- Chương I: Lý tưởng của người Bồ-tát Ngồn gốc và sự hình thành
- Chương II: Sự bừng tỉnh của con tim giác-ngộ (6 bài)
- Chương III: Lời nguyện của người bồ-tát (6 bài)
- Chương IV: Lòng vị tha và chủ trương cá nhân trong cuộc sống tâm linh
- Chương V: Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
- Chương VI: Trước ngưỡng cửa Giác ngộ
- Chương VII: Các cấp bậc của người bồ-tát
- Chương VIII: Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian
Lý Tưởng của người Bồ-tát
The Bodhisattva Ideal
***
Chương IV
Lòng vị tha và chủ trương cá nhân
trong cuộc sống tâm linh
***
Bài 22 - Tình thương người và chủ trương cá nhân
Bài 23 - Tình thương người
Bài 24 - Dana và sự hào hiệp
Bài 25 - Hiến dâng sự can đảm hay không biết sợ là gì
Bài 26 - Hiến dâng mạng sống của chính mình
Bài 27- Sila paramita hay Đạo đức hoàn hảo
Bài 28- Ăn chay và Phật giáo
Bài 29- Việc cưới hỏi và Phật giáo
Bài 23
Tình thương người
Lòng vị tha đi ngược lại với bản chất con người, vì thế phải luyện tập, và sự luyện tập đó đôi khi cũng khá gay go. Dầu sao đi nữa, vấn đề đặt ra là chúng ta có thể phát động lòng vị tha đó đến mức độ nào? Mỗi khi làm được một điều gì cho kẻ khác, thì có phải là hành động đó của mình tự nó cũng đã pha lẫn một chút vụ lợi kín đáo hay chăng? Giúp đỡ kẻ khác sẽ mang lại cho mình một chút gì đó, chẳng hạn như một chút nhẹ nhõm kín đáo trước sự ích kỷ của mình, thế nhưng thường thì mình không ý thức được điều đó. Cũng có thể [trong thâm tâm] chúng ta muốn mọi người hãy nhìn vào mình như là một người tự đứng ra giúp đỡ kẻ khác, điều đó phải chăng cũng có thể tạo ra cho mình một chút cảm tính cao hơn kẻ được mình giúp đỡ? Thái độ tự nhận mình là người giúp đỡ sẽ khiến mọi người phải kính phục mình, xem mình như một tấm gương cho kẻ khác. Một sự giúp đỡ hoàn toàn bất vụ lợi và tinh khiết quả hết sức hiếm hoi. Luôn có một chút ích kỷ nào đó thúc đẩy mình, sự ích kỷ đó có thể rất kín đáo, chẳng hạn như hy vọng sẽ tạo được công đức cho mình hoặc được khen thưởng nơi cõi thiên đường.
Điều đó không có nghĩa là khi nào động cơ thúc đẩy mình chưa hoàn toàn tinh khiết thì mình không được phép làm bất cứ điều gì cho kẻ khác. Trái lại chúng ta phải làm tất cả những gì mà mình có thể làm được để giúp đỡ mọi người, đồng thời cố gắng biến cải động cơ thúc đẩy đó bên trong chính mình (loại bỏ các cảm tính ích kỷ và vụ lợi ẩn nấp kín đáo phía sau những hành động vị tha của mình, cố gắng giữ tình thương người bên trong con tim mình luôn tinh khiết). Nếu hành động với tất cả sự chú tâm (không để một chút cảm tính vụ lợi nào hiện ra trong tâm thức mình) thì đấy là cách giúp mình tinh khiết hóa động cơ thúc đẩy lòng thương người của mình.
(Công đức, tức là các sự xứng đáng và đạo hạnh, tiếng Phạn gọi là punya, là một cái gì đó thật tinh khiết, hiện ra trong tâm thức mình dưới hình thức các xúc cảm thật thanh cao và kín đáo. Các xúc cảm đó sẽ âm thầm và lặng lẽ in đậm dấu vết của chúng trên dòng tri thức và sâu kín của mình, tạo ra mầm mống của nghiệp lành - tức là punya - tồn lưu trên dòng tri thức của mình. Các mầm mống đó hay punya đó sẽ hiện ra với mình một lúc nào đó khi chúng gặp được các cơ duyện và điều kiện thuận lợi và phù hợp với chúng.
