KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA
CHƯƠNG MƯỜI MỘT
57.-ÂM:
"Tu Bồ Đề! Như Hằng hà trung sở hữu sa số, như thị sa đẳng Hằng hà. Ư ý vân hà? Thị chư Hằng hà sa ninh vi đa phủ?".
NGHĨA:
"Này Tu Bồ Đề! Như dùng số cát trong sông Hằng mà ví dụ có những sông Hằng khác nhiều bằng số cát như vậy.
- Ý ông thế nào? Số cát của những sông Hằng ấy sao ? Có nhiều chăng ?".
Giải :Vương Nhựt Hưu giải: Xứ Tây Thổ có con sông kêu là sông Hằng. Phật hay dùng cát của sông ấy mà nói, là bởi chúng nhơn thường thấy nên mượn đặng ví dụ cho dễ hiểu.
Phật cũng dùng cát ấy mà hỏi ông Tu Bồ Đề: "Nhiều chăng? Là muốn cho biết trước số cát ấy là thật nhiều, rồi sau mới nói".
Chữ "ninh" nhà nho thủ nghĩa như chữ khởi, như thử là "làm sao" là của thầy phiên dịch dùng để làm chữ trợ, không cần phải khảo nghĩa.
58.-ÂM:
Tu Bồ Đề ngôn: "Thậm đa, Thế Tôn ! đản chư Hằng hà, thượng đa vô số, hà huống kỳ sa ! ".
NGHĨA:
Tu Bồ Đề bạch Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Rất nhiều. Những sông Hằng còn nhiều vô số thay, huống chi là cát!".
Giải :Lý Văn Hội giải: Như Hằng hà trung sở hữu sa số là mỗi hột cát thì một sông Hằng, mà nói số cát của những cả thảy sông ấy, vậy thì sông Hằng còn nhiều vô số thay, huống chi là cát.
Xuyên Thiền sư giải: Trước ba ba, sau cũng ba ba.
Tụng:
Tằng mằng đếm cát một, hai, ba;
Cát ví sông Hằng số quá đa.
Trước mắt ngắm xem không một pháp.
Mới là tịch tịnh, Tát bà ha.
59.-ÂM:
"Tu Bồ Đề! Ngã kim thiệt ngôn cáo nhữ! Nhược hữu: Thiện nam tử, thiện nữ nhơn dĩ thất bảo mãn nhĩ sở hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới dĩ tụng bố thí, đắc phước đa phủ?".
Tu Bồ Đề ngôn: "Thậm đa, Thế Tôn!".
Phật cáo Tu Bồ Đề: "Nhược thiện nam tử, thiện nữ nhơn ư thử kinh trung, nãi chí thọ trì tứ cú kệ đẳng vị tha nhơn thuyết, nhi thử phước đức thắng tiền phước đức".
NGHĨA:
"Này Tu Bồ Đề! Nay ta bảo thiệt ngươi! Nếu có : trai lành, gái tín nào, dùng bảy báu đầy cả hằng hà sa số tam thiên đại thiên thế giới ấy, đem ra mà bố thí, có đặng phước nhiều chăng?".
Tu Bồ Đề bạch Phật: "Bạch đức Thế Tôn ! Rất nhiều".
Phật bảo Tu Bồ Đề: "Bằng trai lành, gái tín nào thọ trì theo trong kinh này cho đến những tứ cú kệ và diễn thuyết lại cho người khác, thì phước đức ấy hơn phước đức trước kia".
Giải :Triệu Pháp sư giải: Bởi cái phướcbố thí thì còn nhiễm nên còn chìm đắm trongtam hữu (ba cõi). Còn phước trì kinh thì thanh tịnh, siêu thăng qua bờ kia đặng, cho nên nói: "Hơn".
Sớ Sao giải: Phật lại nói rõ phước vô vihơn phước hữu vi- Kinh Viên Giác có nói: "Có pháp môn Đại Đà la ni kêu là Viên Giác; lưu bố ra cả thảy tánh chơn như Niết bàn".
Như vậy thì nếu không có Tứ cú kệ trong kinh này làm sao mà Viên Giác diệu tánh đặng? Bởi Viên Giác diệu tánh nên lưu bố ra cả thảy pháp Chơn như, lý của Niết bàn; cái nẻo chẳng sanh chẳng diệt từ đó mà ra.
Nghĩa nhiệm mầu này cũng đồng với nghĩa trong phần thứ tám.
