- 01. Con Chó Khôn Ngoan
- 02. Mùa An Cư thứ tám
- 03. Một Số Giới Điều Cần Thiết
- 04. Hiện Tại Pháp Lạc
- 05. Về Hơi Thở
- 06. Chỉ Việc Thở Thôi
- 07. Hóa Độ Du Sĩ Magandiya
- 08.Ôi! Chàng Gọi Chúng Em Là Những Bà Chị!
- 09. Cô Bé Visākhā
- 10. Thế Nào Là Một Bà-La-Môn Chân Chính?
- 11. Bà Phu Nhân Xinh Đẹp
- 12. Bài Học Về Vườn
- 13. Bậc Chư Thiên Ái Kính
- 14. Bài Học Về Rừng
- 15. Đại Thần Chú
- 16.Thêm Một Gia Chủ Hữu Danh
- 17. Khúc Thán Ca Vô Thường Bất Hủ
- 18. Chiếc Lá Đắng
- 19. Hạt Giống Hy Hữu
- 20. Tu Hạnh Chó Và Hạnh Bò
- 21. Vị Thánh Bảy Năm Trong Bình Máu
- 22. Những Người Bạn Cũ
- 23. Chiếc Phao Phước Báu
- 24. Sa-Môn Đầu Trọc
- 25. Hóa Độ Bà-La-Môn
- 26. Lại Nhiếp Hóa Bà-La-Môn Nữa
- 27. Chuyện Tỳ-Khưu Nanda
- 28. Sắc Đẹp Hoa Sen
- 29. Cảm Hóa Cô Dâu Hư!
- 30. Bậc Chiến Thắng Bất Diệt
- 31. Đặc Tính Của Biển Lớn
- 32. Người Đàn Tín Hộ Trì Tối Thượng
- 33. Một Doanh Gia Thành Đạt
- 34. Đức Hạnh Nhẫn Nhục Của Tỳ-Khưu Puṇṇa
- 35. Một Nghệ Sĩ Kỳ Lạ
- 36. Vị Thánh Trong Bụng Cá
- 37. Những Câu Hỏi Vớ Vẩn !
- 38. Rāhula Ngủ Trong Nhà Xí
- 39. Voi, Lừa Và Đa Đa
- 40. Tấm Gương Học Tập Của Rāhula
- 41. Bài Học Của Nai Tơ
- 42. Cô Thị Nữ Lưng Gù
- 43. Mùa An Cư thứ chín
- 44. Như Thớt Voi Giữa Trận Tiền
- 45. Gà Sống, Gà Chết
- 46. Mũi Tên “Phản Nghịch”
- 47. Giẻ Rách Cũng Hữu Dụng
- 48. Ngọn Lửa Hận Thù
- 49. Báo Ứng
- 50. Nghiệp Nhân Từ Quá Khứ
- 51. Giọt Nước Cặn Trong Gáo Vệ Sinh
- 52. Chuyện Đàn Chim Cun Cút
- 53. Không Hận Thù Mới Dập Tắt Được Hận Thù
- 54. An Lạc Của Hạnh Độc Cư
- 55. Như Nước Với Sữa
Con Chó Khôn Ngoan
Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm, tìm cách bỏ đi nơi khác, trong đó có gia đình hai vợ chồng và một đứa con nhỏ. Trên quãng đường hành trình gian lao vất vả, chẳng tìm đâu ra cái ăn, họ lây lất tấm thân tàn, dường như sắp chết đến nơi, lạc vào một trại nuôi súc vật. Người chủ trại hỏi ra, biết họ nhịn đói đã nhiều ngày nên thương tình làm cơm sữa cho ba người ăn tùy thích! Người chồng, suốt dọc đường, vì có cái gì đều nhường cho vợ, cho con nên bị cái đói hành hạ nhiều hơn. Được cho ăn đồ ngon, không kềm chế được, người chồng đã ăn quá nhiều nên bị trúng thực rồi mạng chung ngay đêm đó. Trước khi mất, oan nghiệt thay, người chồng nhìn thấy con chó cái của chủ trại, to lớn, đẫy đà do được thực phẩm đầy đủ, sung mãn đang chơi trò chơi vợ chồng với một con chó đực cũng to lớn, nung núc thịt và mỡ. Chỉ một khởi niệm luyến ái, yêu thích con chó cái (hâm mộ, ước ao vật thực đầy đủ) thì tức khắc, thức tái sanh nhập vào thai bào con chó ấy!
