- Chương I: Lý tưởng của người Bồ-tát Ngồn gốc và sự hình thành
- Chương II: Sự bừng tỉnh của con tim giác-ngộ (6 bài)
- Chương III: Lời nguyện của người bồ-tát (6 bài)
- Chương IV: Lòng vị tha và chủ trương cá nhân trong cuộc sống tâm linh
- Chương V: Nam Tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh
- Chương VI: Trước ngưỡng cửa Giác ngộ
- Chương VII: Các cấp bậc của người bồ-tát
- Chương VIII: Đức Phật và người bồ-tát - vĩnh cửu và thời gian
Lý Tưởng của người Bồ-tát
The Bodhisattva Ideal
***
Chương VII
Tam Bảo
***
Bài 44 - Các cấp bậc của người bồ-tát
Bài 45 - Kalyana mitras hay các đồng đạo tâm linh
Bài 46 - Tam bảo
Bài 47 - Bốn thể loại bồ-tát
Bài 48 - Người bồ-tát không bao giờ thoái lùi.
Bài 49 - Người bồ-tát với tư cách pháp thân.
Bài 48
Người bồ tát không bao giờ thoái lui
Cấp bậc thứ ba trong hệ thống thứ bậc của người bồ-tát là một cấp bậc không đánh dấu bởi một sự thăng tiến mới nào mà trái lại toàn bộ các cảm nhận của người bồ-tát đều bị đảo ngược. Tất cả mọi tín hiệu bình thường nói lên các cảm nhận cũng như các cách nhìn quen thuộc trước đây của người bồ tát về mọi sự vật đều bị lỗi thời, kể cả lòng từ bi nơi họ cũng vậy, cũng trở nên hết sức khó mô tả. Chẳng qua là vì cách nhìn của người bồ-tát vào sự hiện hữu đã trở thành khác hẳn (thật ra cấp bậc thứ ba của người bồ-tát là một cấp bậc hoàn toàn đổi mới, tạo ra cho họ một sự hiểu biết hoàn toàn mới lạ về thế giới và cả con người của chính họ, một sự hiểu biết đi ngược lại với sự hiểu biết mang tính cách nhị nguyên và quy ước của họ trước đây. Nhà sư Sangharakshita gọi sự hiểu biết mới lạ đó là một sự cảm nhận đảo ngược của người bồ-tát đối với hiện thực). Các thể loại (category) về cái tôi của mình và của các kẻ khác vụt trở thành một giấc mơ hay một ảo giác (sự khác biệt giữa các thể dạng về cái tôi của mình và của kẻ khác trở thành một cái gì đó không thật, hoàn toàn lu mờ hay giả tạo). Thế nhưng chính điều đó lại là cách xác nhận sự thăng tiến tâm linh của mình. Theo quan điểm của Đại thừa và nếu bạn là một người bồ-tát, thì điều sẽ cho thấy bạn đã vượt được điểm mốc "không còn quay trở lại nữa", tức là đã bước được vào bên trong cửa ngõ của dòng chảy (nếu nói theo Phật giáo Theravada). Thế nhưng trước khi bước được vào địa giới thứ tám (trong số mười địa giới / buhmi của người bồ-tát, theo quan điểm của Đại thừa) thì bạn vẫn có thể còn bị đánh lạc hướng trước lý tưởng của người bồ-tát. Chỉ khi nào bắt đầu bước được hẳn vào bên trong địa giới thứ tám, thì khi đó bạn mới thật sự trở thành một người bồ-tát không còn quay trở lại (không còn thoái lui). Điều đó cho thấy con đường rất dài. Trên đoạn đường đó vẫn còn rất nhiều hiểm nguy, tức là không những bạn có thể bị đánh lạc hướng trong cuộc sống tâm linh của mình, mà còn có thể rơi vào tình trạng tu tập mang tính cách cá nhân. Các nguy hiểm đó chính là sự buông bỏ quyết tâm cố gắng đạt được sự Giác ngộ vì sự an lành của tất cả chúng sinh, để chỉ biết nghĩ đến sự giác ngộ của cá nhân mình.
