- Chương một: Tôn Giáo của Chúng Ta Tào Động Tông
- Chương hai: Tự Viện, Tăng Lữ, Nghi Lễ
- Chương ba: Tông Chỉ, Giáo Nghĩa và Thánh Điển
- Chương bốn: Sinh Hoạt Tín Ngưỡng Của Đàn Tín Đồ
- Chương năm: Di Tích Của Lưỡng Tổ Đại Sư
- Chương sáu: Tư Liệu Tham Khảo
- Chương bảy: Tiểu Sử Tác Giả Đông Long Chơn
- Chương cuối: Lời Cuối Sách
Nguyên tác: Azuma Ryushin (Đông Long Chơn) - Việt dịch: Thích Như Điển
Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc và quý Phật Tử tại Mỹ Châu – Úc Châu ấn tống 2008
Tông Chỉ, Giáo Nghĩa và Thánh Điển
IV.2 Lời Dạy Của “Tu Chứng Nghĩa”
Đây là một quyển sách cần thiết của tín ngưỡng
IV.2.1 Tu Chứng Nghĩa
Với Tín Đồ của Tông Tào Động, “Tu Chứng Nghĩa“ là Tông Điển rất gần gũi thân thiết. Phần “Tào Động Tông Nghi Lễ Quy Trình” trong “Tào Động Tông Tông Chế” cho rằng: “Tu Chứng Nghĩa” là Tông Điển sử dụng hằng ngày trong cuộc sống. Vả lại, “Tào Động Tông Tông Hiến” quy định “Bổn Tông lấy bốn đại cương của Tu Chứng Nghĩa làm nguyên tắc, mà đại cương ấy thực hành giáo nghĩa thực tiển của Thiền Giới Nhứt Như và Diệu Đế tu chứng bất nhị”. Vả lại, “Tu Chứng Nghĩa” chỉ rõ giáo nghĩa của Tông Tào Động.
IV.2.2 Sự Hình Thành Của “Tu Chứng Nghĩa”
Năm Minh Trị (Meiji) thứ 20, để đơn giản hóa lời dạy của Thiền Sư Đạo Nguyên dành cho Tín Đồ tại gia, người ta trích trong tác phẩm “Chánh Pháp Nhãn Tạng” gồm 95 quyển ra những câu văn dễ hiểu rồi biên tập thành sách hướng dẫn, mà hầu hết những người Tín Đồ tại gia đó chính là những Tăng lữ của Tông Tào Động đã hoàn tục, có người hợp tác thành lập trường “Nhật Bản Manh Á Học Hiệu” (dạy cho những người mù và câm), có người là hiệu trưởng của Đại Học Đông Dương, có người xây dựng Tú Anh Xá (dùng làm chỗ in ấn, trong đó có Đại Nhật Bản Ấn Loát), Hồng Minh Xã (làm công việc xuất bản sách báo của Phật Giáo), có người đi làm công tác từ thiện, xã hội, giáo dục, hoặc những Phật sự do Đại Nội Thanh Loan Cư Sĩ chủ xướng và phát hành “Đổng Thượng Tại Gia Tu Chứng Nghĩa” do cư sĩ Thanh Loan, người bị sa thải ra khỏi giáo đoàn, soạn.
“Đổng Thượng Tại Gia Tu Chứng Nghĩa” được xem là tác phẩm tiêu chuẩn hoằng hóa của cư sĩ tại gia, song bị Thiền Sư Thác Cốc Triện Tông – Takiya Takushyu , Quản Thủ đại bổn sơn Vĩnh Bình Tự, và Thiền Sư Bạn Thượng Mai Tiên – Azegami Baisen , Quản Thủ đại bổn sơn Tổng Trì Tự kịch liệt phê bình nội dung đến nổi bị những cơ quan liên hệ phải thẩm bàn lại.
Thế nhưng, vào ngày mồng một, tháng 2 năm Minh Trị thứ 23, tác phẩm nầy được công bố không chỉ dành cho cư sĩ mà cho chư Tăng thuộc Tông nữa, thế nên được đổi là “Tào Động Giáo Hội Tu Chứng Nghĩa”. Hơn nữa, trong hiện tại chỉ gọi đơn thuần là “Tu Chứng Nghĩa”, đồng thời, còn chế ra các nghi lễ: Tang lễ, Chẩn tế Thí thực v.v... dành cho Tín Đồ, cho nên họ rất thích đọc tụng.
IV.2.3 Đại Ý
“Tu Chứng Nghĩa” được rút từ tác phẩm “Chánh Pháp Nhãn Tạng” 95 quyển, gồm có 24 quyển, có 3.704 chữ, chia thành 5 chương, 31 tiết. Chương một là phần tựa. Chương hai nói về sám hối diệt tội. Chương ba nói về thọ giới nhập vị. Chương tư nói về phát nguyện lợi sanh. Chương năm nói về hành trì báo ân.
Giải thích đơn giản theo tựa đề, “Tu Chứng Nghĩa” có nghĩa là; Tu là phương pháp tu hành; Chứng là sự chứng ngộ nói khác là mục tiêu hướng đến; Nghĩa là ý nghĩa, có thể hiểu là phương pháp, mục tiêu và ý nghĩa của Thánh Điển.
