Tạng Luật
Vinayapitaka
Phân Tích Giới Tỷ-Kheo Ni
(Bhikkhunivibhanga)
Tỳ kheo Indacanda Nguyệt Thiêndịch
---o0o---
TẠNG LUẬT - BỘ PHÂN TÍCH GIỚI TỶ-KHEO NI
Cung kỉnh đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!
I. CHƯƠNG PĀRĀJIKA (PĀRĀJIKAKAṆḌAṂ)
ĐIỀU PĀRĀJIKA THỨ NHẤT:
[1] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi (Xá Vệ), Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Vào lúc bấy giờ, Sāḷha cháu trai của Migāra[1]có ý định xây dựng trú xá cho hội chúng tỷ-kheo ni. Khi ấy, Sāḷha cháu trai của Migāra đã đi đến gặp các tỷ-kheo ni và nói điều này:
- Thưa các ni sư, tôi muốn xây dựng trú xá cho hội chúng tỷ-kheo ni. Hãy giao cho tôi vị tỷ-kheo ni là vị phụ trách công trình mới.
Vào lúc bấy giờ, có bốn chị em đã xuất gia nơi các tỷ-kheo ni là: Nandā, Nandavatī, Sundarīnandā, Thullanandā. Trong số các cô ấy, tỷ-kheo ni Sundarīnandā đã xuất gia lúc còn trẻ, đẹp dáng, đáng nhìn, lịch thiệp, trí tuệ, kinh nghiệm, thông minh, sắc sảo, cần cù, biết cách suy xét tính toán, có khả năng để xây dựng, có khả năng để hoàn thành công việc ấy. Khi ấy, hội chúng tỷ-kheo ni đã chỉ định tỷ-kheo ni Sundarīnandā rồi giao cho Sāḷha cháu trai của Migāra làm vị phụ trách công trình mới.
Vào lúc bấy giờ, tỷ-kheo ni Sundarīnandā thường xuyên đi đến nhà của Sāḷha cháu trai của Migāra (nói rằng):
- Hãy bố thí rìu, hãy bố thí búa, hãy bố thí cuốc, hãy bố thí xẻng, hãy bố thí lưỡi đục.
Sāḷha cháu trai của Migāra cũng thường xuyên đi đến ni viện để biết được việc đã làm xong hoặc chưa làm xong. Do sự thường xuyên gặp gỡ, hai người đã sanh lòng say đắm. Khi ấy, Sāḷha cháu trai của Migāra trong khi không có được cơ hội để gần gũi với tỷ-kheo ni Sundarīnandā nên đã làm bữa trai phạn dâng hội chúng tỷ-kheo ni nhằm đạt được mục đích ấy. Khi ấy, Sāḷha cháu trai của Migāra trong khi xếp đặt chỗ ngồi ở nhà ăn (nghĩ rằng): “Chừng này vị tỷ-kheo ni là thâm niên hơn ni sư Sundarīnandā” rồi đã sắp xếp chỗ ngồi phía bên này, “Chừng này vị là non trẻ hơn” rồi đã sắp xếp chỗ ngồi ở phía bên kia, và đã sắp xếp chỗ ngồi cho tỷ-kheo ni Sundarīnandā ở góc tường là nơi đã được che khuất. Như thế, các tỷ-kheo ni trưởng lão có thể tin rằng: “Cô ta đang ngồi ở chỗ các tỷ-kheo ni mới tu,” còn các tỷ-kheo ni mới tu có thể tin rằng: “Cô ta đang ngồi ở chỗ các tỷ-kheo ni trưởng lão.” Sau đó, Sāḷha cháu trai của Migāra đã thông báo thời giờ đến hội chúng tỷ-kheo ni:
- Thưa các ni sư, đã đến giờ, bữa ăn đã chuẩn bị xong.
Tỷ-kheo ni Sundarīnandā đã xét đoán ra rằng: “Sāḷha cháu trai của Migāra đã làm bữa trai phạn dâng hội chúng tỷ-kheo ni không phải vì phước báu, anh ta có ý muốn gần gũi ta; nếu ta đi thì ta sẽ bị mất thể diện!” nên đã bảo vị tỷ-kheo ni học trò rằng:
- Hãy đi và mang về thức ăn cho ta. Và ai hỏi ta thì cho hay rằng: “Cô bị bệnh.”
- Thưa ni sư, xin vâng. Vị tỷ-kheo ni ấy đã trả lời tỷ-kheo ni Sundarīnandā.
Vào lúc bấy giờ, Sāḷha cháu trai của Migāra đứng ở bên ngoài cánh cổng ra vào hỏi han về tỷ-kheo ni Sundarīnandā rằng:
- Thưa ni sư, ni sư Sundarīnandā ở đâu? Thưa ni sư, ni sư Sundarīnandā ở đâu?
Được nói như vậy, vị tỷ-kheo ni học trò của tỷ-kheo ni Sundarīnandā đã nói với Sāḷha cháu trai của Migāra điều này:
- Này đạo hữu, (ni sư) bị bệnh. Tôi sẽ mang thức ăn về.
Khi ấy, Sāḷha cháu trai của Migāra (nghĩ rằng): “Sở dĩ ta đã làm bữa trai phạn dâng hội chúng tỷ-kheo ni có nguyên nhân là ni sư Sundarīnandā” nên đã chỉ thị cho mọi người rằng: “Hãy dâng bữa trai phạn đến hội chúng tỷ-kheo ni;” nói xong đã đi đến ni viện.
