Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

33. Hạ thứ 25 tại Jetavana (năm -565)

02/03/201421:12(Xem: 17873)
33. Hạ thứ 25 tại Jetavana (năm -565)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


5- Hạ thứ 25 tại Jetavana (năm -565)

Punna Mantàniputta đi hoằng hóa tại xứ Sunaparantà[1]

Thượng tọa Punna Mantàniputta (Phú Lâu Na Mãn Từ Tử) còn gọi là Purana Maitrayaniputra (Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử) là con một vị quốc sư tại triều vua Suddhodana (Tịnh Phạn). Thượng tọa cùng với 29 người bạn đã xuất gia theo Phật sau hạ thứ nhất, gần Lộc Uyển. Thượng tọa là một trong 10 đệ tử lớn của Phật. Thầy nổi tiếng là vị đệ tử thuyết pháp hay nhất.

Đến ngày mãn hạ, đức Phật phái Thượng tọa đến xứ Sunaparantà (Du Na) ở phương tây để hoằng pháp. Dân chúng xứ đó nổi tiếng hung ác và thô bạo. Đức Phật nói :

Này Punna Mantàniputta, người ta đồn rằng dân chúng xứ Sunaparantà rất hung dữ và thường hay bạo động. Vậy thầy nhắm có kham nổi việc đến xứ đó hoằng pháp hay không ?

Bạch Thế Tôn, con đến đó để khuyên nhủ và chỉ bảo điều hay, điều phải, có lợi ích cho họ. Con nghĩ rằng không vì thế mà họ lại la ó hay chửi mắng con.

Này Punna, nếu lúc thầy đang thuyết pháp mà có người la ó và chửi mắng thầy thì thầy nghĩ sao ?

Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ rằng họ vẫn còn tử tế với con, vì họ chỉ la ó và chửi mắng bằng miệng thôi chứ chưa ném đá và đồ ô uế vào người con.

Này Punna, nếu có người ném đá và đồ ô uế vào người thầy thì thầy nghĩ sao?

Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ rằng họ vẫn còn tử tế với con, vì họ chỉ từ xa ném đá và đồ ô uế vào người con thôi chứ chưa đến bên cạnh dùng gậy đánh đập con.

Này Punna, nếu có người đến bên thầy, dùng gậy đánh đập thầy thì thầy nghĩ sao ?

Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ rằng họ vẫn còn tử tế với con, vì họ chỉ dùng gậy đánh đập con thôi chứ chưa dùng dao bén giết con.

Này Punna, nếu có người mang dao bén đến để giết thầy thì thầy nghĩ sao ?

Bạch Thế Tôn, con nghĩ rằng chết vì đạo pháp thật là vinh hạnh, và như thế họ đã giúp con được toại nguyện, đồng thời họ cũng giúp con thoát khỏi cuộc đời ô trược dẫy đầy phiền não và đau khổ này.

Lành thay ! Punna, thầy có đầy đủ khả năng để giáo hóa họ. Vậy thầy hãy chuẩn bị lên đường đi Sunaparantà đi. Như Lai tin rằng thầy sẽ đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.

Thượng tọa Punna Mantàniputta phụng mệnh, đến xứ Sunaparantà hoằng dương Chánh Pháp. Trong vòng một năm, ngài độ được 500 người làm cư sĩ và làm lễ xuất gia cho 500 người làm khất sĩ. Về sau ngài nhập Vô Dư Niết Bàn tại đây. Trong hội Pháp Hoa, đức Phật thọ ký cho ngài sẽ thành Phật hiệu là Pháp Minh Như Lai (Dhammaprabhasa Tathàgata).

