KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA
CHƯƠNG HAI MƯƠI CHÍN
149.ÂM:
Tu Bồ Đề! Nhược hữu nhơn ngôn: "Như Lai" nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhơn bất giải ngã sở thuyết nghĩa.
NGHĨA:
Này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói: "Như Lai", hoặc tới, hoặc lui, hoặc ngồi, hoặc nằm, thì người ấy chẳng rõ cái nghĩa lý của Ta nói.
Giải :Sớ Sao giải: Phật nói: "Bằng có người nói Như Lai có đi, đứng, nằm, ngồi, ấy là chẳng rõ ý của Phật". Bởi cớ sao? - Chơn tánh của chúng sanh lại có đi, đứng, nằm, ngồi hay sao? Chúng sanh cũng như thế, Như Lai cũng như thế; đi, đứng, nằm, ngồi, trong bốn oai nghi thường thường vắng lặng. Nếu có chỗ chi động chấp, tức là chẳng rõ cái nghĩa thuyết pháp.
150.ÂM:
Hà dĩ cố! - "Như Lai" giả vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh "Như Lai".
NGHĨA:
Bởi cớ sao? - "Như Lai" ấy, là không phải từ đâu mà tới, cũng không phải từ đâu mà lui, nên gọi là " Như Lai".
Giải :Sớ Sao giải: Như Lai là: lại mà không lại, đi mà không đi, trụ mà không trụ, chẳng động chẳng tịnh, trên hiệp với chư Phật, dưới đồng với quần sanh, một tánh bình đẳng, cho nên hiệu là Như Lai.
Vương Nhựt Hưu giải: Phần này ba lần nói Như Lai đều là chơn tánh Phật.
Nhược hữu nhơn ngôn v.v... là chơn Phật không có tướng, nên không lấy sự đi, đứng, nằm, ngồi, mà hình dung đặng. Nếu hình dung đặng thì là có tướng. Cho nên nói: "Người ấy chẳng rõ nghĩa thuyết pháp của Ta".
Hà dĩ cố là Phật lại tự hỏi: "Cớ sao chẳng rõ nghĩa thuyết pháp của Ta", lại tự đáp: "Ta nói Như Lai ấy tức làChơn Phật ".
Chơn Phật đã không hình tướng, đầy khắp cả hư không thế giới, đâu có đi đứng chi. Cho nên nói: "Không phải từ đâu mà tới, không phải từ đâu mà lui".
Nói là "Nên gọi Như Lai", là chơn tánh tự như, không chỗ nào mà chẳng có!
Phàm cái chi hiện ra đều tùy nghiệp duyên của chúng sanh; sự thiệt thì đầy khắp cả hư không thế giới, chưa hề có tới có lui. Vậy nên gọi là Như Lai, mà nói Như Lai cũng là cưỡng danh vậy thôi, bởi chơn tánh không có hình dung đặng. (Có giải trong phần thứ hai và phần sau đây).
Trần Hùng giải: Như Lai hiện ra cả ngàn trăm ức hóa thân, diễn cái pháp không tướng củachơn không, ví như bóng trong gương không có sanh diệt, nên người không biết đặng bởi đâu mà tới, bởi đâu mà lui.
Kinh Hoa Nghiêm có nói:
Không chỗ nào mà tới,
Cũng không bởi chỗ đi,
Thân thanh tịnh tốt đẹp.
Hiển hiện các oai nghi.
Kinh Tam Muội có nói: "Không có tướng tới, không có tướng lui, không nghĩ bàn đặng".
Lục Tổ có nói: "Các pháp vắng lặng ấy là sự "ngồi" thanh tịnh của Như Lai".
Kinh Vô Trụ có nói: "Thân tâm vắng lặng, ấy là sự "nằm" của Như Lai".
Vậy thì đi, đứng, nằm, ngồi, có ai dễ gì mà bàn nghĩ đặng. Bằng có người nói Như Lai đủ bốn oai nghi thì cái sở kiến ấy rất lầm, có thế nào mà tỏ đặng cái ý nghĩa chơn không của Như Lai thuyết đó!
Kinh Viên Giác có nói về cái lý chơn không: "Mây bay coi như trăng chạy, thuyền đi xem tợ bờ dời": Trăng chưa từng chạy mà bờ cũng chưa từng dời; bởi thể tánh của chơn như chưa hề động, chỉ sanh diệt tại người lầm hiểu đó thôi.
Nhan Bính giải: Đi, đứng, nằm, ngồi, ấy là bốn oai nghi. Người tu hành kiến tánh, ấy là đi, đứng, nằm, ngồi thường như hư không.
Bằng người nói Như Lai còn có đi, đứng, nằm, ngồi thì người ấy không rõ cái nghĩa thuyết pháp. Bởi sao? - Bởi Như Lai là như như bổn tánh, vốn không động tịnh: không tới không lui cho nên cưỡng danh là Như Lai.
Xưa vua Túc Tông hạ chiếu dời ông Quốc Nhứt Thiền sư vào đạo tràng. Sư thấy vua bèn đứng dậy. Vua hỏi: Sư hà tất phải đứng dậy kỉnh lễ quả nhơn?
Sư: Thí chủ đâu dùng bốn oai nghi mà thấy bần đạo đặng.
Như thế thì, đi đứng đều tự trì mới gọi là vắng lặng.
Lý Văn Hội giải: Không bởi đâu mà tới, không từ đâu mà đi; lui tới đều như, có chi mà lui tới.
Lại nói: Vô sở tùng lai là chẳng sanh. Diệt vô sở khứ :là chẳng diệt. Chẳng sanh là phiền não chẳng sanh; chẳng diệt là giác ngộ chẳng diệt.
Lại nói: Biết khi sắc thinh khởi thì biết bởi đâu mà tới; biết khi sắc thinh diệt thì biết bởi đâu mà lui. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp có khởi có diệt, còn lòng ta rỗng rang đâu có tướng tới lui sanh diệt? Vắng lặng mà thường soi tỏ, soi tỏ mà thường vắng lặng, đi, đứng, nằm, ngồi trong bốn oai nghi không đâu mà chẳng thanh tịnh.
Trí Giả Thiền sư giải:
Tụng:
Như Lai không động tịnh, Nhân địa rất dày công.
Bằng dứt lòng nhơn ngã, Mới tường lý chánh tông.
Chơn thân đâu có tướng, Giáo pháp hẳn đều không.
Đi đứng nào can hệ. Tới lui cả thảy thông.
Xuyên Thiền sư giải: Trước sơn môn bái lễ, trong Phật điện dưng hương.
Tụng:
Cỡi gió nương mây mặc vãng lai,
Mấy hồi Nam Nhạc lại Thiên Thai.
Thập, Hàn gặp mặt cười cười nói.
Nói thử coi cười cái gì?
Cười nói đồng đi bước chẳng ngoài.