Tạng Luật
Vinayapitaka
Phân Tích Giới Tỷ-Kheo - I
(Bhikkhuvibhanga I)
Tỳ kheo Indacanda Nguyệt Thiêndịch
2004
-ooOoo-
TẠNG LUẬT – BỘ PHÂN TÍCH GIỚI TỶ-KHEO
TẬP MỘT
Cung kỉnh đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!
-ooOoo-
[1] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Verañjā, ở cội cây Nimba của dạ xoa Naḷeru, cùng với đại chúng tỷ-kheo có số lượng năm trăm vị tỷ-kheo. Vị Bà-la-môn Verañja đã nghe được rằng: "Chắn chắn là ngài sa-môn Gotama, con trai dòng Sākya (Thích Ca), từ dòng dõi Sākya đã xuất gia, và hiện ngự tại Verañjā, ở cội cây Nimba của dạ xoa Naḷeru cùng với đại chúng tỷ-kheo có số lượng năm trăm vị tỷ-kheo.Tiếng tăm tốt đẹp về ngài Gotama ấy đã được lan rộng ra như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Vị ấy sau khi tự mình chứng ngộ thắng trí đã công bố về thế gian này tính luôn cõi chư thiên, cõi ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, và loài người. Vị ấy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự. Vị ấy giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Tốt thay cho việc diện kiến vị A-la-hán như thế ấy!"
[2] Sau đó, Bà-la-môn Verañja đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Sau khi đến, vị ấy đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, đã trao đổi lời xã giao thân thiện, rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, Bà-la-môn Verañja đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Thưa ngài Gotama, tôi đã được nghe điều này: "Sa-môn Gotama không cung kính, không đứng dậy, không mời chỗ ngồi đến các vị Bà-la-môn già cả, uy tín, lớn tuổi, sống thọ, đã đạt đến giai đoạn cuối của cuộc đời." Thưa ngài Gotama, điều ấy thật đúng như thế bởi vì ngài Gotama không cung kính, không đứng dậy, không mời chỗ ngồi đến các vị Bà-la-môn già cả, uy tín, lớn tuổi, sống thọ, đã đạt đến giai đoạn cuối của cuộc đời. Thưa ngài Gotama, điều ấy thật không thích đáng!
- Này Bà-la-môn, trong thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, và loài người, ta không thấy một ai mà ta nên cung kính, nên đứng dậy, hay nên mời chỗ ngồi. Này Bà-la-môn, bởi vì nếu Như Lai cung kính, đứng dậy, hay mời chỗ ngồi người nào thì đầu của người ấy sẽ bị vỡ tan.
- Ngài Gotama không biết về phẩm chất (arasarūpo)!
- Này Bà-la-môn, thật sự có một pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama không biết về phẩm chất." Này Bà-la-môn, các phẩm chất về sắc, các phẩm chất về thinh, các phẩm chất về hương, các phẩm chất về vị, các phẩm chất về xúc, đối với Như Lai các việc ấy đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama không biết về phẩm chất;" và chắc chắn rằng ông đã không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.
- Ngài Gotama không biết thưởng thức (Nibbhogo)!
- Này Bà-la-môn, thật sự có một pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama không biết thưởng thức." Này Bà-la-môn, các sự thưởng thức về sắc, các sự thưởng thức về thinh, các sự thưởng thức về hương, các sự thưởng thức về vị, các sự thưởng thức về xúc, đối với Như Lai các việc ấy đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây th��t nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama không biết thưởng thức;" và chắc chắn rằng ông đã không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.
- Ngài Gotama thuyết về không hành động (akiriyavādo)!
- Này Bà-la-môn, thật sự có một pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama thuyết về không hành động." Này Bà-la-môn, bởi vì ta thuyết về không hành động đối với việc làm ác của thân, đối với lời nói ác của miệng, đối với suy nghĩ ác của ý; ta thuyết về không hành động của các pháp ác và bất thiện dưới nhiều hình thức. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama thuyết về không hành động;" và chắc chắn rằng ông đã không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.
- Ngài Gotama thuyết về đoạn diệt (ucchedavādo)!