Dầu sao đi nữa, các bạn cũng nên hiểu rằng một khi đã bước theo lý tưởng của người bồ-tát một cách nghiêm chỉnh, thì lý tưởng đó sẽ trở thành cả một sự thách đố phi thường đối với các bạn. Niềm thiết tha đạt được Giác ngộ vì sự an lành của tất cả chúng sinh hầu giúp mình cảm nhận được lòng từ bi đối với họ, chính là ước nguyện của người bồ-tát. Thật hiển nhiên, điều đó cho thấy không những bạn sẽ phải tiếp cận với vô tận chúng sinh mà còn phải tỏ lộ cả lòng từ bi đối với những người mà sự tiếp xúc trước đây với họ từng gây ra đủ mọi thứ khó khăn cho mình. Phải nói rằng con người lắm khi rất khó chịu, đần độn, yếu đuối hoặc quá dại dột. Ngay cả đối với những người bồ-tát còn đang bước đi trên con đường, có nghĩa là trước khi đạt được địa giới thứ tám, đôi khi cũng có thể phó mặc những kẻ đang trong cảnh tuyệt vọng. Họ có thể tự nghĩ như thế này : "Tôi chẳng có cách nào khác giúp họ được cả. Thôi thì cứ mặc kệ họ, họ muốn làm gì thì làm, tôi chỉ biết nghĩ đến sự giải thoát cho cá nhân tôi mà thôi". Thế nhưng đối với chủ đích ban đầu của mình (có nghĩa là tu tập vì tất cả chúng sinh) thì điều đó sẽ là một sự thoái lui, một sự thất bại.
Vậy người bồ tát sẽ phải làm gì để không bị thoái lui? Đến một lúc nào đó sự thắc mắc trên đây có thể không đặt thành vấn đề đối với cá nhân mình (bởi vì trước khi đạt được thể dạng không còn thoái lui, thì tất nhiên mình hiểu rằng bất cứ lúc nào mình cũng có thể bị thoái lui, do đó mình sẽ không thắc mắc gì cả về điều này, thế nhưng sau khi đã đạt được thể dạng không thoái lui thì thắc mắc đó biết đâu cũng có thể hiện lên với mình), tuy nhiên ít nhất chúng ta cũng thử tìm hiểu xem kinh sách nói về điều này như thế nào. Nói chung khi một người bồ-tát đã thực hiện được sự trống không (tánh không) rộng lớn, thì sẽ không còn thoái lui nữa (khi đã quán thấy sâu xa được sự trống không của thế giới và của chính mình thì người bồ-tát sẽ không còn bám víu vào thế giới và cả chính mình). Như chúng ta đã thấy trên đây, yếu tố quan trọng nhất trong sự thực hiện về sự trống không đó chính là khía cạnh liên quan đến sự tách biệt (phân biệt) giữa những gì do điều kiện mà có (conditioned / duyên khởi, tức là những gì bị trói buộc bởi quy luật nguyên-nhân -hậu-quả trong nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo giữa mọi hiện tượng / interdependence) và phi điều kiện (unconditioned / phi duyên khởi, tức là thoát ra khỏi nguyên lý tương liên trên đây). Khi nào sự cảm nhận về sự trống không rộng lớn bùng lên với mình, thì chúng ta tất sẽ phải nhận thấy thật minh bạch sự tách biệt giữa hai thứ đó (do điều kiện mà có và phi điều kiện) cũng chỉ đơn giản là một phương cách tiện lợi (giúp mình phân biệt giữa hai thứ đó : do điều kiện và phi điều kiện), nhưng không mang một giá trị nào cả trên phương diện tối hậu. Khi đi sâu vào những gì "do điều kiện mà có" (tức là tìm hiểu thật sâu xa về các hiện tượng chi phối bởi nguyên lý tương liên) thì người ta sẽ chạm trán với những gì "phi điều kiện" (phi duyên khởi, vượt thoát khỏi quy luật nguyên-nhân-hậu-quả), và ngược lại nếu đi sâu vào những gì "phi điều kiện" thì người ta sẽ chạm trán với những gì "do điều kiện mà có" (hình tướng là trống không, trống không là hình tướng / sắc tức thị không, không tức thị sắc)
Chủ trương cá nhân trong lãnh vực tâm linh (tức là tu tập cho riêng mình) được dựa vào cách suy nghĩ nhị nguyên (dualistic thinking), một sự suy nghĩ cho rằng có một cái gì đó phi điều kiên "ở trên cao" hay "ở tận phía đằng kia", và người ta ước mong các nơi đó sẽ là một lối thoát (một cửa ngõ) giúp mình thoát ra khỏi những gì do điều kiện mà có. Thế nhưng khi thực hiện được sự trống không rộng lớn (tánh không), thì các bạn sẽ nhận thấy không đúng là như vậy. Các bạn sẽ nhận thấy mọi vấn đề, chẳng hạn như giữa những gì do điều kiện mà có (conditioned / do duyên khởi mà sinh ra) và phi điều kiện (unconditioned / không do duyên khởi mà có), hoặc giữa "nơi này" và "nơi kia", đều không thật. Cũng tương tự như vây, quyết định bước đi một mình hay cùng đi với nhiều người khác, hoặc đi ngược về phía sau, hay đứng dừng lại, thì cũng chẳng khác gì như một trò chơi, một giấc mơ hay một sự giả đò.
