- 01. Lời mở đầu
- 02. Cách đọc chữ Pali & Sancrit
- 03. Tiền thân Đức Phật Thích Ca
- 04. Đức Phật Đản Sanh
- 05. Thời gian làm Thái Tử
- 06. Thời gian xuất gia học đạo
- 07. Đức Phật thành đạo
- 08. Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên
- 09. Hạ thứ nhất tại Lộc Uyển (năm - 589)
- 10. Hạ thứ hai tại Venuvana (năm -588)
- 11. Hạ thứ 3 tại Venuvana (năm -587)
- 12. Hạ thứ 4 tại Venuvana (năm -586)
- 13. Hạ thứ 5 tại Mahàvana, thuộc Vesàlì (năm -585)
- 14. Hạ thứ 6 tại Jetavana (năm -584)
- 15. Hạ thứ 7 tại làng Sankassa (năm -583)
- 16. Hạ thứ 8 tại rừng Bhesakala (năm -582)
- 17. Hạ thứ 9 tại tinh xá Ghosita, Kosambi (năm -581)
- 18. Hạ thứ 10 trong rừng Rakkhita (năm -580)
- 19. Hạ thứ 11 tại Ekanala, gần Ràjagaha (năm -579)
- 20. Hạ thứ 12 tại Veranjà, xứ Kosala (năm -578)
- 21. Hạ thứ 13 tại thành phố Càlika, xứ Koliya (năm -577)
- 22. Hạ thứ 14 tại Jetavana (năm -576)
- 23. Hạ thứ 15 tại vườn Nigrodha, Kapilavatthu (năm -575)
- 24. Hạ thứ 16 tại thành phố Àlavì (năm -574)
- 25. Hạ thứ 17 tại Venuvana (năm -573)
- 26. Hạ thứ 18 tại tảng đá Càliya, xứ Koliya (năm -572)
- 27. Hạ thứ 19 tại Griddhakùta (năm -571)
- 28. Hạ thứ 20 tại Jetavana (năm -570)
- 29. Hạ thứ 21 tại Jetavana (năm -569)
- 30. Hạ thứ 22 tại Jetavana và Pubbàràma (năm -568)
- 31. Hạ thứ 23 tại Jetavana (năm -567)
- 32. Hạ thứ 24 tại Jetavana (năm -566)
- 33. Hạ thứ 25 tại Jetavana (năm -565)
- 34. Hạ thứ 26 tại Jetavana (năm -564)
- 35. Hạ thứ 27 tại Jetavana (năm -563)
- 36. Hạ thứ 28 tại Jetavana (năm -562)
- 37. Hạ thứ 29 tại Jetavana (năm -561)
- 38. Hạ thứ 30 tại Jetavana (năm -560)
- 39. Hạ thứ 31 tại Jetavana (năm -559)
- 40. Hạ thứ 32 tại Jetavana (năm -558)
- 41. Hạ thứ 33, 34, 35 tại Jetavana (năm -557/ -555)
- 42. Hạ thứ 36 tại Jetavana (năm -554)
- 43. Hạ thứ 37 tại Venuvana (năm -553)
- 44. Hạ thứ 38 tại Jetavana (năm -552)
- 45. Hạ thứ 39 tại Jetavana (năm -551)
- 46. Hạ thứ 40 tại Jetavana (năm -550)
- 47. Hạ thứ 41 tại Jetavana (năm -549)
- 48. Hạ thứ 42 tại Venuvana (năm -548)
- 49. Hạ thứ 43 tại Jetavana (năm -547)
- 50. Hạ thứ 44 tại Jetavana (năm -546)
- 51. Hạ thứ 45 tại làng Beluva gần Vesàlì (năm -545)
- 52. Phật nhập niết bàn tại Kusinàgar (năm -544)
- 53. Kiết tập kinh điển
- 54. Nội dung Tam Tạng Kinh Điển (Tripitaka)
- 55. Thập Đại Đệ Tử
- 56. Ba mươi ba vị Tổ sư
- 57. Phật Giáo truyền sang Sri Lanka (Tích Lan)
- 58. Bốn động-tâm và các Phật-tích tại Ấn độ
- 59. Đại cương tu Phật
- 60. Sách tham khảo
- 61. Lời cảm tạ
Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh
(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)
2 Hạ thứ 22 tại Jetavana và Pubbàràma (năm -568)-
Phật nói kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna sutta)[1]
Mùa xuân năm sau, 568 trước tây lịch, tại thủ đô Kammasadhamma xứ Kuru, cách Sàvatthi khoảng 300 km về phía tây, đức Phật nói kinh Tứ Niệm Xứ cho trên 300 khất sĩ và một số đông thính chúng địa phương. Đây là một kinh rất quan trọng về phương pháp tu tập thiền quán (Vipassanà). Phật nói pháp quán Tứ Niệm Xứ giúp người tu được thân tâm thanh tịnh, vượt qua mọi sầu khổ, thành tựu trí tuệ và đạt giải thoát. Tứ niệm xứ là bốn đề tài cần được quán niệm tỉ mỉ và ghi nhớ rành rẽ. Đức Phật nói :
–Này quý thầy, quý thầy nên đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng đứng, an trú chánh niệm trước mặt. Rồi quý thầy khởi quán về bốn đề tài sau đây:
1- Quán thân trên tự thân,
2- Quán thọ trên các thọ,
3- Quán tâm trên tự tâm,
4- Quán pháp trên các pháp,
với nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để có thể diệt trừ tham ái, sân hận và buồn khổ ở đời.
Thế nào là quán thân trên tự thân ?
Thở vô dài, tuệ tri thở vô dài.
Thở ra dài, tuệ tri thở ra dài.
Thở vô ngắn, tuệ tri thở vô ngắn.
Thở ra ngắn, tuệ tri thở ra ngắn.
Thở vô với cảm giác không khí tỏa khắp toàn thân.
Thở ra với cảm giác không khí tỏa khắp toàn thân.
Thở vô với cảm giác toàn thân an lạc thanh tịnh.
Thở ra với cảm giác toàn thân an lạc thanh tịnh.
Lúc đi đứng nằm ngồi ăn uống hay bất cứ làm việc gì, quý thầy cũng đều an trụ tỉnh giác vào hành động của mình, biết rõ việc mình đang làm.
Quý thầy quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: "Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, chất nhờn, nước tiểu." Tất cả đều bất tịnh, vô thường và sẽ hoại diệt.
Quý thầy quán thân này do tứ đại là đất nước gió lửa họp thành. Khi tứ đại tan rã thì chẳng còn gì gọi là thân.