- Này Bà-la-môn, thật sự có một pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama thuyết về đoạn diệt." Này Bà-la-môn, bởi vì ta thuyết về sự đoạn diệt của luyến ái, của sân hận, của si mê; ta thuyết về sự đoạn diệt của các pháp ác và bất thiện dưới nhiều hình thức. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama thuyết về đoạn diệt;" và chắc chắn rằng ông đã không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.
- Ngài Gotama có sự ghê tởm (jegucchī)!
- Này Bà-la-môn, thật sự có một pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama có sự ghê tởm." Này Bà-la-môn, bởi vì ta ghê tởm với việc làm ác của thân, với lời nói ác của miệng, với suy nghĩ ác của ý; ta ghê tởm trong sự tạo thành các pháp ác và bất thiện dưới nhiều hình thức. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama có sự ghê tởm;" và chắc chắn rằng ông đã không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.
- Ngài Gotama là người từ bỏ (venayiko)!
- Này Bà-la-môn, thật sự có một pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama là người từ bỏ." Này Bà-la-môn, bởi vì ta thuyết về pháp từ bỏ luyến ái, sân, si; ta thuyết về sự từ bỏ các pháp ác và bất thiện dưới nhiều hình thức. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama là người từ bỏ;" và chắc chắn rằng ông đã không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.
- Ngài Gotama là người thiêu đốt (tapassī)!
- Này Bà-la-môn, thật sự có một pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama là người thiêu đốt." Này Bà-la-môn, ta thuyết rằng các pháp ác và bất thiện tức là việc làm ác của thân, lời nói ác của miệng, và suy nghĩ ác của ý cần được thiêu đốt. Này Bà-la-môn, người nào có các pháp ác và bất thiện cần được thiêu đốt đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; ta gọi người ấy là: "Người thiêu đốt." Này Bà-la-môn, các pháp ác và bất thiện cần được thiêu đốt của Như Lai đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama là người thiêu đốt;" và chắc chắn rằng ông đã không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.
- Ngài Gotama là người thoát khỏi thai bào(apagabbho)!
- Này Bà-la-môn, thật sự có một pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào." Này Bà-la-môn, sự sanh vào bào thai trong ngày vị lai của người nào, tức là sự tái sanh và hiện hữu lần nữa đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; ta gọi người ấy là: "Người thoát khỏi thai bào." Này Bà-la-môn, sự sanh vào bào thai trong ngày vị lai của Như Lai, tức là sự tái sanh và hiện hữu lần nữa đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, thật sự đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta thì có thể nói rằng: "Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào;" và chắc chắn rằng ông đã không liên tưởng đến ý nghĩa ấy khi nói ra.
[3] Này Bà-la-môn, cũng giống như con gà mái có được tám, mười, hay mười hai quả trứng. Nếu con gà mái nằm lên trên chúng đúng cách, ủ nóng đều đúng cách, ấp đúng cách, và trong số các con gà con mới nở ấy, con nào dùng vuốt của móng chân hoặc mỏ phá vỡ vỏ trứng và nở ra an toàn trước tiên, thì điều nên nói về con gà con ấy là thế nào, lớn nhất hay nhỏ nhất?
- Thưa ngài Gotama, nên gọi nó là "Con lớn nhất" bởi vì nó lớn nhất trong bầy.
