- Chương I: Lý tưởng của người Bồ-tát Ngồn gốc và sự hình thành
- Chương II: Sự bừng tỉnh của con tim giác-ngộ (6 bài)
- Chương III: Lời nguyện của người bồ-tát (6 bài)
- Chương IV: Lòng vị tha và chủ trương cá nhân trong cuộc sống tâm linh
- Chương V: Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
- Chương VI: Trước ngưỡng cửa Giác ngộ
- Chương VII: Các cấp bậc của người bồ-tát
- Chương VIII: Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian
Lý Tưởng của người Bồ-tát
The Bodhisattva Ideal
***
Chương VII
Các cấp bậc của người bồ-tát
***
Bài 44 - Các cấp bậc của người bồ-tát
Bài 45 - Kalyana-mitra hay những người bạn tâm linh
Bài 46 - Tam bảo
Bài 47 - Bốn thể loại bồ-tát
Bài 48 - Người bồ-tát không bao giờ thoái lùi.
Bài 49 - Người bồ-tát với tư cách Pháp thân.
Bài 45
Kalyana mitra hay nhưng người bạn tâm linh
Chúng ta gián tiếp tương đồng với hiện thực qua các thể dạng biểu trưng cho hiện thực cao hơn với chính mình (có nghĩa là cao hơn các thể dạng mà mình trực tiếp cảm nhận được hiện thực nơi con người của mình, chẳng hạn như cảm nhận được mình chẳng khác gì với đất đá, cỏ cây, nước, lửa, khí v.v., xin xem lại bài 44). Điều đó cũng tương tự như trông thấy ánh sáng qua một tấm màn mỏng hoặc bằng vải thưa, kể cả trường hợp tấm màn đó được vén lên hoặc rơi hẳn xuống, khiến ánh sáng của hiện thực được trông thấy một cách trực tiếp, đúng thật với chính nó, không xuyên qua bất cứ một hình thức trung gian nào cả. Xuyên qua tấm màn đó [với các độ mỏng khác nhau] chúng ta trông thấy ánh sáng của hiện thực ở các mức dộ khác nhau, vì vậy tấm màn đó có thể biểu trưng cho một hệ thống thứ bậc tâm linh, nhất là đối với trường hợp của những người bồ-tát ở các cấp bậc [thăng tiến] khác nhau. Đối với chúng ta (là những người tu tập) thì thật hết sức quan trọng là phải tiếp xúc với những người ít nhất cũng phải tiến xa hơn chúng ta một chút trên phương diện tâm linh, có nghĩa là đối với họ ánh sáng của hiện thực xuyên qua con người của họ rạng rỡ hơn so với ánh sáng xuyên qua con người của chính mình.
Theo truyền thống từ xưa trong Phật giáo, các vị ấy được gọi là các người bạn tâm linh, tiếng Phạn là kalyana-mitra (chữ kalyana có nghĩa là đáng quý, khả ái, hoàn hảo, chữ mitra có nghĩa là một người bạn. Kinh sách Hán ngữ dịch chữ này là "Thiện tri thức". Cách dịch này không hàm chứa một ý nghĩa rõ rệt nào cả, bởi vì chữ tri thức (consciousness) - ít nhất theo cách định nghĩa ngày nay - đã được dùng không đúng chỗ, thiết nghĩ nên dùng chữ "tâm" thay vì chữ "tri thức" để tạm dịch chữ kalyana-mitra là "người thiện tâm". Thế nhưng ngày nay chúng ta cũng có các cách gọi khác khá quen thuộc là "bạn đạo" hay "đạo hữu", các cách gọi này tương đối gần hơn với chữ kalyana-mitra. Nói chung kalyana-mitra có nghĩa là những người cùng bước đi với nhau trên con đường đưa đến Giác ngộ. Trên con đường đó có người đi nhanh, có người chậm chạp hơn, họ dìu dắt nhau, giúp đỡ nhau. Tất cả đều là những người bồ -tát, chỉ khác nhau về sức mạnh ước vọng, khả năng chăm lo cho kẻ khác, kể cả khác nhau trước các kinh nghiệm và sự hiểu biết mà họ đã đạt được trên những đoạn đường mà họ đã đi qua. Trên đây là cách phải hiểu về chữ kalyana-mitra. Khái niệm Kalyana-mitra là một khái niệm của Đại thừa và dường như chữ kalyana-mitra xuất hiện lần đầu tiên (?) vào thế kỷ thứ II trong kinh Mahaprajnaparamita Sutra / Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-da). Các vị ấy (tức là các kalyana-mitra hay các "người bạn tâm linh") đối với chúng ta quan trọng hơn cả Đức Phật. Dù gặp được một vị Phật đi nữa thế nhưng chưa hẳn là nhờ đó mà chúng sẽ học hỏi được gì nhiều, và cũng chưa hẳn là dịp giúp mình thực hiện được một bản chất tương tự với vị Phật ấy. Trong khi đó sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta rút tỉa được nhiều điều bổ ích khi tiếp xúc với những người có một trình độ phát triển tâm linh chỉ cần hơn mình một chút (gặp được Trời hay một vị Phật cũng chưa hẳn là dịp giúp mình học hỏi được gì nhiều, so với một dịp nào đó bất chợt chúng ta trông thấy một người đi đường lặng lẽ ngồi xuống kéo chiếc chiếu rách đắp cho một người hành khất đang ngủ say dưới một mái hiên bên vệ đường vào một đêm mưa lạnh. Cử chỉ giản dị đó có thể khơi động lòng từ tâm ngủ yên bên trong chính mình, và biết đâu sẽ khiến mình cố gắng trở thành giống như người ấy).
Trong một tập luận giáo khoa nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng là Vòng bảo châu trân quý của sự Giải thoát (The Jewel Ornament of Liberation), nhà sư Gamposa (1079-1153) từng nêu lên quan điểm trên đây như sau :
"Khi mới bắt đầu tu tập, quả hết sức khó cho chúng ta tiếp cận với chư Phật hay chư bồ-tát sinh hoạt ở các cấp bậc tâm linh thật cao siêu. Vì vậy chúng ta chỉ nên tiếp xúc với những con người bình dị hơn với tư cách là những người bạn tâm linh (kalyana-mitra / đạo hữu, bạn đạo). Khi nào bóng tối (sự u mê, vô minh) tạo ra bởi các hành động của mình trở nên sáng sủa hơn, thì khi đó chúng ta sẽ tiếp cận được với các vị bồ-tát ở các cấp bậc cao siêu hơn. Và khi nào vượt được hết "Con Đường Rộng lớn của Giai đoạn Chuẩn bị" thì chúng ta sẽ nhận biết được Nirmanakaya (nirmana có nghĩa là sinh ra, hóa thành hay biến hoá, kaya có nghĩa là thân thể, kinh sách Hán ngữ dịch chữ Nirmanakaya là Ứng thân hay Ứng hóa thân, tức là các hình thức biến hóa hay các thể dạng hiển hiện khác nhau của Đức Phật nhằm mục đích giúp đỡ chúng sinh thích nghi và hữu hiệu hơn). Sau cùng, khi nào chúng ta có thể sinh hoạt ở một cấp bậc tâm linh thật cao siêu, thì khi đó chúng ta sẽ có thể tiếp xúc với Sambhogakaya như là một người bạn tâm linh (Sambhogakaya hay Thụ dụng thân, là thân kết tụ tất cả các phẩm tính của một vị Phật, và chỉ có các vị bồ-tát cao thâm - vượt được hết mười địa giới của người bồ-tát - mới có thể nhận biết được thể dạng Sambhogakaya đó của một vị Phật. Ngoài ra Đức Phật còn được biểu trưng bởi một thân thứ ba là Dharmakaya / Thân Đạo Pháp, biểu trưng cho hiện thực tối hậu hay sự trống không tuyệt đối, và các sự cảm nhận siêu việt đó cũng chính là sự Giác ngộ. Khái niệm về ba thể dạng thân thể của Đức Phật trên đây gọi là Trikaya / Tam thân, và cách giải thích trên đây về khái niệm này là dựa theo quan điểm của Đại thừa, bởi vì theo Phật giáo Theravada và một học phái xưa là Sarvastivadin thì các sự giải thích có phần khác hơn đôi chút)