Các bạn thức tỉnh trước cơn mơ của sự suy nghĩ nhị nguyên để trông thấy ánh sáng và thực thể (reality / thực tánh) của một tâm thức đơn thuần, một tâm thức phi đối nghịch, hoặc các bạn cũng có thể gọi điều đó bằng bất cứ một thuật ngữ nào khác tùy theo sở thích của các bạn" (tâm thức phi đối nghịch là một tâm thức trong đó tất cả các hình thức nhị nguyên: chủ thể và đối tượng, mình và kẻ khác, nơi này và nơi kia, trên trời và dưới đất, nirvana và samsara, v.v, đều bị xóa mờ và hoà lẫn với nhau, nói một cách khác là tất cả cũng "chỉ là như thế" / tathagata), Các bạn sẽ nhận thấy trong những nơi tột cùng của tâm thức mình, những gì "do điều kiện" [mà có] cũng là những gì "phi điều kiện". Bản Tâm Kinh nói lên sự kiện đó bằng các thuật ngữ như sau : rupa (thân xác hay hình tướng) là shunyata (sự trống không hay tánh không) và shunyata cũng là rupa (hình tướng là trống không, trống không là hình tướng / sắc tức thị không không tức thị sắc). [Tóm lại] chẳng có bất cứ một thứ gì để mình phải lẩn tránh nó, và cũng chẳng có một nơi nào khác giúp mình lẩn tránh. Các bạn sẽ nhận thấy sự phi lý hoàn toàn của ý niệm về sự giải thoát mang tính cách cá nhân. Các bạn sẽ không thể nào còn rơi vào sự giải thoát cá nhân được nữa, bởi vì chẳng có một sự giải thoát cá nhân nào cả để mà rơi vào đó. Sự thực hiện (quán thấy) đó sẽ khiến người bồ-tát "không còn thoái lui" (không còn thụt lùi hay quay trở lại nữa).
Nếu tò mò muốn biết thêm xem mình đã đạt được cấp bậc không còn thoái lui hay chưa, thì trong tập kinh Hoàn thiện Trí tuệ (Prajnaparamita sutra / Kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa) có nêu lên nhiểu cách giúp chúng ta có thể nhận thấy được điều đó. Tập kinh này cho biết khi đã trở thành một "người bồ-tát không còn thoái lui", thì khi đó nếu có ai hỏi mình về bản chất của mục đích tối hậu [trong sự tu tập của mình] là gì, thì mình sẽ không còn sử dụng các thuật ngữ như nirvana (niết-bàn) hay sự giải thoát cá nhân để trả lời họ nữa, mà nhất thiết chỉ nói với họ về thể dạng từ bi trong cuộc sống tâm linh của mình (câu này có nghĩa là khi nào mình đã trở thành một người bồ-tát không còn thoái lui và nếu có ai hỏi mình về mục đích tối hậu trong việc tu tập của mình là gì, thì khi đó mình sẽ không còn sử dụng các thuật ngữ mang tính cách nhị nguyên và đối nghịch để trả lời họ mà chỉ nêu lên cho họ biết là mục đích của sự tu tập đó của mình là lòng từ bi vô biên và sâu kín bên trong con tim và tâm thức mình). Ngoài ra chúng ta cũng có đủ mọi thứ ước mơ mang tính cách khuôn mẫu (archetypal / mẫu mực, lý tưởng), và qua các ước mơ đó biết đâu chúng ta cũng có thể cảm thấy mình trở thành một vị phật, đứng ra thuyết giảng dharma cho các vị bồ-tát và những người tu tập paramita (luyện tập các phẩm tính hoàn hảo) đang vây quanh mình. Hoặc đặc biệt hơn nữa, chúng ta cũng có thể cảm thấy mình đang hy sinh đời mình vì tất cả chúng sinh, thế nhưng mình vẫn cứ cảm thấy thật hạnh phúc trong lòng. Sau hết cũng có một dấu hiệu khác báo cho mình biết là mình không còn thoái lui nữa, đó là khi nào đã trở thành một người bồ-tát không còn thoái lui, thì chính sự thắc mắc (tự hỏi) đó sẽ không còn hiện lên trong tâm thức mình nữa.
Bures-Sur-Yvette, 10.10.21
Hoang Phong chuyển ngữ
(còn tiếp)