Đủ tháng, đủ ngày, chó mẹ sinh ra một chú chó đực xinh xắn, dễ thương, khôn ngoan, dễ dạy (do mới từ cõi người sinh ra)! Được mấy tháng tuổi, chú chó con lớn như thổi, càng lớn, càng khôn, chủ nói gì nó biết đấy, do vậy, đi đâu, chủ trại nuôi gia súc thường dẫn nó đi theo.
Một hôm có một vị đạo sĩ (vốn là một vị Độc Giác Phật) đến nhà chủ trại để khất thực. Chủ nhà thành kính cúng dường vật thực thượng vị, lại còn thỉnh mời ngài để được đặt bát hằng ngày. Nơi ngụ cư của vị đạo sĩ là một hang đá trong một ngôi rừng vắng, không gần mà cũng không xa làng xóm bao nhiêu. Vào mỗi buổi chiều, lúc rảnh rỗi, ông chủ trại thường đến chỗ đạo sĩ, vấn an sức khỏe, nghe pháp hoặc cúng dường thêm dầu đèn, một vài loại thuốc cảm sốt, ho, nhức đau thông thường do thời khí hoặc hơi đá, sương mù, gió độc. Và lúc nào cũng có chú chó con đi theo. Ông chủ trại thông minh, linh mẫn đã biết cách huấn luyện chú chó mỗi lần đi hay về đến hang đá thăm vị đạo sĩ. Trên đường đi, nơi nào có bụi rậm, có một hang hốc sâu, ông chủ trại lấy một hòn đá ném vào và giả vờ kêu la, vỗ tay, đập chân ầm ĩ; con chó tinh minh, biết ý chủ nên nó sủa theo. Làm vậy, cốt ý là đuổi thú dữ! Năm bảy lần thành quen, thành quán tính, các lần đi và về sau, không cần chủ ném đá nữa, hễ cứ thấy bụi rậm, hang hốc sâu là chú chó cứ cong đuôi sủa ầm ĩ, sủa vô hồi kỳ trận; và chắc hẳn rằng, có thú dữ nào ở trỏng, chắc phải trốn biệt hoặc chạy mất tiêu.
Thấy việc huấn luyện chú chó thuần thục rồi, hôm kia đến thăm đạo sĩ, người chủ trại nói rằng: “Lúc nào con chó này đến đây một mình, nó sủa lên thì xin đạo sĩ cứ hiểu cho là nó thay mặt con, thỉnh ngài về nhà để đặt bát cúng dường!”
Thế là bắt đầu từ đây, chú chó thường thay mặt chủ trại. Khi được chủ ra dấu hiệu chỉ tay vô rừng, là nó cong đuôi, mừng rỡ chạy đi. Hễ ngang qua những bụi rậm, những hang hốc... thì nó nhớ bài học, châu mỏ sủa loạn cả lên. Đến hang đá nơi đạo sĩ ở, nó cũng sủa từ ngoài xa, đến khi thấy được đạo sĩ rồi, nó sủa ba tràng nữa, rồi nằm bẹp bên chân đạo sĩ, ve vẩy đuôi, liếm chân hoặc đưa mắt hiền lành, trong sáng nhìn đạo sĩ như cố ý chờ đợi. Hiểu ý, đạo sĩ xoa đầu nó một cách rất trìu mến rồi với y bát, với gậy cầm tay lên đường. Thế là con chó chạy trước, đến các chỗ rậm, sủa, làm công việc an ninh, dọn đường mới trở lại dẫn đạo sĩ đi tiếp. Đến nhà chủ trại, sau khi nhận đầy đủ vật thực, đạo sĩ ôm bát trở lại hang thì chú chó cũng cần mẫn, tận tụy làm công việc “vệ sĩ”của mình rất mực chu đáo! Và bao giờ cũng vậy, phần vật thực còn thừa, loại cứng loại mềm, chú chó được hưởng phần “tàn thực” một cách rất ngon lành!
