Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 2: Phương tiện

21/05/201115:39(Xem: 10549)
Phẩm 2: Phương tiện

KINH PHÁP HOA
(Hoa Sen Của Chánh Pháp)
Phần CHÍNH VĂN – Thích Trí Quang dịch

CUỐN 1

Phẩm 2:Phương tiện

Khi ấy đức Thế Tôn thung dung xuất định, nói với tôn giả Xá lợi Phất, tuệ giác Như Lai sâu xa vô tận, cửa ngõ tuệ giác ấy khó biết khó vào. Hết thảy Thanh văn Duyên giác không thể biết thấu. Vì sao, vì Như Lai đã từng thân gần vô số chư Phật, thực hành trọn vẹn vô số các pháp đạt đến tuệ giác vô thượng mà chư Phật ấy đã thực hành, dũng mãnh tinh tiến, danh tiếng vang khắp, và thành tựu sự chưa từng có rất là sâu xa, ấy là tùy nghi thuyết pháp, ý hướng khó hiểu. Xá lợi Phất, từ khi trở thành bậc Toàn giác cho đến ngày nay, Như Lai đem mọi thứ yếu tố và mọi sự ví dụ mà diễn rộng các cách lập luận, vận dụng vô số phương tiện ấy dẫn dắt chúng sinh thoát được sự vướng mắc vào điểm này hay điểm khác. Tại sao Như Lai làm được như vậy? Vì Như Lai đã hoàn thành sự thấy biết toàn hảo và sự phương tiện toàn hảo. Xá lợi Phất, sự thấy biết của Như Lai rộng lớn sâu xa: những phẩm chất của sự thấy biết ấy đại loại như bốn tâm vô hạn, bốn trí thông suốt, mười đại năng lực, bốn sự không sợ, bốn thiền, bốn định, tám sự giải thoát, ba pháp tam muội, Như Lai đã đi sâu vào một cách không có giới hạn, nên thành tựu sự chưa từng có nói trên. Do đó, Xá lợi Phất, Như Lai phân tích và khéo nói các pháp, lời chữ hòa nhã, đẹp lòng mọi người. Lấy cốt yếu mà nói, thì sự chưa từng có có tính cách vô lượng vô biên, Như Lai đã thành tựu đầy đủ.

Xá lợi Phất, thôi, không nên nói nữa, vì sự chưa từng có, và khó hiểu bậc nhất ấy, mà Như Lai đã thành tựu, là chỉ Như Lai với chư vị Như Lai mới cứu xét cùng tận và tuyên thuyết khéo léo về thật tướng các pháp. Thật tướng ấy là biểu hiện như vậy, đặc tính như vậy, bản thể như vậy, năng lực như vậy, động tác như vậy, nhân tố như vậy, duyên tố như vậy, kết quả như vậy, hình thành như vậy, toàn bộ như vậy.

Khi ấy đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Vô lượng những bậc

anh hùng trong đời,

chư thiên nhân loại

hết thảy chúng sinh,

không ai hiểu thấu

đối với Như Lai.

(2) Mười đại năng lực

bốn sự không sợ

tám sự giải thoát

ba pháp tam muội

cùng với bao nhiêu

phẩm chất Phật đà

mà Như Lai có,

thì không một ai

có thể biết được

một cách tận cùøng.

(3) Vốn từ vô số

chư Phật Như Lai

Như Lai trọn vẹn

thực hành các pháp

tuệ giác vô thượng,

là pháp cực kỳ

sâu xa tinh túy

khó mà thấy biết.

(4) Trải qua vô lượng

vạn ức thời kỳ,

thực hành trọn vẹn

các pháp ấy rồi,

Như Lai đến ngồi

nơi bồ đề tràng,

được đại thành quả

biết rõ tất cả.

(5) Đại thành quả này

biết rõ những nghĩa

biểu hiện như vậy

đặc tính như vậy...

chỉ có Như Lai

cùng với mười phương

chư Như Lai khác

mới biết như vậy.

(6) Và pháp như vậy

không thể phô bày,

khái niệm ngôn ngữ

bặt dấu ở đây.

(7) Hết thảy chúng sinh

không ai hiểu nổi,

trừ chư bồ tát

đức tin vững chắc.

(8) Những con Phật khác

dẫu từng hiến cúng

chư Phật Như Lai,

phiền não đã hết,

đã đến trạng thái

thân này là thân

sống chết cuối cùng,

các vị như vậy

năng lực của họ

cũng vẫn bất kham.

(9) Giả sử tràn đầy

thế giới loài người

ai nấy đều như

Xá lợi Phất cả,

cùng tận tư duy

chung nhau suy lường,

cũng không lường được

tuệ giác Như Lai.

(10) Nếu thật đầy khắp

mười phương quốc độ

ai nấy đều như

Xá lợi Phất cả,

hoặc như các vị

đại đệ tử khác

cũng đầy khắp cả

mười phương quốc độ,

(11) cùng tận tư duy

chung nhau suy lường,

vẫn không biết được

tuệ giác Như Lai.

(12) Các vị Duyên giác

trí tuệ lanh lợi

phiền não không còn,

thân họ cũng là

cái thân cuối cùng;

các vị như vậy

cũng đầy mười phương

như một rừng tre,

(13) cùng nhau một lòng,

trải qua vô lượng

vạn ức thời kỳ,

suy nghĩ cho thấu

tuệ giác chân thật

mà Như Lai có,

cũng vẫn không thể

biết được ít phần.

(14) Các vị bồ tát

mới phát tâm chí,

phụng sự vô số

chư Phật Như Lai,

thấu triệt pháp nghĩa

lại khéo thuyết pháp;

(15) các vị như vậy

như lúa như tre,

tràn đầy khắp cả

mười phương quốc độ,

(16) kết hợp vận dụng

trí tuệ tinh tế,

trải qua thời kỳ

nhiều bằng hằng sa,

chung sức tư duy

chung nhau ước lượng,

cũng không biết được

tuệ giác Như Lai.

(17) Các vị bồ tát

đã không thoái chuyển,

số lượng nhiều bằng

cát của sông Hằng,

cùng nhau tìm xét

cũng không biết được.

(18) Này Xá lợi Phất,

cái pháp cực kỳ

sâu xa, tinh túy,

không còn sai sót,

ngoài tầm nghĩ bàn,

Như Lai đã biết

một cách đầy đủ.

Và chỉ Như Lai

mới biết pháp ấy,

cũng như chư vị

Như Lai mười phương

mới biết như vậy.

