- Chương I: Lý tưởng của người Bồ-tát Ngồn gốc và sự hình thành
- Chương II: Sự bừng tỉnh của con tim giác-ngộ (6 bài)
- Chương III: Lời nguyện của người bồ-tát (6 bài)
- Chương IV: Lòng vị tha và chủ trương cá nhân trong cuộc sống tâm linh
- Chương V: Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
- Chương VI: Trước ngưỡng cửa Giác ngộ
- Chương VII: Các cấp bậc của người bồ-tát
- Chương VIII: Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian
Lý Tưởng của người Bồ-tát
The Bodhisattva Ideal
***
Lòng vị tha và chủ trương cá nhân
trong cuộc sống tâm linh
Bài 22 - Tình thương người và chủ trương cá nhân
Bài 23 - Tình thương người
Bài 24 - Dana và sự hào hiệp
Bài 25 - Hiến dâng sự can đảm hay không biết sợ là gì
Bài 26 - Hiến dâng mạng sống của chính mình
Bài 27- Sila paramita hay Đạo đức hoàn hảo
Bài 28- Ăn chay và Phật giáo
Bài 29- Hôn nhân và Phật giáo
Bài 26
Hiến dâng mạng sống của chính mình
Thể loại hiến dâng thứ tư mà người bồ-tát - trong một vài trường hợp nào đó - có thể làm được là sự hiến dâng sinh mạng của chính mình. Thể loại hiến dâng này được nêu lên qua nhiều câu chuyện thần thoại trong một tập truyện mang tên là Jataka (kinh sách Hán ngữ gọi là "Bản sinh kinh", là một tập truyện thuật lại tiền thân của các vị Phật, nhất là Đức Phật Thích Ca. Tập Jataka gồm tất cả 547 câu chuyện, vay mượn hoặc rút tỉa từ kho tàng huyền thoại và cổ tích Ấn-độ. Thế nhưng qua một góc nhìn đại chúng thì các câu chuyện đó đều phản ảnh ít nhiều giáo lý Phật giáo. Tập truyện Jataka rất phổ biến và ưa chuộng tại các nước Phật giáo Á châu. Tập truyện bắt đầu được hình thành vào giữa thế kỷ thứ III trước Tây lịch với một số câu chuyện đầu tiên được góp nhặt, sau đó dần dần các câu chuyện khác được góp nhặt thêm, phiên bản sau cùng là vào thế kỷ thứ I sau Tây lịch). Một số câu chuyện rất khiếp đảm, tương tự như một thảm kịch (melodrama), hoặc khá kỳ dị, chẳng hạn như câu chuyện thuật lại vị hoàng thân Vessantara, một vị bồ-tát tiền thân của Đức Phật, hiến dâng vợ con mình (câu chuyện về vị hoàng thân Vessantara là một trong số các câu chuyện nổi tiếng nhất trong tập sách Jataka. Câu chuyện rất dài dòng và khúc triết, nêu lên các sự hy sinh và các hành động hào hiệp của vị hoàng thân này. Hàng năm các nước Thái lan, Lào, Miến điện, Tích lan và Campuchea đều có làm lễ tưởng niệm thật long trọng vị hoàng thân này). Nếu nhìn vào câu chuyện trên đây qua nhãn quan của chúng ta trong xã hội ngày nay thì quả thật khó tránh khỏi cảm thấy một sự bất nhẫn hay một cách đối xử tệ bạc với người phụ nữ, thế nhưng trong khung cảnh của thời bấy giờ thì mục đích chủ yếu chỉ là để nêu lên quyết tâm của người bồ-tát hiến dâng tất cả những gì quý giá nhất trong cuộc đời mình, và cũng có thể là cao quý hơn cả sự sống của chính mình. Ngoài ra trong một câu chuyện khác, người bồ-tát - tức là vị anh hùng của toàn bộ tập truyện - cũng đã từng hy sinh mạng sống của mình để nuôi một con cọp cái đang đói lả, hầu giúp nó gượng dậy để nuôi đàn con của mình.