Cứ thế, thời gian trôi qua, sau mấy tháng an cư, khi người chủ trại dâng cúng y áo, vật dụng tứ sự, đạo sĩ (vị Độc Giác Phật) phải lên đường, du phương hóa độ người hữu duyên.
Từ khi vị đạo sĩ ra đi, con chó ngày ngày nằm bên ngưỡng cửa, nhìn vào rừng, mắt buồn rười rượi. Vài ba lần, nó vào ra hang núi, lùng sục, kiếm tìm, thất vọng, trở về, bỏ ăn bỏ uống! Người chủ trại lo lắng, vuốt ve trìu mến, đưa thức ăn ngon tận miệng, nhưng nó cũng không chịu ăn. Mười hôm sau thì con chó chết, tức khắc hóa sanh làm một vị thiên tử ở cõi trời Tāvatiṃsa. Đặc biệt vị trời này không những cao sang, chói sáng mà còn có giọng nói ngân vang, du dương, trầm bổng không ai bì nên có tên là thiên tử Ghosaka(1). Hết phước báu cõi trời, thời hiện tại này, Ghosaka sinh vào thai bào của một cô kỹ nữ. Sợ ảnh hưởng đến nghề nghiệp của mình, nên vừa sinh ra, cô kỹ nữ đã đem quăng đứa trẻ nơi một đống rác bên vệ đường.
Sớm hôm ấy, người làm công cho một vị đại phú hộ đi ngang, thấy một bầy bồ câu quây quần, xúm xít xung quanh một vật lạ. Tò mò, đến xem thì ông thấy một hài nhi còn đỏ hỏn, được bầy bồ câu bảo vệ chu đáo; nghĩ đây là điềm triệu lạ thường, đứa hài nhi có thể là quý nhân trong tương lai nên ẵm bồng về nhà để nuôi dưỡng.
Vị đại phú hộ là chủ ngân khố của triều đình, làm chủ tất cả các nghiệp đoàn thương mãi tại kinh thành Kosambī, ở cạnh ông luôn túc trực một lão bà-la-môn giỏi về chiêm tinh, thiên văn, thuật số... Sáng hôm ấy, vị đại phú hộ hỏi vị cố vấn, tham mưu của mình rằng:
- Ngài đoán quẻ, xem thử trong ngày hôm nay, tại kinh thành có chuyện lạ thường gì xảy ra không?
Lão bà-la-môn sau khi gieo quẻ nói rằng:
- Mọi việc đều bình thường, duy có một điều lạ, hài nhi nào sinh ra trước giờ sao mai mọc sớm hôm nay, sau này sẽ phú quý, danh vọng, địa vị... không kể xiết được!
Vị đại phú hộ mỉm cười hỏi:
- Thế thì có bằng ta hiện nay không?
- Hơn, hơn nhiều! Nếu không muốn nói, khi vị này có mặt thì ngài sẽ bị lu mờ như ánh sáng ngôi sao so với ánh sáng đom đóm vậy!
Giật mình, lo lắng, vị đại phú hộ tức tốc cho hằng chục gia nhân lùng sục khắp kinh thành, xem thử có đứa trẻ nào sinh ra sớm hôm nay, trước giờ sao mai thì với giá nào cũng phải mua về cho bằng được! Khi biết đấy là đứa hài nhi còn đỏ hỏn mà người làm công của mình vừa nhặt được, ông đã trả một ngàn đồng tiền vàng māsaka đem về nuôi dưỡng. Tự nghĩ: “Vợ ta, ít hôm nữa thì đến ngày sinh. Nếu là gái thì ta sẽ nhận đứa trẻ này làm con. Nếu là trai – thì ta sẽ giết chết đứa trẻ này để trừ hậu hoạn sau này nó sẽ tranh đoạt ngôi vị phú quý, giàu sang và địa vị của ta!”
