Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

VI. Tóm kết: Có tâm là có thiền

20/04/201113:17(Xem: 10364)
VI. Tóm kết: Có tâm là có thiền

Một Sức Sống Chân Thật Giữa Thế Gian
THIỀN TÔNG ĐỐN NGỘ
Thích Thông Phương
Hội Thiền Học Việt Nam PL. 2547 - DL. 2003

TÂM YẾU NHÀ THIỀN

VI. TÓM KẾT: CÓ TÂM LÀ CÓ THIỀN

Như vậy xét cho tột cùng, tâm yếu thiền ở đâu? Chỉ là ở ngay tự tâm người thôi. Có tâm tức có thiền, khỏi nói ở đâu. Vừa thấy có chỗ là hết tâm yếu.

Trong Huyết Mạch Luận, Tổ sư đã chỉ rõ:“Ca Diếp chỉ là ngộ được bản tánh. Bản tánh tức là tâm, tâm tức là tánh. Tánh tức là tâm đồng với chư Phật này, Phật trước Phật sau chỉ truyền tâm này hẳn không Phật có thể được.”

Đây Tổ sư xác quyết rõ ràng. Tổ Ca Diếp ngộ chỉ là ngộ bản tánh thôi. Bản tánh đó tức là tâm, cái tâm tức tánh này, chính là tâm đồng với chư Phật, là chỗ truyền của Phật Phật, không thể có gì khác nữa.

Song phải rõ tâm tức tánh này là tâm gì? Tức là tâm bặt đối đãi. Nhận được tâm này là yếu chỉ vào đạo, rời ngoài tâm này chắc chắn sẽ đi vào đường tà. Tuy nhiên chớ lầm với cái tâm có đủ thứ mà cho là tâm đồng với chư Phật, rồi bám vào đó mà sống bừa bãi không pháp tắc, là đi vào địa ngục nguy hiểm! Phải là tâm thể sờ sờ sáng ngời chưa từng mê, đó mới thực là tâm yếu thiền.

Đã rõ thiền là ở tâm, cuối cùng tự tin là chính yếu, thiếu tự tin là chưa hiểu thiền.

Động Sơn hỏi Hòa thượng Hưng Bình:
- Thế nào là tâm Phật?
Hưng Bình đáp:
- Chính là tâm ông.
Động Sơn thưa:
- Tuy nhiên như thế chính là chỗ con nghi.
Hưng Bình bảo:
- Nếu thế ấy, hãy hỏi lấy người gỗ đi!

Hỏi tâm Phật, đáp chính là tâm ông, nếu ông còn nghi thì hãy đến người gỗ mà hỏi. Người gỗ sẽ trả lời thế nào? Sẽ được câu đáp gì? Ngầm ý bảo phải tự xoay lại chính mình thôi. Còn muốn hướng ra ngoài tìm chỗ để hiểu là tự cách xa.

Lâm Tế dạy:“Người học đạo cốt phải tự tin, chớ tìm kiếm bên ngoài, thảy là lên trên cảnh trần rỗng của người khác, đều chẳng nhận rõ tà chánh. Chẳng hạn có Phật, có Tổ đều là việc trong kinh giáo để lại.”

Rõ thật, Tổ Lâm Tế cũng bảo tự tin trở lại chính mình thôi. Ngoài đây mà tìm Phật Tổ bên ngoài, cũng là Phật Tổ trong kinh giáo, sách vở để lại, không phải Phật Tổ thật. Bởi ngoài tâm thì lấy gì giác? Lấy gì ngộ?
Linh Huấn hỏi ngài Quy Tông:
- Thế nào là Phật?
Quy Tông bảo:
- Ta nói cho ông nhưng ông có tin chăng?
Linh Huấn thưa:
- Lời chân thật của Hòa thượng con đâu dám chẳng tin.
Quy Tông bảo:
- Chính là ông đó.

Xét cho tột thì bao nhiêu phươgn tiện của Phật, Tổ lập bày ra, không ngoài một việc, giúp cho người tự tin trở lại chính mình là gốc. Chính bản thân đức Thế Tôn sau bao năm tầm thầy học đạo, công phu đạt đến những tầng thiền cao nhất ở thế gian, nhưng Ngài vẫn thấy chưa an, cuối cùng Thế Tôn quyết buông tất cả, đến ngồi dưới cột tất bát la thiền định xoay lại chính mình mà thấu tột cội nguồn sanh tử, dứt sạch vô minh, phá tung lưới sanh tử luân hồi, tụ thành đạo Vô thượng Chánh giác. Cho nên lời Phật thốt lên: “Lạ thay! Lạ thay! Tại sao chúng sanh ở trong thân có đầy đủ trí tuệ Như Lai mà không tự thấy biết? Ta phải dạy cho các chúng sanh ấy giác ngộ Thánh đạo, để chúng lìa hẳn sự trói buộc của vọng tưởng điên đảo, thấy đầy đủ được trí tuệ Như Lai ở trong thân họ cùng với Phật không khác.” (Phẩm Thánh Khởi, kinh Hoa Nghiêm). Đây là tiếng chuôgn cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta đấy! Ai ai cũng đều có đủ phần thành Phật đó, nhưng vì bỏ quên không nhận, lại nhận những thứ vọng tưởng điên đảo, đành chịu luân hồi kiếp kiếp. Giờ đây chỉ cần nhớ lại thì tự đầy đủ cùng Phật không khác! Bỏ chỗ này mà chạy tìm đạo giác ngộ ở đâu khác là không bao giờ có!