Trái lại một sự giúp đỡ pha màu ích kỷ là một hành động phát sinh từ các tác ý vụ lợi bên trong tâm thức mình, tác ý hay hành hành động đó cũng sẽ tạo ra nghiệp như trên đây, thế nhưng nghiệp không hoàn toàn tích cực, bởi vì nó đã bị pha lẫn bóng dáng "cái tôi" hay "cái ngã" của mình trong đó, có nghĩa là phản ảnh một sự vướng mắc và bám víu nào đó. Tóm lại khi giúp đỡ thì phải chú tâm vào việc giúp đỡ, phát động lòng hân hoan và sự nhiệt tình trong tâm thức mình hầu giúp mình xóa bỏ các cảm tính vụ lợi của mình. Qua một góc nhìn khác chúng ta sẽ thấy rằng sự ích kỷ phát sinh từ bản năng sinh tồn, một thứ bản năng vô cùng mãnh liệt, ẩn nấp phía sau từng tư duy, ngôn từ, cử chỉ và hành động của mình. Tinh khiết hóa lòng vị tha hay tình thương người là cách chận đứng và hóa giải sức mạnh đó của bản năng sinh tồn, luôn điều khiển và chi phối mình).
Vậy có thể nào phát động được lòng vị tha nhưng không cần đến tín ngưỡng hay không? Điều này quả khá khó, tuy nhiên cũng có một số người có một cuộc sống rất đạo đức, nhưng bề ngoài dường như họ không có một ý niệm gì về tín ngưỡng cả. Trong số họ có nhiều người hy sinh cả đời mình để giúp đỡ kẻ khác, nhưng không cần dựa vào một nguyên lý siêu hình nào cả. Một số khác có một cuộc sống tâm linh thật tự nhiên mang tính cách bản năng, nhưng không cần dến một ý niệm triết học nào. Họ không đọc Thánh kinh, không biết đến Phật giáo, cũng không tự xem mình là một người tu hành, thế nhưng dường như họ có một tấm lòng tốt bẩm sinh từ bên trong chính mình. Những người như thế vô cùng hiếm hoi, vì vậy tốt hơn chúng ta không nên tự xem mình là một trong số những người như thế (phải tự xem mình là một người vụ lợi và ích kỷ thì mới có dịp để biến cải mình, nếu khoe khoang và tự phụ thì đấy là cách mà mình bước đi ngày càng xa hơn trên con đường của vô minh và u tối).
Nhiều người vì hoàn cảnh không thể tham gia vào các hoạt động từ thiện, thế nhưng cũng có thể biến mình thành những con người vị tha. Nếu chỉ biết phấn đấu để sống còn thì sẽ khó có thể phát động được tình thương người. Nói vậy để hiểu rằng những người càng nghèo thường càng hào hiệp. Đối với chúng ta [những người Phật giáo] lòng vị tha đích thật gồm chung cả sự chăm sóc chính mình. Góp phần mình vào việc đáp ứng sự đòi hỏi của hoàn cảnh bên ngoài (giúp đỡ kẻ khác), nghĩ nhiều hơn đến kẻ khác và quên đi đôi chút chính mình là điều tốt, thế nhưng cũng thật hết sức quan trọng là không nên gạt bỏ hẳn các đòi hỏi của riêng mình. Phó mặc kẻ khác hoặc quên đi chính mình cả hai đều là các thái độ không đúng đắn, đối với mình và cả kẻ khác. Ngoài các trường hợp cấp bách [đòi hỏi mình một sự cố gắng và hy sinh vượt bực], đôi khi chính mình cũng phải tự giữ gìn sức khỏe, nếu không thì mình cũng chẳng làm được gì nhiều cho kẻ khác. Nếu kiệt quệ thì biết đâu cái mà mình gọi là tình thương người trong lòng mình cũng chỉ vỏn vẹn là một ý niệm không lối thoát (một sự tưởng tượng). Nói thì rất dễ, thế nhưng thực hành thì lại khác, thật hết sức khó nhận định là mình làm quá nhiều [cho kẻ khác] hay chăm lo quá nhiều cho riêng mình.