Quả thật vậy, ba hôm sau, vợ ông sinh được con trai; ông bèn cho người bỏ đứa hài nhi đầu cổng trại nuôi gia súc, nơi mấy trăm con bò vô ra hằng ngày, với ý nghĩ: “Ta được học hỏi từ giáo chủ Ni-kiền-tử rằng, thân nghiệp tội nặng hơn ý nghiệp. Vậy ta sẽ không đích thân ra tay giết chết nó mà chỉ sai người đặt nó ở đó thôi!”
Người chăn bò, khi mở cổng lùa đàn bò ra khỏi chuồng chợt thấy một con bò mẹ to lớn, đứng bốn chân vững chắc như bốn trụ đồng, dường như cố ý bảo vệ vật gì bên dưới. Tò mò đến xem, thì thấy một đứa trẻ. Tự nghĩ: “Thật lạ lùng! Con bò mẹ này đã có linh tính gì đấy, đứng bảo vệ đứa trẻ vì sợ các con bò khác đụng nhằm hoặc dẫm đạp chết. Vậy đứa trẻ này, không phải là một con người tầm thường, ta phải đem về để nuôi dưỡng, sau này sẽ có chỗ nhờ cậy!”
Chiều hôm đó, ông đại phú hộ cho người đi xem thử đứa bé đã bị đàn bò dẫm đạp chết chưa? Khi biết là còn sống do người chăn bò đã mang về nhà, ông đại phú hộ lại phải tốn thêm một ngàn đồng māsaka nữa. Rồi lần này ông cho mang ra quăng tại nghĩa địa, nơi thường có hằng trăm dê, cừu ăn cỏ và hằng trăm kên kên, diều hâu tìm kiếm xác chết, săn bắt các động vật nhỏ như chồn, cáo, thỏ... Lần này thì đứa trẻ được một con dê cái to lớn nằm ôm và bảo vệ, liếm đầu, liếm tóc rất ư là thâm thiết, lại còn tìm cách cho trẻ bú no nê bầu sữa của mình nữa! Người chăn dê thấy hiện tượng lạ lùng lại đem về nuôi!
Rồi còn nữa, tiếp theo là quăng vào giữa xa lộ thương mãi thường có hằng trăm đoàn xe có bò hoặc ngựa kéo, chuyển tải hàng hóa phương này sang phương khác. Hai con bò dẫn đầu đoàn xe, thấy trẻ bèn dừng lại không chịu đi. Người chủ chiếc xe đem về nuôi. Ông đại phú hộ lại tốn thêm một ngàn đồng māsaka, cho đến một ngàn đồng kahāpaṇa, người chủ xe mới cho nhượng lại. Tức giận quá, lần này thì ông cho quăng trẻ xuống vực sâu cho tan xác nhưng lại được lau sậy nâng đỡ! Người tiều phu lại nhặt được.
Biết là mệnh trời hoặc phước báu của trẻ bảo vệ, ông đại phú hộ đành phải mang về nuôi dưỡng chung với con trai của mình!
Hai trẻ lớn lên rất thương yêu nhau, bao giờ con ông đại phú hộ vẫn xem Ghosaka là anh. Trong khi vui chơi hoặc trong khi học hành, Ghosaka luôn chứng tỏ sự thông minh, sáng dạ, khôn ngoan và khéo léo hơn con trai ông đại phú hộ. Còn nữa, Ghosaka luôn tỏ ra lễ phép, lễ độ, dễ dạy, dễ bảo và chưa hề làm ông phải mếch lòng về điều gì! Đối với cả đại gia đình, người làm, kẻ ở, bạn hữu, quyến thuộc... ai cũng yêu thích và cảm mến Ghosaka hơn con trai ông chủ. Chính vì vậy ngày càng làm cho ông chủ bực mình, khó chịu; sự thù hận như tro than cứ âm ỉ cháy mãi ở trong lòng. Hôm kia, không chịu nổi, ông chủ suy nghĩ mưu kế giết trẻ.