(19) Này Xá lợi Phất,

tôn giả nên biết

lời Như Lai nói

không có mâu thuẫn.

Đối với cái pháp

của Như Lai nói,

các người phải có

đức tin lớn lao.

Bởi vì nguyên tắc

của chư Như Lai

sau thì gian dài

phải nói sự thật.

(20) Cho nên ngày nay

Như Lai tuyên cáo

với chư Thanh văn

và chư Duyên giác,

những người đã được

Như Lai làm cho

thoát khổ thắt buộc

đạt được niết bàn,

(21) rằng đó chỉ là

Như Lai vận dụng

năng lực phương tiện

thiết ba cỗ xe,

để ai vướng mắc

bất cứ chỗ nào

Như Lai cũng dắt

cho được thoát ra.

Lúc ấy trong đại hội có một ngàn hai trăm vị A la hán đã hết phiền não, thuộc chúng Thanh văn, đại loại như tôn giả Kiềàu trần Như, cùng tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di, những người tâm chí thanh văn duyên giác, đều nghĩ như vầy, tại sao hôm nay đức Thế Tôn ân cần tán dương sự phương tiện, bằng cách nói rằng pháp Như Lai được cực kỳ sâu xa tinh túy và khó hiểu, rằng Như Lai nói gì ý hướng cũng khó biết, rằng hết thảy thanh văn duyên giác không thể đạt đến? Đức Thế Tôn nói về sự giải thoát đồng nhất thì chúng ta cũng thành tựu sự ấy, đạt đến niết bàn. Nhưng hôm nay thì chúng ta không biết sự ấy về đâu.

Tôn giảû Xá lợi Phất biết nỗi hoài nghi trong lòng bốn chúng và chính mình cũng chưa thấu triệt, nên thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, vì yếu tố chính và yếu tố phụ nào mà đức Thế Tôn ân cần tán dương sự phương tiện bậc nhất của ngài là pháp sâu xa, tinh túy và khó hiểu? Hồi nào đến giờ con chưa hề nghe đức Thế Tôn nói như vậy. Hiện giờ bốn chúng đều nghi ngại. Con thỉnh cầu đức Thế Tôn giải thích vấn đề này cho chúng con: vì lý do nào mà ngài ân cần tán dương sự phương tiện của ngài là sâu xa, tinh túy và khó hiểu? Tôn giả Xá lợi Phất muốn lặp lại ý nghĩa đã hỏi, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(22) Mặt trời tuệ giác,

bậc đại thánh triết,

lâu rồi mới nói

điều đặc biệt này.

Là ngài tự nói

bao nhiêu phẩm chất

mà Như Lai có,

đại loại như là

mười đại năng lực

bốn sự không sợ

ba pháp tam muội

bốn thiền bốn định

tám sự giải thoát,

toàn là những pháp

trên sự tư duy

ngoài tầm thảo luận.

(23) Ngài tự nói đến

pháp mà ngài biết

trong khi ngài ngồi

nơi Bồ đề tràng,

chứ không một ai

có thể hỏi thấu.

Ngài lại tự nói

ý ngài khó biết,

điều này cũng không

một ai hỏi được.

(24) Không ai hỏi được,

chỉ ngài tự nói,

tán dương con đường

mà ngài đã đi,

tán dương tuệ giác

cực kỳ tinh túy

mà như chư Phật,

ngài đã đạt được.

(25) Các vị La Hán

đã hết phiền não,

cùng với những vị

cầu được Niết bàn,

hôm nay cùng sa

vào lưới ngờ vực:

Thế Tôn vì gì

tự nói như vậy?

(26) Những vị cầu được

tuệ giác duyên giác,

các vị tỷ kheo

và tỷ kheo ni,

cùng với tất cả

tám bộ thiên long,

ai cũng bối rối

mà nhìn lẫn nhau

và nhìn lên ngài,

một bậc hoàn hảo

cả hai phương diện

phước đức tuệ giác.

(27) Bạch đức Thế Tôn,

việc này thế nào?

xin ngài giải thích

cho chúng con rõ.

(28) Trong chúng Thanh văn,

Thế Tôn nói con

là bậc thứ nhất,

nhưng nay chính con

tự mình đối với

tuệ giác của mình

cũng sinh nghi hoặc:

không rõ tuệ ấy

đã là cứu cánh

hay phải tới nữa?

(29) Bao nhiêu con Phật

sinh từ miệng Phật

nay đang chắp tay

ngước nhìn chờ đợi,

ước mong Thế Tôn

xuất ra âm thanh

cực kỳ tuyệt diệu,

kịp thời nói cho

về pháp của ngài

đúng như pháp ấy.

(30) Tám bộ thiên long

số bằng hằng sa,

chư vị Bồ tát

cầu tuệ giác Phật

số lượng đại khái

cũng có tám vạn.

(31) Lại còn xuất từ

vạn ức các nước,

các vị luân vương

cùng nhau đến đây,

ai cũng chắp tay

đem lòng cung kính

mong muốn được nghe

con đường hoàn hảo.

Đức Thế Tôn bảo tôn giả Xá Lợi Phất, thôi thôi, không nên nói. Nói vấn đề này thì cả thế gian, trong đó có chư thiên và nhân loại, sẽ kinh sợ ngờ vực. Tôn giả Xá Lợi Phất lại thưa, bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn dạy cho vấn đề này, vấn đề này xin đức Thế Tôn dạy cho. Vì đại hội này nhiều đến trăm ngàn, vạn ức, vô số, có nhiều người từng gặp chư Phật, các căn lanh lợi, trí tuệ sáng tỏ, nghe đức Thế Tôn dạy thì có thể kính tin. Tôn giả Xá Lợi Phất muốn lặp lại ý nghiã đã thưa, nên nói lời chỉnh cú sau đây:

(32) Bạch đức Vô Thượng,

vị vua các pháp!

xin ngài dạy cho

không cần e ngại.

Đại hội các chúng

vô số như vầy,

tất có những người

có thể kính tin.

Đức Thế Tôn lại ngăn tôn giả Xá Lợi Phất, rằng nếu Như Lai nói vấn đề này thì cả thế gian, trong đó có chư thiên, nhân loại và tu la, sẽ cùng kinh sợ, ngờ vực, những vị tỷ kheo tăng thượng mạn sẽ rơi xuống hố lớn. Đức Thế Tôn lặp lại ý ngài bằng lời chỉnh cú sau đây:

(33) Thôi thôi, đừng hỏi!