Quả vô cùng sai lầm khi cho rằng nhận lãnh trách nhiệm là cách gây trở ngại cho việc tu tập của riêng mình. Chúng ta phải lãnh trách nhiệm nhưng phải xem trọng trách đó như là một phương tiện phát triển tâm linh của cá nhân mình. Nếu làm được điều đó thì có nghĩa là mình đã kết hợp được cả hai khía cạnh của con đường, sự kết hợp đó thật cần thiết giúp mình vững bước trên con đường [mà mình đã chọn].
Chúng ta thường nghĩ rằng nếu mình quyết tâm làm một điều gì đó [tốt đẹp], thì nhất định điều đó sẽ rất thuận lợi cho việc phát triển tâm linh của mình. Thế nhưng thông thường nhiều người dường như chỉ nhất thiết quan tâm đến việc phát triển tâm linh của mình và phải làm những gì mà lúc khởi đầu đầu mình không thích làm (giúp đỡ kẻ khác), thay vì xem đấy là những gì mình thích làm. Thật hết sức quan trọng là phải phân biệt được giữa những gì mà mình cần phải làm hầu giúp vào việc phát triển tâm linh của mình và những gì mà mình muốn làm. Mục đích trong lâu dài là mình sẽ không còn phân biệt (không còn nề hà như trước đây) giữa những gì mà bối cảnh [bên ngoài] đòi hỏi mình phải làm (trợ giúp kẻ khác) và những gì thuận lợi cho việc tu tập của cá nhân mình. Nói lên điều đó để hiểu rằng mình phải làm cả hai thứ cùng một lúc. Sự căng thẳng (tension) giữa mình và kẻ khác - nếu có thể nói như vậy - sẽ đưa đến sự xuất hiện của bodhicitta/bồ đề tâm, và đó cũng là quá trình tiêu biểu trên đường tu tập lâu dài của mình (không quên kẻ khác nhưng cũng không quên chính mình). Cái tôi và kẻ khác cả hai đều có giá trị như nhau, không thể loại bỏ một bên, dù là bên này hay bên kia - vị thế bất ổn đó (phân biệt giữa cái tôi và kẻ khác) phải được loại bỏ, không có cách nào khác hơn. Một lối thoát sẽ hé mở trong lâu dài. Sự cảm nhận đớn đau đó (vì mình hay vì kẻ khác?) sẽ giúp chúng ta vượt lên một cấp bậc cao hơn, ở cấp bậc đó sự tương phản trước đây (mình và kẻ khác) sẽ không còn là một sự đối nghịch nữa.