Ngoại ô thành phố có một chủ lò gốm, vốn là người làm công thuở trước của ông, mang ơn ông rất sâu nặng. Ông tìm đến, sau khi thăm hỏi xã giao, ân cần nắm tay ông chủ lò gốm, rồi nhờ một việc. Ông nói nhỏ vừa đủ nghe:
- Tôi có đứa con nuôi, nó ngỗ nghịch, hoang tàn, bất hiếu, cứng đầu, khó dạy, sau này sẽ là hiểm họa cho gia đình, họ tộc. Tôi nhờ ông làm ơn ra tay giết nó giúp. Ở đây có rất nhiều lò lửa cháy đỏ rực, quăng nó vào trong là xương thịt thành tro ngay, ma không biết, quỷ không hay! Ông làm được việc ấy là bảo vệ được gia sản và thanh danh gia đình tôi sau này. Tôi nhớ ơn ông. Bây giờ ông nhận trước một ngàn đồng tiền vàng kahāpaṇa, xong xuôi công việc, tôi sẽ đền trả thêm bằng ngân lượng như vậy nữa.
Ban đầu, ông chủ lò gốm chần chừ, nhưng thấy số tiền cả đời ước mơ cũng không thấy, nên tối mắt, gật đầu ưng thuận. Cả hai to nhỏ ra dấu hiệu, bày mưu kế thực hiện.
Đúng ngày hẹn, ông đại phú hộ kêu Ghosaka đến bên:
- Này con thân! Cha có đặt ở nhà thợ lò gốm một số bình, chậu đặc biệt để tiến cung. Bây giờ, con đi ngay đến đó xem thử số hàng ấy đã được thực hiện xong chưa?
Ông chủ chỉ đường. Nghe lời, cậu bé Ghosaka ngoan ngoãn chạy đi. Ra đến đầu ngõ, Ghosaka gặp đứa em, con ông chủ, đang chơi đáo với trẻ hàng xóm. Thấy Ghosaka, đứa trẻ nắm tay kéo lại, hỏi đi đâu. Ghosaka kể lại. Đứa trẻ nói:
- Vậy thì anh hãy ở đây đánh đáo giúp em, gỡ gạc giúp em! Còn việc kia để em đi thay cho!
Khi đứa trẻ đến nhà chủ lò gốm, nghe nói đúng nguyên văn là hàng gốm đặc biệt đã thực hiện xong chưa thì ông biết phải làm gì rồi!
- Này cậu bé, hãy ra đây mà xem! Ông giả vờ vui vẻ nói - Hàng như thế này! Đang ở chỗ này này!
Rồi ông dẫn trẻ lui sau. Bất ngờ, ông xách hổng chân đứa trẻ quăng vào lò than đang cháy đỏ ngọn, đứa trẻ không kịp kêu la một tiếng. Rồi ông còn cẩn thận phủ than, củi lửa thêm nữa để xóa hết tất cả mọi dấu tích. Ông âm thầm làm một mình, vì hôm ấy ông đã cho tất cả mọi người nghỉ việc.
Ghosaka đã đánh đáo gỡ thua cho em, đợi lâu không thấy em về. Đến nhà chủ lò gốm, trong ngoài thấy vắng tanh, tưởng là em đã về nhà rồi, đành quay lui.
Ông đại phú hộ chợt dưng thấy nóng ruột, đứng đợi bên hiên, đăm đăm nhìn ra đầu ngõ... thì lù lù thấy Ghosaka bước vào. Ngạc nhiên, ông hỏi han tự sự. Ghosaka kể lại đầu đuôi.
Như gáo lửa xối xuống đầu, nhưng ông vẫn cố gắng bình tĩnh, cho dong xe ngựa chạy nhanh đến nhà ông chủ lò gốm. Vừa đến cửa, ông đã ba chân, bốn cẳng chạy vào bên trong, hét toáng lên: “Hãy dừng tay lại! Hãy dừng tay lại! Đó là con trai yêu quý của ta!” Nhưng muộn mất rồi! Ông chủ lò gốm nghe được, thất thểu bước ra, mặt như gà bị cắt tiết, run lẩy bẩy! Nói gì được nữa, trách gì được nữa, vì ông chủ lò gốm đã làm đúng “hợp đồng” một cách nghiêm túc!
