đã từng kể lại kinh nghiệm của mình: “Tuy kiến giải về thiền đã rõ ràng và đầy đủ nhưng vọng tâm vẫn còn ẩn kín sâu sa chưa hoàn toàn dứt sạch. Thế rồi tôi lại lánh mình vào trong núi sáu năm ở Châu Quang, kế sáu năm nữa ở Lục An và sau rốt lại ba năm ở Châu Quang nữa, bấy giờ mới thật được thảnh thơi.”

Cho thấy, người có thực sống đàng hoàng thì lời nói ra có đầy đủ hạnh giải thiết thực, không đồng với người chỉ nghiêng một bên lý. Lời nói thì giải thoát ngay trước mắt không cần trải qua thứ lớp công phu bên ngoài, nhưng thực tế có thực giải thoát hay không là một việc khác. Đâu phải nói giải thoát là thành giải thoát.

Chúng ta hãy nghe Hòa thượng Viên ngộ nói: “Thuở xưa, bậc đạo cao đức dày bảo người đã thoát căn trần nên hoằng mật ấn hai ba mươi năm dụng công một cách lạnh lẽo, lặng lặng, vừa có mảy may tri kiến liền quét sạch, cũng chẳng lưu lại dấu vết càn quét, ở trên bờ kia buông tay, quên hẳn toàn thân thì chắc chắn được sống rất thích thú. Chỉ sợ khởi cái biết về hành động ấy thì cái biết đó là tai họa vậy.”(Trích Kho Báu Nhà Thiền)

Nghĩa là, người thực sự sáng đạo và sống đạo thì phải âm thầm gìn giữ cho quên hẳn tướng ngã, không phải chưa gì đã lo phô trương cho người biết TA đã ngộ, bày hiện tri kiến này, tri kiến nọ. Đâu biết, trong ấy vừa khởi một chút thấy biết là dư rồi. Nếu lại khởi cái biết về hành động ấy, tức có bóng dáng cái ta xen vào, BIẾT TA ĐÃ NGỘ. Lục Tổ đâu chẳng từng bảo:

Ngơ ngơ chẳng tạo dữ
Ngốc ngốc chẳng làm lành
Lặng lẽ dứt thấy nghe
Thênh thang tâm không dính.

Tổ nhắc, phải như ngu như ngốc, không một chút dấu vết cho quỷ thần xem thấy, không cần ai biết tới mình. Nên nhớ, muốn tỏ bày cho người biết mình đã ngộ, đã sáng, là trình cái TA ra rồi! Chúng ta đang mang thân phàm phu này, ai dám bảo rằng ngay đây mình đã sạch tướng ngã? Dù ngộ cao sâu cách mấy, nhưng tập khí chấp ngã nhiều đời vẫn còn đó, chưa hẳn sạch hết hoàn toàn, mà nó vẫn ngủ ngầm trong ta. Thiếu ánh sáng chánh giác là nó lộ ra ngay! Kinh nói, chỉ Phật mới là “Tri tập khí vĩnh đọan”, tức Phật mới thật sự biết rõ chính mình dứt sạch hẳn không còn tập khí. Người có công phu thực sự cần nghiệm kỹ!

Ở một đoạn khác, ngài Viên Ngộ bảo: “Sau khi nhận được ý chỉ, phải miên mật tương tục giữ gìn khiến không cho gián đoạn để trưởng dưỡng thánh thai. Dẫu có gặp cảnh giới ác mà vẫn có khả năng dùng đựơc định lực chánh tri kiến dung nhiếp nó khiến thành một phiến thì cơn biến đổi lớn sanh tử chẳng đủ làm động lòng mình, hàm dưỡng được lâu năm sẽ thành con người vô vi, vô sự, đại giải thoát, đâu chẳng phải là chỗ làm đã xong, việc hành cước đã rồi ư! (Trích Kho Báu Nhà Thiền)

Tức một phen đã sáng phải sáng mãi không cùng tận, dù trong nghịch cảnh vẫn không mất, trong cơn sanh tử vẫn sáng tỏ, mới có sức sống chân thật. Chỗ này không thể nói suông, ngộ suông mà được. Trái lại công phu miên mật, liên tục giữ gìn không gián đoạn. Kinh nghiệm của người đi trước là như thế, chúng ta đâu dám tự hào với chỗ thấy hiểu riêng ư?