- Này Bà-la-môn, cũng tương tợ như thế, trong số chúng sanh sống trong vô minh (ví như) đang ở trong quả trứng và bị trùm kín lại, ta là người duy nhất đã phá vỡ vỏ trứng vô minh và chứng đắc quả vị Chánh Đẳng Giác vô thượng ở trên đời. Này Bà-la-môn, ta đây là người đứng đầu và cao cả nhất của thế gian. Hơn nữa, này Bà-la-môn, ta đã có sự nỗ lực được thành tựu không bị thối giảm, có niệm đã được thiết lập không bị xao lãng, thân đã được khinh an không còn rạo rực, tâm đã được an trụ tập trung. Quả vậy, này Bà-la-môn, sau khi đã tách ly khỏi các dục và tách ly khỏi các pháp bất thiện, ta đây đã chứng đạt và an trú thiền thứ nhất với hỷ và lạc sanh lên do tách ly (khỏi các triền cái), có tầm, có tứ. Do sự đình chỉ tầm và tứ, ta đã chứng đạt và an trú thiền thứ hai với nội phần an tỉnh, tâm được chuyên nhất, có hỷ và lạc sanh lên do định, không tầm, không tứ. Do sự dứt bỏ hỷ, ta đã an trú xả, có niệm và tỉnh giác, ta chứng nghiệm trạng thái lạc bằng thân, đó là điều mà các bậc Thánh nói rằng: "Vị ấy có xả, có niệm, có sự an trú lạc." Ta đã chứng đạt và an trú thiền thứ ba. Do sự từ bỏ lạc, do sự từ bỏ khổ (của thân), do sự trừ diệt hỷ và ưu ở tâm (đã có) trước đây, ta đã chứng đạt và an trú thiền thứ tư với sự thanh tịnh của xả và niệm, không khổ không lạc.
Trong khi tâm được an trụ, thuần tịnh, trong sạch, không ô nhiễm, lìa khỏi phiền não, nhu thuận, có thể sử dụng, ổn định, đạt đến trạng thái vững chắc như thế, ta đây đã hướng dẫn tâm đến trí tuệ ghi nhớ về các kiếp sống trước (Túc mạng minh). Ta nhớ lại nhiều kiếp sống trước như là một lần sanh, hai lần sanh, ba lần sanh, bốn lần sanh, năm lần sanh, mười lần sanh, hai mươi lần sanh, ba mươi lần sanh, bốn mươi lần sanh, năm mươi lần sanh, một trăm lần sanh, một ngàn lần sanh, một trăm ngàn lần sanh, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp: "Vào kiếp sống ấy, ta đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, kinh nghiệm khổ và lạc như vầy, có tuổi thọ như vầy. Từ chỗ ấy, ta đây đã chết đi rồi đã sanh lên tại chỗ kia. Ở nơi kia, ta đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, kinh nghiệm khổ và lạc như vầy, có tuổi thọ như vầy. Từ nơi kia, ta đây đã chết đi rồi đã sanh lên tại nơi này." Như thế, ta nhớ lại nhiều kiếp sống trước với các nét cá biệt và đại cương. Quả vậy, này Bà-la-môn, vào canh đầu của đêm, ta đã chứng đạt Minh thứ nhất này. Ta đã diệt tận vô minh và làm cho minh sanh khởi; ta đã diệt tận bóng tối và làm cho ánh sáng sanh khởi. Như thế ấy là điều ta đã thành đạt trong lúc ta sống không dễ duôi, nỗ lực, quyết tâm. Này Bà-la-môn, đây chính là sự khai mở đầu tiên của ta, tương tợ như con gà con thoát ra từ vỏ trứng vậy.
Trong khi tâm được an trụ, thuần tịnh, trong sạch, không ô nhiễm, lìa khỏi phiền não, nhu thuận, có thể sử dụng, ổn định, đã đạt đến trạng thái vững chắc như thế, ta đây đã hướng dẫn tâm đến trí tuệ (quán xét) về sự sanh tử của chúng sanh (Sanh tử minh). Với thiên nhãn thuần tịnh vượt trội loài người, (khi) ta đây nhìn thấy chúng sanh ta biết được rằng trong khi chết đi rồi sanh lại, chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng (trở thành) hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, đến chốn an vui, (hay) đọa vào cõi khổ: "Quả đúng như vậy, những chúng sanh đang hiện hữu (bhonto) này có hành động xấu xa bằng thân, có hành động xấu xa bằng lời nói, có suy nghĩ xấu xa bằng ý, vu khống các bậc Thánh, theo tà kiến, tán thành các hành động do tà kiến, khi tan rã thân xác và chết đi, họ bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục. Trái lại, những chúng sanh đang hiện hữu (bhonto) này có hành động tốt đẹp bằng thân, có hành động tốt đẹp bằng lời nói, có suy nghĩ tốt đẹp bằng ý, không vu khống các bậc Thánh, theo chánh kiến, tán thành các hành động do chánh kiến, khi tan rã thân xác và chết đi, họ được sanh vào chốn an vui, cõi trời, hay làm người." Như thế, với thiên nhãn thuần tịnh vượt trội loài người, (khi) ta nhìn thấy chúng sanh ta biết được rằng trong khi chết đi rồi sanh lại, chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng (trở thành) hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, đến chốn an vui, (hay) đọa vào cõi khổ. Quả vậy, này Bà-la-môn, vào canh giữa của đêm, ta đã chứng đạt Minh thứ hai này. Ta đã diệt tận vô minh và làm cho minh sanh khởi; ta đã diệt tận bóng tối và làm cho ánh sáng sanh khởi. Như thế ấy là điều ta đã thành đạt trong lúc ta sống không dễ duôi, nỗ lực, quyết tâm. Này Bà-la-môn, đây chính là sự khai mở thứ hai của ta, tương tợ như con gà con thoát ra từ vỏ trứng vậy.