Phật thuyết kinh Hải Bát Đức[2]

Mùa xuân năm sau, đức Phật du hành về miền đông. Ngài tới Vesàlì, Campà rồi theo dòng sông Gangà ra đến tận miền duyên hải, vịnh Bengal, để giáo hóa. Một hôm, đang ngồi trên một tảng đá bên bờ biển, Thượng tọa Ànanda nói với Phật :

Bạch Thế Tôn, ngồi bên bờ biển, theo dõi hơi thở với không khí trong lành, mắt nhìn những lượn sóng nối tiếp nhau nhô lên từ ngoài khơi, nổi lên càng lúc càng cao vừa chạy vào bờ, rồi vỡ tan thành một vùng bọt trắng phau trên bãi cát, hoặc đập vào những tảng đá lớn, bắn tung tóe lên cao, tai nghe điệu nhạc trầm hùng vang lên từng chập, tâm con tự nhiên được an trú trong hiện tại một cách thật thoải mái. Bạch Thế Tôn, con thấy phong cảnh nơi đây quả thật là một trợ duyên tốt cho việc tu tập.

Đức Phật gật đầu, đáp :

– Tu hành mà gặp thuận duyên là điều rất tốt.

Một hôm khác, trong khi đi khất thực, Thượng tọa Ànanda có dịp nói chuyện với một ngư dân trên bãi biển, thầy hỏi :

Này anh, tôi mới đến vùng biển lần đầu nên cảm thấy rất thích thú phong cảnh nơi đây. Còn như anh sanh sống nơi đây từ lâu, anh cảm thấy phong cảnh nơi đây thế nào ?

Thưa thầy, con đã sinh trưởng nơi đây và hiện đang sinh sống với nghề đánh cá. Con rất thích sống nơi đây. Con rất thích biển. Ba con cũng thế. Ba con đã dạy con về tám đức tính của biển như sau :

1- Biển có những bãi cát thoai thoải đưa ta đi từ từ xuống nước, khiến cho việc thả thuyền và kéo lưới được dễ dàng.

2- Biển luôn luôn ở một chỗ, khiến cho ai muốn ra biển thì biết ngay phải đi hướng nào.

3- Biển không chấp nhận thây chết. Khi có thây chết, biển luôn luôn đẩy nó lên bãi.

4-Biển chấp nhận nước của tất cả các dòng sông, dù đó là sông Gangà, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù hay sông Mahì. Sông nào ra tới biển thì cũng bỏ tên riêng của mình mà hòa đồng với biển cả.

5- Tuy ngày đêm, muôn sông liên tiếp đổ nước ra biển, biển cũng không vì vậy mà có khi vơi khi đầy.

6- Nước biển ở đâu cũng có vị mặn.

7- Biển chứa rất nhiều san hô, xa cừ và ngọc quý.

8- Biển là nơi sinh sống thoải mái của vô số sinh vật, có loài lớn hơn voi, có loài nhỏ hơn sợi chỉ.

"Thưa thầy, biển đối với con rất quý. Biển là sự sống của con, là niềm vui của con, là thiên đàng của con.

Thượng tọa Ànanda hơi ngạc nhiên về sự nói năng lưu loát của anh dân chài trẻ chỉ độ 25-26 tuổi. Anh ta có nước da sạm đen, hai mắt tròn sáng long lanh dưới đôi lông mày rậm và vầng trán cao, nét mặt luôn luôn tươi cười vui vẻ, miệng nói rất có duyên. Chiều hôm ấy thầy kể lại cho Phật nghe câu chuyện gặp gỡ giữa thầy và anh dân chài.

