- Lược dẫn
- Phẩm 1: Mở đầu
- Phẩm 2: Phương tiện
- Phẩm 3: Ví dụ
- Phẩm 4: Tin hiểu
- Phẩm 5: Cây Cỏ
- Phẩm 6: Thọ ký
- Phẩm 7: Tương Quan Xa Xưa
- Phẩm 8: Năm trăm đệ tử tiếp nhận thọ ký
- Phẩm 9: Thọ ký cho các vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất
- Phẩm 10: Người diễn giảng Pháp Hoa
- Phẩm 11: Bảo tháp xuất hiện
- Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa
- Phẩm 13: Kính giữ Pháp Hoa
- Phẩm 14: Sống yên vui
- Phẩm 15: Từ đất xuất hiện
- Phẩm 16: Sự sống lâu của đức Thế Tôn
- Phẩm 17: Phân tích thành quả
- Phẩm 18: Thành quả tùy hỷ
- Phẩm 19: Thành quả của người diễn giảng Pháp Hoa
- Phẩm 20: Bồ tát Thường bất Khinh
- Phẩm 21: Sức thần của đức Thế Tôn
- Phẩm 22: Giao phó trọng trách
- Phẩm 23: Việc cũ của bồ tát Dược Vương
- Phẩm 24: Bồ tát Diệu Âm
- Phẩm 25: Quan Âm đại sĩ: vị Toàn diện
- Phẩm 26: Tổng trì minh chú
- Phẩm 27: Việc Cũ Của Diệu Trang Nghiêm Vương
- Phẩm 28: Sự khuyến khích của bồ tát Phổ Hiền
- Sao lục 1: Phẩm Phổ Hiền
- Sao lục 2: Toát yếu Pháp Hoa
(Hoa Sen Của Chánh Pháp)
Phần CHÍNH VĂN – Thích Trí Quang dịch
CUỐN 5
Phẩm 16:Sự sống lâu của đức Thế Tôn
Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo chư vị bồ tát, và toàn thể các chúng ở trong đại hội, chư thiện nam tử, các người hãy tin hiểu lời nói chắc thật của Như Lai. Một lần nữa, đức Thế Tôn bảo toàn thể đại hội, các người hãy tin hiểu lời nói chắc thật của Như Lai. Lại một lần nữa, đức Thế Tôn bảo toàn thể đại hội, các người hãy tin hiểu lời nói chắc thật của Như Lai. Bấy giờ đại chúng bồ tát mà bậc thượng thủ là đức Di Lạc, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế Tôn, xin ngài chỉ dạy, chúng con sẽ tin tưởng tiếp nhận lời ngài. Thấy chư vị bồ tát thỉnh cầu đến ba lần mà không ngưng, nên đức Thế Tôn bảo, chư vị hãy nghe cho kỹ về thần lực bí mật của Như Lai.
Chư thiện nam tử, tất cả thế giới như chư thiên nhân loại và tu la, ai cũng nói đời này đức Thích Ca Thế Tôn rời khỏi hoàng cung họ Thích, cách thành Già da không xa, ngồi nơi bồ đề tràng mà được tuệ giác vô thượng. Nhưng, chư thiện nam tử, Như Lai thật sự trở thành Phật đà thì đến nay đã cực nhiều con số trăm triệu thời kỳ. Ví như hàng ức con số vô số đại thiên quốc độ, giả thiết có người đem nghiền thành bụi nhỏ, rồi đi về hướng đông, qua khỏi hàng ức con số vô số quốc độ mới bỏ xuống một hạt bụi nhỏ ấy. Tuần tự như vậy mà đi về hướng đông và bỏ hết số bụi. Chư thiện nam tử, trong ý chư vị nghĩ thế nào, bao nhiêu quốc độ mà người ấy đi qua, có thể nào nghĩ và tính mà biết được số lượng hay không? Đức Di Lạc và các vị đồng chúng cùng thưa, bạch đức Thế Tôn, quốc độ như vậy vô lượng vô biên, không phải toán số biết được, cũng không phải trí lực biết thấu. Tất cả các vị thanh văn duyên giác vận dụng tuệ giác không còn sơ hở cũng không thể nghĩ mà biết được số lượng ấy. Chúng con là những người đã ở địa vị Không thoái chuyển mà đối với số lượng ấy cũng không thấu suốt. Bạch đức Thế Tôn, quốc độ như vậy thật vô lượng vô biên.
