Thích Thông Huệ
THUẦN NHẤT VÀ ĐA THÙ
III- ÁP DỤNG THỰC TẾ:
1- Khoa học và Đạo học:
Pascal nói: “Tôi tư duy, do vậy tôi hiện hữu”(Je pense, donc je suis). Tư duy là hành vi của ý thức, có phân biệt giữa chủ thể và đối tượng, có lúc sanh lúc diệt, khi đến khi đi. Nếu nhận tư duy là mình thì khi không suy nghĩ gì cả mà vẫn biết, cái biết đó là ai? Và nếu tư duy là mình thì chẳng lý nào mình lại biến thiên nhiều mặt buồn vui thiện ác... đến thế? Quan niệm “Có tư duy là có mình” thật ra cũng hợp lý trên phương diện tục đế nhưng không chính xác trên chân đế, bởi vì ta lầm cái giả ngã động dụng là mình mà không thấy chân ngã bất động, nhận hình tướng sai biệt đa thù mà không nhận bản chất thuần nhất bất sanh. Đây là sự mê lầm của con người, và chư Phật thương chúng sanh một cách bình đẳng cũng vì cái vô minh ấy.
Ngày nay, khoa học đã đi đôi hia bảy dặm để có những bước đột phá về cả hai lĩnh vực vũ trụ và nhân sinh. Tinh thần khoa học là dám hoài nghi và tiếp thu có chọn lọc những tri thức và kiến thức của nhân loại. Sở trường của khoa học là vận dụng chất xám trong suy luận, phân tích và tổng hợp để khám phá những bí mật của con người và thế giới, mục đích phục vụ cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, vì có đối tượng là bản ngã nên khoa học lầm lẫn ngay từ đầu, vì còn ngã chấp là còn đau khổ, còn bất an. Nhiều thành tựu của khoa học lại bị áp dụng để phục vụ cho tham vọng của con người, tạo điều kiện cho kẻ mạmh ức hiếp kẻ yếu, nước giàu lấn át nước nghèo. Ngay đối với ngành Y, một ngành khoa học có ý nghĩa cao đẹp là chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ con người, hiện tại cũng bị những người vô đạo đức biến thành một thứ kỹ nghệ, một ngành kinh doanh mới, thậm chí trở thành tội ác. Ví như kỹ thuật ghép nội tạng, mục đích cứu mạng sống cho bệnh nhân, nhưng có những tổ chức biến công việc này thành thị trường mua bán nội tạng, con người trở thành món hàng trao đổi. Từ đó những phương pháp điều trị hiện đại bỗng trở nên xa lạ với truyền thống nhân bản của ngành Y. Cho nên, một nhà khoa học đã nói “Khoa học không có lương tâm chỉ là sự hũy hoại linh hồn”.
Từ sự bế tắc của khoa học, một số nhà bác học quay sang nghiên cứu về Đạo học, và cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của khoa học và tâm linh. Albert Einstein, nhà bác học hàng đầu thế giới của thế kỷ 20 đã nhận xét: “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi ý nghĩa thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy sẽ bao quát tất cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên cơ sở đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể mà không rời nhất thể. Phật giáo đáp ứng được những yêu cầu ấy”. Đạo Phật vượt lên ý nghĩa thần linh, vì Đức giáo chủ đã xác nhận mình chỉ là một vị Thầy dẫn đường, không là một đấng quyền năng ban phước giáng hoạ. Đạo Phật không có giáo điều vì không hề đưa ra những khuôn khổ cứng nhắc, không hề có giáo quyền bắt buộc người khác tuân theo; và nhờ uyển chuyển tùy duyên, suy tiến sự tự nguyện tự giác nên suốt 25 thế kỷ truyền đạo, chưa bao giờ làm hại một ai. Giáo lý của đạo Phật không mang tính mặc khải thần học, mà bao quát cả tự nhiên lẫn siêu nhiên; tự nhiên là tự nó vốn có, tồn tại độc lập với ý thức con người như lý vô thường, nhân quả; siêu nhiên là sống ngay cảnh đời mà không bị đời ràng buộc. Người tu Phật biết thân mình là vô thường sanh diệt, nhưng ngay thân vô thường nhận ra tự tánh bất sanh; biết con người nhỏ nhoi hữu hạn, nhưng ngay thân phận hữu hạn nhận ra bản thể vô hạn bao la. Tự nhiên là thuộc Tục đế có sanh có diệt, siêu nhiên là Chân đế bất sanh; cả hai đều được liễu hội và tiêu dung trong tinh thần bất nhị độc đáo của nhà Phật. Và chính trong tinh thần ấy, những bậc đạt đạo đã có kinh nghiệm tổng thể lẫn biệt thể về vũ trụ vạn loại bằng sự thấy biết như thật. Đây là hành vi của trực giác Bát-Nhã, của trí vô sư nên không có ngã tướng. Những nhà tu Phật cũng là những khoa học gia, nhưng là khoa học tâm linh vượt lên trên khoa học vật thể, vì các Ngài khám phá được bản thể của muôn pháp và thực hành những phương tiện giúp mình giúp người vượt thoát trần lao sanh tử.