Pháp của Như Lai

tinh túy, khó biết.

Những kẻ thượng mạn

nghe nói pháp ấy

tất không kính tin.

Tôn giả Xá Lợi Phất lại thưa, bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn dạy cho vấn đề này, vấn đề này xin đức Thế Tôn dạy cho. Nay trong đại hội này, những người như con, và trăm ngàn vạn ức người, đời đời đã từng tiếp nhận sự giáo hóa của đức Thế Tôn; những người như vậy chắc chắn có thể kính tin, ổn định lâu dài và lợi ích lớn lao. Tôn giả Xá Lợi Phất lặp lại ý mình bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(34) Thưa đấng Vô Thượng,

phước trí toàn hảo!

xin ngài dạy cho

cái pháp bậc nhất.

Con là con trưởng

của đức Thế Tôn,

con thỉnh cầu ngài

dạy cho chúng con.

Trong đại hội này

có vô số người

có thể kính tin

về pháp ngài dạy.

(35) Đời đời liên tiếp,

Thế Tôn đã từng

giáo hóa tiếp độ

những người như vầy.

Nay họ chắp tay

đồng nhất tâm nguyện

muốn nghe và nhận

lời Thế Tôn nói.

(36) Những người như con

một ngàn hai trăm,

cùng với các vị

cầu tuệ giác Phật,

xin đức Thế Tôn

vì những người này

rủ lòng thương xót

mà giảng giải cho.

Những người này đây

nghe được pháp này

thì lòng sinh ra

hoan hỷ cùng cực.

Khi ấy đức Thế Tôn bảo tôn giả Xá lợi Phất, tôn giả đã thiết tha thỉnh cầu đến lần thứ ba, nên Như Lai không thể không nói. Vậy tôn giả hãy lắng nghe, hãy khéo nghĩ và khéo nhớ! Như Lai sẽ phân tích giảng giải cho tôn giả. Khi đức Thế Tôn dạy như vậy, trong đại hội có đến năm ngàn tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di, tức thì đứng dậy khỏi chỗ họ ngồi, đảnh lễ đức Thế Tôn mà lui ra. Những người này gốc rễ tội lỗi về tăng thượng mạn thật là sâu nặng, chưa được tự cho đã được, chưa chứng tự cho đã chứng, lầm lẫn đến thế nên họ không ở lại. Đức Thế Tôn cũng yên lặng mà không ngăn cản. Ngài bảo tôn giả Xá lợi Phất, đaị hội này của Như Lai nay không còn trấu lép, mà chỉ toàn là hạt chắc. Xá lợi Phất, tăng thượng mạn như những người kia thì lui ra cũng tốt. Bây giờ tôn giả hãy nghe cho khéo, Như Lai sẽ giảng giải cho tôn giả. Tôn giả Xá lợi Phất thưa, dạ, bạch đức Thế Tôn; chúng con ước nguyện và thích thú muốn nghe.

Đức Thế Tôn bảo tôn giả Xá lợi Phất, cái pháp tinh túy này Như Lai thỉnh thoảng mới nói, như hoa ưu đàm thỉnh thoảng mới xuất hiện một lần. Xá lợi Phất, chư vị hãy tin lời Như Lai nói không trống rỗng, dối trá. Xá lợi Phất, Như Lai tùy nghi thuyết pháp, ý hướng khó hiểu. Tại sao, vì Như Lai hoạt dụng vô số phương tiện, trong đó gồm có các thứ yếu tố, ví dụ và lời chữ, mà diễn đạt về pháp. Pháp ấy không phải tư duy phân tích mà lĩnh hội được. Pháp ấy chỉ có chư Phật Như Lai mới chứng biết.

Sự thể là chư Phật Như Lai chỉ vì lý do duy nhất và trọng đại mà xuất hiện thế gian. Xá lợi Phất, lý do duy nhất và trọng đại mà chư Phật Như Lai xuất hiện thế gian là gì? Là chư Phật Như Lai muốn làm cho chúng sinh khai mở sự thấy biết của Phật được trong sáng nên xuất hiện thế gian, muốn chỉ thị cho chúng sinh sự thấy biết của Phật được trong sáng nên xuất hiện thế gian, muốn làm cho chúng sinh tỉnh ngộ sự thấy biết của Phật được trong sáng nên xuất hiện thế gian, muốn làm cho chúng sinh nhập vào con đường thấy biết của Phật được trong sáng nên xuất hiện thế gian. Xá lợi Phất, như thế đó là lý do duy nhất và trọng đại mà chư Phật Như Lai xuất hiện thế gian. Và Xá lợi Phất, như thế đó tức là chư Phật Như Lai chỉ giáo hóa bồ tát, nghĩa là làm gì cũng thường vì một việc, ấy là đem sự thấy biết của Phật mà chỉ thị cho chúng sinh tỉnh ngộ.

Xá lợi Phấát, Như Lai chỉ đem cỗ xe duy nhất là cỗ xe Phật đà mà thuyết pháp cho chúng sinh, không có cỗ xe nào khác dầu là cỗ xe thứ hai hay là cỗ xe thứ ba. Xá lợi Phất, pháp của chư Phật mười phương cũng là như vậy. Xá lợi Phất, chư Phật quá khứ đã vận dụng vô số phương tiện, trong đó gồm có các thứ yếu tố, ví dụ và lời chữ, mà thuyết pháp cho chúng sinh, pháp ấy toàn là của cỗ xe Phật đà duy nhất, nên chúng sinh nghe pháp nơi chư Phật ấy thì cứu cánh đều được tuệ giác biết tất cả. Chư Phật vị lai sẽ xuất hiện thế gian cũng vận dụng vô số phương tiện, trong đó gồm có các thứ yếu tố, ví dụ và lời chữ, mà thuyết pháp cho chúng sinh, pháp ấy toàn là của cỗ xe Phật đà duy nhất, nên chúng sinh nghe pháp nơi chư Phật ấy thì cứu cánh cũng đều được tuệ giác biết tất cả. Hiện tại, trong vô lượng cõi Phật khắp cả mười phương, chư Phật đang làm lợi ích và yên vui rất nhiều cho chúng sinh, chư Phật như vậy cũng vận dụng vô số phương tiện, trong đó gồm có các thứ yếu tố, ví dụ và lời chữ, mà thuyết pháp cho chúng sinh, pháp ấy toàn là của cỗ xe Phật đà duy nhất, nên chúng sinh nghe pháp nơi chư Phật ấy thì cứu cánh cũng đều được tuệ giác biết tất cả. Xá lợi Phất, chư Phật ba đời trong mười phương làm như vậy là đồng nghĩa với việc chỉ giáo hóa bồ tát: muốn đem sự thấy biết của Phật khai mở cho chúng sinh, muốn đem sự thấy biết của Phật chỉ thị cho chúng sinh, muốn đem sự thấy biết của Phật thức tỉnh cho chúng sinh, muốn dẫn chúng sinh nhập vào con đường thấy biết của Phật. Xá lợi Phất, nay Như Lai cũng làm như vậy. Như Lai biết rõ những thị hiếu và vướng mắc của các loại chúng sinh; tùy bản tính của họ, Như Lai vận dụng các thứ yếu tố, ví dụ và lời chữ, nghĩa là vận dụng năng lực phương tiện, mà thuyết pháp. Xá lợi Phất, Như Lai làm như vậy toàn là để cho họ cùng được tuệ giác biết tất cả của cỗ xe Phật đà duy nhất.

