- 01. Con Chó Khôn Ngoan
- 02. Mùa An Cư thứ tám
- 03. Một Số Giới Điều Cần Thiết
- 04. Hiện Tại Pháp Lạc
- 05. Về Hơi Thở
- 06. Chỉ Việc Thở Thôi
- 07. Hóa Độ Du Sĩ Magandiya
- 08.Ôi! Chàng Gọi Chúng Em Là Những Bà Chị!
- 09. Cô Bé Visākhā
- 10. Thế Nào Là Một Bà-La-Môn Chân Chính?
- 11. Bà Phu Nhân Xinh Đẹp
- 12. Bài Học Về Vườn
- 13. Bậc Chư Thiên Ái Kính
- 14. Bài Học Về Rừng
- 15. Đại Thần Chú
- 16.Thêm Một Gia Chủ Hữu Danh
- 17. Khúc Thán Ca Vô Thường Bất Hủ
- 18. Chiếc Lá Đắng
- 19. Hạt Giống Hy Hữu
- 20. Tu Hạnh Chó Và Hạnh Bò
- 21. Vị Thánh Bảy Năm Trong Bình Máu
- 22. Những Người Bạn Cũ
- 23. Chiếc Phao Phước Báu
- 24. Sa-Môn Đầu Trọc
- 25. Hóa Độ Bà-La-Môn
- 26. Lại Nhiếp Hóa Bà-La-Môn Nữa
- 27. Chuyện Tỳ-Khưu Nanda
- 28. Sắc Đẹp Hoa Sen
- 29. Cảm Hóa Cô Dâu Hư!
- 30. Bậc Chiến Thắng Bất Diệt
- 31. Đặc Tính Của Biển Lớn
- 32. Người Đàn Tín Hộ Trì Tối Thượng
- 33. Một Doanh Gia Thành Đạt
- 34. Đức Hạnh Nhẫn Nhục Của Tỳ-Khưu Puṇṇa
- 35. Một Nghệ Sĩ Kỳ Lạ
- 36. Vị Thánh Trong Bụng Cá
- 37. Những Câu Hỏi Vớ Vẩn !
- 38. Rāhula Ngủ Trong Nhà Xí
- 39. Voi, Lừa Và Đa Đa
- 40. Tấm Gương Học Tập Của Rāhula
- 41. Bài Học Của Nai Tơ
- 42. Cô Thị Nữ Lưng Gù
- 43. Mùa An Cư thứ chín
- 44. Như Thớt Voi Giữa Trận Tiền
- 45. Gà Sống, Gà Chết
- 46. Mũi Tên “Phản Nghịch”
- 47. Giẻ Rách Cũng Hữu Dụng
- 48. Ngọn Lửa Hận Thù
- 49. Báo Ứng
- 50. Nghiệp Nhân Từ Quá Khứ
- 51. Giọt Nước Cặn Trong Gáo Vệ Sinh
- 52. Chuyện Đàn Chim Cun Cút
- 53. Không Hận Thù Mới Dập Tắt Được Hận Thù
- 54. An Lạc Của Hạnh Độc Cư
- 55. Như Nước Với Sữa
Bài Học Của Nai Tơ
Rời công viên Badarikārāma, hướng về Kosambī, đức Phật nghe chư tăngi nhóm này nhóm kia cứ nhắc lại tấm gương học tập của Rāhula, lúc ngồi nghỉ dưới rừng cây, ngài nói:
- Này chư tỳ-khưu! Cái tánh của con người, của chúng sanh thường do thói quen được huân tập của nhiều đời kiếp, rất nhiều đời kiếp. Ví dụ những tánh xấu như: Tánh tham ăn, tánh trộm vặt, tánh ưa chém giết, tánh tham tài, tánh tham sắc, tánh ưa được nổi tiếng, tánh ngu si, tánh làm biếng, tánh ưa gây gổ, tánh ưa tranh cãi, tánh hay giành giật, tánh hay gian lận, tánh thích ngồi mát ăn bát vàng, tánh hay nói xấu người, tánh ngồi lê đôi mách, tánh ưa thêu dệt, tánh thích châm chọc, tánh hung dữ, tánh nhiều ganh ghét, đố kỵ, tánh bợ đỡ, nịnh hót, tánh ham ngủ... Và những tánh tốt như: Tánh ăn uống chừng mực, tánh không lấy cắp của người, tánh ngại chém giết, đao trượng, tánh biết đủ, tánh ngại nữ sắc, tánh không ham danh, không hiếu lợi, tánh khôn ngoan, thông minh, tánh siêng năng, tháo vát, tánh cần kiệm, biết lo xa, tánh rộng rãi, thương người hay bố thí, thích giúp đỡ, san sẻ cho người khác, tánh thật thà, tánh khiêm tốn, biết nhường nhịn, tánh không ăn vặt, tánh im lặng, ít nói, tánh chỉ nói cái tốt của người, không nói xấu người, tánh ưa ẩn dật, không thích khoe khoang giữa đám đông, tánh hiền lành, tánh cương trực, tánh đôn hậu, tánh hy sinh, tánh dễ dạy, tánh tinh cần, tánh ham học, tánh ham hiểu biết...