Vào lúc bấy giờ, tỷ-kheo ni Sundarīnandā đứng ở bên ngoài cổng ra vào của tu viện trông ngóng Sāḷha cháu trai của Migāra. Rồi tỷ-kheo ni Sundarīnandā đã thấy Sāḷha cháu trai của Migāra đang từ đàng xa đi lại, sau khi thấy đã đi vào tu viện lấy thượng y trùm đầu lại rồi nằm xuống ở chiếc giường. Sau đó, Sāḷha cháu trai của Migāra đã đi đến gặp tỷ-kheo ni Sundarīnandā, sau khi đến đã nói với tỷ-kheo ni Sundarīnandā điều này:
- Này ni sư, có phải ni sư không được khoẻ? Sao lại nằm?
- Này đạo hữu, bởi vì điều ấy là như vậy! Là khi nàng thích chàng mà chàng lại không thích!
- Này ni sư, sao tôi lại không thích ni sư được? Ngặt là tôi không có được cơ hội để gần gũi ni sư.
Rồi Sāḷha cháu trai của Migāra nhiễm dục vọng đã thực hiện việc xúc chạm cơ thể với tỷ-kheo ni Sundarīnandā nhiễm dục vọng. Vào lúc bấy giờ, có vị tỷ-kheo ni nọ yếu đuối già cả bị bệnh ở bàn chân đang nằm không xa tỷ-kheo ni Sundarīnandā. Vị tỷ-kheo ni ấy đã thấy Sāḷha cháu trai của Migāra nhiễm dục vọng đang thực hiện việc xúc chạm cơ thể với tỷ-kheo ni Sundarīnandā nhiễm dục vọng, sau khi thấy mới phàn nàn phê phán chê bai rằng:
- Vì sao ni sư Sundarīnandā nhiễm dục vọng lại ưng thuận việc xúc chạm cơ thể của người nam nhiễm dục vọng?
Sau đó, vị tỷ-kheo ni ấy dã kể lại sự việc ấy cho các tỷ-kheo ni. Các vị tỷ-kheo ni ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao ni sư Sundarīnandā nhiễm dục vọng lại ưng thuận việc xúc chạm cơ thể của người nam nhiễm dục vọng?
Sau đó, các tỷ-kheo ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỷ-kheo. Các vị tỷ-kheo ấy phàn nàn phê phán chê bai rằng:
- Vì sao tỷ-kheo ni Sundarīnandā nhiễm dục vọng lại ưng thuận việc xúc chạm cơ thể của người nam nhiễm dục vọng?
Sau đó, các vị tỷ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỷ-kheo lại và hỏi các tỷ-kheo rằng:
- Này các tỷ-kheo, nghe nói tỷ-kheo ni Sundarīnandā nhiễm dục vọng ưng thuận việc xúc chạm cơ thể của người nam nhiễm dục vọng, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỷ-kheo, thật không đúng đắn đối với tỷ-kheo ni Sundarīnandā, thật không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm! Này các tỷ-kheo, vì sao tỷ-kheo ni Sundarīnandā nhiễm dục vọng lại ưng thuận việc xúc chạm cơ thể của người nam nhiễm dục vọng vậy? Này các tỷ-kheo, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Hơn nữa, này các tỷ-kheo, chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.
Rồi sau khi đã khiển trách tỷ-kheo ni Sundarīnandā bằng nhiều phương thức, đức Thế Tôn đã chê trách về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, sự khó khăn trong việc ăn uống, sự tầm cầu quá nhiều, sự không biết đủ, sự kết phe nhóm, sự biếng nhác; và bằng nhiều phương thức ngài đã ngợi khen về sự dễ dàng trong việc cấp dưỡng, sự dễ dàng trong việc ăn uống, sự ít tầm cầu, sự biết đủ, sự từ khước, sự tiết chế, sự hòa nhã, sự đoạn giảm, sự ra sức nỗ lực. Ngài đã thuyết Pháp thoại thích đáng và phù hợp cho các tỷ-kheo rồi đã bảo các tỷ-kheo rằng:
- Này các tỷ-kheo, như thế thì ta sẽ quy định điều học cho các tỷ-kheo ni vì mười điều lợi ích: Nhằm đem lại sự tốt đẹp cho hội chúng, nhằm đem lại sự an lạc cho hội chúng, nhằm việc trấn áp những tỷ-kheo ni ác xấu, nhằm sự lạc trú của các tỷ-kheo ni hiền thiện, nhằm ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các lậu hoặc trong tương lai, nhằm đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, nhằm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin, nhằm sự tồn tại của Chánh Pháp, và nhằm sự hỗ trợ Luật. Và này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo ni nào nhiễm dục vọng ưng thuận sự sờ vào hoặc sự vuốt ve hoặc sự nắm lấy hoặc sự chạm vào hoặc sự ôm chặt từ xương đòn (ở cổ) trở xuống từ đầu gối trở lên của người nam nhiễm dục vọng, vị (ni) này cũng là vị phạm pārājika, không được cộng trú, là người nữ sờ phần trên đầu gối.”