Trên thực tế không mấy khi chúng ta phải đối đầu với các hoàn cảnh như vậy, tuy nhiên cũng không nên quên rằng nếu muốn bước theo con đường Phật giáo một cách nghiêm túc, thì trước một số cảnh huống nào đó đôi khi vì lý tưởng của mình chúng ta cũng phải chấp nhận những sự hy sinh lớn lao (chẳng hạn chúng ta có thể liên tưởng đến những người tu hành đã tự thiêu tại Tây Tạng và Việt Nam, hoặc những người xông vào những nơi nguy hiểm hoặc chấp nhận một cuộc sống cực khổ đến cùng cực để cứu giúp những người hoạn nạn). Trong xứ sở mà chúng ta đang sống, và ngay trong thời điểm hiện tại này, việc tu tập của chúng ta không gặp một trở ngại nào cả, thế nhưng hãy tưởng tượng nếu phải lén lút tham gia một khóa hành thiền trong đêm tối, nơm nớp lo sợ bị công an bắt, hoặc chẳng may có người tố cáo, thì chúng ta sẽ nghĩ như thế nào? Trong một vài quốc gia, mỗi khi ngồi xuống hành thiền, đọc một quyển sách Phật giáo, hoặc đứng lại với nhau để trò chuyện về Dharma (Đạo Pháp), thì không sao tránh khỏi thấp thỏm lo sợ cho tánh mạng mình. Trong trường hợp đó thử hỏi chúng ta có chấp nhận hay không? (nhà sư Sangharakshita muốn nói đến tình trạng của xứ Tây Tạng ngày nay, thế nhưng chúng ta cũng có thể liên tưởng đến pháp nạn năm 1963 tại Việt Nam và sự hy sinh của bồ-tát Thích Quảng Đức). Nói lên điều đó không có nghĩa là chúng ta xem mạng sống của mình quá nhẹ, một hình thức liều lĩnh, vô ý thức hay là một cách phô trương nào đó (ostentatious / khoe khoang, phách lối) nhằm mục đích làm cho kẻ khác phải thán phục mình, mà chỉ nên nhìn lại chính mình để tự hỏi xem nếu cần thì mình có sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình hay không?
Hiến dâng công đức
Một hình thức hào hiệp khác là sự hiến dâng công đức. Ý niệm nổi bật nhất trong Phật giáo Theravada là mỗi khi làm được một điều tốt lành thì nhất định mình sẽ tạo được cho mình một chút vốn liếng đạo đức. Ý niệm này quả hết sức lợi ích trong chiều hướng khích lệ mọi người nên làm điều phải, thế nhưng cũng có thể tạo ra cho mình một cung cách hành xử mang chủ đích cá nhân, một sự gom góp công đức cho riêng mình.
Đại thừa không cổ vũ thái độ cá nhân như vậy, thế nhưng nhiều người vẫn xem trọng ý niệm về cách gom góp công đức này, và đấy cũng chính là lý do tại sao những người tu tập Phật giáo lại phải hồi hướng công đức của mình, hoặc ít nhất cũng phải chia sẻ công đức đó với người khác. Chúng ta không được phép ôm chặt công đức của mình tương tự như ôm một đứa con cưng và đặt hết hy vọng vào nó (mỗi khi tạo được một chút công đức thi ôm ấp và hy vọng công đức đó sẽ mang lại mọi sự tốt đẹp cho mình, tương tự như ôm ấp và chiều chuộng một đứa con cưng và hy vọng nó sẽ đạt được thành công và danh vọng trong xã hội. Đối với Phật giáo bất cứ một sự bám víu nào - kể cả bám víu vào công đức của mình - đều là nguyên nhân đưa đến sự tái sinh. Bám víu là một sự chướng ngại cho việc tu tập. Chủ đích của việc tu tập không phải là sự gom góp công đức mà là sự giải thoát và giác ngộ. Hồi hướng công đức là một cách mở rộng tầm nhìn của mình giúp mình trông thấy con đường rõ ràng hơn).