Những cái tánh ấy, tốt và xấu, nó đã ăn sâu ngủ kỹ trong dòng tâm, dòng nghiệp của chúng sanh; nhất là những tánh xấu thì trong một đời, hai đời, ba đời... đôi khi không thay đổi được, không chuyển hóa được. Còn nếu là tánh tốt thì mãi được tăng trưởng thêm, phát triển thêm cũng là lẽ thường.
Như trường hợp của Rāhula, ham học và ham hiểu biết không phải chỉ mới có bây giờ, trong kiếp hiện tại này, mà đã từ rất lâu xưa, trong quá khứ, Rāhula cũng đã từng ham học hỏi, ham hiểu biết như vậy...
Khi chư tỳ-khưu muốn nghe chuyện quá khứ, nhân và quả của cái tánh “ham học hỏi, ham hiểu biết” kia, đức Phật đã kể lại như sau:
- Thuở xa xưa ấy, có một con nai chúa, thống lĩnh và chăm sóc một đàn nai lớn mấy trăm con, vây quanh một khu rừng và một bình nguyên lớn rộng.
Nai chúa có một bà chị là một con nai cái, rất tin tưởng trí tài và sự khôn ngoan của em mình; nên sau khi sinh được một chú nai tơ, nai mẹ dẫn con đến nai chúa, nói rằng:
- Này em! Em hãy chịu khó dạy cho cháu về trí tài và sự khôn ngoan của loài nai! Nếu nó học được chỉ một phần mười sáu ở nơi em thôi thì nó sẽ đầy đủ bản lãnh đi đây, đi đó, tự bảo vệ được mình khỏi những tên thợ săn gian manh, quỷ quyệt!
- Được rồi! Chị hãy về đi và yên tâm đi, em sẽ lo cho cháu học hành một cách chu đáo.
Thế rồi, từng buổi chiều, từng buổi chiều, đúng thời, đúng khắc như vậy, ra tại bãi cỏ như vậy, nai chúa dạy bảo ra sao được nai tơ tuân thủ một cách nghiêm túc, không bao giờ tỏ ra lơ là, chểnh mảng giờ giấc cũng như sự học hành.
Bài học đầu tiên: Cháu hãy nằm một bên hông, không vùng vẫy, chân duỗi ra một cách tự nhiên... giả vờ như chết rồi, dẫu xung quanh xảy ra chuyện gì cũng không được mở mắt, không được thay đổi oai nghi!
Nai tơ tuân lời làm theo. Bài học đạt điểm xuất sắc, vì nai chúa đã tìm cách cho một số nai khác khua động ầm ĩ ở xung quanh, nhưng nai tơ vẫn nằm yên lặng, không mở mắt, không có một dấu hiệu của sự sống.
Bài học thứ hai: Lấy móng chân cào đất ngay tại chỗ rồi tìm cách hất những bụi cỏ rơi vãi lung tung, làm sao trông giống như sự tuyệt vọng, sự vùng vẫy đuối sức trước khi chết!
Bài học này cũng đạt điểm tốt nhưng chưa xuất sắc do một vài đám cỏ cào xới trông không được tự nhiên, nai chúa phải chỉnh lại một đôi chỗ.
Bài học thứ ba: Tập đại tiện, tiểu tiện...
Nai tơ ngạc nhiên:
- Làm sao khi không lại có thể đi đại tiện, tiểu tiện được, thưa chú?
- Không biết! Phải tập! Tập sao mà khi cần thì phải đại tiện tiểu tiện được mới hay!