Như vậy, khoa học muốn là công cụ hữu ích thì phải song hành với Đạo học. Khoa học là hình thức đa thù của cuộc sống, Đạo học là nội dung thuần nhất của cuộc sống ấy. Hình thức và nội dung phải đi đôi, phải hòa hợp, phải quân bình. Nhiều người là Phật tử, nhưng do choáng ngợp trước sự phát triển vượt bực của khoa học mà muốn xét lại quan điểm của đạo Phật, cho rằng như thế là phù hợp với thời đại. Quả thật khoa học là phương tiện hữu ích để kiểm chứng và xác định giá trị của giáo lý đạo Phật, nhưng không vượt qua được hệ thống giáo lý ấy. Cái nhìn của khoa học chỉ phiến diện theo thức tri tưởng tri trong phạm vi thế gian mà không khám phá được pháp giới, và không bơi lội vào trạng thái siêu nhiên của những bậc đạt đạo. Đối tượng nghiên cứu của khoa học chỉ ở trong thế giới hữu hình, tinh tế nhất là dạng sóng và hạt cũng chỉ là hữu hình trong vũ trụ; trong khi đạo Phật bao quát cả pháp giới vừa hữu hình vừa vô hình. Đức Phật bằng cái thấy minh triết, đã triển khai cặn kẽ về lý duyên sinh vô thường của các pháp, đồng thời chỉ dạy cùng tột về bản thể chân như vô tướng. Ánh sáng khoa học lần lượt soi rọi những bí mật về vũ trụ nhân sinh, càng chứng minh những điều Đức Phật đã nói trước đây 25 thế kỷ là vô cùng chính xác. Và trí tuệ siêu xuất của Ngài đã làm thế giới văn minh phương Tây ngạc nhiên bái phục, đến nỗi một lần nữa, Einstein phải thừa nhận: “Nếu có một tôn giáo nào thoả mãn được các nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hoá với những khám phá mới. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học, vì Phật giáo bao gồm cả khoa học, và hơn thế, vượt qua khoa học”.
Trong cuộc sống thường nhật, nếu con người áp dung khoa học song song với Đạo học, nếu nền văn minh nhân loại có đạo đức soi đường, thì cuộc đời là Thiên đàng hạnh phúc. Có đạo lý, sự vui tươi giải trí mới có ý nghĩa, nếu không thì chỉ thỏa mãn những thị hiếu, những dục vọng tầm thường. Một số thanh thiếu niên ngày nay không có hướng đi đúng đắn, gia đình quá nuông chìu, đã lãng phí tuổi xuân vào những cuộc vui không lành mạnh, cuối cùng chuốc lấy những hậu quả khó lường. Ngay cả những tiện nghi sinh hoạt, người sản xuất phải luôn thay đổi kiểu dáng, mặt hàng và đủ cách tiếp thị, khuyến mãi. Con người cứ thế bị vây hãm trong trường hỗn độn của màu sắc, mùi vị, âm thanh; bị lôi kéo bởi tính đa thù của sự vật bên ngoài mà quên mất thể tánh thuần nhất bên trong. Từ đó, đánh mất luôn sự bình an muôn thuở.