Trong khi tâm được an trụ, thuần tịnh, trong sạch, không ô nhiễm, lìa khỏi phiền não, nhu thuận, có thể sử dụng, ổn định, đã đạt đến trạng thái vững chắc như thế, ta đây đã hướng dẫn tâm đến trí tuệ đoạn tận các lậu hoặc (Lậu tận minh). Ta đây đã biết rõ: "Đây là Khổ" đúng theo bản thể thật (yathābhūtaṃ). Ta đây đã biết rõ: "Đây là Nguyên nhân của Khổ" đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: "Đây là sự Diệt Khổ" đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: "Đây là sự thực hành đưa đến sự Diệt Khổ" đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: "Đây là các lậu hoặc" đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: "Đây là nguyên nhân của các lậu hoặc" đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: "Đây là sự diệt tận các lậu hoặc" đúng theo bản thể thật. Ta đây đã biết rõ: "Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận các lậu hoặc" đúng theo bản thể thật. Trong khi ta đây biết được như thế, thấy được như thế, thì tâm cũng đã được giải thoát khỏi dục lậu, tâm cũng đã được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm cũng đã được giải thoát khỏi vô minh lậu. Khi ta đã được giải thoát, trí tuệ giải thoát đã khởi lên và ta đã biết rõ rằng: "Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn (đưa đến) bản ngã nào khác (tương tợ) như vầy nữa." Quả vậy, này Bà-la-môn, vào canh cuối của đêm, ta đã chứng đạt Minh thứ ba này. Ta đã diệt tận vô minh và làm cho minh sanh khởi; ta đã diệt tận bóng tối và làm cho ánh sáng sanh khởi. Như thế ấy là điều ta đã thành đạt trong lúc ta sống không dễ duôi, nỗ lực, quyết tâm. Này Bà-la-môn, đây chính là sự khai mở thứ ba của ta, tương tợ như con gà con thoát ra từ vỏ trứng vậy.
[4] Được nói như thế, Bà-la-môn Verañja đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Ngài Gotama là vị đứng đầu, ngài Gotama là người cao cả nhất. Bạch ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Bạch ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Bạch ngài Gotama, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): "Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;" tương tợ như thế, Pháp đã được ngài Gotama giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Tôi đây xin quy y ngài Gotama, Giáo Pháp, và Hội chúng tỷ-kheo. Xin ngài Gotama chấp nhận tôi là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời. Xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về việc an cư mùa mưa ở Verañjā cùng với hội chúng tỷ-kheo.
Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, người Bà-la-môn Verañja hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
[5] Vào lúc bấy giờ, Verañjā có sự khó khăn về vật thực, đời sống khổ cực, dịch bệnh hoành hành (setaṭṭhikā), vật thực được phân phối theo thẻ, không dễ dàng sinh sống bằng sự ra sức khất thực.
Vào lúc bấy giờ, có những người buôn ngựa từ xứ Uttarāpatha đã đến cư trú mùa mưa ở Verañjā cùng với năm trăm con ngựa. Ở các bãi nhốt ngựa, họ có chuẩn bị từng phần (pattha) lúa mạch cho các vị tỷ-kheo. Vào buổi sáng, các vị tỷ-kheo mặc y cầm y bát rồi đi vào trong thành phố Verañjā để khất thực. Khi không nhận được đồ ăn khất thực, các vị đi đến khất thực ở các bãi nhốt ngựa và mang về tu viện (mỗi vị) một phần lúa mạch. Các vị giã đi giã lại trong cối giã rồi thọ dụng. Đại đức Ānanda nghiền phần lúa mạch ở tảng đá rồi dâng lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn thọ dụng thức ấy.
