- Chương I: Lý tưởng của người Bồ-tát Ngồn gốc và sự hình thành
- Chương II: Sự bừng tỉnh của con tim giác-ngộ (6 bài)
- Chương III: Lời nguyện của người bồ-tát (6 bài)
- Chương IV: Lòng vị tha và chủ trương cá nhân trong cuộc sống tâm linh
- Chương V: Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
- Chương VI: Trước ngưỡng cửa Giác ngộ
- Chương VII: Các cấp bậc của người bồ-tát
- Chương VIII: Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian
Lý Tưởng của người Bồ-tát
The Bodhisattva Ideal
***
Chương V
Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
***
Bài 30 - Nam tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
Bài 31 - Ba lãnh vực tu tập về sức chịu đựng
Bài 32 - Kshanti với tư cách là một sự khoan dung
Bài 33 - Kshanti với tư cách là một sự thụ cảm tâm linh
Bài 33 - Virya hay nghị lực hướng vào điều thiện
Bài 34 - Sự tinh tế trong các xúc cảm mộc mạc
Bài 35 - Phật giáo Zen và Phật giáo Shin
Bài 31
Ba lãnh vực tu tập về sức chịu đựng
Tất hiển nhiên là việc luyện tập về sức chịu đựng không nhất thiết chỉ để chống lại những người tấn công mình bằng lời nói hay gậy gộc (mà còn là để chống lại các khó khăn khác trong các cảnh huống bên ngoài và cả bên trong chính mình). Kinh sách Phật giáo nêu lên ba lãnh vực tu tập nhằm phát huy sức chịu đựng đó.
1- Thiên nhiên
Trước hết là lãnh vực thiên nhiên, tức là vũ trụ vật chất bao quanh chúng ta, trong đó chủ yếu nhất là thời gian. Trên phương diện tổng quát, chẳng hạn như tiết trời quá lạnh hay quá nóng, gió thổi quá mạnh hay mưa quá nhiều, hoặc trời âm u thiếu nắng. Trước những biến đổi bất thường đó, chúng ta cần phải phát động một mức độ chịu đựng nào đó. Các thiên tai vượt khỏi sự chủ động của con người, chẳng hạn như hỏa hoạn, ngập lụt, động đất, sấm sét, đòi hỏi chúng ta phải phát động một sức chịu đựng to lớn hơn.
2- Thân thể của chính mình
Ngoài môi trường chung quanh, chúng ta còn phải tập chịu đựng những gì xảy ra trên thân thể mình, nhất là các thứ bệnh tật và các sự đau đớn. Chúng ta không nên nổi giận với thân thể mình và các sự đau đớn trên thân xác mình. Chúng ta tạo ra thân thể mình, vì thế chính mình phải là người chịu trách nhiệm đối với thân thể mình, Chúng ta tìm mọi cách để làm nhẹ bớt những sự đau đớn thể xác đó, thế nhưng phải hiểu rằng, đối với mình cũng như với tất cả các kẻ khác, không ai có thể hoàn toàn rứt bỏ khổ đau (đối với Phật giáo khổ đau mang tính cách hiện sinh, gắn liền với sự sống), mà phải chấp nhận nó một cách thật tự nhiên với tất cả sức chịu đựng của mình. Dù hiện nay mình đang khỏe mạnh, thế nhưng sớm muộn thì sự già nua và cái chết cũng sẽ xảy đến với mình. Trong thế giới Tây phương ngày nay, nhiều người không chấp nhận sự già nua với một thái độ thân thiện, đôi khi điều đó có thể đưa đến các hậu quả thảm thương. Trái lại tại phương Đông, trong các xã hội mang truyền thống lâu đời, nhiều người thường tỏ ra sẵn sàng chờ đón sự già nua của mình và xem đó như là một khoảng thời gian sung sướng nhất trong cả cuộc đời mình. Tất cả các thứ đam mê và xúc cảm khuấy động của tuổi trẻ đều lắng xuống. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn, và nhờ đó biết đâu một chút trí tuệ cũng sẽ hiện ra với mình. Sau khi đã giao phó tất cả cho thế hệ sau, chúng ta sẽ có ít trách nhiệm hơn, đồng thời cũng có nhiều thời giờ hơn để suy tư, kể cả thiền định. Đối với cái chết thì lại là cả một chuyện khác nữa, thế nhưng đối với hầu hết mọi người, dù là ở phương trời nào cũng vậy (dù là tại Đông phương hay Tây phương), đó là điều cần phải suy nghĩ. Thế nhưng, dù muốn hay không, cái chết một ngày nào đó cũng sẽ xảy đến với mình. Điều đó báo trước cho chúng ta biết là phải luyện tập sức chịu đựng để đối phó với sự ý thức đó.