Ném một hòn sỏi xuống hồ, sức chấn động từ hòn sỏi tạo thành những vòng tròn đồng tâm lan khắp mặt hồ. Đây là ảnh hưởng tương tác. Biệt nghiệp của mỗi chúng sanh khác nhau, nhưng cộng nghiệp cũng ví như sự lan truyền của chấn động nói trên. Mỗi người có ảnh hưởng hỗ tương với những người xung quanh và môi trường họ đang sống. Ta khởi một niệm ác thì niệm ác này có tác dụng xấu ra chung quanh; nếu tâm từ phát sinh thì cả cây cỏ chim muông cũng đều cảm nhận được. Điều này thấy rõ khi ta ở gần một vị chân tu đắc đạo, tư tưởng của Ngài tỏa lan khiến ta có cảm giác bình an tươi mát, dù Ngài không làm gì, nói gì.
Đức Khổng Tử đã nói: “Chỉ có bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là chẳng thể dời đổi. Những hạng trung gian có thể chuyển đổi từ ác sang thiện và ngược lại”. Chúng sanh đa phần không hiểu đạo lý, mãi tạo nghiệp hư vọng điên đảo, không việc ác nào chẳng làm, không việc làm nào chẳng ác, như kinh Hoa Nghiêm diễn tả: “Giả sử nghiệp ác có hình tướng thì mười phương hư không cũng chẳng dung chứa hết”. Đó là nhân đọa vào ba đường dữ. Người biết đạo đức, bỏ ác làm lành là tiến một bước trên đường hướng thượng, tạo phước báo nhơn thiên, nhưng còn hữu vi hữu tướng, nên chưa ra khỏi luân hồi. Các vị Thánh Nhị thừa lánh xa tướng đa thù, rũ sạch nợ đời đoạn ly sanh tử, trở về bản thể thuần nhất bất động và an trú trong đó. Các Bậc Bồ–tát và những vị A-la-hán lợi căn thì sau khi liễu đạo, các Ngài thấu triệt tinh thần bất nhị nên siêu vượt thiện-ác, phiền não và Bồ đề, phát nguyện trở lại Ta-bà độ tận chúng sanh.
2-Áp dụng trong công phu:Từ đa thù nhận ra thuần nhất
Là thiền sinh, chúng ta phải có công phu thiền tập. Dù tư biện huyền đàm khéo giỏi đến bao nhiêu mà không đi sâu vào mảnh đất tâm của chính mình, thì chỉ như đếm tiền dùm người khác. Chứng nghiệm Thiền không nhờ chữ nghĩa chuyên chở, mà nhờ quá trình tu tập giúp mình nhận rõ từng dấu vết của tâm niệm, từng sự biến đổi của vạn hữu, từ đó phăng tìm nguyên uỷ là thể tánh tự tịnh tự tri. Đây là tiến trình bơi ngược dòng nước, từ vạn tượng đa thù nhận ra bản thể thuần nhất.
Con người chỉ tin vào những điều mắt thấy tai nghe, và cho đó mới là trí tuệ. Thật ra, có những việc ở ngay trước mắt mà nhục nhãn không thấy được, trí óc giới hạn của con người không hiểu thấu. Thấy biết được thì cho là có, không thấy biết cho là không; nhưng có và không đều do ý thức lập bày, mà ý thức chỉ là phần nổi của tâm. Tâm là bản thể, là nguyên ủy của mọi sự vật hiện tượng, là họa sĩ vĩ đại vẽ ra hoàn cảnh chánh báo và y báo của chúng sanh. Đức Phật dạy: “Tam giới hư vọng đản thị nhất tâm tác”, ba cõi đều hư vọng, chỉ do một tâm tạo ra. Tùy phước nghiệp và tâm mỗi người mà các pháp biểu hiện thành nhiều vẻ khác nhau. Chỉ một tâm mà tạo dựng muôn loài chúng sanh cùng khắp pháp giới; nên nếu muốn nhận ra tâm, phải phăng tìm từ muôn pháp hay từ thân năm uẩn của chính mình.