[2] Vị (ni) nào: là bất cứ vị (ni) nào có mối quan hệ như vầy, có giai cấp như vầy, có tên như vầy, có họ như vầy, có giới hạnh như vầy, có trú xứ như vầy, có hành xứ như vầy (yathāgocarā), là vị trưởng lão ni (trên mười năm tỷ-kheo ni), mới tu (dưới năm năm), hoặc trung niên (trên năm năm); vị (ni) ấy được gọi là “vị (ni) nào.”
[3] Tỷ-kheo ni: “Người nữ đi khất thực” là tỷ-kheo ni. “Người nữ chấp nhận việc đi khất thực” là tỷ-kheo ni. “Người nữ mặc y đã được cắt rời” là tỷ-kheo ni. Là tỷ-kheo ni do sự thừa nhận. Là tỷ-kheo ni do tự mình xác nhận. Là tỷ-kheo ni khi được (đức Phật) nói rằng: “Này tỷ-kheo ni, hãy đi đến (Ehi bhikkhunī).” “Người nữ đã tu lên bậc trên bằng Tam Quy” là tỷ-kheo ni. “Người nữ hiền thiện” là tỷ-kheo ni. “Người nữ có thực chất” là tỷ-kheo ni. “Người nữ thánh hữu học” là tỷ-kheo ni. “Người nữ thánh vô học” là tỷ-kheo ni. “Người nữ đã được tu lên bậc trên bằng hành sự có lời thông báo đến lần thứ tư không sai sót, đáng được duy trì với cả hai hội chúng có sự hòa hợp” là tỷ-kheo ni. Ở đây, vị tỷ-kheo ni đã được tu lên bậc trên bằng hành sự có lời thông báo đến lần thứ tư không sai sót, đáng được duy trì với cả hai hội chúng có sự hòa hợp; vị (ni) này là “vị tỷ-kheo ni” được đề cập trong ý nghĩa này.
(Nữ) nhiễm dục vọngnghĩa là người nữ có dục vọng, có sự khao khát, có tâm say đắm.
(Nam) nhiễm dục vọngnghĩa là người nam có dục vọng, có sự khao khát, có tâm say đắm.
Người namnghĩa là người nam nhân loại, không phải dạ-xoa nam, không phải ma nam, không phải thú đực, có sự hiểu biết, có khả năng thực hiện việc xúc chạm cơ thể.
Từ xương đòn (ở cổ) trở xuống: là phía dưới xương đòn (ở cổ).
Từ đầu gối trở lên: là phía trên đầu gối.
Sự sờ vàonghĩa là việc được cọ xát vào.
Sự vuốt venghĩa là sự di chuyển từ chỗ này qua chỗ khác.
Sự nắm lấynghĩa là việc được nắm lấy.
Sự chạm vàonghĩa là việc được đụng vào.
Hoặc ưng thuận sự ôm chặt: sau khi nắm lấy phần thân thể rồi ưng thuận việc áp sát vào.
Vị (ni) này cũng: là liên quan đến các vị ni trước đây[2]đã được đề cập.
Là vị phạm pārājika: cũng giống như người đàn ông bị chặt đứt đầu không thể sống bám víu vào thân thể ấy; tương tợ như thế, vị tỷ-kheo ni nhiễm dục vọng ưng thuận sự sờ vào hoặc sự vuốt ve hoặc sự nắm lấy hoặc sự chạm vào hoặc sự ôm chặt từ xương đòn (ở cổ) trở xuống từ đầu gối trở lên của người nam nhiễm dục vọngthì không còn là nữ sa-môn, không phải là Thích-nữ; vì thế được gọi “là vị phạm pārājika.”
Không được cộng trú: Sự cộng trú nghĩa là có chung hành sự, có chung việc đọc tụng (giới bổn Pātimokkha), có sự học tập giống nhau, điều ấy gọi là sự cộng trú. Vị ni ấy không có được điều ấy, vì thế được gọi là “không được cộng trú.”
[3] Khi cả hai nhiễm dục vọng, (đối với đối tượng) từ xương đòn (ở cổ) trở xuống từ đầu gối trở lên, vị[3]dùng thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội pārājika. Vị dùng thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm trọng tội (thullaccaya). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm trọng tội (thullaccaya). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật được gắn liền với (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật (đối tượng) ném ra bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).
[4] (Đối với đối tượng) từ xương đòn (ở cổ) trở lên từ đầu gối trở xuống, vị dùng thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm trọng tội (thullaccaya). Vị dùng thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật (đối tượng) ném ra bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).
[5] Khi một bên nhiễm dục vọng,[4](đối với đối tượng) từ xương đòn (ở cổ) trở xuống từ đầu gối trở lên, vị dùng thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm trọng tội (thullaccaya). Vị dùng thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật (đối tượng) ném ra bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).
[6] (Đối với đối tượng) từ xương đòn (ở cổ) trở lên từ đầu gối trở xuống, vị dùng thân sờ vào thân (đối tượng) thì tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật (đối tượng) ném ra bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).
[7] Đối với dạ-xoa nam hoặc ma nam hoặc thú đực, khi cả hai nhiễm dục vọng, vị dùng thân sờ vào thân (đối tượng) từ xương đòn (ở cổ) trở xuống từ đầu gối trở lên, thì phạm trọng tội (thullaccaya). Vị dùng thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật (đối tượng) ném ra bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).
[8] (Đối với đối tượng) từ xương đòn (ở cổ) trở lên từ đầu gối trở xuống, vị dùng thân sờ vào thân (đối tượng) thì tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật (đối tượng) ném ra bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).