3- Các kẻ khác
Lãnh vực luyện tập thứ ba về sức chịu đựng là để đối với kẻ khác. Thế nhưng thật ra trước nhất những gì gay go hơn cả là phải đối đầu với thời gian và các thứ đau đớn trên thân thể mình. Đối với các kẻ khác có thể không hẳn là một sự khó khăn, vì thế nên chính Jean-Paul Sartre (1905-1980, văn sĩ và triết gia người Pháp, chủ xướng thuyết hiện sinh / existentialism, cho rằng con người tự tạo ra cho mình bản thề / essence của sự sống của chính mình qua các hành động của mình, và các hành động đó không hề được quy định hay đóng khung từ trước bởi các giáo lý thần học, triết học hay đạo đức nào cả. Con người là chủ nhân ông các hành động của mình) từng nói với chúng ta:
"Địa ngục là dành cho kẻ khác".
Thế nhưng người ta cũng có thể bảo rằng thiên đường cũng là dành cho kẻ khác, nhưng đấy lại là chuyện khác (mình chỉ nhìn thấy hạnh phúc của kẻ khác nhưng không trông thấy khổ đau của họ). Trong kinh sách Phật giáo cũng như trong cuộc sống cá nhân của một người Phật giáo, lý tưởng của sự chịu đựng đôi khi được nêu cao một cách thật ngoạn mục, chẳng hạn như trong câu chuyện ngụ ngôn về chiếc lưỡi cưa. Một hôm Đức Phật triệu tập tất cả các đệ tử và nói với họ như sau:
- "Này các tỳ-kheo, hãy hình dung trường hợp các tỳ-kheo đi ngang một khu rùng và bị một bọn cướp bắt, họ dùng một lưỡi cưa thật sắc có hai cán [ở kai đầu lưỡi cưa] lần lượt cưa tay, cưa chân các tỳ-kheo. Trong trường hợp đó, nếu có một chút ác tâm nào hiện lên trong tâm thức thì các tỳ-kheo sẽ không xứng đáng là đệ tử của ta".
Sự cực đoan trên đây có thể - và cũng là một sự bắt buộc - nêu lên lý tưởng và cũng là mục đích tối thượng của sự nhẫn nhục. Tuy nhiên vấn đề không phải là nghiến răng lại để đè nén sự giận dữ và các thứ cảm tính [hận thù] khác trong nội tâm mình. Thật hết sức rõ ràng Giáo huấn của Đức Phật cho biết sự chịu đựng nhất thiết là một thể dạng tâm thần mang tích cách tích cực, một cung cách hành xử bằng tình thương yêu. Sau khi nêu lên câu chuyện ngụ ngôn về lưỡi cưa trên đây, Đức Phật nói tiếp như sau:
" Vì thế các các tỳ-kheo phải chuyên cần luyện tập. Nếu có người nói xấu mình thì các tỳ kheo phải luyện tập như thế này: 'Con tim tôi không phải vì thế mà bị xao xuyến, tôi không để bất cứ một lời độc ác nào có thể bùng lên, mà luôn phải phát động lòng từ bi mang lại sự tốt lành cho kẻ khác, tôi khơi động tình thương trong tim tôi, không một thoáng oán giận nào. Tôi mở rộng lòng tôi để quàng lên người đã thốt lên những lời nói [ác độc] đó với tất cả những ý nghĩ thương yêu trong tôi hầu che chở cho người ấy, và an trú trong thể dạng [tâm thần] đó. Hãy xem thể dạng đó là bản chất của mình và hướng tất cả những ý nghĩa thương yêu, to rộng, vô biên, không một thoáng hận thù hay ác cảm, vào toàn thể thế gìới, và thường trú trong thể dạng đó'. Đấy là cách mà các tỳ-kheo phải luyện tập".
