Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương thứ bảy: Nói rõ quả báo (tiếp theo)

03/05/201318:04(Xem: 10543)
Chương thứ bảy: Nói rõ quả báo (tiếp theo)

Kinh Lương Hoàng Sám (Quyển 4-6)

Chương thứ bảy: Nói rõ quả báo (tiếp theo)

Dịch giả: Thích Viên Giác

Nguồn: Thượng tọa Thích Trí Tịnh giảo chính

Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng lại phải chí thành đảnh lễ, nhất tâm lắng nghe.

Lúc bấy giờ Phật ở thành Vương Xá, trong vườn trúc Ca lan đà, Ngài Mục Kiền Liên từ thiền định đứng dậy đi dạo trên bờ sông Hằng thấy các ngã quỉ chịu tội không đồng nhau.

Khi ấy các ngã quỉ đồng sanh lòng cung kính đến hỏi Ngài Mục Liên về nhơn duyên đời trước. Một ngã quỉ hỏi rằng: “Tôi một đời lại đây, thường bị đói khát, muốn vào nhà xí, lấy phẩn mà ăn; trên nhà xí đã có con đại quỉ lấy gậy đánh tôi; tôi không đến gần nhà xí được. Vì cớ gì mà tôi mắc phải tội ấy?”

Ngài Mục Liên đáp rằng: Đời trước lúc làm người, ngươi làm chủ chùa, có khách Tỳ kheo đến xin ăn. Ngươi keo kiết không đãi khách ăn. Chờ khách đi rồi ngươi mới cho các thầy thường ở trong chùa ăn.

Vì ngươi vô đạo, tham tiếc của chúng; do nhơn duyên ấy nên mắc phải tội như vậy.

Đó là hoa báo, quả báo sẽ ở địa ngục.

– Lại có một ngã quỉ hỏi Ngài Mục Liên rằng: “Tôi một đời lại đây, trên vai có cái bình đồng lớn, đựng đầy nước sôi. Tôi tự lấy gáo múc xối từ trên đầu xuống, đau khổ vô cùng, không thể chịu được. Tôi vì tội gì mà phải như thế?”

Ngài Mục Liên đáp rằng:

Lúc làm người, ngươi làm duy na trong chùa, xem việc trong Đại chúng. Có một bình sữa, ngươi dấu chỗ kín; đúng giờ không đem chia cho chúng đợi khách đi rồi, mới đem chia cho các người trong chùa. Sữa là vật chiêu đề ([1]), thuộc của chúng tăng trong mười phương, mọi người đều có phần vì ngươi vô đạo, tham tiếc của chúng. Do nhơn duyên ấy, nên mắc phải tội như vậy. Đó là hoa báo. Quả báo sẽ ở địa ngục.

– Lại có quỉ hỏi Ngài Mục Liên rằng: “Tôi một đời trở lại đây, thường nuốt những hàn sắt nóng. Vì những tội gì mà phải như vậy?”

Ngài Mục Liên đáp rằng:

Lúc làm người ngươi làm một vị Sa di nhỏ, lấy nước trong sạch quấy đường phèn cho chúng. Đường phèn cứng rắn, ngươi sanh tâm trộm cắp, đập nhỏ lấy chút ít. Đại chúng chưa uống, ngươi đã uống trộm trước một hớp. Do vì nhơn duyên ấy nên mắc phải tội như vậy. Đó là hoa báo. Quả báo sẽ ở địa ngục.

Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng nghe những việc Ngài Mục Liên đã nghe đã thấy, rất đáng sợ hãi.

Chúng con có thể làm những tội ấy. Vì vô minh ngăn che chúng con không tự nhớ biết. Giả sử như chúng con đã tạo vô lượng tội nghiệp như vậy, đời sau quyết phải thọ lãnh quả báo đau khổ ấy. Vậy nên bây giờ phải chí tâm tha thiết, đầu thành đảnh lễ hổ thẹn cầu xin sám hối. Nguyện trừ diệt sạch những tội lỗi ấy và nguyện xin sám hối thế cho hết thảy ngã quỉ khắp mười phương tận hư không giới.

