Thích Thông Huệ
CHỨNG NGHIỆM THIỀN
III- SỐNG HỒN NHIÊN VÀ TÙY DUYÊN HOÁ ĐỘ:
Đời sống thiền tập giúp hành giả thoát khỏi ý niệm phân biệt hai bên. Giai đoạn đầu, tọa thiền theo dõi hơi thở hay tri vọng, mọi việc xảy ra xung quanh ta vẫn biết nhưng không vận dụng tư duy, dần dần ta có sự bình an khi tĩnh tọa. Tiến thêm một bước, trong cuộc sống thường ngày, nhờ chánh niệm tỉnh giác trước mọi biến chuyển của thân tâm cảnh để nhận diện và chuyển hoá, ta có thể đối phó với mọi tình huống mà không mất sự bình ổn tự chủ. Nhà Thiền dùng bát phong làm thước đo định lực của người tu, chứ không đánh giá kết quả hành trì dựa vào sự diễn đạt khéo léo, lời thuyết giảng lưu loát hoặc những cảnh giới thấy được lúc tọa thiền.
Khi công phu đến chỗ thâm sâu, như cây có gốc rễ vững vàng trước giông bão, người tu có một sức sống riêng, một phong thái riêng, biểu hiện sự tự tại trước mọi hoàn cảnh. Các Ngài không thấy đạo phải thủ đắc và đời phải xa lìa, vì không có cái phi tục ở ngoài phàm tục, cái xuất thế ở ngoài thế gian, cái thường hằng ở ngoài sinh diệt. Cuộc sống là một dòng chảy bất tận, và Thiền không phải xa rời cuộc sống hay chận đứng dòng sống sinh động để tìm sự bất động vĩnh hằng. Thiền tập là bơi lội vào dòng sống luân lưu không dừng nghỉ ấy, vào thế gian pháp sinh diệt ấy mà nhận ra Phật pháp nhiệm mầu. Phiền não tức Bồ- đề là như thế.
Nhà Thiền có câu:
Tùy duyên tiêu nghiệp cũ
Hồn nhiên mặc áo xiêm.
Hay:
Ở đời vui đạo khéo tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Những bậc đạt đạo thường không theo một khuôn mẫu nhất định nào trong phong cách sinh hoạt. Mỗi vị biểu hiện một vẻ rất riêng, nhưng hồn nhiên đói ăn mệt ngủ. Người đời thường lầm tưởng, phải ra vẻ nghiêm trang đạo mạo mới đúng phong thái Thiền sư, lâu ngày sự miễn cưỡng cường điệu ấy trở thành một loại kiết sử, trói buộc họ vào khuôn khổ cứng nhắc. Ngược lại, có người chủ trương phá chấp triệt để, trở thành buông lung phóng túng. Đó là hai cực đoan không hợp lẽ đạo.
Sự hồn nhiên của những bậc đạt đạo, trước hết là vô tâm khi tiếp duyên xúc cảnh. Vô tâm không phải là không biết, mà là thấu hiểu tất cả mọi điều nhưng không khởi niệm phân biệt hai bên. Do lìa nhị biên nên không vướng bận ngã nhơn, các Ngài vẫn sinh hoạt giữa lòng cuộc đời, vẫn sống bình thường như mọi người, nhưng trong cái bình thường ấy lại hàm chứa sự phi thường, vì buông xả được tất cả phiền não chấp trước. Hơn thế nữa, tính hồn nhiên còn là tự chủ, kham nhẫn và lòng can đảm vô song- đó là cái Dũng của Thánh nhân. Các Ngài đã chiến thắng chính mình, nên trước những thử thách gian nan hay cám dỗ ngũ dục, trước những chướng ngại bệnh tật của thân tâm, trước cả niềm vui xuất thế do các tầng Thiền định đưa đến, các Ngài vẫn an nhiên tự tại. Thiền sư Linh Hựu khi về núi Qui, chỉ một thân một bóng, ăn trái rừng uống nước suối mỗi ngày. Gặp thú dữ, Ngài chỉ bình thản nói một câu: “Nếu ta có duyên với núi nầy, các ngươi nên tránh đi chỗ khác; nếu ta không có duyên ở đây thì các ngươi cứ ăn thịt ta đi!(8), thế là thú dữ bỏ đi. Tự chủ trước hiểm nguy, kham nhẫn trước khó khổ, can đảm chiến đấu với hoàn cảnh ngặt nghèo bên ngoài cùng nỗi cô liêu cay đắng bên trong, để cuối cùng trở thành vị Đại Thiện tri thức cho 1.500 đồ chúng, đó có phải là cái Dũng của Thánh nhân? Không có cái Dũng phi phàm ấy, Thiền sư Linh Hựu khó thể sống hồn nhiên suốt bảy năm trên ngọn núi không một bóng người.
Vua Kế Tân mang gươm đến trước Tổ Sư Tử, hỏi:
- Thầy đã được không tướng chưa?
- Đã được.
- Đã được, thì còn sợ sống chết không ?
- Đã lìa sống chết thì đâu có sợ?
- Chẳng sợ, có thể cho ta cái đầu chăng?