Qua hôm sau, sau giờ ngọ trai bên ven rừng gần bờ biển, trước các vị khất sĩ và một số đông dân chúng địa phương, Phật nói kinh Hải Bát Đức như sau :

Này các thầy, này quý vị, nếu chúng ta để ý quan sát biển cả chúng ta sẽ thấy biển rộng lớn bao la, dung chứa và nuôi sống vô số chúng sanh. Được như vậy là vì biển có nhiều đức tính đáng quý. Giáo Pháp giác ngộ và giải thoát của Như Lai cũng có nhiều đức tính cao quý mà quý vị nên biết :

1- Biển có những bãi cát thoai thoải có thể đưa ta đi từ từ xuống nước, khiến cho việc thả thuyền và kéo lưới được dễ dàng. Giáo Pháp của Như Lai cũng thế. Các học pháp luôn luôn tuần tự theo thứ lớp, không có sự thể nhập Chánh trí thình lình[3].Giáo Pháp có đủ các trình độ từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu, từ thế gian pháp đến xuất thế gian pháp, để giúp cho tất cả mọi người thuộc đủ các thành phần, trình độ và căn tánh, từ trẻ đến già, từ kẻ ít học đến giới trí thức, từ người cùng đinh đến bậc vua chúa, ai ai cũng có thể tìm thấy trong Giáo Pháp một vài pháp môn tu học thích hợp với khả năng và sở thích của mình.

2- Biển luôn luôn ở một chỗ, khiến cho ai muốn ra biển thì biết ngay phải đi hướng nào. Giáo Pháp của Như Lai cũng thế. Tứ Diệu Đế, Mười Hai Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, 37 phẩm trợ đạo, vô thường, khổ, không, vô ngã, năm giới, mười giới, cụ túc giới ... đều là những sự thật bất di bất dịch, khiến cho bất cứ ai muốn tu tập đều biết rõ con đường mình phải đi, pháp môn mình phải hành trì, không thể lầm lẫn được.

3- Biển không chấp nhận thây chết. Khi có thây chết, biển luôn luôn đẩy nó lên bãi. Giáo Pháp của Như Lai cũng thế. Giáo Pháp không bao giờ dung túng vô minh, buông thả theo dục vọng và lười biếng. Người tu nếu còn đeo đuổi theo ba thứ đó thì sớm muộn gì cũng sẽ bị đẩy ra khỏi Giáo Pháp.

4- Biển chấp nhận nước của tất cả các dòng sông, dù đó là sông Gangà, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù hay sông Mahì. Sông nào ra tới biển thì cũng bỏ tên riêng của mình mà hòa đồng với biển cả. Giáo Pháp của Như Lai cũng thế. Bất cứ người thuộc giai cấp nào trong xã hội cũng được tiếp đón một cách bình đẳng vào giáo đoàn khất sĩ, bỏ lại phía sau tất cả mọi quá khứ vinh quang hay ô nhục của mình.

5- Tuy ngày đêm, muôn sông liên tiếp đổ nước ra biển, biển cũng không vì vậy mà có khi vơi khi đầy. Giáo Pháp của Như Lai cũng thế. Dù có đông người theo hay có ít người theo, dù có đông người thuộc giai cấp cao sang trong xã hội theo hay có đông người thuộc giai cấp thấp hèn trong xã hội theo, thì giá trị của Giáo Pháp cũng không vì thế mà tăng hay giảm. Người chân tu theo Giáo Pháp vẫn luôn luôn đạt được thánh quả, và Niết bàn không bao giờ có khi vơi khi đầy.

6- Nước biển ở đâu cũng có vị mặn. Giáo Pháp của Như Lai cũng thế. Bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, Giáo Pháp cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát.

7- Biển chứa rất nhiều san hô, xa cừ và ngọc quý. Giáo Pháp của Như Lai cũng thế. Trong Giáo Pháp có rất nhiều châu báu như bốn niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Thánh đạo. Người tu theo Giáo Pháp sẽ được rất nhiều điều quý báu như tứ vô sở úy[4], lục thông, tam minh, chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh.

8- Biển là nơi sinh sống thoải mái của vô số sinh vật, có loài lớn hơn voi, có loài nhỏ hơn sợi chỉ. Giáo Pháp của Như Lai cũng thế. Trong Giáo Pháp có rất nhiều thánh chúng, từ các vị Đại Bồ tát, các vị A-la-hán cho đến các vị mới chứng quả Nhập Lưu đều cảm thấy rất thanh nhàn, thoải mái.

