Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15. Hạ thứ 7 tại làng Sankassa (năm -583)

02/03/201419:04(Xem: 19088)
15. Hạ thứ 7 tại làng Sankassa (năm -583)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


2- Hạ thứ 7 tại làng Sankassa (năm -583)

Năm 583 trước tây lịch, Phật được 41 tuổi. Vào mùa an cư, ngài ở ẩn ba tháng trên núi gần làng Sankassa (Sankissa), thuộc vùng thượng lưu sông Gangà.

Đức Phật thuyết pháp tại cung trời Đao Lợi[1]

Trong thời gian ẩn cư trong vùng núi Sankassa, đức Phật cũng noi theo thông lệ của các vị Phật trước, lên cung trời Đao Lợi (Tàvatimsa) thuyết Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) cho thiên chúng và bà Mahà Màyà nghe. Các vị khất sĩ không biết Phật hiện đang ở đâu, đến hỏi đại đức Moggallàna. Đại đức Moggallàna tuy biết nhưng bảo đến hỏi đại đức Anuruddha. Đại đức Anuruddha nói :

Đức Thế Tôn hiện đang ngự trên ngai vàng dưới cây San hô ở cung trời Đao Lợi, thuyết Vi Diệu Pháp cho thiên chúng và mẹ ngài là bà Mahà Màyà nghe.

Chừng nào ngài sẽ trở về với chúng ta ?

Sau khi mãn hạ.

Trong khi đó, ở cung trời Đao Lợi, đức Phật ngồi trên ngai vàng dưới cây San hô (Paricchattaka), bên tay phải có thánh mẫu Mahà Màyà, từ cung trời Đâu Suất (Tusita) đến, và Yakkha Indaka, bên tay trái có Ankura, xung quanh có vô số thiên chúng từ mười phương tựu đến nghe pháp. Indaka và Ankura vừa được tái sanh đến trời Đao Lợi không bao lâu, nhưng dung sắc của Indaka sáng chói hơn Ankura nhiều. Đức Phật bắt đầu chỉ cách cúng dường như thế nào để được nhiều phước báo. Đức Phật nói :

Này Ankura, ông Indaka chỉ cúng dường một muỗng thức ăn của mình cho đại đức Anuruddha mà được tái sanh về trời Đao Lợi với dung sắc vô cùng sáng chói, trong khi đó ông bố thí vô số thực phẩm trong nhân gian trong mười ngàn năm và gần đây cúng dường rất nhiều cho Giáo Đoàn Khất Sĩ mới được tái sanh về trời Đao Lợi[2]. Ông có biết vì sao không ?

"Ví như người nông dân gieo giống phải chọn đất tốt mới thu hoạch được nhiều hoa lợi. Còn ông, vì không biết chọn người đức hạnh để cúng dường nên việc cúng dường của ông không được nhiều lợi lạc, cũng như gieo giống vào mảnh đất khô cằn.

Rồi đức Phật nói kệ :

“Làm nông dân gieo giống

“Nên chọn đất phì nhiêu.

“Làm thiện tín cúng dường

“Nên chọn người hiền đức.

“Cỏ dại hại ruộng đất,

“Tham sân si hại người.

“Cúng dường bậc thánh nhân,

“Sẽ được nhiều quả tốt. (Kinh Pháp Cú, bài 356, 357, 358, 359)

Sau đó đức Phật giảng Vi Diệu Pháp(Abhidhamma) và nói kinh "Địa Tạng Bồ tát Bổn Nguyện" cho thiên chúng và thánh mẫu Mahà Màyà nghe liên tục trong ba tháng. Khi đức Phật nghỉ mệt hoặc thọ thực thì có Hóa Thân Phật thay thế thuyết pháp. Sau khi nghe pháp, thánh mẫu Màyà đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti). Mỗi ngày đại đức Sàriputta lên trời Đao Lợi nghe Phật thuyết pháp, rồi trở về địa cầu tóm tắt bài pháp cho ngài Mahà Kassapa và đại chúng nghe. Về sau, trong kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhứt, chính ngài Mahà Kassapa đã tuyên đọc lại Vi Diệu Pháp làm thành Tạng Luận gồm bảy tập, còn lưu truyền đến ngày nay.

Sau ba tháng, khi đức Phật từ cung trời Đao Lợi (Tàvatimsa) trở về làng Sankassa thì có vua trời Brahmà (Phạm Thiên) bên phải, vua trời Sakka Indra (Đế Thích) bên trái, tiễn đưa ngài xuống bằng ba cầu thang báu bằng vàng, bằng bạc và bằng thất bảo, từ đỉnh núi Tu Di (Sumeru) đến cổng làng Sankassa. Có vô số chư thiên rải hoa tấu nhạc cúng dường. Về đến cổng làng Sankassa có đại đức Moggallàna, sư cô Uppalavannà là hai đệ tử thần thông đệ nhất đến trước, đại đức Sàriputta và đông đảo các vị khất sĩ khác đến sau đón tiếp Phật.

Sư cô Uppalavannà vui mừng bước đến đảnh lễ Phật và nói :

Bạch Thế Tôn, đệ tử là Uppalavannà, người đầu tiên đến nghinh đón Thế Tôn, xin Thế Tôn chứng minh cho.

Đức Phật mỉm cười nói :

Này Uppalavannà, người nghinh đón Như Lai trước nhất chẳng phải là sư cô đâu.

Uppalavannà lấy làm lạ hỏi :

Bạch Thế Tôn, nếu chẳng phải con vậy là ai ?