Phương pháp ấy là gì? Là phương pháp thành Phật. Mục tiêu gì? Là Phật, giác ngộ. Phật sanh từ chơn tâm, hướng dẫn cho người sống trong xã hội, chính là con người, phải làm thế nào để thành Phật. Hoặc có thể nghĩ rằng con người như thế nào là Phật. Nội dung của tác phẩm nầy trả lời nghi vấn đó. Theo cá nhân tôi, chương thứ năm là chương quan trọng nhất của “Tu Chứng Nghĩa” nói về “hành trì báo ân”. Song chương thứ ba lại là chương trọng yếu nhất của “Tu Chứng Nghĩa” nói về thọ giới. Tuy nhiên, nhìn sự sắp xếp trên, có thể suy nghĩ rằng chương thứ ba nói về vấn đề thọ giới có tính cách cụ thể (về phương diện sinh hoạt xã hội Phật Giáo). Hai chương nầy có thể xem là trung tâm điểm được chăng? Bởi vì chương thứ nhất về lời tựa, chương thứ hai về sám hối diệt tội, chương thứ ba và chương thứ tư là thuộc về phần nhập đạo, chương thứ năm là chương tối quan trọng về hành trì báo ân. Sau đây sẽ giải thích về đại ý của mỗi chương.
IV.2.3.1 Chương 1 – Lời Tựa
Mục tiêu chính của tín đồ Phật Giáo là phải thấy bản chất sinh tử của chính mỗi người. Được làm người và gặp Phật Pháp là điều vô cùng hy hữu ngay bây giờ, cho nên đừng đánh mất ý nghĩa cuộc sống của con người, phải gióng lên tiếng nói thức tĩnh cho những ai chưa hoàn hảo, đừng nên chấp vào biên kiến, đối đãi như thiện và ác; nhơn và quả; nghiệp và báo; quá khứ, hiện tại và vị lai, trong ba đời, nếu chỉ dùng biên kiến đối đãi nhau, không thể lãnh hội tư tưởng Phật Giáo.
IV.2.3.2 Chương 2 – Sám Hối Diệt Tội
Với chúng ta, lòng từ bi của chư Phật, chư Tổ quảng đại vô biên, mở cho chúng ta cánh cửa giải thoát. Để được vào cửa nầy, phải phản tỉnh về ngã kiến, tha thiết sám hối ác nghiệp đã phạm trong quá khứ. Tất nhiên sẽ được chư Phật, chư Tổ gia hộ, sống trong năng lượng an lạc vô biên như chư Phật, chư Tổ.
IV.2.3.3 Chương 3 – Thọ Giới Nhập Vị
Sám hối xong, trước tiên phải quy y Tam Bảo, tin sâu lời Phật, không mê tín ngoại đạo tà giáo, phát nguyện thọ trì ba giới trong mười giới cẩn trọng và thanh tịnh. Nhờ thọ giới, niềm tin càng thêm tăng trưởng và tuyệt đối. Nhờ tin Phật, mỗi tự thể chúng sanh có thể mở cho mình một lối sống chân thật. Trong xã hội, nếu có nhiều người tin Phật như thế, thế giới nầy sẽ được bình an.
IV.2.3.4 Chương 4 – Phát Nguyện Lợi Sanh
Hãy buông xả tất cả những công việc riêng tư, phát nguyện lợi sanh và khởi tâm vị tha. Bất cứ ai có tâm như thế, dù chỉ là cô bé tuổi lên bảy, cũng có thể gọi là người gương mẫu trong cuộc sống nầy. Hãy phát nguyện như thế, bởi vì đây là việc vô cùng cần thiết mà phát nguyện bao gồm bốn chân lý đó là:
Sống không tham đắm,
Có lòng từ và hòa ái,
Thực hành thiện hạnh,
Buông bỏ lối sống riêng tư, sống thân thiện nhau.
IV.2.3.5 Chương 5 – Hành Trì Báo Ân
Thật sự, không đơn thuần sống một cách trọn vẹn với bốn chơn lý trên, cho nên trong đời nầy, cần phải nương tựa giáo Pháp Thế Tôn và chư vị Tổ Sư, phải niệm ân chư Phật, chư Tổ. Song nếu không biết rõ ân đức cao vời ấy, làm sao báo ân? Thật ra, không gì hơn phương pháp tưởng niệm cuộc đời đức Phật trong sinh hoạt hằng ngày, dù phải làm gì đi nữa, bởi vì thời gian trôi qua như tên bắn, cuộc đời mong manh như sương mai, tự mình mỗi ngày kính ngưỡng đức Phật và sự tu hành giải thoát giác ngộ của Phật. Nếu mỗi ngày sống trong niệm tưởng như thế và luôn luôn tôn trọng mạng sống của những kẻ khác, sẽ được cộng thông cùng chư Phật, lãnh hội cốt tủy Phật Pháp của Đức Thích Tôn, được gọi là Tức Tâm Thị Phật, bởi vì chỉ còn trong đầu hoặc nơi tiếng nói, trong suy nghĩ là Tức Tâm Thị Phật. Đừng nói gì cả, hãy tự hỏi và tự nghiệm với chính mình Tức Tâm Thị Phật là việc của ai vậy? Trả lời được chính là báo ân Phật vậy.