"Này quý vị, biển là một nguồn cảm hứng, là một kho tàng vô tận. Giáo Pháp của Như Lai cũng thế. Giáo Pháp là một nguồn cảm hứng, là một kho tàng vô tận.

Trong thính chúng hôm nay có anh dân chài đã nói chuyện với thầy Ànanda hôm qua và đã được thầy mời đến nghe Phật thuyết pháp. Anh ta rất ngạc nhiên khi nghe Phật lập lại đúng tám đức tính lớn của biển mà anh ta vừa nói với thầy Ànanda hôm qua và lồng vào đó tám đức tính lớn của Giáo Pháp. Anh ta cảm thấy Phật thuyết pháp thật hay, thật dễ hiểu. Trên đường về nhà, anh ta như vẫn còn nghe rõ bên tai từng câu, từng tiếng nói của Phật. Về đến xóm chài, anh ta thuật chuyện lại cho những người chưa được nghe và khuyến khích họ nên đến nghe Phật thuyết pháp kỳ tới.

Những mầm móng chia rẽ không đáng ngại[5]

Rời miền duyên hải thuộc vịnh Bengal, Phật trở về thành phố Pàtaligàma (hiện nay là Patna) trên bờ sông Gangà. Từ Pàtaligàma, Phật đi về hướng bắc đến Vesàlì. Rồi từ Vesàlì, Phật đi về hướng tây-bắc, đến thành phố Samagama thuộc vương quốc Sàkya. Ở đây Phật được biết tin vị giáo chủ đương thời của phái Nigantha (Jaina) là Nàtaputta vừa mới qua đời tại thành phố Pàvà. Ông hưởng thọ 72 tuổi. Giáo đoàn du sĩ Nigantha hiện đang chia rẽ trầm trọng thành hai cánh chống đối nhau kịch liệt về mặt giáo lý cũng như về mặt tổ chức, khiến cho giới đệ tử tại gia rất đau khổ và phân vân không biết nên theo ai. Trong 11 vị đệ tử lớn của ông có nhiều vị thua buồn, tuyệt thực chết theo thầy.

Chú sa di Cunda, thị giả của Thượng tọa Sàriputta đã tới gặp Thượng tọa Ànanda ở Samagama và kể lại những chuyện trên do chú nghe được trong lúc Thượng tọa Sàriputta và chú nhập hạ ở thành phố Pàvà. Sau khi kể lại cho Phật nghe chuyện chia rẽ của giáo phái Nigantha, thầy Ànanda rầu rầu nói :

Bạch Thế Tôn, có cách nào tránh được sự chia rẽ của giáo đoàn sau khi Thế Tôn diệt độ không ?

Này Ànanda, có bao giờ thầy thấy các vị khất sĩ tranh chấp và cãi nhau về nội dung của Giáo Pháp không ?

Bạch Thế Tôn, con chưa thấy có huynh đệ nào tranh chấp và cãi nhau về nội dung của Giáo Pháp. Nhưng con nghĩ khi Thế Tôn còn tại thế, nhờ oai đức của Thế Tôn nên mọi việc đều được dễ dàng, yên ổn. Nhưng một khi Thế Tôn nhập niết bàn rồi thì giáo đoàn thiếu sự lãnh đạo của Thế Tôn có thể xảy ra những vụ bất đồng ý kiến và tranh chấp về giới luật, tổ chức và sinh hoạt. Con còn nhớ cuộc tranh chấp trước đây tại tinh xá Ghosita ở Kosambi vào hạ thứ 9 giữa hai nhóm kinh sư và luật sư đã làm cho các huynh đệ và giới cư sĩ phiền muộn không ít.