Đức Phật nhìn các đệ tử, ôn tồn nói :

Cám ơn quý vị khất sĩ đã từ xa xôi đến đây tiếp đón Như Lai, nhưng người gặp Như Lai trước nhất chính là Subhùti (Tu Bồ Đề). Thầy Subhùti hiện đang quán Tánh Không của các pháp và thực hành Tâm Không trong hang núi ở Griddhakùta, do đó Subhùti mới là người thấy Phật trước nhất.

Vào thế kỷ thứ ba trước tây lịch, vua Asoka có dựng một trụ đá kỷ niệm nơi Phật thị hiện thần thông Giáng Trần tại cổng làng Sankassa (Sankissa, Samkasya). Trên đầu trụ đá có tượng một con voi.

Pho tượng Phật đầu tiên

Vì vắng mặt Phật quá lâu nên vua Udayana (Udena, Ưu Điền) tại thủ đô Kosambi[3](Kiều Thường Di), xứ Vatsa (Bạt Ta), buồn khổ sanh bệnh. Các quan đại thần thuê thợ điêu khắc giỏi dùng gỗ chiên đàn ở núi Ngưu Đầu khắc một tượng thật giống Phật, cao năm thước, dâng lên vua. Vua liền hết bệnh. Đó là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đầu tiên trong lịch sử[4]. Đức Phật có thấy pho tượng này và tỏ lời ngợi khen công đức tạc tượng. Tương truyền về sau khuôn tượng Phật này có được truyền đến Trung Hoa vào thời Tam Quốc, và sau đó cũng có truyền đến Nhật Bản[5].

Làm sao trở thành Sakka, vua Trời Đao Lợi ?[6]

Ông Mahàli[7], một vương tử Lichavi ở thủ đô Vesàlì, một hôm, nhân nghe Phật ca ngợi sự vẻ vang của vua Trời Đao Lợi là Sakka , bèn hỏi :

Bạch Thế Tôn, ngài có quen biết hoặc có bao giờ gặp mặt vua Trời Đao Lợi là Sakka không ?

Này Mahàli, dĩ nhiên Như Lai có gặp mặt và biết rõ về Sakka.

Bạch Thế Tôn, do những phẩm hạnh và thiện nghiệp nào mà Sakka được trở thành vua Trời Đao Lợi ?

Này Mahàli, trước khi tái sanh làm vua Trời Đao Lợi, Sakka là hoàng tử Magha ở xứ Magadha, có biệt danh là Maghava. Hoàng tử Magha thường thực hành hạnh bố thí (pure dànam adàsi) nên có biệt danh là Purindada. Magha cũng thường xuyên cúng dường thực phẩm đều đặn (sakkaccam) cho chư tăng nên có biệt danh là Sakka. Magha cũng đã cúng dường một chổ ở (àvasatham) nên có biệt danh là Vàsava. Magha rất thông minh có thể nghĩ đến một nghìn việc (sahassam- attham) cùng một lúc nên có biệt danh là Sahassakkha. Sakka có vợ là A-tu-la (Asura) tên Sujàtà nên có biệt danh là Sujampati. Sakka lãnh đạo chư thiên ở cung trời Đao Lợi (Tàvatimsa) nên có biệt danh là Đế Thích (Indra) hay Thích Đề Hoàn Nhơn. Hoàng tử Magha nhờ đã hoàn thành bảy đại nguyện của mình nên sau khi mạng chung được tái sanh làm Sakka, vua trời Tàvatimsa. Bảy đại nguyện đó là:

1- Trong suốt đời này, tôi nguyện nuôi dưỡng cha mẹ tôi đầy đủ.

2- Trong suốt đời này, tôi nguyện cung kính đối với tất cả các bậc trưởng thượng.

3- Trong suốt đời này, tôi nguyện lúc nào cũng ăn nói hòa nhã dễ thương với tất cả mọi người.

4- Trong suốt đời này, tôi nguyện không bao giờ nói xấu bất cứ ai.

5- Trong suốt đời này, tôi nguyện sống đời cư sĩ với tấm lòng luôn luôn rộng rãi, vị tha, giúp đỡ mọi người.

6- Trong suốt đời này, tôi nguyện luôn luôn nói lời chân thật.

7- Trong suốt đời này, tôi nguyện không bao giờ hờn giận. Nếu lòng hờn giận có nổi lên, tôi sẽ mau mau dập tắt ngay.

“Này Mahàli, chính nhờ đã hoàn thành bảy đại nguyện trên mà hoàng tử Magha được tái sanh làm Sakka, vua trời Tàvatimsa.



[1]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 47-56, và trang 242 .

[2]Xem Tiểu Bộ (Khuddaka nikàya), Chuyện Ngạ Quỷ, kinh 21: Ankura.

[3]Kosambì(Kausambi) hiện nay là một làng nhỏ tên Kosam hay Kausam nằm cạnh bờ sông Yamunà, cách thành phố Allahabad 51 km về hướng tây-nam.

[4]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Tăng-nhất A Hàm 28; kinh Phương Tiện Phật Báo Ân 3; kinh Quán Phật Tam Muội Hải 6; kinh Đại Thừa Tạo Tượng Công Đức thượng.

[5]Có lẽ tượng Phật vĩ đại của Nhật tại thành phố Kyoto được làm theo mẫu này.

[6]Xem Buddhist Legends, quyển I, trang 313-314; Tương Ưng Bộ, chương 11, kinh 11-13.

[7]Vương tử Mahàlixứ Vajji, vương tử Pasenadixứ Kosala và vương tử Bandhulaxứ Malla là ba người bạn thân cùng học với một ông thầy nổi tiếng ở Taksasila(Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 31).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com