Lại nguyện xin sám hối thế cho các cha mẹ và các sư trưởng nguyện xin sám hối thế cho các bậc đồng đàn tôn chứng: thượng trung hạ tòa.

Nguyện xin sám hối thế cho tất cả thiện ác tri thức rộng ra cho đến khắp cả mười phương tận không giới, vô cùng vô tận hết thảy chúng sanh trong tứ sanh lục đạo.

Những tội đã làm, nhơn nay sám hối mà được trừ diệt. Những tội chưa làm thề không dám làm.

Nguyện xin mười phương chư Phật chứng biết cho chúng con.

Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Thích Ca Mâu ni Phật
Nam mô Câu Lưu Tôn Phật
Nam mô Câu Na Hàm mâu ni Phật
Nam mô Ca Diếp Phật
Nam mô Sư Tử Phật
Nam mô Minh Viêm Phật
Nam mô Mâu Ni Phật
Nam mô Diệu Hoa Phật
Nam mô Hoa Thị Phật
Nam mô Thiện Túc Phật
Nam mô Đạo sư Phật
Nam mô Đại Tý Phật
Nam mô Đại Lực Phật
Nam mô Túc Vương Phật
Nam mô Tu Dược Phật
Nam mô Danh tướng Phật
Nam mô Đại minh Phật
Nam mô Viêm Kiên Phật
Nam mô Chiếu Diệu Phật
Nam mô Nhật Tạng Phật
Nam mô Nguyệt Thị Phật
Nam mô Chúng Viêm Phật
Nam mô Thiện Minh Phật
Nam mô Vô Ưu Phật
Nam mô Sư tử Du Hý Phật
Nam mô Sư tử Phấn tấn Phật
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát
Nam mô Phật đà
Nam mô Đạt mạ
Nam mô Tăng già


Lại quy y như mười phương tận hư không giới hết thảy Tam bảo dủ lòng đại từ bi cứu vớt hết thảy chúng sanh khắp mười phương hiện đương chịu khổ trong đường ngã quỉ.

Lại nguyện xin cứu vớt hết thảt chúng sanh khắp mười phương hiện đương chịu khổ vô lượng trong đường địa ngục; trong đường súc sanh và trong nhân loại; làm cho các chúng sanh ấy liền được giải thoát đoạn ba nghiệp chướng ([2]) trừ năm sợ hãi ([3]) chứng tám giải thoát ([4]) dùng bốn hoằng thệ ([5]) độ thoát chúng sanh đảnh lễ Thế Tôn, thưa thỉnh giáo lý vi diệu; không rời đương xứ sạch hết hữu lậu, tùy tâm tự tại, dạo khắp cõi Phật, hạnh nguyện viên mãn, chóng thành chánh giác.

Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng, lại chí thành lắng lòng mà nghe.

Lúc bấy giờ Phật ở thành Vương xá, phía đông nam có một hồ nước bao nhiêu tiểu dãi ô uế đều thẩy vào hồ ấy, hôi thúi không thể đến gần được. Có một con trùng lớn sanh ở trong hồ ấy. Thân dài mấy trượng; không có tay chân, quằn quãi lăn lóc, hằng ngàn người đến xem. Ngài A Nan thấy vậy về bạch Phật. Phật và Đại chúng cùng nhau đến hồ ấy xem. Đại chúng nghĩ rằng:

“Nay đây đức Như Lai sẽ nói rõ đầu đuôi việc con trùng ấy cho mọi người nghe”.

Phật bảo Đại chúng: “Sau khi đức Phật Duy Vệ nhập Niết bàn rồi, có năm trăm thầy Tỳ kheo đi qua một ngôi chùa. Lúc ghé vào chùa, chủ chùa rất hoan hỷ vui mừng, mời Đại chúng ở lại để cúng đường. Ông hết lòng thết đãi không tiếc món gì”.