Quý thầy quán thân sau khi chết, sình trương, hôi thúi, tan rã.
Như vậy là Tỳ kheo sống quán thân trên nội thân[2], hay quán thân trên ngoại thân[3], hay quán thân trên cả nội và ngoại thân; sống quán tánh sanh khởi trên thân, hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. "Có thân đây", nhưng vị ấy sống an trú chánh niệm để đạt chánh trí, tuệ tri thân là vô thường[4], là vô ngã[5], là niết bàn[6]. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vào thân[7]. Này các thầy, như vậy là Tỳ kheo sống quán thân trên thân.
Thế nào là quán thọ trên các thọ ?
Khi cảm giác khổ thọ, tuệ tri có cảm giác khổ thọ.
Khi cảm giác lạc thọ, tuệ tri có cảm giác lạc thọ.
Khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, tuệ tri có cảm giác bất khổ bất lạc thọ.
Khi cảm giác khổ lạc thọ thuộc vật chất, tuệ tri có cảm giác khổ lạc thọ thuộc vật chất.
Khi cảm giác khổ lạc thọ về tinh thần, tuệ tri có cảm giác khổ lạc thọ về tinh thần.
Như vậy là Tỳ kheo sống quán thọ trên các nội thọ; hay sống quán thọ trên các ngoại thọ; hay sống quán thọ trên các nội và ngoại thọ; hay sống quán tánh sanh khởi trên các thọ; hay sống quán tánh diệt tận trên các thọ; hay sống quán tánh sanh diệt trên các thọ. "Có thọ đây", nhưng vị ấy sống an trú chánh niệm để đạt chánh trí, tuệ tri tất cả các thọ đều là vô thường, là vô ngã, là niết bàn. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vào các cảm thọ. Này các thầy, như vậy là Tỳ kheo sống quán thọ trên các thọ.
Thế nào là quán tâm trên tự tâm ?
Khi tâm có tham, tuệ tri tâm có tham.
Khi tâm không tham, tuệ tri tâm không tham.
Khi tâm có sân, tuệ tri tâm có sân.
Khi tâm không sân, tuệ tritâm không sân.
Khi tâm không định, tuệ tritâm không định.
Khi tâm định, tuệ tritâm định.
Khi tâm buồn, tuệ tritâm đang buồn.
Khi tâm lo nghĩ, tuệ tritâm đang lo nghĩ.
vân vân ...
Như vậy là Tỳ kheo sống quán tâm trên nội tâm, hay quán tâm trên ngoại tâm, hay quán tâm trên nội ngoại tâm; hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm, hay quán tánh diệt tận trên tâm, hay quán tánh sanh diệt trên tâm. "Có tâm đây",nhưng vị ấy sống an trú chánh niệm để đạt chánh trí, tuệ tri tâm là vô thường, là vô ngã, là niết bàn. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vào tâm. Này các thầy, như vậy là Tỳ kheo sống quán tâm trên tâm.
Thế nào là quán pháp trên các pháp ?
Đối với 5 triền cái:
Khi nội tâm khởi sanh tham dục, tuệ tri nội tâm khởi sanh tham dục.
Khi nội tâm không còn tham dục, tuệ tri nội tâm không còn tham dục.
Khi nội tâm khởi sanh sân hận, tuệ tri nội tâm khởi sanh sân hận.
Khi nội tâm không còn sân hận, tuệ tri nội tâm không còn sân hận.
Khi nội tâm khởi sanh hôn trầm, tuệ tri nội tâm khởi sanh hôn trầm.
Khi nội tâm không còn hôn trầm, tuệ tri nội tâm không còn hôn trầm.
Khi nội tâm khởi sanh trạo cử, tuệ tri nội tâm khởi sanh trạo cử.
Khi nội tâm không còn trạo cử, tuệ tri nội tâm không còn trạo cử.
Khi nội tâm khởi sanh hoài nghi, tuệ tri nội tâm khởi sanh hoài nghi.
Khi nội tâm không còn hoài nghi, tuệ tri nội tâm không còn hoài nghi.
Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp, hay quán pháp trên các ngoại pháp, hay quán pháp trên các nội và ngoại pháp; hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp, hay quán tánh diệt tận trên các pháp, hay quán tánh sanh diệt trên các pháp. "Có các pháp ở đây", nhưng vị ấy sống an trú chánh niệm để đạt chánh trí, tuệ tri các pháp đều là vô thường, là vô ngã, là niết bàn. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước bất cứ một vật gì trên đời. Này các thầy, như vậy là Tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp, đối với năm triền cái.
Đối với 5 thủ uẩn:
Đối trước sắc, tuệ tri sắc là vô thường, là vô ngã, là niết bàn.
Đối trước thọ, tuệ tri thọ là vô thường, là vô ngã, là niết bàn.
Đối trước tưởng, tuệ tri tưởng là vô thường, là vô ngã, là niết bàn.
Đối trước hành, tuệ tri hành là vô thường, là vô ngã, là niết bàn.
Đối trước thức, tuệ tri thức là vô thường, là vô ngã, là niết bàn.
Như vậy thân 5 uẩncũng là vô thường, là vô ngã, là niết bàn.
Đối với 6 nội ngoại xứ:
Khi mắt thấy sắc, tham ái sanh, tuệ tri tham ái sanh.
Khi mắt thấy sắc, tham ái không sanh, tuệ tri tham ái không sanh.
Khi tai nghe tiếng, tham ái sanh, tuệ tri tham ái sanh.
Khi tai nghe tiếng, tham ái không sanh, tuệ tri tham ái không sanh.
Khi mũi ngửi mùi, ...
Khi lưỡi nếm vị, ...
Khi thân xúc chạm, ...
Khi tuệ biết ý, ...
Nhờ tuệ tri như vậy mới có thể hộ trì các căn một cách miên mật.
Đối với 7 Giác chi:
Khi nội tâm không có Niệm giác chi, tuệ tri không có Niệm giác chi.
Khi nội tâm có Niệm giác chi, tuệ tri có Niệm giác chi.
Khi nội tâm thành tựu Niệm giác chi, tuệ tri thành tựu Niệm giác chi.
Đối với Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xảcũng vậy.
Nhờ tuệ tri như vậy mà việc tu tập 7 Giác chi mới có thể thành tựu.
Đối với 4 Sự thật:
Quán niệm về Khổđể hiểu biết rõ ràng về các loại khổ.
Quán niệm về Tậpđể hiểu biết rõ ràng về nguyên nhân của khổ.