Xá lợi Phất, như vậy là trong mười phương quốc độ, cỗ xe thứ hai còn không có, huống chi có cỗ xe thứ ba. Nhưng, Xá lợi Phất, chư Phật Như Lai xuất hiện trong thời kỳ dữ dội thì đó là thời kỳ đủ cả năm thứ vẩn đục: thời kỳ vẩn đục, tâm lý vẩn đục, con người vẩn đục, kiến thức vẩn đục, mạng sống vẩn đục. Khi thời kỳ vẩn đục loạn lên, thì chúng sinh dơ bẩn dày nặng, keo lẫn, tham lam, ganh ghét, hoàn thành đủ thứ bất thiện, nên chư Phật Như Lai phải vận dụng năng lực phương tiện: chính nơi cỗ xe duy nhất là cỗ xe Phật đà mà giả thiết ra, nói có ba cỗ xe. Do đó, Xá lợi Phất, nếu là đệ tử của Như Lai, tự gọi là La hán, là Duyên giác, mà không nghe không biết đến việc Như Lai chỉ giáo hóa bồ tát như trên, thì những người ấy không phải đệ tử của Như Lai: không phải La hán, không phải Duyên giác. Những vị tỷ kheo và tỷ kheo ni như vậy tự cho đã thành La hán, thân mình là thân cuối cùng, mình cứu cánh niết bàn, rồi không còn có chí mong cầu tuệ giáùc vô thượng, thì tôn giả nên biết họ toàn là người tăng thượng mạn. Vì lẽ nếu có vị nào thật được thành La hán mà không tin pháp này thì vô lý, trừ ra sau khi Như Lai đã nhập diệt, trước mặt họ không có Như Lai nữa - Sau khi Như Lai nhập diệt, kinh Pháp Hoa này có ai tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, lý giải ý nghĩa..., người ấy thật khó có. Nếu gặp đức Phật khác thì đối với kinh này họ nhận thức được ngay.

Nói tóm, Xá lợi Phất, chư vị hãy nhất tâm mà tin tưởng, lý giải, tiếp nhận và ghi nhớ lời của Như Lai nói. Lời của chư Phật Như Lai nói thì không trống rỗng, dối trá, nói rằng không có cỗ xe nào khác mà chỉ có cỗ xe duy nhất là cỗ xe Phật đà.

Khi ấy đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(37) Chư vị tỷ kheo

và tỷ kheo ni

mà có thượng mạn,

cùng ưu bà tắc

và ưu bà di

mà lòng không tin,

bốn chúng như vậy

số có năm ngàn.

(38) Họ không tự thấy

mình đã khinh suất.

Họ thiếu giới hạnh,

che giấu tỳ vết.

Hạng trí nhỏ ấy

đã lui hết rồi.

(39) Trong đại hội này

họ là cặn bã.

Họ lui là vì

uy thần Như Lai.

Họ là những kẻ

thiếu cả phước đức,

không kham tiếp nhận

diệu pháp như vầy.

(40) Trong đại hội này

nay hết trấu lép,

còn lại chỉ có

toàn là hạt chắc.

(41) Này Xá lợi Phất,

hãy nghe cho khéo

về pháp Như Lai

đã thành tựu được,

và về phương tiện

Như Lai hoạt dụng

để nói pháp ấy

cho các chúng sinh.

*

(42) Quan niệm, đạo hạnh,

thị hiếu, khuynh hướng,

hành vi lành dữ

đời trước đã làm,

tất cả điều này

của các chúng sinh

Như Lai nhận thức

rất là rõ ràng.

(43) Thế rồi Như Lai

sử dụng mọi thứ

yếu tố, ví dụ,

cùng với lời chữ,

nghĩa là dùng đến

năng lực phương tiện,

làm cho chúng sinh

hoan hỷ tất cả.

(44) Cho nên Như Lai

đã nói tản văn,

chỉnh cú độc lập,

việc cũ, đời trước,

việc hiếm, nguyên do,

hoặc nói ví dụ,

chỉnh cú thích ứng,

cùng với thảo luận.

(45) Những kẻ ám độn

chỉ thích pháp nhỏ,

vướng mắc sinh tử;

nơi vô số Phật

họ đã không đi

theo đường tuyệt diệu.

Họ bị đau khổ

dày vò tác loạn.

Như Lai vì họ

mà nói niết bàn.

(46) Như Lai thiết lập

phương tiện như vậy,

chủ ý làm cho

họ được nhập vào

tuệ giác Phật đà,

nhưng chưa hề nói

tất cả các người

đều sẽ thành Phật.

(47) Sở dĩ Như Lai

chưa nói như vậy

là vì chưa đến

thì gian đáng nói.

Nhưng nay là lúc

Như Lai quyết định

nói về giáo pháp

cỗ xe vĩ đại.

*

(48) Giáo pháp ở trong

chín thể loại trên,

là do Như Lai

tùy thuận chúng sinh

mà tuyên thuyết ra,

nhưng mà bản ý

là dẫn họ vào

cỗ xe vĩ đại.

Vì lý do ấy,

ngày nay Như Lai

nói về bản kinh

Diệu Pháp Liên Hoa.

(49) Có những con Phật

tâm trí trong sáng

tánh tình ôn hòa

các căn lanh lợi,

đã từng đi theo

con đường tuyệt diệu

ở nơi vô lượng

chư Phật Như Lai;

chính vì những người

con Phật như vậy

mà nay Như Lai

nói kinh Pháp Hoa,

bản kinh thuộc về

cỗ xe vĩ đại.