Quả vậy, đức Thế Tôn đã nghe tiếng cối giã. Các đấng Như Lai dầu biết vẫn hỏi, dầu biết các vị vẫn không hỏi, biết đúng thời các vị mới hỏi, biết đúng thời các vị vẫn không hỏi. Các đấng Như lai hỏi có liên quan đến lợi ích và không (hỏi việc) không có liên quan đến lợi ích, khi không có liên quan đến lợi ích các đấng Như Lai có cách để cắt đứt vấn đề. Chư Phật Thế Tôn hỏi các vị tỷ-kheo bởi hai lý do: "Chúng ta sẽ thuyết Pháp hoặc sẽ quy định điều học cho các đệ tử." Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, tiếng cối giã ấy là gì vậy?
Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này Ānanda, tốt lắm! Tốt lắm! Này Ānanda, về sau này con người sẽ chê bai cơm gạo sāli và thịt; đó là điều mà các ngươi là những con người hoàn thiện đã khắc phục được.
[6] Sau đó, đại đức Mahāmoggallāna (Mục Kiền Liên) đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Mahāmoggallāna đã bạch với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, hiện nay, Verañjā có sự khó khăn về vật thực, đời sống khổ cực, dịch bệnh hoành hành, vật thực được phân phối theo thẻ, không dễ dàng sinh sống bằng sự ra sức khất thực. Bạch ngài, bề mặt bên dưới của đại địa cầu này có chất như là mật ong, không cặn bã, và có hương vị y như thế. Bạch ngài, thật tốt thay nếu con lật ngửa quả địa cầu lên (để rồi) các tỷ-kheo sẽ thọ dụng chất bổ dưỡng (ấy).
- Này Moggallāna, ngươi giải quyết thế nào về các chúng sanh sống ở quả địa cầu?
- Bạch ngài, con sẽ biến hoá một bàn tay trở thành giống như đại địa cầu rồi di chuyển chúng sanh sống ở quả địa cầu đến đó, rồi con sẽ lật ngửa quả địa cầu lên bằng cánh tay kia.
- Này Moggallāna, thôi đi. Ngươi chớ có suy nghĩ để lật ngửa quả địa cầu lên nữa để rồi chúng sanh sẽ bị xáo trộn.
- Bạch ngài, thật tốt thay nếu tất cả hội chúng tỷ-kheo có thể đi đến Uttarakuru để khất thực.
- Này Moggallāna, ngươi giải quyết thế nào về các vị tỷ-kheo không có thần thông?
- Bạch ngài, bằng cách nào mà tất cả các vị tỷ-kheo đều đi được thì con sẽ làm theo cách ấy.
- Này Moggallāna, thôi đi. Ngươi chớ có suy nghĩ đến việc đi đến Uttarakuru để khất thực của tất cả hội chúng tỷ-kheo nữa.
[7] Khi ấy, đại đức Sāriputta (Xá Lợi Phất) trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: "Phạm hạnh thời chư Phật Thế Tôn nào đã không tồn tại lâu dài? Phạm hạnh thời chư Phật Thế Tôn nào đã tồn tại lâu dài?" Sau đó vào lúc chiều tối, đại đức Sāriputta khi xuất khỏi thiền tịnh đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sāriputta đã bạch với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, trường hợp con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: "Phạm hạnh thời chư Phật Thế Tôn nào đã không tồn tại lâu dài? Phạm hạnh thời chư Phật Thế Tôn nào đã tồn tại lâu dài?"
- Này Sāriputta, Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Vipassī, thời đức Thế Tôn Sikhī, và thời đức Thế Tôn Vessabhū đã không tồn tại lâu dài. Này Sāriputta, Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Kakusandha, thời đức Thế Tôn Konāgamana, và thời đức Thế Tôn Kassapa đã tồn tại lâu dài.