[9] Khi một bên nhiễm dục vọng, (đối với đối tượng) từ xương đòn (ở cổ) trở xuống từ đầu gối trở lên, vị dùng thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật (đối tượng) ném ra bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).
[10] (Đối với đối tượng) từ xương đòn (ở cổ) trở lên từ đầu gối trở xuống, vị dùng thân sờ vào thân (đối tượng) thì tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị dùng vật được gắn liền với thân sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật được gắn liền với thân (đối tượng) bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Vị sờ vào vật (đối tượng) ném ra bằng vật ném ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).
[11] Không cố ý, vị ni thất niệm, vị ni không hay biết,[5]vị ni không ưng thuận, vị ni bị điên, vị ni có tâm bị rối loạn, vị ni bị thọ khổ hành hạ, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều Pārājika thứ nhất.
*******
ĐIỀU PĀRĀJIKA THỨ NHÌ:
[12] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, tỷ-kheo ni Sundarīnandā đã mang thai do Sāḷha cháu trai của Migāra. Khi bào thai còn non tháng, cô ta đã che giấu. Khi bào thai đã được tròn tháng, cô ta đã hoàn tục và sanh con. Các tỷ-kheo ni đã nói với tỷ-kheo ni Thullanandā điều này:
- Này ni sư, Sundarīnandā hoàn tục không bao lâu đã sanh con. Chẳng lẽ cô ta đã mang thai ngay khi còn là tỷ-kheo ni?
- Này các ni sư, đúng vậy.
- Này ni sư, vì sao cô biết vị tỷ-kheo ni đã vi phạm tội pārājika lại không tự chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm?
- Điều không đức hạnh nào là của cô ấy, điều không đức hạnh ấy là của tôi. Điều ô danh nào là của cô ấy, điều ô danh ấy là của tôi. Điều không vinh dự nào là của cô ấy, điều không vinh dự ấy là của tôi. Điều thất lợi nào là của cô ấy, điều thất lợi ấy là của tôi. Này các ni sư, vì sao tôi lại thông báo cho những người khác về điều không đức hạnh của bản thân, điều ô danh của bản thân, điều không vinh dự của bản thân, điều thất lợi của bản thân?
Các vị tỷ-kheo ni ít ham muốn, ...(như trên)... Các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao ni sư Thullanandā dầu biết vị tỷ-kheo ni đã vi phạm tội pārājika lại không tự chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm?
Sau đó, các tỷ-kheo ni ấy dã kể lại sự việc ấy cho các tỷ-kheo. Các tỷ-kheo đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự kiện ấy sau khi triệu tập hội chúng tỷ-kheo lại đã thuyết Pháp thoại rồi hỏi các tỷ-kheo rằng:
- Này các tỷ-kheo, nghe nói tỷ-kheo ni Thullanandā dầu biết vị tỷ-kheo ni đã vi phạm tội pārājika vẫn không tự chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỷ-kheo, vì sao tỷ-kheo ni Thullanandā dầu biết vị tỷ-kheo ni đã vi phạm tội pārājika vẫn không tự chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm vậy? Này các tỷ-kheo, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Hơn nữa, này các tỷ-kheo, chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin. ...(như trên)... Và này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo ni nào dầu biết vị tỷ-kheo ni đã vi phạm tội pārājika vẫn không tự chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm khi vị ni kia hãy còn tồn tại, hoặc bị chết đi, hoặc bị trục xuất, hoặc bỏ đi. Sau này, vị ni ấy nói như vầy: ‘Này các ni sư, chính trước đây tôi đã biết rõ tỷ-kheo ni kia rằng:—Sư tỷ ấy là như thế và như thế—mà tôi không tự chính mình khiển trách cũng không thông báo cho nhóm;’vị (ni) này cũng là vị phạm pārājika, không được cộng trú, là người nữ che giấu tội.”
[13] Vị (ni) nào: là bất cứ vị (ni) nào ...(như trên)...
Tỷ-kheo ni: ...(như trên)... vị (ni) này là “vị tỷ-kheo ni” được đề cập trong ý nghĩa này.
Biếtnghĩa là vị tự mình biết, hoặc các người khác thông báo cho cô ấy, hoặc cô kia thông báo.
Đã vi phạm tội pārājika: đã vi phạm một tội pārājika nào trong tám tội pārājika.
Không tự chính mình khiển trách: là không đích thân khiển trách.
Không thông báo cho nhóm: là không thông báo cho các tỷ-kheo ni khác.
[14] Khi vị ni kia hãy còn tồn tại: còn tồn tại nghĩa là còn tồn tại trong hiện tướng người nữ được đề cập đến.
Bị chết đinghĩa là bị qua đời được đề cập đến.
Bị trục xuấtnghĩa là tự mình hoàn tục hoặc bị trục xuất bởi những vị khác.
Bỏ đi nghĩa là chuyển sang sinh hoạt với tu sĩ ngoại đạo được đề cập đến.
[15] Sau này, vị ni ấy nói như vầy: “Này các ni sư, chính trước đây tôi đã biết rõ tỷ-kheo ni kia rằng: ‘Sư tỷ ấy là như thế và như thế’ mà tôi không tự chính mình khiển trách”: Tôi không đích thân buộc tội.
(Tôi) không thông báo cho nhóm: Tôi không thông báo cho các tỷ-kheo ni khác.