Nếu bạn nêu lên thắc mắc là trong số bốn vị ấy (một người bình dị hay một vị bồ-tát ở cấp bậc thấp, một vị bồ-tát ở các cấp bậc cao siêu hơn, một vị hóa thân ở thể dạng nirmanakaya, và một vị hóa thân ở thể dạng sambhogakaya) thì vị nào sẽ mang lại lợi ích cho mình nhiều hơn cả ? Câu trả lời là trong giai đoạn khi mới bắt đầu tu tập thì sự sinh hoạt của chúng ta vẫn còn bị kiềm tỏa bởi các hành động và xúc cảm của mình, vì thế chúng ta không thể trông thấy được gương mặt của bất cứ một người bạn tâm linh cao siêu nào cả. Do vậy chúng ta chỉ nên tìm cách tiếp xúc với một người bình dị hơn ; họ sẽ trỏ cho mình trông thấy con đường cần phải bước theo, tùy theo mức độ sáng suốt trong các lời khuyên của họ, và dần dần sau đó chúng ta sẽ gặp được các vị khác cao siêu hơn. Tóm lại người mang lại lợi ích nhiều hơn cho mình chính là người bạn tâm linh (kalyana-mitra / đạo hữu, bạn đạo) ở thể dạng một con người bình dị"
Người Ấn gọi sự nối kết (association / liên kết, hợp tác, kết hợp) với các người bạn tâm linh là satsangh và gán cho sự nối kết đó một tầm quan trọng rất lớn. Chữ satsangh là một từ ghép tiếng Phạn : sat có nghĩa là tốt, đúng đắn, đích thật, thật sự, đúng thật, thánh thiện, tâm linh ; chữ sangh có nghĩa là nối kết, đồng hành, bạn hữu, bạn đồng tu. Tóm lại satsangh có nghĩa là "tình bạn hữu cao quý", "sự kết hợp với một người bạn tốt" hay "sự kết hợp thánh thiện" (và đó cũng là ý nghĩa của chữ "bạn đạo" hay "đạo hữu" đối với người Phật giáo Việt Nam)
Người Ấn xem trọng ý niệm về sự satsangh đó (sự liên kết giữa các đạo hữu) từ nghìn xưa, chẳng qua là vì tất cả chúng ta đều cần đến sự giúp đỡ để kiến tạo một cuộc sống tâm linh. Đơn độc một mình, chúng ta sẽ không thể đi xa được. Hết tuần này sang tuần khác, hết năm này sang năm khác, nếu chúng ta không có một dịp nào để tham gia một buỗi hành thiền, hoặc tiếp xúc với một người Phật giáo nào, cũng không tìm được một quyển sách Phật giáo nào để đọc - bởi vì đọc được một quyển sách tốt cũng là một hình thức satsangh - hoặc rơi vào cảnh hoàn toàn đơn độc, thì chúng ta sẽ không thể nào tiến xa được, dù chúng ta có thành thật và nhiệt tâm cách mấy đi nữa. Qua sự nối kết với những người cùng chí hướng có một cuộc sống tương tự với mình, thì chúng ta tất sẽ nhận được sự khích lệ, nhiệt tình và cả sự nâng đỡ tinh thần của họ. Sự liên kết đó lại càng quý hơn nữa nếu chúng ta có thể liên kết với những người có một trình độ tâm linh chỉ cao hơn mình đôi chút, nói một cách khác đơn giản hơn là những người mang nhiều phẩm tính con người hơn đôi chút so với phần đông các người khác - có nghĩa là biết ý thức hơn một chút, khả ái hơn đôi chút, có lòng tin hơn đôi chút, v.v. (những nguời gần hơn với mình sẽ dễ cho mình làm bạn với họ).
