Điều lý thú và mầu nhiệm giữa
Không hiểu tại sao đến bây giờ tôi mới chú ý đến điều lý thú và mầu nhiệm này giữa Khánh Vía 19/2 của Bồ Tát Quán Thế Âm và Khánh Vía 21/2 của Đức Bồ Tát Phổ Hiền!
Như chúng ta ai cũng biết Phật giáo Đại Thừa có Tứ Đại Bồ Tát đó là : Đức Quán Thế Âm, Đức Đại Trí Văn Thù, Đức Đại Hạnh Phổ Hiền và Đức Địa Tạng Bồ Tát .
Từ lâu Phật tử Bắc Tông thường cử hành long trọng 3 ngày lễ vía cho Đức Bồ Tát Quan Thế Âm đó là 19/2 ngày đản sanh , 19/6 ngày thành đạo và 19/9 ngày xuất gia .
Riêng lễ vía Đức Bồ Tát Phổ Hiền đản sinh vào ngày 21 tháng hai âm lịch và nhưng rất ít khi được nhắc đến lễ vía Đức Ngài thành đạo vào ngày 23 tháng tư âm lịch.
Trong bài viết này , học nhân hậu bối chỉ tạm ghi lại vài điều giống nhau trong hạnh nguyện và năng lực cứu độ của Nhị Vị Bồ Tát này mà Phật giáo Bắc Tông và Mật Tông đã tôn thờ như thế nào mà thôi.
Vì tại Tây Tạng, có thời người ta thờ Đức Phổ Hiền Bồ Tát như là Nhiên Đăng Cổ Phật (Adi Buddha), nhưng hiện nay chỉ còn những tín đồ của tông Ninh Mã (Nyingma) giữ lối thờ phụng đó. Một vài phái Mật Tông ở vùng Hy Mã Lạp Sơn cho rằng chính vị Bồ Tát này chứ không phải Đại Nhật Phật là đấng sáng tạo ra Mật Tông Phật Giáo, trong đó tín đồ tìm cách hồi thông và hợp nhất với thần linh. Và Đức Quán Thế Âm tại Tây Tạng còn có Nữ Thần Tara xanh và Nữ Thần Ta ra trắng với đủ hạnh từ bi như Đức Quán Thế Âm với thần chú OM MANI PAD ME HUM
Nào chúng ta đi vào chi tiết một chút nhé :
1- PHỔ HIỀN dịch âm là Tam-mạn-đà Bạt-đà-la, hoặc Tam-mạn-đà Bạt-đà (Samntabhadra). Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng Giác Bồ-tát, Phổ Hiền là vị Bồ Tát Đẳng Giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sinh mà hiện thân hóa độ.
Ngài còn được tôn vinh là Bậc Bồ Tát Toàn Phúc và Toàn Thiện
Ngài hiện thân của Đức trầm tỉnh, lòng thương xót, Trí Huệ sâu xa
Ngài được kính trọng và tôn thờ như người bảo hộ cho tất cả những ai truyền bá Phật Pháp và được xem là hiện thân của Bậc trí năng đồng nhất
Như chúng ta đều biết rằng :
Phổ Hiền Bồ Tát tượng trưng cho Lý, Định, Hành; cỡi voi trắng 6 ngà, Voi trắng tượng trưng cho trí tuệ vượt chướng ngại, 6 ngà tượng trưng cho sự chiến thắng sáu căn (6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm thứ 28 – Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát – Đức Phổ Hiền có nguyện với Phật về 500 năm sau có ai thọ trì Kinh Pháp Hoa, ngài sẽ cỡi voi trắng đến hộ trì, không cho ma, quỷ đến não hại.
Ngài dạy rằng nếu chúng sinh nào nghe danh hiệu Ngài ; thấy và chạm đến thân Ngài ; hay nằm mộng thấy Ngài ; hoặc tưởng niệm đến Ngài trong một ngày đêm hay nhiều hơn thì không còn thối chuyển. Chúng sinh nào nghe thấy thân Ngài thanh tịnh thì tất được sinh trong thân thanh tịnh.
Kính lễ Ngài có nghĩa là chúng ta tôn trọng học đòi theo hạnh nguyện rộng lớn của Ngài. ( Mười Hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền:
Một là: Lễ kính chư Phật.
Hai là: Xưng tán Như Lai.