Quán niệm về Diệtđể hiểu biết rõ ràng về niết bàn.
Quán niệm về Đạođể hiểu biết rõ ràng về Bát Thánh Đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Rồi đức Thế Tôn kết luận như sau:
– Này quý thầy, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hai là nếu còn hữu dư y thì cũng chứng quả Bất hoàn. Này quý thầy, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong sáu năm... trong năm năm... trong bốn năm... trong ba năm... trong hai năm... trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hai là nếu còn hữu dư y cũng chứng quả Bất hoàn. Này quý thầy, không cần gì đến một năm, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong sáu tháng hay bảy ngày, vị ấy cũng có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hai là nếu còn hữu dư y cũng chứng quả Bất hoàn. Này quý thầy, đây là con đường độc nhất, đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh lý, chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Bốn Niệm Xứ.
Thế Tôn thuyết pháp xong, các vị khất sĩ hoan hỉ tín thọ phụng hành lời Thế Tôn dạy.
Qua hôm sau, sau khi thượng tọa Ànanda trùng tuyên lời dạy của đức Phật, Thượng tọa Assaji cho biết đức Phật đã giảng về Tứ Niệm Xứ nhiều lần rồi, nhưng đây là lần đầu tiên ngài tổng hợp và đúc kết thành một bài pháp gọn ghẽ, đầy đủ và khúc triết nhất. Đại đức Sàriputta nói kinh Tứ Niệm Xứ rất là quý báu và quan trọng, các vị khất sĩ nên học thuộc lòng để thực hành hằng ngày.
Cô Sundarì bị giết chôn tại Jetavana để vu cáo Phật[8]
Ở Sàvatthi, uy tín Phật càng ngày càng lên cao, danh tiếng Phật càng ngày càng vang xa, mọi người đổ xô đến tinh xá Jetavana cúng dường và nghe pháp. Ngoại đạo cảm thấy uy tín và quyền lợi của họ càng ngày càng sa sút, họp nhau lại bàn tính tìm biện pháp cứu vãn tình thế. Họ nói với nhau :
–Từ ngày sa môn Gotama xuất hiện tại Ràjagaha và tại Sàvatthi là hai thành phố lớn hiện nay, uy tín và quyền lợi của chúng ta càng ngày càng sút giảm. Dân chúng hầu như quên sự có mặt của chúng ta tại hai nơi này. Chúng ta phải tìm cách triệt hạ uy tín của sa môn Gotama mới được.
–Đúng vậy. Chúng ta hãy bàn vụ này với nữ du sĩ Sundarì, cô ta vừa thông minh vừa có sắc đẹp vô cùng quyến rũ. Cô ấy có thể giúp chúng ta thành công trong vụ này.
Rồi họ mời cô Sundarì đến họp, thảo luận kế hoạch làm cho dân chúng nghi ngờ đức Phật có dan díu với cô Sundarì. Khi thấy dân chúng bắt đầu xầm xì bàn tán với nhau về việc này, ngoại đạo quyết hạ độc thủ. Họ thuê hai tên du đảng giết cô Sundarì rồi đem vùi xác cô vào đống rác hoa héo gần am Phật trong tinh xá Jetavana. Xong rồi họ giả bộ cho người đi tìm kiếm cô Sundarì khắp nơi, vừa loan báo là cô Sundarì đã bị mất tích. Họ xin yết kiến vua Pasenadi và nói :
–Tâu Đại vương, gần đây cô Sundarì thường hay đến Jetavana nghe pháp, nhiều khi cô ta ở lại đến khuya. Từ sáng nay chúng tôi cho người đi kiếm cô ấy khắp nơi không thấy. Vậy xin phép Đại vương cho chúng tôi vào tìm trong khu vực Jetavana.
Được vua cho phép, họ vào Jetavana lục soát và tìm thấy xác cô Sundarì chôn vùi trong đống rác hoa héo gần am của Phật. Họ liền loan báo cho mọi người biết và tuyên truyền như sau :
–Gần đây có tiếng đồn sa môn Gotama dan díu với cô Sundarì, có lẽ đệ tử của sa môn Gotama muốn giết cô Sundarì để bịt miệng thế gian.
Dân chúng tưởng thật cũng đồng thanh lên án các vị khất sĩ, cho rằng chính các vị khất sĩ đã giết cô Sundarì. Các vị khất sĩ báo tin này cho Phật hay, Phật nói:
–Vậy các thầy có phản đối họ không ?
Rồi đức Phật nói kệ :
"Ai tuyên truyền giả dối:
"Chuyện không bảo là có,
"Có làm bảo không làm,
"Cả hai sau khi chết
"Đều sanh vào điạ ngục
"Đền trả ác nghiệp này. (Kinh Pháp Cú, bài 306)
Vua Pasenadi rất tin tưởng Phật, không tin lời phao vu của ngoại đạo, liền cho người ngầm đi điều tra. Chỉ vài ngày sau, hai tên du đảng giết cô Sundarì đều bị bắt với đầy đủ tang chứng, khi họ đến quán rượu chia nhau tiền thưởng, ăn nhậu say sưa rồi cãi cọ gây gổ với nhau. Sau khi bị bắt vào đền vua, họ khai tên những người lãnh đạo tôn giáo đã thuê họ làm việc này. Vua Pasenadi bắt phạt những tên ngoại đạo này phải đi khắp thủ đô Sàvatthi nói lớn :
–Chính chúng tôi đã thuê người giết cô Sundarì để vu oan cho sa môn Gotama. Sa môn Gotama và các đệ tử của ông không có lỗi gì cả.
Vua Pasenadi đến tinh xá Jetavana thăm Phật, mừng cho Phật và giáo đoàn vừa thoát nạn. Đức Phật cám ơn vua Pasenadi, và nói :
–Đại vương, ganh tị và hận thù là hai con rắn độc có thể cắn chết người mà cũng có thể cắn chết chính mình. Người tu cần phải tận diệt ganh tị và hận thù trong tâm mình. Xin Đại vương hãy khuyến dụ và giảm tội cho các phạm nhân.
Chỉ trong vòng hai hôm sau, dân chúng trong thủ đô đã biết được sự thật về âm mưu của ngoại đạo. Uy tín của Phật và giáo đoàn khất sĩ càng lên cao.