IV.2.4 Thiền Giới Nhứt Như
Theo Tông chỉ của Tông Tào Động, Chỉ Quán Đả Tọa và Tức Tâm Thị Phật là ngôn ngữ biểu trưng đặc tính của Thiền trong Phật Giáo. Thế nhưng trong sinh hoạt hằng ngày, Tông Chỉ nầy phải được thực hiện như thế nào? Vả lại, nguyên tắc sinh hoạt tín ngưỡng của Tông Tào Động căn cứ tác phẩm “Tu Chứng Nghĩa“ có thể tương ưng với Giáo Lý chăng?
Theo “Tu Chứng Nghĩa” nguyên tắc sinh hoạt tín ngưỡng có bốn Đại Cương Lãnh, được biết với những thuật ngữ như:
• Sám Hối Diệt Tội,
• Thọ Giới Nhập Vị,
• Phát Nguyện Lợi Sanh
• Hành Trì Báo Ân.
Bốn đại cương lãnh, theo giải thích ở trên, là bốn cương yếu quan trọng, còn có thể gọi là Thiền Giới Nhứt Như hay Tu Chứng Bất Nhị, sẽ được lý giải ở sau.
Thiền Giới Nhứt Như nghĩa là Thiền và Giới là một, mà nếu nói tổng quát, Giới là giới luật, không làm điều ác, hãy làm việc lành, nghiêm cấm những việc làm ảnh hưởng đến đạo đức và luân lý, phải sống hướng thượng, có nhân cách, hòa bình, dù sống cá nhân hay sống tập thể, không thể thiếu luân lý đạo đức, vì đó là điều kiện tiên quyết, không cần nói cũng phải hiểu. Thế nhưng, căn cứ vào cái gì để xác định đạo đức và luân lý? Có lẽ có nhiều suy nghĩ và nhiều lập trường khác nhau, song tất cả cùng chung một điều vốn có sẵn đó là lấy con người làm trọng tâm, không chấp thủ, phải có tâm yêu thương. Tâm ấy, theo Phật Giáo, là Phật-tâm, Phật-tánh.
Tư duy về chơn tâm không phải để nói, để hành động, mà trở về với đạo đức chơn thật, luân lý đứng đắn. Lịch sử và xã hội có thể biến đổi, song thông thường đạo đức và luân lý nhằm hóa giải tánh xấu của mỗi cá thể không bao giờ khác biệt bởi dù ở đâu, bất cứ lúc nào, cho bất cứ ai. Thực tế, tất cả mọi đời sống của mọi loài không thể tồn tại mãi mãi.
Như thế, trên bình diện vũ trụ quan, tất cả đời sống chỉ là sự tự giác chơn tâm của con người, là Thiền, không có gì khác (Chỉ Quán Đả Tọa; Tức Tâm Thị Phật) và trên bình diện tự giác, cuộc sống ấy là giới. Nói khác, Thiền là cuộc sống thuộc phương diện tịnh của chơn tâm, Giới là cuộc sống thuộc phương diện động. Thiền triển khai từ Giới; Giới và Thiền quy về một. Với ý nghĩa đó, tuy Thiền và Giới là hai; nhưng thực tế là một. Ở đây, Giới chính là Phật giới (giới của Phật). Sinh hoạt Phật giới phải vượt lên khỏi luân lý, đạo đức, thiện, ác bình thường, không có đối lập giữa thiện và ác, cũng không bị thiện, ác trói buộc. Việc ác cho mấy cũng chuyển hoán thành thiện để tô bồi cuộc sống. Vả lại, không thể làm việc ác được, bởi vì đã đứng lên trên cao, mà trong phần ý nghĩa của chương thứ ba nói về Thọ Giới Nhập Vị đã giải rõ.
IV.2.5 Tu Chứng Bất Nhị
Tu Chứng Bất Nhị nghĩa là tu hành và chứng ngộ là một. Với quan niệm bình thường, tu hành đạt đến chứng ngộ không cần phải trải qua một quá trình, mà một khi tu hành là chứng ngộ rồi. Thật ra, bản chất của giai đoạn tu hành và giai đoạn chứng ngộ không giống nhau. Tu hành là tu hành, chứng ngộ là chứng ngộ. Nếu đạt đến cảnh giới chứng ngộ thì không cần tu hành nữa. Đại để, từ hiện thực sinh hoạt khổ não đến lý tưởng đời sống chân thật, dù có liên hệ đi nữa, cũng không phải là bản chất hiện thực của lý tưởng, mà chỉ gọi là thể nghiệm tâm linh từ tu hành đến chứng ngộ, cho nên trước tiên phải xác nhận sự hiện thực của lý tưởng ấy. Thật ra, nên biết rằng trong quá trình tu hành đã có chứng ngộ, trong chứng ngộ đã hiện hữu sự tu hành rồi. Nếu không tu hành, không chứng ngộ. Dẫu gọi là tu hành hay gọi là chứng ngộ đi nữa, nói theo tổng quan, một khi đời sống chúng ta nối kết trực tiếp với đại vũ trụ ngay bây giờ và ở đây, bản chất hiện thực của lý tưởng tuyệt đối tự nó hiển hiện rõ ràng, không thể phủ nhận, không phải thêm vào. Ngay trong cuộc sống tự nó đã hiện hữu liên tục và ngay trong phương pháp sống, tự nó rõ biết thế nào, đó chính là tu hành và cũng gọi là chứng ngộ. Tu hành và chứng ngộ ấy gọi là “Tu Chứng Bất Nhị”. Theo “Tu Chứng Nghĩa”, vấn đề nầy dùng để nói lên tính cụ thể mà trong chương hai nói về sám hối diệt tội, chương ba nói về thọ giới nhập vị đã chứng minh. Còn chương tư nói về phát nguyện lợi sanh và chương năm nói về hành trì báo ân được gọi là Tu, cũng còn gọi là Chứng nữa.