Bài kệ truyền pháp của Phật:

Pháp bổn pháp vô pháp
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phó vô pháp thời
Pháp pháp hà tằng pháp ?
Dịch:

Pháp gốc pháp không pháp
Pháp không pháo cũng pháp
Nay đây trao không pháp
Pháp pháp đâu từng pháp ?

Cái “pháp gốc” chính là pháp “không pháp”. Nghĩa là, tuy tạm n1oi là pháp nhưgn thực sự nó không là một pah1p gì, không thuộc cái bị biết, không chỗ cho người bám hiểu. Song, chính cái cái không là pháp gì hết đó ới là thật pháp, chứ không phải hoàn toàn không ngơ, chẳng có gì. Cốt là người phải vượt lên có và không. Vậy pháp gốc đó là gì? Không thể chỉ là gì, mà chính là tâm thôi! Vì vậy, nay trao là trao cái tâm pháp này chứ không gì khác. Người nhận được tâm pháp này liền sáng tỏ mọi pháp đều không thật, không riêng có một cái thứ hai nữa! Rốt lại, chỉ là tâm tâm truyền nhau, nếu còn thấy có một pháp thật ngoài tâm để được, để truyền, tức lọt ngoài cửa Tổ.

Bởi thế, Thiền sư Hồng Tiến ở viện Địa Tạng vừa thượng đường, có hai vị tăng ra lễ bái, Sư liền bảo:

- Cả hai đều lầm!
Tại sao hai vị tăng mới ra lễ bái chưa thưa hỏi điều gì mà Sư bảo là lầm? Vậy lầm ở chỗ nào? Vì ra lễ bái là muốn thưa hỏi cái gì đó, tức đã quên mình rồi! Lầm ngay chỗ đó! Đây là Sư muốn đánh thức hai người tự nhớ lại là xong. Yếu chỉ thiền nằm ngay đó!

Song, nói tự tin, nhưgn tự tin cái gì? Tức tự tin tâm thể sờ sờ sẵn có đây thôi. Tâm thể này vốn vượt ngoài mọi tướng đối đãi so sánh. Trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng Xán gọi là:

Tín tâm bất nhị
Bất nhị tín tâm
Ngôn ngữ đạo đoạn
Phi khứ lai kim.

Nghĩa:
Tín tâm chẳng hai
Chẳng hai tin tâm
Dứt đường nói năng
Chẳng phải xưa nay.

Nghĩa là, tin tâm vốn bặt niệm đối đãi, luôn luôn hiện tiền vượt ngoài thời gian, không gian, không thể nói năng suy nghĩ luận bàn. Tin được như thế thì hết còn bị ngoại vật chuyển, tự có chỗ sống vững vàng muôn thuở.

Tuy vậy, phải chú ý! Tin tâm, nhưng phải là tâm chẳng hai, tức tâm bặt đường nói năng suy nghĩ, vượt ngoài thời gian, không gian, không chỗ để hý luận; quyết không thể nhận bừa cái tâm suy nghĩ lăng xăng là nguy!

Điều này Tổ sư đã nói rõ trong Huyết mạch Luận: “Tâm lượng rộng lớn, ứng dụng không cùng, ứng mắt thấy sắc, ứng tai nghe tiếng, ứng mũi ngửi mùi, ứng lưỡi nếm vị, cho đến mọi cử chỉ hành động đều là tự tâm, ở trong tất cả thời chỉ dứt đường ngôn ngữ, chính là tự tâm.”

Quả là chỗ thấy của bậc đạt đạo vốn không hai. Ngay trong chỗ thấy nghe hằng ngày này, ngay trong mọi hành động đó, đều không ra ngoài tự tâm. Nhưng phải là “ở torng tất cả thời chỉ dứt đường ngôn ngữ, chính là tự tâm.” Tức phải vượt qua chỗ nói năng suy nghĩ mới đúng! Đến đây, Tổ sư đã chỉ hết tình, không giấu diếm chút gì, phần còn lại là người có đủ tự tin hay chưa vậy thôi.

Tóm lại, thiền là của chung tất cả, không phải của riêng ai. Ai có tâm đều có thiền, đây là chân lý muôn thuở! Bởi vậy tâm yếu thiền luôn hiện khắp trong mọi động dụng của chúng ta đang sống, rất bình thường giản dị, sát với chúng ta đến nỗi bất ngờ! Chỉ có điều, người muốn sáng tỏ được tâm yếu này thì phải quên niệm đối đãi phân biệt, bặt đường nói năng, hiểu biết. Vì nó không phải là cái bị biết, bị hiểu, bị nói! Hãy chín chắn xem lại: Giơ tay, bước chân, cúi đầu, xá chào… đó là gì?

Kỵ nhất, Đạo Ngô bảo Sùng Tín: “Nhận liền thì liền nhận, suy nghĩ liền sai.” Tâm yếu là đây!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]