Đức Phật chăm sóc một khất sĩ mắc bệnh kiết[9]
Một hôm Đức Phật cùng với Thượng tọa Ànanda đi viếng các nơi trú ngụ của các vị khất sĩ trong tinh xá Jetavana. Vừa đến gần một am nhỏ thì có mùi hôi thúi xông ra rất khó chịu. Đức Phật và Thượng tọa Ànanda vừa bước vào thì thấy một vị khất sĩ thân hình tiều tụy đang nằm rên, mình dính đầy phẩn lỏng hôi thúi. Đức Phật bước đến bên cạnh hỏi :
–Thầy mắc bệnh gì thế ? Đã bao lâu rồi ?
–Bạch Thế Tôn, con bị bệnh kiết lỵ đã 2-3 ngày rồi mà không bớt.
–Vậy có ai chăm sóc thuốc men gì cho thầy không ?
–Bạch Thế Tôn, không !
–Sao vậy ? Không có thầy nào chăm sóc cho thầy sao ?
–Bạch Thế Tôn, các thầy đều phải đi khất thực cả. Mấy hôm trước con còn tự đi ra ngoài rửa ráy một mình được, nhưng hôm nay con dậy không nổi.
Phật bảo Thượng tọa Ànanda đi lấy nước. Hai thầy trò tắm rửa và mặc áo sạch cho vị khất sĩ. Rồi hai người đặt thầy lên giường. Phật và thầy Ànanda quét rửa trong am cho hết mùi hôi hám và đem quần áo ra giặt phơi.
Chiều hôm ấy, trong phiên họp tại giảng đường, đức Phật hỏi :
–Này các thầy, các thầy có biết có một thầy đang bệnh nặng nằm trong am đàng kia không ?
–Bạch Thế Tôn, chúng con có biết.
–Thầy ấy bệnh nặng như thế, sao hôm nay không có ai ở lại bên cạnh để chăm sóc cho thầy ấy ?
–Bạch Thế Tôn, chúng con đều phải đi khất thực cả.
–Này các vị khất sĩ, chúng ta đã xuất gia, không còn cha mẹ vợ con chăm sóc cho chúng ta như khi còn tại gia nữa. Nếu chúng ta không chăm sóc cho nhau thì ai sẽ chăm sóc cho chúng ta ? Mỗi khi có ai bị đau ốm, dù người ấy là thầy, bạn hay học trò thì chúng ta cũng phải chăm sóc tận tình cho đến khi người ấy bình phục hoàn toàn. Này các thầy, nếu Như Lai đau ốm thì các thầy có tận tình chăm sóc cho Như Lai không ?
–Bạch Thế Tôn, chắc chắn chúng con sẽ tận tình chăm sóc cho Thế Tôn.
–Vậy thì từ nay, mỗi khi có vị khất sĩ nào mắc bệnh, các thầy cũng nên thay phiên nhau chăm sóc cho vị ấy như chăm sóc cho chính Như Lai vậy.
Các vị khất sĩ có mặt đều chắp tay cúi đầu, cung kính vâng lời Phật dạy.
Các ni sư Mahà Pajàpati, Khemà và Dhammadinnà
Mùa an cư thứ 22 vào năm 568 trước tây lịch, Phật nhập hạ tại Sàvatthi, ngài thường thuyết pháp tại tinh xá Jetavana (Kỳ Viên) và tinh xá Pubbàràma (Đông Viên). Ni sư Mahà Pajàpatilãnh đạo đông đảo ni chúng an cư tại ni viện gần đó. Phụ tá ni sư Mahà Pajàpati có ni sư Khemà. Ni sư Khemà[10]vốn là một quý phi của vua Bimbisàra xứ Magadha. Bà là người rất thông minh nhưng có tánh kiêu hãnh về sắc đẹp của mình. Vào hạ thứ hai, vua Bimbisàra đã đưa bà đến nghe Phật thuyết pháp tại Venuvana. Nhờ Phật độ bà tỉnh ngộ và xin quy y Tam Bảo. Sau bốn năm tu học với tính cách cư sĩ tại gia, bà đã xin xuất gia và gia nhập ni chúng do ni sư Pajàpati lãnh đạo. Bà tu học rất tinh tấn, chỉ vài năm sau bà đã trở nên một vị lãnh đạo quan trọng của ni chúng. Nữ cư sĩ Visàkhà thường cùng các con đến cúng dường và nghe pháp tại ni viện. Do đó bà biết rõ cuộc đời các nữ khất sĩ Khemà, Dhammadinnà, Bhadda, Uppalavannà và Patàcàrà.
Ni sư Dhammadinnà[11]là một trong những vị giảng sư nổi tiếng nhất của ni viện. Lúc chưa xuất gia, bà ở Ràjagaha. Ông Visàkhà, chồng bà, là một cư sĩ thuần thành thường đến Venuvana nghe Phật thuyết pháp. Ông ngộ đạo và đắc quả A-na-hàm. Một hôm, ông Visàkhà nghe pháp xong, về nhà bảo bà:
–Này Dhammadinnà, tất cả gia sản này tôi giao lại hết cho bà. Bà hãy giữ lấy để lo cho các con. Tôi đi xuất gia theo Phật.
–Ông muốn giao gánh nặng này cho tôi à !? Một mình tôi không kham nổi đâu. Thôi, ông ở nhà đi, để tôi đi xuất gia. Nghe nói Phật đã cho phép nữ giới xuất gia, tôi cũng muốn được xuất gia lắm.
–Được, bà muốn đi xuất gia cũng tốt.
Dhammadinnà xin xuất gia, ít lâu sau đắc quả A-la-hán. Sư cô trở về Ràjagaha để độ ông Visàkhà. Nghe tin sư cô về đến Ràjagaha, ông Visàkhà đến ni viện thăm và hỏi thử xem sư cô đã tu tiến đến đâu. Ông đến nơi, đảnh lễ sư cô, ngồi xuống một bên, rồi hỏi sư cô về cách tu chứng từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Sư cô đáp đúng những điều như ông đã biết. Ông hỏi về ý nghĩa các từ liên hệ đến các cấp bậc tu chứng từ thấp lên cao đến Diệt thọ tưởng định. Sư cô đều đáp đúng những điều như ông đã biết. Đến khi ông hỏi về cảnh giới niết bàn của bậc A-la-hán. Sư cô đáp :
–Này đạo hữu, câu hỏi này đi quá xa, vượt ngoài khả năng trả lời của tôi. Nếu ông muốn biết thì ông nên đến hỏi đức Thế Tôn, ngài sẽ giảng nghĩa cho ông rõ ràng hơn.