Càng lớn lên thì tư cách Ghosaka càng thêm chững chạc, càng đẹp người, đẹp nết hơn. Nhưng ông đại phú hộ đã không còn ăn cơm chung với Ghosaka nữa! Ông thù ghét Ghosaka, thù hận Ghosaka đã đến tận xương, tận tủy!
Sự mất tích đứa con trai, được ông phú hộ che giấu rất kỹ, bảo là đã cho đi du học ở Takkasilā tận nước Gandhāra kia lận! Tuy nhiên, Ghosaka vẫn mơ hồ biết, mơ hồ hiểu. Nhất là đêm đêm, tiếng khóc của người mẹ lọt qua kẽ hở các bức tường, vọng đến tai Ghosaka. Biết nguyên nhân bởi mình, Ghosaka càng để ý nết ăn, nết ở, càng để ý chăm sóc, hầu hạ ông bà rất mực chu đáo hầu mong cứu vãn một phần nào tình yêu thương trống vắng trong gia đình ông đại phú hộ.
Đến tuổi thanh niên, Ghosaka trông rất khôi ngô tuấn tú, ai thấy cũng mến, cũng ưa! Tuy nhiên, ông phú hộ lại tìm cách giết chàng kiểu khác.
Hôm nọ, ông trao cho Ghosaka hai lá thư xanh đỏ khác nhau, được niêm phong cẩn thận rồi ông dặn dò:
- Tại thủ đô Vesāli, ta có một người bạn làm ăn thâm giao, đấy là triệu phú Gāmaka, hỏi tên ông tại các cửa hàng thì ai cũng biết. Gặp ông, con trao lá thư màu xanh, đấy là những bản giao kèo, cam kết chuyện làm ăn những món hàng sắp tới! Rời Vesāli con tìm đến thủ đô Videha, ta cũng có một người bạn thâm giao khác là triệu phú Kikiṭṭāra, hỏi ông thì ai cũng biết, con sẽ đưa lá thư màu đỏ, con đừng hỏi han gì vì đó là chuyện bí mật riêng trên thương trường của chúng ta.
Ông chủ sai người hầu đóng cho chàng một một cỗ xe hai ngựa để lên đường, với tay nải, với lương thực... tức tốc đi ngay! Đến Vesāli, Ghosaka mới mở rộng tầm con mắt, thấy kinh thành này xa hoa tráng lệ hơn Kosambī nhiều. Hỏi tên triệu phú Gāmaka, người ta vui vẻ chỉ đường, hóa ra đấy là một dinh thự nguy nga, giàu sang tột bực.
Gặp triệu phú Gāmaka, chàng kính cẩn chào hỏi rồi trao lá thư màu xanh. Đúng là chuyện làm ăn, những món hàng quốc cấm, lời lãi được tính toán người bốn, người sáu... Ông triệu phú cười sảng khoái:
- Thật là tri ân vị ân nhân đã chỉ chuyện làm ăn cho ta! Ta cũng cám ơn con lặn lội đường xa đến đây! Con trai của bạn ta cũng là con trai của ta. Con hãy ở lại đây vui chơi ít ngày, ta sẽ xem con như thượng khách!