Ngài đã trả lời rất hồn nhiên:
- Thân chẳng phải cái của ta, huống nữa là đầu.(9)
-
Kinh Pháp Hoa có ví dụ về Hoá thành và Bảo sở. Đường tu xa vời hiểm trở dễ gây sự chán nản thối chí, nên cần có những nơi nghỉ ngơi tạm thời gọi là Hoá thành. Khi hành giả đã phục hồi sức lực, phải tiếp tục tiến bước, đến Bảo sở mới là mục tiêu cuối cùng. Hoá thành là những tầng Thiền định từ thấp lên cao, khi công phu còn có sự dụng công tác ý, còn có bóng dáng của Thọ và Tưởng. Thọ là cảm giác, Tưởng là tư tưởng. Những cảm giác khinh an hỷ lạc hoặc những linh ảnh cảnh giới lúc tọa thiền đều thuộc các tầng Thiền định giới hạn. Người tu theo tinh thần Đại thừa biết buông xả những cảm thọ ở thân tâm, khéo vượt qua mọi vọng tưởng chấp trước, khéo công phu đúng ý nghĩa Vô sở đắc Vô sở cầu, mới có thể đến Bảo sở. Tuệ Trung Thượng Sĩ có lần dạy vua Trần Nhân Tông:
Trì giới cùng nhẫn nhục
Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
Muốn biết không tội phúc
Không trì giới nhẫn nhục.
Lời dạy có vẻ lạ lùng kỳ quái khiến người nghe phải giựt mình, nhưng đây là lối công phá tột cùng của Bát-nhã và là yếu lý của Đạo. Thường thì khi làm một công hạnh gì, ta thích người khác biết đến. Người đang trì giới còn thấy ta là người trì, có giới luật để trì. Người nhẫn nhục cũng thấy ta đang thực hiện nhẫn nhục, có sự việc phải nhẫn và có đối tượng cho sự nhẫn nhục của ta. Càng trì nhẫn, càng thấy ta hơn người, sự chấp ngã càng sâu nặng nên chuốc tội chứ chẳng chuốc phúc. Người tu siêu việt cả tội phúc thì làm tất cả việc gì cũng không thấy thật có ta là người làm, có công hạnh để làm và có đối tượng cho việc làm ấy. Đây là ý nghĩa của của Tam luân không tịch. Đến mức độ nầy, các Ngài không thấy mình trì giới nhưng không có giới nào không giữ, chứ không phải buông lung phá giới. Chỗ nầy là điểm rất quan trọng và tế nhị, nếu không khéo hiểu và khéo hành, ta dễ sa vào đường tà, uổng một đời tu. Vì thế, Thượng Sĩ phải dặn thêm “Chớ bảo cho người không ra gì biết”. Lời dạy của Ngài là chân lý, nhưng vì quá cao siêu nên nếu đến tai người còn nông cạn khiến họ hiểu lầm sanh phóng túng lơi lỏng, càng chuốc thêm tội lỗi .
Bài kệ thứ hai làm rõ thêm lời dạy của Ngài:
Như khi người leo cây
Trong an tự cầu nguy.
Như người không leo cây
Trăng gió có làm gì?(10)
Người đang ở dưới đất yên ổn, tự nhiên leo lên cây làm gì để mang hoạ vào thân? Không leo cây nghĩa là không tác ý miễn cưỡng, là hồn nhiên khi sống khi tu. Vì không còn ý thức chấp ngã, các Ngài làm mọi việc một cách tự nhiên như hơi thở ra vào. Không còn khởi niệm phân biệt tội phúc thì vấn đề trì-nhẫn cần gì phải đặt ra? Cho nên, các vị Thiền sư có cuộc sống phóng khoáng thuận hạnh nghịch hạnh tùy duyên, ta không thể dùng kiến giải của phàm phu mong hiểu thấu hành tung của các Ngài.
Đối với hàng môn đệ, các Ngài cũng tùy đương cơ mà có phương tiện giáo hoá thích hợp. Bởi vì, Thiền không phải là một hệ thống lý luận sư phạm, một triết thuyết có biện chứng, mà là nội dung tâm chứng, là cảm hứng tùy duyên. Do vậy, sự thuyết pháp hay lối dạy của các Ngài không theo đề mục bài bản soạn sẵn, mà là lối tác động trực tiếp vào tâm thức người nghe, khiến đương cơ lãnh hội trong chớp nhoáng.
Một môn nhân hỏi Thiền sư:
- Sau khi chết đi về đâu?
Sư đáp:
- Nằm dài lưng sát đất, ngực hướng thẳng lên trời.
Câu trả lời không theo phương pháp biện chứng, không giảng giải dài dòng để người nghe sa vào mê cung chữ nghĩa.Thiền sư nói về vấn đề trọng đại ấy một cách thẳng tắt, thực tế ngay trước mắt. Nhận thì ngay đó liền nhận, không thì thôi, bặt đường suy nghĩ.
Tăng hỏi Thiền sư Huyền Sa:
- Thế nào là đại ý Phật Pháp?
Ngài trả lời:
- Rất ít người nghe tôi thuyết
- Xin Hòa thượng trực tiếp dạy cho con
- Ông có điếc không?
Tăng mờ mịt không hiểu.
Ngay câu đáp đầu tiên “Rất ít người nghe tôi thuyết”, Ngài Huyền Sa đã dạy rồi, nhưng do vị tăng mãi chạy theo tiếng mà quên xoay lại Tánh nghe, nên bị Ngài bảo là điếc. Chúng ta cũng như thế, hàng ngày tiếp xúc với trần cảnh mà quên Tánh biết thường hằng, nên không thấy tất cả các pháp đang diễn bày Phật pháp.