Ông Visàkhà đến gặp Phật, kể lại câu chuyện giữa ông và sư cô Dhammadinnà. Phật bảo :
–Này đạo hữu Visàkhà, sư cô Dhammadinnà đã trả lời rất đúng những câu hỏi của ông. Nếu ông hỏi Như Lai thì Như Lai cũng sẽ trả lời như thế thôi.
Rồi đức Phật nói kệ :
"Ba đời đều trong sạch :
"Hiện tại, không có gì
"Quá khứ, không có gì
"Tương lai, không có gì
"Không có, cũng không muốn
"Chính là A-la-hán. (Kinh Pháp Cú, bài 421)
Bên cạnh ni sư Dhammadinnà còn có ni sư Bhadda Kapilani cũng rất nổi tiếng về thuyết pháp hay. Hai vị này thường được các giới cư sĩ thỉnh đến thuyết pháp tại nhiều địa điểm trong xứ Kosala.
Cuộc đời đau khổ của ni sư Patàcàrà[12]
Patàcàrà[13]là con gái một nhà giàu có ở Sàvatthi. Cha mẹ cô Patàcàrà giữ con gái kỹ lắm, không bao giờ cho ra khỏi nhà. Đến tuổi dậy thì cô đem lòng thương một người con trai giúp việc trong nhà. Cha mẹ cô hoàn toàn không hay biết gì cả. Họ sắp đặt để gả cô cho một chàng trai, con nhà phú hộ khác. Hoảng kinh, cô bàn tính với người yêu bỏ nhà trốn đi. Gần đến ngày cưới, cô hóa trang làm con ở đi gánh nước và thoát ra khỏi nhà. Cô hẹn với người yêu gặp nhau tại bến đò, rồi hai người trốn đi thật xa. Ăn ở với nhau được ba năm thì cô có thai. Gần đến ngày sanh, cô đòi chồng đưa cô về nhà cha mẹ để sanh, theo phong tục thời bấy giờ. Chồng cô sợ ông bà phú hộ lắm, nhưng vì thương vợ bất đắc dĩ phải chìu ý đưa đi. Nhưng khi đi đến nửa đường thì cô chuyển bụng sinh được một bé trai kháu khỉnh. Việc trở về nhà cha mẹ vì thế không còn cần thiết nữa. Hai vợ chồng liền quay về nơi sinh sống cũ.
Hai năm sau, cô lại có thai. Và lần này cô lại muốn về quê sinh đẻ. Giữa đường gặp một trận mưa bão lớn, cô lại chuyển bụng. Người chồng bảo vợ tạm ẩn mưa bên đường để anh vào rừng đốn cây bẻ lá che tạm một túp lều. Patàcàrà đợi mãi không thấy chồng trở lại. Nữa đêm cô sinh ra một bé trai trong lúc trời vẫn còn mưa gió. Sáng hôm sau, khi bão tạnh, Patàcàrà tay ôm đứa bé sơ sinh, tay dắt đứa bé chưa đầy ba tuổi, đi vào rừng tìm chồng. Cô thấy chồng cô nằm chết trong rừng, bị rắn độc cắn vào chân bầm tím. Patàcàrà khóc than thảm thiết. Cô dùng một khúc gỗ đào đất chôn chồng, rồi tay bồng tay dắt con ra đi, tìm về nhà cha mẹ. Cô đi mãi cho đến khi gặp dòng sông Aciravatì. Mực nước sông lên cao vì mưa gió đã kéo dài mấy ngày đêm. Không biết làm sao, cô dặn đứa con ba tuổi đứng chờ cô bên này sông để cô ẵm đứa bé mới sanh sang bên kia sông trước. Hai tay cô nâng đứa bé lên khỏi đầu, lội qua sông. Tới giữa dòng, một con chim ưng to lớn sà xuống, cắp đứa bé bay đi. Hoảng hốt, Patàcàrà la lớn cho con chim ưng sợ mà buông đứa bé xuống. Không ngờ đứa bé ba tuổi đang đứng chờ trên bờ, tưởng mẹ gọi mình, liền chạy xuống nước tìm đến mẹ. Khi con chim ưng cắp đứa bé bay xa rồi, Patàcàrà ngoái nhìn lại bờ sông thì thấy đứa con trai ba tuổi của cô đã lội xuống nước. Hoảng kinh, Patàcàrà la lên và cố lội nhanh vào bờ để cứu con. Nhưng chậm mất rồi, đứa bé đã bị dòng nước cuốn đi mất.
Vào đến bờ, Patàcàrà kiệt sức. Cô không còn khóc được nữa. Cô nằm trên bờ sông lâu lắm mới lấy lại được chút sức lực. Rồi cô tìm đường lần hồi về Sàvatthi. Tới Sàvatthi, cô được tin ngôi nhà của cha mẹ cô đã bị trận bão vừa qua làm xập nát, cả cha mẹ cô lẫn đứa em trai đều bị sườn nhà đè chết. Cô lật đật chạy đến nơi hỏa thiêu cha mẹ cô thì giàn hỏa cũng vừa tàn.
Patàcàrà ngã quỵ bên lề đường. Cô không còn muốn sống nữa. Chưa bao giờ mà nhiều biến cố đau khổ dồn dập đến một người đàn bà nhanh như thế. Những người qua đường ghé lại thăm hỏi và đưa cô về tinh xá Jetavana gặp Phật. Phật nhờ các vị nữ cư sĩ đưa Patàcàrà đi tắm rửa và thay y phục. Rồi ngài ngồi chăm chỉ nghe Patàcàrà kể lại chuyện mình. Đức Phật an ủi :
–Này Patàcàrà, con đã gặp nhiều tai nạn và rủi ro dồn dập đến. Nhưng cuộc đời không phải chỉ có khổ đau và tai nạn. Những việc đã qua con không nên nghĩ tới để sầu khổ nữa làm chi. Con nên nghĩ tới hiện tại, hôm nay và vào giờ phút này con nên làm gì để mang lại hạnh phúc cho con, cho cha mẹ và chồng con của con đã qua đời, cho những người xung quanh con. Con hãy học cách sống đời cao thượng để tự lợi lợi tha. Con sẽ thấy cuộc đời còn có nhiều ý nghĩa, con còn nhiều việc phải làm để tạo an lạc cho con, cho mọi người, trong hiện tại và tương lai.