[16] Vị (ni) này cũng: là liên quan đến các vị ni trước đây đã được đề cập.
Là vị phạm pārājika: cũng giống như chiếc lá vàng đã lìa khỏi cành không thể xanh trở lại; tương tợ như thế, vị tỷ-kheo ni biết vị tỷ-kheo ni đã vi phạm tội pārājika (nghĩ rằng): “Ta sẽ không tự chính mình khiển trách cũng sẽ không thông báo cho nhóm.” Khi trách nhiệm đã được buông bỏthì không còn là nữ sa-môn, không phải là Thích-nữ; vì thế được gọi là “vị phạm tội pārājika.”
Không được cộng trú: Sự cộng trú nghĩa là có chung hành sự, có chung việc đọc tụng (giới bổn Pātimokkha), có sự học tập giống nhau, điều ấy gọi là sự cộng trú. Vị ni ấy không có được điều ấy, vì thế được gọi là “không được cộng trú.”
[17] Vị ni (nghĩ rằng): “Sẽ xảy ra sự xung đột, hoặc sự cãi cọ, hoặc sự tranh luận, hoặc sự tranh cãi của hội chúng” rồi không thông báo, vị ni (nghĩ rằng): “Sẽ xảy ra sự chia rẽ hoặc sự bất đồng của hội chúng” rồi không thông báo, vị ni (nghĩ rằng): “Vị ni này hung bạo thô lỗ sẽ gây nguy hiểm đến mạng sống hoặc nguy hiểm đến Phạm hạnh” rồi không thông báo, trong khi không nhìn thấy các tỷ-kheo ni thích hợp khác rồi không thông báo, vị ni không có ý định che giấu rồi không thông báo, vị ni (nghĩ rằng): “Sẽ được nhận biết do hành động của chính cô ấy” rồi không thông báo, vị ni bị điên, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều Pārājika thứ nhì.
*******
ĐIỀU PĀRĀJIKA THỨ BA:
[18] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, tỷ-kheo ni Thullanandā xu hướng theo tỷ-kheo Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng (là vị) đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo. Các vị tỷ-kheo ni ít ham muốn, ...(như trên)... Các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao ni sư Thullanandā lại xu hướng theo tỷ-kheo Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng (là vị) đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo?
...(như trên)...
- Này các tỷ-kheo, nghe nói tỷ-kheo ni Thullanandā xu hướng theo tỷ-kheo Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng (là vị) đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỷ-kheo, vì sao tỷ-kheo ni Thullanandā lại xu hướng theo tỷ-kheo Ariṭṭha trước đây là người huấn luyện chim ưng (là vị) đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo vậy? Này các tỷ-kheo, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)... Và này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo ni nào xu hướng theo vị tỷ-kheo đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo là vị (tỷ-kheo) không tôn trọng, không hối cải, không thể hiện tình đồng đạo theo Pháp, theo Luật, theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Vị tỷ-kheo ni ấy nên được nói bởi các tỷ-kheo ni như sau: ‘Này ni sư, vị tỷ-kheo ấy đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo là vị (tỷ-kheo) không tôn trọng, không hối cải, không thể hiện tình đồng đạotheo Pháp, theo Luật, theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Này ni sư, chớ có xu hướng theo vị tỷ-kheo ấy.’ Và khi được nói như vậy bởi các tỷ-kheo ni mà vị tỷ-kheo ni ấy vẫn chấp giữ y như thế, thì vị tỷ-kheo ni ấy nên được các tỷ-kheo nhắc nhở đến lần thứ ba để từ bỏ việc ấy. Nếu được nhắc nhở đến lần thứ ba mà dứt bỏ việc ấy thì như thế là điều tốt; nếu không dứt bỏ, vị (ni) này cũng là vị phạm pārājika, không được cộng trú, là người nữ xu hướng theo kẻ bị phạt án treo.”
[19] Vị (ni) nào: là bất cứ vị (ni) nào ...(như trên)...
Tỷ-kheo ni: ...(như trên)... vị (ni) này là “vị tỷ-kheo ni” được đề cập trong ý nghĩa này.
Hội chúng hợp nhấtnghĩa là có sự đồng cộng trú được thiết lập trong cùng ranh giới (sīmā).
Bị phạt án treonghĩa là bị phạt án treo trong việc không nhìn nhận tội, hoặc trong việc không sửa chữa lỗi, hoặc trong việc không từ bỏ tà kiến ác.
Theo Pháp, theo Luật: theo Pháp nào đó, theo Luật nào đó.
Theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư: theo lời giáo huấn của đức Phật, theo lời giáo huấn của đấng Chiến Thắng.
Không tôn trọngnghĩa là vị không tuân theo hội chúng hoặc cá nhân hoặc hành sự.
Không hối cảinghĩa là bị phạt án treo chưa được thu hồi.
Không thể hiện tình đồng đạonghĩa là các tỷ-kheo có sự đồng cộng trú giống nhau được gọi là các đồng đạo. Vị ấy không có (thể hiện tình đồng đạo) với các vị ấy, vì thế được gọi là “không thể hiện tình đồng đạo.”
Xu hướng theo vị ấy: vị ấy có quan điểm gì, có điều mong mỏi gì, có sự thích ý gì thì cô ni ấy cũng có quan điểm ấy, có điều mong mỏi ấy, có sự thích ý ấy.