Tỏ đặng như vậy, thọ trì không bỏ, tự lợi lợi tha, khắp cùng loại hữu tình đều rõ đạo ấy; phước ấy tức là phước vô vi, hơn phước bố thí bảy báu hằng hà kia. Vậy nên đệ này mới gọi là đệ "Vô Vi phước lớn".
Vương Nhựt Hưu giải: Phật lại bảo ông Tu Bồ Đề: "Như trai lành, gái tín nào thọ trì theo nghĩa lý trong kinh này, cho đến những Tứ cú kệ rồi giảng giải lại cho người khác thì đã khỏi ác nghiệp buộc ràng, mà lại đặng tỏ ngộ chơn tánh. Còn người nghe đặng cái chí lý này, rồi cũng lần lần tỏ ngộ chơn tánh".
Lâu ngày thì căn lành viên mãn: Siêu thoát luân hồi, khỏi vòng sanh tử, muôn kiếp cũng không cùng tột. Cho nên phước đức ấy nhiều hơn phước bố thí bảy báu đầy cả hằng hà thế giới kia đến vô lượng vô số.
Phật thường nói thí của có khi hết, thí pháp hưởng không cùng; thí của chẳng siêu khỏi cõi trần, thí pháp thoát ra khỏi ngoài tam giới.
Ấy vậy thì phước thí pháp hơn phước kia vô lượng vô số, chẳng có chi là lạ cả.
Trần Hùng giải: Bảy báu tuy nhiều, bất quá là vật hữu hạn của nhơn gian, dùng mà bố thí, thì chỉ đặng cái phước hữu hạn mà thôi. Bằng sánh với câu kệ trong kinh này, nếu ngộ đặng thì sanh về Thiên giới, há không phải là hơn kém cách xa nhau cả muôn triệu hay sao?
Kinh Tam Muội có nói: "Nếu như có người đem vàng bạc đầy cả thành mà bố thí, cũng chẳng bằng người thọ trì "Tứ cú kệ"của kinh này".
Nay có trai lành, gái tín nào, mà thọ trì kệ ấy chẳng những là rõ đặng tự tánh, lại giảng giải cho người cũng kiến tánh nữa, thì cả hai đều đặng sanh về Thiên giới thành đạo Vô thượng Bồ đề, xem lại cái phước bảy báu kia vẫn không đủ luận. Cho nên nói: "Hơn phước đức trước kia".
Kinh Hoa Nghiêm có nói:
Như vật báu trong xó,
Không đến không thấy rõ
Phật pháp chẳng ai truyền,
Tuy huệ cũng không ngộ.
Vậy thì các công đức giảng giải còn có chi là lớn hơn.
Nhan Bính giải: Đem bảy báu đầy cả thế giới mà bố thí, đặng phước tuy nhiều, nhưng thuộc về phước hữu lậu, thì chưa khỏi đặng sự cùng tận, chẳng bằng thọ trì Tứ cú trong kinh này, rồi giảng dạy lại người khác, tỏ đặng chỗ "tri kiến"của Phật, thì phước đức ấy lịch kiếp vẫn còn. Cho nên nói: "Hơn phước đức trước tướng kia".
Lý Văn Hội giải: Thậm đa Thế Tôn: là bố thíbảy báu đầy cả hằng hà tam thiên thế giới, đặng phước rất nhiều.Thọ trì Tứ cú kệ: Ông Xuyên Thiền sư đã có giải rõ trong phần Ứng hóa phi chơnđệ ba mươi hai.
Vị tha nhơn thuyết: là nếu giải kinh nghĩa Đại thừa này mà giáo hóa chúng sanh tỏ ngộ cái lòng: "Trụ chỗ không trụ" "đặng phép không đặng". Phải biết thọ trì kinh này là công đức vô vihơn phước đức hữu vi là phước đức bố thí bảy báu đầy cả hà sa thế giới.
Trí Giải Thiền sư giải:
Tụng:
Kể sông Hằng đã quá, Những cát lại càng nhiều.
Chứa báu bằng như thể, Thí tài số biết bao.
Chấp mê theo tướng giả. Lừng lẫy nhận tài cao.
Sánh với bốn câu kệ, Phước kia có chút nào.
Xuyên Thiền sư giải: Thau thiệt cũng không đổi vàng đặng.
Tụng:
Đếm cát sông Hằng luống cực thân.
Lăng xăng sao khỏi, cảnh lao trần.
Đâu bằng tu dưỡng chơn như tánh,
Cây rụi đơm chồi đẹp vẻ xuân.