Như trước đã trình bày, từ quan điểm tự giác, tính chất tuyệt đối của cuộc sống đặc biệt chính là Bổn Chứng hay gọi là Tu, đặc biệt tự thể những hoạt động ấy là Diệu Tu, cho nên cũng gọi là “Bổn Chứng Diệu Tu”. Bởi thế “Tu Chứng Nghĩa” dù được viết lên bằng chữ nghĩa văn chương nhưng không sai với chơn ý. Hãy chí thành đọc tụng dùng bằng đôi mắt thật là sáng suốt.
IV.2.6 Tu Chứng Nghĩa
Sau đây là phần được dịch từ ngôn ngữ Nhật hiện đại, xin xem ghi chú của dịch giả. Chương một bắt đầu phần tổng quát.
IV.2.6.1 Chương 1: Phần Tổng Tự
Sanh là gì? Tử là gì? Với đạo Phật, làm sao sáng tỏ sanh và tử là một việc làm vô cùng quan trọng. Thật ra, vẫn sống trong thế giới sanh tử hiện thực nầy, song với Đức Phật, Ngài không bị khổ não do sanh tử chi phối, bởi vì Ngài đã rõ biết chân thật nguyên thỉ của nó, Ngài không chối bỏ sự thật sanh tử khi đạt được Niết Bàn. Còn chúng ta, vấn đề trước tiên là để giải quyết sự mê mờ khi đối đầu với vấn đề sanh tử, phải nghiên cứu thật rõ lời Phật dạy.
Thật ra, được làm thân người là khó, gặp Phật pháp cũng khó, song chúng ta nhờ trợ duyên từ những việc lành từ thuở xa xưa, lãnh thọ thân người là điều hy hữu, lại gặp Phật Pháp nữa thật là quý hiếm, cho nên trong cuộc sống nầy, phải sống một đời thật có ý nghĩa, đừng uổng phí thân thể và trí tuệ nầy, cũng chẳng phải làm gì, hãy như làn gió thổi tan những giọt sương trên đầu ngọn cỏ, cũng đừng chấm dứt.
Sống trong cuộc sống vô thường đổi thay nầy, chẳng có gì có thể nương tựa vào được. Đời sống chẳng khác nào giọt sương trên đầu ngọn cỏ, không ai có thể biết cho đến lúc nào và kết quả ra sao, rồi đi về đâu. Thân nầy chẳng thể giữ mãi như mình mong muốn. Sinh mạng trôi theo ngày tháng, không thể dừng lại bất cứ nơi đâu, dù cho nhỏ như một hạt bụi trần. Dù thời trai trẻ, nhan sắc đẹp tuyệt vời, song vô thường chợt đến, nó tan đâu mất, dù có tìm lại được việc trước, cũng chẳng còn nguyên hình dáng cũ. Nếu quan sát cho kỹ, không ai có thể nắm bắt quá khứ. Sự chết chợt đến dù cho Quốc Vương, Đại Thần, bằng hữu, bộ hạ, thê tử, tài sản đi nữa, chẳng thể cứu được. Chỉ cô độc một mình trên chuyến lữ hành đi về cõi chết, mà hành lý mang theo chính là nghiệp thiện và nghiệp ác, mà mình đã tạo trong cuộc sống cũ mà thôi.
Những kẻ tà tâm, sống trong cuộc đời, không màng đạo lý, không màng nhân quả, không màng quả báo của những hành vi thiện, ác, không màng quá khứ, hiện tại, tương lai, không phân biệt thiện, ác, chẳng màng tất cả mọi việc, vẫn phải lãnh thọ quả báo nhân quả theo đạo lý, mà không một chút ánh sáng nào có thể soi rọi cho. Khi mọi việc trôi qua rồi, kẻ ác sẽ bị đọa lạc, người làm lành được thác sanh theo nhân cách hướng thượng.
Hơn nưa, nếu không có nhơn và không có quả, thì đạo lý nhân quả sai lệch rồi chăng? Ngài Bồ Đề Đạt Ma Tổ Sư từ Ấn Độ đến Trung Quốc cũng chẳng phải để truyền con đường của Phật.
Thời gian mà hành vi thiện và ác biểu hiện thành kết quả phải trải qua 3 giai đoạn. Trước tiên, thọ nhận kết quả ngay trong đời sống hiện tại, gọi là thuận hiện báo. Tiếp theo, thọ nhận ở đời khác, gọi là thuận sanh báo và thứ ba, thọ nhận ở đời sau nữa, gọi là thuận hậu báo.