Này Ànanda, thầy chớ quá lo ngại. Chừng nào trong giáo đoàn có sự tranh chấp và bất đồng ý kiến với nhau về phần giáo lý căn bản như Tứ Diệu Đế, 37 phẩm trợ đạo, vô thường, khổ, không, vô ngã ... thì đó mới là điều đáng ngại, vì điều đó chứng tỏ rằng Chánh Pháp không còn được thông hiểu trọn vẹn nữa. Còn những tranh chấp về giới luật, tổ chức và sinh hoạt, thuộc về những chi tiết không đáng ngại lắm, chưa phải đến thời mạt pháp.

Tuy được Phật trấn an, Thượng tọa Ànanda vẫn cảm thấy lo lắng. Thầy mới nghe tin đại đức Sunakkhattà[6], trước kia đã từng làm thị giả cho Phật, tu đến tứ thiền, nay đã rời bỏ giáo đoàn khất sĩ vì những bất mãn riêng tư. Sunakkhattà đã bắt đầu thuyết pháp chống lại Phật và giáo đoàn. Thầy nói sa môn Gotama cũng chỉ là người thường thôi, không có gì đặt biệt, và Giáo Pháp của sa môn Gotama chỉ đem tới giải thoát cho cá nhân, không có ích lợi gì cho xã hội. Sunakkhattà đã bắt đầu gây hoang mang trong quần chúng. Điều này chính Thượng tọa Sàriputta cũng đã biết.

Ngoài ra Thượng tọa Ànanda còn nghe nói đến mầm chia rẽ đã manh nha trong giáo đoàn ở thủ đô Ràjagaha. Thượng tọa Devadatta đang âm thầm tổ chức một giáo đoàn khất sĩ độc lập, đặt căn cứ tại núi Gayàsìsa cách Ràjagaha chỉ độ 50 km về phía tây-nam. Cộng tác với thầy Devadatta có nhiều thầy cũng thuộc hạng giỏi như các Thượng tọa Kokàlika, Kotamoraka Tissa, Khandadeviputta và Samuddadattà. Thầy Devadatta vốn là một trong những đệ tử xuất sắc của Phật. Chính Thượng tọa Sàriputta đã nhiều lần ca ngợi Thượng tọa Devadatta trong các buổi họp chúng tại Ràjagaha. Thượng tọa Sàriputta đối xử với Thượng tọa Devadatta như một người bạn thân. Vậy mà gần đây Thượng tọa Devadatta đã tỏ vẻ ganh tỵ với Thượng tọa Sàriputta và ngay cả với Phật.

Thầy Ànanda không biết đã có ai trình lên Phật các vụ này chưa. Riêng thầy, thầy thấy rất ngại phải nói với Phật những chuyện đau buồn như thế.

Phật dạy Tam Pháp Ấn[7]

Mùa mưa năm nay Phật nhập hạ tại tinh xá Jetavana ở thủ đô Sàvatthi, xứ Kosala. Một hôm, vào đầu mùa an cư, Thượng tọa Ànanda, trong lòng không an, lo sợ sau này trong giáo đoàn khất sĩ sẽ có tranh chấp về Giáo Pháp như đã xảy ra trong gíáo phái Nigantha. Thầy bèn thỉnh Phật nêu rõ những điểm căn bản trong giáo lý của ngài :

Bạch Thế Tôn, sau này khi Thế Tôn nhập diệt rồi, làm sao biết giáo lý nào là đúng Chánh Pháp, là đích thật do Thế Tôn giảng dạy, giáo lý nào là không đúng Chánh Pháp, không phải do Thế Tôn giảng dạy ?

Lành thay, này Ànanda, có Pháp Ấn mầu nhiệm để nhận ra đâu là Chánh Pháp. Như Lai sẽ giảng nói, quý vị hãy giữ tâm thanh tịnh, chăm chỉ lắng nghe. Pháp ấn là con dấu chứng thực tính cách xác thật của Chánh Pháp. Có ba pháp ấn là Vô thường, Vô ngã và Niết bàn[8].