Trong kinh Dhammapada (Pháp cú) có một câu thật ngắn gọn có thể nói lên ý nghĩa của sự nhẫn nhục: "Phát huy sức chịu đựng là phép luyện tập khổ hạnh cao đẹp nhất" (câu 184 trong kinh Dhammapada).
Chữ khổ hạnh (asceticism) được dịch từ chữ tapa (hay tapo) [trong tiếng Pali], là một từ thường được dùng để chỉ định các phép luyện tập xoay quanh các mối ân hận, các sự khắc khổ và hành xác. Các hình thức tu tập này rất phổ biến trong các thời kỳ cổ đại tại Ấn độ. Nhiều người nhịn đói hàng tháng, chỉ ăn vài hạt cơm mỗi ngày hay mỗi hai ngày, hoặc suốt trong một tuần. Họ tự treo hai chân lên một cành cây đầu hướng xuống đất và thiền định trong tư thế đó. Hoặc họ cũng có thể giữ tư thế đứng yên hai tay chắp lại và đưa lên trời, và giữ như thế hàng tháng cho đến khi nào không còn chịu đựng được nữa. Ngoài ra họ còn có một phép luyện tập khác rất nổi tiếng gọi là pancca agni tapasya, một phép luyện tập khổ hạnh bằng năm ngọn lửa. Họ đốt bốn đống lửa theo bốn hướng, đông tây nam bắc, khi các đống lửa bắt đầu cháy đỏ thì người hành thiền ngồi vào giữ, trên đỉnh đầu là mặt trời, là ngọn lửa thứ năm. Trong kinh điển Pali cũng có nói đến cách luyện tập hành xác này. Tất cả các cách luyện tập ấy rất thịnh hành trong thời đại của Đức Phật. Nhiều người cho rằng các phương pháp này sẽ mang lại sự giải thoát, họ tin rằng càng đày đọa thân xác thì tâm thức càng trở nên tinh khiết, bén nhạy, tinh tế và tỉnh thức hơn.
Đức Phật không đồng ý với quan điểm đó, bởi vì qua sự chứng nghiệm của riêng mình sau sáu năm ròng rã luyện tập thật chuyên cần, thì các phương pháp đó không hề cho thấy một hiệu quả nào cả. Và sau đó Đức Phật nhận thấy sự kiên nhẫn và sức chịu đựng mới đúng thật là các phép khổ hạnh cao đẹp nhất trong số tất cả các phép khổ hạnh khác. Điều đó cũng tương tự như Ngài nói với chúng ta:
-"Nếu muốn luyện tập khổ hạnh thì không cần phải bày ra một cảnh huống đặc biệt nào cả, cũng không cần phải ngồi yên giữa năm đống lửa, mà hãy cứ hòa mình với cuộc sống thường nhật. Điều đó cũng thừa đủ tạo ra mọi thứ cảnh huống [khó khăn] giúp mình luyện tập sự chịu đựng".
" Vì thế các các tỳ-kheo phải chuyên cần luyện tập. Nếu có một người nào đó nói xấu mình thì các tỳ kheo phải luyện tập như thế này: 'Con tim tôi không phải vì thế mà bị xao xuyến, tôi cũng không thốt lên một lời ác độc nào, mà chỉ khơi động trong tôi lòng từ bi vì sự tốt lành của kẻ khác, tim tôi tràn ngập thương yêu, không một thoáng hận thù. Tôi quàng lên người nói lên những lời [thỏa mạ] đó với tất cả những cảm nghĩ thương yêu của tôi, và tôi sẽ thường trú trong thể dạng thương yêu đó. Tôi xem đó như là bản chất của chính tôi, giúp tôi thấm đượm toàn thể thế giới bằng những ý nghĩ thương yêu, to rộng, vô biên, không một thoáng oán hận hay ác tâm, và tôi thường xuyên an trú trong thể dạng đó'. Đấy là cách mà các tỳ-kheo phải luyện tập".
Nói một cách khác, chấp nhận đối đầu với các khó khăn trong cuộc sống chính là cách luyện tập tốt nhất để phát huy sức chịu đựng, và thật ra thì đấy cũng là cách luyện tập khổ hạnh gay go nhất.
Bures-Sur-Yvette, 05.03.21
Hoang Phong chuyển ngữ