(50) Qua đó Như Lai

sẽ thọ ký cho

những con Phật ấy

trong thì vị lai

được thành Phật đà _

Được thành vì họ

đã đem tâm chí

cực kỳ sâu xa

tưởng niệm Phật đà

nghiêm giữ giới pháp.

(51) Những con Phật ấy

nghe được thành Phật

thì nỗi mừng lớn

tràn khắp cơ thể.

Như Lai biết rõ

tâm chí cùng với

đạo hạnh của họ,

nên mới nói cho

bản kinh thuộc về

cỗ xe vĩ đại.

(52) Và là thanh văn

hay là bồ tát,

nghe kinh như vậy

của Như Lai nói,

thì dẫu chỉ được

một bài chỉnh cú,

cũng thành Phật cả,

không nghi gì được.

*

(53) Khắp cả cõi Phật

trong cả mười phương,

chỉ có diệu pháp

cỗ xe duy nhất.

Cỗ xe thứ hai

đã không thực có,

cũng không thực có

cỗ xe thứ ba,

trừ ra Như Lai

phương tiện tuyên thuyết -

là chỉ thiện dụng

những danh từ giả

mà dẫn dắt cho

các loại chúng sinh.

(54) Chính vì công bố

tuệ giác Phật đà,

cho nên Như Lai

xuất hiện thế gian.

Chỉ một việc này

là việc đích thực,

còn hai việc khác

không đích thực đâu.

Như Lai tuyệt đối

không muốn sử dụng

cỗ xe thấp nhỏ

mà chở chúng sinh.

(55) Như Lai tự ngồi

cỗ xe vĩ đại,

cỗ xe được có

những pháp như là

định, tuệ và lực

trang sức huy hoàng,

Như Lai sử dụng

mà chở chúng sinh.

(56) Như Lai tự chứng

tuệ giác vô thượng

là xe vĩ đại

có tính bình đẳng.

Nếu đem hóa độ

bằng xe thấp nhỏ,

thì dẫu hóa độ

một người mà thôi,

Như Lai cũng rơi

vào sự tham lẫn:

ấy là một việc

không chấáp nhận được.

(57) Mọi người tín ngưỡng

qui y Như Lai.

Như Lai không hề

lừa dối ai cảû,

không cả tâm ý

tham lam ganh ghét,

triệt hết sự xấu

ở trong các pháp.

Cho nên khắp trong

mười phương quốc độ,

chỉ có Như Lai

không e sợ gì.

(58) Với cái thân thể

tướng hảo trang nghiêm,

với cái tuệ giác

soi sáng tất cả,

và được vô lượng

chúng sinh tôn trọng,

Như Lai công bố

ấn tín thật tướng.

(59- Này Xá lợi Phất

60) tôn giả nên biết

Như Lai vốn lập

chí nguyện cao rộng

là muốn làm cho

hết thảy chúng sinh

đều như Như Lai

không khác gì cả.

Đúng như chí nguyện

Như Lai đã lập,

ngày nay Như Lai

thực hiện đầy đủ,

cho nên Như Lai

giáo hóa tất cả,

làm cho vào được

tuệ giác Phật đà.

(61) Nhưng nếu Như Lai

gặp ai cũng đem

tuệ giác Phật đà

mà giáo hóa cho,

thì kẻ vô trí

sẽ bị thác loạn,

mù mờ, lầm lẫn,

không thể tiếp nhận.

(62) Như Lai nhận thức

những kẻ như vậy

chưa từng sửa sang

gốc rễ pháp lành,

dính chắc vào nơi

năm thứ dục lạc,

khổ não vì những

mù quáng, đam mê.

(63) Chính vì nhân tố

năm thứ dục lạc

mà họ sa vào

ba đường độc dữ.

Luân hồi khắp cảû

sáu nẻo sống chết,

lãnh chịu đủ hết

khổ sở độc địa.

Hình hài hèn kém

có bởi bào thai,

đời đời liên tiếp

cứ thêm lên mãi.

Họ là những kẻ

mỏng đức thiếu phước,

và bị đủ thứ

khổ não bức bách.

(64) Nên họ lạc vào

rừng rậm tà kiến,

chấp có thế này

chấp không thế khác.

Căn cứ những thứ

tà kiến như vậy,

họ lần đủ cả

sáu hai tà kiến,

đắm sâu vào trong

chủ thuyết hư vọng,

chấp nhận cứng chắc

không thể xả bỏ.

(65) Họ đầy ngã mạn,

tự cao, dua nịnh,

quanh co, xảo trá.

Vạn ức thời kỳ

họ không nghe được

danh từ Phật đà,

chánh pháp Phật đà

càng không nghe thấy.

Những người như vậy

thật khó hóa độ.

(66) Này Xá lợi Phất,

vì những người ấy

cho nên Như Lai

lập chước phương tiện:

nói cho họ biết

con đường diệt khổ,

chỉ cho họ rõ

về sự niết bàn.

Nhưng mà Như Lai

dẫu nói niết bàn,

sự niết bàn đó

chưa thật niết bàn.

(67) Vì vậy Như Lai

khai thị nguyên lý:

các pháp xưa nay

thường tự vắng lặng.

Con Phật đi trọn

đường đi của mình

thì trong tương lai

được thành Phật đà,

như thế mới là

niết bàn đích thực.

(68) Như vậy đủ thấy

do phương tiện lực

mà Như Lai có,

Như Lai khai thị

đủ hết các pháp

của ba cỗ xe;

kỳ thật tất cả

chư Phật Như Lai

đều chỉ nói đến

cỗ xe duy nhất.

(69) Ngày nay đại hội

hãy bỏ nghi hoặc.

Lời chư Phật nói

không khác sự thật:

chỉ có cỗ xe

Phật đà duy nhất,

không hai cỗ xe

thứ hai thứ ba.

*

(70) Vô số thời kỳ

thuộc thì quá khứ,

vô lượng chư Phật

đã nhập niết bàn;

những loại số mục

trăm ngàn vạn ức

không thể đem ra

mà tính cho được.

(71) Chư Phật như vậy

đã dùng đủ thứ

yếu tố, ví dụ

của phương tiện lực,

diễn đạt thật tướng

tất cả các pháp.

(72) Nghĩa là các ngài

cũng nói giáo pháp

cỗ xe duy nhất,

giáo hóa chúng sinh

làm cho vào được

tuệ giác Phật đà.

