- Chương I: Lý tưởng của người Bồ-tát Ngồn gốc và sự hình thành
- Chương II: Sự bừng tỉnh của con tim giác-ngộ (6 bài)
- Chương III: Lời nguyện của người bồ-tát (6 bài)
- Chương IV: Lòng vị tha và chủ trương cá nhân trong cuộc sống tâm linh
- Chương V: Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
- Chương VI: Trước ngưỡng cửa Giác ngộ
- Chương VII: Các cấp bậc của người bồ-tát
- Chương VIII: Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian
Lý Tưởng của người Bồ-tát
The Bodhisattva Ideal
***
Chương V
Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
***
Bài 30 - Nam tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
Bài 31 - Ba lãnh vực tu tập về sức chịu đựng
Bài 32 - Kshanti với tư cách là một sự khoan dung
Bài 33 - Kshanti với tư cách là một sự thụ cảm tâm linh
Bài 33 - Virya hay nghị lực hướng vào điều thiện
Bài 34 - Sự tinh tế trong các xúc cảm mộc mạc
Bài 35 - Phật giáo Zen và Phật giáo Shin
Bài 33
Kshanti với tư cách là một sự thụ cảm tâm linh
Khía cạnh thứ ba của kshanti ("nhẫn") mà tôi sẽ nêu lên dưới đây là sự thụ cảm tâm linh. Khía cạnh này được nêu lên qua một câu chuyện được ghi chép trong chương hai của Kinh Hoa Sen (còn gọi là Kinh Pháp Hoa). Câu chuyện thuật lại một lần Đức Phật ngồi xuống vây quanh bởi các đệ tử của mình, gồm thật đông các vị A-la-hán và bồ-tát, tất cả có thể lên đến nhiều ngàn người. Đức Phật ngồi theo tư thế hoa sen giữa đại hội đông đảo dó, mắt nửa khép nửa mở, hai tay gác lên đùi, lắng thật sâu vào thiền định. Ngài ngồi yên như vậy thật lâu và thật lâu. Toàn thể các vị trong đại hội cũng giữ tư thế ngồi yên đúng như thế, thật lâu và thật lâu, không một cử động, không một tiếng ho. Họ cùng ngồi yên với Đức Phật và cùng lắng vào thiền định như Ngài.
Sau đó Đức Phật chấm dứt thiền định, và sau khi đã hoàn toàn rời khỏi thể dạng thiền định đó thì Ngài bắt đầu nói về sự thật tối hậu và cho biết sự thật đó rất khó thấu triệt. Ngài cho biết thêm là dù có ra sức giải thích cách mấy đi nữa thì cũng không ai có thể hiểu được. Sự thật tối hậu đó sâu xa và vô cùng rộng lớn, vượt lên trên khả năng của con người, không ai có thể thăm dò hay nắm bắt được. Tất nhiên các đệ tử của Ngài sau đó đều tỏ ý xin Ngài hãy cứ cố gắng thuyết giảng cho họ sự thật đó. Sau cùng Đức Phật chấp nhận. Ngài cho biết là mình sẽ thuyết giảng một giáo huấn có thể giúp người nghe đạt được một sự hiểu biết thật xa và thật cao, sâu xa nhất từ trước đến nay và các đệ tử của Ngài chưa hề được nghe. Với giáo huấn đó các đệ tử của Ngài sẽ cảm thấy sự hiểu biết trước đây của mình chỉ tương tự như sự hiểu biết của trẻ thơ. Thế nhưng sau khi Đức Phật nêu lên điều đó thì có một nhóm trong đại hội - kinh sách cho biết đại hội gồm đến năm nghìn người - bèn bỏ đi, họ xầm xì với nhau:
"Quả thật là có một cái gì đó xa hơn, cao hơn hay sao? Quả thật là có một cái gì đó mà chúng ta không thể hiểu nổi hay sao? Quả thật là có một cái gì đó mà chúng ta không thể nào thực hiện được hay sao? Chuyện đó không thể có được! Chúng ta biết hết, thấu triệt được hết!"