Kinh Pháp Hoa có bốn câu kệ:
Chư pháp tùng bổn lai
Thường tự tịch diệt tướng.
Phật tử hành đạo dĩ
Lai thế đắc tác Phật.
Nghĩa:
Các pháp từ xưa nay
Tướng thường tự vắng lặng.
Phật tử hành đạo rồi
Đời sau được thành Phật.
Từ xưa đến nay, tuy biểu tướng các pháp là biến đổi vô thường, nhưng thực tướng thường tự vắng lặng. Chúng ta chỉ có cái thấy hời hợt bên ngoài, lại đem ý thức áp đặt lên các pháp nên thấy chúng náo động sanh diệt. Nếu nhìn thấu thể các pháp, nhận ra thực tướng vô tướng của chúng, là cái thấy phản tỉnh trở về nguồn cội. Công phu như thế, Phật tử có thể cùng chư Phật chư Tổ song hành. Sơ Tổ Trúc Lâm Yên Tử lúc sắp tịch, bảo môn đệ Bảo Sát: “Đến giờ ta đi”. Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đến nơi nào?”. Ngài đáp:
Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền
Hà khứ lai chi liễu dã.
Nghĩa:
Tất cả pháp chẳng sanh
Tất cả pháp chẳng diệt
Nếu khéo hiểu như thế
Chư Phật luôn trước mắt
Làm gì có đến đi.
Khi nhận rõ các pháp xưa nay tướng thường tự vắng lặng, thì đương sanh mà vô sanh, đương diệt lại vô diệt. Do vậy, phải tìm vô sanh ngay các pháp sanh, tìm vô diệt ngay các pháp diệt. Khéo hiểu điều này, chư Phật ở ngay đương xứ chưa hề đến đi, nên gọi Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ. Chư Phật thường hiện tiền vì chư Phật là thể tánh thanh tịnh nơi mọi chúng sanh cùng khắp pháp giới.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy:
Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo.
Nếu muốn liễu hội trọn vẹn ba đời chư Phật, hành giả phải quán tánh pháp giới, tất cả đều do tâm tạo. Tánh pháp giới là Không tánh, bản chất bất động an nhiên; khi châu lưu thì thể hiện bằng nhiều hình tướng. Mọi cảnh giới đều do tâm tạo, thân năm uẩn cũng từ tâm mà có. Khi nào còn phân biệt giữa chủ thể và đối tượng nhận thức, giữa ta và cảnh, ta còn chưa vượt được rào cản nhị nguyên, còn quẩn quanh giữa hình thái đa thù của pháp giới. Khi tâm hoàn toàn lặng lẽ, đối cảnh không khởi niệm mà vẫn thường hay biết, ta nhận ra thực tướng của các pháp. Như vậy, ngay những hình tướng muôn trùng của sự vật, khi không còn hoạt động của thức tri tưởng tri tức sản phẩm của thức, hành giả thấu suốt pháp giới tánh nhờ thắng tri, nhờ trực giác phóng xuất. Ấy là từ biểu tướng đa thù nhận ra thực tướng thuần nhất của muôn pháp.
Tổ Lâm Tế một hôm bảo trước chúng:
-Trên cục thịt đỏ có Vô vị chân nhân, thường từ cửa mặt các ông ra vào. Người chưa được chứng cứ hãy xem, xem!
Một vị tăng bước ra thưa hỏi:
- Thế nào là Vô vị chân nhân?