(73) Chư Phật quá khứ,

những chúa thánh triết,

biết rõ thị hiếu

từ trong thâm tâm

của cả thế gian,

trong đó bao gồm

chư thiên, nhân loại

và bao loài khác,

cho nên sử dụng

phương tiện khác nhau

để giúp phát lộ

chân lý bậc nhất.

(74- Ấy là ai gặp

75) chư Phật quá khứ,

được nghe thuyết pháp

và rồi bố thí,

giữ giới, nhẫn nhục,

cùng với tinh tiến,

thiền định, trí tuệ,

làm đủ các pháp

của cả hai loại

phước đức tuệ giác,

thì những người ấy

đã thành Phật tuệ.

(76) Chư Phật quá khứ

nhập Niết bàn rồi,

ai có tâm lý

tốt đẹp mềm dịu,

thì những người ấy

đã thành Phật tuệ.

(77-78) Chư Phật quá khứ

nhập Niết bàn rồi,

những ai hiến cúng

xá lợi các ngài,

bằng cách xây dựng

vạn ức chùa tháp,

lại đem bạc, vàng,

cùng với pha lê,

xa cừ, mã não,

mai khôi, lưu ly,

trang hoàng quang đãng

trần thiết tráng lệ,

thì những người ấy

đã thành Phật tuệ.

(79-80) Ai dựng chùa tháp

bằng đá cẩm thạch,

bằng những thứ gỗ

đàn hương, trầm hương,

cùng với gỗ mật

và gỗ quý khác;

ai dựng chùa tháp

bằng gạch, đất sét;

hay nơi hoang dã

đắp nổi gò đất

tạo thành chùa tháp

chư Phật quá khứ;

(81) thậm chí trẻ con

vui đùa đắp tháp

mà tưởng tượng rằng

xây dựng tháp Phật,

tất cả người này

đã thành Phật tuệ.

(82) Ai vì chư Phật

trong thì quá khứ

mà tạo hình tượng

chạm trỗ tướng tốt,

thì những người ấy

đã thành Phật tuệ.

(83) Hoặc tạo tượng Phật

bằng bảy chất quý,

bằng các loại đồng

vàng đỏ và trắng,

(84) bằng chì, thiết, sắt,

gỗ với đất sét;

hoặc dùng các thứ

keo, sơn, vải bố,

bồi đắp tô chuốt

mà làm tượng Phật;

tất cả người này

đã thành Phật tuệ.

(85) Hoặc dùng hội họa

vẽ ra tượng Phật

đủ cả các tướng

trăm phước trang nghiêm,

tự mình vẽ ra

hay nói người vẽ,

thì những người ấy

đã thành Phật tuệ.

(86) Đến nỗi trẻ con

dùng cỏ, cây, bút,

ngón tay, móng tay,

vẽ chơi tượng Phật,

(87) thì những trẻ ấy

công đức dồn chứa,

từ bi hoàn hảo,

đã thành Phật tuệ,

và chỉ giáo hóa

chư vị Bồ tát,

cứu độ vô lượng

các loại chúng sinh.

(88) Nếu ai đối với

chùa tháp, hình tượng,

tượng ngọc, tượng vẽ

chư Phật quá khứ,

mà đem bông hoa

các loại hương liệu

tràng phan bảo cái

cung kính hiến cúng;

(89-92) nếu ai tấu nhạc,

đánh trống, thổi còi,

thổi ốc, ống tiêu,

ống sáo, đàn cầm,

đàn hầu, tỳ bà,

chiên nhỏ, bạt đồng,

đem hết âm thanh

nghe hay như vậy

hiến lên chư Phật

trong thì quá khứ;

hoăëc là hoan hỷ

ca hát, ngâm vịnh,

tán dương đức tính

chư Phật quá khứ;

và làm như vậy

dầu một tiếng nhỏ;

tất cả người này

đã thành Phật tuệ.

(93) Những ai trong lòng

tư tưởng xao lãng,

chỉ được mỗi một

bông hoa mà thôi,

và chỉ hiến cúng

tượng vẽ mà thôi,

cũng vẫn dần dần

gặp vô số Phật.

(94) Ai biết lễ bái,

hay chỉ chắp tay,

đến nỗi đưa lên

chỉ một cánh tay,

hoặc chỉ hơi khẽ

cúi đầu mình xuống,

hiến cúng tượng Phật

bằng những cách ấy

cũng đã dần dần

gặp vô lượng Phật,

tự thành tựu được

tuệ giác vô thượng,

hóa độ rộng rãi

vô số các chúng,

và rồi nhập vào

Niết bàn hoàn toàn

tựa như củi hết

thì lửa cũng tắt.

(95) Những kẻ trong lòng

tư tưởng xao lãng,

bước vào chùa tháp

chư Phật quá khứ,

chỉ nói một tiếng

con tôn kính Phật,

thì những người ấy

đã thành Phật tuệ.

(96) Ở nơi chư Phật

quá khứ như vậy,

mà lúc các ngài

đang còn ở đời

hay lúc các ngài

nhập Niết bàn rồi,

những ai nghe danh

của pháp như vầy,

thì những người ấy

đã thành Phật tuệ.

(97) Chư Phật Như Lai

trong thì vị lai

số lượng vô số,

các ngài cũng dùng

mọi cách phương tiện

tuyên thuyết về pháp.

(98) Các ngài cũng dùng

vô số phương tiện

cứu thoát chúng sinh,

dẫn vào tuệ giác

không còn sai sót

của chư Phật đà.

(99) Những người được nghe

pháp các ngài thuyết,

thì không một ai

không thành Phật đà.

Bởi vì các ngài

cũng lập thệ nguyện

nguyện đem trí Phật

mà mình hoàn thành

dìu dắt hết thảy

các loại chúng sinh

cũng được hoàn thành

trí Phật như vậy.

(100) Chư Phật vị lai

dẫu cũng sẽ nói

về các pháp môn

nhiều đến vạn ức,

kỳ thật chỉ vì

cỗ xe duy nhất.

(101) Chư Phật: các đấng

phước tuệ hoàn hảo,

thấy biết các pháp

thường không cố định,

giống Phật cũng phát

từ các yếu tố;

thấy biết như vậy

nên chư Phật đà

tuyên thuyết giáo pháp

cỗ xe duy nhất.

(102) Chính vì vốn là

bản thể an trú,

bản thể nguyên vị,

cho nên thật tướng

của chính thế gian

cũng vẫn thường trú;

tại Bồ đề tràng

các đức Đạo sư

biết rõ như vậy,

nên dùng phương tiện

tuyên thuyết giáo pháp

cỗ xe duy nhất.