[20] Vị tỷ-kheo ni ấy: vị ni xu hướng theo vị bị phạt án treo là vị tỷ-kheo ni ấy.
Bởi các tỷ-kheo ni: bởi các tỷ-kheo ni khác. Các vị ni nào thấy, các vị ni nào nghe, các vị ni ấy nên nói rằng: “Này ni sư, vị tỷ-kheo ấy đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo là vị (tỷ-kheo) không tôn trọng, không hối cải, không thể hiện tình đồng đạo theo Pháp, theo Luật, theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Này ni sư, chớ có xu hướng theo vị tỷ-kheo ấy.” Nên được nói đến lần thứ nhì. Nên được nói đến lần thứ ba. Nếu (vị ni ấy) dứt bỏ, như thế là điều tốt; nếu (vị ni ấy) không dứt bỏ thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Các vị ni sau khi nghe mà không nói thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).
Vị tỷ-kheo ni ấy nên được kéo đến giữa hội chúng rồi nên được nói rằng: “Này ni sư, vị tỷ-kheo ấy đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo là vị (tỷ-kheo) không tôn trọng, không hối cải, không thể hiện tình đồng đạo theo Pháp, theo Luật, theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Này ni sư, chớ có xu hướng theo vị tỷ-kheo ấy.” Nên được nói đến lần thứ nhì. Nên được nói đến lần thứ ba. Nếu (vị ni ấy) dứt bỏ, như thế là điều tốt; nếu (vị ni ấy) không dứt bỏ thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).
[21] Vị tỷ-kheo ni ấy nên được nhắc nhở. Và này các tỷ-kheo, nên được nhắc nhở như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỷ-kheo ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:
“Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỷ-kheo ni này tên (như vầy) xu hướng theo vị tỷ-kheo đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo là vị (tỷ-kheo) không tôn trọng, không hối cải, không thể hiện tình đồng đạo theo Pháp, theo Luật, theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Vị ni ấy không chịu từ bỏ sự việc ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên nhắc nhở tỷ-kheo ni tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy. Đây là lời đề nghị.
Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỷ-kheo ni này tên (như vầy) xu hướng theo vị tỷ-kheo đã bị hội chúng hợp nhất phạt án treo là vị (tỷ-kheo) không tôn trọng, không hối cải, không thể hiện tình đồng đạo theo Pháp, theo Luật, theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Vị ni ấy không chịu từ bỏ sự việc ấy. Hội chúng nhắc nhở tỷ-kheo ni tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy. Đại đức ni nào đồng ý việc nhắc nhở tỷ-kheo ni tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy, vị ni ấy nên im lặng; vị ni nào không đồng ý, có thể nói lên.
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: ...(như trên)...
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: ...(như trên)...
Tỷ-kheo ni tên (như vầy) đã được hội chúng nhắc nhở để dứt bỏ sự việc ấy. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
[22] Với lời đề nghị thì phạm tội tác ác (dukkaṭa). Với hai lời thông báo thì phạm các trọng tội (thullaccaya). Khi chấm dứt tuyên ngôn hành sự thì phạm tội pārājika.
[23] Vị (ni) này cũng: là liên quan đến các vị ni trước đây đã được đề cập.
Là vị phạm pārājika: cũng giống như tảng đá lớn bị bể làm hai không thể gắn liền lại được; tương tợ như thế, vị tỷ-kheo ni khi đang được nhắc nhở đến lần thứ ba vẫn không chịu từ bỏ thì không còn là nữ sa-môn, không phải là Thích-nữ; vì thế được gọi “là vị phạm tội pārājika.”
Không được cộng trú: Sự cộng trú nghĩa là có chung hành sự, có chung việc đọc tụng (giới bổn Pātimokkha), có sự học tập giống nhau, điều ấy gọi là sự cộng trú. Vị ni ấy không có được điều ấy, vì thế được gọi là “không được cộng trú.”
[24] Hành sự đúng Pháp, nhận biết là hành sự đúng Pháp, vị ni không dứt bỏ thì phạm tội pārājika.
Hành sự đúng Pháp, có sự hoài nghi, vị ni không dứt bỏ thì phạm tội pārājika.
Hành sự đúng Pháp, (lầm) tưởng là hành sự sai Pháp, vị ni không dứt bỏ thì phạm tội pārājika.
Hành sự sai Pháp, (lầm) tưởng là hành sự đúng Pháp, phạm tội tác ác (dukkaṭa).
Hành sự sai Pháp, có sự hoài nghi, phạm tội tác ác (dukkaṭa).
Hành sự sai Pháp, nhận biết là hành sự sai Pháp, phạm tội tác ác (dukkaṭa).
[25] Vị ni chưa được nhắc nhở, vị ni dứt bỏ, vị ni bị điên, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều Pārājika thứ ba.
*******
ĐIỀU PĀRĀJIKA THỨ TƯ:
[26] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư nhiễm dục vọng thích thú sự nắm lấy cánh tay của người nam nhiễm dục vọng, thích thú sự nắm lấy chéo áo choàng (của người nam), đứng chung, trò chuyện, đi đến nơi hẹn hò, thích thú sự viếng thăm của người nam, đi vào nơi che khuất, kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy là nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy.[6]Các vị tỷ-kheo ni ít ham muốn, ...(như trên)... Các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư nhiễm dục vọng lại thích thú sự nắm lấy cánh tay của người nam nhiễm dục vọng, thích thú sự nắm lại lấy chéo áo choàng (của người nam), đứng chung, trò chuyện, đi đến nơi hẹn hò, thích thú sự viếng thăm của người nam, đi vào nơi che khuất, kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy là nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy?