Thế là suốt một tuần lễ, nai tơ mới học được bài học khó khăn này.
Bài học thứ tư: Tập nín thở càng lâu càng tốt, nhưng phải biết giữ hơi bên trong, làm sao cho bụng trương phình lên.
Bài học này cũng khó nên ba hôm sau, nai tơ mới làm được.
Bài học thứ năm: Tập thở chỉ một lỗ mũi phải, rất nhẹ, sau đó tập thở với chỉ một lỗ mũi trái, rất nhẹ; trợn mắt và le lưỡi, sau đó làm sao căng toàn thân cứng đờ ra như một xác chết.
Bài học này rất khó nhưng sau một tuần lễ, nai tơ thực tập được.
Thế rồi, hôm bế mạc lớp học, nai chúa còn ân cần dạy bảo thêm:
- Đừng đi đến những nơi có loài người, có vườn tược, ruộng đồng của loài người vì đấy không phải là nơi an toàn cho loài nai. Nên tránh xa chỗ loài người thường hay lui tới; luôn cẩn thận quan sát trước mặt, bên phải, bên trái; để ý cái gì có móc, có vòng, những thanh tre, thanh gỗ có vẻ bất thường, thiếu tự nhiên vì đấy có thể là bẫy sập của thợ săn. Nhưng nếu lỡ bị sập bẫy, phải bình tĩnh, đừng có sợ hãi, rồi thực tập những bài học giả chết như đã học, tên thợ săn ngu ngốc tưởng là nai chết thật rồi, cởi dây trói hoặc tháo vòng sắt ra, thế là con phóng vọt đi, thoát nạn.
Nai tơ rất chịu khó nghe lời rồi thực tập tới lui rất chăm chỉ, rất thuần thục.
Hôm kia, nai tơ vô ý bị bẫy sập, nó thảng thốt kêu lên, đàn nai bỏ chạy về báo lại cho mẹ nó. Bà mẹ đến nai chúa và hỏi:
- Không biết cháu nó đã học được sự khôn ngoan của loài nai thông thạo chưa?
Nai chúa nói:
- Chị yên trí. Em dạy một, nó học được hai. Sẽ không có điềm dữ đâu. Chị cứ đợi và mỉm cười, chưa tới trưa mai, cháu sẽ trở về ngay thôi!
Rồi nai chúa đọc lên một bài kệ:
“- Nai duỗi chân, tập nằm
Biết cào đất tám móng
Biết vấy cỏ lên mình
Biết đại tiện, tiểu tiện
Sình hôi và dơ dáy
Lỗ mũi trái thở nhẹ
Lỗ mũi phải thở nhẹ
Với thân thể cứng đơ
Trợn mắt và le lưỡi
Kiến ruồi đến bu quanh
Đúng xác chết thật rồi
Vậy là nai thoát nạn!”
Và đúng như nai chúa nói. Khi bị sập bẫy, nai thực tập những điều đã học. Sáng hôm sau, tên thợ săn đi đến thấy một xác chết hôi hám, bụng phình trương, cứng đờ, kiến ruồi bu quanh, mấy con quạ lượn lờ kêu quang quác; ông lấy tay vỗ bụng nó, nói rằng: ‘Mới dính bẫy đó mà sao mày lại sình thối rồi? Vậy thì tao sẽ nướng thịt ngay tại đây rồi mang về nhà!’ Người thợ săn mở dây, gỡ kẹp cho nai. Xong, ông bắt đầu đi kiếm cây khô, cành khô để chuẩn bị nướng nai. Trong lúc đó thì nai tơ trỗi dậy, đứng vững vàng bốn chân, vươn cổ rồi như một đám mây vàng bị gió lớn thổi tan, nó phóng rất nhanh, qua rừng, về với bầy đàn, thoát nạn!
Kể chuyện xong, đức Phật nói:
- Nai chúa chính là Như Lai đấy, và nai tơ chính là Rāhula bây giờ. Thuở xưa nó cũng ham học lắm, ham học đã trở thành cái tánh tốt của nó. Vậy chư tỳ-khưu hãy cố gắng huân tập những tánh tốt, nếu chưa đạt đạo quả thì cũng tích lũy được rất nhiều lợi lạc an vui trong các cõi trời và người.
Có vị tỳ-khưu chợt hỏi:
- Vậy nai mẹ là ai, bạch đức Tôn Sư?
- À, là tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā hiện nay đó!