Tổ bước xuống pháp toà, nắm cổ áo của vị tăng và nạt: “Nói! Nói!”. Vị tăng không đáp được. Tổ buông thỏng một câu:
- Càn thỉ quyết! (Que phân khô)
“Vô vị chân nhân” là chân nhân không ngôi thứ, chỉ bản tâm vô nhất vật. Bản tâm không hình tướng, trùm khắp vạn tượng, lưu xuất từ thân ngũ uẩn nên nói trên cục thịt đỏ có Vô vị chân nhân. Từ bản tâm hiển lộ ra sáu căn, nên nhà Thiền gọi là tánh thấy nghe hay biết. Tổ bảo người chưa chứng cứ hãy xem, nhưng chưa nhận ra bản tâm thì làm sao xem thấu? Vị tăng cũng đã có chỗ thấy, nhưng chưa sống hoàn toàn với bản tâm, nên khi Tổ lấn át bằng cơ phong cao vút thì vị tăng mất định tĩnh, không thể trả lời. Cuối cùng, Tổ buông câu Càn thỉ quyết, có tính cách thô lỗ giúp đương cơ bặt vọng niệm trực nhận vấn đề, nhưng vị tăng chạy theo tiếng nên đã lầm qua. Những người sau nầy cũng mãi mê giải thích bao điều về que phân khô, tất cả đều bị đầu lưỡi Thiền sư đánh lừa.
Ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch là môn đệ xuất cách của Tổ Qui Sơn Linh Hựu. Bữa nọ chăn trâu dưới núi, Ngài thấy một vị tăng lên núi cầu pháp với Tổ, nhưng chẳng bao lâu lại xuống. Ngài bèn hỏi:
- Thượng tọa sao không lưu lại?
Vị tăng đáp:
- Vì nhơn duyên không hợp.
- Có nhơn duyên gì, hãy nói xem !
- Hòa thượng hỏi tôi tên gì, Tôi đáp Qui Chơn. Hòa thượng hỏi tiếp, Qui Chơn ở đâu? Tôi không đáp được.
Ngài Ngưỡng Sơn nói:
- Thượng tọa hãy trở lên, trình Hòa Thượng rằng, Qui Chơn trong mắt, trong tai, trong mũi...
Vị tăng nghe theo, trình Tổ đúng như thế.
Tổ quở:
- Kẻ nói suông vô ích, đây là lời Thiện tri thức của năm trăm người!
“Qui Chơn” là trở về nguồn cội. Nhân tên của vị tăng hành khước, Tổ muốn người nhận ra thể tánh từ sáu căn. Vị tăng chưa rõ lối vào, chỉ theo lời Ngài Ngưỡng Sơn mà đối đáp, nên bị Tổ quở là kẻ nói suông. Chúng ta ngày nay có nhiều cơ hội nghe giảng về yếu lý trong đạo, dễ dàng hiểu được những điều mà người xưa trăn trở nhiều năm. Nhưng người xưa khi nhận ra là thực thấy bằng trực giác Bát-nhã, còn chúng ta chỉ hiểu bằng ý thức phân biệt, thật cách nhau muôn trùng. Đây là điều chúng ta cần ghi nhớ.
Thiền sư Bảo Phước khi thấy Ngài Sư Bị đến, liền lấy gậy đánh cây cột cái, sau đó đánh Ngài. Ngài Sư Bị la đau. Thiền sư hỏi: “Sao ta đánh cây cột nó không la đau?”. Ngài không đáp được. Ngày nay ta có thể trả lời ngay, vì cây cột là vật vô tri, làm sao biết đau, làm sao biết la? Nhưng thật sự, đây là cách Thiền sư giúp Ngài Sư Bị phản tỉnh. Thân mình có khác gì cây cột, cũng do các duyên hợp lại mà thành. Chỉ do thức tâm gá vào nên chấp ngã, bảo tôi đau. Cái tôi chủ thể tức bản tâm, cái biết đau ấy, có đau bao giờ? Đau khổ là do tâm chấp ngã, nhưng nếu từ cái đau mà phăng ra cái biết đau, ta trực nhận Tánh biết nơi thân. Đọc trong Thiền sử, ta thấy rất nhiều cơ hội các Thiền sư tạo cho môn sinh, nhân các pháp hiện tiền nhận ra Tánh biết lung linh qua sáu căn. Đây cũng là cách Đức Phật chỉ cho Ngài A-Nan nhận ra Tánh thấy Tánh nghe, diễn tả trong kinh Lăng Nghiêm: Cánh tay Đức Phật giơ lên, Ngài A Nan thấy có cánh tay; lúc cánh tay hạ xuống, cái thấy đâu có mất, nếu mất làm sao thấy không có cánh tay? Khi đánh tiếng chuông, Ngài A-Nan nghe có âm thanh; khi tiếng chuông lặng, vẫn nghe không có tiếng chuông chứ chẳng phải không nghe. Có tay có tiếng là do đủ duyên mà các pháp hiện hữu, không tay không tiếng là vì hết duyên; còn tánh thấy tánh nghe luôn luôn hiện tiền, có lúc nào vắng mặt?