Hiến dâng Dharma
Sau hết là sự hiến dâng Dharma (Đạo Pháp / Phật Pháp), đó là sự hiến dâng sự Thật, một sự hiến dâng to lớn nhất so với tất cả các sự hiến dâng khác. Sự hiến dâng giáo huấn (Dharma) dù bằng cách thuyết giảng, giữ gìn đạo đức hay làm gương để kẻ khác trông vào, thường được xem là bổn phận của các nhà sư, các vị lạt-ma, v.v. Thế nhưng Đại thừa cho rằng tất cả mọi người đều phải gánh vác trọng trách đó. Trên thực tế chúng ta không thể thoái thác được, bởi vì chúng ta luôn hiến dâng cho những người chung quanh chúng ta một chút gì đó phát sinh từ con người của mình, tỏa ra từ bên trong chính mình. Khi đã tạo được một chút hòa nhập với Phật giáo (thấu hiểu được Phật giáo và trở thành một người tu tập Phật giáo dù là ở cấp bậc nào hay trình độ nào) thì đương nhiên qua các mối tương giao với kẻ khác, chúng ta cũng sẽ truyền sang cho họ sự hòa nhập đó của mình (thí dụ một người khó tính, nóng nảy, lúc nào cũng cau có, gây sự sẽ không tránh khỏi tạo ra một sự căng thẳng trong gia đình hay tập thể. Trái lại một người hiền lành, vui vẻ sẽ tạo ra một bầu không khí thư giãn hơn cho những người cùng sống với mình trong gia đình, hoặc cùng sinh hoạt với mình trong tập thể. Hơn thế nữa, nếu có một người tu hành nhân từ, luôn tha thứ, thương yêu, lúc nào cũng nghĩ đến kẻ khác, chăm lo cho kẻ khác, chia sẻ những mối lo buồn của kẻ khác - nói chung là một người đã hòa nhập được một phần nào đó với Phật giáo - thì sự hiện diện của người này trong gia đình hay tập thể nhất định sẽ mở ra một bầu không gian to rộng, trong sáng, thân thiện, an bình và nhiều thương yêu hơn. Đấy là một cách hiến dâng Dharma thật kín đáo và sâu sắc trong sự sinh hoạt hằng ngày, thế nhưng không mấy khi chúng ta để tâm đến sự hiến dâng cao cả và quý giá đó).
Những gì nêu lên trên đây không có nghĩa là phải đặt lại vấn đề với Phật giáo nếu có thể - hoặc không có thể (các ý niệm nêu lên trong Phật giáo thuộc nhiều cấp bậc khác nhau, phù hợp với trình độ đa dạng của những người tu tập, do đó đôi khi cũng cần phải hiều các ý niệm - nhất là trong lãnh vực thực hành - một cách uyển chuyển hơn, không nên quá cụ thể và cứng nhắc). Chúng ta truyền đạt sự bén nhạy tâm linh của mình tinh tế và tự nhiên hơn nhiều.
Đối với những người đứng ra giảng dạy Dharma thì phải luôn tự nhắc nhở mình là những gì mình thuyết giảng có thật sự giúp đỡ được người nghe hay không (phải luôn cảnh giác trước các xu hướng phô trương cái tôi của mình). Không nên nghĩ rằng phép thiền định, nghi lễ cùng các bài thuyết giảng có thể giúp ích được tất cả mọi người thăng tiến trong lãnh vực tâm linh (con người rất phức tạp và đa dạng, thúc đẩy bởi các xu hướng khác nhau, ảnh hưởng bởi môi trường, truyền thống, văn hóa và các nền giáo dục khác nhau, do đó không thể có một "phương thuốc" duy nhất hữu hiệu cho tất cả mọi người, và đấy cũng là lý do khiến chúng ta phải chấp nhận và tôn trọng các tín ngưỡng khác). Nhưng người nói lên: "Tôi rất muốn tu tập Phật giáo" không nhất thiết là những người thật sự mong muốn điều đó như họ tưởng. Trái lại những người cho rằng: "Tôi không quan tâm gì đến Phật giáo cả" đôi khi lại là những người thật sự mong muốn được tu tập. Sự hiến dâng Dharma đòi hỏi thật nhiều bén nhạy và suy xét.