...(như trên)...
- Này các tỷ-kheo, nghe nói các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư nhiễm dục vọng thích thú sự nắm lấy cánh tay của người nam nhiễm dục vọng, thích thú sự nắm lấy chéo áo choàng (của người nam), đứng chung, trò chuyện, đi đến nơi hẹn hò, thích thú sự viếng thăm của người nam, đi vào nơi che khuất, kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy là nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỷ-kheo, vì sao các tỷ-kheo ni nhóm Lục Sư nhiễm dục vọng lại thích thú sự nắm lấy cánh tay của người nam nhiễm dục vọng, thích thú sự nắm lại lấy chéo áo choàng (của người nam), đứng chung, trò chuyện, đi đến nơi hẹn hò, thích thú sự viếng thăm của người nam, đi vào nơi che khuất, kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy là nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy vậy? Này các tỷ-kheo, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)... Và này các tỷ-kheo, các tỷ-kheo ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỷ-kheo ni nào nhiễm dục vọng thích thú sự nắm lấy cánh tay của người nam nhiễm dục vọng, hoặc thích thú sự nắm lấy chéo áo choàng (của người nam), hoặc đứng chung, hoặc trò chuyện, hoặc đi đến nơi hẹn hò, hoặc thích thú sự viếng thăm của người nam, hoặc đi vào nơi che khuất, hoặc kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy là nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị (ni) này cũng là vị phạm pārājika, không được cộng trú, là người nữ liên quan tám sự việc.”
[27] Vị (ni) nào: là bất cứ vị (ni) nào ...(như trên)...
Tỷ-kheo ni: ...(như trên)... vị (ni) này là “vị tỷ-kheo ni” được đề cập trong ý nghĩa này.
(Nữ) nhiễm dục vọngnghĩa là người nữ có dục vọng, có sự khao khát, có tâm say đắm.
(Nam) nhiễm dục vọngnghĩa là người nam có dục vọng, có sự khao khát, có tâm say đắm.
Người namnghĩa là người nam nhân loại, không phải dạ-xoa nam, không phải ma nam, không phải thú đực, có sự hiểu biết, có khả năng thực hiện việc xúc chạm cơ thể.
(Hoặc) thích thú sự nắm lấy cánh tay: cánh tay nghĩa là tính từ cùi chỏ cho đến đầu móng tay. Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị ni thích thú sự nắm lấy từ xương đòn (ở cổ) trở lên và đầu gối trở xuống thì phạm trọng tội (thullaccaya).
Hoặc thích thú sự nắm lấy chéo áo choàng: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị ni thích thú sự nắm lấy hoặc tấm choàng dưới hoặc tấm choàng trên thì phạm trọng tội (thullaccaya).
Hoặc đứng chung: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị ni đứng trong tầm tay[7]của người nam thì phạm trọng tội (thullaccaya).
Hoặc trò chuyện: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị ni đứng trò chuyện trong tầm tay của người nam thì phạm trọng tội (thullaccaya).
Hoặc đi đến nơi hẹn hò: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị ni đi đến địa điểm tên (như vầy) đã được người nam nói ra thì phạm tội tác ác (dukkaṭa) theo mỗi bước đi, khi đã vào ở trong tầm tay của người nam thì phạm trọng tội (thullaccaya).
Hoặc thích thú sự viếng thăm của người nam: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị ni thích thú sự viếng thăm của người nam thì phạm tội tác ác (dukkaṭa), khi đã vào ở trong tầm tay của người nam thì phạm trọng tội (thullaccaya).
Hoặc đi vào nơi che khuất: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, khi đã vào trong chỗ được che kín bởi bất cứ vật gì thì phạm trọng tội (thullaccaya).
Hoặc kề sát cơ thể nhằm mục đích ấy: Nhằm mục đích của việc thực hiện điều không tốt đẹp ấy, vị ni đứng trong tầm tay của người nam kề sát cơ thể thì phạm trọng tội (thullaccaya).
[28] Vị (ni) này cũng: là liên quan đến các vị ni trước đây đã được đề cập.
Là vị phạm pārājika: cũng giống như cây thốt nốt bị chặt ở ngọn không thể tăng trưởng được nữa; tương tợ như thế, vị tỷ-kheo ni khi làm đủ tám sự việc thì không còn là nữ sa-môn, không phải là Thích-nữ; vì thế được gọi “là vị phạm tội pārājika.”
Không được cộng trú: Sự cộng trú nghĩa là có chung hành sự, có chung việc đọc tụng (giới bổn Pātimokkha), có sự học tập giống nhau, điều ấy gọi là sự cộng trú. Vị ni ấy không có được điều ấy, vì thế được gọi là “không được cộng trú.”
[29] Không cố ý, vị ni thất niệm, vị ni không hay biết, vị ni không thích thú, vị ni bị điên, vị ni có tâm bị rối loạn, vị ni bị thọ khổ hành hạ, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Dứt điều Pārājika thứ tư.