Đức Thế Tôn bảo các vị đại bồ tát, chư thiện nam tử, Như Lai nay tuyên ngôn rõ ràng cho chư vị biết, bao nhiêu quốc độ ấy, được hay không được bỏ bụi xuống, đều đem hết ra mà nghiền làm bụi nữa, rồi mỗi hạt bụi giả thiết một thời kỳ, thì Như Lai thành Phật đến nay, còn hơn số ấy đến cực nhiều con số thời kỳ vô số. Từ đó đến nay, Như Lai thường ở tại quốc độ Kham nhẫn này mà thuyết pháp giáo hóa, lại ở vô số con số vô số quốc độ khác nữa mà dắt dẫn ích lợi cho các loại chúng sinh. Chư thiện nam tử, trong thì gian ấy và trong những quốc độ ấy, Như Lai tự nói là các đức Như Lai khác, đại loại như Nhiên Đăng Như Lai, lại nói đến sự nhập diệt của các đức Như Lai ấy. Như vậy toàn là phương tiện mà nói. Chư thiện nam tử, có ai đến chỗ Như Lai thì Như Lai đem mắt Phật mà nhìn tín tiến niệm định tuệ, các căn ấy của họ lanh hay chậm, rồi tùy sự nên hóa độ như thế nào mà, tại mỗi quốc độ, Như Lai tự nói danh hiệu khác nhau, tuổi tác lớn nhỏ, lại nói sẽ nhập diệt. Như Lai còn dùng đủ cách phương tiện mà nói chánh pháp tinh túy, làm cho chúng sinh ai cũng hoan hỷ. Chư thiện nam tử, Như Lai thấy chúng sinh ưa thích giáo pháp thấp nhỏ, đức mỏng tội nặng, thì vì những người ấy mà nói rằng Như Lai lúc trẻ tuổi đã xuất gia và mới được tuệ giác vô thượng gần đây. Nhưng thật sự Như Lai thành Phật đến nay đã lâu xa như trên đã nói, chỉ vì phương tiện giáo hóa chúng sinh cho họ nhập vào tuệ giác của Phật, nên nói mới thành Phật gần đây.
Chư thiện nam tử, Như Lai thuyết ra kinh pháp toàn là để hóa độ chúng sinh, nên nói mình qua thân mình hay nói mình qua thân khác, nói mình biểu hiện qua thân mình hay nói mình biểu hiện qua thân khác, nói mình biểu hiện qua việc mình hay nói mình biểu hiện qua việc khác, mọi cách nói đều trung thực, không dối trá. Vì lẽ Như Lai đúng như sự thật của ba cõi mà thấy ba cõi không sinh không chết, không lui mất không hiện ra, không tồn tại không nhập diệt, không thật không giả, không như nhau không khác nhau. Không như chúng sinh ba cõi nhìn thấy ba cõi; ba cõi như vậy Như Lai nhìn thấy rõ ràng, không có lầm lẫn. Chỉ vì các loại chúng sinh có đủ thứ cá tính, thị hiếu, hành động và tư tưởng khác nhau, mà Như Lai thì muốn làm cho ai cũng được phát sinh gốc rễ điều thiện, nên đem bao nhiêu yếu tố, ví dụ và lời chữ mà thuyết pháp đủ cách, làm việc Phật làm mà chưa bao giờ tạm thời ngừng bỏ. Như vậy là Như Lai thành Phật đến nay đã cực kỳ lâu xa, sống lâu cực nhiều con số thời kỳ vô số, vĩnh viễn tồn tại mà không có nhập diệt.
Chư thiện nam tử, Như Lai xưa kia đang đi đường đi của bồ tát mà sự sống lâu có được, đến nay vẫn chưa hết, thì gian còn nhiều hơn bội phần số lượng đã nói ở trên; huống chi Như Lai ngày nay đã thành Phật, và sự sống lâu của Như Lai là của một đức Phật? Như Lai nay không thật nhập diệt mà tuyên bố sẽ nhập diệt, là Như Lai dùng phương tiện ấy để giáo hóa chúng sinh. Tại sao, vì nếu Như Lai tồn tại lâu dài thì những kẻ phước đức mỏng mảnh không lo gieo trồng gốc rễ điều lành, y nguyên nghèo nàn hèn hạ, tham đắm năm thứ dục lạc, sa vào mạng lưới tư tưởng sai lầm. Những kẻ ấy nếu thấy Như Lai thường tồn tại mà không nhập diệt thì khinh thường, phóng túng mà nhàm chán, biếng nhác, chứ không có ý tưởng Như Lai khó gặp, không sinh tâm lý tôn kính, vì vậy mà Như Lai phương tiện nói rằng chư vị tỷ kheo, phải biết các đức Như Lai xuất thế rất là khó gặp. Trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức thời kỳ, những kẻ phước đức mỏng mảnh mới thấy Như Lai hoặc vẫn không thấy được, vì sự thể này mà Như Lai nói rằng chư vị tỷ kheo, Như Lai rất là khó gặp. Những kẻ phước đức mỏng mảnh nghe nói như vậy thì tất nghĩ đến sự khó gặp ấy mà trong lòng luyến mộ, khao khát và ngưỡng vọng đối với Như Lai, tự nhiên gieo trồng gốc rễ điều lành, vì vậy nên Như Lai không thật nhập diệt mà tự nói nhập diệt. Chư thiện nam tử, cách thức hóa độ của các đức Như Lai là như vậy, vì hóa độ chúng sinh mà nói, nên nói thế nào cũng trung thực chứ không sai lầm, dối trá.