1- Thứ nhất là Hành Vô Thường Ấn(Anityah sarva samskarah), còn gọi là Nhất Thiết Hành Vô Thường Ấn hay Nhất Thiết Hữu Pháp Vô Thường Ấn. Này quý vị, Như Lai nói tất cả các pháp hữu vi (sankhata) ở thế gian đều vô thường, vô thường là nhân của khổ. Chúng sanh mê muội, đối với vô thường mà chấp là thường, là vui, cho nên phải chịu phiền não và luân hồi đau khổ. Nói đúng như thế là Phật nói; nói không đúng như thế là ma nói.

2- Thứ nhì là Pháp Vô Ngã Ấn(Niratmanah sarva dharmah), còn gọi là Nhất Thiết Pháp Vô Ngã Ấn. Này quý vị, Như Lai nói tất cả các pháp hữu vi (sankhata) cũng như vô vi (asankhata) ở thế gian đều vô ngã, không thật có. Chúng sanh mê muội, đối với vô ngã mà chấp là có ngã, rồi chính cái ngã vọng lập đó trở thành cái nhà chứa đầy phiền não, và trở thành con thuyền nghiệp lực đưa chúng sanh vào dòng sanh tử. Nói đúng như thế là Phật nói; nói không đúng như thế là ma nói.

3- Thứ ba là Niết Bàn Tịch Tĩnh Ấn(Satamnirvanam) còn gọi là Niết Bàn Tịch Diệt Ấn. Như Lai nói vắng lặng, thanh tịnh và sáng suốt là hạnh phúc chân thật, là niết bàn. Chúng sanh mê muội, chạy theo các dục lạc ở thế gian, cho đó là vui, là khoái lạc, là hạnh phúc, không biết đó là nguyên nhân của tham lam, giận tức, si mê, phiền não, đau khổ ... Nói đúng như thế là Phật nói, nói không đúng như thế là ma nói.

Này quý vị, bất cứ một giáo lý nào hay một pháp môn nào không có ba Pháp Ấn đó thì chắc chắn giáo lý đó, pháp môn đó không phải của Như Lai. Ba con dấu đó cũng là ba cánh cửa để đi vào thế giới giải thoát. Vì vậy Ba Pháp Ấn cũng là Ba Cửa Giải Thoát, quý vị nên tinh tấn nương theo đó mà tu tập.

Đức Phật vừa dứt lời, Thượng tọa Ànanda, Thượng tọa Sàriputta và các vị đại đệ tử đều bước ra đảnh lễ tạ ơn Phật. Thượng tọa Ànanda nói :

Bạch Thế Tôn, Ba Pháp Ấn của Thế Tôn thật là quý báu ! Con nguyện sẽ đem hết sức lực và sanh mạng của con để bảo trì Ba Pháp Ấn suốt đời con và truyền lại nguyên vẹn cho hậu thế.

Thượng tọa Sàriputta nói :

Bạch Thế Tôn, Ba Cửa Giải Thoát của Thế Tôn thật là huyền diệu ! Con nguyện sẽ đem hết khả năng của con để hướng dẫn và giảng giải lại cho các huynh đệ còn sơ cơ để ngọn đuốc Tuệ của Thế Tôn được lưu truyền mãi cho hậu thế.

