KIM CANG NGŨ THẬP TAM GIA
CHƯƠNG HAI MƯƠI
124.ÂM:
"Tu Bồ Đề: Ư ý vân hà? Phật, khả dĩ cụ túc sắc thân kiến phủ?".- "Phất dã Thế Tôn. Như Lai bất ưng dĩ cụ túc sắc thân kiến.
NGHĨA:
"Này Tu Bồ Đề? Ý ông thế nào? Có nên dùng sắc thân cụ túc mà cho là Phật chăng?".- "Bạch đức Thế Tôn! Không. Chẳng nên dùng sắc thân cụ túc mà cho là Như Lai đặng.
Giải : Trần Hùng giải: Sắc thân là 32 tướng. Cụ túc là không thiếu kém - Có đủ 32 hạnh nên mới có tướng cụ túc. 32 hạnh vốn sẵn có trong pháp thân, nếu muốn rõ pháp thân Như Lai thì tự biết bổn tâm, tự thấy bổn tánh là đủ; há phải thấy sắc thân cụ túc nơi ngoài hay sao?
125.ÂM:
Hà dĩ cố! - Như Lai thuyết: Cụ túc sắc thân, tức phi cụ túc sắc thân, thị danh cụ túc sắc thân".
NGHĨA:
Bởi cớ sao? - Như Lai nói sắc thân cụ túc, nhưng chẳng phải sắc thân cụ túc, chỉ cưỡng danh là sắc thân cụ túc".
Giải : Trần Hùng giải: Kinh Bảo Đàncó nói: "Da thịt là sắc thân".
Kinh Hoa Nghiêm có nói: "Sắc thân chẳng phải Phật".
Xem như thế thì biết: nhục thân không có Như Lai, nhưng chẳng biết có Như Lai sống ở nơi trong; sắc thân chẳng phải pháp thân, nhưng chẳng biết có sắc thân tốt đẹp ở nơi trong.
Lại nói: Diệu sắc thân trong sạch,
Oai thần lực hiện bày.
Nói là diệu sắc thân, thì hiện ra cả thảysắc thân tam muội, ấy là Pháp thân Như Lai; vậy thì đủ biết là chẳng phải cụ túc sắc thân - Chẳng phải cụ túc sắc thân mà cưỡng danh là cụ túc sắc thân đó, là bởi đặng cái sở dĩ cụ túc sắc thân mà thôi.
126.ÂM:
"Tu Bồ Đề! Ư ý vân hà? - Như Lai khả dĩ cụ túc chư tướng kiến phủ?".- "Phất dã, Thế Tôn! Như Lai bất ưng dĩ cụ túc chư tướng kiến. Hà dĩ cố? - Như Lai thuyết chư tướng cụ túc, tức phi cụ túc, thị danh cụ túc".
NGHĨA:
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Có nên dùng các tướng cụ túc mà cho là Như Lai chăng?".- "Bạch đức Thế Tôn? Không. Chẳng nên dùng các tướng cụ túc, mà cho là Như Lai đặng.
Bởi cớ sao ? Bởi Như Lai nói các tướng cụ túc, nhưng chẳng phải cụ túc, chỉ cưỡng danh là các tướng cụ túc".
Giải : Trần Hùnggiải: Kinh Lăng Già có nói: "Như xứ sở, hình tượng, sắc tướng, các thứ ấy đều kêu là tướng". Nói các tướng đây, là cả thảy những tướng biến hiện thần thông chẳng những là 32 tướng mà thôi.
Như Lai lìa sắc lìa tướng, dùng tịnh hạnh thì cụ túc 32 tướng, dùng trí huệ thì cụ túc tám muôn bốn ngàn, cụ túc pháp Tam minh, Lục thần thông, Bát giải thoát. Cụ túc này tức là chẳng phải cụ túc của các tướng. Cụ túc này tức là trái, còn cụ túc của các tướng tức là hoa; hễ trái đã đậu rồi thì hoa sẽ rụng. Vậy nên mới có các thứ cụ túc.
Nhan Bính giải: Phật là giác. Giác tánh ví như hư không. Chẳng nên dùng cụ túc sắc thân mà thấy, duy có hạng người kiến tánh mới biết là chẳng phải sắc thân, ví cũng như vô ngã của Đức KhổngPhu Tử và Tọa Vong ([138]) của ông Nhan Hồivậy.