Người tớ gái dọn cơm thết đãi, sau đó quét dọn phòng ốc cho Ghosaka nghỉ ngơi. Cô cứ liếc nhìn chàng rồi tủm tỉm cười hoài vì chàng trai trẻ đẹp quá, hiền lành quá. Khi người ở gái đi mua hoa về để chưng cho đẹp thì bắt gặp cô tiểu thư, con triệu phú ở cửa. Cả hai to nhỏ chuyện trò. Nghe nói chàng trai đẹp lắm, tuấn tú lắm, tò mò, cô tiểu thư bạo gan hé cửa nhìn. Ghosaka vì đường xa mệt mỏi nên ngủ say như chết, đâu có biết gì! Cô tiểu thư đến ngắm nhìn, do sợi dây luyến ái từ quá khứ, cô động lòng và yêu thương ngay! Chợt thấy nơi tay nải của chàng trai rơi ra một lá thư màu đỏ, động tính hiếu kỳ, cô tiểu thư lấy nước miếng nhẹ nhàng thấm lên, mở dấu niêm phong ra đọc. Chữ là một thứ chữ chưa hoàn chỉnh, lẫn lộn nhiều ký hiệu chấm, móc, ngoặc... phức tạp... Nhờ tinh thông văn tự, cú pháp, văn phạm, ký tự, dấu hiệu... cô tiểu thư vừa đọc, vừa đoán. Đại ý, thư gởi triệu phú Kikiṭṭāra ở Videha, như sau:
“- Bạn thân mến! Cậu thanh niên mang lá thư màu đỏ này đưa đến tay bạn, chính là người đã giết chết con trai của ta một cách rất tức tưởi. Vì địa vị, vì danh vọng của ta ở Kosambī nên ta chẳng thể làm gì được, sợ mang tiếng xấu! Vậy bạn hãy giúp ta, tìm cách giết nó đi! Ta biết bạn là người cẩn thận, chu đáo lại có nhiều mưu kế hay, giỏi - vậy hãy chịu khó giúp ta – ta sẽ tri tạ hậu hĩ, sau khi xong việc! Ký tên: Đại phú hộ Kosambī!”
Đọc xong lá thư, cô tiểu thư toát mồ hôi hột. Vì quá yêu thương chàng trai, cô gái liền tức khắc viết giả mạo một bức thư khác. Thư gởi triệu phú Kikiṭṭāra, như sau:
“- Bạn thân mến! Cậu thanh niên mang lá thư màu đỏ này đưa đến tay bạn, là đứa con trai mà ta rất yêu mến. Vậy khi nhận được thư này, bạn chịu khó sắm giúp cho ta 100 mâm lễ vật, có cả vải vóc, rượu trà, gấm lụa Kāsi, tư trang, tư dụng quý đẹp được đặt trên những mâm vàng, mâm bạc - trên những cỗ xe hai ngựa, bốn ngựa cao sang và lộng lẫy. Rồi bạn và người thân uy tín, thay mặt ta, đến kinh thành Vesāli, hỏi cưới cô tiểu thư, con của triệu phú Gāmaka – cũng là bạn của chúng ta, giúp ta! Lúc này ta già yếu và lại hay đau ốm bất thường, không đi đâu được! Vậy việc đại sự cho nó, bạn coi nó như là con của bạn mà lo chu toàn cho ta nhé! Mọi tốn kém ta sẽ trả lại gấp đôi, bạn đừng lo ngại gì! Kính mến! Triệu phú Kosambī!”
Viết xong, cô tiểu thư khéo tay, niêm phong trở lại rồi bỏ vào đãy, nửa rơi ra ngoài y như cũ!
Hôm sau, Ghosaka vô tư lên đường, đến Videha, tìm ra dinh thự của triệu phú Kikiṭṭāra kính cẩn, lễ phép trao phong thư màu đỏ. Đọc xong thư, ông triệu phú vui mừng, triệu tập cả đại gia đình, giới thiệu chàng trai rồi tuyên bố hỷ sự mà ông bạn thâm tình nhờ cậy. Nhìn thấy Ghosaka, ai cũng phát tâm yêu mến nên sẵn sàng vui vẻ giúp một tay! Chính Ghosaka cũng ngạc nhiên, ngây người về chuyện lạ; và hôm ở nhà triệu phú Gāmaka, chính chàng cũng cảm nghe trái tim mình rung động khi thấy mặt cô tiểu thư quý phái, xinh đẹp ấy!
Thế rồi, cả hai gia đình triệu phú chung lo công việc. Hôn lễ cử hành tốt đẹp. Ông nhạc gia thương chàng trai và con gái cưng của mình nên tặng cho một biệt cư, trong một ngôi vườn có cây trái, hoa lá xanh tươi bốn mùa để hưởng tuần trăng mật, xây tổ ấm! Thật là hạnh phúc đến quá bất ngờ làm cho Ghosaka choáng ngợp!
