Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II. Ai không bản tâm?

20/04/201113:17(Xem: 9877)
II. Ai không bản tâm?

Một Sức Sống Chân Thật Giữa Thế Gian
THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ
Thích Thông Phương
Hội Thiền Học Việt Nam PL. 2547 - DL. 2003

TÂM YẾU NHÀ THIỀN

II. AI KHÔNG BẢN TÂM?

Đã là bản tâm tức bản thể của chính mình thì ai không có? Không có nó hẳn thành khúc gỗ còn gì? Song hỏi bản tâm là gì lại lúng túng không trả lời thông suốt! Vậy là sao? Đây là chỗ người học đạo cần chín chắn nghiệm xét không thể hời hợt bỏ qua.

Xưa kia, Đại Điên đến chỗ Hòa thượng Thạch Đầu, Thạch Đầu hỏi:
- Cái gì là tâm ông?
Sư thưa:
- Nói năng đó là tâm.
Bị Thạch Đầu nạt đuổi ra. Hơn một tuần, Sư lại đến hỏi:
- Trước đó đã chẳng phải, trừ ngoài cái này, cái gì là tâm?
Thạch Đầu bảo:
- Trừ ngoài nhướng mày, chớp mắt, đem tâm lại.
Sư thưa:
- Không tâm có thể đem lại.
Thạch Đầu bảo:
- Nguyên lại có tâm, sao nói không tâm? Không tâm tức trọn đồng chê bai rồi.
Sư liền tỏ ngộ.
Hỏi: “Gì là tâm?” Đáp: “Nói năng là tâm.” Mới nghe qua dường như phải, không tâm thì cái gì biết nói năng. Tuy nhiên, chỗ này rất dễ hiểu lầm, thành xen lẫn với tướng sanh diệt. Nếu chỉ nhận nói năng là tâm, vậy khi không nói năng thì sao? Không có tâm chăng? Vì vậy Hòa thượng Thạch Đầu nạt đuổi ra để gạn lại chỗ thấy của Đại Điên. Sau đó Đại Điên hỏi lại: “Cái nói năng đó đã chẳng phải thì ngoài cái này ra, cái gì là tâm?” Tức ngoài cái nói năng này còn có cái gì riêng là tâm nữa? Thạch Đầu bảo: “Tức ngoài nhướng mày, chớp mắt, đem tâm tại! Ngài gạn kỹ lại xem Đại Điên đã thấy thấu qua cái dụng kia chân? Quả tang Đại Điên chỉ kẹt trên cái dụng đó, chưa thấu được thể thật, nên đáp: “Không tâm có thể đem lại.” Vậy là Sư chi thấy tâm ở chỗ nhướng mày, chớp mắt đó thôi sao? Vì thế Hòa thượng Thạch Đầu bảo: “Nguyên lai có tâm sao nói không tâm? Nói không tâm tức đồng với chê bai rồi.” Ông đáp không tâm có thể đem lại, vậy cái gì đang trả lời đó? Trong đây cần rõ: Biết nói năng, biết nhướng mày, chớp mắt, nếu thực không có tâm thì cái gì biết làm những việc đó? Song người mê chỉ nhận trên tướng nói năng, tướng nhướng mày chớp mắt tức nhận lầm tướng sanh diệt làm tâm. Chỗ này dễ lẫn lộn với thần ngã của ngoại đạo. Ngoại đạo cũng nói có thần ngã bên trong mới khiến thành ra có nhướng mày chớp mắt, động dụng, khổ vui v.v… Vậy làm sao phân biệt chân giả? Chỗ này cốt phải nhận thấy thấu tột ngay đầu nguồn phát ra mọi tác dụng kia! Chính đó mới là tâm thể thường hiện tiền không thuộc động tịnh. Chỉ nhận nơi tác dụng đó, khi không tác dụng liền lờ mờ lại rơi vào đoạn diệt, nên gọi “trọn đồng với chê bai”. Thần ngã thuộc chỗ này.

Để rõ thêm chỗ này, chúng ta hãy nghe Tổ Tăng Già Nan Đề, một hôm nhân gió thổi trước điện Phật, tiếng linh khuya, Tổ hỏi Già Da Xá Đa:

- Linh kêu hay gió kêu?
Già Da Xá Đa đáp:
- Chẳng phải linh kêu, chẳng phải gió kêu mà tâm con kêu.
Tổ hỏi:
- Tâm như thế nào?
Già Da Xá Đa đáp:
- Đều lặng lẽ.

Tổ Tăng Già Nan Đề muốn gạn xem chỗ thấy của Già Da Xá Đa thế nào nên hỏi: “Linh kêu hay gió kêu?” Già Da Xá Đa đáp: “Tâm con kêu.” Vậy kêu như thế nào? Tâm biết kêu sao? Quả thực nếu không phải là người đã hằng sống trong đó, hẳn đã theo tiếng linh, tiếng gió mà đáp, là rơi vào cái bẫy của Tổ rồi! Linh và gió là cảnh bên ngoài, theo cảnh phân biệt là quên mất mình đang hiện hữu. Chính chỗ này mà hai ông tăng ở chùa Pháp Tánh cãi nhau về gió động và phướn động mãi không thôi, khiến Lục Tổ đang trong hình thức cư sĩ nhịn không được phải xuất hiện để lộ tung tích bảo: Tâm ngài động!”