Trên thực tế, điều đó có nghĩa là chúng ta phải cố gắng cởi mở hơn, tiếp nhận dễ dàng hơn đối với những ai mà mình nhận thấy hơn mình trong hệ thống thứ bậc tâm linh, hoặc có một tầm nhìn sâu sắc, nhiều hiểu biết, khả ái và từ bi hơn hẳn so với mình. Chúng ta phải sẵn sàng tiếp nhận họ, tương tự như một đóa hoa xòe cánh đón nhận ánh sáng và hơi ấm mặt trời. Đối với những người mà chúng ta cho rằng, ít nhất là theo sự xét đoán của mình - và thật ra thì mình cũng có thể lầm lẫn - là thấp hơn mình trong hệ thống thứ bậc tâm linh, thì mình phải có một cung cách hành xử cởi mở, thân thiện, nhiệt tình với tất cả sự khích lệ của mình, hầu giúp họ cảm thấy được tiếp đón một cách nồng nhiệt. v.v.. Đối với những người ngang hàng hoặc chỉ khác với mình đôi chút, thì thái độ của mình sẽ là sự tương trợ, chia sẻ và trao đổi (reciprocity / sự hỗ tương). Ba cung cách hành xử đó mật thiết liên hệ đến ba thể loại xúc cảm tích cực quan trọng trong sinh hoạt Phật giáo. Trước hết là shraddha, là một hình thức xúc cảm thường được gọi là "đức tin" hay sự "tin tưởng", thế nhưng đúng hơn là một hình thức sùng kính (devotion / tôn kính, sùng đạo, mộ đạo), một sự thụ cảm đối với ánh sáng tỏa xuống từ trên cao - nếu có thể nói như vậy. Xúc cảm thứ hai là lòng từ bi mà mình được thừa hưởng từ những người cao hơn mình trong hệ thống thứ bậc tâm linh. Xúc cảm thứ ba là tình thương yêu gọi là metta (tiếng Phạn là maitri / lòng từ tâm) mà chúng ta cùng chia sẻ với những người ngang hàng với mình.
Trong tập luận Vòng bảo châu trân quý của sự Giải thoát (đã được nói đến trên đây), nhà sư Gamposa có nói : Chúng ta sẽ đạt được sự Giác ngộ của một vị Phật bằng cách phục vụ một người bạn tâm linh" (đạo hữu, bạn đạo hay kalyana-mitra). Đó là một lời tuyên bố thật mạnh, nếu có thể nói như vậy. Lời tuyên bố đó có thể khiến nhiều người phật ý. Ngay cả chữ phục vụ (serve) cũng tỏ ra khá xa lạ đối với chúng ta. Hy sinh và chăm lo cho con cái mình hay cha mẹ mình lúc tuổi già thì có thể hiểu được, thế nhưng quả khó áp đặt cảm tính đó cho các trường hợp khác. Điều đó không khỏi đưa đến sự sụp đổ của ý niệm về hệ thống thứ bậc tâm linh, hoặc bất cứ một hệ thống thứ bậc nào khác cũng vậy (chăm lo cho con cái, cha mẹ mình liên hệ sâu xa với bản năng truyền giống, phản ảnh tính cách hợp lý của một hình thức ích kỷ nào đó, nếu có thể nói như vậy, trong khi đó lòng vị tha giúp mình thương tất cả chúng sinh là một ý niệm đi ngược lại với sự ích kỷ tự nhiên). Nếu tất cả chúng ta đều ngang hàng nhau, thì chúng ta nào có phải bắt buộc làm một cái gì đó cho kẻ khác ? Vì vậy tại sao mình lại không làm một cái gì đó cho mình ? Tại sao chúng ta lại không làm một cái gì đó cho nhau ? Tại sao chúng ta lại không làm một cái gì đó để cùng trao đổi với nhau ? Hôm nay tôi làm cho bạn điều này, ngày mai bạn lại làm điều đó cho tôi (dù ngang hàng thế nhưng chúng ta vẫn có thể làm được một cái gì đó để cùng trao đổi với nhau).