Patàcàrà lạy Phật xin xuất gia. Phật nói với ni sư Mahà Pajàpati cho người đưa Patàcàrà về ni viện. Sau một thời gian tập sự, Patàcàrà được thọ giới nữ khất sĩ. Patàcàrà được ni trưởng và các ni sư thương yêu lắm. Sau mấy năm tu học, Patàcàrà đã tìm lại được nụ cười. Một hôm, trong khi múc nước rửa chân, thấy những dòng nước theo hai chân chảy xuống và thấm vào lòng đất, nữ khất sĩ Patàcàrà bỗng phát tâm quán thủy đại, ngộ được lý vô thường. Suốt mấy ngày liền, ni cô thực tập thiền quán bằng hình ảnh ấy. Một buổi sáng nọ, Patàcàrà chứng nghiệm được nguyên tắc sinh diệt của vạn vật. Ni cô đọc lên mấy vần thơ sau đây :
"Hôm nọ đang rửa chân
"Tôi thấy dòng nước chảy
"Thấm sâu vào lòng đất
"Tôi hỏi: nước về đâu ?
"Thiền quán trong tĩnh lặng
"Tôi nắm giữ sáu căn
"Như kềm con tuấn mã
"Tôi quán sát sáu trần
"Ngồi nhìn ngọn đèn dầu
"Tôi đi vào phép quán
"Thời khắc trôi qua mau
"Lửa đèn còn chiếu sáng
"Lấy cây tăm khêu bấc
"Tôi dìm bấc xuống dầu
"Ánh đèn bỗng phụt tắt
"Tất cả chìm đêm thâu
"Ngọn lửa về niết bàn
"Nhưng hồn tôi chợt sáng
"Tâm được cởi trói rồi
"Ánh mai vừa tỏ rạng.
Chiều hôm ấy, ni cô Patàcàrà trình lên ni sư Pajàpati bài thơ ấy, được ni sư rất ngợi khen. Từ đó Patàcàrà trở thành một trong các giảng sư nổi tiếng.
Phật thuyết kinh Quán Niệm Hơi Thở (Ànàpàna sati)[14]
Thỉnh thoảng Phật hoặc các vị đệ tử lớn lại tới viếng thăm và nói pháp tại ni viện. Mỗi tháng một lần, các vị nữ khất sĩ cũng được tới nghe pháp ở tinh xá Jetavana hoặc Pubbàràma. Năm nay, theo lời yêu cầu của Thượng tọa Sàriputta, Phật cho kéo dài mùa an cư thêm một tháng. Lễ tự tứ sẽ được cử hành vào ngày trăng tròn tháng Kattika (tháng 11 dl) thay vì vào ngày trăng tròn tháng Assayuja (tháng 10 dl) như mọi năm. Mục đích là để các vị khất sĩ, sau khi mãn hạ ở các trung tâm tu học thuộc vùng lân cận Sàvatthi có thể về Pubbàràma gặp Phật.
Tin Phật sẽ kéo dài mùa an cư năm nay tại Pubbàràma thêm một tháng được loan đi rất nhanh. Do đó, sau lễ tự tứ, các thầy và các ni cô từ các địa phương khác lục tục tìm về thăm Phật rất đông. Các vị thí chủ lớn như Sudattà, Visàkhà và hoàng hậu Mallikà đã tìm mọi cách để cung cấp phương tiện cư trú và thực phẩm cho các vị khất sĩ từ các nơi tựu về. Vào cuối tháng Kattika (11 dl), số lượng các vị khất sĩ và nữ khất sĩ tại thủ đô Sàvatthi lên tới ba ngàn người.
Vào đêm trăng tròn tháng Assayuja, hoa sen trắng Kumuda nở rộ dưới hồ, hương sen thoang thoảng tỏa khắp tinh xá Pubbàràma. Phật ngồi trên một tòa cao giữa trời, mở lời khen ngợi đại chúng đã tinh tấn tu học trong suốt mùa an cư vừa qua và rất xứng đáng được thêm một tuổi hạ. Rồi nhân cơ hội này, Phật nói kinh Quán Niệm Hơi Thở (Ànàpàna sati).
Đúng ra thì vị khất sĩ nào cũng đã được học về phép quán niệm hơi thở. Nhưng đây là lần đầu tiên mà đa số các vị khất sĩ có mặt được trực tiếp nghe Phật giảng về phép quán niệm hơi thở. Đây cũng là lần đầu Phật tổng hợp những điều đã giảng về pháp môn này và đúc kết lại trong một thời giảng.
Có mặt trong buổi pháp thoại hôm nay có cả ni sư Yasodharà, mẹ của đại đức Ràhula, và ni sư Sundarì Nandà, chủng tử của sư trưởng Pajàpati Gotamì. Sáu tháng sau khi hoàng hậu Pajàpati Gotamì xuất gia, Yasodharà và Sundarì Nandà cũng xin xuất gia và tu học tại một ni viện miền ngoại ô phía bắc thành Kapilavatthu. Ni viện này cũng đã do ni sư Gotamì sáng lập. Chỉ trong vòng một năm, sư cô Yasodharà đã trở nên một phụ tá đắc lực cho ni sư Gotamì. Bắt đầu mùa hạ năm nay, hằng năm ni chúng ở Kapilavatthu đều về nhập hạ tại Sàvatthi để được thừa hưởng sự giáo huấn của Phật và các vị đệ tử lớn. Hoàng hậu Mallikà và nữ cư sĩ Visàkhà đã tận lực ủng hộ ni chúng trong việc thành lập tu viện cho phái nữ. Hai năm đầu, ni chúng được phép sử dụng vườn thượng uyển để làm trung tâm an cư. Đến năm thứ ba họ mới lập được tu viện riêng biệt. Biết mình tuổi đã cao (97 tuổi), ni sư Gotamì chú tâm đào luyện các ni sư tuổi trẻ tài cao trở thành những vị lãnh đạo xuất sắc sau này. Ni sư Yasodharà là một trong những vị lãnh đạo ni chúng xuất sắc. Cùng xuất gia một lượt với bà còn có các ni sư Sela, Vimala, Soma, Mutta và Nanduttara. Tất cả các vị này đều có mặt tại tinh xá Pubbàràma hôm nay cùng với các vị đệ tử lớn như Sàriputta, Mahà Moggallàna, Mahà Kaccàna, Mahà Kotthita (Mahàkausthila), Anuruddha, Ànanda...
Bắt đầu thời pháp, đức Phật nhắc lại về cách tu chứng và an trú từ quả Dự lưu đến quả A la hán, 37 pháp tu căn bản, pháp tu Từ Bi Hỷ Xả, pháp quán bất tịnh, pháp quán vô thường, rồi Phật nói :
–Này các vị khất sĩ, pháp Quán Niệm Hơi Thở là căn bản của tất cả các pháp thiền định. Pháp Quán Niệm Hơi Thởđược tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, công đức lớn. Pháp Quán Niệm Hơi Thởđược tu tập thuần thục khiến cho bốn niệm xứđược viên mãn. Bốn niệm xứ được tu tập thuần thục khiến cho bảy giác chiđược viên mãn. Bảy giác chi được tu tập thuần thục khiến cho minh giải thoát(vijjavimutti) được viên mãn.