- Bạch ngài, vậy do nguyên nhân gì, do lý do gì khiến Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Vipassī, thời đức Thế Tôn Sikhī, và thời đức Thế Tôn Vessabhū đã không tồn tại lâu dài?
- Này Sāriputta, đức Thế Tôn Vipassī, đức Thế Tôn Sikhī, và đức Thế Tôn Vessabhū đã không nỗ lực thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết đến các đệ tử và các vị ấy đã có ít suttaṃ, geyyaṃ, veyyākaraṇaṃ, gāthā, udānaṃ, itivuttakaṃ, jātakaṃ, abbhūtadhammaṃ, vedallaṃ. Điều học cho các đệ tử đã không được (các vị ấy) quy định và giới bổn Pātimokkha đã không được tụng đọc. Với sự tịch diệt của chư Phật Thế Tôn ấy, với sự tịch diệt của các Thinh văn đã được giác ngộ theo chư Phật (ấy), các vị đệ tử sau cùng có tên khác nhau, có dòng họ khác nhau, có giai cấp khác nhau, từ gia tộc khác nhau đã xuất gia, các vị ấy đã khiến cho Phạm hạnh này biến mất thật nhanh chóng. Này Sāriputta, cũng giống như nhiều bông hoa khác nhau được đặt trên tấm ván sàn và không được kết lại với nhau bằng sợi chỉ, cơn gió (sẽ) làm phân tán, làm tung toé, và hủy hoại chúng. Điều ấy có lý do là gì? Này Sāriputta, giống như việc (các bông hoa) không được kết lại với nhau bằng sợi chỉ; tương tợ y như thế, với sự tịch diệt của chư Phật Thế Tôn ấy, với sự tịch diệt của các Thinh văn đã được giác ngộ theo chư Phật (ấy), các vị đệ tử sau cùng có tên khác nhau, có dòng họ khác nhau, có giai cấp khác nhau, từ gia tộc khác nhau đã xuất gia, các vị ấy đã khiến cho Phạm hạnh này biến mất quá nhanh chóng. Và chư Phật Thế Tôn ấy (chỉ) nỗ lực dùng tâm biết được tâm rồi giáo huấn các đệ tử. Này Sāriputta, trong thời quá khứ, đức Thế Tôn Vessabhū là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác sau khi dùng tâm biết được tâm rồi hướng dẫn và chỉ dạy hội chúng tỷ-kheo một ngàn vị ở trong một khu rừng ghê rợn nọ: "Hãy suy tầm như vầy. Chớ suy tầm như thế. Hãy tác ý như vầy. Chớ tác ý như thế. Hãy từ bỏ điều này. Hãy thành tựu rồi an trú điều này." Này Sāriputta, khi ấy trong lúc được đức Thế Tôn Vessabhū là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác hướng dẫn như thế chỉ dạy như thế, các tâm của một ngàn vị tỷ-kheo ấy đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ. Này Sāriputta, vào trường hợp ấy, trong khi có sự kinh sợ đối với khu rừng ghê rợn, người nào chưa dứt bỏ ái dục đi vào khu rừng ấy thì hầu hết các sợi lông sẽ dựng đứng lên. Này Sāriputta, đây là nguyên nhân, đây là lý do khiến Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Vipassī, thời đức Thế Tôn Sikhī, và thời đức Thế Tôn Vessabhū đã không tồn tại lâu dài.
- Bạch ngài, vậy do nguyên nhân gì, do lý do gì khiến Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Kakusandha, thời đức Thế Tôn Konāgamana, và thời đức Thế Tôn Kassapa đã tồn tại lâu dài?