(Hiến dâng Dharma có nghĩa là hiến dâng Trí tuệ, đó là sự hiến dâng cao quý nhất mà người tu tập có thể làm được. Đỉnh cao của sự hiến dâng đó là tình thương, lòng từ bi và sự giác ngộ. Đỉnh cao của Trí tuệ Phật giáo là sự che chở v à tình thương yêu, mang chúng sinh đến gần với nhau, nhưng không khiến hàng triệu người phải bồng bế nhau tháo chạy. Đỉnh cao của hung bạo, gian tham và biển lận chỉ dành cho lịch sử ghi chép mà thôi).
3- Phải hiến dâng như thế nào
(Độc giả có thể xem lại bài 24 nêu lên bốn khía cạnh của sự hiến dâng: 1- hiến dâng cho ai, 2- hiến dâng những gì, 3 hiến dâng như thế nào, 4- tại sao lại phải hiến dâng các thứ ấy)
Sau khi hiểu được là phải hiến dâng những gì, thì cũng phải ý thức được là mình phải hiến dâng như thế nào. Cung cách hiến dâng mang nhiều sắc thái khác nhau. Trước hết sự hiến dâng phải nhã nhặn, dù là đối với một người ăn xin hay một con thú cũng vậy. Thế nhưng tiếc thay, với kinh nghiệm của riêng tôi tại phương Đông, điều đó không mấy khi xảy ra. Sau đó sự hiến dâng phải đi kèm với niềm vui sướng trong lòng. Hiến dâng với gương mặt cau có thì nào có ích lợi gì đâu? (người ta thường thuật lại những cảnh hiến dâng cho những người khuyết tật, đau yếu, các cụ già lọm khọm..., họ xếp hàng chờ đến phiên mình nhận một gói quà gồm vài gói mì khô, một túi gạo, một gói đường, vài phong bánh khô, một phong bì... Người nhận cúi đầu vái lạy người trao quà. Phái đoàn từ thiện quây chung quanh, y phục tươm tất, cầm điện thoại di động hoặc máy ảnh đắt tiền bấm liên tục... Cảnh tượng đó không khỏi khiến chúng ta đau xót trong lòng).
Ngoài ra việc hiến dâng cũng phải cấp bách. Thiết nghĩ lời khuyên này không phải là thừa: sinh mạng của một con người đôi khi tùy thuộc vào sự nhanh nhẹn của một cử chỉ hào hiệp. Điều quan trọng sau cùng cần phải nêu lên là sau khi đã hiến dâng thì không được hối tiếc, chỉ nên cảm thấy vui sướng vì đã làm được một hành động tốt, và tất nhiên là không nên nhắc đi nhắc lại hành động đó của mình. Một số người cảm thấy hết sức khó ngăn chận sự mong muốn mọi người phải nhìn vào mình như là một người vô cùng hào hiệp. Tinh anh của lòng tốt bụng là một sự yên lặng mênh mông, không bao giờ có ý lôi cuốn sự chú ý của bất cứ ai cả.
Sau cùng kinh sách Đại thừa cũng cho biết hiến dâng cho kẻ thù cũng phải tương tự như hiến dâng cho một người bạn. Điều đó có nghĩa là khi hiến dâng thì không được phép phân biệt giữa một người được xem là tốt và một người bị xem là xấu. Sau hết, người ta cũng thường cho biết sự hiến dâng phải mang tính cách mở rộng (hiến dâng cho tất cả mọi người) và phải luôn "giữ sự đồng đều" (không thiên vị hay ưu đãi), có nghĩa là sự hiến dâng phải phù hợp với nhu cầu đích thật của người hưởng sự hiến dâng, không nên căn cứ vào sự đòi hỏi bề ngoài của họ.