Hành giả đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết-già, lưng thẳng đứng và trú niệm trước mặt; chánh niệm, vị ấy thở vào; chánh niệm, vị ấy thở ra theo 16 cách thở như sau :
Thứ nhất: Thở vào một hơi dài, biết ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, biết ta đang thở ra một hơi dài.
Thứ hai: Thở vào một hơi ngắn, biết ta đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, biết ta đang thở ra một hơi ngắn.
Hai cách thở này nhằm tập kiểm soát, điều chỉnh, quán sát, phân loại các hơi thở dài/ngắn, nhanh/chậm, mạnh/nhẹ, ồn ào/êm dịu … khác nhau.
Thứ ba: Cảm giác toàn thân ta thở vào. Cảm giác toàn thân ta thở ra.
Cách thở này nhằm tập quán sát tác dụng của các loại hơi thở vào và hơi thở ra trên khắp toàn thân. Hơi thở vào làm toàn thân thêm sinh lực, hơi thở ra làm toàn thân thư giãn. Hơi thở mạnh làm thân nóng lên, hơi thở nhẹ nhàng làm thân mát dịu. Hơi thở nhanh làm thân bị kích động, hơi thở chậm rãi làm thân an ổn. Hơi thở nhẹ và dài làm thân an tịnh.
Thứ tư: An tịnh thân hành ta thở vào. An tịnh thân hành ta thở ra.
Cách thở này nhằm tập làm cho toàn thân an tịnh, nhẹ nhàng bằng hơi thở thật êm dịu.
Bốn cách thở trên nhằm tập làm chủ và điều hành thân thể bằng cách điều chỉnh hơi thở.
Thứ năm: Cảm giác hỷ thọ (piti, mừng) ta thở vào. Cảm giác hỷ thọ ta thở ra. Cách thở này nhằm tập quán sát sự sanh diệt và ảnh hưởng của hỷ thọ trên thân tâm. Tập làm chủ hỷ thọ bằng cách điều chỉnh hơi thở.
Thứ sáu: Cảm giác lạc thọ (sukha, vui) ta thở vào. Cảm giác lạc thọ ta thở ra. Cách thở này nhằm tập quán sát sự sanh diệt và ảnh hưởng của lạc thọ trên thân tâm. Tập làm chủ lạc thọ bằng cách điều chỉnh hơi thở.
Hai cách thở này nhằm tập làm chủ các cảm thọ bằng cách điều chỉnh hơi thở.
Thứ bảy: Cảm giác tâm hành (các cảm thọ) ta thở vào. Cảm giác tâm hành ta thở ra. Cách thở này nhằm tập quán sát sự sanh diệt của các cảm thọ (tâm hành) và tập làm chủ các cảm thọ bằng cách điều chỉnh hơi thở.
Thứ tám: An tịnh tâm hành (các cảm thọ) ta thở vào. An tịnh tâm hành ta thở ra. Cách thở này nhằm tập diệt trừ các cảm thọ bằng hơi thở thật êm dịu.
Bốn cách thở trên nhằm tập làm chủ và tự giải thoát khỏi các cảm thọ.
Thứ chín: Cảm giác về tâm ta thở vào. Cảm giác về tâm ta thở ra. Cách thở này nhằm tập quán tâm để biết các tâm trạng của ta trong mỗi thời, và biết tâm đang có vọng tưởng, phiền não, hay đang có định.
Thứ mười: Với tâm hân hoan ta thở vào. Với tâm hân hoan ta thở ra. Cách thở này nhằm tập làm tâm hân hoan, an lạc bằng hơi thở thật êm dịu.
Thứ mười một: Thở vào và nhiếp tâm vào định. Thở ra và nhiếp tâm vào định. Cách thở này nhằm đoạn trừ vọng tưởng và phiền não trong tâm, và làm tâm trở nên an định, thanh tịnh và linh hoạt.
Thứ mười hai:Thở vào và giữ tâm thanh tịnh giải thoát. Thở ra và giữ tâm thanh tịnh giải thoát (không còn phiền não và vọng tưởng).
Bốn cách thở trên đây nhằm tập làm chủ và tự giải thoát khỏi sự ràng buộc của tâm ý.
Thứ mười ba: Thở vào và quán chiếu tánh vô thường của vạn pháp. Thở ra và quán chiếu tánh vô thường của vạn pháp (trong đó có thân và tâm ta).
Thứ mười bốn: Thở vào và khởi tâm xa lìa vạn pháp. Thở ra và khởi tâm xa lìa vạn pháp (xuất ly tham ái).
Thứ mười lăm: Thở vào và quán chiếu vạn pháp đều không (sunnata), đều hoàn toàn vắng lặng (nibbana). Thở ra và cũng quán chiếu như thế (đoạn diệt vọng tưởng).
Thứ mười sáu: Thở vào và khởi tâm xả, không nghĩ tưởng. Thở ra và khởi tâm xả, không nghĩ tưởng (xả bỏ tất cả).
Bốn cách thở trên đây nhằm giúp tâm ta tự giải thoát khỏi các đối tượng của tâm ý, tức là giúp sáu căn thanh tịnh, không còn vướng mắc vào sáu trần; dứt trừ vọng tưởng và phiền não trong tâm ; dứt trừ ngã chấp và pháp chấp ; thành tựu minh giải thoát.
Thế gian này không còn gì có thể ràng buộc và gây phiền não cho ta nữa. Như thế là ta được giải thoát.
Một khi đạt được giải thoát, hành giả sống an lạc ngay trong cuộc đời mà không có gì trong cuộc đời có thể ràng buộc hành giả.
Đức Phật đã dạy phép hành trì mười sáu cách thở lồng trong sự quán chiếu về thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng của tâm ý. Hơi thở là dây cương để điều phục tâm ý như trừ tán loạn, sân hận, sợ hãi, tham dục ... Chúng ta nhận thấy rằng 16 phép quán hơi thở nầy dùng cả hai phương pháp thiền là Chỉ (Samatha) và Quán (Vipassanà), tức là Định Tuệ song tu, để kiện toàn phép quán Tứ Niệm Xứ và sự thực hành Bảy Giác Chi chóng đạt kết quả.