Bản chất của những ý nghĩ đó phản ảnh xu hướng thật tự nhiên của những người bình dị, thế nhưng đôi khi đối với những người tu hành cũng có thể trở nên rất mạnh - và cũng thật nguy hiểm. Đó là cách suy nghĩ cho rằng mình chẳng có gì để học hỏi thêm, mình có thể giải quyết được tất cả mọi chuyện khó khăn. Vậy trong trường hợp đó những gì sẽ xảy ra? Chúng ta tự khép kín tâm thức mình và đánh mất khả năng thụ cảm (receptivity) của mình. Tất nhiên chúng ta không phải tất cả là những kẻ hoàn toàn đần độn, chúng ta cũng có thể thốt lên:
"Quả đúng là như vậy, tôi hiểu rằng có rất nhiều điều còn phải học thêm. Tôi hiểu rằng tôi không thể nào có thể hiểu biết được hết, còn rất nhiều điều cần phải học".
Thế nhưng những lời nói đó cũng vẫn chưa hẳn thật sự là nghiêm chỉnh, có nghĩa là chưa nói lên được một sự cảm nhận sâu xa. Chúng ta chưa nhận thức được ý nghĩa [sâu xa hơn] của những lời nói đó: tức là phải thay đổi sự suy nghĩ và cung cách hành xử của mình. Thế nhưng thay vì tạo cho mình các phản ứng theo cách đó, thì chúng ta lại vẫn tiếp tục suy nghĩ như trước, giữ nguyên thái độ như trước. Mỗi khi học hỏi được một điều gì mới thì phải thay đổi hoàn toàn thái độ hành xử của mình. Chẳng hạn như đạt được thêm một sự hiểu biết mới liên quan đến một nhánh thứ yếu trong học thuyết Madhyamaka (học thuyết Trung quán của Long Thụ), thì không được xem đấy như là một sự hiểu biết đơn thuần [mà phải ứng dụng vào sự suy nghĩ của mình và cả cách nhìn của mình vào thế giới]. Thụ cảm có nghĩa là sẵn sàng thay đổi triệt để toàn bộ cung cách hiện hữu, nếp sống và cách nhìn của mình về mọi sự vật. Thế nhưng chúng ta thì lại thường không chấp nhận như vậy, và tìm cách cưỡng lại (chẳng hạn như khi đã hiểu được khái niệm về sự trống không (sunyata /emptiness / tánh không) của mọi sự vật thì phải ứng dụng sự hiểu biết đó vào cách nhìn của mình vào thế giới và tạo cho mình một cung cách hành xử thích nghi với cách nhìn đó. Trái lại chúng ta thường không tạo cho mình một phản ứng như vậy, mà chỉ dừng lại với khái niệm sunyata như là một sự hiểu biết đơn thuần, như là một nhánh thứ yếu thuộc vào học thuyết Trung quán (madhyamaka), và cứ thế mà thuyết giảng cho người khác nghe, hoặc viết lách tràng giang để giải thích về khái niệm này. Đấy chỉ là cách phô trương và đánh bóng cái tôi của mình, không phải là một sự học hỏi và hiểu biết ứng dụng vào cách nhìn của mình vào thế giới và cả chính mình, có nghĩa là chưa phải là một sự thụ cảm tâm linh trong sự tu tập của mình).
Những gì vừa được trình bày trên đây (bài 30, 31, 32 và 33) là ý nghĩa của phẩm tính kshanti ("nhẫn") tức là sức chịu đựng, lòng khoan dung và khả năng thụ cảm tâm linh. Qua các khía cạnh đó, phẩm tính kshanti quả thật đã biểu trưng cho thể dạng "nữ tính" trong cuộc sống tâm linh (sự tu tập Phật giáo nói chung).
Bures-Sur-Yvette, 09.03.21
Hoang Phong chuyển ngữ
(còn tiếp)