Người bồ-tát là hiện thân của một sự tương phản sinh động
Mỗi khi xảy ra một sự vượt thoát tạo ra một cấp bậc cảm nhận tâm linh khác, thì đó thường là kết quả mang lại bởi một sự lưỡng nan (dilemna) thật đớn đau, không thể giải quyết được bằng lý trí. Người bồ-tát là hiện thân của một sự tương phản sinh động, một sự hợp nhất giữa hai vị thế đối nghịch nhau ở một cấp bậc cao nhất, chẳng qua vì người bồ tát là biểu trưng của một sự hợp nhất tối thượng giữa niết-bàn/nirvana và luân hồi/samsara (bồ-tát là một người đã đạt được giác ngộ nhưng vẫn tiếp tục lưu lại trong cõi luân hồi để cùng xoay vần với tất cả chúng sinh, niết bàn hiện ra giữa cõi luân hồi là như vậy). Sự hợp nhất đó không thể diễn đạt được bằng khái niệm (sự vận hành chung giữa niết bàn và luân hồi không thể hình dung và mô tả bằng lý trí được). Khi nào chúng ta vẫn còn suy nghĩ dựa vào khái niệm thì khi đó sẽ vẫn còn tạo ra một sự đối nghịch, bất cứ một sự cố gắng nào nhằm giải quyết một sự đối nghịch bằng phương tiện khái niệm sẽ không tránh khỏi tạo ra một khái niệm khác mang tính cách đối nghịch lại. Sự hợp nhất giữa các khái niệm (có nghĩa là giữa những sự đối nghịch và tương phản nhau) chỉ có thể thực hiện được trong cuộc sống cá nhân, khi các khái niệm vẫn còn giữ được một giá trị nào đó đối với cá thể ấy (niết bàn bàng bạc trên dòng tri thức của người bồ-tát, thế nhưng luân hồi vẫn tiếp tục đánh cùng một nhịp với con tim của mình). Nói một cách khác, sự sống [đúng nghĩa của nó] vượt lên trên sự hợp lý (Một câu nói thật tuyệt vời, một sự nhận xét siêu việt, xin bái phục. Đang đói cầm một bát cơm để ăn hầu bảo vệ sự sống của mình là một sự hợp lý. Thế nhưng nếu xẻ ra một nửa chia cho một người cũng đang đói như mình, thì cũng là một sự hợp lý. Sự hợp lý thứ hai đó chỉ có thể xảy ra trên phương diện cá nhân, tức là đối với một cá thể mà thôi. Chiến tranh triền miên trong lịch sử nhân loại bắt nguồn từ sự hợp lý thứ nhất và cũng là duy nhất: bát cơm là "của mình". Nói một cách khác, bản năng sinh tồn và lòng hào hiệp không thể ghép chung với nhau để tạo ra một khái niệm duy nhất, một sự hợp lý duy nhất. Sự hợp nhất giữa hai thể dạng tâm thần đối nghịch đó - bản năng và sự hào hiệp - chỉ có thể xảy ra với một cá thể mà thôi).
Cho đến khi nào tự mình chưa đủ sức đạt được điểm hợp nhất đó (mình và kẻ khác chỉ là một), thì các sự đối nghịch sẽ vẫn còn hiện ra với mình dưới hình thức một sự lưỡng nan (dilemma/ tình trạng khó xử) mang tính các hiện sinh. Chiến lược thông thường và vô thức (không nghĩ đến cũng không ý thức được) của chúng ta là nghiêng theo bên này và trấn áp bên kia, thế nhưng sớm hay muộn thì chúng ta cũng sẽ phải chọn cả hai bên, bởi vì đấy là cách duy nhất có thể giải quyết được tình trạng lưỡng nan trên đây. Cũng vậy, sự sống và cái chết sẽ khiến chúng ta phải đối đầu với một sự lưỡng nan cuối cùng. Mong cầu sự sống và e sợ cái chết sẽ khiến chúng ta bám vào thứ này và tránh né thứ kia Thế nhưng sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ phải đối đầu với cái chết, dù là cái chết của mình hay của kẻ khác cũng vậy. Chúng ta chỉ có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến sự sống khi nào chúng ta đã sẵn sàng và đủ sức đối đầu với các vấn đề tạo ra bởi cái chết - tức có nghĩa là thật sự sẵn sàng và đủ sức ý thức được sự sống và cái chết chỉ là hai mặt khác nhau của một đồng tiền duy nhất (sự sống của mình và sự sống của kẻ khác cũng chỉ là sự sống như nhau, cái chết của mình hay cái chết của kẻ khác cũng chỉ là cái chết như nhau. Thương mình hay thương kẻ khác cũng chỉ là một thứ tình thương như nhau, tình thương phi đối nghịch và không biên giới đó gọi là lòng ngân từ vô biên/metta bhavana).