Gần ba ngàn vị khất sĩ và nữ khất sĩ được nghe kinh này đều lấy làm sung sướng được tỏ ngộ pháp tu giải thoát, tín tâm càng thêm bền chắc, không còn điều gì nghi ngờ nữa. Tất cả đều thầm cám ơn Thượng tọa Sàriputta đã sắp đặt để mọi người được thưởng thức hương vị giải thoát hòa lẫn hương sen Kumuda dưới ánh trăng rằm huyền diệu.
Tự sát không phải là tự giải thoát[15]
Sau lễ Tự tứ mãn hạ tại Sàvatthi đức Phật du hành đến Vesàlì, ngụ tại tại tinh xá Mahàvana. Trong khi Phật nhập thất hai tuần tại đây, có hàng vài chục vị khất sĩ rủ nhau tự sát ngay trong tinh xá. Lý do là vì trong khi quán Tứ Niệm Xứ về Thân Bất Tịnh, các thầy thực hành Cửu Tưởng Quán nơi bãi tha ma trong khu rừng nơi người ta để thi hài những người chết nghèo khổ cho chim thú ăn. Cửu Tưởng Quán là sự quán tưởng về chín giai đoạn tàn hoại của cơ thể từ lúc mới chết thi thể bầm xanh, lần lần sình chương lên, kế đến nứt nẻ, nước vàng rịn chảy ra, da thịt rục rã, lầy thúi, vòi, chim, thú cắn xé rút rỉa, cho đến khi các mảnh xương rã rời mục nát. Các thầy cảm thấy quá ghê tởm cái thân nhơ bẩn hôi thúi của mình, không muốn mang nó nữa, muốn vứt bỏ tấm thân bất tịnh càng sớm càng tốt.
Sau thời hạn nhập thất nửa tháng, Phật được báo tin này. Ngài cho triệu tập tất cả các vị khất sĩ tại giảng đường Trùng Các (Kùtàgàra) và dạy rằng :
–Này các thầy, Cửu Tưởng Quán là để trừ ái dục, là để trừ cái chấp thân là ngã hay ngã sở, để bỏ thói quen bám víu vào thân. Vì bám víu vào thân là nguyên nhân của đau khổ và sinh tử luân hồi. Quý thầy không nên bám víu vào thân, không nên quá tưng tiu chìu chuộng cái thân, nhưng cũng không nên hủy hoại nó. Tại sao không nên hủy hoại thân ? Vì thân người khó được, vì thân người là phương tiện tốt nhất để tu tập giải thoát. Người tự hủy hoại thân để được giải thoát cũng ví như người muốn đi lên núi mà tự chặt bỏ hai chân của mình vì lỡ đạp phẩn dơ...
"Này các thầy, tâm giải thoát là tâm không vướng mắc, không chấp trước, không chấp thân thanh tịnh đáng quý trọng, cũng không chấp thân ô trược đáng hủy diệt. Người có trí tuệ phải biết tùy thuận nương theo những phương tiện mình đang tạm có để tinh tấn tu tập hầu đạt tới giải thoát khỏi mọi ràng buộc của thế gian, của cõi dục, của cõi sắc và của cõi vô sắc, cho đến khi hoàn toàn thoát khỏi sanh tử luân hồi.
"Này các thầy, thế nào là giải thoát ? Sáu căn thanh tịnh, không đắm nhiễm sáu trần là giải thoát. Mắt không đắm nhiễm hình sắc, tai không đắm nhiễm âm thanh, mũi không đắm nhiễm mùi hương, lưỡi không đắm nhiễm mùi vị, thân không đắm nhiễm sự xúc chạm dịu dàng êm ái, ý không đắm nhiễm lời tán dương khen ngợi. Đó chính là giải thoát. Bịt mắt, bịt tai không phải là giải thoát. Người mù, người điếc không phải là người được giải thoát.
“Này các thầy, muốn được giải thoát các thầy nên tu tập Tứ Niệm Xứ bằng cách chánh niệm, tỉnh giác, tinh tấn quán niệm hơi thở liên hệ đến viễn ly, ly tham, đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; chánh niệm, tỉnh giác, tinh tấn quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp với mục đích đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si. Từ nay Như Lai hy vọng các thầy, nhất là những vị vừa mới xuất gia, biết rõ đâu là giải thoát và không còn phạm vào lỗi lầm đó nữa.
Nghe Phật nói xong, các vị khất sĩ mới xuất gia rất vui mừng, thấy rõ sự khác biệt giữa cái chết và sự giải thoát.[1]Xem Trung Bộ 10, 118 và 119; Trường Bộ 22; Trung A Hàm 98; Tăng Nhất A Hàm 12.1.
[2]Quán thân trên nội thân : Quán cấu trúc và vận hành trong thân.
[3]Quán thân trên ngoại than : Quán ảnh hưởng của thân đối với sự vật xung quanh.
[4]Vô thường: sinh diệt biến đổi luôn.
[5]Vô ngã: giả dối, không chân thật, không có tự thể, không có tự tánh.
[6]Niết bàn: tịch tĩnh, vắng lặng.
[7]Không chấp thân là ta hay là của ta.
[8]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 189-191; Tiểu Bộ, Udàna IV.8; Tiểu Bộ, Jàtaka 285.
[9]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 362; The Life of The Buddha của A.Foucher, trang 195; Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 2: 166.
[10]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 225-226.
[11]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 336-338; Trung Bộ 44: kinh Cullavedalla; Tiểu Bộ, Trưởng Lão Ni Kệ, kinh 12: Dhammadinnà.
[12]Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 250-256; Tiểu Bộ, kinh Jàtaka 3: 1; Tiểu Bộ, Trưởng Lão Ni Kệ, kinh 47: Patàcàrà..
[13]Theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 111, thì Patàcàràlà một tín nữ rất thông minh thuộc đạo Jaina. Cô thách người nào luận đạo hơn cô thì cô sẽ chịu làm vợ người đó; nếu là người xuất gia thì cô sẽ theo đạo của người đó. Cô được ngài Sàriputta độ cho xuất gia theo Phật.
[14]Xem Tạng Luật, Phân Tích Giới Tỳ Khưu 1: 178; Trung Bộ 62, 118 và 119; Tương Ưng Bộ, chương 54, kinh 1: Quán Niệm Hơi Thở; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 602.
[15]Xem Tạng Luật, Phân Tích Giới Tỳ Khưu 1: 176-179; Tương Ưng Bộ, chương 54, kinh 9: Vesàlì.