Tự tánh Như Lai không nên dùng cụ túc các tướng mà thấy; tánh đã không có chi mà đặng, thì làm sao mà có các tướng! Cho nên mới dùng câu "chẳng phải" mà thuyết phá.
Vương Nhựt Hưu giải: Bài này đồng nghĩa với những bài trong phần thứ 5 và 15, đến đây còn lập lại nữa là vì những thính giả mới đến sau.
Lý Văn Hộigiải : Lòng đã vắng lặng rỗng rang thanh tịnh, đâu có sắc thân, cùng các tướng chi mà đặng. Người phàm, nếu chẳng chấp "có" thì lạc vào không, có hai cái tà kiến: đoạn thường ấy.
Quán không chi chẳng phải là thấy sắc? Quán sắc chi chẳng phải là đều không? - Vậy thì cụ túc Sắc thân cụ túc các tướng đều chẳng phải là cụ túc Sắc, không như một, "không, có", vốn đồng, mới là quán đặng: không thân mà thấy có cả thảy thân, không tướng mà thấy có cả thảy tướng. Vậy mới gọi là sắc thân cụ túc, chư tướng cụ túc.
Ông Tăng hỏi ông Triệu Châu: Con chó có tánh Phật chăng?
Đáp : Không.
Hỏi : Xuẩn động hàm linh giai hữu Phật tánh (bò, bay, máy, cựa đều có tánh Phật), bởi sao con chó không có tánh Phật ?
Đáp: Bởi nó có nghiệp thức.
Vả lại những người có nghiệp thức, mỗi mỗi đều chấp có, khởi các vọng tưởng, thì gọi là điên đảo tri kiến; còn mỗi mỗi đều lạc vào không, không chỗ tỏ ngộ thì gọi là đoạn diệt tri kiến. Hạng người có túc nghiệp căn lành, không có hai cái bệnh điên đảo, đoạn diệt , rõ thấu các lý "không" thì gọi là chánh chơn tri kiến . Bằng tỏ cái lý ấy, tùy thời mặc áo ăn cơm, trưởng dưỡng Thánh thai, tự tại tiêu diêu rồi, còn có sự gì nữa?!
Tứ Tổ bảo ông Ngưu Đầu Thiền sư: "Trăm ngàn diệu môn, đồng về trong phương thốn, hà sa công đức, gốc ở nơi tâm nguyện; cả thảy không môn, cả thảy huệ môn, cả thảy hạnh môn thảy đều cụ túc. Thần thông diệu dụng, chỉ tại lòng ngươi nghiệp chướng phiền não, bổn lai vắng lặng; cả thảy quả báo tánh tướng đều bình đẳng. Đại đạo rỗng rang tuyệt dứt tư lự, cái pháp như thế không thiếu không dư, với Phật không khác, không còn pháp chi ngoài nữa.
Chỉ tại khiến cho lòng tự tại, đừng cưu vọng tưởng cũng chẳng vui mừng, không khởi tham, sân, ưu, lự, lộng lộng không ngăn ngại, tự ý tung hoành; chẳng làm các điều lành, không tạo những nghiệp dữ, đi, đứng, nằm, ngồi, đối với sự thấy là duyên, đều là sự diệu dụng của Phật cả".
Tổ Ấn Minh Thiền sư giải:
Tụng:
Trâu nước dầu nuôi dễ mấy phần,
Tự do đi đứng, cũng nguyên nhân.
Vân sơn cảnh tịnh nhàn trưa sớm.
Hán mặc Hán, Tần thây mặc Tần.
Phó Đại Sĩ giải:
Tụng:
Ba mươi hai hảo tùy,
Cùng tám chục hình chưởng.
Nguyên một thể lý chơn,
Ứng muôn loài vật tượng.
Sắc, tâm thảy phải trừ,
Nhơn, pháp đều không mượn.
Chứng đặng quả Bồ đề,
Cũng bởi nơi lìa tướng.
Xuyên Thiền sư giải: Pháp nước chẳng lọt cây kim việc thông thương xe ngựa.
Tụng:
Người tua ngước mặt ngó lên không,
Trồng long bao la chẳng ảnh tông.
Bằng dụng ít nhiều công phản chiếu,
Bổn lai hẳn gặp ở nơi trong.