Cũng vậy, chúng ta chỉ có thể giải quyết các khó khăn của cá nhân mình bằng cách nghĩ đến các khó khăn của kẻ khác. Nói một cách khác, việc giữ gìn sila tức là đạo đức, phải luôn đi đôi với dana là sự hiến dâng: đấy là phương pháp tu tập qua sự sinh hoạt và trong suốt cuộc sống của người bồ-tát, và đó cũng chính là paramita (ba-la-mật) thứ nhất trong số sáu paramita hay đạo đức siêu nhiên.
***
Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ
Bài giảng trên đây nêu lên một sự lưỡng nan rất khó xử, đó là sự đối nghịch giữa mình và kẻ khác, và đấy cũng là bước đầu tiên của người tu tập trên con đường mà mình đã chọn. Bước chân đó khá gay go cần phải tập, tương tự như một đứa bé tập đi. Phép thiền định Metta-bhavana là một trong các phương pháp giúp chúng ta đặt bước chân đầu tiên đó trên con đường, và cũng là một phương pháp rất phổ biến trong Phật giáo Tây Tạng. Chữ Metta có nghĩa là lòng nhân ái, tình thương người hay lòng từ tâm, bhavana có nghĩa là khơi động hay phát huy, metta-bhavana cũng là phẩm tính thứ nhất trong số bốn phẩm tính vô biên gọi là brahmavihara, kinh sách Hán ngữ gọi là "Tứ vô lượng tâm". Hiệp hội Phật giáo Triratna (Tam Bảo) do nhà sư Sangarakshita thành lập thường giảng dạy phép thiền định này cho những người mới bắt đầu tu tập. Người chuyển ngữ xin mạn phép tóm lược phép thiền định này dưới đây, như là một cách bổ khuyết cho bài thuyết giảng khá lý thuyết của nhà sư Sangharakshita trên đây:
Phép thiền định Metta-bhavana phải được thực thi đều đặn hằng ngày. Tốt hơn hết là nên luân phiên phép luyện tập này với phép thiền định dựa vào hơi thở, tức là phương pháp giúp tập trung và giữ vững sự chú tâm. Khi mới bắt đầu luyện tập thì không nên quá hăng say, chỉ cần 20 hay 25 phút cho cả hai phép luyện tập này, có nghĩa là chỉ cần khoảng 5 phút xen kẽ nhau cho mỗi phép thiền định.
Nên chọn một lúc nhất định và thuận tiện nhất với mình trong ngày, sau đó là chọn một nơi thích hợp nhất để ngồi thiền. Trước khi ngồi thiền cũng nên bày ra một vài nghi thức tạo ra một khung nghiêm trang và thuận lợi, chẳng hạn như đặt ảnh tượng của Đức Phật trước mặt, hoặc một cành hoa hay một lọ hoa, thắp một ngọn nến hay một nén nhang. Hãy cắt điện thoại, ngồi thật ngay ngắn, thoải mái, không gượng ép cũng không gò bó. Giữ tâm thức yên lặng, không lo lắng hay suy nghĩ miên man, hầu giúp nó lắng xuống. Không nên quá lo lắng về điều này, lúc mới tập có thể khá gay go, thế nhưng sau đó sẽ dần dần trở nên dễ dàng và tự động hơn, mỗi khi ngồi xuống thì tâm thức sẽ lắng xuống ngay. Sau khi tâm thức đã lắng xuống thì tập trung nó hướng vào các cảm giác trên thân thể mình, tức là ý thức về tình trạng đang cảm nhận của ngũ giác, sau đó hướng vào các tư duy - tức là các sự suy nghĩ - và các xúc cảm đang hiện ra bên trong tâm thức mình. Sau đó sẽ bắt đầu các giai đoạn thiền định:
1- Trong giai đoạn trước nhất, sau khi hướng sự chú tâm vào bên trong tâm thức mình, thì phát động ngay thái độ thân thiện và thương yêu chính mình, khơi động ước vọng mang lại cho mình một niềm hạnh phúc thật sâu xa. Hãy tự mình hình dung và phác họa những gì có thể mang lại niềm hạnh phúc đó cho mình. Dù sự hình dung và phác họa đó là phương tiện và cũng là thành phần của phép hành thiền, thế nhưng cũng phải nói lên một sự mở rộng, không nên pha lẫn với một sự bám víu hay thèm khát nào cả.