- Này Sāriputta, đức Thế Tôn Kakusandha, đức Thế Tôn Konāgamana, và đức Thế Tôn Kassapa đã nỗ lực thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết đến các đệ tử và các vị ấy đã có nhiều suttaṃ, geyyaṃ, veyyākaraṇaṃ, gāthā, udānaṃ, itivuttakaṃ, jātakaṃ, abbhūtadhammaṃ, vedallaṃ. Điều học cho các Thinh văn đã được (các vị ấy) quy định và giới bổn Pātimokkha đã được tụng đọc. Với sự tịch diệt của chư Phật Thế Tôn ấy, với sự tịch diệt của các Thinh văn đã được giác ngộ theo chư Phật (ấy), các vị đệ tử sau cùng có tên khác nhau, có dòng họ khác nhau, có giai cấp khác nhau, từ gia tộc khác nhau đã xuất gia, các vị ấy đã duy trì Phạm hạnh này lâu dài và trường cửu. Này Sāriputta, cũng giống như nhiều bông hoa khác nhau được đặt trên tấm ván sàn và được kết lại với nhau bằng sợi chỉ, cơn gió (sẽ) không làm phân tán, không làm tung toé, và không hủy hoại chúng. Điều ấy có lý do là gì? Này Sāriputta, giống như việc (các bông hoa) được kết lại với nhau bằng sợi chỉ; tương tợ y như thế, với sự tịch diệt của chư Phật Thế Tôn ấy, với sự tịch diệt của các Thinh văn đã được giác ngộ theo chư Phật (ấy), các vị đệ tử sau cùng có tên khác nhau, có dòng họ khác nhau, có giai cấp khác nhau, từ gia tộc khác nhau đã xuất gia, các vị ấy đã duy trì Phạm hạnh này lâu dài và trường cửu. Này Sāriputta, đây là nguyên nhân, đây là lý do khiến Phạm hạnh thời đức Thế Tôn Kakusandha, thời đức Thế Tôn Konāgamana, và thời đức Thế Tôn Kassapa đã tồn tại lâu dài.
[8] Sau đó, đại đức Sāriputta đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và bạch với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch Thế Tôn, nay là thời điểm của việc ấy. Bạch Thiện Thệ, nay là thời điểm của việc ấy, (tức là thời điểm mà) đức Thế Tôn nên quy định điều học cho các đệ tử, nên công bố giới bổn Pātimokkha; như thế ấy Phạm hạnh có thể được tiếp tục và tồn tại lâu dài.
- Này Sāriputta, ngươi hãy chờ đợi! Này Sāriputta, ngươi hãy chờ đợi! Trong trường hợp này, chỉ có Như Lai mới biết thời điểm. Này Sāriputta, cho đến khi nào một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện trong hội chúng này thì cho đến khi ấy bậc Đạo sư chưa quy định điều học cho các đệ tử. Này Sāriputta, khi nào một số pháp đưa đến lậu hoặc xuất hiện trong hội chúng này thì khi ấy bậc Đạo sư (sẽ) quy định điều học cho các đệ tử và (sẽ) công bố giới bổn Pātimokkha nhằm diệt trừ chính các pháp đưa đến lậu hoặc ấy. Này Sāriputta, cho đến khi nào hội chúng chưa đạt đến sự đông đảo về số lượng thì cho đến khi ấy một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện trong hội chúng này. Này Sāriputta, khi nào hội chúng đạt đến sự đông đảo về số lượng thì khi ấy một số pháp đưa đến lậu hoặc (sẽ) xuất hiện trong hội chúng này, khi ấy bậc Đạo sư (sẽ) quy định điều học cho các đệ tử và (sẽ) công bố giới bổn Pātimokkha nhằm diệt trừ chính các pháp đưa đến lậu hoặc ấy. Này Sāriputta, cho đến khi nào hội chúng chưa đạt đến sự lớn mạnh về việc phát triển thì cho đến khi ấy một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện trong hội chúng này. Này Sāriputta, khi nào hội chúng đạt đến sự lớn mạnh về việc phát triển thì khi ấy một số pháp đưa đến lậu hoặc (sẽ) xuất hiện trong hội chúng này, khi ấy bậc Đạo sư (sẽ) quy định điều học cho các đệ tử và (sẽ) công bố giới bổn Pātimokkha nhằm diệt trừ chính các pháp đưa đến lậu hoặc ấy. Này Sāriputta, cho đến khi nào hội chúng chưa đạt đến sự dồi dào về lợi lộc thì cho đến khi ấy một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện trong hội chúng này. Này Sāriputta, khi nào hội chúng đạt đến sự dồi dào về lợi lộc thì khi ấy một số pháp đưa đến lậu hoặc (sẽ) xuất hiện trong hội chúng này, khi ấy bậc Đạo sư (sẽ) quy định điều