Lãnh hội giáo huấn của chư Phật và chư Tổ, trước tiên chúng ta phải rõ những tạo tác trong ba thời qua đạo lý nhân quả. Nếu không, tư duy của chúng ta trở thành sai lệch, đưa đến đọa lạc vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh để thọ nhận khổ não đời đời. Rõ được như vậy thật là quý hóa. Trong đời nầy, đã quan niệm Ta, không thể có hai cũng không thể có ba, mà tư duy đó hoàn toàn không hợp lý, dẫn đến tạo tác những hành vi độc ác, để rồi phải thọ nhận hậu quả, không hối tiếc sao? Nếu cho rằng làm ác, không gặp ác, thế thì định luật nhân quả không hợp lý sao? Không bao giờ tạo ác mà không thọ nhận hậu quả cả.
IV.2.6.2 Chương 2: Sám Hối Diệt Tội
Ăn năn sửa đổi những ác nghiệp trong quá khứ, nguyện với Phật sẽ không tạo nữa.
Thương tưởng chúng ta, Chư Phật và chư Tổ đã mở con đường đi vào Phật đạo thênh thang. Nếu sống đúng và sống trọn vẹn, chắc chắn sẽ đạt được cảnh giới giác ngộ, không sai chút nào. Thọ thân dù là Người, hay Trời đi nữa cũng từ ác nghiệp trong ba thời mà sanh. Nếu chân thành sám hối, quả báo to lớn có thể trở thành nhỏ và nhẹ, hẳn nhiên đến lúc nào đó tội sẽ tiêu diệt và thân nầy trở thành thanh tịnh. Chỉ cần đem tâm tha thiết sám hối trước Phật, chúng ta sẽ được cứu độ và trở nên thanh tịnh. Nhờ năng lực hành trì tạo thành công đức sám hối, mà công đức nầy không có gì ngoài lòng tin. Đó chính là việc trưởng dưỡng tâm linh bằng sự nỗ lực. Nhờ tín tâm mà tâm được thanh tịnh. Hơn nữa, cả mình lẫn người trở nên thanh tịnh giống nhau, vượt qua cảnh giới Trời, Người và vượt qua tất cả.
Phương pháp sám hối phát nguyện trước Đức Phật là:
“Xin cho con được ăn năn sám hối những hành vi bất thiện chất chồng, mà con lỡ tạo trong quá khứ.
Xin cho con được lãnh thọ lời Phật dạy để đề phòng những hành động ấy tái sanh.
Xin cho con được đi trên con đường giác ngộ, mà chư Phật chư Tổ đã đi qua.
Xin cho con thấy rõ và ra khỏi vòng vây của nghiệp bất thiện
Xin cho con vượt qua mọi chướng ngại trên con đường theo Phật.
Xin cho con nguyện vâng lời chư Phật, chư Tổ truyền trao, nguyện tích phước, tạo công đức không chỉ giới hạn trong vũ trụ nầy. Trong vũ trụ nầy bao gồm tất cả,
Xin cho con được Phật gia hộ được làm người tinh tấn trên con đường giác ngộ, để trở thành Phật Tổ.
Xin cho con được sám hối tất cả lỗi lầm, sanh ra từ thân, miệng, ý, tạo các ác nghiệp, bởi tham, sân, si nhiều đời nhiều kiếp”.
Sám hối như vậy, chắc chắn chư Phật, chư Tổ không thể không gia hộ. Một khi niệm thành kính chư Phật hiện hữu ở trong tâm, chí thành chí kính đảnh lễ chư Phật và thiết tha tỏ bày trước Phật, chắc chắn tất cả tội lỗi được hòa tan vào trong biển năng lực thành tâm sám hối và chí thành cầu nguyện nầy.
IV.2.6.3 Chương 3: Thọ Giới Nhập Vị
(Thọ giới và bước lên địa vị Phật).
Phật là bậc Giác Ngộ, còn gọi là rõ biết, Pháp là những lời dạy của Phật và Tăng là người thực hành và truyền trao những lời dạy ấy đến mọi người. Đó là ba ngôi Tam Bảo tôn kính. Dù cho ở đời nầy hay tái sanh trong đời khác, dù được thân nào đi nữa, chúng ta vẫn cúng dường và tôn kính Tam Bảo. Dù đuợc truyền thừa chánh truyền từ Phật ở Ấn Độ hay từ Chư Tổ ở Trung Hoa, chúng ta có bổn phận tôn kính Phật, Pháp và Tăng. Do nghiệp chướng đã tạo, có nhiều người không nghe được Tam Bảo, vì thế nên quy y khi được gặp Tam Bảo. Đừng vì sự bất hạnh, không an mà nương tựa vào Thần Núi, Thần Miễu, Thần Từ Đường, hay các loại Quỷ Thần v.v... cho dù nương tựa vào những nơi đó, khổ não vẫn còn, không sao có thể giải thoát được. Hãy mau quy y Tam Bảo, chẳng những vượt qua biển khổ mà còn viên mãn giác ngộ nữa.