2- Trong giai đoạn hai, chúng ta bắt đầu chọn một người bạn thân thiết với mình, hãy tưởng tượng thật mạnh người bạn ấy hiện đang ngồi bên cạnh mình. Sau đó phát động tình thương yêu và thân thiện với người bạn ấy, đồng thời ao ước mong sao người bạn của mình đạt được thật nhiều an vui. Hãy tưởng tượng chính mình là người mang lại hạnh phúc và những điều toại nguyện sâu xa trong cuộc sống của người bạn mình, và bạn mình cũng sẽ đạt được những điều ước nguyện đó của mình.
3- Trong giai đoạn ba, chúng ta chọn một người mà mình quen biết, nhưng chỉ ở vị thế trung hòa, có nghĩa là chỉ quen biết thế thôi, mình không có một cảm tính đặc biệt nào cả đối với người ấy, mục đích chỉ là để gợi lên sự hiện diện của người ấy trong khi thiền định. Người này có thể là một người cùng xóm với mình, một đồng nghiệp hay một người buôn bán nào đó gần nhà mà mình thường gặp. Trước hết chỉ cần đơn giản phát động cảm tính gần gũi với người này, sau đó ý thức rõ ràng hơn về sự hiện hữu của người này bên cạnh mình, và dần dần sau đó là phát động cảm tính thân thiện với người này, tương tự như người bạn thân thiết của mình, con tim mình và con tim của người này cùng đập chung một nhịp như sau.
4- Giai đoạn bốn, chúng ta hãy chọn một người nào đó thật khó thương, nhưng không hẳn là một kẻ thù cay độc - ít nhất là lúc mới bắt đầu luyện tập - một người mà mình không thích lắm, hoặc giữa người này và mình đang xảy ra những chuyện bất bình. Sau đó hãy cố gắng khám phá các khía cạnh tích cực hơn của người này. Hãy tượng tượng người này cũng có những người bạn quý trọng họ, đồng thời cũng nên phân tích những sự đánh giá có thể sai lầm của mình về người này và đồng thời mở rộng khả năng nhận thức của mình để xét đoán đúng đắn hơn sự tương giao giữa mình và người ấy.
5- Trong giai đoạn năm, chúng ta hình dung cùng một lúc tất cả bốn thể loại người nói đến trong bốn giai đoạn thiền định trên đây, sau đó cố gắng phát động cùng một tình thân thiện như nhau đối với tất cả bốn thể loại người ấy, đồng thời cũng không quên là mình cũng thuộc cùng một nhóm với họ, họ và mình tất cả là năm người đang cùng ngồi với nhau. Đều đó có nghĩa là nếu mình thương yêu bốn người ấy thì cũng là cách thương yêu cả chính mình. Sau đó mở rộng tình thương yêu và ước vọng mang lại hạnh phúc đó hướng vào những người chung quanh và gần gũi với mình, sau đó lại tiếp tục mở rộng hơn nữa hướng vào tất cả những người sống trong cùng một làng mạc hay một thành phố với mình, thuộc chung một xứ sở, trên cùng một lục địa, và sau hết là cả thế giới và toàn thể chúng sinh.
Sau khi chấm dứt thiền định, hãy nhẹ nhàng và thanh thản đứng lên, không vội vã cũng không hấp tấp. Nên dành thêm một chút thì giờ để chú tâm trở lại thân thể mình, lắng nghe các rung động bên trong chính mình và cả các tiếng động trong gian phòng, mở to mắt để nhìn vào thế giới chung quanh. Hãy cảm nhận niềm thích thú hiện lên qua các tư duy của mình, trông thấy được tâm thức bình lặng và hài hòa của mình và sống với nó giữa thế giới đang hiện ra chung quanh mình.
Bures-Sur-Yvette, 21.11.20
Hoang Phong chuyển ngữ
***