học cho các đệ tử và (sẽ) công bố giới bổn Pātimokkha nhằm diệt trừ chính các pháp đưa đến lậu hoặc ấy. Này Sāriputta, cho đến khi nào hội chúng chưa đạt đến sự lớn mạnh về việc học nhiều thì cho đến khi ấy một số pháp đưa đến lậu hoặc chưa xuất hiện trong hội chúng này. Này Sāriputta, khi nào hội chúng đạt đến sự lớn mạnh về việc học nhiều thì khi ấy một số pháp đưa đến lậu hoặc (sẽ) xuất hiện trong hội chúng này, khi ấy bậc Đạo sư (sẽ) quy định điều học cho các đệ tử và (sẽ) công bố giới bổn Pātimokkha nhằm diệt trừ chính các pháp đưa đến lậu hoặc ấy. Này Sāriputta, bởi vì hội chúng tỷ-kheo không có ô nhiễm, không có tội lỗi, không có ác pháp, thanh tịnh, trong sạch, đã an trú vào mục đích. Này Sāriputta, bởi vì trong số năm trăm vị tỷ-kheo này, vị tỷ-kheo thấp nhất (đã) là vị Nhập Lưu, không còn bị đọa, được bền vững, và hướng đến sự giác ngộ.
[9] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:
- Này Ānanda, điều này đã trở thành thông lệ của các đấng Như Lai là khi các vị an cư mùa mưa do những ai đã thỉnh mời thì các vị không ra đi du hành trong xứ sở khi chưa thông báo cho những người ấy. Này Ānanda, chúng ta sẽ thông báo cho Bà-la-môn Verañja này.
- Bạch ngài, xin vâng. Đại đức Ānanda đã trả lời đức Thế Tôn.
Sau đó, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát cùng với đại đức Ānanda làm sa-môn thị giả đi đến tư gia của Bà-la-môn Verañja, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, Bà-la-môn Verañja đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với Bà-la-môn Verañja đang ngồi ở một bên điều này:
- Này Bà-la-môn, do được ông thỉnh mời, chúng tôi đã trải qua mùa (an cư) mưa. Giờ chúng tôi thông báo ông rằng chúng tôi muốn ra đi du hành trong xứ sở.
- Bạch ngài Gotama, sự thật là các vị đã được tôi thỉnh mời và đã trải qua mùa (an cư) mưa. Tuy nhiên, việc cúng dường chưa được dâng cúng. Và điều ấy không phải không có vật bố thí cũng không phải không có lòng bố thí. Trong trường hợp này, điều ấy làm sao có thể (thực hiện) được khi cuộc sống tại gia có nhiều phận sự và có nhiều việc cần phải làm? Xin ngài Gotama nhận lời tôi về buổi trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỷ-kheo.
Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Bà-la-môn Verañja bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.
Rồi khi trải qua đêm ấy, Bà-la-môn Verañja sau khi cho chuẩn bị thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm tại tư gia của mình đã sai người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài Gotama, đã đến giờ. Thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y cầm y bát đi đến tư gia của Bà-la-môn Verañja, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỷ-kheo. Rồi Bà-la-môn Verañja đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỷ-kheo có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong, bàn tay và bình bát đã được rửa, vị ấy đã choàng lên ngài với ba y và choàng lên mỗi vị tỷ-kheo với một xấp vải đôi. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Bà-la-môn Verañja bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.
Sau khi đã ngụ tại Verañjā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã đi dọc theo Soreyya, Saṅkassa, Kaṇṇakujja và đến được bến đò Payāga. Sau khi đến nơi, ngài đã vượt qua sông Gaṅgā tại bến đò Payāga và ngự đến thành Bārāṇasī (Ba-la-nại). Sau khi đã ngụ tại thành Bārāṇasī theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến thành Vesālī (Vệ Xá). Tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Vesālī. Tại nơi ấy, trong thành Vesālī, đức Thế Tôn đã ngụ tại Mahāvana (Đại Lâm), nơi giảng đường Kūṭāgāra.
Dứt Tụng phẩm Verañja.
---o0o---
Nguồn: www.budsas.org
Trình bày: Linh Thoại