Ví như một vị lương y trí tuệ thông suốt, chế thuốc hay và chữa bịnh giỏi. Lương y nhiều con, mười người, hai mươi người, cho đến cả trăm. Vì có việc nên lương y đi xa, đến các nước khác. Các con ông, sau khi ông đi, dùng nhằm thuốc độc của kẻ khác. Độc phát nên sảng loạn, lăn lóc mặt đất. Khi ấy người cha trở về. Các con dùng nhằm thuốc độc hoặc mất trí hoặc không mất, nhưng thấy cha từ xa thì cùng mừng mà quì lạy, chào đón, rằng cha về yên lành. Chúng con ngu muội, dùng lầm thuốc độc, xin cha cứu chữa cho chúng con sống còn. Người cha thấy các con đau đớn như vậy thì y theo sách thuốc mà soạn ra một phương thuốc, tìm cây thuốc tốt với sắc hương vị đều tốt, đem quết thật nhuyễn, rây thật mịn, hòa trộn với nhau, rồi đưa cho các con mà bảo, dược phẩm này rất quí, sắc hương vị đều tốt, các con dùng đi, thì mau hết đau đớn, không độc chất nào mà còn được nữa. Trong các con, ai không mất trí, thấy dược phẩm sắc hương vị đều tốt ấy thì dùng liền và bịnh lành hết. Còn những người mất trí thì thấy cha về tuy cũng mừng, cũng chào đón, cũng xin chữa bịnh, nhưng cho thuốc lại không chịu dùng; tại sao, vì độc tố quá sâu, làm cho mất trí, nên dược phẩm sắc hương vị đều tốt mà cho là không tốt. Người cha nghĩ rằng, những đứa con này thật đáng thương, trúng độc đến nỗi loạn trí, tuy thấy ta cũng mừng, cũng xin cứu chữa, nhưng thuốc tốt như vầy lại không chịu dùng. Ta phải lập chước phương tiện làm cho các con chịu dùng thuốc ấy. Ông bảo, các con phải biết ta già rồi, giờ chết đã đến. Dược phẩm tốt này ta để lại ở đây, các con lấy dùng thì khỏi lo không lành. Chỉ dạy như vậy rồi ông lại đến nước khác, cho sứ giả về bảo cha các người chết rồi. Bấy giờ các con nghe nói cha chết, lòng rất lo buồn mà nghĩ, cha còn thì thương mà cứu chữa và bảo vệ chúng ta. Nay cha bỏ chúng ta mà chết xa xôi ở xứ người! Tự nghĩ côi cút, không nơi nương tựa! Nghĩ mãi nên tỉnh trí. Và nhận ra được dược phẩm sắc hương vị đều tốt, tức khắc lấy dùng và bịnh lành liền. Người cha nghe các con lành cả thì về lại cho các con thấy. Chư thiện nam tử, ý chư vị nghĩ thế nào, có người nào chỉ trích được rằng vị lương y như vậy có lỗi dối trá chăng? Không, bạch đức Thế Tôn. Chư thiện nam tử, Như Lai cũng vậy. Như Lai thành Phật đến nay đã cực nhiều con số thời kỳ vô số, chỉ vì cứu độ chúng sinh mà Như Lai phương tiện tuyên bố nhập diệt, nhưng không ai có thể nói đúng cách rằng Như Lai có lỗi nói dối.
Muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên khi ấy đức Thế Tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.
(1-Như Lai từ khi
2) thành Phật đến giờ,
trải qua cực nhiều
thời kỳ vô số.
Trong thì gian ấy
Như Lai thường xuyên
thuyết pháp giáo hóa
vô số chúng sinh,
trong đó có số
bồ tát dũng xuất,
đặt họ vào trong
tuệø giác Phật đà
cũng lâu đến số
vô lượng thời kỳ.
(3) Chỉ vì hóa độ
chúng sinh biếng nhác,
Như Lai phương tiện
nói rằng nhập diệt;
nhưng thật Như Lai
không có nhập diệt,
mà thường ở đây
thuyết pháp giáo hóa.
(4) Như Lai thường ở
tại quốc độ này,
nhưng vì thần lực
cực kỳ siêu việt,
vì mọi chúng sinh
ảo giác thác loạn,
Như Lai bên cạnh
mà vẫn không thấy.
(5) Chúng sinh nếu thấy
Như Lai nhập diệt
thì cúng xá lợi
một cách lớn lao,
và cùng cảm thấy
lưu luyến hâm mộ
mà sinh tâm lý
khao khát ngưỡng vọng.