Quy y Tam Bảo, tâm được thanh tịnh. Dù Phật còn tại thế hay đã nhập diệt, chúng ta vẫn chấp tay, chí thành chí kính bày tỏ niềm tin Đức Thích Tôn, xuất phát từ chơn tâm thanh tịnh rằng:
“Con nguyện quy y Phật,
Con nguyện quy y Pháp,
Con nguyện quy y Tăng”.
Phật là một bậc đạo sư cao quý, cho nên chúng ta xin quay về nương tựa Phật. Pháp là phương thuốc hay cho nên chúng ta xin quay về nương tựa giáo Pháp. Tăng là bậc thiện hữu tri thức, nên chúng ta xin trở về nương tựa chư Tăng. Điều bắt buộc khi trở thành đệ tử Phật là phải quy y Tam Bảo. Muốn lãnh thọ giới Pháp nào đi nữa, điều trước tiên vẫn là quy y Tam Bảo, bởi vì quy y Tam Bảo là việc chính, cho dù trên hết giới vẫn là hộ thân cho từng người. Thành tựu công đức quy y Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng, chắc chắn sẽ thành tựu đạo nghiệp nếu qua tâm Phật. Như tất cả chúng sanh trong cõi người, cõi Trời, cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, dù bị khổ não bức bách đến mấy đi nữa, nếu có quy y sẽ lãnh hội Tâm Phật.
Điều tối tôn, tối thượng cần rõ biết đó là một khi đã quy y rồi, dù sanh vào đâu đi nữa, gặp cảnh khổ đau nào đi nữa, công đức quy y Tam Bảo, được Đức Thích Tôn chứng minh, vẫn tích chứa và tăng dần cho đến khi đạt được giác ngộ vô thượng Bồ Đề, cho nên đời đời kiếp kiếp phải tin tưởng và thọ nhận.
Có ba Pháp vững chắc, cần lãnh thọ để tịnh hóa thân tâm trong cuộc sống hằng ngày:
Thứ nhất, không làm các điều ác,
Thứ hai, nguyện làm các việc lành
Thứ ba, chẳng chỉ vì lợi riêng, phải khởi tâm từ đến tất cả chúng sanh.
Tiếp theo phải giữ 10 giới:
Thứ nhất, không giết hại sinh mạng chúng sanh,
Thứ hai, không trộm cướp,
Thứ ba, không tà dâm,
Thứ tư, không nói dối,
Thứ năm, không mua bán rượu,
Thứ sáu không tìm khuyết điểm của người,
Thứ bảy, không tự khen mình chê người,
Thứ tám, không tham tiếc tiền của, phải bố thí,
Thứ chín, không giận hờn không nguôi,
Thứ mười, không hủy báng Tam Bảo.
(Ghi chú của dịch giả: 10 Giới nầy là 10 Giới Trọng của Bồ Tát Giới tại gia cũng như xuất gia theo tinh thần giới luật của Việt Nam, Đại Hàn và Trung Quốc).
Như thế, quy y Tam Bảo để tịnh hóa cuộc sống theo ba Pháp trên và phát nguyện giữ 10 cấm giới, bởi vì chư Phật cũng thọ trì như vậy. Thọ giới được chư Phật trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai chứng minh cho sự giác ngộ vô thượng sáng suốt của mình, chứ không có gì khác. Bất cứ ai, dù hiền hay không cũng chẳng có gì ngoài ý muốn cầu nguyện. Đức Thế Tôn vì chúng sanh mà chỉ rõ cho điều đó rằng: “Chúng sanh nào thọ nhận Phật giới, tức vào địa vị chư Phật. Đồng nghĩa với chỗ giác ngộ của chư Phật, chính là đệ tử của chư Phật”.
Chư Phật vẫn thường hiện hữu để quán sát và gia hộ chúng sanh trong mọi phương diện sống ở thế giới nầy, song không lưu bất cứ hành tung nào cả, bởi vì đối với chư Phật, mọi hoạt động trong cuộc sống đang tiếp diễn nầy, đều tự tại, đến đi không lưu dấu, mọi hiện hữu trong vũ trụ như đất đai, cây, cỏ cho đến hoa, đá, gạch ngói v.v... đều là Phật sự, cho nên cần phải phát triển thêm lên, ngay cả gió thổi, mây bay, nước chảy cũng đều mang lợi ích cho con người, nói không cùng tận. Sâu rộng hơn, con người không thể liễu tri tường tận năng lực từ bi cứu độ của chư Phật, mà chỉ nghe việc giác ngộ mà thôi. Đây vừa là kết quả tự nhiên của chính mình đã tạo, vừa là sự sống như Phật đang được tiếp diễn qua phát tâm quảng đại cứu độ chúng sanh.
IV.2.6.4 Chương 4: Phát Nguyện Lợi Sanh
(Phát thệ nguyện và làm lợi lạc chúng sanh)
Đã phát tâm Bồ Đề cầu Phật đạo, dù cho mình chưa chứng ngộ, nhưng phải nỗ lực phát nguyện độ tất cả chúng sanh, dù họ là người tại gia hay xuất gia, dù họ là chư Thiên hay loài người, dù họ đang ở trong hoàn cảnh khổ đau hay trạng thái hỷ lạc, vẫn phải cứu độ họ trước rồi mình mới giải thoát. Đó là vì tha nhân, phát tâm Bồ Đề cứu độ chúng sanh.