(103) Chư Phật hiện tại

ở khắp mười phương,

toàn là những bậc

trời người hiến cúng,

số lượng nhiều như

cát của sông Hằng.

Chư Phật như vậy

xuất hiện thế gian,

vì muốn làm cho

chúng sinh yên vui

nên cũng tuyên thuyết

về diệu pháp này.

(104) Chư Phật như vậy

thấu triệt nguyên lý

vắng lặng bậc nhất,

và rồi áp dụng

năng lực phương tiện,

phô bày đủ hết

các loại chánh pháp;

tuy làm như vậy

mà thật chỉ vì

cỗ xe Phật đà.

(105-106) Tính nết, quan niệm,

việc làm đời trước,

thị hiếu, khuynh hướng,

nổ lực, năng lực,

các căn lanh chậm,

chư Phật biết rõ

tất cả điều này

của các chúng sinh.

Thế rồi các ngài

áp dụng đủ thứ

yếu tố, ví dụ,

cùng với lời chữ,

tùy sự nên nói

phương tiện mà nói.

(107) Ngày nay Như Lai

cũng làm như vậy.

Để làm yên vui

cho các chúng sinh,

Như Lai thiện dụng

các cách huấn dụ,

tuyên thuyết biểu thị

tuệ giác Phật đà.

(108) Với trí tuệ lực,

Như Lai nhận thức

bản tính, thị hiếu

của các chúng sinh,

phương tiện thuyết pháp

làm hoan hỷ cả.

(109) Này Xá Lợi Phất,

tôn giả nên biết,

Như Lai sử dụng

mắt Phật mà nhìn

thì thấy chúng sinh

trong cả sáu đường

đều quánghèo nàn

phước đức tuệ giác,

lạc vào đường hiểm

của chốn sống chết,

cái khổ liên tục

không hề dứt mất.

(110) Họ dính sâu xa

vào năm dục lạc,

như bò đuôi dài

tự cưng đuôi nó.

Tham lam đam mê

tự che phủ lấy,

làm họ đui mù

không thấy gì cả:

không biết tìm Phật

bậc cực hùng mạnh,

không biết cầu pháp

yếu tố dứt khổ.

(111) Họ đi sâu vào

chủ thuyết sai lầm,

sử dụng đau khổ

mong hết đau khổ.

Chính vì bao kẻ

như thế này đây,

Như Lai động lòng

thương xót lớn lao.

(112-113) Trong khi mới ngồi

nơi Bồ Đề tràng,

vừa thành tựu được

tuệ giác vô thượng,

Như Lai nhìn vào

Bồ đề đại thọ,

lại còn kinh hành

quanh đại thọ ấy,

ba tuần liên tiếp

suy nghĩ như vầy:

Tuệ giác Như Lai

đã thành tựu được

thì rất tinh túy

cao tột bậc nhất;

còn như các căn

của bao chúng sinh

thì quá chậm chạp,

lại bị cái ngu

vì ham dục lạc

làm mù tâm trí,

những kẻ như vậy

làm sao hóa độ?

(114-116) Khi ấy các vị

Phạn Vương, Đế Thích,

bốn đại Thiên Vương

hộ vệ thế gian,

Đại Tự Tại Thiên,

cùng các thiên chúng

tùy thuộc của họ

nhiều đến ngàn vạn,

cung kính chắp tay

đảnh lễ thỉnh cầu

Như Lai chuyển đẩy

bánh xe chánh pháp.

Như Lai tức thì

suy nghĩ như vầy:

Nếu chỉ tán dương

cỗ xe Phật đà,

những kẻ chìm ngập

ở trong đau khổ

không thể tin được

về pháp như vậy.

Rồi vì phá hoại

không tin vào pháp,

nên rơi vào lại

trong ba đường dữ.

Như vậy thà là

Như Lai không nói,

mà nên mau chóng

nhập vào Niết bàn.

(117) Nhưng rồi Như Lai

tức thì nhớ đến

chư Phật Như Lai

trong thì quá khứ,

nhớ đến phương tiện

các ngài thi hành,

và nghĩ như vầy:

Tuệ giác vô thượng

mà nay Như Lai

đã thực hiện được,

Như Lai cũng phải

áp dụng phương tiện

mà tuyên thuyết ra

đủ ba cỗ xe.

(118) Ngay khi Như Lai

suy nghĩ như vậy,

chư Phật mười phương

đều hiện trước mắt,

dùng tiếng Phạn thiên

khuyến khích Như Lai,

nói rằng tốt lắm

Thích Ca Thế Tôn!

(119) Ngài là vị thầy

dẫn đạo bậc nhất!

Ngài đã hoàn thành

cái pháp tối thượng,

thì nên thể theo

hết thảy chư Phật

mà cùng dùng đến

nghệ thuật phương tiện.

(120) Chư Phật chúng tôi

cũng hoàn thành được

cái pháp bậc nhất

rất tinh túy ấy,

và vì chúng sinh

các loại khác nhau

nên phải phân ra

nói ba cỗ xe.

Vì kẻ trí nhỏ

chỉ thích pháp nhỏ,

không thể tự tín

mình sẽ làm Phật.

(121) Do vậy chúng tôi

áp dụng phương tiện,

phân nói các loại

tuệ giác ba xe,

và tuy nói cả

tuệ giác ba xe,

kỳ thật chỉ dạy

các vị Bồ tát.

(122) Này Xá Lợi Phất,

tôn giả nên biết,

Như Lai nghe được

tiếng nói tuyệt diệu

trong thanh thâm thúy

của chư Như Lai -

những bậc sư tử

của các thánh triết,

tức thì hoan hỷ

và thốt lên rằng:

Tôi xin tôn kính

chư vị Phật đà!

(123) Như Lai lại nghĩ:

Như Lai xuất hiện

nhằm vào thời kỳ

dữ dội vẩn đục,

thì như lời lẽ

của chư Phật nói,

Như Lai cũng phải

thể theo mà làm.

(124) Như Lai nghĩ rồi

liền đến Lộc Uyển.

Thật tướng các pháp

vốn rất vắng lặng,

không thể diễn tả

bằng những lời chữ,

nhưng mà Như Lai

áp dụng phương tiện

nói pháp ấy ra

cho năm Tỷ kheo.

(125) Như vậy gọi là

quay bánh xe pháp,

thế gian liền có

danh hiệu Niết bàn,

lại còn có cả

danh hiệu La Hán,

có pháp có Tăng

danh hiệu khác biệt.