Nên học giáo lý bằng tiếng mẹ đẻ[9]

Qua ngày hôm sau, hai đại đức Yamelu và Tekula đến tịnh thất Phật xin phép được viết lại các bài pháp của Phật bằng chữ Sanskrit để lưu truyền hậu thế. Hai đại đức này là anh em ruột, thuộc dòng dõi Bà-la-môn, nổi tiếng là lảu thông văn chương, cú pháp cổ ngữ Sanskrit trong kinh Veda. Hai thầy cũng nổi tiếng về việc xướng tụng kinh Veda, giọng của hai thầy rất thanh tao, trong như tiếng chuông đồng, hùng mạnh như tiếng trống. Hai thầy đến đảnh lễ Phật rồi thưa :

Bạch Thế Tôn, chúng con muốn xin phép Thế Tôn được viết lại những bài pháp thoại của Thế Tôn bằng chữ Sanskrit để có thể truyền đạt nguyên vẹn cho hậu thế. Trong khi thuyết pháp Thế Tôn thường dùng ngôn ngữ Pali tại Magadha. Nhưng các thổ ngữ Pali hiện nay rất khác nhau nên việc hoằng pháp nhiều khi gặp trở ngại. Các vị khất sĩ khi dùng thổ ngữ Pali để thuyết giảng cho dân chúng nhiều khi đã vô tình bóp méo ý của Thế Tôn. Chúng con nghĩ cổ ngữ Sanskrit đã được phổ biến đồng nhất ở mọi nơi. Vậy nếu các bài pháp của Thế Tôn được viết bằng Sanskrit thì tất cả các vị khất sĩ và các học giả cư sĩ đều có một tài liệu đồng nhất và chính xác, không sợ bị sai lệch.

Đức Phật im lặng một lát rồi đáp :

Các thầy làm như thế e cũng không tiện. Giáo Pháp là một thực thể linh động. Ngôn ngữ, văn tự là phương tiện để chuyên chở Giáo Pháp, phải là những sinh ngữ đang được sử dụng mới có thể được dân chúng tiếp thu dễ dàng. Nếu trình bày Giáo Pháp bằng một cổ ngữ thì chỉ những học giả hay người trí thức mới hiểu được. Như vậy Giáo Pháp sẽ trở thành một pho tượng chứ không còn là một con người sống động nữa. Này Yamelu và Tekula, người xuất gia cũng như tại gia đều nên học hỏi Giáo Pháp bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình. Như vậy Giáo Pháp mới linh động và dễ hiểu.

Hiểu được ý Phật, hai đại đức Yamelu và Tekula đảnh lễ Phật rồi lui ra.



[1]Xem Trung Bộ 145; Tương Ưng Bộ, chương 35, kinh 87: Punna; Tạp A Hàm 311.

[2]Xem Tăng Chi Bộ, chương 8 pháp, kinh19; Tiểu Bộ, Udàna V.5; Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 449-465; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 34-35; Đại Bát Niết Bàn, tập 2, phẩm Sư Tử Hống Bồ tát, trang 336.

[3]Xem Tiểu Bộ, Udàna V.5.

[4]Tứ vô sở úygồm có : Chánh đẳng giác vô úy, Lậu vĩnh tận vô úy, Thuyết chướng pháp vô úy, Thyết xuất đạo vô úy. Tứ vô sở úy có nghĩa là ở trong hoàn cảnh nào cũng an nhiên tự tại, không sợ hãi.

[5]Xem Trường Bộ (Digha nikàya) 29: kinh Pasadika; Trung Bộ (Majjhima nikàya) 104: kinh Samagama.

[6]Sunakkhattàlà anh cùng cha khác mẹ với Ràhula.

[7]Xem Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 103-104; Tạp A Hàm 10; Luận Đại Trí Độ 32; Luận Đại Tỳ Bà Sa 9; Câu Xá Luận Quang Ký 1; Kinh Bồ Tát Địa Trì 8; Hữu Bộ Mục Đắc Ca 6.

[8]Theo kinh Đại thừa thì Tam Pháp Ấnlà "Không, Vô Tướng, Vô Tác". "Không" là không thật tánh, là vô thường, là vô ngã. "Vô tướng" là không ý thức phân biệt; do 6 căn không đắm nhiễm 6 trần nên thấy vô tướng. "Vô tác" hay "vô nguyện" là không ham muốn, không tạo tác gây nghiệp, không theo đuổi.

[9]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 180.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com