Một khi đã phát tâm Bồ Đề, liền trở thành bậc đạo sư cho tất cả chúng sanh. Như đứa bé gái tuổi vừa lên 7 đã làm Thầy những người có lòng tin học đạo ngay cả chư Tăng, Ni, trở thành bậc phụ mẫu của tất cả chúng sanh, bất luận nam hay nữ. Đây chính là pháp nhiệm mầu của đạo Phật.
Đã phát tâm Bồ Đề tìm cầu Phật đạo, song vẫn rơi vào trong các cảnh giới lục đạo như: Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh, A Tu La, Người, Trời v.v... hoặc thai sanh, noãn sanh, thấp sanh hay hóa sanh, dù Sanh có khác, Tử có khác, trải qua nhiều cảnh ngộ có khác, song Tâm chơn thật tu hành và thệ nguyện cứu độ vẫn như vậy. Bởi thế không biết cuộc sống phải trải qua thời gian bao lâu, nếu chưa ra khỏi, hãy mau mau phát nguyện. Chính mình tích tụ công đức để thành Phật, song nếu đem tâm cầu nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sanh khác, họ cũng được thành Phật. Phải nỗ lực phát tâm như thế. Dù trải qua vô lượng kiếp cứu độ nhưng chưa thành tựu Phật đạo thì cũng đã mang lại lợi lạc cho chúng sanh, bởi mục đích cuối cùng thành Phật là để cứu độ chúng sanh.
Vì sự lợi lạc cho chúng sanh mà thực hành bốn điều chơn thật của trí tuệ đó là:
• Bố thí,
• Ái ngữ,
• Lợi hành,
• Đồng sự.
Bố thí nghĩa là không tham lam, hãy cho những gì không những của chính mình, mà còn vật bố thí ấy phải giúp cho người kia được lợi ích nữa mới là đúng ý nghĩa bố thí. Không luận vật bố thí nhiều, ít, tốt, xấu mà quan trọng khởi lên từ chơn tâm. Ban cho người một lời khuyên cũng là việc bố thí trong hiện tại, sẽ mang lại kết quả trong vị lai. Bố thí dù chỉ một đồng tiền hay một ngọn cỏ mà thôi vẫn tạo thành thiện căn trong đời nầy và đời khác. Pháp Phật là vàng ngọc, nếu thật tâm bố thí, dù tài vật nhiều mấy đi nữa cũng không hơn lời Phật. Tuyệt đối, đừng mong cầu báo đáp tạ ân từ người nhận sau khi mình bố thí, mà là tự nguyện của chính mình giống như sông để thuyền bơi, cầu để người qua sông rất tự nhiên, không vì bất cứ lý do nào mà bố thí.
Ái ngữ nghĩa là đối với chúng sanh, trước tiên phải khởi tâm từ ái, nói lời ngọt ngào thân thiện và thương mến quý trọng như con ruột của mình. Suy nghĩ và nói lời như thế gọi là ái ngữ. Nên tán thưởng những ai làm được việc lành đã đành song cũng nên dùng lời hòa nhã để nói chuyện khi người ta không làm được việc tốt. Hãy hàng phục oán hờn giận dỗi, dùng uy đức cao quý của con người. Nói lời ái ngữ là điều căn bản vậy. Nghe lời ái ngữ dù không gặp mặt, tâm cũng thấy vui. Không gặp mặt mà nghe lời ái ngữ, lời nói ái ngữ ấy sẽ in sâu vào tâm thức. Ái ngữ chính là tâm của Thiên Tử, an định loạn động trong thiên hạ. Nghe lời ái ngữ như thế không ai không tự an.
Lợi hành tùy theo lập trường khác nhau, song tất cả vì mang lại lợi ích cho chúng sanh.
Ngày xưa, thời nhà Tấn tại Trung Hoa có câu chuyện của Khổng Du ở Dư Bất Dinh, một ông già đi câu câu được một con rùa, đã thả lại trong nước, thay vì đem đi bán. Đến thời nhà Hậu Hán có câu chuyện của Dương Bảo thả những con kiến và chim se sẽ bị đánh nhốt trong bao tải. Hai câu chuyện thả rùa và thả chim là những truyền thuyết ngày xưa. Rùa bị vướng câu, chim bị nhốt hẳn nhiên rất lo sợ, không thể tự tìm đến ta để được cứu. Nếu đặt trường hợp ta là những con vật như thế, hẳn nhiên người ngu sẽ lo cứu mình trước, quên người khác ngay, nhưng cả ta và người đều cùng sống với nhau, khi người nầy được, chắc chắn người kia tổn giảm, cho nên làm sao cho mình và người, cả hai bên cùng được lợi lạc, không có khác biệt giữa mình và người. Chính mình chẳng khác biệt, người khác cũng chẳng khác biệt, tự, tha chẳng khác biệt. Đến thế giới loài người, Đức Thích Tôn cũng mang hình dáng con người, giống chúng ta, cho nên mình giống với người khác thì mình và và người không khác. Nếu có khác, chẳng qua vì không gian và thời gian khác nhau mà thôi, giống như biển cả đón nhận nước từ sông, rạch, suối chảy vào. Bởi thế mình và người đều là nước chảy vào biển cả. Thế cho nên thực hành hạnh nguyện tìm cầu Phật đạo là đạo lý tỉnh thức để nhận chân mình và cứu độ chúng sanh khi có thể còn cứu được. Công đức nầy đáng kính và đáng lễ bái.