Sau đó có năm trăm người đi buôn vào biển lấy ngọc, lúc về cũng ghé lại chùa. Các người ấy thấy 500 Tỳ kheo tu hành tinh tấn liền hân hoan, phát tâm cúng dường, mới cùng nhau nghĩ rằng: “Phước điền khó gặp chúng ta nên cúng dường lễ mọn”.

Mỗi người cúng một viên ngọc; cộng được năm trăm ma ni châu, đem gửi chủ chùa. Sau đó chủ chùa sanh tâm không tốt, lập mưu muốn đoạt lấy một mình, không đem ra cúng dường chúng tăng.

Đại chúng mới hỏi: Ngọc châu của khách buôn bố thí nên đem ra cúng dường Đại chúng?

Chủ chùa đáp rằng: “Ngọc châu ấy cúng cho ta, nếu các người muốn đoạt, thì có phẩn uế cho các ngươi. Nếu các ngươi không đi ngay bây giờ, ta sẽ chặt tay chân các người quăng vào hầm phẩn”.

Đại chúng nghĩ thương người ấy quá ngu si, bèn làm thinh bỏ đi.

Vì tội ác ấy nên nay chủ chùa kia phải làm thân trùng nầy; sau sẽ vào địa ngục chịu vô lượng đau khổ.

– Lại nữa, khi ấy Phật ở thành Vương xá, thấy một chúng sanh có cái lưỡi rất dài lớn. Có đinh sắt đóng vào lưỡi lửa phát cháy hừng hực, chịu đau khổ suốt ngày đêm.

Ngài Mục Liên bèn hỏi Phật: Chúng sanh ấy vì tội gì mà chịu khổ như vậy?

Phật đáp:

Người ấy xưa kia từng làm chủ chùa, hay mắng nhiếc, xua đuổi các thầy Tỳ kheo; ở lâu trong chùa hay khách tăng mới đến cũng vậy và không cho ăn uống, không bình đẳng cúng dường. Vì nhơn duyên ấy nên nay mắc phải tội như vậy.

– Lại có một chúng sanh thân thể dài lón, trên đầu có cái vạc nước đồng sôi, bốc lửa cháy hừng hực, nước đồng sôi chảy tràn ra tứ phía, chảy khắp thân thể, chúng sanh ấy nương hư không mà đi mãi không nghỉ.

Ngài Mục Liên hỏi Phật: Chúng sanh ấy vì tội gì mà phải chịu khổ như thế

Phật đáp

Người ấy đời xưa làm Tri sự ở chùa, Đàn việt cúng dầu thắp, Tri sự không chia cho khách tăng. Đợi các thày khách tăng đi rồi sau đó mới chia cho các thày thường ở trong chùa.

Vì nhơn duyên ấy nên nay người ấy mắc phải tội như vậy.

– Lại có một chúng sanh bị các hoàn sắt cháy đỏ hừng hực, từ trên đầu mà vào, từ dưới chân mà ra; nương hư không mà đi người ấy đau khổ vô cùng, không thề chịu được.

Ngài Mục Liên hỏi Phật: Chúng sanh ấy vì tội gì mà phải chịu khổ như vậy?

Phật đáp rằng:

Người ấy đời trước làm ông Sa di có trộm bảy trái me ([6]) trong vườn chúng tăng. Sau khi chết rồi, Sa di ấy đã chịu vô lượng khổ trong địa ngục. Nay nghiệp báo chưa hết, hãy còn dư ươn, nên phải chịu khổ như vậy.

– Lại có một con cá lớn, một thân trăm đầu, mỗi đầu một khác, bị sa vào lưới người.

Thế Tôn thấy vậy bèn nhập định “Từ tâm Tam muội” gọi con cá ấy. Cá ấy tức thời ứng khẩu trả lời.

Thế Tôn hỏi cá:

– Mẹ ngươi ở đâu?

– Mẹ tôi làm con trùng rúc trong nhà xí!

Phật bảo các tỳ kheo: Lúc Phật Ca Diếp ra đời, con cá lớn nầy làm vị Tam tạng Tỳ kheo; vì ác khẩu nên chịu quả báo nhiều đầu. Mẹ nó bấy giờ thọ hưởng lợi dưỡng của nó, nên đọa làm con trùng rúc trong cầu tiêu.