Hòa thượng Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:
- Này Huệ Tích! Tâm thức ông vi tế lưu chú không đến, nay đã được mấy năm rồi?
Ngưỡng Sơn chưa vội đáp, hỏi vặn lại:
- Hòa thượng không đến, đã được mấy năm rồi?
Lúc đó Quy Sơn đã bảy mươi tuổi, Sư đáp Ngưỡng Sơn:
- Lão tăng không đến đã bảy năm rồi.
Ngưõng Sơn thưa:
- Huệ Tịch con chính đang náo loạn!
Lời bình của ngài Đại Huệ: “Lấy đây mà xét, chỗ này lấy thô tâm nói không để mà dối nhau được chăng? Thật ra, phải là người có lực lượng lớn mới được!” (Trích Kho Báu Nhà Thiền)

Vi tế lưu chú tức dòng sanh diệt nhỏ nhiệm ngấm ngầm trong tâm. Ngưỡng Sơn như thế mà còn đáp: “Con chính đang náo loạn!”, thử hỏi ngày nay chúng ta công phu được tới đâu mà dám vỗ ngực nói mình tự tại? Hãy nghe kỹ lời bình của Thiền sư Đại Huệ: “Lấy đây mà xét, chỗ này lấy thô tâm nói không để mà dối nhau được chăng?”Chưa gì đã hấp tấp bảo tất cả đều không, nhưng thực sự đã không chưa? Dùng "lý hay" để dối người mê thì được nhưng đâu thể dối Phật, dối Tổ, dối Diêm Vương! Hành giả chân chính không thể không xét kỹ!

Cho nên, chính vô trụ là trả lại “tâm bình thường là đạo”, sạch hết mọi kiến giải sai biệt, chỉ một sức sống chân thật luôn hiện hữu.

Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:
- Chư Thánh từ trước hướng chỗ nào đi?
Ngưỡng Sơn đáp:
- Hoặc ở trên trời hoặc ở nhân gian.
Vậy, đâu là chỗ đi của chư Thánh? Có chỗ nào, là bị người khám phá ngay, là bị quỷ thần có cơ hội thuận tiện, thì cùng phàm phu khác gì? Ngưỡng Sơn trả lời: “Hoặc ở trên trời, hoặc ở nhân gian” ý chỉ không có chỗ cố định để tìm, để thấy, bặt dấu vết của tâm. Chỗ đi của chư Thánh là như thế như thế, người còn “có tâm” làm sao bắt theo kịp? Do đó không bao giờ có thể bắt chước.

Như vậy, chỉ môt TÂM VÔ TRỤ mà sống đúng nghĩa chân thật của nó, tức luôn luôn sáng tỏ không mê, không gián đoạn. Ở trong đó thì một hạt bụi nhỏ cũng không lầm qua được. Như Tổ Lâm tế bảo: “Giả sử có Văn Thù, Phổ Hiền, mỗi vị hiện mỗi thân đến hỏi pháp, vừa mở miệng ‘Thưa Hòa thượng…’, tôi sớm biết rồi. Huynh đệ vừa đến gặp nhau, tôi đã trọn khác. Bởi vì chỗ thấy của tôi riêng khác, ngoài chẳng trụ phàm Thánh, trong chẳng trụ căn bản, thấy suốt trọn không có nghi ngờ.”

Tại sao ngài biết tinh tế như vậy? Chính vì tâm vô trụ, không trụ trong tâm, không trụ ngoại cảnh, trong ngoài phàm thánh đều bặt, không chỗ bám dừng, nên hằng sáng ngời, không có chút gì có thể làm lầm được. Vừa mở miệng “Thưa Hòa thượng…” là biết ngay trong tâm ông có vấn đề gì rồi! Người vừa đến gặp nhau, cũng biết là có việc rồi! Đến đây mới thực là "trâu trắng sờ sờ". Chưa được vậy, đừng vội ăn to nói lớn, khó tránh khỏi nhân quả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com