(6) Khi họ tin tưởng,
chân thành, ôn nhu,
thiết tha muốn được
nhìn thấy Như Lai
mà không tiếc nuối
đến cả tính mạng,
bấy giờ Như Lai
cùng với Tăng chúng
đồng xuất hiện ra
tại Linh sơn này.
(7) Và nói với họ
cho biết Như Lai
thường còn tại đây
chứ không nhập diệt.
Nói rằng nhập diệt
rằng không nhập diệt
chỉ do Như Lai
phương tiện mà nói.
(8) Ở quốc độ khác
có những chúng sinh
tôn kính, tin tưởng,
thích thú Như Lai,
Như Lai lại hiện
tại quốc độ ấy,
tuyên thuyết cho họ
chánh pháp tối thượng.
Chư vị không nghe
về sự thể ấy,
chỉ nói Như Lai
đã nhập diệt rồi.
(9) Như Lai nhìn thấy
bao người cam tâm
trầm mình ở trong
mọi sự khổ não,
nên không hiện thân
cho họ nhìn thấy,
để họ sinh ra
khao khát ngưỡng vọng;
và khi lòng họ
lưu luyến hâm mộ,
bấy giờ Như Lai
lại hiện thân ra
tuyên thuyết cho họ
chánh pháp tối thượng.
(10) Thần lực Như Lai
là như thế ấy,
vô số thời kỳ
thường ở Linh sơn
cùng với bao nhiêu
chỗ ở khác nữa.
(11) Chúng sinh nhìn thấy
thì thấy hoại kiếp
lửa dữ đốt cháy
cả quốc độ này.
Nhưng chính lúc ấy
quốc độ Như Lai
vẫn thường yên ổn,
chư thiên nhân loại
vẫn thường tràn đầy
trong quốc độ ấy.
(12) Vườn rừng lầu đài
trang trí vàng ngọc,
cây ngọc sum sê
những hoa và quả,
mọi người thích thú
du ngoạn trong đó.
(13) Chư thiên thì đánh
trống của chư thiên,
lại thường diễn tấu
các thứ nhạc khí
và rưới hoa xuống
loại như mạn đà,
rải trên Như Lai
và cả đại chúng.
(14) Tịnh độ Như Lai
tồn tại như thế,
vậy mà chúng sinh
thấy lửa đốt hết,
thấy bao lo sợ,
kinh hoàng, đau đớn.
Những nỗi khổ ấy
thấy đầy khắp cả.
(15) Bao chúng sinh ấy
vì những nhân tố
hành vi tội ác,
mà bao thời kỳ
danh hiệu Tam bảo
cũng không được nghe,
huống chi được thấy
thân thể Như Lai.
(16) Những ai tu hành,
chân thành, ôn nhu.
thì đều thấy được
thân thể Như Lai
thường ở tại đây
tuyên thuyết chánh pháp.
(17) Vì những người này
mà Như Lai nói
đời sống Như Lai
vô biên vô lượng;
còn ai lâu lắm
mới thấy Như Lai,
Như Lai vì họ
nói Phật khó gặp.
(18) Trí lực Như Lai
là như thế đó.
Ánh sáng trí ấy
chiếu soi vô tận,
đời sống Như Lai
vô số thời kỳ,
là do Như Lai
lâu xa tu tập
hành vi thích đáng
mà thực hiện được.
(19) Tất cả chư vị
là người có trí,
với sự thể này
đừng sinh ngờ vực.
Hãy loại bỏ hết
mọi sự ngờ vực,
vì lời Như Lai
thật chứ không dối.
(20) Ví như lương y
khéo chước phương tiện;
để chữa cho những
đứa con cuồng sảng,
nên thật còn sống
mà nói chết rồi,
nhưng ai nói được
ông ấy dối trá?
(21) Như Lai cũng vậy;
là vị từ phụ
cứu chữa bao kẻ
đau khổ thác loạn:
chính vì cứu chữa
bao kẻ thác loạn
mà thật thường còn
lại nói nhập diệt.
(22) Vì nếu để họ
thường thấy Như Lai
thì họ sinh ra
kiêu căng, mặc ý,
phóng túng tham đắm
năm thứ dục lạc,
và sa vào trong
các nẻo đường dữ.
(23) Như Lai thường xuyên
thấy biết chúng sinh
ai có ai không
đi theo đường chánh,
rồi tùy trường hợp
cần phải hóa độ
cho họ thế nào,
Như Lai nói pháp
với những cách nói
thích ứng cho họ.
Như Lai thường xuyên
nghĩ với ý nghĩ
là làm cách nào
cho các chúng sinh
cùng được nhập vào
tuệ giác vô thượng,
mau chóng thành tựu
thân thể Như Lai.