3- Công hạnh đôï sanh: Từ thể tánh thuần nhất phát khởi diệu dụng đa thù.
Khi vừa thành đạo, Đức Phật thấy tất cả chúng sanh đều có mầm mống giác ngộ, nhưng vì vô minh nên chìm đắm trong sanh tử. Nhưng lý Đạo lại quá cao siêu, nói làm sao cho người khác hiểu; e người nghe không tin không hội, trở lại phỉ báng càng thêm tạo tội. Vì thế, Ngài định nhập Niết-bàn.
Chư thiên lúc ấy cầu thỉnh bao phen bằng nhiều lời thống thiết, Đức Phật mới trụ thế và chuyển pháp luân, nhưng dùng phương tiện tùy duyên giáo hoá. Mở đầu là Tứ Đế, Bát thánh đạo, Thập nhị nhân duyên..., tất cả ba thừa mười hai phần giáo đều là ngón tay chỉ mặt trăng, là những phương pháp tùy bệnh cho thuốc. Phương tiện thì vô số nhưng đều chỉ nhằm một mục đích duy nhất. Mục đích ấy, đến cuối đời tại pháp hội Linh Sơn, Đức Phật xương minh bằng cành sen xanh đưa lên và đôi mắt màu sen xanh nhìn khắp lượt đại chúng. Toàn thể pháp hội, im lặng ngơ ngác; nhưng kìa, một ánh mắt tri âm! Đức Phật và Ngài Ca-Diếp nhìn nhau, một phút giây thành vĩnh cửu. Ấy là hội tam quy nhất, cả ba thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát quy về một Phật thừa. Dù chỉ một Phật thừa nhưng trùng điệp tám vạn bốn ngàn pháp môn. Tinh thần bất biến- tùy duyên là như thế.
Nhà Thiền có hai câu kệ:
Phật chơn pháp thân du như hư không
Ứng vật tùy hình như thủy trung nguyệt.
Pháp thân chơn thật của chư Phật giống như hư không, nhưng ứng hoá thân như bóng trăng dưới nước. Hình ảnh tỉ dụ này thật đẹp đẽ huyền diệu. Hư không trùm khắp không hình tướng, bàng bạc siêu vượt không-thời gian. Hư không chỉ một nhưng diệu dụng như hằng sa, giống mặt trăng trên trời có một nhưng hiện trùng trùng bóng trăng dưới nước. Đó là tùy cảm tùy ứng, theo tâm nguyện chúng sanh mà thị hiện nhiều hình tướng thích hợp. Bồ-tát Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, ngàn mắt là cái thấy thấu thể mười phương cõi nước, ngàn tay là diệu dụng cứu độ tất cả muôn loài. Con đường Bồ- tát đạo là lộ trình các bậc Giác ngộ phải đi qua, khi viên mãn tự giác-giác tha mới thành tựu quả vị Phật. Các Ngài làm tất cả Phật sự mà không ngoài thể tánh, nên nói Xứng tánh tác Phật sự. Từ thể tánh, các Ngài thị hiện nhiều báo thân và ứng thân làm lợi ích cho muôn loài. Đức Phật Di-Đà với báo thân ở cõi Cực lạc phương Tây, Đức Phật Dược Sư ở phương Đông... thiết lập Tịnh độ tiếp dẫn chúng sanh hữu duyên, một lòng tin tưởng ở các Ngài và nguyện cầu được thác sanh về nơi đó. Vào ra trong tam giới, các Ngài có những Ứng hoá thân, tùy duyên hoá độ theo hạnh Đồng sự nhiếp, như 32 hoá thân của Bồ-tát Quán Âm, Hòa thượng Bố Đại là hoá thân của Ngài Di- Lặc...