Phật dạy tiếp rằng: – Mắc phải báo ấy đều do chúng sanh ác khẩu, nói lời thô tháo cứng xẳng, tuyên truyền bỉ thử, làm cho hai bên tranh đấu loạn lạc lẫn nhau. Chết rồi vào địa ngục, bị ngục tốt đốt đỏ cái bề sắt (?) trong ngoài nóng đỏ như nước đồng sôi để nung cái lưỡi người có tội. Quỉ lại đốt đỏ móc sắt, móc có ba lưỡi sắt bén như mũi nhọn để đoạn cái lưỡi của tội nhơn. Lại kéo dài cái lưỡi ra như trâu kéo cày.

Lại đốt đỏ cái chày sắt dộng vào yết hầu, trải qua ngàn vạn kiếp. Tội hết mới ra khỏi địa ngục, làm loài chim muông.

Phật dạy: “Nếu có chúng sanh nào đàm luận việc vua chúa, chánh trị, cha mẹ và sư trưởng, thì tội lại còn nặng hơn.

Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng nghe Phật dạy lời ấy, rất đáng sợ hãi. Bấy giờ Đại chúng đã thấy rõ ràng: thiện ác hai đường không sai, tội phước và quả báo chắc thật, quyết định không còn nghi ngờ gì nữa.

Vậy nên hết lòng hổ thẹn, siêng năng tu hành, cầu xin sám hối. Đại chúng đã cùng nhau xem kinh, đã đồng thấy những việc như trên, nếu không cố gắng, lười biếng muốn thối lui thì việc tu hành không do đâu có kết quả.

Ví như người nghèo thiếu lòng thèm khát các vị cao lương mà thật tế không có một vị nào rốt cuộc cũng không có ích gì cho sự thèm khát khổ não kia.

Cho nên biết rằng: người nào muốn cầu có pháp môn nhiệm mầu thù thắng, muốn độ thoát hết thảy chúng sanh, người ấy không thể nói suông rằng: tôi chỉ tu tâm mà được. Người ấy cần phải có tâm mà cũng cần phải thật hành bằng sự tướng nữa mới được. Cần phải có sự có lý. Sự lý đi đôi công việc mới có kết quả hoàn toàn, thành tựu viên mãn.

Vậy nên Đại chúng phải nỗ lực tinh tấn tu hành cầu xin sám hối. Cùng nhau chí tâm tha thiết, đầu thành đảnh lễ Tam bảo. Nguyện xin thay thế hết thảy chúng sanh trong đường địa ngục, đường ngã quỉ, đường súc sanh và đường nhơn loại mà cầu xin sám hối.

Lại nguyện vì cha mẹ, sư trưởng thiện ác tri thức và cùng hết thảy bà con mà cầu xin sám hối. Những tội đã làm rồi nguyện xin trừ diệt. Những tội chưa làm thề không dám làm.

Nhất tâm đảnh lễ quy y Thế gian Đại Từ Bi Phụ:

Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Thích Ca Mâu ni Phật
Nam mô Đề Sa Phật
Nam mô Minh Diệu Phật
Nam mô Trì man Phật
Nam mô Công đức minh Phật
Nam mô Thị Nghĩa Phật
Nam mô Đăng Diệu Phật
Nam mô Hưng Thịnh Phật
Nam mô Dược Sư Phật
Nam mô Thiện Nhu Phật
Nam mô Bạch Hào Phật
Nam mô Kiên cố Phật
Nam mô Phước oai đức Phật
Nam mô Bất khả hoại Phật
Nam mô Đức Tướng Phật
Nam mô La Hầu Phật
Nam mô Chúng chủ Phật
Nam mô Phạm Thanh Phật
Nam mô Kiên Tế Phật
Nam mô Bất Cao Phật
Nam mô Tác Minh Phật
Nam mô Đại Sơn Phật
Nam mô Kim Cang Phật
Nam mô Tương chúng Phật
Nam mô Vô úy Phật
Nam mô Trân Bảo Phật
Nam mô Sư tử Phan Bồ tát
Nam mô Sư tử Tác Bồ tát
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát


Lại quy y như vậy mười phương, tận hư không giới hết thảy Tam bảo. Nguyện xin Tam bảo dùng đại từ bi lực, đại trí huệ lực, vô lượng tự tại thần lực không thề tư nghị; độ thoát nhất thế chúng sanh lực, trong lục đạo, diệt trừ hết thảy đau khổ cho chúng sanh trong lục đạo; khiến các chúng sanh ấy đoạn trừ hết tội nghiệp trong ba đường ác; rót ráo không tạo năm tội nghịch; không tạo mười ác nghiệp nữa. Từ nay trở đi các chúng sanh ấy không sanh vào chỗ khổ báo, được sanh về Tịnh độ; bỏ mạng sống khổ báo được mạng sống trí huệ; bỏ thân khổ báo được thân kim cang; bỏ khổ ác thú được vui Niết bàn; nhớ khổ trong ác thú, phát tâm Bồ đề. Bốn vô lượng tâm, sáu ba la mật thường được hiện tiền. Bốn vô ngại biện, sáu sức thần thông được tự tại như ý, dõng mãnh tinh tấn, không thôi không nghỉ, và thắng tấn tu hành đến khi mãn hạnh thập địa, trở lại độ thoát hết thảy chúng sanh.




Chú thích



[1] Chiêu đề: Của thuộc 10 phương Tăng, do người thí, chỉ có nguyện cúng chung cho chúng Tăng ở khắp 10 phương, ai gặp thì dùng. Cất mà dùng riêng là sai với bản nguyện của thí chủ. Nếu thí chủ chỉ nguyện cúng cho chúng hiện tiền ở trong chùa, thì chúng hiện diện ở đó có quyền xử dụng.

[2] Ba chướng: 1- Phiền não chướng. 2- Nghiệp chướng. 3- Khổ báo chướng. Vì phiền não tham, sân, si thúc đẩy nên tạo nghiệp, do tạo nghiệp nên bị quả báo đau khổ.

[3] Năm sợ hãi: Bồ tát sơ học phát tâm có năm món sợ:

1- Sợ không sống: nên có của không thể thí hết vật sở hữu. 2- Sợ tiếng xấu: Vì sợ xấu nên không thể chung sống với chúng sanh mà tu (hòa quang đồng trần). 3- Sợ chết: Tuy phát tâm rộng lớn nhưng sợ chết, nên không thể xả thân. 4- Sợ đọa ác đạo: Vì sợ chết đọa đường ác nên đối trị các pháp bất thiện không dám làm để lợi ích chúng sanh. 5- Sợ oai đức của Đại chúng: Vì sợ có đông người hay sợ người có oai đức nên đối cảnh ấy không dám làm như Sư tử hống để lợi ích chánh pháp.

[4] Tám giải thoát: 1- Tưởng nội sắc thân mà quán ngoại sắc giải thoát. 2- Tưởng nội vô sắc thân mà quán ngoại sắc giải thoát. 3- Tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trú giải thoát. 4- Không vô biện xứ giải thoát. 5- Thức vô biên xứ giải thoát. 6- Vô sở hữu xứ giải thoát. 7- Phi tưởng, phi phi tưởng xứ giải thoát. 8- Diệt thọ tưởng định thân tác chứng cụ túc trú giải thoát.

[5] Bốn hoằng thệ: 1- Chúng sanh không số lượng, thệ nguyện độ hết. 2- Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch. 3- Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học. 4- Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện đều viên thành.

[6] Bảy trái me: Có người nghi bảy trái me không đáng gì, mà đọa địa ngục nên không tin. Họ không biết bảy trái me hay bảy lượng vàng cũng do một tâm ăn trộm. Me, vàng khác nhưng cái tâm ăn trộm chỉ một, nên tâm làm chủ động si ám nên đọa địa ngục là chỗ tối tăm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567