Ở đây, Già Da Xá Đa bị Tổ gài linh với gió nhưng Sư vốn thường sống trong ấy, luôn luôn có mặt không mê nên đáp rõ: “Tâm con kêu.” Tức nói lên sự hiện hữu chính mình ngay đó! Dù có tiếng gió, tiếng linh nhưng cái gì đang có mặt nhận rõ tiếng kêu đó? Tổ Tăng Già Nan Đề hỏi tiếng gió, tiếng linh nhưng chính đây mới là chỗ nhắm. Vậy là có tâm hay không? Nếu không tâm thì cái gì biết gió thổi linh kêu. Song nếu chỉ nhận cái biết theo tiếng gió, tiếnglinh làm bản tâm thì khi gió im tiếng lặng sẽ ra sao? Tâm kêu ở chỗ nào? Hẳn sẽ là chới với mờ mịt! Do đó Tổ Tăng Già Nan Đề gạn thêm cho tột cùng tâm thể: “Tâm như thế nào?” Đến đây nếu không phải người thực sống trong đó hẳn khó trả lời cho thông. Biết có tâm kêu nhưng cái gì là thể của tâm? Không thể lờ mờ trên tướng sanh diệt kia!

Già Da Xá Đa đáp rõ: “Đều lặng lẽ.” Biết kêu là động, là đối tiếng má có, nếu không đối tiếng liền không, chưa tột được thể. Ở đây, Già Da Xá Đa biết mà đều lặng lẽ, hằng lặng lẽ, tức biết mà lặng. Biết mà lặng là biết nhưng lìa tiếng biết, biết tất cả nhưng vẫn không rời tự thể, đó mới chính là cái biết nhiệm màu, cái biết chẳng thể nói, chẳng thể nghĩ bàn, vượt ngoài mọi hý luận. Cho nên bản tâm phải đủ hai chữ tịch mà tri, lặng mà biết, biết mà lặng. Do đó nói biết cũng được, nói chẳng biết cũng được, vì có tướng hay không có tướng vẫn hằng biết, không lệ thuộc đối tượng bị biết.

Đi sâu vào thêm, chúng ta nghiệm kỹ đoạn nhân duyên về Bồ tát Quan Thế Âm ngàn tay ngàn mắt. Đạo Ngô hỏi Vân Nham:

- Đức Quan Thế Âm ngàn tay ngàn mắt, vậy mắt nào là mắt chánh?
Vân Nham đáp:
- Như người ban đêm với tay lại sau mò chiếc gối.
Đạo Ngô nói:
- Tôi hội rồi.
Vân Nham hỏi:
- Hội thế nào?
Đạo Ngô đáp:
- Khắp thân là tay mắt.
Vân Nham nói:
- Nói tột lời chỉ nói được tám phần.
Đạo Ngô hỏi:
- Sư huynh thì sao?
Vân Nham đáp: Toàn thân là tay mắt.

Như vậy, Đạo Ngô nói khắp thân là tay mắt, Vân Nham nói toàn thân là tay mắt, có gì đặc biệt? Giữa đêm tối, với tay lại phái sau mò chiếc gối, thì con mắt ở đâu mà thấy chiếc gối khiến mình đụng biết? Mắt này đâu cần tròng? Song người nghe nói kháp thân là tay mắt, lền tưởgn tượng khắp cả thânmình chỗ nào cũng mọc tay, mọc mắt có ngón, có tròng đầy đủ; Vậy dưới lòng bàn chân cũng phải có hai tròng mắt thì khi đi, đạp xuống đất hẳn bị bụi lấp đầy mắt làm sao thấy? Hơn nữa, một người mà khắp thân mọc đầy tay, đầy mắt thì thân đó phải to đến cỡ nào mới chứa đủ ngàn cánh tay, ngàn con mắt? Và người đó là người sẽ thế nào? Chắc hẳn đó là một quái nhân, ai yếu tinh thần gặp phải cũng té xỉu! Cho nên Vân Nham bảo: “Nói tột lời nói chỉ nói được tám phần” không thể nói hết.

Vân Nham nói “toàn thân” là muốn đánh thức người vượt qua chữ nghĩa đó. Đây là ngầm chỉ thể giác tròn khắp, toàn thân đụng đến đến đâu liền thầm cảm biết ngay, tức chỗ nào cũng có tánh giác biểu lộ không thiếu thì đâu đâu chẳng là tay mắt? Người đã thể nhập bản tâm thì toàn thể đều giác, đụng đến đâu cũng là thể giác hiện bày chưa từng mê, tất cả đều thành diệu dụng sáng gnời nên biểu trưng bằng ngàn cánh tay, ngàn con mắt: sẵn sàng ứng khắp! Người học phải đạt ý ngoài lời, không thể bám theo lời sanh hiểu.

Cảm nhận được chỗ này, vua Đường Trang Tông nói với Thiền sư Tồn Tương ở Hưng Hóa:

- Thẩm thâu Trung Nguyên nhận được hòn ngọc quý mà chưa từng có người trả giá.
Thiền sư Tồn Tương hỏi:
- Xin bệ hạ cho xem!
Vua lấy hai tay vuốt từ đầu đến chân.
Sư nói:
- Ngọc quý của đấng quân vương ai dám trả giá.
Xem đấy, Thiền sư xin cho xem ngọc quý, vua lấy tay vuốt từ đầu đến chân, là trình ngọc xong. Toàn thân vuốt tới đâu, cảm biết tới đó, rõ ràng không mê thì chính đó là gì? Nghĩa là, tánh giác luôn luôn hiện hữu nơi người, sờ sờ chưa từng vắng mặt mà người người bỏ quên không nhận, lại đi nhận những tướng sanh diệt bên ngoài, nhận cái bóng dáng suy nghĩ theo duyên chợt có chợt không, khiến đành chịu lưu chuyển mãi. Một lẽ thật một trăm phần trăm như vậy còn nghi ngờ gì nữa? Người đã có, sao chúng ta không có? Sa di Cao bảo: “Chỉ là người chẳng chịu nhận thôi!”

Tuy nhiên đã biết có bản tâm đó rồi nhưng phải thấy ở đâu?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567