IV.2.6.5 Chương 5: Hành Trì và Báo Ân
(Cuộc đời của Đức Phật, với ân Phật ấy ta phải báo đáp).
Có nhiều người sống trong quốc độ nầy và cũng có thân thể như chúng ta phát tâm cầu Phật đạo, chúng ta trong hiện tại có cơ hội phát tâm tìm cầu Phật đạo như thế, hãy tự mình phát nguyện khi đã được sinh vào thế giới hiện thật nầy, có thắng duyên được gặp giáo Pháp của Đức Thích Tôn. Thật ra, nếu chánh Pháp không được truyền thừa, dù có phát nguyện xả bỏ thân để tìm cầu Chánh Pháp đi nữa, cũng khó mà gặp được. Phật dạy nếu gặp trường hợp như thế, chúng ta hãy phát nguyện mong được gặp Phật và
“Gặp ai nói lời cao siêu phải xem đó là Thầy mình. Đừng nhìn cách sống cao thấp của người ấy, đừng để ý tới khuyết điểm của người ấy, đừng chỉ nghe nói lời ấy, hãy tôn trọng trí tuệ chơn thật kia, mỗi ngày ba lần: sáng, trưa và tối nên lễ bái, cung kính và tâm không khởi sanh phiền não”.
Bây giờ, được nghe thấy Pháp Phật, được chư Tổ trực tiếp truyền trao, chúng ta hãy thực hành và truyền bá rộng ra. Nếu chư Phật chư Tổ không truyền lại thì lấy gì chúng ta truyền đạt lại cho hậu lai bây giờ. Dù chi một câu thôi cũng nên cảm tạ báo ân, dù một lời dạy thôi cũng phải tạ ân, phải nguyện báo đền. Huống là Chánh Pháp Nhãn Tạng, giác ngộ tối thượng, là đại ân đức, sao không nguyện báo đền? Ân ấy không thể không báo đáp.
Con chim se sẽ không quên ơn được cứu, mang bốn viên ngọc tròn trắng tặng cho Dương Bảo, mà trải qua bốn đời họ Dương Gia sống cuộc sống vinh hoa ở địa vị Tam Công. Con rùa khốn khổ mang hầu ấn tạ lễ cho Khổng Du ở Dư Bất Dinh, được phong Chư Hầu. Loài vật còn có nghĩa như thế, còn chúng ta là con người tại sao dễ quên ơn? Đối với chư Phật và chư Tổ, không có cách nào khác hơn là báo ân. Mỗi ngày tu hành để báo ân Phật vừa là việc làm chơn chánh vừa là phương pháp báo ân vậy. Nói khác, trong cuộc sống đừng lãng phí thời gian, ngồi không nhàn rỗi, phải tu tập hành trì, đừng xao lãng việc tu hành để báo ân Phật.
Ngày tháng trôi nhanh như tên bắn, mạng người như sương mai, dù đẹp bao nhiêu đi nữa, một ngày qua rồi, không còn trở lại. Dù sống đến 100 tuổi cũng phải tiếc nuối ngày tháng và lo cho thân thể nầy càng ngày càng giảm dần, nếu không khéo tu, chúng ta chỉ làm nô lệ cho nó mà thôi. Một ngày thực hành lời Phật dạy và sống cuộc sống như Đức Phật, ngày ấy không những trở nên giá trị nhất trong đời người 100 năm, mà còn lợi lại cho những cuộc sống khác. Do vậy, dù chỉ một ngày ngắn ngủi so với dòng sinh mệnh dài nầy, nhưng cũng nên tôn trọng và quý thân thể một cách cẩn trọng. Thực hành được như thế, tự thấy thân nầy rất quý giá cần phải bảo vệ và nhờ nó chúng ta được thực hành tu niệm trong cuộc sống hằng ngày. Thể hiện việc tu hành cụ thể ấy nghĩa là chúng ta đang đi trên con đường giải thoát, mà chư Phật đã khai mở. Nhờ tu hành ấy theo chư Phật, những hạt giống lành xuất hiện. Đó chính là cuộc sống tu hành của chư Phật vậy.
Ở đây, nói chư Phật nghĩa là nói Đức Thích Tôn, bởi vì khi Đức Thích Tôn hành Thiền, tâm dung thông tất cả chư Phật, cho nên nói là chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai đều đã thành Phật, thành Đức Thích Tôn. Một khi ngồi xuống Thiền Định được gọi là Phật, như vậy khi thực hành Thiền, tâm chúng ta cũng gọi là tâm Phật, bởi vì bất cứ ai muốn thực hành Thiền Định phải phát tâm nghiên cứu tường tận và nguyện báo ân chư Phật vậy.