Mọi việc diễn ra, đến tai đại phú hộ Kosambī, chẳng hiểu trời trăng gì nữa, tức quá, ông hộc máu tươi, ngất xỉu. Tỉnh lại, ông biên thư cho người triệu về, viện cớ đau ốm quá nặng, hai vợ chồng hãy về cho ông thăm lần chót! Thấy Ghosaka tức tốc muốn lên đường, cô tiểu thư biết chàng quá thật thà, quá ngây thơ và quá trung hậu nên đem chuyện lá thư tận tình kể lại cho chàng nghe. Ghosaka hiểu. Chàng hiểu ông triệu phú manh tâm muốn hãm hại chàng lâu rồi, nhưng phận làm con, không công sinh thì cũng có công nuôi dưỡng từ tấm bé, không biết làm sao cho lưỡng toàn? Tuy nhiên, khi cấp tốc nhận được lá thư thứ hai, mới biết quả thật ông đại phú hộ đã lâm bệnh nặng! Thế là hai vợ chồng son trẻ phải lựa ngày, tính ngày để lên đường; nhưng cô tiểu thư căn dặn là phải nhất nhất nghe theo lời nàng mới tránh khỏi tai họa. Chàng đồng ý. Thế là tức khắc, nàng không nệ bạc vàng, với giá rất cao, tìm thuê ba mươi người thân tín, cung cấp ba mươi con ngựa nòi, ngựa khỏe, đặt một đường dây liên lạc, từng trạm, từng trạm dọc đường, từ nhà triệu phú Kosambī để báo tin cho nàng biết hằng ngày về bệnh tình của ông ta. Khi biết chắc, quả thật ông triệu phú chỉ còn ăn cháo loãng, đang nằm trên giường bệnh, hai vợ chồng mới chính thức lên đường! Vừa về đến cửa nhà, Ghosaka chưa biết làm gì thì cô tiểu thư đã bù lu bù loa khóc thương thảm thiết. Ai cũng thương tình cô dâu có hiếu, tránh đường để cho cô đi. Đến bên giường, cô lại đấm tay, đấm chân, đấm ngực, càng khóc lóc lớn hơn nữa. Ông đại phú hộ lúc ấy hơi thở đã yếu, mở hé mắt ra thì thấy cô gái đập cái đầu xuống ngực mình như trời long đất lở. Ông bị vỡ tim ngay lúc ấy rồi qua đời. Mọi người nhẹ nhàng kéo cô gái ra, an ủi, dỗ dành, bảo thôi đừng khóc nữa, không ai thoát khỏi cái chết, đừng thương tâm như vậy nữa! Một hồi sau, cô mới chịu nín, còn tất ta, tất tưởi, giọt ngắn, giọt dài nên không ai biết là chính cô vừa giết ông phú hộ độc ác một cách rất khôn khéo!
Sau đó, đám tang được cử hành trọng thể. Bảy ngày sau, đức vua Udena, quốc vương nước Vaṃsā phong Ghosaka chức đại thủ khố thay cha, và chàng vẫn làm chủ tịch nghiệp đoàn thương mãi. Đã giàu, chàng lại giàu hơn do thời gian sau, vị triệu phú Gāmaka tại Vesāli mất, để lại cho vợ chàng cả một gia tài cự phú nữa! Tuy nhiên, hai vợ chồng Ghosaka còn có tấm lòng quảng đại hơn các triệu phú khác một việc: Là họ đã đồng lòng, cùng có trái tim bi mẫn giống nhau nên họ đã lập những trại tế bần khắp nhiều nơi, và còn thường xuyên cúng dường các sa-môn, đạo sĩ đến Kosambī! Nhưng sau khi được gặp đức Phật và giáo pháp của ngài, hai ông bà đã kiến tạo khu lâm viên tên là Ghositārāma như đã nói ở trên để cúng dường thập phương Tăng. Rồi tuần tự, thứ lớp, hai vị triệu phú bạn thân của ông bà là triệu phú Kukkuṭa và triệu phú Pāvārika đồng kiến tạo hai khu lâm viên khác, có tên là Kukkuṭārāma và Pāvārikarubavana rồi cúng dường đến thập phương tăng có đức Phật chứng minh.