.
Hãy tự đặt mình vào vị thế phục vụ một kẻ nào đó, dù mình biết được kẻ mà mình phục vụ hơn mình về một vài khía cạnh nào đó. Quả không mấy người làm được điều đó. Thế nhưng nếu không đủ sức chấp nhận điều đó thì thật khó tạo được cho mình sự thăng tiến tâm linh. Phục vụ những người bạn tâm linh sẽ càng giúp mình trở nên giống với họ, và sẽ càng tìm thêm được nhiều người bạn tâm linh khác để phục vụ (tạo dịp tiếp xúc với những người bạn đạo khác ngày càng cao hơn). Dù đã trở thành một người bồ-tát thượng thặng đi nữa, thế nhưng trong vũ trụ vẫn có vô số các vị Phật [cao hơn mình] để mình phục vụ với tất cả sự tôn kính của mình. Luôn luôn và lúc nào cũng có một con người nào đó để mình phục vụ.
Nhà sư Gamposa cũng có nói rằng chúng ta hãy nên xem một người bạn tâm linh (đạo hữu, bạn đạo / kalyana-mitra) như là một vị Phật. Điều đó không có nghĩa là tìm cách đè bẹp người bạn ấy của mình với tư cách là một con người bình dị, mà đúng hơn là cách cố gắng đối xử với người bạn ấy như là một vị Phật, tuy rằng lý trí của mình vẫn cho rằng không đúng là như vậy. Không cần phải xem tất cả những gì người bạn ấy nói hay làm là hành động của một vị Phật, điều quan trọng hơn cả là dù người bạn tâm linh ấy của mình vẫn còn rất xa với một vị Phật, thế nhưng chỉ cần người ấy hơn mình đôi chút nào đó thì cũng đủ. Điều đó cũng tương tự như sau lưng người bạn tâm linh ấy ẩn nấp vị thầy của chính mình, và phía sau vị thầy ấy lại là một vị thầy khác, và cứ tiếp tục như thế cho đến một lúc nào đó thì phía sau tất cả các vị thầy ấy là Đức Phật. Đấy là cách Đức Phật tỏa sáng - nếu có thể nói như vậy, xuyên qua tất cả các vị đó với một sự trong suốt ở các cấp bậc khác nhau. Ít nhất những gì trên đây cũng là một cách diễn đạt lời khuyên bảo của nhà sư Gamposa. Gamposa là một vị sư tu tập theo truyền thống Tan-tra (Kim cương thừa) và là một vị thầy tâm linh (guru / pháp sư) thuộc học phái Kagyu (Ca Nhĩ Cư) của Tây Tạng, và cũng là đệ tử thân cận của vị đại sư trong học phái này là Milarepa (Mật-lặc Nhật-ba 1052-1135, và Gamposa là một trong số các đệ tử thân cận nhất của vị đại sư này và chính ông đã đứng ra thành lập dòng truyền thừa Dagpo Kagyu mà vị tổ là Milarepa) khuyên chúng ta nên hiểu một cách từ chương lời khuyên bảo đó của mình (có nghĩa là hãy nhìn xuyên qua tất cả các vị thầy của mình để trông thấy Đức Phật phía sau lưng họ).
Bures-Sur-Yvette, 23.08.21
Hoang Phong chuyển ngữ
(còn tiếp)