4- Tại sao lại hiến dâng các thứ ấy
Sau khi nêu lên tại sao phải hiến dâng, hiến dâng cho ai và phải hiến dâng như thế nào, thì điều cuối cùng mà chúng ta phải nghĩ đến là: tại sao? (có nghĩa là vì nguyên nhân nào, lý do nào hay chủ đích nào khiến mình hiến dâng). Một số người giúp đỡ thật hăng say - đôi khi ở các cấp bậc rất rộng lớn - nhằm mục đích làm cho tiêng tăm của mình ngày càng được nhiều người biết đến. Tại Ấn độ có những vị tỉ phú chi những số tiền thật lớn để giúp đỡ các bệnh viện, các trạm y tế công cộng, thế nhưng với điều kiện phải dựng bảng thật to ở cổng nêu đích danh người tài trợ. Một số khác bố thí để hy vọng rồi đây mình sẽ được hưởng một chỗ tốt trên trời. Thế nhưng đối với Phật giáo các cử chỉ và ý niệm ấy không mang một ý nghĩa cao quý nào cả. Quả thật Đức Phật từng giảng dạy nếu tạo ra cho mình một cuộc sống đạo hạnh thì mình sẽ được hưởng kết quả tốt lành mang lại từ cuộc sống đó, thế nhưng chúng ta cũng không nên tạo ra cho mình một kiếp sống đạo hạnh với chủ đích đó bên trong tâm trí mình. Tốt hơn hết chỉ nên nghĩ rằng bất cứ những gì mang lại từ sự hào hiệp của cá nhân mình cũng chỉ đơn giản là những cử chỉ hào phóng giúp mình vượt lên trên sự ti tiện của mình, giúp mình tiếp cận gần hơn với sự giác ngộ. Thế nhưng sự giác ngộ đó cũng không phải là cho riêng mình mà là vì tất cả chúng sinh.
Dana paramita hay sự hiến dâng toàn thiện
Sở dĩ nêu lên thể dạng hiến dâng này là để chúng ta ý thức được là phải biến sự hiến dâng bình dị - dana - trở thành sự hiến dâng toàn thiện - dana paramita (ba-la-mật/toàn thiện, hoàn hảo, siêu việt). Nghĩa từ chương của chữ paramita là "vượt sang bờ bên kia" (kinh sách Hán ngữ gọi là "đáo bỉ ngạn") - và bờ bên kia chính là niết-bàn (nirvana). Kinh sách cho biết có sáu hoặc mười paramita, thế nhưng thật ra dưới một góc nhìn nào đó chỉ có một thứ paramita duy nhất mà thôi, đó là prajna paramita, tức là sự toàn thiện trí tuệ, một sự quán thấy trực tiếp hiện thực. Chính vì lý do đó người ta thường cho rằng dana paramita chính là trimandalaparisuddha , có nghĩa là "ba vòng tròn của sự tinh khiết" (trimandalaparisuddha là một từ ghép: tri có nghĩa là ba; mandala có nghĩa là vòng tròn hay chu vi và cũng có thể hiểu là vũ trụ; pari có nghĩa là rộng lớn; suddha là sự tinh khiết). Ba vòng tròn của sự tinh khiết biểu trưng cho ba đặc tính của sự hiến dâng là: bên trong hành động hiến dâng không có cái tôi (cái ngã) nào đứng ra để "hiến dâng", không có một ý niệm nào về "người nhận" sự hiến dâng, cũng không có một ý niệm nào về "cử chỉ" hiến dâng. Nói lên như thế không có nghĩa là phủ nhận bất cứ một một sự hiện hữu nào hay nói lên một thể dạng vô thức nào cả, mà trái lại là một sự nhận thức tròn đầy và trong sáng, nêu lên những sự hiến dâng thật tự nhiên, giản dị và tự động (spontaneous / tự phát), không bao giờ biết ngưng nghỉ là gì. Chúng ta hiến dâng từ một nơi thật sâu kín bên trong sự cảm nhận hiện thực của chính mình, phản ảnh một sự kết hợp hài hòa giữa lòng từ bi và nhu cầu thiết thực của tất cả chúng sinh.
Bures-Sur-Yvette, 28.12.20
Hoang Phong chuyển ngữ
(Cón tiếp)
***