*******
[30] Bạch chư đại đức ni, tám điều pārājika[8]đã được đọc tụng xong. Vị tỷ-kheo ni vi phạm điều nọ hoặc điều kia thuộc về các điều này thì không có được sự cộng trú cùng với các tỷ-kheo ni, [9]trước đây như thế nào thì sau này là như vậy; (vị ni ấy) là vị ni phạm tội pārājika không được cộng trú.
Trong các điều ấy, tôi hỏi các đại đức ni rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?
Đến lần thứ nhì, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?
Đến lần thứ ba, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?
Các đại đức ni được thanh tịnh nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.
Dứt chương Pārājika.
********
[1]Migāranattā: lúc đầu chúng tôi hiểu theo văn tự nghĩ rằng Sāḷha là cháu cố của bà Visākhā, nhưng ngài Buddhaghosa giải thích rằng chữ ở giữa đã bị bỏ bớt nên cần phải hiểu rằng: “Migāramātuyā pana nattā hoti” nghĩa là cháu trai (nội hoặc ngoại) của Migāramātā tức là bā Visākhā.
[2]Tính luôn các tỷ-kheo ni đã vi phạm bốn điều pārājika của tỷ-kheo nên gọi là các vị ni trước đây (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).
[3]Vấn đề vị tỷ-kheo ni hay đối tượng nam là người tạo tác thật sự làm chúng tôi bối rối. Bản dịch của Cô I.B. Horner ghi rõ chính vị tỷ-kheo ni là người thực hiện các hành động sờ vào, vuốt ve, v.v... ở trên cơ thể của phái nam. Chúng tôi đã xem xét kỹ đoạn [1, 2] về nhiều phương diện: văn phạm, ngữ cảnh, thành ngữ và xác định rằng các hành động trên là của phái nam. Như trong câu chuyện, tỷ-kheo ni Sundarīnandā chỉ tiếp nhận và ưng thuận (sādiyati) hành động từ phía đối tượng thay vì thực hiện (samāpajjati), so sánh “purisapuggalassa kāyasaṃsaggaṃ” và “mātugāmena saddhiṃ kāyasaṃsaggaṃ,” và điều quy định cũng sử dụng từ sādiyeyya (đồng ý, chấp thuận, thích thú, ...); nếu vị tỷ-kheo ni là người tạo tác, các động từ sẽ dùng phải là āmaseyya, parāmaseyya, ... Tuy nhiên đến phần [3] này, văn phạm không xác định rõ giới tính nam hay nữ trong câu văn là điều ít khi xảy ra với ngôn ngữ Pāli. Ở phần này, ngài Buddhaghosa giải thích rằng vị tỷ-kheo ni sờ vào thân người nam hay ưng thuận việc người nam sờ vào thân (của mình) cũng bị phạm tội tương đương tùy theo vị trí sờ vào ở trên ở thể. Như vậy, câu văn ở trên có thể hiểu theo hai cách. Và điều quy định này cần hiểu luôn cả 2 khía cạnh, vị tỷ-kheo ni ưng thuận hành động của phái nam hoặc chính vị ni thực hiện các hành động trên. Chúng tôi theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa nên dùng chữ “vị” và “(đối tượng),” quý vị nên hiểu theo hai cách.
[4]Ekato avassute: khi một bên đầy dục vọng. Văn phạm cũng không xác định rõ. Ngài Buddhaghosa ghi đã giải thích ở trên. Cô I.B. Horner dịch người thực hiện hành động là vị tỷ-kheo ni. Trường hợp vị tỷ-kheo ni nhiễm dục vọng và chủ động thì phạm tội theo quy định; trường hợp người nam nhiễm dục vọng sờ vào cơ thể của vị tỷ-kheo ni, nếu vị tỷ-kheo ni không ưng thuận thì không phạm tội theo phần [11] ở bên dưới. Từ avassuteđược hiểu là danh tĩnh từ, trung tánh, định sở cách, số ít. (Ở phần [1,2] có thể nghĩ rằng vị tỷ-kheo ni đóng vai trò thụ động, nhưng từ phần [3] trở đi tuy không xác định rõ ràng qua văn phạm nhưng việc vị tỷ-kheo ni đóng vai trò chủ động được thể hiện qua ngữ cảnh; có lẽ đây là điểm để cô I.B. Horner xác định lối dịch của cô). Chúng tôi chọn lời giải thích của ngài Buddhaghosa vì bao quát được mọi tình huống có thể xảy ra trong trường hợp này
[5]Asatiyā: vị ni thất niệm nghĩa là tâm đang bận suy nghĩ việc khác, ajānantiyā: vị ni không biết đây là người nam hay người nữ (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).
[6]Theo ngài Buddhaghosa, điều không tốt đẹp là nói đến sự xúc chạm cơ thể (kāyasaṃsagga) chứ không phải sự thực hiện việc đôi lứa (methunadhamma).
[7]Hatthapāsa: tầm tay, có chiều dài vào khoảng 1,25 mét.
[8]Tỷ-kheo ni phải thọ trì bốn điều pārājika đã được quy định cho tỷ-kheo được gọi là điều quy định chung và bốn điều quy định riêng được trình bày ở đây; như thế, tổng cộng là 8 điều pārājika.
[9]Theo ngài Buddhaghosa, vị ấy không còn được tham dự các lễ Uposatha, Pavāraṇā, việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và các hành sự của hội chúng (saṅghakamma).
---o0o---
Nguồn: www.budsas.org
Trình bày: Linh Thoại