(126) Từ đó đến nay

Như Lai ca tụng

Niết bàn hết hẳn

cái khổ sống chết.

Như Lai thường xuyên

đã nói như vậy.

(127) Nhưng Xá Lợi Phất,

tôn giả nên biết,

Như Lai lại thấy

có những con Phật

quyết chí cầu được

tuệ giác Phật đà.

Số ấy nhiều đến

vô lượng vạn ức.

(128) Ai cũng cung kính

đến chỗ Như Lai,

vì các đời trước

họ đã từng nghe

pháp mà chư Phật

phương tiện tuyên thuyết.

(129) Như Lai lúc ấy

suy nghĩ như vầy:

Sở dĩ Như Lai

xuất hiện thế gian

là để tuyên thuyết

tuệ giác Phật đà,

thì nay chính là

thì gian tuyên thuyết.

(130) Này Xá Lợi Phất,

tôn giả nên biết,

những kẻ trí nhỏ,

các căn chậm chạp,

chấp trước hình thức,

kiêu căng ngạo mạn,

thì không thể nào

tin được pháp này.

Nhưng mà pháp này

Bồ tát sẽ nghe.

(131) Thế nên ngày nay

Như Lai cảm thấy

hoan hỷ hết sức,

chứ không e ngại.

Ngay giữa đại chúng

chư vị Bồ tát,

Như Lai thẳng thắn

loại bỏ phương tiện,

chỉ còn nói đến

tuệ giác vô thượng.

(132) Chư vị Bồ tát

nghe được pháp này

thì lưới ngờ vực

thoát bỏ được cả,

mà ngàn hai trăm

chư vị La hán

ai nấy cũng sẽ

được làm Phật đà.

(133-134) Cho nên y như

thể thức thuyết pháp

của chư Phật đà

trong ba thì gian,

ngày nay Như Lai

cũng làm như vậy:

Tuyên thuyết về pháp

không có khác nhau.

(135) Chư Phật xuất thế

là sự khó có,

vì lẽ lâu xa

mới gặp một lần.

Mà dẫu chư Phật

đã xuất thế rồi,

nói về pháp này

là sự khó có.

Vô số thời kỳ

mới nghe pháp này,

nên sự nghe ấy

là sự khó có.

Và rồi những ai

nghe nổi pháp này,

thì người như vậy

là người khó có.

(136) Như hoa Ưu đàm

ai cũng ưa thích,

đến như chư thiên

cũng thấy hiếm có,

vì lẽ thỉnh thoảng

mới trổ một lần.

(137) Những người nghe nổi

pháp như thế này,

nghe rồi hoan hỷ

ca tụng tán dương,

thì dẫu đến nỗi

chỉ pháp một lời,

cũng đã hiến cúng

tam thế chư Phật.

Nên người như vậy

hết sức khó có,

khó có hơn cả

hoa thiêng Ưu đàm.

(138) Tất cả các chúng

các người đừng nghi!

Như Lai là bậc

vua của các pháp,

phổ cáo các người

biết rằng Như Lai

chỉ đem giáo pháp

cỗ xe duy nhất

mà giáo hóa cho

chư vị Bồ tát.

Như Lai không có

đệ tử Thanh văn.

(139) Này Xá Lợi Phất,

tất cả các người,

bất luận Thanh văn

hay là Bồ tát,

đều phải biết rằng

pháp tinh túy này

chính là bí yếu

của chư Phật đà.

(140) Thời kỳ dữ dội

đầy năm vẩn đục,

con người chỉ thích

đắm say dục lạc,

không bao giờ muốn

cầu tuệ giác Phật.

(141) Nên những kẻ ác

trong tương lai ấy

dẫu được nghe đến

cỗ xe duy nhất

của Như Lai nói,

cũng ngu và lầm,

không thể tin tưởng,

không chịu tiếp nhận

phá hoại pháp ấy

và sa đường dữ.

(142) Chỉ có những ai

hổ thẹn, trong sạch,

quyết chí tìm đến

tuệ giác Phật đà,

thì cần phải vì

những người như vậy

tán dương rộng rãi

cỗ xe duy nhất.

(143) Này Xá Lợi Phất,

chư vị phải biết,

nguyên tắc chư Phật

là như thế đó:

Vận dụng phương tiện

tùy nghi thuyết pháp.

Ai không tu học

không thể hiểu thấu.

(144) Đến như chư vị

khi đã biết được

sự thể tùy nghi

phương tiện thuyết pháp

của chư Phật đà,

bậc thầy thế gian,

thì đừng còn nữa

những sự nghi hoặc.

Tất cả chư vị

hãy vui mừng lên,

khi tự biết chắc

mình sẽ làm Phật.

___________

Kết thúc tụng kinh Pháp Hoa, chúng con xin hồi hướng:

Vạn ức thời kỳ

không thể nói được

mới được có lúc

Phật nói Pháp Hoa.

Vạn ức thời kỳ

không thể nói được

mới được có lúc

nghe nói Pháp Hoa.

Chúng con nương nhờ

Phật Pháp Tăng lực

mới được trì tụng

Diệu Pháp Liên Hoa.

Chúng con nguyện đem

công đức như vầy

hiến khắp tất cả

các loại chúng sinh,

cầu cho chúng con

cùng với chúng sinh

đều được thành tựu

tuệ giác chư Phật.

Kính lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản kinh của tuệ giác bình đẳng vĩ đại, bản kinh dạy cho Bồ tát và được chư Phật giữ gìn. Kính lạy tất cả Pháp bảo trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Kính lạy đức Thích Ca Mâu Ni, đức Phật giáo chủ bổn sư, đã tuyên thuyết kinh Pháp Hoa. Kính lạy đức Đa Bảo, đức Phật đã làm chứng cho kinh Pháp Hoa toàn là chân thật. Kính lạy đức Di Lạc, đức Phật đương lai đã phát khởi kinh Pháp Hoa và tiếp dẫn những người hành trì Pháp Hoa vãng sinh Đâu Suất tịnh độ. Kính lạy tất cả Phật bảo trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Kính lạy Bồ tát Văn Thù, vị pháp sư Pháp Hoa. Kính lạy Bồ tát Phổ Hiền, vị khuyến phát Pháp Hoa. Kính lạy Bồ tát Quán Âm, vị đại sĩ toàn diện. Kính lạy tất cả Tăng bảo là các vị Bồ tát, các vị Duyên giác và các vị Thanh văn trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com