Ba là: Quảng tu cúng dường.
Bốn là: Sám hối nghiệp chướng.
Năm là: Tùy hỷ công đức.
Sáu là: Thỉnh chuyển pháp luân
Bảy là: Thỉnh Phật trụ thế.
Tám là: Thường tùy Phật học.
Chín là: Hằng thuận chúng sinh.
Mười là: Phổ giai hồi hướng.)
2- Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ( Avalokitesvara) là vị Bồ tát với hạnh nguyện luôn lắng nghe tiếng kêu khổ đau của cuộc đời rồi tìm cách cứu giúp.
Bồ tát Quán Thế Âm, còn được gọi là Bồ tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara Bodhisattva) chỉ xuất hiện và xuất hiện khá nhiều trong các kinh điển Đại thừa như Hoa nghiêm, Lăng nghiêm, Pháp hoa, Bát nhã Tâm kinh, Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Đại Từ Đà la ni, Chuẩn đề Đà la ni… và rất nhiều các ký, sớ, giải, luận về Bồ tát. Ngài được xem là vị Đại bi (trong kinh Pháp hoa) nguyện cứu độ tất cả chúng sinh và Đại trí (trong Bát-nhã Tâm kinh) liễu ngộ năm uẩn đều là không.
Ngài thường được biểu tượng với :
- Cành dương liễu tượng trưng cho hạnh nhẫn nhục;
Cành dương liễu không gãy trước gió mưa giông bão là nhờ yếu tố mềm dịu, cũng như tính nhu hòa, chịu đựng của hạnh nhẫn nhục: nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh, nhẫn nhục trước mọi đối tượng, không có thái độ tâm lý bất mãn, đối kháng do sân hận, si mê.
- Và nước cam lồ tịnh thủy tượng trưng cho lòng từ bi.
Cam lồ hay cam lộ là loại nước mát ngon ngọt. Khi tâm sinh khởi phiền não sân nhuế, phẫn hận thì con người có cảm giác như bị lửa thiêu đốt và bất an, khổ não rất khó chịu.
Hạnh nhẫn nhục và lòng từ bi luôn đi đôi. Có nhẫn nhục là có từ bi, có từ bi thì có nhẫn nhục.
Chính vì thế mà tâm an ổn, mát mẻ, dễ chịu như nước cam lồ tịnh thủy. “Lồ” hay “lộ” là giọt sương trong mát, “cam” là ngon ngọt. nhờ tâm từ bi mà sân hận trong tâm không còn, cũng như lửa bị nước cam lồ tịnh thủy dập tắt .
Đầu cành dương liễu vương cam lộ
Một giọt mười phương rưới cũng đầy
Bao nhiều trần lụy tiêu tan hết
Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây
Nam Mô Thanh Lương Địa Bồ Tát
( HT Thích Nhất Hạnh )
Tuy hình tượng Ngài được mô tả trong kinh Pháp Hoa là một người nam nhưng khi Phật giáo truyền sang Tây Tạng, Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam, Bồ tát được tôn thờ hầu hết dưới dạng nữ thân, mẹ hiền Quan Thế Âm. Bởi theo kinh Pháp Hoa, Bồ tát có khả năng thị hiện vô biên thân, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện mà hiện thân tương ứng để cứu độ.
( được biết trong vài sử liệu có ghi lại rằng : Theo dị bản Việt hóa thì Quan Âm Nam Hải vốn là Diệu Thiện, công chúa thứ ba (về sau gọi bà Chúa Ba) con vua Diệu Trang (Subhavyùha) ở nước Hưng Lâm (có thể thuộc Ấn Độ). Nàng từ bỏ cuộc sống xa hoa của cung đình, vượt qua mọi ngăn trở của vua cha, cương quyết vượt biển đến động Hương Tích (chùa Hương ngày nay) tu hành và chứng quả tại đây. Truyền thuyết cho rằng, sau khi đắc đạo, công chúa Diệu Thiện biến thành Quan Âm nghìn mắt nghìn tay cứu độ hoàng tộc và muôn dân.
Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, tượng thờ Quan Âm Nam Hải xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng thế kỷ XVI. “Trong một văn bia đời nhà Mạc năm 1578, học giả nổi tiếng đương thời là Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết tượng Diệu Thiện được tôn thờ tại chùa Cao Dương. Văn bia còn ghi rõ Diệu Thiện là một biểu tượng rất đặc thù của giáo lý từ bi trong đạo Phật. Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt trước hết có liên hệ mật thiết với sự thực tập trì chú Đại bi, dần dần đã trở nên một biểu tượng rất lớn trong các chùa viện Phật giáo” (Thích Hạnh Tuấn, Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt).
Như vậy các hình thái Quan Âm Nam Hải, Quan Âm đồng tử, Quan Âm tống tử, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính đều bắt nguồn từ lòng từ bi, hiện thân cứu độ của Bồ tát Quan Thế Âm trong kinh Pháp Hoa. Những truyện tích và tín ngưỡng Quan Âm rất phổ biến ở các nước châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm được thờ tại chùa viện nước ta hiện nay rất đa dạng, dựa vào một trong 33 ứng hóa thân của Bồ tát.
Sau khi lược qua sử liệu chúng ta có thể thấy những điểm lý thú như sau:
- Tháng 2 âm lịch là tháng có rất nhiều sự kiện quan trọng trong Phật Giáo Đại Thừa , nào là mùng 8/2 Thái Tử Sĩ Đạt Ta rời Cung điện xuất gia và thành Phật và sau đó 15/2 Đức Phật nhập Đại Niết Bàn . Riêng hai Đại Bồ Tát thì ngày vía đản sanh chỉ cách nhau 2 ngày .
- Cả hai Vị Đại Bồ Tát đều được Kinh Pháp Hoa xiển dương về công hạnh Đại Từ Bi
Do đó nhân ngày vía khánh đản của hai vị Đại Bồ Tát chúng ta hãy cùng nhau tu tập như lời dạy của Trưởng Lão Hoà Thượng Thích Thanh Từ :
" Hãy đập tan đi cái vỏ ích kỷ hẹp hòi của chúng ta để hòa mình trong hạnh nguyện mênh mông của Bồ-tát. Còn đeo đẳng cái vỏ ích kỷ này là còn khổ đau, còn chìm đắm, phải gỡ nó bỏ đi, chúng ta sẽ nhẹ nhàng vượt khỏi muôn lớp trùng dương đến nơi bờ giác an vui. Lòng từ vô hạn, hạnh nguyện vô biên của Bồ-tát là những tiếng còi cảnh tỉnh, kêu gọi chúng ta hãy sống dậy trong đồng thể đại bi, trong chân như vĩnh cửu. Bỏ đi cái vỏ nhỏ nhen, tạm bợ, mà con người đang vì nó tạo nghiệp khổ ngập trời."
Riêng hậu bối khi đọc được những lời dạy của Cố Đại Lão Hoà Thượng Thích Trí Quang trong Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền thì mới thấy Đức độ cao quý của những bậc danh tăng Việt Nam và nguyện theo bước các Ngài . Kính xin phép trích đoạn và mời các bạn cùng đọc nhé ...
" Sánh với 4 hoằng thệ của đức Thích Tôn tuy vắn tắt bậc nhất mà đầy đủ bậc nhất, thì 10 hạnh nguyện của đức Phổ Hiền thật không bằng. Nhưng 10 hạnh nguyện ấy cũng thật đặc biệt. Tựu trung có người cho “tùy hỷ công đức” có gì khó khăn và quan trọng đâu; nhưng nếu biết con người có thể chết cho người mà khó thể khen người một câu, thì đủ biết hạnh nguyện ấy quan trọng biết bao cho tâm lý người tu."
Nhân ngày vía Khánh Đản nhị vị Đại Bồ Tát, đệ tử hậu bối kính dâng vài vần thơ vụn để bày tỏ lòng quy ngưỡng đến công hạnh quý Ngài như sau :
Thành kính mừng Khánh lễ Đức Nhị vị Đại Bồ Tát !
Quy ngưỡng Đại Hạnh Phổ Hiền Thập Đại nguyện Vương,
Tinh tấn thực hành tu tập quyết noi gương
Mười hai lời thệ nguyện Quan Thế Âm Bồ Tát
Để muôn kiếp mãi mãi được sống trong Chánh Pháp !
Nam Mô Thập Quảng Đại Nguyện Vương Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Linh Cảm Ứng Quan Thế Âm Bồ Tát
Melbourne 29/3/2021
Huệ Hương
***