Mặt khác, các bậc Giác ngộ khi nhận ra lý Đạo thì cái thấy trở nên toàn triệt và thấu thể. Trong trạng thái tịch tĩnh của tâm mà các Ngài quán xuyến mọi chuyển biến của các pháp. Tịch tĩnh là thuần nhất, chuyển biến là đa thù; vì quán triệt cái một nên bao quát tất cả. Sự thấy biết của các Ngài không phụ thuộc vào tri thức hữu vi hữu sự của thế gian, có tính chất phiến diện tương đối; mà do trí vô sư, trí tuệ tự thân thẩm thấu một cách toàn diện triệt để vào thực tướng muôn pháp. Các Ngài biết rõ căn cơ trình đôï của đương sự, nên có thể sử dụng phương tiện thích hợp để giáo hoá. Phương tiện tùy duyên nhưng chân lý chỉ có một, đó là tinh thần khế cơ khế lý. Nhờ vậy, môn đệ của các Ngài có nhiều cơ hội trực nhận bản tâm; như ở thời Đức Phật, ngàn người tu rất nhiều người ngộ nên gọi là thời kỳ Chánh pháp; đến thời Tượng pháp, do các Thánh đệ tử của Đức Phật giáo hoá, ngàn người tu cũng được trăm người ngộ Đạo. Ngày nay, các bậc ngộ đạo vẫn thỉnh thoảng xuất hiện nơi này nơi khác nhưng ít hơn so với thời kỳ trước rất nhiều, vì thế được xem là thời Mạt pháp.
Vua Trần Thái Tông có bài kệ mượn lời hai câu trong kinh Pháp Hoa:
Chư pháp tùng bổn lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng.
Trạng thái vắng lặng tự nhiên của tự tánh không chống trái với sự sinh động muôn màu củùa pháp giới. Tuy các pháp xưa nay, thực tướng là tịch diệt, nhưng đến mùa xuân trăm hoa vẫn nở, chim hoàng oanh vẫn hót trên cành liễu. Người tu không nên tiêu cực ẩn trú mãi trong cảnh giới tĩnh lặng, mà khi liễu tri lẽ thật, các Ngài thổi một luồng sinh khí vào cuộc đời. Đây là tinh thần tích cực nhập thế của đạo Phật, vì sắc tức thị không, thể dụng bất nhị, thuần nhất và đa thù không hai không khác. Các Ngài làm mọi việc có ích cho đời trong trạng thái buông xả, buông xả hoàn toàn nhưng mọi việc đều có kết quả mỹ mãn. Buông xả ở đây có nghĩa buông hết những vướng mắc của Căn- Trần-Thức, buông hết những buộc ràng của phiền não tham-sân-si, chứ không quên mất bản tâm. Trong thời Đức Phật, một số ngoại đạo chỉ trích Ngài phá hoại cuộc sống, vì theo họ, nhờ tham mới có tư hữu, nhờ đấu tranh thì xã hội mới thăng tiến, mức sống mới tăng trưởng. Đức Phật trả lời: “Ta chỉ bảo tham sân si làm vẩn đục cuộc sống nên chủ trương dẹp trừ tham sân si; không phải dẹp trừ luôn cuộc sống”. Ngài bảo “Dẹp trừ tham sân si”, ấy chỉ là một cách nói; thật sự chỉ cần thấu rõ bản chất không thật của tham sân si, thì ngay đó chấm dứt phiền não. Bằng trí tuệ Bát- Nhã soi thấu căn để của vạn pháp, thấy rõ bản chất không thật của chúng, các bậc Giác ngộ vẫn đi vào trần lao mà vẫn sống trọn vẹn với Bồ-đề. Hình tượng Đức Di-Lặc với nét cười tự tại giữa sáu đứa trẻ là một biểu hiện tuyệt vời của người tu Bồ–tát đạo hành Bồ-tát hạnh, hòa quang đồng trần giáo hoá quần sanh.